# 10 - Kí ức ùa về
Trong kí ức của Giang có một dấu ấn đặc biệt về những ngày tháng tuổi thơ cùng với một người bạn đặc biệt, tên là Nấm.
Mà trong trí nhớ của Giang thì đó là một thằng nhóc có làn da đen nhẻm, tóc rối lù xù, người lùn tịt, quần áo thì lúc nào cũng nhàu nhĩ, nhưng lại có một đôi mắt rất sáng. Tự khi nào mà một thằng bé khi lớn lên có thể đùng một cái biến thành con gái với làn da trắng trẻo thế được? Mặc dù theo Giang thì cái đứa con gái kia cũng chả giống con gái cho lắm.
Giang cảm thấy ngay lúc này không thể tiêu hoá được cái sự thật gây sốc cực độ kia. Chậm rãi hồi tưởng, từng mảng kí ức xa xăm như bức tranh màu rực rỡ vội vã ùa về...
* * *
Cuối tháng Năm, nắng vàng một mảng rực rỡ. Cuộc họp phụ huynh kết thúc, với kết quả học sinh Giỏi xuất sắc không ngoài mong đợi, Giang chia tay với lớp Bốn, học kì tới cậu sẽ chính thức lên lớp Năm, và vinh dự được nhà trường giao trọng trách làm liên đội trưởng trong năm học mới.
Đó sẽ là câu chuyện sau ba tháng nữa, còn bây giờ là kì nghỉ hè mà Giang mong đợi nhất, chính là chuyến về quê thăm ông bà nội hàng năm. Những năm trước, Giang chỉ về chơi với ông bà khoảng một, hai tuần rồi quay lại học hè, còn năm nay bố mẹ cho phép Giang ở lại chơi tận ba tháng, không còn gì hạnh phúc hơn với một cậu bé đang độ tuổi ham chơi hiếu động như Giang.
Ông bà không sống trên thành phố cùng bố mẹ Giang, mà sống ở khu ngoại thành với gia đình chú Tuân, không khí ở đó vừa mát mẻ vừa trong lành. Đặc biệt ở đó lại có thằng Tuấn, con chú Tuân, em họ bằng tuổi Giang, hai anh em chơi rất thân, nên năm nào Giang cũng chỉ mong ngóng đến hè để hai anh em còn tụ họp.
Thằng Tuấn sinh cuối năm, kém Giang gần một tuổi nên khi đứng cùng nhau nó vẫn cao chưa quá mang tai của Giang. Lần nào gặp nó cũng nói sẽ ăn thật nhiều để cao hơn anh Giang, nhưng mà số phận hẩm hiu, nó cao thêm thì Giang cũng cao thêm, thế nên đến bây giờ nó vẫn chưa vượt được Giang, trong lòng nó vẫn còn ấm ức lắm.
Mỗi lần về quê, ngoài quà cáp cho ông bà, chú thím do bố mẹ gửi thì Giang đều mang theo rất nhiều quần áo, đồ chơi cho thằng Tuấn. Giang hay kể về những trò chơi mới thịnh hành trên thành phố cho nó nghe, thằng Tuấn há hốc miệng nghe như muốn nuốt lấy từng chữ vào đầu. Sau đó là kiểu gì nó cũng đem đồ chơi và câu chuyện Giang kể để thuật lại cho các bạn cùng xóm nghe về những thứ thú vị trên thành phố cứ như thể là chính nó trải qua vậy. Cũng không phải nó chưa lên thành phố bao giờ, thi thoảng nó được nghỉ dài ngày thì bác Hải cũng đánh xe xuống đón nó lên chơi với Giang, chính vì cũng đã từng được trải nhiệm nên mỗi lời nó kể ra cho các bạn trong xóm nghe đều được bọn nó tin tuyệt đối.
Thằng Tuấn rất thích cuộc sống trên thành phố, đối với nó đấy là một bức tranh rực rỡ và náo nhiệt đầy mới lạ, nhưng ngược lại thì Giang lại thích cuộc sống ở làng quê, đó là một bức tranh phong cảnh yên bình, trẻ con không bị nhốt trong bốn bức tường vì sợ ra ngoài nguy hiểm rình rập, mà được tự do chạy nhảy trên đường làng, ngoài cánh đồng hay ngọn đồi nho nhỏ phía xa kia. Giang là con một, nhà không có anh chị em, nên việc thích về quê chơi với thằng Tuấn cũng là lẽ thường tình, dù sao thì như mẹ Hà cũng nói đó chính là máu mủ tình thâm.
Nhưng mà bố Hải đã phân tích cho Giang nghe rồi, sống trên thành phố có điều kiện học tập tốt giúp Giang phát triển, bố Hải cũng phải phấn đấu mãi mới bám trụ được trên thành phố ấy, nên không thể để thằng con lại về quê đi học được. Thực ra năm xưa bố quyết tâm bám trụ thành phố chỉ là vì lên đó học rồi gặp mẹ nên không muốn về nữa thôi. Và bố đã hứa chỉ cần Giang đạt thành tích cao thì hè nào bố mẹ cũng sẽ cho Giang về quê chơi, điều đó là động lực khiến Giang luôn cố gắng học tập thật chăm chỉ.
