Hồi 26


Quân Tây Định áp sát lũy Trấn Ninh

Tướng Hoằng Phương giải vây núi Mật Cật.

Lại nói năm Nhâm Tý, niên hiệu Cảnh Trị thứ mười (1672), tháng hai, Hiền vương Nguyễn Phúc Tần, nhân lúc nhàn hạ cho gọi con trai, con gái xã Hạ Lang đến trước gác Quyển Bồng chia nhau làm trò mua vui như đánh cờ người, đá quả cầu, đánh đu tiên, đáng kể là ngày hội lớn. Bấy giờ các quan văn võ, dân chúng già trẻ, gái trai bồng con bế cháu cùng đi, người trẩy hội đông không kể xiết.

Rồi Hiền vương cho bãi các trò vui đùa, truyền cho quân nội bộ và quân ngoại thủy chia làm hai bên tả hữu. Quân nội bộ đứng bên phải, quân ngoại thủy đứng bên trái, mỗi bên một thuyền cầm đầu dây, nghe ba tiếng trống thì quân đôi bên ra sức kéo dây, thuyền nào thắng thì được thưởng năm quan tiền. Thế là quân sĩ ra sức kéo, không phân thắng bại. Bỗng chốc sinh ra tranh giành, quân sĩ vứt dây ôm nhau mà vật, cùng lúc đến hơn hai chục người. Hiền vương thấy vậy thích thú cười vang, bèn truyền thôi trò kéo dây, cho thi vật nhau, cùng lúc đến năm sáu người. Bấy giờ quân nội bộ ở trên thuyền Hoàng Kiếm, có tên quân sĩ tên là Đăng Kiếm được giải nhất, không ai địch nổi. Vương bèn thưởng cho mười quan tiền và một tấm lụa để nêu danh. Từ đó trẻ chăn trâu các nơi thường tụ tập thi nhau kéo dây, đấu vật, đẽo gỗ làm đao kiếm, làm cờ xí, chia quân dàn trận đánh nhau làm trò vui. Xem đó mới biết như thế.

Ngày mồng một tháng tư, có nhật thực, từ giờ Tỵ đến giờ Mùi ánh sáng mới trở lại như cũ. Ngày mười sáu lại có nguyệt thực toàn phần, sắc mặt trăng nửa đen nửa đỏ từ giờ Tuất đến giờ Sửu mới sáng lại như trước. Đến ngày mười hai tháng năm, trấn thủ doanh Bố Chính là Triều Tín trước đã sai người đi do thám tin tức ở Đàng Ngoài, nay trở về báo tin:

- Bọn tiểu tốt chúng tôi vâng lệnh tìm đường ra đến Trung đô, dò biết chúa Tây Định tức giận việc năm trước quân ta mắng nhiếc sứ giả, định đem quân vào đánh Đàng Trong nhưng có văn thần là Thông quận công bày mưu, Tây Định nghe theo đã sai người sang cầu thân với các nước Ô Lan, Nhật Bản để nhờ họ huấn luyện chiến pháp cho quân sĩ. Vào khoảng tháng ba, Tây Định đã sai quân vận chuyển lương thảo đến chứa ở hai nơi là Dinh Cầu và ở điện Phù Lộ phía bắc sông châu Bố Chính. Cho đào kênh Ròn để khai thông đường thủy. Lại cho quân đến núi Câu Vanh ở xã Kim Linh thượng chặt loại gỗ nhẹ và tre nứa chuyển về chất thành đống cao như núi ở hai xã An Bài và Thổ Ngõa để sẵn sàng bắc cầu phao cho quân qua sông Gianh. Truyền lệnh điểm mười tám vạn quân, rước vua Lê đi đánh, Tây Định đích thân làm nguyên súy quân bộ, thiếu bảo Phú quận công Trịnh Căn làm nguyên súy thủy quân, dốc quân cả nước kéo vào chiếm đất phía Nam.

Trấn thủ Triều Tín nghe bảo liền truyền lệnh cho tướng sĩ bản doanh sửa soạn quân nhu, voi ngựa để cự địch, một mặt sai quân phi báo cho các doanh khác cùng biết. Lại sai người về triều bẩm với Hiền vương việc Bắc triều chuẩn bị quân binh như thế.

Hiền vương nghe báo chỉ phất tay áo, cười nói:

- Tây Định là kẻ sất phu, không nhớ bài học thất bại năm trước, nay lại dám đặt điều xúc xiểm thiên tử dấy quân vào quấy nhiễu cõi ta lần nữa!

Nói xong vương liền triệu triều thần văn võ vào phủ bàn định. Hiền vương nói:

- Nay bọn Tây Định lại ép thiên tử dấy quân vào xâm lấn cõi ta, vậy các tướng hãy cùng nhau bàn xem nên cử tướng nào làm nguyên súy nắm quyền cầm quân đi chặn địch, quyết bắt cho được họ Trịnh, phá tan ổ chuột của chúng ở Trung đô.

Bấy giờ chưởng doanh Yên Vũ và các tướng thưa rằng:

- Chinh chiến là việc lớn của quốc gia, chức phải chọn được người trí mưu toàn tài, ân uy gồm đủ, có thế chư tướng mới dốc lòng, ba quân đều kính mộ, nếu không phải là người thân trong vương tộc thì không thể ủy nhiệm được. Bọn thần thấy công tử Hiệp Đức tuy còn ít tuổi nhưng tài đức kiêm toàn, có mưu lược kinh vĩ cứu nước giúp đời, mọi người đều tuân kính yêu mến, tất nên ủy nhiệm trọng chức đánh bại Bắc quân.

