Hồi 5
Mưu phản loạn, Văn Nham gửi mật thư cho Trịnh Tráng
Cướp xe loan, Phụng quốc bỏ chúa ốm ở Cầu Đơ.
Kể chuyện thời xưa, về thời Hán Hoàn Đế có ba anh em Hứa Điền, Hứa Phổ, Hứa Vũ cha mẹ mất sớm, ngày đêm anh em dạy dỗ nhau, chuộng tình hiếu hữu, châu huyện biết tiếng chọn làm hiếu liêm[127], tiến cử về triều, đều được bổ làm quan, danh tiếng lưu truyền ở đời. Chẳng như thời Tam Quốc, Viên Hi, Viên Thượng cũng là anh em, nhưng vì em tranh ngôi của anh, đem quân đánh nhau, Tào Tháo nhân đó mà phá tan được, cơ nghiệp họ Viên bèn bị diệt. Bảo rằng anh em trong nhà đánh nhau thì bên ngoài bị người ta chê cười là như thế. Chuyện chia làm hai đường kể tiếp:
[127] Hiếu liêm: người có đức tính và văn học.
Lại nói năm Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ hai (1620), vua Lê từ khi lên ngôi cẩn thận giữ mình giữ miệng, không dám gọi hỏi từ các quan đến tể tướng bất cứ việc gì, chỉ biết qua ngày đoạn tháng mà thôi. Bình An vương mỗi khi vào triều chỉ nghé mắt nhìn là vua đã hết sức lo sợ.
Mùa thu, tháng tám, Bình An vương sai vương tử là thiếu phó Thanh quận công Trịnh Tráng đem quân đến đóng ở xứ Cầu Nghệ, huyện Vĩnh Gia để làm thế phòng ngự vùng biên. Bấy giờ chúa Nam ở Thuận Hóa là Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên có hai người em là Văn Nham và Thạch Xuyên do người thiếp hầu của Đoan quốc công sinh ra. Hai người ấy vốn là dòng xướng ca, không biết đến chữ hiếu đễ. Từ khi thấy Thụy quận công được nối ngôi cha, hai người ôm lòng làm trái, mưu đồ tranh đoạt ngôi chúa[128].
[128] Văn Nham: Tên tước (có lẽ là Văn Nham hầu) của Nguyễn Phúc Hiệp (hoặc đọc Hợp), con thứ bảy của Nguyễn Hoàng. Thạch Xuyên (có lẽ là Thạch Xuyên hầu), tên tước của Nguyễn Phúc Trạch, con thú tám của Nguyễn Hoàng, đều do người vợ thiếp sinh ra. Sau khi Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi chúa, hai người âm mưu chống đối bị liệt vào hạng nghịch thần. Có lẽ vì thế mà ĐNTL TB và ĐNLTTB chỉ ghi tên Hiệp, Trạch, tước bỏ không ghi họ và tên tước.
Một hôm Thạch Xuyên đến phủ doanh của Văn Nham, vào ngồi trong phòng kín bảo Văn Nham rằng:
- Anh em ta vẫn cùng một mẹ sinh ra, tài sức chẳng kém gì người, nhưng lệnh quyền đều trao vào tay vương huynh cả. Bọn ta được nhờ chút phú quý, nếu ngày sau tôn mẫu chúng ta qua đời thì dòng dõi anh em ta biết nhờ cậy vào đâu?
Văn Nham nói:
- Số trời đã định, khó tránh được. Huống chi bọn ta thủ hạ hiếm người, lại không sẵn có lương hưởng, mà trong ngoài kẻ đồng lòng với mình cũng không biết dựa vào ai. Thế mà mưu toan cử sự làm việc lớn thì làm sao mà xong được? Đệ phải xét kĩ đi.
Thạch Xuyên đáp:
- Huynh bất tất phải lo nhiều, đệ đã có một kế, lấy được như trở bàn tay! Việc gì mà phải lo nhiều ít có không?
Văn Nham nói:
- Mưu kế ra sao đệ hãy nói nghe?
