Hồi 16
Đại Nài thất lợi, Thuận Nghĩa dừng quân cố thủ
Bình Hồ thắng lớn, Chiêu Vũ muốn tiến ra Vinh.
Sáng sớm ngày mười hai, trấn thủ Dương Trí và đốc chiến Chiêu Vũ dẫn quân thủy bộ cùng tiến qua huyện Thiên Lộc, đến sát sông Lam. Thủy quân dừng đóng ở bờ sông, quân bộ tiến theo quân chính đạo.
Kể tiếp chuyện quân ở chính đạo của tiết chế Thuận Nghĩa do trấn thủ Phù Dương làm tiên phong tiến thẳng đến xã Đại Nài đánh gấp vào lũy thượng đạo của Đương quận công Đào Quang Nhiêu. Quận Đương chia quân cố thủ. Quân Nam không phá được lũy, đôi bên cầm cự giằng co không phân thắng bại. Vừa lúc đó cánh quân thượng đạo của chưởng cơ Triều Khang và thị chiến Xuân Đài tiến đến xã Thanh Bộc, cùng hợp sức đánh vào. Phó tướng Nghĩa Lâm, tham tướng Vân Long và thị chiến Quảng Xuyên dẫn quân thủy tiến thẳng đến cửa Đan Nhai đánh thủy quân Trịnh của quận Tài, cả phá được.
Bấy giờ tướng Trịnh là quận Ninh và quận Dương (đang bị vây ở lũy Đại Nài) bảo nhau rằng: "Quân Nam cậy khỏe, coi khinh chúng ta quá lắm! Nhưng bọn họ là người thế nào, chúng ta lại là người thế nào mà dám làm quá quắt như thế?". Nói đoạn hai tướng tức giận quả quyết dẫn đại quân xông ra, liều một phen tử chiến. Bên quân Nam, các tướng Triều Khang, Phù Dương ít quân không địch nổi, bị thua to, phải chạy về Dinh Cầu. Đạn dược khí giới vứt bỏ lại đều bị quân Trịnh thu đoạt hết. Quận Ninh và quận Đương dẫn quân đuổi theo đến tận xã Tam Lộng[400]. Tàn quân bên Nguyễn chạy về báo cho tiết chế Thuận Nghĩa biết hai tướng Triều Khang, Phù Dương thua chạy, hiện không biết ở hướng nào. Tiết chế Thuận Nghĩa liền sai văn chức Hoằng Tín là tham mưu ở doanh Bố Chính truyền mật lệnh cho tướng cầm quân các đạo đang đóng ở sông Lam biết: "Hôm trước quận Ninh và quận Đương đuổi theo quân thượng đạo của tướng Triều Khang và Phù Dương đến tận xã Tam Lộng. Bọn quận Ninh ngờ có quân ta ở đó, tất phải rút quân về. Các tướng phải chia quân mai phục để chặn đường về của chúng, như thế tất sẽ bắt sống được bọn quận Ninh, quận Đương."
[400] Tam Lộng: tên xã thuộc huyện Cẩm Xuyên (Nghệ Tĩnh).
Bèn sai tham tướng thủy quân là Vân Long làm tiền đội dàn chiến thuyền ở bến đò Phù Thạch, trấn thủ Nghĩa Lâm làm trung đội, dàn chiến thuyền từ Ngã ba Triều[401], trấn thủ Dương Vạn làm hậu đội dàn quân ở khúc sông phía trên xã Yên Việt[402]. Chuẩn bị sẵn sàng, hễ trông thấy quân Trịnh qua sông ở xã Nam Ngạn là tung quận chặn đánh để tiếp ứng cho bộ binh. Cai cơ Hoằng Tín dẫn mười chiến thuyền mai phục ở cửa sông Minh[403] chặn phía sau quân Trịnh. Đốc chiến Chiêu Vũ dẫn bộ binh, voi ngựa mai phục chỗ khuất ở xã Nam Ngạn để cắt đánh quân của quận Ninh.
[401] Tức ngã ba sông, nơi sông Lam và sông La hợp lưu ở xã Triều Khẩu, nay thuộc huyện Hưng Nguyên.
[402] Tức sông La từ khoảng chợ Hạ ở thị trấn Đức Thọ trở lên.