Hiền vương cả mừng, bèn phong cho công tử Hiệp Đức làm nguyên súy, vệ úy Phú Lĩnh[536], kí lục Xuân Đài[537] làm tham mưu, các văn chức ở ti tướng thần lại là Minh Tiến, Văn Cảnh, Văn Vinh, Văn Học và viên vũ lược tên là Cường cùng đi. Lại sai phò mã chưởng cơ Đức Kiên[538] và Tiến Đức[539]làm tả hữu tiên phong, chọn ngày xuất quân đi cự địch, vương đích thân đem đại quân đi sau tiếp ứng. Lại sai hai viên ở ti tướng thần lại là cai hạp Trường Lộc tử đến kho Lai Cách, cai hạp Văn Giang tử đến hai kho Yên Tranh, Trường Dục vận chuyển lương thực phân phát cho ba quân, theo như cách làm của Tiêu hà đời Hán.

[536] Phú Lĩnh: tên tước của vệ úy Mai Nhuận.

[537] Xuân Đài: Kí lục Vũ Phi Thừa.

[538] Đức Kiêm: chưởng cơ Trương Phúc Cương.

[539] Tiến Đức: chưởng cơ Nguyễn Đức Bảo.

Bọn công tử Hiệp Đức lạy tạ vâng mệnh ra khỏi triều, cùng các tướng chọn ngày hai mươi hai tháng bảy sẽ xuất quân.

Đến ngày ấy, chỉ thấy:

Binh uy răm rắp, nhuệ khí bừng bừng.

Kiếm kích như mây dồn mù đọng, cờ xí tựa phất tuyết bay sương.

Voi ngựa đi tắc đồng nghẽn núi, chiến thuyền dàn kín biển đầy sông.

Ngời người hùng tráng, ai nấy oai cường...

Thừa sức giữ yên Nam giới, quét giặc Bắc phương.

Chẳng bao lâu quân đến phủ Tân Thắng ở xã Thạch Xá thuộc Quảng Bình chia quân dựng đồn đóng trại. Ngày hôm sau nguyên súy Hiệp Đức cho mời tiết chế Chiêu Vũ, trấn thủ Mỹ Thắng, Thuần Đức, tham tướng Tài Lễ cùng các tướng chỉ huy quân các đạo đến bàn định việc quân.

Nguyên súy Hiệp Đức đứng dậy khoanh tay nói:

- Tiểu sinh tài thưa học cạn, kém trí ít mưu, được thánh thượng ủy thác quyền chức nặng nề, trộm nghĩ sợ không kham nổi. Rất mong các ông cùng đồng lòng hiệp sức trừ giặc ác khuông phò vương thất. Nay giặc Trịnh đem quân xâm phạm bờ cõi, các ông hãy sớm bày mưu định kế để quét diệc quân giặc, lập công bình định để rạng mặt hào kiệt xứ Nam. Đấy là lời tim phổi của Hiệp Đức tôi. Các ông có điều gì cứ nói, xin đừng ngần ngại.

Bấy giờ tiết chế Chiêu Vũ cùng các tướng đều đứng cả dậy, chắp tay vái mà nói rằng:

- Bọn thần đội ơn thánh thượng bao dung, nếu có chút ít tài năng nguyện xin dốc sức trâu ngựa để đền ơn thánh thượng, đâu dám che giấu điều gì không nói. Có điều là bọn thần nghe rằng phen này chúa Trịnh dốc quân cả nước kéo vào đây, thế lực mạnh lớn, chứ không phải như bọn quận Phú, quận Đương trước đây có thể sánh được. Nay nguyên súy thân nhận vương mệnh đã trù tính ở chốn miếu đường, cầm quân đến đây để bọn thần được hợp sức chặn địch, bọn thần chưa biết chủ kiến của nguyên súy đánh giữ ra sao nên cũng khó tính liệu. Xin nguyên súy xét rõ, sớm phát hiệu lệnh chỉ thị để bọn thần có sở cứ, ai nấy tuân lệnh mà làm thì mới khỏi lầm lỡ.

Nguyên súy Hiệp Đức nghe xong, lại khiêm tốn nói:

- Hiệp Đức tôi tuy làm nguyên súy, nhưng tuổi đời còn ít, chưa từng xông pha chiến trận. Các tướng quân lâu năm theo việc binh, tình hình quân giặc hư thực thế nào đều hiểu rõ. Huống chi các vị lại là các bậc tuổi tác cao niên, mưu lược liệu địch, đặt kỳ tất giỏi hơn Hiệp Đức tôi nhiều lắm. Xin các ông cứ bày tỏ hết những điều hiểu biết uẩn súc của mình, tiểu sinh sẽ liệu bề châm chước, ngõ hầu làm tròn đại sự của quốc gia. Mong các ông chớ nên cố từ.

Các tướng nói:

- Không dám! Không dám! Xin nguyên súy sớm phát hiệu lệnh, bọn thần sẽ theo đó tuân hành để phép quân được sáng tỏ.

