Hồi 18


Trịnh Tuyền về Đông Kinh liền vào ngục

Chúa Hiền ra Vân Cát lệnh dừng binh.

Thơ rằng:

Anh hùng lừng lẫy khắp trung châu,

Xã tắc oai linh hộ nguyện cầu.

Bái ấp[429] điềm thiêng rồng đến hiện,

Gia hương[430] linh ứng phượng về chầu.

Thành trì bền chắc muôn thuở vững,

Kẻ sĩ theo về chật trước sau.

Khai sáng cơ đồ nên thánh chúa,

Tía hồng mây rạng tỏa kim âu.

[429] Bái ấp: quê Hán Cao Tổ.

[430] Gia hương: tức Gia Miêu Ngoại Trang ở Thanh Hóa, quê tổ của các chúa Nguyễn.

Lại nói năm Đinh Dậu, niên hiệu Thịnh Đức thứ năm (1657), tháng hai, người của Nam triều là bọn Văn Tường, Nho Hoàng, Thế Lương cùng với con trai của kí lục Hồ là Tú Phượng ngày đêm đi gấp về đến Dinh Cầu vào bái yết tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ. Văn Tường thuật lại công việc của kí lục Hồ ở ngoài Bắc trước sau như thế, rồi đó đem thư mật của kí lục Hồ trình lên. Hai tướng mở thư xem xong cả mừng, trọng thưởng cho bọn Văn Tường, sai bày yến tiệc khoản đãi Tú Phượng. Hai tướng ân cần thăm hỏi bảo ban Tú Phượng, cảm ơn lòng thành của kí lục Hồ, ca ngợi kí lục tiên sinh quả là kẻ anh hùng tuấn kiệt thức thời. Tú Phượng vái tạ, thầm nghĩ người xưa có câu: chưa được biết vua, trước xét ở bề tôi. Nay nghe lời của hai vị chủ tướng thì biết Nam chúa là bậc thu dùng được hiền tài.

Yến tiệc xong, hai tướng sai chức sự tên là Tú Minh cùng đi với bọn Văn Tường, Nho Hoàng, Thế Lương, Tú Phượng về triều tâu báo. Bọn Tú Minh vâng lệnh ngày đêm đi gấp về ngự doanh ở Quảng Bình, xin vào bái yết chúa Hiền, dâng khải văn và sổ ứng nghĩa của ký lục Hồ. Tờ khải viết:

"Tiểu thần ở rừng núi Đàng Ngoài là kí lục Hồ Phạm Hữu Lễ cùng những người ứng nghĩa dập đầu trăm lạy kính tâu dưới điện xin thánh chúa phương Nam soi xét:

Bọn thần trộm nghĩ: Thánh chúa thông suốt sáng láng, lượng cả bao dung. Bọn thần nghĩ đến việc giúp rập, thành thực đem cờ ứng nghĩa, sợ hãi mạo muội theo về, cúi ngước long nhan dâng đạt.

Trộm nghĩ: Bọn thần hổ danh ở đời, may được thức thời đôi chút. Bao lần nén chịu dưới triều vô đạo, chỉ biết ẩn lánh tự vui. Nay mừng thấy vận nước đang lên, những muốn đi theo giúp việc. Vừa đây nhân đi thăm người quen ở xứ Sơn Nam gặp tín sứ ra Bắc. Được biết tin trời giúp chúa Nam đem quân qua ải hiểm, những mong thánh thượng phát binh châu Ô đánh kẻ địch, gót Phượng đặt yên. Thần được đặc ban ân thưởng, chúa thượng quá khen là "cao ẩn tiên sinh". Sứ giả truyền lời dụ rằng: Tiên hoàng đế khai sáng cơ nghiệp, các bậc tiên chúa lập công mà thời thế còn gặp lúc bĩ. Nhưng vận thái ngày nay đã đến, ôn tồn lời thánh chỉ trong thư tài sáng suốt nghĩ xa vạn dặm.

Thần những muốn ruổi ngựa kí với vương đình bái yết long nhan nhưng công việc bộn bề, việc xướng nghĩa không thể ngừng lo liệu. Vì thế thần xin cho con trai đánh đường xa vào bái yết cửu trùng, ngõ hầu tình dưới được thông lên, ý trên được đạt xuống. Thần nguyện noi theo gương Lã Vọng giúp sự nghiệp nhà Chu, thường ngày vẫn tiếp đãi tân khách tại nhà, cùng ước hẹn hiệp đồng tâm chí[431].