[403] Nguyên văn chép: "Minh kiều cảng", có lẽ ở chỗ bến đò xã Trung Lương (huyện Đức Thọ) ngày nay. Những địa điểm trên đây đều nằm trên tuyến chắn ngang đường ra Vĩnh Dinh (Vinh).
Cắt cử đâu đó đã xong, các tướng tự điểm quân theo thứ tự, chờ đợi để tiến đánh.
Sáng sớm ngày mười bốn, đốc chiến Chiêu Vũ dẫn quân bộ đến xã Nam Ngạn dàn quân mai phục ở chỗ hẻo lánh phía sau ngôi đền trong núi, rồi sai quân đi do thám tin tức. Bỗng có quân tuần tiễu về báo tin:
- Hôm trước quận Ninh đem quân về qua dưới chân núi, đến xã Sơn Nê, sai quân đi dò xét xem quân ta đóng đồn ở đâu. Quân do thám về báo với quận Ninh rằng: đốc chiến Chiêu Vũ đặt phục binh ở ngôi ền trong núi, tướng cá đạo chia quân đóng chặt ở ven bờ sông Lam. Quận Ninh sai quận Đương đem ba nghìn quân đóng ở Cầu Nghèn xã Thổ Sơn[404] để cắt đường tiến của quân chính đạo nhằm đánh úp phía hậu quân của bên ta.
[404] Bản sao chép chữ Mộc + Liêm, đọc là Rèm. Có phần chắc là chép nhầm từ chữ Mộc + Ngạn, đọc làNghèn. Cầu Nghèn ở xã Thổ Sơn (Trảo Nha) huyên Can Lộc.
Lại có một tên quân nữa vào báo tin:
- Quận Ninh đã đem quân về đến xã Bạt Trạc.
Đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong bèn cho mời thị chiến Cống Giác vào bàn định. Chiêu Vũ nói:
- Bọn quận Ninh, quận Đương đem đại binh từ kinh đô vào đây. Nay quân bọn hắn thì đông, quân ta ít, phải chế ngự như thế nào?
Cống Giác đáp:
- Lấy trí thắng lực, lấy ít thắng nhiều, tỏ ra yếu để thắng kẻ mạnh, tỏ ra sợ để thắng kẻ dũng, đó là phép của binh gia.
Đốc chiến Chiêu Vũ vỗ tay cười vang nói:
- Thị chiến nói rất phải lẽ! Vậy thì ta nên dùng kế "thị nhược thủ cường" (tỏ ra yếu để thắng kẻ mạnh) khiến cho bọn chúng hết khoe giỏi về sau!
Bèn một mặt truyền cho cai cơ Hoằng Tín đem chiến thuyền mai phục ở bến đò Phù Thạch[405] để cắt đường quân Trịnh trở về Vĩnh Dinh. Nếu quân Trịnh phát hiện được thì sẽ tính kế khác. Đốc chiến Chiêu Vũ dẫn quân qua cầu Minh Lương, dàn quân chỗ cây đa lớn ở xã Bình Hồ[406] để nghi binh, khiến cho thủy quân Trịnh từ xa trông thấy binh thuyền của quân Nam lui về xã Nam Ngạn[407]. Khi thấy lá cờ trắng tung bay trên cây gạo ở xã Bình Hồ thì quân thủy liền quay lại phía cầu Minh Lương, nhằm chỗ cây gạo ra sức đánh bắn để lập công đầu, không được để lỡ thời cơ.
Cai cơ Hoằng Tín vâng lệnh tuân hành.
[405] Phù Thạch: tên xã ở nam ngạn sông Lam (đối bờ với xã Triều Khẩu) nơi hợp lưu của sông Lam và sông La. Nơi đây từng là trụ sở lâu đời của xứ Nghệ An.
[406] Bản sao chép là Bằng Hồ tức xã Bình Hồ như đã chép trong ĐNTLTB và Cương mục, sau đổi thành Yên Hồ (tức làng Trổ) thuộc huyện Đức Thọ, Nghệ Tĩnh.
[407] Bản sao chép: "Nam giới ngạn xã": thừa chữ "giới".
