Chương 4: Quý Nhân Tri Ngộ, Vinh Hiển Quy Hồi.

Sau khi Chiêu Dương chạy đi rồi, Đỗ Lan vẫn còn ngây người nhìn theo. Bóng lưng nhỏ nhắn của đứa trẻ đó làm y thấy rung rinh giống như thời trai trẻ trở lại. Hiếu động và khoẻ khoắn, đây là những điều mà y đã từng mong muốn. Chỉ đáng tiếc y không thể hòa nhập được với những người hiếu động giống như đứa trẻ đó.

Trời sinh ra y bản tính nhẹ nhàng, từ tốn, vì vậy cho nên kiểu người như Chiêu Dương thì y chỉ có thể mong chứ không thể thành.

"Thầy! Thầy!"

Đột nhiên tiếng gọi thật lớn kéo Đỗ Lan trở về với thực tại. Vừa rồi y đã suy nghĩ đến độ không phát giác ra đứa trẻ kia đã quay trở lại. Nó hỏi: "Thầy nghĩ gì mà ta gọi mãi thầy không nghe?"

"Thầy lo lắng cho thân mẫu của thầy ở quê nhà. Bà cũng đã lớn tuổi, thầy lại ở quá xa không thể phụng dưỡng."

Đỗ Lan trắng trợn nói dối. Tuy là nói dối nhưng y lo cho nương thân ở quê nhà cũng là thật. Y đã trở về quê nhà một lần sau khi chân đã có thể đi lại, y cũng đã ngỏ lời muốn nương thân của mình đi cùng. Nhưng bà kiên quyết từ chối. Một phần vì bà không muốn đi xa quê, một phần vì hương hỏa tổ tiên không thể dời đi. Nhưng y thì không thể ở lại quê nhà được, những lời gièm pha khiến y không thể giữ nổi bình tĩnh.

"Hay là thầy đón mẹ của thầy đến nhà của ta. Như vậy sẽ không cần phải đi tới dịch quán để gửi bạc như thế này nữa."

"Hương hỏa tổ tiên không thể di dời, nương của thầy cũng không có ý định sẽ rời đi."

"Ra là vậy."

Chiêu Dương chỉ ậm ừ rồi không nói gì nữa. Nó cùng với Đỗ Lan sóng đôi bước đi, một bóng lớn một bóng nhỏ in dài trên mặt đất. Bây giờ đã là xế chiều nhưng nắng vẫn còn rất gay gắt. Chiêu Dương đội trên đầu một cái nón được đan bằng lá, thêu chỉ nổi vô cùng đẹp đẽ. Nhưng bởi vì nó còn nhỏ cho nên khuôn mặt bị nón che gần hết, tuy nhiên dáng vẻ con nhà giàu có thì vẫn hiện hữu vô cùng rõ ràng.

Hai người cứ thế một nhanh một chậm bước đi, Chiêu Dương biết y không thể đi nhanh được cho nên cũng đi chậm lại. Không khí lúc này đột nhiên lại trở nên ngượng ngùng. Đang nói chuyện nhưng rồi không ai nói gì, đối với hai người chỉ vừa mới quen biết nhau thật sự khiến cho khoảng cách bị kéo giãn ra. Đỗ Lan nghĩ trong lòng, y là người lớn, không thể để cho trẻ con cảm thấy xa cách được. Nhưng ngay khi y định mở lời thì Chiêu Dương đã lên tiếng trước: "Thầy..."

"À... Hả? Có chuyện gì vậy?"

Nhưng nó không trả lời y mà chỉ chìa tay ra. Bàn tay của nó chỉ lớn bằng một nửa bàn tay của y, bên trong đó còn có một thỏi bạc. Y thắc mắc hỏi: "Con muốn nhờ thầy mua thứ gì sao?"

"Không. Ta chỉ là muốn ứng trước cho thầy, nếu sau này khi ta lớn lên rồi nhưng không thể thành tài thì ta chắc chắn sẽ đòi lại."

"Điều này không phải là quá vô lý hay sao? Con có thể thành tài được hay không đâu thể trách thầy được."

Nhưng Chiêu Dương thì không đồng ý với câu nói đó của Đỗ Lan, nó lên tiếng phản bác, trong đó còn có một phần trêu chọc: "Trò hư còn không phải là vì thầy dạy kém hay sao?"