- Muôn trông được nghênh đón ngự giá ra Thăng Long để hoàn thành công lớn. Xin chúa thượng chớ nên nghi ngại.

Bọn thần dập đầu trăm lạy kính bẩm."[432]

[431] Lược bớt một đoạn sau bức thư, phần nhiều lời lẽ xưng tụng.

[432] Về bức thư của kí lục Hồ (tức Phạm Hữu Lễ), ĐNTLTB chép vào việc tháng ba năm Bính Thân (4-1656): "Tháng ba, Phạm Hữu Lễ ở Sơn Tây sai người đem thư cho Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật xin thi hành ba chước: một là tung phản gián cho họ Trịnh nghi lòng; hai là kết nối hòa hảo để cầu giúp đỡ; ba là dùng người hào kiệt để họ ra công."

Chúa Hiền ngự xem khải văn và sổ ứng nghĩa rất lấy làm mừng. Bọn Tú Minh lại dâng lời sấm ngữ của thầy số người Tàu. Lời sấm ngữ nói: "Tuy hữu đồng tính, diệc phi miêu duệ, cửu cửu chi số, phi tam tắc tứ."

Chúa xem xong chưa hiểu ý nghĩa ra sao bèn gọi hỏi Tú Minh:

- Khanh có hiểu ý lời sấm ngữ nói gì không?

Tú Minh đáp:

- Khi trước gặp ông thầy số người Tàu, quan đốc chiến có hỏi kĩ, người ấy đã trả lời rành rõ.

Hiền vương hỏi:

- Lời sấm nói: "Tuy hữu đồng tính, diệc phi miêu duệ" câu ấy nghĩa lí thế nào?

Tú Minh đáp:

- Thầy số nói: hai câu ấy nguyên là nói về việc ở ngoài kinh đô nhà Lê. Nhà vua hiện nay là Lê Duy Kỳ, tuy cùng người họ Lê nhưng không phải là miêu duệ (con cháu) của vua Lê Thái Tổ. Hơn nữa vua Lê Thái Tổ quê ở làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, dấy nghĩa binh mà dựng nên nghiệp đế. Còn vua Khánh Đức[433] là người làng Bố Vệ huyện Tống Sơn. Từ Bố Vệ lên Lam Sơn còn phải đi hơn hai ngày đường nữa. Thế gọi là: Tuy chung một họ chẳng là con cháu.

[433] Khánh Đức là niên hiệu của vua Lê Thần Tông (Lê Duy Kỳ).

Chúa lại hỏi:

- Hai câu sau: "Cửu cửu chi số, phi tam tắc tử" là nghĩa thế nào?

Tú Minh đáp:

- Thầy số nói: Nước Nam này biết bao người ẩn cư dật sĩ, học rộng biết nhiều, tài năng bao quát trời đất, mưu mô xuất quỷ nhập thần, thông kim bác cổ, tất biết điều đó là nói về vận số bĩ thái tồn vong của Thanh vương Trịnh Tráng, có gì khó đâu? Vả lại Trịnh Tráng năm nay tám mươi mốt tuổi, tức là số chín chín tám mươi mốt vậy. Tính ra như thế thì năm nay, không phải tháng ba thì đến tháng tư, Trịnh Tráng sẽ chết. Hai câu: "Cửu cửu chi số, phi tam tắc tử" là như thế.

Chúa Hiền nghe xong cả mừng nói:

- Quả là người cao minh viễn kiến, tiếc không được gặp để cùng mưu việc lớn.

Nói đoạn, chúa Hiền cho gọi bọn Tú Phượng vào chầu. Tú Phượng lạy chào tâu rằng:

- Cha thần là kí lục Hồ cùng các tướng ở bốn trấn Đàng Ngoài ngước nghe thánh chúa đức tỏ gần xa, ổn khắp mọi chốn, nhún người để cầu hiền, nghiêng mình tiếp kẻ sĩ. Ai nấy đều vui lòng, khen là bậc minh quân, cùng trông mong chúa thượng phát dương uy đức, dẹp yên bốn biển, khôi phục trung nguyên ngõ hầu thi triển sức anh hùng, thỏa ý nguyện bình sinh.