Lại sai cai đội là Đô Tín và thị chiến Cống Giác đem quân dàn trận ở Cồn Nổi xã Nam Ngạn, khi thấy quân Trịnh thì bắn chặn một đợt rồi giả vờ thua chạy về phía sau xã Nam Ngạn chia quân mai phục, giấu cờ im trống, chờ hiệu lệnh sẽ tung quân ra đánh. Đó là phép lấy ít thắng nhiều, ai trái lệnh sẽ bị xử theo quân pháp.
Các tướng đều vâng lệnh chuẩn bị sẵn sàng.
Đốc chiến Chiêu Vũ dẫn quân dàn trận ở chỗ cây đa xã Bình Hồ, rồi ung dung ngi uống rượu gảy đàn ca hát. Người đời sau có thơ bình tán rằng:
Ngày nắng đêm sao trời sáng thay,
Vua tôi gặp gỡ hội rồng mây.
Khoan rằng Quản Nhạc tài trăm thắng,
Hãy nói Tôn Ngô trí bậc thầy.
Khí phách anh hùng lo việc nước,
Kinh luân thao lược suốt xưa nay.
Nam Dương đã định chia ba cõi,
Muộn thấy xe yên[408] khuất nẻo này.
[408] Nguyên văn: "an xa", chỉ cỗ xe đón hiền của Lưu Bị đi đón Gia Cát Lượng.
Lại nói chuyện quận Ninh, quận Đương đem quân trở về Cầu Nghèn, sai quân đi do thám tin tức quân Nam. Quân do thám trở về báo rằng: "Các tướng bên Nam đóng quân ở các gò bãi bên bờ sông Lam, chỉ có đốc chiến Chiêu Vũ đóng quân ở chỗ cây gạo giữa hai xã Bình Hồ, Nam Ngạn."
Quận Ninh hỏi:
- Ngươi thấy quân của Chiêu Vũ nhiều hay ít?
Quân do thám đáp:
- Con thấy cũng không nhiều, chỉ có chừng sáu bảy trăm không thấy chiến cụ khí giới gì to nặng.
- Quận Chiêu Vũ thế cô, giống như cá mắc cạn, lọt vào lưới rồi, ta chẳng còn phải lo gì nữa.
Bèn truyền lệnh cho ba quân sẵn sàng để đánh bắt Chiêu Vũ. Trước hết sai năm quận công: Hợp Dụ, Quảng Lương, Tào Nham, Diễn Thọ[409]. Sách Dương cùng mười hai viên thự vệ đem một vạn quân và năm nghìn thớt voi tiến đến đánh gấp vào Gò Nổi xã Nam Ngạn. Quận Ninh đích thân dẫn chính binh đến chợ Hạ rồi xuống cầu Minh Lương[410] đánh vào phía sau quân Nam để bắt sống Chiêu Vũ, cho ba quân làm gỏi nhắm rượu. Các tướng vâng lệnh dàn quân tiến phát.
[409] Cương mục chú: Tào Nham và Diễn Thọ (đều sót họ).
[410] Bản sao chép là Cầu Dinh (tức Dinh Cầu ở thị trấn Kỳ Anh) không liên hệ gì đến chiến sự nói đây, hẳn là chép nhầm. Ở trên đã hai lần cho biết mưu kế của Chiêu Vũ đưa quân đi qua rồi quay lại cầu Minh Lương, tức là khoảng bến đò xã Trung Lương. Như vậy đúng ra phải chép là Minh kiều (chép là Cầu Dinh có lẽ do liên tưởng vì địa danh ấy xuất hiện nhiều trong sách này).
Quân do thám bên Nguyễn kịp thời báo với đốc chiến Chiêu Vũ biết tin tức như trên. Chiêu Vũ vui mừng nói:
- Thế là quận Ninh trúng kế của ta rồi!
Bèn truyền cho các tướng tuân hành theo đúng mệnh lệnh không để cho quận Ninh chạy thoát. Các tướng vâng lệnh đem quân đi dàn trận đón đợi.