Rồi đó nguyên súy Hiệp Đức bèn hạ lệnh, điều quân khiển tướng. Lệnh cho tiết chế Chiêu Vũ đem quân dàn trận ở Lũy Cát và giữ bãi Trường Sa bên bờ biển; trấn thủ Quảng Bình là đại tướng Mỹ Thắng đem quân đến giữ Chính lũy, trên từ Khe Cự, dưới đến Hói Tráng; trấn thủ Cựu Dinh là Thuần Đức đem quân đến giữ lũy Đòn Võng; tướng tiên phong là chưởng cơ Đức Kiêm và Tiến Đức, cai hội Hoằng Tín, tham mưu Xuân Đài đem quân đến giữ thành Trấn Ninh; cai cơ Thuận Trung đem quân đến giữ cầu Mũi Nậy và đài Mũi Thóc; tham tướng Tài Lễ đem chiến thuyền đến Hãn Nội, dàn ở hai bên để giữ cửa biển Nhật Lệ. Lại sai người truyền lệnh cho trấn thủ Triều Tín ở doanh Bố Chính cấp tốc sai quân hộ vệ dân chúng bản châu vào cả trong lũy, tất cả già trẻ trai gái không để sót một ai, sau đó đem quân vào giữ lũy Động Hồi ở chỗ núi Đâu Mâu. Các tướng ai nấy tự chia quân đi đóng giữ nghiêm ngặt, nghe hiệu lệnh mà thi hành, không được trễ nãi. Nếu trái lệnh sẽ trừng phạt theo phép quân không tha thứ.

Các tướng tuân lệnh ra khỏi trướng nguyên súy, nói riêng với nhau, ai nấy đều khen ngợi: "Nguyên súy truyền phát hiệu lệnh nghiêm minh, cắt đặt gọn gàng đầy đủ, quả là bậc tướng có tài." Sau đó các tướng đem quân đi đóng giữ các nơi như lệnh định, ai nấy đều lo chỉnh đốn khí giới, quân nhu sẵn sàng đánh địch.

Lại nói chuyện ở Bắc triều, Tây Định vương Trịnh Tạc tức giận người của Nam triều lăng nhục sứ giả, đã truyền lệnh chỉnh đốn binh mã, liền sai đô đốc Hào Man Lê Thi Hiến làm tiên phong, Tây Định đích thân làm nguyên súy, rước vua Lê ngự giá cầm quân đi tiếp ứng. Lại sai thiếu bảo Phú quận công Trịnh Căn làm nguyên úy thủy quân. Quân thủy bộ tất cả có mười vạn, nói phao lên là có mười tám vạn. Chọn ngày hai mươi tám tháng sáu đem quân xuất phát, tiến vào phía Nam.

Chỉ thấy:

Xe loan chuyển bánh, thiên tử khởi kinh,

Quân hổ bí tiền hô hậu ủng, phất phơ hình hổ báo trên cờ.

Đội long nhương tả dực hữu phù, cuồn cuộn lưng rắn rồng giữa phướn.

Trống khuya sừng thúc vang trời đất, chiêng rung phèng chát dậy non sông.

Kiếm kích lòa buốt sương, ngựa voi đi đầu núi.

Dập dờn cuồn cuộn như sóng biển dâng trào, ùn ùn lớp lớp tựa mây dồn mưa dập.

Đúng là hoàng đế hành quân, hàng ngũ thật chỉnh túc.

Trung tuần tháng bảy quân Trịnh đến châu bắc Bố Chính dàn quân đóng trại ở phía bắc sông. Đến trung tuần tháng tám Tây Định vương hạ lệnh phát binh qua sông Gianh tiến vào địa giới xứ Nam. Quân tiên phong đóng ở xã Đông Cao. Chính binh đóng ở bờ sông Thanh Hà. Do thám của quân Nam trở về báo tin với trấn thủ Triều Tín Triều Tính liền sai cai đội Hoằng Lộc đem quân đến các nơi từ đầu núi ra đến biển hộ vệ dân chúng bản châu, tất cả già trẻ, trai gái đều vào cả trong lũy để khỏi bị quân Trịnh nhiễu hại. Một mặt sai người vào triều bẩm báo và trình lên nguyên súy.

Bấy giờ trấn thủ Triều Tín chia quân đóng giữ thành trì nghiêm ngặt để phòng ngự. Đến ngày mồng ba tháng chín, Tây Định rước vua Lê bà dẫn quân qua sông Gianh, tiến thẳng đến trước lũy của quânNam ở doanh Bố Chính. Quân hai bên đóng trại đối nhau. Trấn thủ Triều Tín đem quân chặn địch, đánh lớn một trận. Nhưng vì quân ít không địch nổi, Triều Tín phải cho quân lui vào Chính lũy ở núi Động Hồi. Quân Trịnh thừa thắng đuổi theo. Tướng tiên phong Hào Man Lê Thi Hiến dẫn quân tiến thẳng đến đóng từ xã Chính Thủy đến đầu núi, sai quân đắp lũy đào hào, dựng trại. Tây Đinh vương đem quân vào đóng trong doanh Bố Chính, chia quân giữ chặt các ngã đường trọng yếu từ bờ biển lên các xã Phú Xá, Trấn Ninh, sai quân vào các làng sục sạo bắt người cướp của. Có khi bắt được dân Đàng Trong, bất kể già trẻ, trai gái, bọn họ đều lấy sọt cứu hỏa khoét lỗ ở đáy rồi chụp vào cổ mà quay, máu me chảy lênh láng, dân chúng kêu khóc vang động gần xa. Tra khảo để lấy của cải lại càng thảm khốc hơn nữa.

