Hồi 1
Lánh Trịnh Kiểm, Đoan quốc công đem quân vào Thuận Hóa
Nắm quyền binh, Trịnh Đô tướng lập vua nhỏ Duy Đàm.
Thơ rằng:
Ngày bụi phất đêm dặc dài
Kể chuyện rồng lên hổ rống
Khoe tài côn[1] nhảy bằng bay
Đến đầu chẳng biết trời đất rộng
Đưa mắt mới hay núi sông dài
Ngoài cuộc chán xem tranh thắng bại
Trong vòng những muốn giữ đất đai
Đó thịnh suy, triều đại hưng vong chăng đổi
Đông chinh, Tây chiến, trời người ứng thuận chẳng hề sai.
[1] Côn: tên một loài cá. Huyền thuyết của Trang Tử nói: Biển Bắc có con cá tên là côn. Cá côn lớn không biết mấy nghìn dặm; hóa thành chim, tên gọi là chim bằng. Lưng chim bằng rộng không biết mấy nghìn dặm; giận mà bay thì cánh nó che tỏa khắp trời (Trang Tử, Tiêu dao du).
Chuyện nước Nam ta từ thời Hùng Vương, Triệu Vương đến Đinh, Lý, Trần, Lê, sáu triều đại hưng phế tiếp nhau. Nhà Trần lại đến lúc hết vận, quân nhà Minh kéo sang xâm lược nước ta. Tướng giặc hung ác, lính giặc kiêu căng, dân ta bị giết hại khốn khổ không kham đặng. Trời sinh vua Lê Thái Tổ vốn là người áo vải dấy nghĩa ở đất Lam Sơn thu phục được giang sơn bờ cõi, đường đường cùng với Trung Quốc làm đế một phương. Triều Lê truyền ngôi qua các đời Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông cho đến Chiêu Tông hoàng đế. Nhưng vì Chiêu Tông nhu nhược, rốt cuộc bị cường thần Mạc Đăng Dung cướp ngôi. Chiêu Tông phải chạy ra ngoài, trở về đất gốc Thanh Hóa, lấy làm hổ thẹn vì nỗi sinh linh phải chịu lầm than, xã tắc biến thành gò đống. Vua bèn thu tập tàn binh, chí muốn diệt Mạc, một phen quyết chiến với Mạc Đăng Dung phục thù cho tông xã. Không may Chiêu Tông bị Đăng Dung bắt, rồi bị giết hại. Họ hàng con cháu nhà Lê phải chạy trốn. Con Chiêu Tông tên là Ninh còn thơ dại, bà mẹ sợ Đăng Dung trừ cỏ nhổ rễ phải ôm con chạy lánh sang đất Ai Lao.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Bấy giờ cựu thần nhà Lê đều theo về với họ Mạc để mưu cầu phú quý. Chỉ có viên tướng cũ là An Tĩnh hầu Nguyễn Kim quê ở Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, phủ Trung, trấn Thanh Hoa, vì lúc trước ở Thăng Long từng có lần ngăn trở việc Đăng Dung xin quân nên Đăng Dung không vừa ý, bèn tức giận giải tán bộ thuộc, lui về quê quán. Về sau hầu vào trú ngụ ở Nghệ An, cũng nghĩ sống an phận để bảo toàn mạng sống. Nhưng thấy cơ đồ vương triều nhà Lê ngày một suy vong, bề tôi không kẻ vui lòng giúp rập. Nguyễn Kim vì thế ngày đêm khóc thầm, bèn đi khẳp các nơi ở miền Thanh - Nghệ chiêu tập hào kiệt, nêu danh nghĩa phù Lê diệt Mạc để dụ bảo nhiều người vui theo. Bấy giờ hầu bèn bàn với người họ ngoại của vua Chiêu Tông là Trịnh Duy Sản tìm đón Lê Ninh ở Ai Lao về, lập làm vua (tức Trang Tông), cất dựng hành điện ở gần sông Tất Mã[2]. Lại đặt doanh ở sách Vạn Lại[3] làm nơi ở, chiêu binh mãi mã, tiếp đón anh hùng, trữ lương chứa cỏ, cùng nhau mưu đồ việc khôi phục. Chỉ trong vài tuần binh chúng đã được mấy vạn người.
[2] Sông Tất Mã: tức sông Mã ở Thanh Hóa.
[3] Sách Vạn Lại: Nay là xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn ghi Trang Tông lên ngôi (Bd, tr.277) ở sách Thúy Thuần.
An Tĩnh hầu thỉnh thoảng đưa quân ra ngoài đánh nhau với quân Mạc, nhưng thường bị thua. Sau lại tiến đánh quân Mạc ở lộ Sơn Nam Thượng, quân Mạc bị thua. Bên Mạc ngầm sai tướng là Trung Hậu hầu[4] làm kế trá hàng. An Tĩnh hầu cả tin thu nhận, rồì sau đó bị Trung Hậu hầu đầu độc mà chết, được tặng tước Chiêu Huân Tĩnh vương.
[4] Trung Hậu hầu: Tên tước của tướng nhà Mạc. Toàn thư ghi không rõ họ tên. ĐNTLTB ghi là hoạn quan, tên là Trung, không rõ họ.
Cương mục ghi rõ họ tên là Dương Chấp Nhất, sau khi đầu độc Nguyễn Kim lại trở về với nhà Mạc.