Hiền vương thong dong bảo Tú Phượng rằng:

- Ta nghe danh Hồ tiên sinh là bậc hiền sĩ cao minh, hiểu đạo lí, biết cơ thời, khuông phò vương thất dẹp trừ nghịch hại, đem dân bốn trấn theo về, quả là bậc hào kiệt ở đời nay. Tuy xa cách ngàn dặm nhưng đọc thư cũng kể như đã gặp mặt chuyện trò. Mong có ngày cùng nhau hội ngộ để thỏa lòng mong ước của ta. Huống chi ngươi vì ta vượt đường xa hiểm trở vào đây bày tỏ lòng trung thuận trước vương đình, lòng ta càng bội phần sung sướng. Xét người có công to không biết lấy gì báo đáp. Lẽ nên trao chức quan cao, cấp bổng lộc nhiều để biểu dương. Nhưng vì Nam Bắc khác nhau, sợ sơ xuất tiết lộ.

Nói đoạn chúa Hiền sai lấy vàng tốt mười lạng, bạc tốt ba mươi lạng, lụa mịn năm tấm ban thưởng cho Tú Phượng để đáp lòng ngưỡng mộ. Bọn Tú Phượng bước lên vái tạ. Chúa Hiền lại

- Ngươi trở về Sơn Tây, ta gửi lời chào Hồ tiên sinh cùng các vị hào kiệt. Mọi công việc nên đồng lòng hợp sức, trước sau phải giữ lời thề như Hán Cao Tổ gặp Trương Lương. Lưu Huyền Đức dùng Gia Cát Lượng. Mọi thứ quân nhu cần lo liệu đầy đủ, đợi cuối xuân đầu hè, bốn phương cùng nổi dậy. Bấy giờ quân ta tiến ra, các ngươi từ hai phía đánh vào để phân chia thế lực họ Trịnh, ngõ hầu kẻ tiếm nghịch bị diệt trừ, dư đồ thu về một mối. Làm được như thế công trạng của Hồ tiên sinh dài truyền sử sách, không phải là nhỏ.

Bọn Tú Phượng vâng mệnh, vái tạ lui ra rồi lên đường trở về Sơn Tây. Hiền vương lại gọi Tú Minh đến dặn riêng rằng:

- Người hãy mang theo vàng tốt năm mươi lạng, bạc một trăm lạng, ra Nghệ An giao cho đốc chiến Chiêu Vũ, dặn bảo Chiêu Vũ viết mật thư chọn mầy người bản thuộc tin cậy cùng đi với sứ giả đem ra cho kí lục Hồ, nói số vàng bạc đó thưởng cho kí lục Hồ cùng các vị hào kiệt ứng nghĩa để làm tin. Một mặt cũng dò xét luôn nội tình bọn họ hư thực, đi lại, cử chỉ ra sao, mau trở về hồi báo, chớ chậm trễ.

Bọn Tú Minh vâng lệnh đi ra, ngày đêm ruổi ngựa trạm đi gấp ra hành doanh của đốc chiến Chiêu Vũ. Tú Minh vào trong trướng yết kiến đốc chiến, giao nộp vàng bạc và chuyển đạt lệnh chỉ của Hiền vương. Đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong suy nghĩ hồi lâu, định ý lần này sẽ sai Thế Lương, Tri Xuyên cùng đi với Văn Tường. Thế Lương và Tri Xuyên đều là người Quảng Nam. Còn về Văn Tường thì trước đây, khi Đàng Trong, Đàng Ngoài còn đi lại với nhau, cha Văn Tường là đô đốc Lễ quận công từng làm đại thần ở Bắc triều, sinh Văn Tường ở Thăng Long. Từ năm Ất Mùi (1655) Nam Bắc giao binh, cõi miền cách biệt. Khi quân Nam triều tiến đánh Hàn Tiến, Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật từng sai Văn Phương là cháu của Lễ quận công ra Trung đô bàn mưu với quận Lễ mượn tay họ Trịnh giết Hàn Tiến để trừ hậu họa. Quận Lễ cho Văn Tường theo Văn Phương vào Nam ứng nghĩa, làm bề tôi cho Nam triều để thông tin tức. Văn Tường đã gây được tình thân tín với kí lục Hồ, từng được ủy đi các trấn thăm dò tin tức thực hư. Văn Tường ở nhà còn có mẹ già đã ngoài tám mươi, cô quả góa bụa, hoàn cảnh thật là lênh đênh cơ khổ. Nay sai Văn Tường đi làm công vụ nơi xa, ở nhà mẹ già không người nuôi dưỡng, không khỏi tựa cửa ngóng trông.