Bỗng từ phía tây nam, quân Trịnh do bọn Hợp Dụ, Quảng Lương, Tào Nham, Diễn Thọ, Sách Dương chỉ huy tiến gấp đến xã Nam Ngạn, đánh lớn một trận với quân Nam do Đô Tín chỉ huy. Đô Tín giả thua chạy về phía sau xã Nam Ngạn ém quân mai phục. Đốc chiến Chiêu Vũ nghe tiếng súng nổ vội đem quân quay trở lại bờ nam cầu Minh Lương (Minh kiều), rồi tiến vào xã Nam Ngạn cho buộc lá cờ trắng trên cây gạo xã Bình Hồ. Lá cờ trắng hứng gió, phần phật tung bay.
Bấy giờ tham tướng Vân Long thấy cờ hiệu liền lệnh cho thủy quân bắn gấp. Quân lính bên Trịnh muốn lùi lại, nhưng bọn Tào Nham vẫn muốn lập công danh, cứ xua quân thẳng tiến. Bất ngờ gặp Đô Tín tung phục binh ra đánh. Tào Nham hỏi:
- Tướng bên Nam là ai, cho biết họ tên rồi mau mau đầu hàng kẻo bị đầu rơi khỏi cổ
Cai đội Đô Tín cả giận nói:
- Ta là đại tướng của Nam triều. Mi là kẻ sất phu nhãi nhép sao dám hỏi tên ta?
Nói xong bèn xông lên đánh Tào Nham. Tào Nham chưa kịp chống cự đã bị Đô Tín nhanh tay bắn trúng, từ lưng voi lăn nhào xuống đất. Diễn Thọ thấy vậy thúc voi xông đến trợ chiến để cứu Tào Nham nhưng bị Đô Tín bắn chết vắt thây ngang lưng voi. Bọn Hợp Dụ, Quảng Lương, Sách Dương đang ở cách sông, thấy hai tướng Tào Nham, Diễn Thọ bị giết trước trận, vội chạy về theo quân của quận Ninh. Đại binh ở hướng chính đạo của bên Trịnh thẳng tiến đến chỗ cây đa ở xã Bình Hồ, bỗng tiếng súng nổ vang như sấm, đạn bay rào rào như mưa, quân Trịnh chết tại trận nhiều không kể xiết. Quận Ninh vội lui quân về chợ Hạ[411]. Bấy giờ tướng tiên phong của quân Trịnh là quận Hào và Triều Hoa[412] đem quân lui trước đến khúc sông La phía trên xã Yên Việt bất ngờ bị đoàn chiến thuyền ba mươi chiếc của quân Nam đuổi đánh, bắt sống được, áp giải về Dinh Cầu[413] dâng nộp. Đốc chiến Chiêu Vũ bèn truyền lệnh thúc quân thẳng tiến đuổi bắt quận Ninh. Ba quân được lệnh ai nấy đều tranh lên đi đầu, quân đi dài hơn ba mươi dặm.
[411] Chợ Hạ (Hạ thị): chưa rõ chỉ chợ Hạ ở thị trấn Đức Thọ hay chợ Hạ nào. Các sách khác như Cương mục, ĐNTLTB đều chép sau trận đánh ở xã Nam Ngạn, Trịnh Tuyền (quận Ninh) đem quân chạy về An Trường (Vinh).
[412] Nguyên văn chép: "Hào quận Triều Hoa". Hào quận công là tên tước của Lê Thì Hiển. Như vậy Triều Hoa là một tướng khác cùng đi tiên phong với Lê Thì Hiển, nhưng không thấy chép rõ họ và chức tước.
[413] Bản sao chép là "áp giải về Vĩnh Dinh hiến nộp", chắc là chép nhầm chữ Vĩnh. Đúng ra là Cầu Dinh (Kỳ Anh), vì Vĩnh Dinh (Vinh) là đất bên Trịnh.