An Tĩnh hầu có con là Nguyễn Hoàng, bẩm tính thông minh mẫn tiệp, trí tuệ hơn người, nhưng vì tuổi nhỏ chưa thể cầm nắm việc quân. Rể của hầu là Trịnh Kiểm vốn người có sức có tài, được quân sĩ tuân phục. Bấy giờ Kiểm đang đóng quân ở nội đạo[5], Trang Tông tạm trao cầm giữ binh qruyền, chuyên lo việc đánh dẹp. Nguyễn Hoàng lớn lên theo Kiểm đi chinh chiến, trong nhiều năm đều lập nhiều chiến công, được Trang Tông gia phong nhiều lần, làm quan đến chức hữu tướng. Kiểm thấy vậy, ngày càng thêm lo ngờ, cho rằng hữu tướng Nguyễn Hoàng ngày sau công danh không kém gì Kiểm, Kiểm bèn tâu với vua xin cho Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Trước đó đất Thuận Hóa do quân tướng nhà Mạc đóng giữ. Mưu của Kiểm sai Hoàng trấn thủ ở đó là có ý muốn mượn tay họ Mạc để giết Hoàng.
[5] Nội đạo: Cũng gọi là nội trấn. Thời Lê trung hưng phủ Trường Yên và Thiên Quan (thuộc Ninh Bình cũ) sáp vào trấn Thanh Hoa, gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Nội trấn (hoặc đạo) là phần đất tỉnh Thanh Hóa nay.
Tâm địa của Kiểm như thế, nhưng đạo trời lại không phải thế. Người đời saụ có thơ rằng:
Thành bại hưng vong lẽ lớn lao.
Kinh kì im nhịn tự năm nào.
Phượng vin cành lẻ đàn vẹt rỡn.
Cọp rống rửng bằng đảng ác trào.
Chớ bảo giếng làng nhền chăng lưới.
Hãy xem ngựa chiến vượt khe rào.
Rồng thần há phải loài ao cạn.
Nằm đợi trời cao gió thét gào?
Lại nói năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Trị thứ nhất (1558), con của thái sư Chiêu Huân Tĩnh vương là hữu tướng Đoan quận công Nguyễn Hoàng đi đánh nhà Mạc lập nhiều công lớn, đi đến đâu quân địch đều kinh sợ tháo chạy, dân chúng ngưỡng mộ mến yêu. Từ sau khi Chiêu Huân Tĩnh vương qua đờí, thái sư Minh Khang vương Trịnh Kiểm là con rể của Tĩnh vương cậy quyền cậy thế không nghĩ đến ân tình, chỉ ghen ghét muốn mưu tính làm hại Đoan quận công. Bấy giờ Thích quốc công[6] là cậu ruột của Đoan quận công bí mật bàn với Đoan quận công sai người lén vào nội cung cầu cứu chị ruột là Nguyễn thị[7].
[6] Thích quốc công: Tên tước của Nguyễn Ư Dĩ (tự Vô Sự).
[7] Nguyễn thị: Theo Toàn thư bà chính phi này tên là Ngọc Bảo.
Bà chính phi của Trịnh Kiểm nghe chuyện lấy làm lo, bèn lập mưu báo Nguyễn Hoàng giả điên, rồi vào thưa với Khang vương rằng:
- Đứa em của tiện thiếp là quận Đoan bỗng dưng phát chứng điên đến nỗi ngu mê, như thế thì không thể giúp việc chính sự trong triều. Thiếp bị người trong triều chê cười phải xấu hổ nhiều phen. Nay thiếp nghe nói hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa là chỗ núi độc nước xấu, dân man hung dữ, người ta đều chê không muốn đến. Cúi xin tôn ông nghĩ đến công cha tình thiếp, cho quận Đoan em thiếp vào trấn thủ ở xứ ấy, làm bề tôi nơi phên giậu để được hưởng ơn sống suốt đời, tình nghĩa chị em nhờ thế may ra mới được trọn vẹn. Mong tôn ông thương xót ưng thuận cho.
Thái sư Minh Khang vương nói:
- Em Đoan là kẻ anh hùng tuấn kiệt, đủ trí nhiều mưu, có thể dùng vào việc lớn, nào phải là người đần độn đâu. Ta sao nỡ đặt em vào nơi đất xấu ấy? Phu nhân chớ lo, ta đâu có lòng nào. Chánh phi nghe nói, nức nở quỳ khóc, hai ba lần khẩn khoản van nài. Thái sư Minh Khang vưong thầm nghĩ: "Xứ ấy có quân đồn trú của nhà Mạc, cứ cho y đến đó, kể như mượn tay họ Mạc. Ta khỏi phải mang tiếng không biết dùng người". Nghĩ vậy Kiểm mới chịu ưng cho. Chính phi vái tạ lui ra. Rồi đó thái sư vào tâu vua xin phong cho Nguyễn Hoàng làm thái úy Đoan quốc công, giữ chức trấn thủ tổng quản binh dân hai xứ Thuận, Quảng, hàng năm theo thể lệ thu thuế mà dâng nạp.
Đoan quốc công Nguyễn Hoàng vái tạ trở về phủ từ biệt chị là Nguyễn phi. Rồi Đoan quốc công cùng với các công tử thái bảo Hòa quận công, Thụy quận công và các tướng Văn Nham, Thạch Xuyên, Tiền Trung, Tường Lộc ngay ngày hôm ấy đem một nghìn quân thủy ra cửa biển nhằnn theo hướng hai xứ Thuận, Quảng mà tiến. Chiến thuyền tiến thẳng vào cửa Yên Việt[8] đóng quân trên bãi cát nổi thuộc xã ái Tử, huyện Vũ Xương[9]. Nguyễn Hoàng mật sai quân đi khắp các huyện từ Vũ Xương đến Hương Trà xem xét địa thế. Quân của Hoàng thấy ở xã Phú Xuân huyện Hương Trà núi sông vòng tụ, cảnh đẹp dân giàu, bèn trở về bẩm báo, Đoan quốc công rất mừng, nghĩ cách thi hành đức chính để vỗ về dân chúng.