Chiêu Vũ nghĩ đoạn bèn viết biểu văn, sai bọn Văn Tường, Thế Lương, Tri Xuyên về ngự doanh ở Quảng Bình tâu bẩm, ngõ hầu được chúa thượng ban cho chức quan nhỏ để khuyến khích công lao chăm lo việc nước. Chiêu Vũ giao biểu văn cho Tú Minh, sai đem bọn Văn Tường cù về yết kiến ngự doanh. Bọn Tú Minh, Văn Tường về đến ngự doanh, vào lạy chào, dâng biểu văn của quan đốc chiến.

Chúa Hiền xem xong tờ biểu, bảo bọn Văn Tường rằng:

- Các ngươi là chỗ tâm phúc của ta, trước nay vẫn siêng năng việc nhà chúa, ta vẫn ghi nhớ trong lòng. Nhưng nghĩ để ngày sau nghiệp lớn thành công sẽ bội gia ưu thưởng cũng chưa muộn. Nay đốc chiến đã có biểu văn trình rõ, ta có tiếc gì đâu?

Bèn ban cho Thế Lương, Tri Xuyên giữ chức cai đội, Văn Tường làm cai hợp, thưởng ba mươi lạng bạc tốt chung cho cả ba người. Bọn Văn Tường vái nhận tạ ơn đã xong, chúa lại sai cấp cho mẹ già của Văn Tường ba mẫu đồn điền, hàng tháng được nhận quan lương hai hộc để cung dưỡng tuổi già. Văn Tường xuống dưới thềm vái tạ, thưa rằng:

- Thần được đội ơn dầy, xin hết sức trâu ngựa để đền ơn thánh thượng mở đức bao dong, dẫu gan óc bết đất cũng không dám từ.

Chúa Hiền lại bảo bọn Văn Tường:

- Các ngươi ngay việc nhà đã xong xuôi, khá mau trở lại dinh đốc chiến để thi hành công vụ.

Ba người vái chào xin lui rồi lên đường ra Dinh Cầu. Đến nơi, bọn Văn Tường liền vào trong trướng bái yết đốc chiến Chiêu Vũ. Văn Tường đem việc ở ngự doanh được chúa thượng ban ơn ưu đãi thuật lại một lượt. Đốc chiến Chiêu Vũ cả mừng bèn lấy thư cùng bạc vàng các khoản trao cho bọn Văn Tường, lại đinh ninh dặn dò mọi việc. Bọn Văn Tường vội lên đường đi gấp ra Trung đô để lên trấn Sơn Tây tìm kí lục Hồ. May lại gặp kí lục Hồ đang trên đường đi thăm bạn hữu các nơi để liên kết hào kiệt trong bản trấn. Gặp nhau chào hỏi đã xong, bọn Văn Tường kể lại cho kí lục Hồ nghe đầu đuôi công việc, trình mật thư và chuyển giao cho kí lục Hồ những lễ vật vàng bạc của Nam chúa gửi ra để quân sư tùy nghi ban thưởng cho những người có công. Kí lục Hồ rất lấy làm mừng, bèn phi báo cho các hào kiệt đến nhà kí lục Hồ để cùng xem mật thư của Nam chúa do bọn Văn Tường đem ra. Bức mật thư ấy viết rằng:

"Nam chúa gửi bức thư và tín vật kim ngân đến kí lục quân sự Hồ tiên sinh cùng chư công xét hiểu:

Từng nghe: trời có nhật nguyệt tinh sao, nhật nguyệt rạng mà tinh sao ngời. Nước có quân thần phụ tử, thần sáng thì phụ tử hiền. Ngày nay tiên sinh cùng các ông là bậc người nhân quân tử, đạt lí thức thời, biết lẽ lấy bỏ, ở về, giấu danh giữ đạo.

Thiết nghĩ: họ Trịnh trên khinh mạn đế thất, dưới tàn ngược sinh dân, giết hại kẻ trung lương, cương thường đều rối loạn, khắp chốn rừng sâu lũng vắng, già cả trẻ thơ chẳng ai không oán giận. Ngày trước từng nghe vì căm giận họ Trịnh hôn ám rối loạn khiến trăm họ đảo điên, mà tiên sinh cùng các ông tự ý muốn gắng sức trung nghĩa, diệt Trịnh phù Lê. Võ thì có trí tín dũng nghiêm. Văn thì có lược thao kinh vĩ. Mong giúp vương thất trung hưng, nghĩ cứu dân đen thoát cơn nước lửa. Dẫu là đối với bậc danh thần hào kiệt có lòng lo vua yêu nước thời xưa cũng không hề kém.