Thạch Xuyên nói:
- Em nghe nói Bình An vương ở Bắc triều sai vương tử là thiếu phó Thanh quận công đem quân vào đóng đồn ở Cầu Nghệ, quân tinh, lương đủ. Đệ muốn sai người đem báu vật vàng bạc đến quân doanh của Thanh quận công định thành mật ước nhờ bọn họ làm ngoại ứng. Nếu vương huynh đem quân ra ngoài cự địch, bên trong bỏ không, anh em ta liền dấy quân tiến đánh thì có thế bắt được vương huynh, mà ngôi lớn cũng sẽ về tay ta, rồi sai lấy người bên họ mẹ mà giao chức việc. Như thế bọn ta ắt giành được hiển vinh phú quý.
Văn Nham nghe nói gật đầu cả mừng:
- Mưu ấy khá hay đấy. Vậy nên mau chóng làm ngay đi!
Rồi đó anh em Văn Nham liền viết thư kín, sai người tâm phúc bí mật cầm đi. Tên người nhà của anh em Văn Nham đến xứ Cầu Nghệ xin vào quân doanh của quận Thanh trình mật thư và các thứ lễ vật. Thanh quận công cả mừng tiếp nhận bức thư, mở ra xem. Trong thư nói:
"Người em hèn nhục của trấn tướng xứ Nam là Văn Nham hầu vái trình bức thư lên súy phủ của tộc huynh[129] các hạ đoái xét. Từng nghe đạo quân thần là giềng mối lớn của trái đất, tình anh em là đạo cả của nhân luân. Nhưng nay thân huynh của chúng tôi[130] làm trấn thủ ở xứ Nam ngầm mưu hai lòng, vứt bỏ cương thường, quên khuây tín nghĩa, ngày đêm toan tính mưu riêng, quyết đoạt lấy dân chúng thóc tiền trong hai xứ để chống cự với hoàng triều, tranh ngôi đế vương. Bọn đệ vẹn lòng trung hiếu, không chịu manh tâm cùng với lệnh huynh, vì thế thân huynh rắp mưu muốn làm hại, chẳng đoái đến tình nghĩa anh em ruột thịt. Tình cảnh của bọn đệ hiện nay như cá trong chậu, nguy cấp như lửa sém mày, liệu bề khó thoát lưới. Vì vậy bọn đệ phải sai kẻ tâm phúc chuyển thư này để các hạ xét. Xin các hạ sai binh hùng tướng mạnh sớm đến cứu ứng để bọn đệ được thấy tôn nhan. Ấy là muôn phần may mắn. Việc bất đắc dĩ chẳng đừng được, phải đâu bọn đệ bội tình. Ngàn dặm ngóng trông, mong các hạ soi xét lượng thứ. Được như thế thật là may mắn lắm. Nay thư."
[129] Trịnh Tráng là anh rể của Văn Nham hầu Nguyễn Phúc Hiệp cho nên thư này xưng là tôn huynh.
[130] Chỉ Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên.
Thiếu phó Thanh quận công xem xong thư mừng nói:
- Ta vẫn biết chúa Nam nhiều năm chưa từng ra kinh đô là có lòng dạ khác, giận lắm, nhưng cũng chưa có cách gì. Nay hai người anh em của ta vốn lòng trung hậu, vì công quên tư, lòng thành đáng khen.
Rồi đó Thanh quận công thưởng hậu cho sai nhân của bọn Văn Nham. Lại bí mật dặn dò rằng:
- Ta nhắn lời bảo hai ông ấy nên sớm liệu đi! Nhưng phải cẩn thận, chờ để tiết lộ! Nếu việc có sắp đặt ra sao thì phải tức tốc báo ngay cho ta biết, tất sẽ đem quân vào giúp.
Sai nhân của Văn Nham vái chào trở về. Sau đó Thanh quận công Trịnh Tráng sai đô đốc Đăng quận công Nguyễn Khải, tướng bộ thuộc là Tường Khê hầu, Tuấn lộc hầu đem năm nghìn quân dời vào phía nam đóng ở cửa biển Bố Chính, Nhật Lệ đợi tin tức của bọn Văn Nham. Trịnh Tráng nói:
- Các ông xua quân đánh gấp ở mạn ngoài, cốt giữ cho được vẹn loàn, công không phải nhỏ!
Bọn quận Đăng vâng lệnh đem quân tiến phát.