[8] Cửa Yên Việt tức cửa Việt.
[9] Vũ Xương: Tên huyện đời Lê Mạc. Sau đời Nguyễn đổi gọi là Đàng Xương, nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Bình Trị Thiên.
Lại nói lúc trước vào khoảng năm Quang Bảo (1554-1556) nhà Mạc đã sai tướng là đô đốc Lập quận công vào trấn thủ hai xứ Thuận, Quảng. Quận Lập đóng doanh ở miền huyện Khang Lộc[10], khi nghe tin Đoan quận công vào trấn thủ liền đem ba mươi chiến thuyền vượt biển đến cửa Yên Việt. Lại sai một ngàn quân bộ tiến phát theo đường Hồ Xá, đến qua xã Lãng Uyển dừng lại đóng quân ở miếu Thanh Tương, dự định đáuh úp cướp trại của chúa Tiên[11].
[10] Khang Lộc: Tên huyện đời Lê, trước gọi là Kiến Lộc, sau đổi là Khang Lộc, đầu đời Nguyễn đổi là Phong Lộc, nay thuộc phần đất của huyện Quảng Ninh, tỉnh Bình Trị Thiên.
[11] Chúa Tiên: Từ này trong nguyên văn gọi Nguyễn Hoàng là Vương (chúa) hoặc Tiên vương (chúa Tiên).
Bấy giờ chúa vốn không có quân bộ, chỉ có hai mươi chiếc chiến thuyền không có bộ binh, thế khó chống cự. Chúa rất lo lắng. Đang đêm đốt đuốc ngồi buồn, bỗng nghe bên bờ sông có tiếng dòng nước kêu vaug "Trảo trảo...". Chúa lấy làm lạ. Sáng ngày ra bờ sông thấy một vùng nước xô sóng cuộn âm thanh vang động khác thường, bèn thầm khấn rằng: "Trên sông nếu có thần linh phù hộ cho đánh tan quân giặc, sẽ xin lập miếu bốn mùa cúng thờ", khấn xong trở về doanh. Đêm ấy chúa chiêm bao thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm chiếc quạt the đi đến thưa rằng: "Tướng quân muốn diệt trừ ngụy đảng cần lập kế dụ chúng đến bãi cát bên sông, thiếp sẽ giúp sức trừ được, khỏi phiền nhiễu đến dân trong miền". Nói xong buông tay áo mà đi. Chúa tỉnh dậy mới biết là nằm mộng, thầm vui trong lòng, ngước lên không mà kính tạ. Chúa nghĩ bụng: Chiêm bao thấy người đàn bà bảo ta phải lập kế dụ địch, như vậy ắt phải dùng kế mĩ nhân.
Bấy giờ chúa có nàng hầu xinh đẹp quê ở xã Thế Lại[12] xứ Thuận Hóa tên là Ngô Thị Lâm, tuy là phận gái nhưng có mưu trí gan dạ, nói năng nhanh nhẹn dễ nghe, ứng đối trôi chảy, về nhan sắc thì nguyệt mờ hoa thẹn, dáng điệu cá lặn nhạn rơi, dẫu là đối với nàng Tây Thi[13] ở Hàm Đan cũng không chịu thua kém mẩy. Chúa cả mừng, bèn sai Ngô thị đem các thứ báu vật vàng bạc, kì nam đến trại quan tiến dâng cho quận Lập xin mở đường hòa hiếu, ưng chịu cho hắn tư thông rồi tìm cách dụ hắn đến xứ Trảo Trảo để lập kế diệt trừ. Ngô thị nghe nói quỳ khóc thưa rằng:
- Tiện thiếp từ khi theo hầu chúa thượng dốc lòng theo nữ đạo, giữ trinh tiết phu nhân. Nay chúa bảo nhảy vào chỗ nước sôi lửa bỏng, muốn chết thiếp cũng không dám từ. Nhưng lại bảo tư thông với người ta, thiếp thật không hiểu là có ý gì! Thần thiếp xin chịu tội chết chứ không dám tuân theo lệnh ấy.
[12] Xã Thế Lại: thuộc huyện Tư Vinh. Tư Vinh là tên huyện đời Lê, đến đời Nguyễn đổi gọi là Phú Vinh (thường đọc là Phú Vang).
[13] Tây Thi: người con gái đẹp ở nước Việt thời Xuân Thu. Việt vương Câu thua trận ở Cối Kê, Phạm Lãi đem Tây Thi dâng cho Ngô vương Phù Sai làm kế mĩ nhân. Nước Ngô mất, Tây Thi lại trở về với Phạm Lãi.
Chúa vừa cười vừa bảo:
- Lời nàng nói như thế thật biết giữ phẩm tiết lớn của đàn bà. Ta hiểu rõ lòng nàng. Nhưng nay việc quốc gia đại sự không dùng sức nàng thì làm sao mà phá giặc được? Nàng cứ nghe theo lời ta, chớ chối từ.