Từ khi tiếp mật thư kể rõ công việc ngoài ấy, thấy mọi việc binh cơ trù hoạch đều được chu tất vẹn toàn, lòng ta thật vui mừng khôn xiết. Nhưng ta tài thấp đức mỏng, không sánh kịp các bậc vua hiền các đời Chu, Hán mà đâu dám mong có Lã Vọng, Trương Lương giúp vì. Đành chỉ đăm đăm ngày đêm mong gặp người hiền, ước ao như khát nước mà chưa được người.

Nay may gặp tiên sinh, đúng là cá cạn gặp nước. Bèn có lễ mỏng, kính biếu thành tâm, cảm phiền các vị xét thấu lòng này, đồng tâm hợp sức, hẹn ngày tháng ra tay để trợ lực cho quân ta. Tình thế ra sao, sớm báo tin về, ta sẽ dẫn hùng binh cuốn chiếu ruổi dài để rộng tỏ công lao tổ tông, quét sân triều sạch loài gian ác. Nay thư."

Kí lục Hồ cùng các hào kiệt xem thư xong ai nấy đều vui mừng, nói rằng: "Như lời lẽ trong thư, nghĩ kĩ thì đúng là chúng ta đã chọn được bậc minh chúa." Rồi đó cùng nhau chia lĩnh đồ thưởng, hướng về phương Nam vái tạ rằng: "Đội ơn Nam chúa ưu đãi trọng hậu, bọn thần dẫu thân nát xương tan vẫn lo báo đền khôn đặng." Bấy giờ ai nấy đều xoa tay xắn áo cùng thề nguyền diệt trừ họ Trịnh. Mọi người cảm tạ kí lục Hồ, cáo từ ra về để bí mật luyện tập binh mã, tích trữ lương thảo đợi ngày hành động.

Đến ngày mười tám tháng tư, bỗng có tin Thanh vương Trịnh Tráng ốm chết. Tây Định vương Trịnh Tạc lên nối ngôi chúa, làm lễ chịu tang.

Bọn kí lục Hồ nghe tin cả mừng bảo rằng:

- Nay trong nước có tang, thế là thời vận đã đến, không còn nghi ngờ gì nữa.

Kí lục Hồ bèn sai bốn người là Văn Dụ ở Hải Đông, TNham ở Kinh Bắc, Tú Phượng ở Sơn Tây và Khoái Đức ở Sơn Nam họp bọn lên đường đi gấp vào Nam triều báo tin, xin Nam chúa sớm cho quân vượt sông Lam đánh mạnh ra Bắc để tiện cho bốn trấn ngoài Bắc khởi binh, cùng lúc đánh giáp bắt cho được Tây Định vương Trịnh Tạc.

Hiền vương Nguyễn Phúc Tấn nghe tin cả mừng trọng thưởng cho bốn người, bảo rằng:

- Các khanh mau trở về nói với kí lục Hồ và các vị hào kiệt ngoài Bắc sửa soạn gấp rút, chớ phụ lời hẹn trước. Sớm muộn ta cũng đem quân vượt sông Lam tiến ra Bắc, trước sau đều tiến đánh để hoàn thành sự nghiệp lớn!

Bọn Văn Dụ bốn người vâng mệnh, liền lên đường trở về Bắc. Người đương thời có thơ bình tán rằng:

Muôn thuở ào ào sóng cuốn trôi,

Bốn phương quân với nước cùng vui.

Tây nam xuân đến qua núi biếc,

Đông bắc hạ về vượt biển khơi.

Ước hẹn theo lời lòng cố kết,

Băng mình chuyển đạt dạ khôn nguôi.

Duyên may nghìn thuở bao giờ gặp,

Mãi mãi truyền lưu với đất trời.

Lại nói tháng tư năm ấy (1657), ngày mười tám, ở Bắc triều, Thanh vương Trịnh Tráng mất. Vua Lê Thịnh Đức[434] thân đến phủ Thanh vương mặc áo tang, lập đàn tế, thần dân văn võ đều để tang. Chuyện chia hai đằng, kể tiếp:

Bấy giờ ở Nam triều, Hiền vương Nguyễn Phúc Tần nhận được tin do kí lục Hồ sai, người vào báo về việc Thanh vương Trịnh Tráng chết, Hiền vương bèn lên xa giá thân dẫn ba quân ra huyện Thạch Hà, xứ Nghệ An dừng quân ở dinh Vân Cát[435]. Tiết chế Thuận Nghĩa cùng các tướng văn võ đều đến lạy mừng. Nghi lễ đã xong, tiết chế Thuận Nghĩa tâu rằng:

- Nay Thanh Vương mới mất, Đàng Ngoài đang có tang. Bọn thần liệu thế chiến đấu của quân Trịnh tất phải trễ biếng. Nghĩa binh ở bốn trấn đã sẵn sàng, lòng người quy thuận, chính là lúc trời và người đều theo về. Xin chúa thượng cho quân vượt sông Lam, nắm lấy thời cơ mà tiến đánh, ngõ hầu một phen cất quân thẳng, họp với quân của bn trấn để diệt trừ họ Trịnh. Nếu để mất cơ hội thì hóa ra khi trời cho thì không lấy lại chuốc phải tai ương. Cúi mong chúa thượng xét quyết để khỏi mất cơ hội!