Thấy quận Ninh đã đi xa, thị chiến Cống Giác bèn can rằng:
- Quân ta đã đi sâu vào đất địch, chưa tỏ tường hình thế núi sông thế nào. Hơn nữa ở cửa sông nước cạn, thủy quân của ta cũng đã rút đi xa, không có quân tiếp ứng. Nếu quận Ninh lập kế dụ địch, đặt quân mạnh mai phục, trước sau đánh xáp vào thì quân ta thế cô, biết lấy gì mà chống cự? Chi bằng lui quân bộ về cùng tiếp ứng với thủy quân, chọn nơi địa thế có lợi để đóng trại đồn trú, rồi đó sẽ bàn định mưu kế phá địch cũng chưa muộn. Binh pháp nói: Đất lợi thì giữ, đất hại thì bỏ. Đó là kế vẹn toàn, nắm chắc thành công
Đốc chiến Chiêu Vũ cho là phải, bèn truyền lệnh lui quân về bến đồ Phù Thạch, phao tin là đem ba trăm chiến thuyền để chở quân qua phía bắc sông Lam, tiến thẳng đến Eo Gió để chặn đường về của quận Ninh.
Sáng sớm ngày mười sáu truyền lệnh cho cai cơ Triều Nghĩa dẫn quân qua sông Khu Độc[414] trở về cùng tiếp ứng với quân thủy.
[414] Nguyên văn viết là "Khu giang", tức là sông Khu Độc thuộc địa phận huyện Nghi Xuân dưới chân núi Hồng Lĩnh.
Quân do thám của quận Ninh về báo tin quân Nam qua sông cắt đường về ở Eo Ống. Quận Ninh cả kinh, gọi các tướng đến bảo rằng:
- Eo Ống là con đường cuống họng của quân ta. Chiêu Vũ cướp được thì quân ta trước là hết lương ăn, sau là không có đường về. Chưa biết phải tính liệu ra sao?
Rồi đó Quận Ninh cho đem quân về Vĩnh Dinh chia đóng các nơi để chống giữ. Một mặt hội các tướng cùng thảo biểu văn, sai người về tâu với triều đình. Trong tờ biểu ấy, quận Ninh chỉ tâu về trận đánh thắng bọn Triều Khang, Phù Dương, còn những lần thua trận thì không nói đến.
Thanh vương Trịnh Tráng nghe tâu việc Ninh quận công Trịnh Tuyền. Đương quận công Đào Quang Nhiêu đánh thắng tướng bên Nam là Triều Khang, Phù Dương, cho là công lớn, bèn sai sứ vào Vĩnh Dinh phong cho thái bảo Ninh quận công làm khâm sai thiết chế thủy bộ chư doanh kiêm hành hạ trấn thủ Nghệ An đạo phó đô tướng, hàm thái úy, tước Ninh quốc công; chuẩn cho đô đốc đồng tri Đương quận công Đào Quang Nhiêu được khỏi tội trước, thăng hàm thái bảo; Hào quận công Lê Thì Hiến được thăng chức hữu đô đốc; các tướng văn võ khác đều được thăng chức tước có thứ bậc khác nhau.
Bọn Ninh quận công vâng sắc mệnh, vái tạ ơn, mở yến tiệc khoản đãi sứ giả. Rồi đó sứ giả lên đường ngày đêm ruổi gấp về kinh.
Lại nói tướng Nam triều là tiết chế Thuận Nghĩa cùng trấn thủ Đại Thắng dàn quân ở cầu Đại Nài đánh lớn với quân Trịnh. Bỗng có lính tiền tiêu ruổi ngựa về báo:
- Tiên phong bên quân ta là tham tướng Triều Khang và trấn thủ Phù Dương đánh quân của quận Ninh, quận Đương, bị bọn chúng đuổi chạy đến ã Tam Lộng. Quận Ninh muốn quay lại chặn đánh hậu quân của bên ta. Hai tướng Triều Khang, Phù Dương nhân đó chạy về Dinh Cầu, vứt bỏ chiến thuyền khí giới đạn dược để cho quân Trịnh thu nhặt được.
Tiết chế Thuận Nghĩa nghe tin quân tiên phong thua trận, lại chờ tin bốn trấn ngoài Bắc chưa thấy dấy binh. Huống chi nay quân Trịnh thì đông, quân mình thì ít, địa thế núi cao sông rộng không biết lấy gì mà chế ngự. Chi bằng hãy rút quân về đóng ở Dinh Cầu, giữ nơi hiểm yếu, rồi sau sẽ mưu tính kế khác. Tiết chế Thuận Nghĩa bèn triệu họp để hỏi ý kiến các tướng. Các tướng đều nói:
- Lời bàn của tiết chế rất phải!