Thị Lâm vái khóc tuân mệnh, rồi lĩnh các thứ báu vật đem đến quân doanh xin yết kiến Lập quận công. Thị Lâm thưa rằng:
- Thần vâng lệnh quan quận Đoan nghe tin minh công oai trời sắp đến, lo sợ khôn xiết, đặc cách sai tiện thiếp đem vài thứ đồ vật cũ đến kính mừng để bày tỏ thành tâm. Xin minh công cho lập lễ thề: Minh công làm huynh trưởng, bản quan của thiếp làm nghĩa đệ, cùng đồng lòng chung sức may mới tránh khỏi hiềm thù đánh giết lẫn nhau, gây tổn hại cho trăm họ.
Quận Lập nghe xong cất giọng cả mắng:
- Ngươi muốn làm sứ giả đàn bà đến thuyết khách để câu ta đó chăng?
Thị Lâm giả cách run sợ sụp đầu van lạy nhưng vẫn ngước mắt chuyển làn thu ba đưa tình. Quận Lập là kẻ tham của và mê gái, thấy nàng Ngô thị xinh đẹp vô song, ăn nói giỏi giang khéo léo, lòng dục đã bốc lên. Quận Lập liền đổi sắc mặt, cả cười thu nhận lễ vật, rồi dắt tay đưa về phòng riêng, cùng Ngô thị tư thông. Thị Lâm dùng kế "cành dương ngả theo bóng dương". Quận Lập đã say đắm mê muội, Thị Lâm lại đẹp tình nhắc việc lập lễ thề, quận Lập bèn nghe theo. Quận Lập hai ba lần sai quân đi thám thính, thấy quả thật bên quận Đoan ít quân, không có điều gì đáng nghi ngờ, bèn cùng với Ngô Thị Lâm định ngày làm lễ thề kết nghĩa.
Ngô Thị Lâm vui mừng khôn xiết, liền sai người hầu trở về báo tin cho chúa biết. Đoan quốc công cả mừng, liền sai người đến bãi cát ở xứ Trảo Trảo dựng một gian miếu tranh, đào hố ngầm ở bốn phía, chọn những tên quân sĩ khỏe mạnh, ai nấy đều cầm khí giới nằm nấp trong hố, lấy cỏ lác và cát vùi lên. Còn lại hơn hai mươi tên quân già yếu sai cầm sọt xách chổi đứng chờ ở cửa miếu để đợi lệnh.
Hạ tuần tháng mười, Thị Lâm dụ quận Lập đến thảo miếu làm lễ thề. Quận Lập thấy bên quận Đoan ít quân, cho nên không dè dặt nghi ngờ, bèn lên một chiếc thuyền nhỏ, đem theo ba mươi tên quân hầu, bắt chước cách Quan Vân Trường một mình đến chỗ hội. Khi đến trước cửa miếu Trảo Trảo, thuyền ghé vào bãi, quận Lập tay cầm bảo đao đi bộ vào miếu. Bấy giờ Thị Lâm đi theo bên cạnh thưa rằng:
- Xin minh công đi chầm chậm kẻo bản quan của thiếp lo sợ.
Quận Lập cất tiếng cười vang, bèn lơi chân thong thả bước về phía cửa miếu. Đoan quốc công sửa áo mũ ngay ngắn, chắp tay ra đón tiếp từ xa. Khi quận Lập đi đến gần miếu. Đoan quốc công bèn quát lớn: "Quân bay dậy mau để đón tiếp tôn huynh!".
Quân phục nấp dưới hố nhất tề vùng dậy xông vào vây bắt. Quận Lập cả kinh, hồn xiêu phách lạc co chân tháo chạy, đến bên sông thì thuyền vừa rời bãi. Quận Lập trổ hết sức bình sinh nhảy ào lên mạn thuyền, nhưng rơi tõm xuống sông. Lúc ấy bộ tướng của Đoan quốc công là Thự Trung, Thự Thiết[14] nối đến, thấy quận Lập lóp ngóp dưới sông, bèn dương cung bắn chết. Quân hầu của quận Lập tán loạn chạy trốn. Đoan quốc công thừa thắng tung quân đánh gấp. Quân thủy quân bộ của quận Lập tìm đường tháo chạy về Đông kinh[15] hoặc đầu hàng.
[14] Thự Trung, Thự Thiết: hai người tên Trung và Thiết giữ chức thự vệ (quan võ).
[15] Đông kinh: Tức kinh đô Thăng Long (bấy giờ do nhà Mạc kiểm soát).
Đoan quốc công giận thần miếu Thanh Tương[16] trách mắng rằng:
- Ta đã cho bốn mùa thờ cúng, xin giúp phúc nước hộ dân, sao lại dung cho đảng giặc vào trong cõi? Thế thì thờ cúng có ích gì?
[16] Miếu Thanh Tương (ở gần xã Lãng Uyển) là nơi quân bộ của quận Lập dừng nghỉ khi đi đánh Nguyễn Hoàng.
Nói đoạn sai thủy quân triệt phá miếu thờ. Rồi đó Đoan quốc công Nguyễn Hoàng trở về phủ doanh mở tiệc thết đãi các tướng, hậu thưởng ba quân. Lại sai người tu sửa miếu Trảo Trảo, phong hiệu cho vị thần ấy là "Linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân"[17], bồn mùa thờ phụng. Chúa nghĩ đến công lao của nàng hầu Ngô thị, muốn đền đáp trọng hậu, bèn mời nàng tới bảo rằng:
- Trừ diệt được phe đảng của quận Lập, ấy là nhờ công lao của nàng. Ta muốn kén chọn người tài trí gả chồng cho nàng để tại thành địa vị khanh tướng, khỏi phải lóc lóc[18] làm kẻ nô tì, cũng là để làm cho hiển rạng công lớn.