Lại nói bọn Văn Nham, Thạch Xuyên hai người ở Nam triều, từ khi sai người đưa thư ra trấn phía Bắc cho Thanh quận công, tự mình ở nhà sửa sang khí giới, cờ quạt để mưu tính, cử sự từ bên trong. Bỗng nghe sai nhân trở về kể lại lời Thanh quận công căn dặn như thế, đã sai đem quân đi các nơi như thế, Văn Nham, Thạch Xuyên cả mừng cùng vào trong phòng kín bàn bạc. Hai người định ra cái thế trận chính binh kì pháp, du binh phục binh. Cả anh lẫn em đều xoa tay nắm quyền, coi như việc thò tay vào túi lấy đồ vật, chẳng có gì đáng phải lo xa. Nhân đó lại suy nghĩ thêm thấy rằng các người trong triều không có ai đáng coi là đối thủ, duy chỉ đáng sợ có người cháu là Tuyên Lộc vốn trí dũng kiêm toàn, khi lâm chiến cũng khá đáng ngại. Chi bằng lập kế bàn với Thụy quận công cho Tuyên Lộc ra giữ Quảng Bình, thế là trong triều không còn ai đáng kể, ắt sẽ lấy được dễ như trở bàn tay.
Hai người bàn định xong bèn gật đầu tủm tỉm, rồi ai về nhà nấy, chuyện không có gì phải nói.
Tháng ấy, chúa Nam là Thụy quận công bỗng nghe tin báo tướng Bắc triều là bọn quận Đăng đem quân vào lấn đóng đồn ở cửa biển Nhật Lệ. Thụy quận công bèn triệu tập các tướng đến bàn định sai quân đi chặn địch. Thụy quận công bảo các tướng rằng:
- Nay quận Thanh sai bọn quận Đăng vào xâm lấn biên thùy, triều đình xem nên chọn tướng nào cầm quân đi cự địch để cho bọn chúng khỏi khoe khoang binh cường tướng mạnh
Thạch Xuyên bèn lên tiếng, nói trước:
- Phàm đánh dẹp là việc của bậc nguyên súy. Mà cái tài của nguyên súy nếu không phải người thân thì không sai khiến được. Thần xét thấy hiền điệt Tuyên Lộc trí dũng đều đủ, hùng lược hơn người, có thể giao cho cầm quân đi chặn địch, thế mới thật xứng chức.
Văn Nham tiếp lời:
- Lời nói của Thạch Xuyên hầu chí phải! Xin vương huynh cấp tốc sai đi, tất đánh tan được quân giặc!
Tuyên Lộc[131] nghe Văn Nham, Thạch Xuyên nói xong, biết rõ ý tứ của bọn họ, cả giận bước lên trước nói rằng:
- Thống lĩnh đại quân đi đánh đẹp là việc lớn của triều đình, không phải là chức phận góp bàn của hai chú! Đã không cầm quân đi đánh được, cớ sao còn muốn mưu đồ việc riêng? Lại muốn sai khiến thằng cháu này đi làm việc ấy chăng?
[131] Tên tước của Nguyễn Phúc Tuyên (Tuyên Lộc hầu), con thứ tư của Nguyễn Phúc Hà (Hà là con trưởng của Nguyễn Hoàng, chết sớm). ĐNTLTB và ĐNLTTB gọi theo hệ tính quy định là Tôn Thất Tuyên.
Thạch Xuyên nghe Tuyên Lộc nói xong nghiêm giọng mắng rằng:
- Ta muốn cho ngươi lập được công danh để lại cho đời sau, rạng mặt hào kiệt với đương thời, cho nên ta mới bẩm với vương thượng, giao cho ngươi cầm quân. Sao ngươi lại chống cự? Nay quân địch đem binh vào cõi, bọn ta có lời bảo cử trình với vương thượng, ấy là lẽ đương nhiên, sao dám nói năng thất lễ?
Tuyên Lộc bừng bừng tức giận nhảy bật ra khỏi chiếu nói:
- Mưu mô của hai chú chẳng che mắt được thằng cháu này đâu! Bây giờ nếu cháu đem quân rời phủ doanh đi đến Quảng Bình, hai chú tất dấy binh làm nội phản đề thu lợi ngư ông, có gì mà phải nói. Loạn từ đây mà ra!
Giữa sảnh đường chú cháu to tiếng cãi vã, mắng nhiếc lẫn nhau, các tướng phải ra sức khuyên giải.