Thuận Nghĩa bèn sai tham tướng Vân Long chặn đường phía sau để tiếp ứng. Đốc chiến Chiêu Vũ truyền lệnh cho các tướng đem quân rút về Dinh Cầu từ từ, chớ để cho quận Trịnh hay biết.
Bấy giờ đốc chiến Chiêu Vũ đuổi quân quận Ninh đến chợ Hạ nghe lệnh truyền của tiết chế, bèn rút quân về xã Cổ Đạm[415]. Có người dân ở xã ấy đến báo tin: "Quận Đương đem ba nghìn quân dàn trận ở Lũng Hống để đợi quân Nam, chập tối hôm nay đã đến chỗ bến đò Cương[416]."
[415] Cổ Đạm: tên xã ở huyện Nghi Xuân.
[416] Bến đò Cương: bến đò ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân.
Đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong bèn sai người xuống cửa biển Hội Thống báo tin cho tham tướng Vân Long biết để Vân Long gấp sai người vào cửa Nhượng trình với tiết chế Thuận Nghĩa xin sai bộ binh tiếp chiến. Một mặt lệnh cho tham tướng Vân Long đem chiến thuyền phục sẵn ở bến đò Cương trợ chiến để tăng thanh thế. Nếu gặp quân của quận Đương thì đem quân ra đánh lớn để bắt sống quận Đương.
Tham tướng Vân Long vốn có điều bất hòa với đốc chiến Chiêu Vũ, bèn bảo người đưa tin rằng:
- Ông về trình với quan đốc chiến rằng: hiện nay quan tiết chế đã có lệnh bảo tôi gấp đem thủy quân về. Tôi không dám ở nán lại đây nữa. Huống hồ chinh chiến là việc lớn của quốc gia, chúa thượng thì ở xa, mệnh lệnh đều do tiết chế định đoạt, tôi đâu dám trái lệnh. Canh tư đêm nay tôi đã phải đem chiến thuyền về đậu ở Cửa Sót để đợi lệnh, quan đốc chiến cũng nên nhanh chóng đem quân bộ đi theo cho kịp thủy quân. Nếu đến bến đò Cương gặp quân địch thì xin bắn súng làm hiệu, tôi sẽ cho quân thủy lên bờ tiếp chiến. Quân Trịnh tất phải thua.
Sai nhân trở về trình với đốc chiến Chiêu Vũ như trên. Chiêu Vũ nghe qua là biết ý, nhưng chỉ làm thinh không nói. Sáng ngày mười bảy, đốc chiến Chiêu Vũ truyền lện lui quân về cửa Hội Thống để cùng xuất phát với thủy quan, dùng loại ghe dài chở những khí giới bắt được của quân Trịnh, cùng rời cửa Hội Thống lui về đóng ở Dinh Cầu. Bấy giờ Chiêu Vũ trong lòng chỉ giận không bắt sống được quận Đương để trừ hậu họa.
Người đương thời có thơ bình tán rằng:
Anh hùng hiển hách móng diều dương,
Tì kiếm nhanh bon động viễn phương.
Từng múa thương đao lên Bắc ải,
Lại cầm tiết việt vượt Tây giang.
Đừng buồn thế sự nhân tâm đoản,
Nào sợ non sông dặm đường trường.
Ví thử đệ huynh lòng chẳng bợn,
Kinh đô văn võ dám ai vương?
Lại nói ở Nam triều, Hiền vương Nguyễn Phúc Tần ra đóng ở điện Phù Lộ xã Bắc Hà, châu Bố Chính, nghe tin tiết chế Thuận Nghĩa tiến quân ra sông Lam đuổi đánh quân Trịnh, bèn triệu các tướng văn võ đến hành điện, bảo rằng:
- Nay hai tướng Thuận, Chiêu đã phát binh tiến đánh, ta phải thống lĩnh đại quân theo ra tiếp ứng. Các khanh sửa soạn ngay để lên đường.
Các tướng vâng mệnh vái chào ra về.
Tháng năm, ngày mười một, giờ Thìn, Hiền vương thống lĩnh đại quân tiến ra sông Lam. Chỉ thấy:
Tả hữu binh uy răm rắp,
Trước sau khải giáp lấp loang.