[17] Linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân: Có nghĩa là "Vị thần ở dòng nước thiêng có công phù hộ".
[18] Lóc lóc: Có nghĩa là cô đơn (từ cổ, chép chữ Nôm trong nguyên văn).
Ngô thị nghe nói, sụp khóc mà than rằng:
- Ý nguyện bình sinh của thần thiếp là muốn được cầm khăn lược theo hầu chúa thượng, giữ vẹn tiết trinh. Chỉ vì việc nước mà phải ô uế tấm thân, khó mài rửa được. Từ nay về sau thần thiếp xin giữ việc bếp nước quét tước đền ơn thánh chúa để vẹn đạo làm tôi. Còn như chúa thượng muốn cải giá cho thần thì thần đến chết cũng không dám tuân mệnh. Xin chúa thượng lượng thứ cho.
Chúa cười đáp:
- Đây là công việc quốc gia, không phải tội lỗi tình riêng của nàng. Đền công đáp nghĩa đó là do ý muốn bản tâm của ta, nàng nên nghe theo để làm sáng tỏ công danh với đời sau.
Chúa phải vỗ về khuyên bảo hai ba lần Ngô thị mới chịu nghe. Bấy giờ có người huyện Kỳ Hoa[19] ở Nghệ An là Văn Hùng bá Vũ Doãn Trung (tên là Nghi Côn) làm phó đoán sự ở vệ Thiện Vũ theo giúp việc ở phủ chúa. Văn Hùng tướng mạo khôi ngô, hình dung đẹp đẽ, văn võ kiêm toàn, thông kim bác cổ, rất được chúa yêu mến, bèn gả Ngô thị cho Văn Hùng. Hai người vái vọng tạ ơn rồi mới làm lễ động phòng hoa chúc.
[19] Kỳ Hoa: Là tên huyện đời Lê, nay là Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Người thời bấy giờ có thơ chê cười Lập Bạo[20] rằng:
Giúp rập thưa tài chốn dậu li,
Nhờ mưu nữ sắc thắng binh uy.
Tình xưa người cũ nay đành dứt,
Duyên mới hồn bay nét vẽ mày.
Trác[21] gặp Thuyền Quyên, thân chẳng vẹn.
Tiễn[22] mừng Tây Tử nước qua nguy.
Ai rằng Lập Bạo phường khinh suất,
Thủa trước hùng anh có khác gì?
[20] Lập Bạo: cũng tức là Lập quận công.
[21] Trác: tức Đổng Trác, tể tướng thời Đông Hán, trúng kế mỹ nhân của Điêu Thuyền, bị Lã Bố giết.
[22] Tiễn: tức Việt vương Câu Tiễn dùng kế mĩ nhân dâng Tây Thi (cũng gọi là Tây Tử) cho Ngô vương Phù Sai.
Lại nói về năm Kỷ Tị, niên hiệu Chính Trị thứ mười hai (1569) ở Bắc triều, thái sư Minh Khang vương Trịnh Kiểm đánh lấy được miền Sơn Tây, thấy con thứ là Trịnh Tùng (tức Bình An vương) đủ tài trí mưu lược anh hùng, có công đánh dẹp, bèn cho lĩnh ấn Bình Đông, mở doanh Cung Nghĩa, tước Trường Nguyên công giữ chức đồng tiết chế thống binh, đem quân đi đánh giặc.
Năm ấy bỗng nghe tin tướng trấn thủ ở phía nam là Đoan quốc công đạt mưu giết được tướng Mạc là Lập Bạo đoạt lấy binh chúng, Minh Khang vương Trịnh Kiểm trong lòng cả giận, muốn lập kế trừ đi. Trước kia ở xã Hành Phổ, huyện Khang Lộc, xứ Thuận Hóa có viên cai tổng là Mỹ Lương bá cùng các em là bọn Văn Lan, Nghĩa Sơn có công trong việc nộp thóc, xin được thăng quan tước. Thái sư Minh Khang vương Trịnh Kiểm cho Mỹ Lương bá làm cai tri lo việc thu nộp tô thuế để hàng năm tiến nạp. Trịnh Kiểm thấy anh em Mỹ Lương bá thu nộp tô thuế có công, bèn phong cho Mỹ Lương bá làm tham đốc, tước quận công, bọn Văn Lan, Nghĩa Sơn làm thự vệ, đều được phong tước hầu, giao cho cai quản việc tô thu thuế ở xứ Thuận Hóa. Nay chúa Tiên vào trấn thủ hai xứ Thuận, Quảng, Minh Khang vương ngầm sai anh em quận Mỹ lựa chọn binh lính khỏe mạnh người bản xứ, nhân lúc sơ hở mà đánh úp để dứt mối lo về sau, xong việc sẽ có gia thăng trọng thưởng.
Quận Mỹ được mật lệnh liền gọi hai em là bọn Văn Lan, Nghĩa Sơn vào phòng kín bàn việc tuyển chọn binh lính, sắm sửa khí giới. Quận Mỹ sai bọn Văn Lan, Nghĩa Sơn đem quân đến đóng ở xã Hương Da, huyện Minh Linh (12), mai phục ở những nơi hẻo lánh. Quận Mỹ tự đem quân theo đường bí mật dưới chân núi đến đóng quân ở Cầu Gạch thuộc xã Trà Trì, huyện Hải Lăng, làm thành thế đầu đuôi ứng tiếp lẫn nhau, đợi ngày đánh ốp vào.