Tây Định lại sai các đạo quân xây đắp thành lũy từ núi ra đến biển để làm kế lâu dài. Truyền lệnh cho nguyên súy thủy quân Phú quận công đem thuyền trường xà và chiến thuyền, tất cả hơn tám trăm chiếc đến đậu ở sông Gianh để sẵn sàng đánh vào bãi cát Trường Sa, đến cửa biển Nhật Lệ thì cho quân bỏ thuyền lên bộ đánh vào sau lưng quân Nguyễn. Sai tham đốc Thắng quận công đem hơn ba mươi chiến thuyền đến đóng chỗ ngôi miếu ở cửa biển Nhật Lệ đế tiếp ứng cho quân bộ. Sai phò mã Hương quận công đắp đài súng ở xứ Cồn Mắm thuộc xã Trấn Ninh đặt súng lớn để bắn gãy cầu Mũi Nậy làm cho quânNam không đi lại qua sông được.

Bên quân Nam, nguyên súy Hiệp Đức dò biết được kế sách tiến binh của bên Trịnh, bèn chia quân nghiêm ngặt đánh giữ các thành trì. Lại sai tham tướng Tài Lễ đắp đài súng ở trong thành Trấn Ninh, đặt đại bác ở cầu Mũi Nậy để đối chọi với đài súng của quân địch.

Từ đó quân hai bên Nam, Bắc đều giữ thế cố thủ.

Lại nói nguyên súy Hiệp Đức từ khi vâng mệnh đem quân đi đánh giặc đã hơn hai tháng, chỉ dùng đàn ông làm người hầu phòng ngủ trong trướng, không dùng đàn bà con gái. Có viên cai đội người vùng ấy là Bật Nghĩa có con gái yêu kiều, xinh đẹp dò biết chuyện ấy, bèn nhờ người đem con gái tiến vào trong trướng để hầu hạ khăn lược. Hiệp Đức trông thấy liền nổi giận mắng:

- Ta chỉ muốn dẹp tan quân giặc, sao người dám đem nữ sắc đến câu ta? Ta vốn không có lòng ấy, lẽ ra phải mổ bụng ngươi để cảnh cáo người khác. Chỉ thương người nghèo đói muốn sống nổi tấm thân nên đến nổi phải như thế.

Nói đoạn sai người cho mười quan tiền rồi đuổi đi. Người con gái ấy thẹn thùng kinh sợ trốn về. Bật Nghĩa thấy vậy sợ hãi khôn xiết. Người ngoài biết chuyện đều chê là tham lam.

Lại nói ngày năm tháng chín năm ấy, Hiền vương ngự ở chính điện, triệu hội quần thần bàn việc đối phó với quân Bắc. Trấn thủ doanh Bố Chính sai người về thưa rằng:

- Hoàng đế Bắc triều và chúa Tây Định đem mười tám vạn quân vào xâm phạm bờ cõi, đóng quân ở Bố Chính, thả quân đi cướp bóc dân chúng.

Hiền vương hỏi các quan văn võ:

- Nay Tây Đinh đem mười tám vạn quân vào xâm lược bờ cõi. Quân chúng đông, quân ta ít, các khanh có cách gì chống giặc?

Cai cơ nội tả là Minh Lễ[540] thưa:

- Quân Bắc tuy đông nhưng như đàn sẻ bầy quạ. Quân ta tuy ít nhưng đều là quân tinh nhuệ hùng tráng, một người có thể địch được mười người. Vả chăng trong địa giới của ta có hào sâu lũy cao, nước giàu lương đủ thì việc gì phải sợ quân chúng đông người? Người xưa từng nói: " Một người giữ chỗ hiểm, nghìn quân không địch nổi". Huống chi binh pháp có câu: "Đánh thành là tai họa của binh gia." Nay quân Trịnh đang giữa tiết thu đông phát quân tiến vào cõi ta, nhưng ở chỗ Khe Cự là vùng khí độc. Nếu gặp mưa gió bão lụt thì phía trong cao, phía ngoài thấp, khí độc bốc lên làm hại quân chúng. Nếu lại ăn uống phải nước độc thì thiệt mạng. Bên ta không phí một mũi tên hòn đạn mà giành được toàn thắng. Ấy là vì họ Trịnh không hiểu thiên thời, không biết địa lợi. Quân ta nên đóng giữ nghiêm ngặt, tránh giao phong với bọn chúng. Chỉ trong vài tháng quân Trịnh hết lương tất phải tháo chạy về Bắc. Ta thừa thế tung quân đuổi theo, chỉ một hồi trống công lớn.

[540] Minh Lễ: tên tước của cai cơ nội tả Tống Đức Minh.

Các tướng đều đồng thanh nói:

- Kế ấy rất hay. Xin thánh thượng truyền lệnh cho các đạo quân ở chiến trường cứ theo thế mà làm.

Hiền vương nghe xong trầm ngâm nghĩ ngợi hồi lâu, rồi nói:

- Kế ấy rất hay, chỉ hiềm quân ta tự biết quân mình ít mà quân Bắc đông thì trong lòng không tránh khỏi lo sợ.