Gươm giáo sáng lòe muôn đội,
Quân kì nắng dọi đôi hàng.
Chiêng phèng rền khua đất chuyển,
Sừng trống[417] ánh ỏi trời vang.
Quân Nam khoe cứng mạnh,
Tướng Trịnh xiết kinh hoàng.
[417] Cổ giác: cổ là trống, giác là tù và làm bằng sừng trâu để thổi tiếng hiệu.
Sáng sớm ngày mười hai quân đến gò ở Lũng Bông. Bỗng thấy trên đường có người hhoảng chạy đến trước xe chúa, tâu rằng:
- Quân thượng đạo của chưởng cơ Triều Khang và trấn thủ Phù Dương bị thua trận, phải chạy về xã Na Khố, chưa biết sống chết ra sao. Quân Bắc đã đuổi theo đến Lũng Nồm. Nhưng ở Lũng Nồm chỉ có một con đường thông đến phía sau Lũng Bông. Xin chúa thượng quay lại ngay kẻo mắc mưu giặc.
Người ấy vừa nói vừa khóc, chúa Hiền nhìn kĩ mới hay đó là người xá sai quê ở xã Mộc Hãn tên là Phú.
Hiền vương hỏi:
- Thế quân Chiêu Vũ ở đâu?
Xá sai Phú đáp:
- Thần nghe nói quân Chiêu Vũ đã trúng kế giả thua, bị quân bắc dụ đến xã Bình Hồ. Từ đó mất tin tức, không biết được thua thế nào.
Chúa Hiền nghe thấy cả kinh, lại hỏi Thuận Nghĩa và các tướng khác hiện ở đâu. Xá sai Phú đáp:
- Quan tiết chế cùng với trấn thủ Đại Thắng hiện đóng quân chống cự với quân Bắc ở cầu Đại Nài.
Chúa Hiền hỏi:
- Ngươi dự đoán Thuận Nghĩa chống nhau với giặc thua được ra sao?
Phú đáp:
- Quân Bắc đông hơn quân ta cả chục lần. Hơn nữa quân quận Ninh đang lúc thắng thế đã đuổi Triều Khang và Phù Dương chạy dài. Nhưng Triều Khang, Phù Dương hiện đã chạy xa, thần cho rằng quân Bắc tất sẽ chia đường quay về để đánh vào phía sau quân ta. Thần trộm nghĩ tiết chế và các tướng khó mà thắng nổi. Mong chúa thượng cho xa giá phản hồi ngay. Ở đây đã gần chỗ quân Bắc rồi.
Chúa Hiền nghe nói cả giận, tuốt gươm khỏi vỏ nghiêm giọng nói rằng:
- Quân lính quận Ninh là hạng bọ ngựa, làm sao mà dám chống cả cỗ xe?
Bèn truyền lệnh cho các tướng chia quân dàn trận chờ đợi sẵn sàng giao chiến với quân Trịnh một trận lớn, thẳng tiến đến Trung Đô bắt sống cha con Thanh vương, Tây Định [418] để rạng mặt anh hùng cõi Nam. Các tướng đều can rằng:
- Quận Ninh là hạng tướng trẻ hoi. Chúa thượng cầm quân giao chiến với hắn khác nào lấy châu ngọc mà đập gạch đá. Giết gà đâu cần đến đao trâu! Phải cho Trịnh Tráng, Trịnh Tác đem quân đến đây, bấy giờ chúa thượng ra đối địch mới là xứng đáng. Vả lại lời bẩm của xá sai Phú xem ra cũng có lí. Bọn thần xin chúa thượng lui xe. Chỉ cần sai vài viên tướng mạnh dàn quân ở đây đón đợi, nếu gặp quân Bắc thì tung quân đánh lớn, bắt sống quận Ninh giải về dâng nộp. Chúa thượng cần chi phải nhọc mình, cầm quân đi chặn địch.
[418] Tức Trịnh Tráng và Trịnh Trác.
Bấy giờ thủ hạ Đông Triều[419] tâu rằng:
- Thần trộm nghĩ là không nên rút quân, chỉ nên dàn trận để đón đánh. Thần xin cùng các tướng đem quân đi chặn địch, bắt quận Ninh dâng nạp trước chúa thượng để cho quân Bắc khỏi cho rằng quân ta nhát sợ.
