xuân
Ta gặp Phụ Trần lần đầu vào một ngày xuân trong vắt.
Hắn mặc thường phục, tóc đen dài cột sau gáy, thẩn thơ dạo quanh khu vườn nhà ta. Ta ngồi khuất sau bụi cây đọc sách, cũng không buồn thắc mắc xem hắn là ai. Gần hai mươi năm biệt giam trong cung cấm, ta còn lạ gì đám người Trần Cảnh thi thoảng phái đến trông chừng vợ cũ của mình.
Vợ, cũ, hai tiếng nghe thật đau lòng, mà cũng thật xưa.
Nắng nhảy nhót trên trang sách ố vàng, trên đầu ngón tay ta, ấm nóng. Đã gần nửa canh giờ, cái kẻ kia vẫn chưa chịu rời đi, ngược lại có vẻ rất kiên nhẫn tìm kiếm thứ gì. Hắn trông mảnh dẻ trắng trẻo, tay chân mềm mại, nhưng tản bộ hoài không biết mệt. Ta đọc sách chán chê, cuối cùng cũng chịu quay sang nhìn hắn. Hắn so với đám người trước đây coi chừng rất khác. Chắc là do đôi mắt sáng, gương mặt ưa nhìn, hoặc khóe mắt cong giấu nét cười mờ nhạt. Ta trộm nghĩ người này nếu quả thật là tay chân của Trần Cảnh, phẩm vị chắc chắn không tầm thường.
Dạo này cấm cung buồn chán không có chuyện làm, thôi thì ra chào hỏi cái kẻ kia một tiếng, xem ra cũng không mất mát gì.
Đặt cuốn sách xuống bàn đá, ta xách váy lại gần hắn.
- Thưa ngài, ngài tìm ai?
Kẻ lạ mặt thoáng giật mình, lại không nhận ra tông giọng mỉa mai của ta, mỉm cười đáp:
- À, ta muốn gặp công chúa. Chẳng biết người có nhà không?
Hai chữ "công chúa" nghe nửa lạ nửa quen, ngẫm mãi mới biết chúng ám chỉ bà lão già nua là ta đây. Trần Cảnh dạo này cũng tiến bộ lắm, trước đó chỉ cho người lén lút quan sát ta, giờ đã dám phái hẳn một gã đẹp mã đến thăm hỏi. Coi bộ hắn bắt đầu nghĩ người vợ cũ này đã không còn xuân nữa?
Cũng phải, hai mươi năm trời vùi hoa dập liễu, ta so với khi xưa chắc kém duyên nhiều. Nỗi ấm ức không biết từ đâu dấy lên trong lòng, ta cất giọng dửng dưng:
- Công chúa hôm nay không có nhà.
Kẻ kia nhất thời ngây ra.
- Vậy mai ta lại đến.
- Ngày mai cũng không có nhà.
- Vậy ngày kia-
- Ngày kia, ngày kia nữa, công chúa vẫn không có nhà.
Gương mặt anh tuấn của hắn theo từng câu nói mà biến đổi, hết ngơ ngác đến thất vọng, cuối cùng kết lại chỉ một nụ cười trừ. Nhìn nét dịu dàng trên môi hắn, ta không hiểu sao chẳng còn tâm trạng đùa dai nữa. Chậm rãi ngước mặt, ta hạ giọng:
- Ngươi là ai? Đến gặp công chúa mà mặt mũi nàng cũng không biết sao?
Người lạ thoáng nhướn mày. Rồi như hiểu ra mọi chuyện, hắn cúi đầu theo lễ.
- Thần tên Lê Tần, con trai Thượng vị hầu Lê Khâm. Công chúa thứ lỗi, thần không hay ở trong cung cấm, đây là lần đầu thấy mặt người.
Lê Tần, Lê Tần. Cái tên chẳng có chút ấn tượng. Ta hỏi:
- Ngươi đến gặp ta có chuyện gì?
Hắn đáp:
- Bệ hạ bảo thần đem đến vài thứ cho công chúa, đều là vật phẩm cần thiết để chuẩn bị đón Tết.
Đoán gần đoán xa, hóa ra cái kẻ này đúng là do chồng cũ của ta phái đến. Hai mươi năm biệt giam, Trần Cảnh vẫn luôn quan tâm ta đúng mực, Tết năm nào cũng có mứt mơ, vải vóc, gạo nếp kẹo lạc gửi ta không thiếu thứ gì. Chỉ là những năm trước, mấy thứ ấy luôn tự nhiên xuất hiện trước cửa nhà ta, năm nay vừa khéo có người đích thân mang tới. Ta nửa buồn cười, nửa thấy lạ, cuối cùng nhịn không được thắc mắc:
- Ngươi vừa bảo mình không phải người trong cung, ngài ngự cử vài cung nữ đến là được, sao lại nhờ ngươi?
Hắn dường như đọc thấu nét ngờ vực trong mắt ta, cười nói:
- Thần trước kia từng cùng bệ hạ chiến đấu ở sông Lô, cũng gọi là quen biết. Hôm nay sẵn có việc vào cung, biết được bệ hạ muốn chuyển đồ cho công chúa, thần tiện đường giúp một tay.
Hai chữ "sông Lô" khiến ta nhớ lại vài câu chuyện cũ hóng hớt được từ đám cung nữ. Rằng trong trận đánh quân Nguyên năm ngoái, địch ở Vân Nam tràn xuống đông vô kể, tên đạn rợp trời. Giữa trận chiến lúc ấy có gã họ Lê một mình một ngựa tung hoành, dù mưa máu gió tanh sắc mặt không biến chuyển. Cũng chính gã họ Lê ấy liều mình bảo vệ Trần Cảnh thoát chết, về sau rất được hắn tin tưởng.
- Lê Phụ Trần...?
Ba từ vô thức bật khỏi khóe miệng ta. Kẻ lạ mặt gật đầu:
- Công chúa cũng có thể gọi thần như vậy.
Khá khen cho bản thân ta, ở trong cung cấm lâu ngày đầu óc đâm mụ mị. Cái tên mới lúc nãy còn bị ta cho là bạch diện thư sinh, giờ hóa ra đường đường danh tướng. Ta nhất thời không biết phản ứng thế nào, liền bảo hắn:
- Phiền tướng quân rồi. Chuyển đồ xong, không rõ ngài có muốn ở lại dùng trà?
Bãi bể hóa nương dâu, rất lâu sau này ngẫm lại, ta vẫn tự hỏi bản thân tại sao khi ấy không để Phụ Trần đi. Có lẽ do cung cấm buồn chán, lẻ loi, có lẽ do vị nữ phế đế này đã cô độc một phần ba đời người, hoặc ta chỉ đơn giản hứng thú với nét cười rơi trên đuôi mắt hắn.
Dù sao thì, vào buổi sáng mùa xuân năm đó, hắn đã ngồi lại với ta.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top