Bấy giờ thủ bạ Đông Triều thưa:

- Quân Bắc nói phao lên là có mười tám vạn vào xâm phạm cõi ta. Thần liệu xét thì quân Trung đô chỉ có từ mười vạn trở xuống chứ không nhiều hơn, huống chi khắp bốn trấn đều đang có quân làm phản. Nay Tây Định đem quân vào xâm lấn, ước chỉ khoảng từ bảy vạn đến chín vạn mà thôi. Hạng tinh binh ở lại giữ Trung đô bất quá chỉ còn hai vạn, có lấy thêm hương binh cũng chỉ được chừng một vạn nữa là cùng. Bọn họ làm sao dám bỏ nước trống không mà dốc quân vào đây? Còn như nói mười tám vạn thì e rằng đó chỉ là nói không thật đúng số. Thần có một kế gọi là phép "lấy rỗng, phá rỗng."

Hiền vương nghe nói cả mừng, nói:

- Kế như thế nào, khanh mau trình rõ.

Thủ bạ Đông Triều nói:

- Số quân của ta đã có mười sáu vạn, xin chọn thêm mười vạn hương binh nữa, cộng là hai mươi sáu vạn, đủ sức chặn đánh quân Bắc, không có gì phải lo lắng.

Hiền vương nghe xong có ý nghi ngại nhưng chỉ lặng yên không nói. Thủ bạ Đông Triều biết ý bèn đi đến bên cạnh nói nhỏ với chúa rằng:

- Hai nước tranh chấp nhau tất có kẻ do thám đi lại. Nói là mười sáu vạn quân chỉ là lời nói hư trương của thầm mà thôi. Xin chúa thượng cứ dương ngôn là giao cho thần tuyển thêm mười vạn quân, thành tất cả là hai mươi sáu vạn, vương thượng đích thân thống lĩnh hai mươi vạn đi đánh, còn sáu vạn đóng giữ các cửa biển và bãi cát Trường Sa. Lại sai viết tờ lệnh truyền cho các viên cai cơ, cai đội, đội trưởng tuân theo mệnh lệnh đem quân đi tiễu trừ quân Bắc, cứ nói phao lên như thế để lừa quân địch. Quân Bắc nghe biết sẽ kinh hồn bạt vía, không đánh mà cũng tự tan rã. Ngu ý của thần như thế, cúi xin thánh thượng x đoán.

Hiền vương nghe xong cả mừng vỗ chiếu cười nói:

- Kế ấy rất diệu, phải cho thi hành ngay!

Thủ bạ Đông Triều vái tạ tuân lệnh. Hiền vương cho bãi chầu.

Ngày hôm sau ra ngự sớm ở gác Quyển Bồng, triều thần đều đến chầu đông đủ. Lạy mừng xong, vương bèn truyền lệnh cho thủ bạ Đông Triều sai ty tướng thần lại phái người đến các phủ huyện ở hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam chọn thêm mười vạn hùng binh để cho đủ số hai mươi sáu vạn và viết lệnh chỉ truyền cho các chức cai cơ, cai đội, đội trưởng đem quân đi chặn địch. Nếu ai lười biếng trái lệnh sẽ trừng trị theo phép nước. Rồi đến ti tướng thần lại bàn việc tuyển quân. Lại lấy năm trăm tờ giấy trắng sai người viết lệnh. Lại truyền cho các viên đội trưởng nội thủy cùng các chiến thuyền đến ngày mồng chín đến gác Quyển Bồng để nhận lệnh.

Đúng sáng ngày mồng chín, Hiền vương ngự ở gác Quyển Bồng, thủ bạ Đông Triều truyền cho các tướng nhận lệnh. Các tướng vái tạ nhận lệnh rồi ra khỏi triều, trở về bản doanh sửa sang quân nhu, khí giới, sẵn sàng xuất quân. Hiền vương lại truyền lệnh cho các tướng chỉnh điểm binh mã, thủy bộ ba quân chọn ngày hai mươi ba tháng ấy phát quân đi cự địch. Sai sáu vạn hùng binh đóng giữ các cửa biển cùng bãi cát Trường Sa. Các tướng tuân lệnh sửa sang khí giới voi ngựa, chiến thuyền, đạn dược đợi lệnh tiến quân.

Bấy giờ do thám của quân Bắc dò biết tình hình điều quân của chúa Nam bèn luôn đêm lén về Bố Chính bẩm với Tây Định vương:

- Chúa Nam phát hai mươi vạn quân chặn đánh quân ta. Còn sáu vạn hùng binh thì điều đến mai phục ở các cửa biển và bãi cát Trường Sa để sẵn sàng đánh úp khi thủy quân bên ta đổ lên bờ. Về các tướng tá chỉ huy thì như thế, như thế.

Tây Định nghe xong cả kinh, bèn truyền lệnh cho các tướng:

- Nay quân Nam đông hơn quân ta, các ngươi phải đề phòng cẩn thận, không được sơ suất, nếu không sẽ trúng mưu kế của địch.

Lại truyền cho nguyên súy thủy quân Phú quận công dẫn thủy quân đánh chiếm các nơi trọng yếu ở cửa biển gần bãi cát Trường Sa phải thăm dò cẩn thận, không vội đổ quân lên bờ để khỏi bị quân địch đánh úp. Thế là Phú quận công Trịnh Căn vâng lệnh chỉ đồn trú thủy quân ở sông Gianh, không dám khinh động tiến phát.

Người đương thời có thơ khen thủ bạ Đông Triều như sau:

Bắt quân muôn vạn dậy hùng uy,

Ruổi gấp về Nam ngựa chiến phi.