"Con thật biết cách khiến người khác phải đắn đo suy nghĩ. Nhưng út Chiêu, con chắc chắn sẽ không phụ lòng thầy có đúng không? Con chỉ mới mười hai tuổi nhưng đã học qua thuyết đại đồng thì không phải là người kém cỏi."

"Thầy đang đánh trống lảng với ta sao?"

Út Chiêu nắm tay lại thành đấm, vỗ một cái "bộp" vào mu bàn tay của Đỗ Lan. Sau đấy nó vòng tay ra trước, cố nhét thỏi bạc vào trong lòng bàn tay y. Nó nói thêm: "Thầy chỉ có thể nhận mà thôi. Nếu thầy không nhận đồng bạc này thì ta sẽ không để thầy dạy học cho ta đâu. Lúc đấy thầy sẽ phải đi nơi khác để tìm kiếm công việc, nhưng chưa chắc sẽ nhàn hạ giống như việc dạy học cho ta."

"Con đang đe dọa thầy sao?"

"Không hề. Ta nào dám đe dọa thầy của ta chứ, ai mà dám đe dọa một Nhất giáp Tiến sĩ. Nhưng thân mẫu của thầy thì vẫn đang đợi thầy gửi bạc về đấy."

Đỗ Lan im lặng không trả lời. Y cảm giác đứa nhỏ trước mắt ngoại trừ thông minh ra thì còn có một chút láu cá. Kiểu người như nó nếu không dạy dỗ đàng hoàng thì sẽ sinh hư, vì sự láu cá của nó có thiên hướng tìm kiếm yếu điểm của người khác để đạt được lợi ích về phía mình.

Về cơ bản thì mục đích của Chiêu Dương không xấu. Nhưng nếu đặt vào một tình huống khác chưa chắc sẽ mang lại kết quả tốt. Đỗ Lan nói: "Làm người không nên lấy yếu điểm của người khác ra để ép buộc họ làm theo ý mình. Vì đây là lần đầu tiên út Chiêu phạm phải cho nên thầy sẽ không phạt, nhưng tuyệt đối không được có lần sau."

"Ta nói sai cái gì sao?"

Út Chiêu ngước mặt lên nhìn Đỗ Lan, nó không hiểu thật chứ không phải giả vờ. Giống như việc nhìn vào điểm yếu của người khác đối với nó đã hình thành thói quen và chính bản thân nó cũng không nhận ra điều đó. Đỗ Lan tận tình giải thích: "Ai cũng có cái khó riêng của họ, họ không thể giải quyết vấn đề, và con thì có thể giúp họ. Nhưng giúp người không phải là để nâng cao giá trị của bản thân, vì vậy con không được dùng cái khó khăn đấy để ép họ nhận lòng tốt của con. Mặc kệ là họ cần sự trợ giúp của con hay không, đều phải đôi bên tự nguyện, con hiểu không?"

Ngừng lại chốc lát, y lại nói tiếp: "Có thể con cảm thấy vui khi cho đi một thứ gì đó, nhưng không phải là ai cũng cần. Đôi khi sự giúp đỡ của con có thể mang đến cho họ thêm một khó khăn."

Đỗ Lan nói một hồi lâu còn Chiêu Dương thì trầm ngâm suy nghĩ, qua đi một lúc lâu nó mới lên tiếng hỏi: "Vậy ta đưa bạc cho thầy có mang đến khó khăn cho thầy hay không?"

"Trước mắt là không."

"Vậy thầy nghĩ nhiều làm gì. Hơn nữa ta cũng không nâng cao giá trị của ta làm gì, vì vốn dĩ xét về thân phận hiện tại thì rõ ràng ta cao hơn thầy rất nhiều bậc. Phải không?"

Đỗ Lan im lặng không đáp. Có lẽ vì sự thật quá mức trần trụi này khiến y không có cách nào phản bác được. Chiêu Dương nói không sai, y bây giờ chỉ là một thầy đồ nhỏ nhoi làm việc kiếm tiền ở trong nhà của quan Huyện mà thôi. Ngay cả một người làm trong nhà quan Huyện cũng ở trên y một bậc. Đỗ Lan siết chặt nắm tay, y mất tất cả rồi, ngay cả một đứa trẻ cũng có thể dễ dàng khiến y phải ngậm miệng.