[434] Thịnh Đức (1653-1657) hiệu của vua Thần Tông Lê Duy Kỳ.

[435] Tức quân doanh đóng ở xã Vân Cát, huyện Thạch Hà (Nghệ Tĩnh ngày nay).

Chúa Hiền nghe xong nói rằng:

- Tiết chế bàn như thế là đúng. Nhưng đời tiên vương ta từng có quan hệ mật thiết với họ Trịnh. Thời Sãi vương, khi Thánh tổ về trời, Thanh vương từng sai người đem lễ vật đem điếu phúng. Nay họ Trịnh có tang, nếu ta đem quân ra đánh không khỏi mang tiếng là bất nghĩa. Người xưa nói: Đánh người lúc nguy khốn là bất vũ, thủ lợi khi người ta đau khổ là bất nhân. Các khanh nên hiểu ý ấy, hãy tạm đóng quân yên chỗ rồi sẽ mưu tính về sau.

Các tướng nghe lời chúa Hiền đều sụp lạy tâu rằng:

- Thánh thượng xét nghĩ thật có lòng nhân của vua Nghiêu, vua Thuấn, bọn thần đâu dám không tuân mệnh.

Rồi Hiền vương cho người sửa soạn lễ vật điếu phúng, sai người đi kinh đô viếng tang để trả nghĩa trước. Rồi đó truyền lệnh cho các tướng giữ yên vị trí đóng quân ở bờ nam sông Lam từ phía trong núi ra đến biển, dựa theo địa thế đắp lũy chia đồn cố thủ để ngăn chặn quân Trịnh. Rồi đó, Hiền vương đem quân trở về Nam. Từ bấy giờ quân Đàng Trong, Đàng Ngoài tạm ngừng chiến, cả đôi bên đều đóng quân giữ yên ranh giới.

Lại nói Tây Định vương Trịnh Tạc từ sau khi nối ngôi chúa thường vẫn cho rằng thái bảo Ninh quốc công Trịnh Tuyền vốn là viên tướng dũng cảm tài giỏi được nhiều người suy tôn tuân phục. Từ năm ngoái, Trịnh Tuyền theo lệnh Thanh vương đem đại binh vào trấn giữ quân Nam, đóng đồn ở dinh Yên Trường[436] chiêu binh mãi mã, giao kết anh hùng hào kiệt ngầm chứa lòng phản nghịch. Tây Định vương lấy làm ngờ. Bấy giờ Trịnh Tạc bí mật sai Đương quận công Đào Quang Nhiêu nói dối là có lệnh chỉ triệu thái bảo Ninh quốc công về triều chịu tang. Trịnh Tuyền thấy vậy lấy làm ngờ vẫn còn do dự chưa quyết, bèn triệu những người tâm phúc như tham tướng Hợp, thự vệ Dực Tường vào phòng riêng bàn bạc. Thái bảo Ninh quốc công nói:

- Nay vương huynh nối ngôi, sai triệu ta về kinh. Ta lấy làm ngờ lệnh ấy có ý chẳng lành. Vả lại vương huynh với ta tuy là cốt nhục, nhưng ta trộm xét vương huynh vốn chẳng có cảm tình thân mật với ta. Nay sai người đi triệu gấp như thế, bên trong hẳn có duyên cớ gì hệ trọng chứ chẳng phải là thiện chí. Ta muốn lo trước để giữ mình nhưng không biết nên về hay ở lại. Ta nghe nói ở Nam triều, chúa Nguyễn là bậc sáng suốt, độ lượng, kiến thức hơn người, nhún thân cầu hiền, xuống mình đãi kẻ sĩ, ta muốn theo hàng để khỏi mắc thân vào tai họa. Hay là cứ theo lệnh về kinh rồi tùy đó may sao hay vậy? Hai lẽ ấy chẳng hay chủ kiến các ông thế nào? Các ông khá giúp ta một câu để sớm định liệu.