Nhà ông bà nội trước đây xuất phát từ nghề làm nông, sau này con cái phát đạt không muốn ông bà và các thế hệ sau phải vất vả nữa nên đất ruộng chuyển sang cho người ta thuê cày cấy, chỉ để lại khoảnh vườn sau nhà cho mục đích trồng rau cấy lúa đủ cho cả gia đình dùng và gửi lên cho gia đình Giang trên thành phố. Rau ở quê rất xanh và sạch, gạo ở quê cũng ngọt và thơm. Gia đình chú Tuân còn mở thêm một tiệm tạp hóa nho nhỏ ở đầu ngõ để thím Sương bán hàng.
Tính ra thì thằng Tuấn cũng không được coi là vất vả, ngoài việc học ở trường (mà chương trình học ở quê thì nhẹ nhàng hơn so với Giang học rất nhiều) thì nó chỉ phải giúp chú thím mấy việc lặt vặt, còn đâu là lượn đi chơi, nó chơi nhiều đến mức làn da nó đi nắng đến đen nhem nhẻm, nhưng lại rất rắn rỏi.
Mỗi lần so làn da với nó là Giang lại cảm thấy ghen tị, dù mùa hè phơi nắng cho đen bớt đi thì đến lúc quay lại thành phố nó vẫn trắng trở lại. Giang không thích làn da trắng của mình, nhìn làn da của mình Giang hay bị mấy cô bạn của mẹ xúm vào bẹo má rồi khen dễ thương, một nam nhi chân chính như Giang lại bị khen dễ thương thì còn nỗi nhục nào lớn hơn nữa chứ. Giang muốn chứng minh mình là một người đàn ông thực thụ, nên cậu tham gia học võ, thế nhưng có biểu diễn võ trước mặt mấy cô thì vẫn bị xoa đầu và khen: "Khá lắm, bé con!". A a a, Giang phát điên mất!
Sớm tinh sương trời tờ mờ sáng, nghe tiếng gà gáy ò ó o văng vẳng xa xa, buổi sáng đầu tiên thức dậy khi kì nghỉ bắt đầu.
Giang thức dậy sớm, có lẽ một phần do tâm trạng háo hức gây nên, một phần thì do nghe tiếng gà báo sáng, và có lẽ phần lớn nhất lại là do bị thằng Tuấn đạp. Thằng Tuấn tướng ngủ rất xấu, đêm ngủ lăn lộn khắp giường, thi thoảng Giang lại bị nó đập tay cái bốp vào mặt, nhưng đỉnh điểm là lĩnh trọn một cú đạp của nó thì Giang không tài nào ngủ tiếp được nữa.
Giang lần xuống giường, ghép lại màn cho thằng Tuấn ngủ tiếp rồi nhẹ nhàng mở cửa ra ngoài. Đứng giữa sân, hướng về phía khoảnh vườn với những nhành cây còn đọng sương buổi sớm, hít hà cái không khí trong lành cho lấp đầy khoang phổi. Ai nói không khí là không mùi không vị? Giang cảm nhận được trong cái không khí ban mai tinh khiết này có vị ngọt ngào thanh mát như pha chút hương thơm của hoa của lá của hết thảy cỏ cây ở chốn làng quê yên bình này.
Ông bà cũng đã thức dậy, người già là thế, giấc ngủ khó dài. Ông thì ngồi trên chõng tre trước hiên nhà pha trà buổi sớm, trà ướp hoa lài hái trong vườn, hương thơm phảng phất. Bà thì ngồi bên cạnh bỏm bẻm nhai trầu. Hai ông bà cùng nhìn ra sân ngắm thằng cháu trai tập võ. Bài vở có thể nghỉ, nhưng luyện võ thì Giang không ngưng ngày nào. Thể dục thể thao cần sự kiên trì bền bỉ, giống như cây non cần được tưới mỗi ngày.
Tập võ xong Giang lại chỗ ông bà ngồi, Giang không biết nhai trầu giống như bà, nên mon men lại chỗ ông tập tành uống trà. Trà có vị hơi chan chát, nhưng sau khi trôi qua cổ họng thì đọng lại vị ngọt thanh nhẹ nơi đầu lưỡi. Ông nội biết cháu chưa quen uống trà, nên cũng pha loãng hơn, bỏ thêm một chút đường cho dễ uống, trà đường quyện hương hoa lài, cũng là một thứ nước uống có lợi cho sức khỏe. Bà cười hiền hậu, lấy tay xoa xoa đầu Giang, nói cậu giống như một ông cụ non. Đấy, chỉ có bà là hiểu Giang, cậu đã lớn thật rồi, đâu phải là một thằng bé nhóc nữa đâu.