"Nhưng trong lòng ta, thầy chưa bao giờ ở dưới ta cả. Ta kính trọng thầy, tôn quý thầy, ta muốn chu cấp cho thầy. Thay vì nói chu cấp thì đúng hơn là ta đang mở một con đường để có thể chạm tới đích đến vinh hiển mà ta mong muốn. Thầy là quý nhân sẽ kề vai sát cánh cùng ta, ta có thể cho thầy mọi thứ. Vậy... thầy có chấp nhận cho ta những thứ mà thầy đang có hay không? Tri thức, lễ nghĩa, kinh nghiệm, tất cả mọi thứ của thầy, thầy đồng ý dành cho ta chứ?"

Chiêu Dương nếu đã không nói thì thôi, một khi đã nói thì lại nói không ngừng như thế. Nhưng từ những câu nó nói ra thành công đánh vỡ mọi sự chán nản của Đỗ Lan. Y trợn mắt nhìn nó, nó cũng nhìn y không chớp mắt. Y không biết từ đâu mà một đứa trẻ mười hai tuổi có thể nói ra được mấy câu như vậy, nhưng nghe vào tai của y thì giống như lời thề hẹn.

Đỗ Lan trong chốc lát trở nên ngượng ngùng. Một người đã lớn tướng như y vậy mà nghe phải mấy câu như vậy cũng phải cảm thấy xấu hổ, từ nhỏ đến giờ chưa từng có ai bộc bạch chân thành như vậy với y. Chiêu Dương là người đầu tiên, và có lẽ cũng là người cuối cùng. Bây giờ y sa cơ lỡ vận nhưng vẫn được đứa trẻ này xem trọng thì đây là phúc phần không dễ gì có được.

Y gật đầu đáp lại: "Được. Thầy sẽ dốc sức dạy dỗ con bằng tất cả những gì thầy có thể. Và, con cũng chỉ có duy nhất một người thầy là thầy thôi. Phải không, hả Lê Minh?"

Bị gọi thẳng tên húy làm cho út Chiêu căng cứng người, mãi một lúc nó mới có thể bừng tĩnh trở lại. Nó gật đầu: "Chỉ một mình thầy. Ta chỉ có một mình thầy thôi. Nhưng có qua thì phải có lại, đúng không, Tiến sĩ Đỗ Văn Thủy?"

"Thật là hư!"

Đỗ Lan mắng một câu thật nhỏ. Y đã từng căn dặn Chiêu Dương rằng không được gọi thẳng tục danh của người lớn tuổi hơn nó vậy mà bây giờ nó lại dám ăn miếng trả miếng với y. Bởi vì y gọi thẳng  tên húy của nó cho nên nó cũng không ngại đáp trả lại, đúng là một đứa nhỏ khiến y phải đau đầu.

"Ta hư như vậy thì thầy phải dạy dỗ ta nhiều rồi. Từ bây giờ cho tới khi ta trở thành Trạng Nguyên, thầy phải nắn lại cho ta bớt hư đấy nhé!"

"Tự nhận ra bản thân hư nhưng lại không sửa, còn muốn thầy giúp con sửa lại cái tính nết đó sao? Không biết tự giác gì cả."

"Ta học theo thầy thôi mà. Thầy không biết tự giác nhận lễ vật của học trò thì học trò làm sao có thể tự giác sửa sai. Đúng không, hả thầy?"

Chiêu Dương vừa nói vừa nhét nén bạc vào sâu trong lòng bàn tay của Đỗ Lan, ý tứ của nó cũng rõ ràng trong câu nói. Hết cách y chỉ đành nhận nén bạc này của nó rồi nói: "Ta sẽ giữ lại làm kinh phí cho con."

"Tùy ý thầy, ta cho thầy rồi thì thầy muốn làm gì thì làm."

Chiêu Dương nhún vai ý bảo không quan tâm. Sau khi thấy Đỗ Lan đã nhận lấy thỏi bạc thì nó nhanh chóng rút tay ra rồi chạy lên phía trước. Hai người bọn họ vừa rồi nói nhiều như vậy cho nên không để ý đã đi được một quãng xa, ra tới ngoài chợ. Bây giờ là xế chiều cho nên chợ thưa thớt bóng người, chỉ có một vài tiểu thương đang chuẩn bị bày sạp ra để bán. Lúc này ánh mắt của Chiêu Dương chú ý tới một sạp sách giấy đã được bày sẵn ra bên đường.

Người muốn làm thơ, viết câu đối đều có thể tới đây để viết, ngoài ra chủ sạp còn bày bán các loại văn chương, thơ phú của nhiều người nổi danh khác. Chiêu Dương chỉ tay về phía đó: "Thầy, thầy làm thơ tặng ta có được không?"