[419] Tức Đông Triều hầu, tên tước của Trần ình Ân.
Hiền vương im lặng nghĩ rằng: Xá sai Phú đã nói như thế nếu không tạm lui binh, xảy ra sự gì sơ xuất thì liệu tính ra sao? Hiền vương chần chừ hồi lâu chưa quyết bề nào, Đông Triều hầu Trần Đành Ân lại thưa rằng:
- Hiện nay chưa tiếp được khải văn của quan tiết chế. Huống chi xá sai Phú dọc đường có thể nghe lầm tin thất thiệt cũng chưa đáng tin. Xin chúa thượng minh xét.
Hiền vương vẫn do dự chưa quyết. Xá sai Phú lại khóc lớn mà thưa rằng:
- Xin chúa thượng nghe lời khuyên can của các tướng, gấp cho lui quân, chớ nghe lời của quan thủ bạ mà lỡ việc.
Lúc ấy Hiền vương mới quyết ý truyền lệnh cho lui về. Một mặt sai chức sự là Tài Trí và Văn Cảnh đi dò xét tin tức, hư thực ra sao kíp về báo. Lại sai xá Hân[420] đi truyền lệnh cho tiết chế Thuận Nghĩa và các tướng đi tìm để tiếp ứng cho Chiêu vũ, nếu để Chiêu Vũ bị thất lợi thì đừng trở về kiến diện ở vương đình. Lại sai xá Thắng gấp đi tìm Chiêu Vũ để truyền lệnh gọi Chiêu Vũ đem quân về phủ An Trạch, Quảng Bình không được chậm trễ.
Các sứ giả của chúa vâng lệnh cấp tốc lên đường.
[420] Tức xá nhân (người giúp việc) tên là Hân.
Chúa Hiền bèn cho quân lui về châu Bố Chính phía nam sông Gianh chờ đợi tin tức.
Cách vài hôm, bọn Tài Trí, Văn Cảnh trở về tâu rằng:
- Tiết chế Thuận Nghĩa, trấn thủ Đại Thắng cùng các tướng cự chiến với quân Bắc ở cầu Đại Nài. Quân địch cố thủ không dám đối trận. Quân của đốc chiến Chiêu Vũ, trấn thủ Dương Trí, Nghĩa Lâm, tham tướng Vân Long đánh tan quân giặc ở Cửa Sót và cửa Hội, đuổi quân của quận Ninh đến chợ Hạ thì quay về. Trấn thủ Phù Dương vây đánh lũy thượng đạo nhưng không đề phòng trước nên bị quân Bắc bất ngờ đánh ra cướp trận, đến nỗi phải thua chạy. Tiết chế Thuận Nghĩa và các tướng đều xét thấy nơi đây phía trước là sông lớn, phía sau là núi cao, hơn nữa quân Bắc đông quân ta ít, đại quân của vương đình chưa ra tiếp ứng, bốn trấn ngoài Bắc cũng chưa thấy động tĩnh, tình thế khó giành phần thắng. Vì vậy tiết chế đã xuống lệnh cho quân lui về Dinh Cầu đóng giữ để định kế khác. Nay bọn quận Ninh đã chạy về Vĩnh Dinh.
Chúa Hiền nghe bọn Tài Trí, Văn Cảnh tâu xong bừng bừng nổi giận, lấy làm hối tiếc nói rằng:
- Ta nhất thời nghe lời nói xằng bậy, trót để mất cơ hội rồi!
Nói đoạn truyền lệnh đao phủ chém đầu xá Phú đem bêu thị chúng, rồi đem quân trở về ngự dinh ở phủ An Trạch thuộc dinh Quảng Bình.
Bấy giờ xá Thắng ra đến Dinh Cầu vừa may gặp quân của đốc chiến Chiêu Vũ. Xá Thắng bèn truyền lệnh chỉ của chúa gọi Chiêu Vũ ngày đêm đi gấp đem quân trở về.
Đúng là:
Sứ chúa chẳng nề tê yên ngựa,
Tôi hiền rong ruổi yết long nhan.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top