Từ đó Thụy quận công trong lòng ngờ vực bèn sai Vệ quận công[132] đem quân đi đánh bọn quận Đăng. Văn Nham, Thạch Xuyên vội trở về nhà căm tức Tuyên Lộc đã hiểu hết âm mưu của bọn họ, bèn quyết chí mưu phản. Đêm ấy anh em Văn Nham sai lính chở súng đạn. khí giới đến kho Ái Tử (tục gọi là kho Cây Khế - Cồn Cờ) để dùng vào việc binh, đắp lũy ở Cồn Cát (tục gọi là Cồn Cờ) để giữ thế công kích. Dân chúng thấy thế cả kinh, vội tìm đến phủ dinh trình với Thụy quận công. Thụy quận công nghe xong liệu tình thế bên ngoài có địch, trong cửa họa sinh, trong lòng cả giận. Nhưng lại nghĩ rằng: Nếu ta cất quân cùng với hai em tranh chiến thế là dứt tình đoạn nghĩa, mà không khỏi bị chê cười như đối với anh em nhà họ Viên. Nếu giữ tình nghĩa không đánh thì hai em tất sẽ tung hoành cướp phá, diễu võ dương oai để được đắc chí.
[132] Tức Nguyễn Phúc Vệ, cháu Nguyễn Hoàng (con thứ hai của Phúc Hà).
Cả hai ý nghĩ ấy thật khó quyết bề nào, Thụy quận công rất lấy làm phiền não. Nghĩ đoạn vương bèn sai người đến trại của Văn Nham, Thạch Xuyên nói với hai người rằng:
- Chúa chuyển ý đến hai ông, nói rằng hai ông muốn thống quản binh dân hai xứ thì chúa sẽ nhường, cốt sao cho trọn vẹn nghĩa tình anh em cung kính thân yêu để yên lòng trăm họ. Còn như cốt nhục tàn sát lẫn nhau chỉ tổ cho người đời phỉ báng, chê cười cha ông.
Văn Nham chưa kịp mở miệng trả lời ra sao thì Thạch Xuyên đã tuốt gươm ra khỏi vỏ chỉ vào mặt người tùy sai của Thụy quận công, nghiêm giọng bảo rằng:
- Bọn chúng ta đã đi đến núi báu, lẽ nào lại về tay không! Nay sự đã như thề thì phải quyết một phen sống mái! Cứ như lời ngươi nói thì vương huynh của bọn ta muốn gọi anh em ta về triều mà trao nhường chức vị. Lời nói ấy thậm vô lí, nghe làm sao được? Đáng lẽ phải chém đầu ngươi trước để tỏ uy của bọn ta. Nhưng hãy tạm tha cho ngươi trở về nói lại cho vương huynh ta biết, mau mau sai quân đến quyết chiến để phân thắng bại. Ta từng nghe: được thì làm thần vua, thua thì làm đầu quỷ! Xưa nay đó là việc thường chẳng có gì phải nói!
Sai nhân nghe xong trở về bẩm với Sãi vương. Chúa cả giận mắng rằng:
- Đồ súc sinh ngỗ ngược như thế! Ta lấy tình thân ái mà đối đãi, nhưng nó lấy gian xảo hung ác phản lại ta.
Nói đoạn liền lập đàn tấu cáo với trời đất quỷ thần và các bậc tiên vương, rồi sai Tuyên Lộc làm tiên phong, chúa tự mình thống lĩnh đại quân thủy hộ đi sau tiếp ứng, thẳng tiến đến xứ Cồn Cát xã Ái Tử. Quân đôi bên đối trận đánh lớn, đạn bay như mưa, súng nổ ầm vang như sấm, nhưng chưa bên nào thắng bại. Tuyên Lộc cả giận múa tít tay đao sáng loáng như luồng chớp xông tới. Văn Nham, Thạch Xuyên cả kinh, liệu thế khó bề chống cự vội vàng tháo lui, quân lính thua chạy tán loạn.
Văn Nham, Thạch Xuyên thất thểu cắm đầu chạy miết vào phía núi sâu tìm đường ẩn náu, bị Tuyên Lộc đuổi kịp bắt đem về dâng nộp.
Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên thấy mặt hai người, rơi nước mắt bảo rằng:
- Ta với bọn ngươi nghĩa tình anh em thiên tính, sao nỡ nhẫn tâm làm sự việc xấu xa muôn đời?
Văn Nham, Thạch Xuyên, mặt xanh như đất, cứng họng không đáp được câu nào, đành phải cúi đầu chịu tội. Vương muốn đem chém, triều đình phải hết sức can gián mới ngăn được, bèn hạ lệnh giải về giam tại nhà, ngày đêm sai quân canh giữ. Văn Nham, Thạch Xuyên xấu hổ, phát ốm rồi chết. Vương bèn ban cho gấm lụa, sai người khâm liệm mai táng.
Bấy giờ đô đốc bên quân Trịnh là Đăng quận công Nguyễn Khải, đóng quân ở cửa Nhật Lệ, nghe tin chúa Nam sai quận Vệ đem đại quân ra chặn đánh. Lại nghe tin Văn Nham, Thạch Xuyên dấy binh làm nội loạn, nhưng việc không xong, binh lính thua tan, thân bị cầm tù. Quận Đăng nghe tin như thế bèn đem quân lui về phía bắc đường ranh. Việc nơi biên cảnh được yên.
Nam chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai mở yến tiệc xét công, ban khen các tướng, khao đãi ba quân, trọng thưởng cho Tuyên Lộc. Bấy giờ muôn dân chúc mừng. Thế mới hay rằng bề tôi phản vua, con bội cha, em lật anh đều không yên vẹn được.
Chúa Nam từ đó giận quận Thanh nghe lời phản nghịch cất quân lấn cõi, bèn tăng mức thu tô thuế, nhưng không cho chở ra nộp ở kinh đô nữa. Ngày đêm vương thường hội bàn với các quan văn võ, định mưu giữ vững cõi bờ, suy tính kế sách lâu dài.
Ngươi đời sau có thơ rằng:
Mây lành che vị tốn[133],
Khí tốt tụ nam phương.
Trong xanh làn thu thủy,
Phấp phới tỏa mù sương,
Nhăm nhe loài cáo vượn,
Rình rập lũ cầy lang,
Một cơn gió mạnh quét,
Chuột sẻ hết chốn nương,
Danh lừng kinh đất Bắc.
Nghiệp dấy động Nam bang.
Nghìn năm nên quy củ,
Muôn thuở lập kỉ cương.
Đất trời thêm rộng lớn,
Non nước vững biên cương.
[133] Tốn: phía Đông Nam.
Năm Tân Dậu, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ ba (1621), mùa đông, tháng mười, nhà Mạc ở Cao Bằng cất quân đánh xuống kinh đô, nhiễu hại dân lành, cướp bóc tiền của, trăm họ kinh hoàng. Tướng đóng giữ ngoài biên dâng thư cáo cấp với Bình An vương. Vương cả giận, bèn sai thái úy Vinh quốc công dẫn quân chia đường tiến đánh.
Thái úy Vinh quốc công vâng lệnh đem quân thẳng tiến đánh lớn với quân nhà Mạc. Quân Mạc thua to, tan chạy về Cao Bằng. Vinh quốc công thắng trận đem quân trở về, giặc Mạc bèn yên.
Năm Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ năm (1623), mùa hạ, tháng tư, Bình An vương Trịnh Tùng ở Bắc triều cho lệnh mở kboa thi chọn học trò. Nho sĩ trong thiên hạ về kinh thi hội, lấy đỗ tiến sĩ bảy người, đều được bổ dụng làm quan.
Khoảng trung tuần tháng năm, Bình An vương lâm bệnh, nằm ngồi không yên, bỏ cả ăn uống, thân thể suy nhược, chân tay không cất nhắc được. Vương sai mời các lương y, thầy phép, tăng nhân, đạo sĩ khắp nơi trong nước về bốc thuốc chữa trị, lập đàn cầu cúng, nhưng bệnh tình vẫn ngày càng trầm trọng, thuốc men đều không khỏi. Vương rất lo buồn nhưng chỉ yên lặng ứa nước mắt mà thôi.