[436] Cũng tức là Vĩnh Dinh, hành doanh đóng ở xã An Trường, huyện Chân Phúc (thuộc huyện Hưng Nguyên).

Bọn quận Hợp và thự vệ Dực Tường nghe nói cả kinh, đáp rằng:

- Thái bảo nói lời ấy là giả hay thật?

Trịnh Tuyền nói:

- Hai ông là chỗ tâm phúc theo giúp ta đã lâu ngày há lại không biết lòng ta hay sao mà còn phải nghi ngờ?

Bọn quận Hợp, thự vệ Dực Tường nói:

- Đạo làm dân làm con chỉ một tiến một lùi, đúng sai đều rất hệ trọng. Nay thái bảo đã nói như thế tất là vạn bất đắc dĩ. Bọn chúng tôi trộm nghĩ, nếu sự việc quả đã đến mức như vậy mà trở về kinh thì khác nào rồng bò vào vạc nước nóng, chi bằng sớm đầu hàng chúa Nam rồi sau sẽ mưu đồ việc khác. Bọn chúng tôi cũng tránh khỏi tai họa cá nhốt trong ao.

Trịnh Tuyền nghe nói trầm ngâm nghĩ ngợi hồi lâu, rồi bảo bọn quận Hợp và thự về Dực Tường rằng:

- Hai ông nói rất có lí. Nhưng nhà ta ở kinh đô còn có mẹ già một thân vò võ, ngày đêm không kẻ đến hầu thăm. Nếu ta bỏ mà đi thì vừa là bất trung lại mang tiếng là bất hiếu, không khỏi bị thiên hạ chê cười là loài cầm thú. Mưu kế hiện nay chi bằng hai ông hãy đi trước sang Nam giới, đem sự tình của ta thưa trước với hai tướng tiết chế và đốc chiến bên Nam xét định. Nếu họ đối xử đầy đặn, sai người đi đón tiếp thì ta sẽ xin đầu hàng rồi theo về cùng với người của họ.

Quận Hợp và thự vệ Dực Tường từ biệt Trịnh Tuyền đem vợ con cùng quân lính người ngựa dưới quyền đi về hướng đường ranh giới phía nam. Gặp quân chúa Nguyễn, hai người xin báo tin cho tướng trấn thủ nhờ dẫn đến dinh tiết chế. Hai người đến trước cửa dinh cúi lạy. Tiết chế Thuận Nghĩa ra ngoài trướng đón tiếp, hỏi han duyên cớ rồi mời vào trong dinh chia ngôi chủ khách cùng ngồi, sai bầy yến tiệc khoản đãi. Quận Hợp rời chiếu tiệc, đứng dậy nói rằng:

- Hiện nay thái bảo Ninh quận công Trịnh Tuyền đem đại binh đóng giữ ở miền ven. Tây Định vương Trịnh Tạc có ý nghi kị, tuy là tình anh em nhưng thế không dung hợp được. Thái bảo chúng tôi vì thế ngày đêm đau xót thương khóc không thôi, đã bao lần nghĩ kế giữ thân, nên chưa biết nên theo đường nào. Lâu nay thái bảo chúng tôi từng nghe tôn công thờ vua hết lòng đã quyết ý muốn theo về nhờ lượng cả của tôn công để có chốn nương thân. Nhưng chưa biết ý của tôn công dung nạp ra sao, cho nên thái bảo sai chúng tôi đến trước báo tin. Xin tôn công cho biết ý xét định.

Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong bèn sai người đi mời đốc chiến Chiêu Vũ đến bàn định. Đốc chiến Chiêu Vũ nói:

- Thái bảo Ninh quận công Trịnh Tuyền nếu quả có lòng như vậy, xin tiết chế sai người về triều tâu báo, đợi chúa thượng ban lệnh chỉ ra sao rồi hãy theo đó mà thu xếp.

Tiết chế Thuận Nghĩa cho là phải, bèn sai chức sự và Văn Xuyên về triều tâu lên chúa Hiền biết ý định của Thái bảo Trịnh là Ninh quốc công Trịnh Tuyền muốn xin về hàng. Hiền vương nghe tâu cả mừng bèn truyền lệnh rằng: "Bọn quận Hợp, Dực Tường nay đã về hàng vẫn cho được giữ chức cũ, đặt dưới quyền điều khiển của tiết chế Thuận Nghĩa. Nếu thái bảo Trịnh Tuyền muốn xin hàng, giao cho đốc chiến Chiêu Vũ biên thư và sai người đi đón tiếp."