Sớm yên bình như thế, chờ những tia nắng ngày mới lên, nghe tiếng chim chóc hót ríu rít trong vườn. Đã ăn sáng xong xuôi, mặt trời cũng sắp leo lên tới ngọn tre mà thằng Tuấn vẫn còn chưa dậy. Cô giáo thường nói trẻ con ở làng quê vất vả, thường phải dậy sớm phụ bố mẹ làm đồng, không được ăn no ngủ kĩ và chơi đủ các trò chơi như trẻ con thành phố. Nhưng có lẽ câu nói đó không áp dụng được cho thằng Tuấn.
Giang chạy vào trong buồng gọi thằng Tuấn, nó ngủ say như chết, chăn đắp lệch sang một bên, áo thì vén lên hở cả rốn. Giang lay nó, cù nó, nó vẫn ngủ. Tức mình Giang cầm cái gối đập một phát lên mặt nó.
- Dậy đi, hôm nay em nói có việc gì quan trọng lắm mà! Dậy đi, trưa rồi kìa!
Thằng Tuấn bật dậy như một con tôm.
- Thôi chết! Mấy giờ rồi?
- Sắp tám giờ rồi!
Thằng Tuấn lật đật trèo xuống giường, vội vàng đánh răng rửa mặt, ăn vội cái bánh mẹ để phần trong bếp, xong kéo tay Giang chạy ra khỏi nhà. Nhưng vừa ra đến cổng thì đã bị hai tiểu yêu tinh đứng chặn ngay trước mặt. Nói là tiểu yêu tinh chứ thực ra là hai đứa em sinh đôi của thằng Tuấn, cũng tức là em họ của Giang: bé Như Mai và Như Ngọc. Năm ngoái gặp tụi nó vẫn còn bé lắm, chỉ quanh quẩn chơi ở nhà, không quấn chân Giang và Tuấn đi chơi, nhưng năm nay chúng nó đã ba tuổi rồi, nghịch ngợm thì chẳng kém ai, và đã trở thành hai cái đuôi rất tích cực, rất hay đòi bám các anh một bước không rời.
- Cho bọn em đi theo với! - Hai cái miệng chúm chím thốt lên.
Đời nào Tuấn chịu cho hai đứa nó đi theo:
- Không được, có đánh nhau đấy!
- Em sẽ mách mẹ là anh cả đi đánh nhau.
Con bé Như Mai nhanh nhảu dọa, Tuấn vội vàng giải thích.
- Thực ra không phải là đánh nhau đâu, em đừng mách mẹ.
- Vậy phải cho bọn em theo. – Như Ngọc nào có chịu yên.
- Không được, nguy hiểm lắm. – Tuấn nhảy dựng lên.
- Không phải đánh nhau thì sao mà nguy hiểm, nếu nguy hiểm thì em vẫn phải mách mẹ.
Tuấn vội vàng đính chính:
- Không nguy hiểm với bọn anh thôi, nhưng với bọn em thì nguy hiểm.
- Bọn em cũng lớn rồi, đâu phải con nít hai tuổi nữa đâu.
Vâng, ba tuổi thì các cô lớn nhỉ. Tuấn tiếp lời:
- Thế này nhá, bọn anh đi luyện võ, hôm nay có anh Giang ở đây nè, sẽ dạy võ cho tụi anh. - Nói rồi nháy nháy mắt sang phía Giang.
- Ừ ừ, đúng đó. - Giang phối hợp nói theo.
- Vậy anh Giang cũng dạy võ cho tụi em đi. – Hai cô bé nhún nhún cái chân ngắn cũn cỡn.
- Các em còn nhỏ, sẽ học võ kiểu khác. Các anh chị lớn sẽ học võ kiểu khác, võ người lớn nguy hiểm hơn, ngộ nhỡ có ai làm các em bị thương, khuôn mặt này không còn xinh đẹp thì phải làm sao?
Giang nhẹ nhàng nói, rồi nhéo nhéo nhẹ lên đôi má mềm mềm của hai cô bé. Hai cô bé nghe thấy không còn xinh đẹp là cũng cảm thấy lo lắng. Đành nhượng bộ.
- Vậy anh hướng khi về nhà phải dạy võ cho em đấy nhá!
- Anh hứa! – Giang cười.
- Ngoắc tay nào, ai không giữ lời sẽ làm con chó! (Hai đứa nó học câu này ở đâu ra vậy?)
- Ừ, ngoắc tay.
Thoát được sự đeo bám của hai tiểu yêu tinh, hai anh em Giang vội vàng chạy. Ra đến đường lớn, Giang mới hỏi Tuấn:
- Em chưa nói là đi đâu?
- Hôm nay đi tranh chức đại ca.
Nghe thằng Tuấn nói làm Giang nghệt mặt ra, nhưng cũng chả hỏi thêm, chỉ biết cắm đầu chạy theo nó.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top