"Như vậy không phải quá ngược đời hay không? Không phải là học trò mới nên tặng lão sư vào lần đầu ra mắt hay sao?"

"Ta đã tặng bạc rồi, thầy cũng nên trả lễ chứ!"

"Cũng được."

Nói rồi Đỗ Lan đi thẳng đến sạp sách giấy, y lật tìm chỗ sách trên bàn. Chủ sạp nhìn thấy vậy thì hỏi y: "Cho hỏi ngươi cần tìm sách gì?"

"Tôi đã tìm được rồi."

Đỗ Lan vừa nói vừa cầm lấy quyển sách gần như mỏng nhất trong chồng sách. Sách này có tựa chỉ có một chữ "Lan", đây là một cuốn bút ký mà y đã viết khi vừa mới nhậm danh vị Trạng Nguyên. Trong này là tự truyện của y từ khi còn nhỏ cho đến khi công thành danh tọa, nếu tặng cho Chiêu Dương thì vô cùng hợp lý.

Y cầm lấy bút, chấm một chút mực rồi viết lên trang sách bỏ trống ở trang cuối cùng:

"Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng. Quý nhân tri ngộ, vinh hiển quy hồi."*

Viết xong, y trả lại bút rồi đặt sách vào trong tay Chiêu Dương: "Tặng út Chiêu đấy."

"Thầy tự nhận bản thân là quý nhân của ta luôn sao, vậy mà lại dặn dò ta không được tự cao. Thầy đúng là nói một đằng làm một nẻo đó!"

Út Chiêu tuy rằng trêu chọc nhưng lại vui vẻ nhận lấy sách. Chủ sạp sách ngồi đó nhìn thấy mấy chữ Đỗ Lan viết ra chỉ có thể xuýt xoa khen ngợi: "Chữ của ngươi thật là đẹp, văn chương cũng thật tốt."

"Đương nhiên rồi, thầy của ta là giỏi nhất!"

Út Chiêu nghe thấy có người khen ngợi thầy của mình thì ngay lập tức đáp lại. Chủ sạp sách gật đầu vừa cười vừa nói: "Xem ra là cậu út đã tìm được người thầy mà cậu mong muốn. Đám dân đen chúng tôi cũng chỉ mong cậu có thể chú tâm học hành, và sẽ không đuổi lão sư đi nữa. Nếu cậu có thể "vinh hiển quy hồi" thì tiếng thơm cho huyện nhỏ của chúng ta."

Chủ sạp sách nói lại bốn chữ cuối cùng trong mấy câu Đỗ Lan đã viết tặng. Hơn ai hết út Chiêu hiểu rõ ý nghĩa trong mấy câu đó là gì. Có lẽ trong lòng của người thầy mà nó đã chọn, y mong muốn nó sẽ công thành danh tọa, mũ áo về làng. Và trên con đường đi đến công danh, nó và y sẽ là đồng hành của nhau. Hai chữ "quý nhân" mà Đỗ Lan đã ghi ra không phải để chỉ riêng việc y là quý nhân của Chiêu Dương, mà còn ám chỉ nó cũng chính là quý nhân của y. Cách thức y viết ra chỉ có những người thấu hiểu lẫn nhau mới có thể suy ngẫm ra được.

Chiêu Dương nắm lấy tay của Đỗ Lan, nó lại một lần nữa hẹn ước: "Cùng ta "vinh hiển quy hồi" nhé, thầy!"

"Được."

---

*Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng: Câu vỡ lòng của học tập thời xưa, thầy sẽ dạy cho học trò vào những buổi đầu đi học. Câu này có nghĩa là: Trời ban thông minh, thánh phù công dụng. "Thông" là cái tai nghe tỏ, "minh" là con mắt nhìn sáng, hai điều này ám chỉ thiên tính bản nhiên của con người. "Công dụng" là văn chương, bốn chữ "Thánh phù công dụng" còn có nghĩa nôm na là tài đức và văn chương phù trợ lẫn nhau.

*Quý nhân tri ngộ, vinh hiển quy hồi: gặp gỡ người đặc biệt, trợ giúp trong lúc khó khăn hoặc quan trọng; vinh quang trở về. Toàn câu: Gặp được quý nhân, công danh rạng rỡ trở về quê hương.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top