Mùa hạ, tháng sáu, con của vương phi là thái bảo Vạn quận công Trịnh Xuân oán giận vương về việc bị phạt khi trước, nay thấy vuơng bệnh tình nguy kịch bỗng lại nổi tà tâm tặc tử, âm mưu muốn cướp ngôi chúa, tranh quyền với anh, bèn hội họp bàn mưu với quân sĩ. Ngày mười sáu, quận Vạn đem quân vây phủ chúa và đặt phục binh ở các ngả đường hiểm yếu ở phố phường. Rồi đó quận Vạn xông vào trong phủ, đi thẳng đến chỗ giường bệnh của chúa. Thấy chúa nằn yên bất động, miệng chả nói được ú ớ, mắt nửa nhắm nửa mở lờ đờ, quận Vạn liền ôm thốc chúa đặt lên kiệu sai khiêng ra ngoài điện để định đưa chúa về nhà riêng của mình, thực hiện mưu đồ cướp ngôi. Nhưng lúc ấy thái tể Phụng quốc công Trịnh Đỗ bàn với con cả của mình là quận Thạch rằng:
- Thằng Xuân đã dấy binh làm loạn, cướp bác mày đem về nhà hắn. Mày mau đem quân đi chặn đường cướp kiệu bác đem về trong dinh nhà ta. Rồi lập mẹo lừa bọn con bác vào trong phủ mà giết đi thì ngôi chúa sẽ sang tay nhà ta!
Quận Thạch vâng dạ điểm quân đi ngay. Dọc đường gặp kiệu của chúa, quận Thạch liền đón lấy rước về dinh Phụng quốc công. Cả hai cha con quận Thạch vui mừng khôn xiết. Rồi đó cha con quận Thạch dìu Bình An vương đặt lên giường. Bấy giờ chúa đã hôn mê chỉ còn thở thoi thóp mà thôi. Phụng quốc công lại rỉ tai quận Thạch, bảo nói dối là vâng lệnh chỉ của chúa triệu các vương tử vào phủ để nghe di chúc của chúa.
Quận Thạch vội đến mời ngay con thứ của vương là Vạn quận công Trịnh Xuân. Quận Thạch nói:
- Bây giờ chúa đang ngự ở trong dinh cha em. Chúa có chỉ truyền tôn huynh đến lạy để chúa truyền ngôi cho. Ngày sau tôn huynh lên ngôi chúa chớ quên ơn của tiểu đệ.
Quận Vạn là kẻ loạn thần tặc tử, ít trí kém mưu, nghe quận Thạch nói thế cả mừng, trong lòng không chút nghi dè, liền đi theo quận Thạch đến dinh Phụng quốc công. Trịnh Xuân vừa bước chân vào, Phụng quốc công liền sai đóng cổng, chặt phăng hai chân, máu tuôn như xối rồi chết, phơi thây giữa sân. Mới hay đạo trời ứng thật mau lẹ.
Quận Thạch lại đến phủ của thiếu phó Thanh quận công Trịnh Tráng nói rằng:
- Chúa thượng đang ngự ở dinh của cha thần, có lệnh chỉ truyền gọi vương huynh đến để nhận nối ngôi chúa thống lĩnh thiên hạ. Muôn trông tôn huynh đừng quên ơn vất vả của tiểu đệ. Thần nguyện dốc hết sức ngựa hèn, hầu hạ vương huynh để cùng được hưởng phú quý.
Trịnh Tráng nghe quận Thạch nói thế cũng không thấy có điều gì đáng nghi. Nhưng lúc ấy bỗng có viên quan văn là đô cấp sự trung Lưu Đình Chất nghiêm giọng mắng quận Thạch:
- Cha con ngươi ngầm mưu gian kế, cướp đón chúa về nhà, đã giết quận Vạn, nay lại muốn hãm chủ ta vào hang cọp hay sao? Mưu gian của ngươi chẳng che nổi mắt ta!
Quận Thạch nghe Lưu Đình Chất nói xong nổi giận mắng:
- Đồ hủ nho còn hoi sữa biết mưu tính lợi riêng, làm sao biết được công việc đại sự của nhà chúa? Ngươi sao dám li gián tình anh em cốt nhục của chúng ta thành kẻ cừu thù?
Thanh quận công nghe hai người cãi vã chửi mắng nhau, thầm nghĩ là có lí. Lưu Đình Chất nói với quận Thanh:
- Xin tôn ông mau dời loan giá về giữ Thanh Hoa để chắc căn bản, chớ nghe lời của quận Thạch mà mắc họa lửa cháy xém mày.