Đạo Tế đếm cờ quân thêm mạnh,

Ngu Công tăng bếp địch càng nghi.

Quân kia trông thấy liền kinh khiếp,

Nước tổ lo gì kẹt thế nguy.

Trời biết triều ta rồi gặp nạn,

Đã cho thủ bạ[541] phép thần kì.

Lại nói Hiền vương chọn ngày hai mươi ba tháng ấy làm lễ tế cờ đạo[542] trước khi xuất quân. Lệnh cho cai cơ Quyền Tín đem ba cơ quân thủy cùng đội chiến thuyền hữu binh đóng giữ ở cửa biển Tu Dung. Cai đội Tín Mỹ dẫn đội chiến thuyền hậu thủy đóng giữ ở cửa Nại Hải, cai đội Mỹ Tài dẫn cơ chiến thuyền hậu thủy đóng giữ ở cửa Từng Luật, tri huyện của năm huyện dẫn hương binh đến đóng giữ ở các cửa biển dọc bãi cát Trường Sa. Đến ngày hai mươi lăm, Hiền vương ngự giá thống lĩnh đại quân thủy bộ tiến phát.

[541] Thủ bạ: chỉ Trần Đình Ân.

[542] Cờ đạo (đạo kì): lá cờ lớn bên trên có chùm lông trĩ, vốn là cờ cắm bên xe vua, thường giao cho tướng cầm quân xa trận.

Chỉ thấy:

Xe cộ dồn dồn, cờ rồng phướn hổ uy nghiêm,

Tàn lọng ngời ngời, giáp sắt mũ vàng chói lọi.

Kiếm kích soi sao sáng, thuyền chiến ánh sơn xuyên,

Quân thủy bộ tựa mây dồn khói tụ, ngựa voi dàn chật núi đầy đồng.

Thế quân đầu uy tráng, hiệu lệnh thật nghiêm hùng,

Một trận ti hổ xua quân Bắc, muôn năm rồng phượng mạnh trời Nam.

Ngày hôm ấy thủy quân tiến đến đồi cát Hải Cố, bỗng có trận gió lớn từ phía tây nam nổi lên, cát bụi bốc mù mịt, sóng dâng ngút trời, chiến thuyền lướt gió tiến lên. Bấy giờ có chiếc thuyền đánh cá dạt vào gần đội thuyền tiên phong, quân sĩ bèn bắt giữ xét hỏi:

- Thuyền của ngươi từ đâu dám đường đột đến đâ

Người trên thuyền đáp:

- Tiểu nhân là người Nghệ An, vì nhà nghèo nên phải làm nghề đánh cá để sinh sống, không may gặp gió lớn đứt neo nên thuyền trôi dạt đến đây, thật lòng tiểu nhân không dám xúc phạm đến đi quân, cúi mong các vị tha lỗi cho.

Quân sĩ bẩm lên cho Hiền vương biết. Vương liền nói:

- Đấy là bọn giặc Trịnh đến nộp đầu!

Nói đoạn bèn hạ lệnh chém bêu đầu để làm điềm đại thắng, truyền cho quân sĩ hò reo lướt tới. Không bao lâu đoàn chiến thuyền đã đến phủ Toàn Thắng ở Cựu Doanh, vương truyền lệnh chia quân đóng trại, khí thế mười phần uy nghiêm. Vương truyền cho đông cung thế tử Phúc Mỹ hầu dẫn quân ở thủy doanh và ba thủy đội chiến thuyền đóng giữ ở cửa Yên Việt. Lại sai cai cơ Thái Sơn dẫn cơ ngũ dực, cai cơ Thuận Trung dẫn cơ nội bộ và các thuyền đường sông tiếp đến đóng giữ thành Trấn Ninh. Các tướng ai nấy phải tự lo liệu chỉnh đốn binh sĩ, khí giới đế đánh giặc.

Lại nói bên quân Bắc, Tây Định vương Trịnh Tạc từ khi đem quân đến đánh ở châu Bố Chính chưa đánh trận nào, chỉ sai quân đào những đường hầm ngoằn ngoèo, những đường hào rắn lượn sâu chừng năm, sáu thước, từ trong dinh quân Bắc áp sát đến mặt lũy Trấn Ninh để cho quân đánh thành đi lại khỏi bị tên đạn sát thương, làm kế cầm cự lâu dài. Đến trung tuần tháng mười, quân Bắc ở đường thượng đạo do tham đốc Văn Lộc chỉ huy thường sai quân lẻn vào do thám lũy Đồng Hới, qua lại ở núi Mật Cật để dòm ngó tình hình bên quân Nam. Bấy giờ tấn thủ Bố Chính Triều Tín ở trong doanh trông thấy quân Bắc vào ra như vậy bèn triệu tập các tướng trong doanh bàn rằng:

- Bọn nhãi nhép Văn Lộc dám sai quân nhòm ngó bên ta. Ta phải xuất quân bắt sống hắn chém đầu thị uy cho hả giận.