Chức sự Văn Xuyên vâng mệnh trở lại dinh tiết chế truyền đạt lệnh chỉ của chúa. Hai tướng vâng mệnh, bèn viết mật thư trao cho quận Hợp, chọn người tâm phúc đem về đưa cho thái bảo Trịnh Tuyền. Bức thư viết:

"Nam chúa gửi thư đến quý phủ của thái bảo các hạ.

Thiết nghĩ: từ xưa đến nay, việc thiên hạ quốc gia thường vẫn hưng vong, trị loạn, thẩy đều do ở vận trời mà ra. Huống chi Nguyễn, Trịnh tuy là khác họ nhưng cũng chung dòng. Nay ta ứng thiên vận, thuận lòng người, nhân thời cơ mà cử sự để khuông phò nhà Lê, được hưởng ơn lớn của trời đất, cứu sinh dân khỏi cảnh lầm than.

Nay thái bảo đem quân từ xa vào đây, có ý muốn đem quân về hàng. Ta với thái bảo vốn có tình nghĩa thân tộc, cần gì phải nói cạn lời? Huống nữa, người xưa thì có Cơ Tử về hàng nhà Chu cốt để việc thờ cúng tông tộc được bảo tồn, danh thơm lưu truyền sử sách, hai bề trung hiếu đều được vẹn toàn. Thế gọi là bậc minh triết (sáng suốt). Nếu thái bảo thành tâm theo về với ta cũng như là giúp ta một cánh tay, đến khi hoàn thành việc lớn thì sẽ cùng chung phú quý. Công việc cần nhất ở chỗ dự liệu trước thời cơ. Thái bảo chớ nên dè dặt chậm trễ để sau khỏi hối. Nay thư."

Thái bảo Ninh quốc công Trịnh Tuyền tiếp thư mở xem vui mừng như bắt được báu vật, hồi lâu mới sực tỉnh, bất giác rơi lệ, mối buồn lo càng tăng thêm bội phần.

Trịnh Tuyền đang lúc tựa ghế nghĩ ngợi tìm đường tiến thoái, bỗng nghe ngoài của doanh có tiếng người kêu ngựa hí, rồi một tên lính chạy vào báo tin:

- Triều đình sai thái bảo Phú quận công[437] đem quân vào bắt nguyên súy, quân lính hiện đã vây chặt cả ngoài dinh. Tiểu tốt trộm nghe sứ giả bảo phải bắt nguyên súy về triều để xử trị về tội nguyên súy không về kinh chịu tang.

[437] Tên tước của Trinh Căn, con thứ tư của Tây Định vương.

Thái bảo Ninh quốc công nghe xong bật tiếng khóc to, than rằng:

- Ta hối tiếc vì không nghe lời khuyên của quận Hợp nên mới mắc phải tai họa này.

Dứt lời đã thấy Phú quận công Trịnh Căn đi trước dẫn quân vào. Quận Phú truyền lệnh chỉ của chúa Tây Định. Trịnh Tuyền đành đứng yên chịu trói, theo quân của quận Phú áp giải về kinh.

Bấy giờ người của tiết chế Thuận Nghĩa sai đi, sau khi trao thư cho Trịnh Tuyền, tạm nghỉ ở chỗ trọ để đợi tin hồi báo. Sai nhân chính mắt trông thấy Ninh quốc công bị trói bắt giải đi vội ruổi ngựa trở về cấp báo với Thuận Nghĩa. Tiết chế Thuận Nghĩa nghe tin rất lấy làm buồn, than rằng:

- Ninh quốc công là kẻ anh hùng, chỉ tiếc ta chưa được gặp mặt!

Chuyện chia làm hai đằng, kể tiếp:

Lại nói thái bảo Phú quốc công áp giải Ninh quốc công về kinh, dẫn thẳng vào phủ chúa phục tội. Tây Định vương Trịnh Tạc mắng rằng: "Ngươi là phận làm tôi làm con mà vương phụ quy ti không chịu về kinh chịu tang. Lại còn thác cớ mắc bận công việc ở biên cương chiến trường, manh tâm làm điều khác ý. Xét đạo nghĩa vua tôi, cha con, ngươi đáng tội không?"

Ninh quốc công Trịnh Tuyền sụp lạy cúi đầu, chỉ biết gào khóc kêu oan mà thôi. Tây Định quát:

- Ngươi còn oan uổng nỗi gì mà mong chối cãi!

Nói đoạn bèn truyền lệnh đóng cũi tống giam vào ngục cấm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top