Trịnh Tráng cho là phải, bèn không nghe lời quận Thạch. Rồi đó đem quân đi ngay về Ninh Giang. Thuyền đang thuận dòng xuôi xuống, bỗng có viên quan văn là đô đài Nguyễn Thế Danh đuổi kịp. Lưu Đình Chất trông thấy vỗ tay reo to:
- Minh công được thiên hạ nhờ ở người này đây!
Thanh quận công liền mời Nguyễn Thế Danh vào cùng ngồi bàn luận kế sách lấy thiên hạ.
Nguyễn Thế Danh nói:
- Minh công đã cho người đi gọi các em cùng là những người anh hùng hào kiệt trong thiên hạ đến hay chưa?
Trịnh Tráng đáp:
- Chưa.
Nguyễn Thế Danh nói:
- Xin minh công cho đi mời ngay!
Thanh quận công nghe lời, liền sai người bí mật đi mời. Chẳng mất mấy ngày các vương đệ đã dẫn binh tướng hùng mạnh đến theo giúp rất đông.
Thanh quận công và các tướng cùng đem quân tiến về phía Thanh Hoa.
Lại nói Bình An vương Trịnh Tùng bị cha con Phụng quốc công Trịnh Đỗ cướp rước ra khỏi điện, ngày hai mươi đến xứ Đa Kiều[134] bệnh tình nguy kịch rồi mất.
[134] Đa Kiều: tên xã, tên Nôm thường gọi là Cầu Đơ ở thị xã Hà Đông hiện nay. Toàn thư chép Bùi Sĩ Lâm đưa Trịnh Tùng đến quán Thanh Xuân, huyện Thanh Oai, có lẽ là cũng ở khoảng này.
Cha con Trịnh Đỗ bỏ Bình An vương bên cầu. Bấy giờ có viên hoạn thái bảo Nhạc quận công tìm cách đem thi hài của vương xuống thuyền, đuổi theo Thanh quận công ở phía Ninh Giang. Thanh quận công và các quan văn võ khóc lóc đau đớn làm lễ phát tang, chặt cây gạo làm quan tài để khâm liệm. Thanh quận công Trịnh Tráng bỏ thuyền lên bộ, dẫn bộ binh voi ngựa theo đường cái về giữ Thanh Hoa. Khi đến phủ Yên Trường. Thanh quận công cho dừng quân đóng trại, chọn đất mai táng Bình An vương.
Rồi đó Thanh quận công Trịnh Tráng triệu các tướng bộ thuộc và quan văn võ đến hội để bàn định kế sách thu phục kinh đô.
Bấy giờ cha con thái tể Phụng quốc công Trịnh Đỗ thấy Bình An vương đã chết, vương tử là Thanh quận công Trịnh Tráng cùng các tướng đã đem quân về chiếm Thanh Hoa. Liệu tình thế không xong việc lớn, cha con Trịnh Đỗ bèn lục soát thu đoạt hết báu vật tiền của, voi ngựa, khí giới trong vương phủ và trong dinh riêng của Vạn quận công Trịnh Xuân chở về Mỹ Lương, đến khi nghe tin Trịnh Tráng đóng quân ở Yên Trường, Trịnh Đỗ lấy làm lo bảo quận Thạch rằng:
- Nay ta muốn dấy nghiệp lớn để giữ ngôi chúa, những ít quân thiếu tướng khó bề cử sự. Chi bằng đem báu vật, voi ngựa đến dâng nộp cho Thanh quận công xin chịu tội, để khỏi bị hại, ngõ hàu bảo toàn tộc thuộc.
Quận Thạch cho là phải. Rồi cha con Phụng quốc công Trịnh Đỗ đem báu vật voi ngựa đến phủ Yên Trường bái yết giao nộp để xin chịu tội. Trịnh Tráng thương tình chú cháu, anh em thúc bá tha tội cho cả hai cha con, vẫn cho giữ chức tước cũ. Thanh quận công bèn đem voi ngựa ban phát cho các tướng. Cha con Phụng quốc công Trịnh Đỗ vái tạ chịu ơn. Đến tháng bảy, phong tặng Bình An vương Trịnh Tùng làm Tiên triết vương, lập miếu phụng thờ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top