Lúc ấy phí tướng bản doanh là cai đội Vân Trường[543] nói:

- Mổ gà không cần đến đao trâu, xét bọn Văn Lộc chỉ là dúm quân nhỏ nhoi, đại tướng không phải ra tay đối địch. Vân Trường tôi xin lĩnh một độiđến đóng trên núi Mật Cật ém binh mai phục, chờ quân bọn Văn Lộc kéo đến thì chỉ cần một hồi trống là bắt được hắn. Chủ tướng không phải lo ngại nhiều. Nếu không giữ núi đó để bọn chúng chiếm được thì dồn lũy của ta ở sát gần chân núi sẽ bị chúng nhìn rõ như trong lòng bàn tay, thấy bên ta ít quân, tất chúng sẽ tăng quân để chiếm đồn lũy thì quân ta khó giữ nổi. Tiểu tướng xin gắng sức ngựa hèn, quyết liều chết để báo đáp. Xin chủ tướng chớ bận tâm.

[543] Vân Trường: tên hiệu của cai cơ Trương Văn Vân.

Cai đội Hoằng Phương nghe Vân Trường nói vậy liền can:

- Không được! Không được! Núi Mật Cật ở nơi trơ trọi, xung quanh là đất bằng không có cây cối để đặt quân mai phục. Ta nên dựa vào thế sát núi gần sông, ém quân không lộ tung tích khiến bọn chúng không nghe tiếng động, không thấy khói lửa, thế gọi là "nén giấu tận chín tầng đất mà tung lên tận chín tầng trời." Như thế mói có thể bắt được bọn chúng. Nay Vân Trường định đem quân lên đóng trên núi Mật Cật, quân Bắc trông thấy biết đội quân ấy thế cô, chẳng khác gì đem dê nhử hổ vậy. Chỉ sợ kết ấy không thành thì trái lại làm mất uy phong của quân ta, mà làm tăng thêm chí khí quân Bắc. Nếu muốn dùng kế đặt phục binh, chi bằng chua quân đến mai phục ở khu rừng rậm sát mặt lũy. Hễ bọn chúng kéo đến thì quân ta đầu động đuôi ứng, đuôi động đầu ứng, tất sẽ thắng được. Việc gì phải đem thân đóng lọt vào giữa vòng vây?

Vân Trường nghe xong xẵng giọng nói to:

- Vân Trường này là con cháu nhà tướng, vốn hiểu biết các phép Lục thao, Tam lược, cách dàn trận bày quân trong binh pháp, trên thông thiên văn, dưới biết địa lí. Nếu đại quân của Tây Định kéo đến, Vân Trường này sợ gì? Huống chi Văn Lộc chỉ là đứa sất phu nhãi nhép ít mưu trí, Vân Trường này phải bắt sống hắn bằng được để tỏ mặt anh hùng hào kiệt. Há như bọn ngươi giữ thói đàn bà sợ chết tham sống, thì đến bao giờ mới dương danh được với hậu thế?

Trấn thủ Triều Tín nghe hai tướng cãi nhau bèn hòa giải:

- Đánh giặc là việc lớn của quốc gia, cần phải suy xét kĩ, anh em không nên tranh chấp nhau làm mất hòa khí. Đó không phải là đạo của kẻ nhân thần.

Rồi Triều Tín lệnh cho cai đội Vân Trường đem quân đến đóng ở núi Mật Cật. Vân Trường được lệnh liền đem quân đi ngay, chia đóng giữ các nơi hiểm yếu, sai người chặt cây đốn gỗ, dựng thành rào lũy trên đỉnh núi. Ban ngày giương cờ gióng trống, ban đêm đốt khói lửa để thêm thanh thế chế ngự quân giặc. Mấy ngày sau cai đội Hoằng Phương nói với trấn thủ Triều Tín

- Vân Trường là kẻ vô học, không hiểu binh pháp, chẳng biết địa hình, chỉ cậy sức mạnh chứ không có mưu kế, sớm muộn tất sẽ bị quân Bắc vây khón làm lỡ việc nước. Hoằng Phương tôi xin dẫn một đội quân ra khỏi lũy mai phục để sẵn sàng cứu ứng.

Trấn thủ Triều Tín cho là phải liền nghe theo. Hoằng Phương dẫn quân bản bộ lén ra mai phục ngoài lũy.

Tướng bên quân Bắc là Văn Lộc dò biết Vân Trường đem quân đóng trên núi Mật Cật để làm thế dụ địch, cả giận nói:

- Vân Trường là kẻ điên khùng không biết binh pháp, chẳng hiểu trận đồ, đem quân đến đóng ở chỗ núi cô. Ta phải bắt bằng được hắn.

Nói đoạn lệnh cho thự vệ Mẫn Trung, cai đội Vân Dương dẫn hai trăm quân ngay canh hai đêm ấy người ngậm tăm, cờ cuốn cán theo đường khuất lén đến núi Mật Cật chia quân bao vây khắp bốn phía, rồi bất ngờ thốc lên đỉnh núi đốt lửa đánh gấp vào, quyết bắt sống cho được Vân Trường đem về nộp, nếu sơ suất để Vân Trường trốn thoát thì sẽ trừng trị theo quân pháp. Đích thân Văn Lộc sẽ đem đại quân đi tiếp ứng.

Bọn Mẫn Trung nhận kế thi hành.