Lại nói chúa Tiên Nguyễn Hoàng trước đã dò biết được đích xác ý đồ của bọn quận Mỹ, cả giận mắng rằng: "Lũ bọ ngựa oắt con kia dám giơ càng chống xe hay sao!". Nói đoạn sai Trà quận công[23] đem quân đến xã Hương Da đánh bọn Nghĩa Sơn, Văn Lan. Chúa tự mình điểm quân, nhân lúc đêm tối lặng lẽ tiến đến Cầu Gạch đánh thọc vào, đốt cháy doanh trại của quận Mỹ, khói lửa ngút trời, sáng bốc như nắng rựng. Chúa ra sức đốc chiến. Quận Mỹ kinh sợ bối rối, quân lính nhốn nháo tìm đường tháo chạy tán loạn. Quận Mỹ một mình chạy trốn vào rừng. Chúa đuổi kịp, chém chết ngay. Rồi đó chúa Tiên dẫn quân thẳng tiến đến xã Hương Da đánh bọn Văn Lan, Nghĩa Sơn.
[23] Trà quận công: Cương mục chép Trà quận công họ Trương (Trương Trà).
Lại nói quận Trà vâng lệnh đem quân đến xã Phúc Bố, cùng với bọn Văn Lan, Nghĩa Sơn đôi bên đánh lớn một phen, chưa phân thắng bại. Sau quận Trà bị tướng giặc là Nghĩa Sơn bắn trúng, chết tại trận.
Quân lính trở về báo tin cho vợ quận Trà. Vợ quận Trà là Trần thị, người xã Khu Trường, nghe tin cả giận, liền cải dạng ăn mặc như đàn ông, đầu đội nón chóp, tay cầm giáo sắc, cưỡi voi ra trận đốc thúc quân sĩ đánh gấp để báo thù chồng. Quân của Trần thị đến bờ sông thì gặp địch, đôi bên xông vào hỗn chiến. Bọn Nghĩa Sơn chống cự không nổi, trốn không kịp, liền bị Trần thị bắn chết, thây hất bên đường. Văn Lan thấy vậy cả giận, thúc quân cung nỏ xáp đánh để báo thù. Bỗng thấy từ sau lùm cây rậm bên con ngòi bụi cuốn tung trời, cờ bay rợp đất, chiêng trống vang lừng. Quân do thám báo tin đó là chúa Tiên Nguyễn Hoàng đang ruổi đại quân tiến đến. Văn Lan cả kinh, lượng sức không địch nổi, vội bỏ quân chạy về phía bắc tìm đường trốn về Tây kinh[24].
Từ đó quét sạch quân giặc. Đoan quốc công Nguyễn Hoàng đem quân về dinh mở tiệc chúc mừng thắng trận, xét công ban khen tướng sĩ, khao thưởng ba quân, hậu thưởng cho Trần thị, ban hiệu là Quận Trà phu nhân, cấp bổng lộc ân sủng lụa liền trọng hậu. Truyền lệnh an táng linh cữu quận Trà.
[24] Tây kinh: chỉ nơi đóng hành doanh của vua Lê Anh Tông bấy giờ đóng ở sách Vạn Lại (Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Bấy giờ Văn Lan thua trận chạy về kinh đô (Tây kinh), tâu bày sự việc. Thái sư Trịnh Kiểm biết mưu không thành, trong lòng tức giận, ăn ngủ không yên. Kiểm bèn quy tội cho quận Mỹ và lờ đi không xét đến việc đó nữa.
Từ đó Đoan quốc công Nguyễn Hoàng thu phục hết quân dân hai xứ Thuận, Quảng. Voi ngựa, vàng lụa, thóc tiền sung dùng vào việc công để ban phát ân đức, chiêu vỗ muôn dân, thân yêu trăm họ. Hàng năm thu tô đòi thuế để tiến nạp cho triều đình. Dân địa phương hai trấn được an cư lạc nghiệp.
Một hôm chúa ngồi rỗi chợt nghĩ đến việc ngày trước, khi còn ở Trung đô[25] một hôm giả vờ ốm mệt đi dạo chơi ở ngoài, bị một gã thầy chùa làm nhục. Từ đó ôm giận nhà chùa, hễ khi có việc chay đàn sám nguyện cầu phúc thường chỉ chuộng dùng đạo sĩ[26] không dùng tăng thích. Các nhà sư đều lánh xa không ai dám đến hầu. Ấy vì sư là người tiêu biểu cho cửa Thiền mà không giữ được lời răn giới về phẩm hạnh của nhà sư.
[25] Trung đô: kinh đô ở miền Trung, chỉ nơi nhà Lê trung hưng đóng đô ở Thanh Hóa (cũng gọi là Tây kinh).
[26] Đạo sĩ: Tu sĩ của đạo Giáo thuyết giảng phép tu luyện trường sinh bất tử (dân gian thường gọi là đạo Tiên). Người đương thời gọi Đoan vương Nguyễn Hoàng là chúa Tiên có lẽ vì lí do nói trên."