Canh hai đêm ấy, hai trăm quân Bắc do Mẫn Trung, Vân Dương chỉ huy, nhân lúc trời tối bí mật đến núi Mật Cật theo mưu kế định trước vây chặt núi, trong ngoài kín mít như bưng. Mẫn Trung truyền lệnh cho các quân khi tiến đến đầu núi thì nhất tề đốt đuốc, hò reo xông lên cướp trại. Bấy giờ tướng bên Nam là cai đội Vân Trường đang ở trong trại thấy xung quanh chân núi lửa cháy rừng rực, tiếng hò hét vang trời. Vân Trường cả sợ biết là bị quân Bắc bao vây, vội xua quân ra giao chiến. Thế là trong lúc bất ngờ, quân lính của Vân Trường hoảng hốt xô nhau vứt khí giới bỏ chạy, không sao ngăn nổi, cả đội quân chạy vợi mất quá nửa. Vân Trường ra sức chống cự, chém đầu được hơn mười tên quân Bắc. Khi Vân Trường đã mệt mỏi rã rời, lại nghe khắp nơi quân Bắc đều hô to: "Phải bắt sống Vân Trường đem về báo công lĩnh thưởng." Vân Trường xiết đỗi kinh sợ, ngửa mặt lên trời than rằng:

- Thần thờ chúa Nguyễn, muốn tròn đạo bề tôi để rạng mặt anh hùng, nêu công danh muôn thuở. Không ngờ mệnh trời như thế, Vân Trường này có sống cũng còn ích gì?

Than xong định rút gươm tự vẫn. Quân sĩ tâm phúc giằng lấy gươm, can rằng:

- Tướng quân được hưởng lộc hậu của nhà chúa thì nên gắng sức báo đền ơn nước. Nay sự đã như thế, âu cũng là thường tình của binh gia. Tướng quân nên mau tìm đường thoát mà về để mưu tính kế khác, cớ sao chịu chết uổng ở đây?

Vân Trường cho là phải, bèn cởi áo bào gấm, nón trận, thay mặc quần áo đội nón như lính thường rồi chạy ẩn vào trong lèn đá. Quân Bắc tranh nhau sục sạo tìm bắt nhưng không thấy Vân Trường. Lại nói đêm ấy tướng bên Nam là cai đội Hoằng Phương đem quân mai phục trong khu rừng rậm trước lũy, thấy ở đầu núi Mật Cật lửa cháy sáng bừng, lại nghe tiếng reo hò mới biết là quân Bắc đã đánh tan quân của Vân Trường ở trên núi. Hoằng Phương vội dẫn quân đến cứu ứng. Vừa đến chân núi thì gặp quân Bắc. Hoằng Phương đốc thúc quân sĩ xông vào đánh lớn. Quân Bắc thấy viện binh của quân Nam bất ngờ ập đến, không biết nhiều ít ra sao, ai nấy vội rẽ gai lướt cỏ chạy xuống núi tìm đường chạy trốn. Thấy Vân Trường mặc quần áo lính thường đang ngồi bên tảng đá, quân Bắc tưởng đó cũng chỉ là tên tiểu tốt bên quân Nam, bèn xẻo lấy đầu mũi rồi bỏ chạy. Khi xua quân đuổi theo, từ xa Hoằng Phương đã trông thấy Vân Trường bị quân Bắc xẻo mũi. Nhưng thình lình đại quân của Văn Lộc tiến đến tiếp ứng, Hoằng Phương thấy quân Bắc quá đông bèn thu quân, cứu Vân Trường đưa về lũy.

Trấn thủ Triều Tín cả giận trách mắng Vân Trường:

- Trước quân thì ngươi khua môi múa mép, mắng nhiếc các quan. Nay làm hao tổn quân sĩ, chuốc nhục vào thân như thế, còn có gì đáng nói nữa.

Vân Trường cúi đầu than rằng:

- Tướng để quân thua, thật không còn gì dám nói. Tôi chỉ một chết không oán thán.

Trấn thủ Triều Tín nói:

- Cái đầu của ngươi, ta hãy tạm gửi trên cổ đó! Để đợi bẩm lên thánh thượng biết rồi sẽ hay.

Rồi Triều Tín sai người về triều bẩm việc Vân Trường để thua quân như thế. Hiền vương nghe xong nói với triều thần:

- Tội của Vân Trường, phép quân không thể dung tha. Nhưng Vân Trường là người đầu tiên ở xứ Nghệ An đã ứng nghĩa theo làm bề tôi ở bên ta,hinh chiến trong hơn năm, sáu năm, từng lập nhiều chiến công. Con người Vân Trường khá có dũng lược, như bàn việc tranh giữ núi Mật Cật thì rất có lí, nhân đó mới cậy sức mạnh mà không có mưu trí, định làm cho rạng vẻ anh hùng nên mới đến nỗi như thế. Xét công trước để chuộc tội sau, kể cũng đáng tha thứ.

Vương bèn xuống lệnh tha tội cho Vân Trường, vẫn cho giữ chức cai đội như cũ, hàng năm cấp một trăm quan tiền để nuôi dưỡng đến trọn đời, cho phép trở về Phúc Tuy dưỡng bệnh. Các tướng biết chuyện đều không ngớt lời ca tụng đức độ của Hiền vương, bảo nhau:

- Thánh thượng xét công của kẻ thần hạ như thế thật đúng là bậc quân vương nhân từ.

Người đương thời có thơ vịnh như sau:

Ngời ngời thánh đức rạng trời Nam,

Giáo hóa muôn phương ức vạn năm.

Nhân tựa Thuấn Nghiêu tràn khắp chốn,

Đức như Thang Vỹ gội thấm dầm.

Suy công chuộc lỗi ơn ban xuống,

Xét cũ biết nay bậc khác phàm.

Bao thủa minh quân đều một đạo,

Sân triều văn võ chúc muôn năm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top