Năm Canh Ngọ, niên hiệu Chính Trị thứ mười ba (1570), ngày mười tám tháng hai. Ở Bắc triều thái sư thượng phụ Minh Khang vương Trịnh Kiểm mất, thọ sáu mươi tám tuổi. Khang vương phò tá cơ nghiệp nhà Lê không sợ gian lao vất vả. Nhưng vì việc dẹp trừ phe đảng nhà Mạc chưa xong, vương thường đau tiếc rơi lệ, ăn ngủ đều kém sút. Sau khi vương mất, vua Lê (Anh Tông) gia phong là Minh Khang thái vương, ban vàng bạc vóc lụa, làm lễ an táng theo nghi lễ bậc vương. Vua thân đến vương phủ lập đàn làm lễ tế. Rồi đó tể tướng và các quan thay mặc áo xô trắng đến lạy trước linh cữu. Vua đọc bài vẫn tế như sau:
"Tiểu tử là Lê mỗ kính cẩn dâng chén rượu trong, vài thứ hoa quả lên trước linh cữu tôn nghiêm của thái sư thượng phụ tặng tước Minh Khang thái vương, khóc mà thưa rằng:
Than ôi, bậc nghiêm quân! Xót thay cho vương phủ! Ngoài là thác nghĩa làm vua tôi, trong là ơn sâu như phụ tử. Xưa tiểu tử hàn vi, nhờ công lao thượng phụ, kính được tôn thờ tiên đế quy mô, lại khai sáng thêm cõi bờ triều cũ. Hiểm nguy trăm trận, trịnh trọng một niềm; trung nghĩa tỏ với thần minh, công nghiệp sánh tày vũ trụ. Quách Phần Dương[27] phụ giúp Đường Đế giữ vẹn thanh danh. Gia Cát Lượng khôi phục Hán đô, thêm dài quốc tộ. Mảng từ nghe tin, xiết bao kinh sợ. Đang dở cuộc kinh dinh bốn bể một mình biết nhờ cậy vào ai. Mà ơn tư nuôi dưỡng một nhà, vì đại nghĩa lòng sâu cảm mộ. Nay rót chén dâng, biệt người thiên cổ. Như tinh anh có thiêng, xin giúp vì quốc tộ. Ô hô! Đau thay! Cúi xin thượng hưởng."
[27] Quách Phần Dương: tức Quách Tử Nghi, danh tướng đời Đường, tước Phần dương Vương.
Vua đọc văn tế xong phục xuống khóc lớn, các quan văn võ đều đau xót thương khóc. Vua trở về cung, ngày đêm nghĩ công lao của Minh Khang thái vương thật to lớn khó bù đắp đền đáp. Từ đó về sau hễ có việc nước đều ủy thác cho Trịnh Nguyên công[28].
[28] Trịnh Nguyên công: tức Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) tên tước cũ là Trường Nguyên công.
Năm ấy, ở Nam, chúa Tiên Nguyễn Hoàng nghe tin bèn sai người đem lễ vật ra phúng tang và dâng bài tán để bày tỏ tình nghĩa anh em. Bài tán viết: "Minh Khang thái vương có tài Y Doãn, Chu Công, hùng dũng đảm lược mưu trí, giữ chắc đánh thắng, ứng biến vô cùng. Vạch gai góc, lập quy mô, phía Nam mở biên thùy, phía Bắc chăm đất ruộng. Khôi phục triều Lê, lập kỉ cương chế độ. Danh như Quách Phần Dương, nghiệp lớn tựa Tề vương Tín[29]. Từ Hán, Đường, Triệu, Tống đến Đinh, Lý, Trần, Lê đời không sánh kịp. Than ôi! nghìn quân dễ có, một tướng khó tìm! Khi vua mới lên ngôi tôn làm Thượng phụ, nay lại tặng Minh Khang thái vương. Vua thân đến làm lễ, quả là hết đạo quân thần. Tiếc thay nửa đường đứt gánh, chưa thỏa ý xưa. Nhưng có Nguyên công tiếp bước, tài năng khá nối chí cha, rạng tiếng tổ tông, thế là tốt đẹp."
Mùa hạ, tháng tư, Nguyên công Trịnh Tùng thấy trong nước có biến động bèn đem quân về chiếm giữ lũy Vạn Lại để cố thủ. Ngày mồng hai, vua phong cho Nguyên công tước hiệu "Kiệt tiết trung thành". Ngày mồng ba lại phong là "Tuyên lực công thần" để đền đáp công lao. Các bậc đại thần huân cựu như thái phó Nghĩa quốc công[30], dương quốc công[31], An quốc công[32] cùng chung lòng hợp sức phò giúp nhà chúa.
[29] Tề Vương Tín: tức Hàn Tín, trước giúp Hán Cao Tổ, sau được phong tước vương ở đất Tề.
[30] Nghĩa quốc công: Tên tước của Đặng Huấn.
[31] Dương quốc công: Tên tước của Nguyễn Hữu Liêu.
[32] An quốc công: Tên tước của Lại Thế Khanh. Ba người nói trên đều là tướng bộ thuộc đã giúp Trinh Tùng nối ngôi chúa.
Tháng tám năm ấy, vua Mạc Thuần Phúc sai quân vào đánh phủ Hà Trung giết người cướp của, dân chúng kinh sợ lánh trốn vào chốn núi rừng.
Nguyên công Trịnh Tùng biết tin bèn đóng quân giữ nơi căn bản, sai Định quận công đem quân chặn địch, đánh lớn với quân Mạc, phá tan được. Quân Mạc kinh sợ không dám ngoái đầu, chạy xuống đóng quân ở xứ Hải Dương. Đến tháng chín hết lương ăn, phải rút quân trở về Đông kinh.
Lại nói năm Tân Mùi, niên hiệu Chính Trị thứ mười bốn (1571), vua Lê phong cho Nguyên công Trịnh Tùng làm khâm sai đô tướng tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, hàm thái úy, tước trường quốc công, giữ chức đô tướng trông coi việc nước. Quốc công Trình Tùng vái tạ nhận tước phong, chính thức thống suất cai quản việc triều chính. Từ đó binh uy ngày thêm vang dậy.
Chúa mới cầm nắm quyền hành, trong lo việc nước, ngoài lo dẹp giặc, thiên hạ yên bình. Các quan văn võ đều vui lòng tuân phục, người theo về dưới thềm rất đông. Từ đó về sau, thiên hạ hơi được yên bình.
Lại nói năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Trị thứ mười sáu (1573), tháng giêng, vua Lê qua đời. Vua ở ngôi mười bảy năm, thọ bốn mươi hai tuổi, các quan dâng tên thụy là Anh Tông hoàng đế, táng ở Tuyên Lăng.
Bấy giờ Trường quốc công Trịnh Tùng cùng các quan đại thần bàn việc lập Hoàng Thái tử Duy Đàm lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Gia Thái, xuống chiếu đại xá thiên hạ.
Năm Quý Dậu, niên hiệu Gia Thái năm đầu (1573), vua mới bảy tuổi, lên ngôi khi còn trứng nước, chưa hiểu việc chính sự quốc gia, quyền binh đều ủy thác cả cho Trịnh Tùng làm phụ chính. Trường quốc công Trịnh Tùng tài kiêm văn võ, mưu lược lớn lao, thu gồm hào kiệt, chiêu tập những kẻ ngang ngạnh quật cường, uy hiếp công khanh, ngầm có ý lấn vượt.
Lại nói năm ấy ở Đàng Trong. Đoan quốc công Nguyễn Hoàng làm trấn thủ hai xứ Thuận, Quảng, dân chúng được yên vui, trong cõi yên bình thịnh vượng. Bỗng nghe tin có bọn "giặc giàu sang"[33] đem năm chiếc tàu đến đậu ở ngoài khơi Cửa Việt, dùng thuyền nhỏ vào bờ cướp bóc dân lành. Chúa nghe tin, liền sai con là Thụy quận công[34] đem quân đi quét diệt.
Thụy quận công vâng lệnh đem hơn mười chiến thuyền đi thẳng đến Cửa Việt, thấy thuyền giặc còn cách hơn ba mươi dặm, tất cả đều móc neo đậu liền nhau một dải. Quận Thụy cả giận đốc thúc thủy quân tiến thốc lên. Đoàn thuyền chiến như một con trường xà ruổi tới, tiếng súng đồng loạt phát nổ, vang động trời đất. Hai tàu giặc bị bắn vỡ. Bọn "giặc giàu sang" cả sợ vội cuốn neo kéo buồm chạy gẩp ra biển Đông. Thụy quận công xua quân đuổi theo không kịp, chỉ thu được một số đồ vật của tàu giặc nổi trên biển
[33] Giặc giàu sang: Nguyên văn: "Hiển quý tặc" (giặc giàu sang) - cách nói của ngườl đương thời gọi t thuyền của người Phương Tây xâm nhập lãnh hải nước ta. ĐNTLB có ghi việc này, nhưng cước chú "Hiển quý là hiệu gọi của bọn tù trưởng phiên" có lẽ không đúng.
[34] Thụy quận công: Tên tước của Nguyễn Phúc Nguyên (con Nguyễn Hoàng).
Thụy quận công vào triều báo tin. Đoan vương cả mừng, vỗ về, úy lạo rằng:
- Con ta thật anh hùng!
Nói đoạn bèn trọng thưởng cho Thụy quận công, ban khen hậu hĩnh cho ba quân tướng sĩ, mở tiệc mừng.
Từ đó về sau tàu của bọn "giặc giàu sang" không dám mon men gần cõi, dân miền ven biển cũng được yên.
Lại nói việc năm Giáp Tuất, niên hiệu Gia Thái thứ hai (1574), bên nhà Mạc là niên hìệu Sùng Khang thứ chín. Vua Mạc là Mạc Mậu Hợp còn bé thơ[35] quyền hành ủy thác cả cho tể tướng[36] cầm nắm việc nước. Tướng sĩ trên dưới lìa lòng, dấy loạn nổi giặc, ai nấy đều muốn tranh công. Dân chúng Đông kinh cũng bị điêu linh khốn khổ. Luôn trong mẩy năm nhà Mạc lại mưu tính cất quân vào đánh Thanh Hoa. Năm Gia Thái thứ năm (1577), vua Lê đổi niên hiệu là Quang Hưng.
[35] Mạc Mậu Hợp còn bé thơ: Mạc Mậu Hợp nối ngôi khi lên hai tuổi (lúc nói đây cũng chỉ mới mười bốn tuổi). Mậu Hợp sáu lần đổi niên hiệu, Hồng Ninh là niên hiệu cuối cùng (1591- 1592), vì vậy đời sau thường gọi là Mạc Hồng Ninh.
[36] Tể tướng: chỉ Mạc Kính Điển.
Năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Hưng năm thứ nhất (1578), tháng bảy, tướng nhà Mạc đem quân vào đánh xứ lũy Cổn. Đô tướng Trịnh Tùng xốc quân ra đánh. Quân Mạc thua lớn, bỏ chạy về Đông đô. Quân nhà Lê đuổi theo chém giết bêu đầu, quân Mạc chạy dài lánh trốn.
Năm Canh Thìn, niên hiệu Quang Hưng thứ ba (1580), Mạc Mậu Hợp lại sai tướng là Diễn quốc công[37] vào đánh quân Lê. Quân Mạc đến xứ Cầu Công[38] chia doanh lập trại đóng giữ, cướp bóc quấy nhiễu dân chúng. Đô tướng Trường quốc công Trịnh Tùng thống lĩnh thủy quân tiến đánh. Chúa thúc quân bắn rất rát, tiếng súng ầm vang như sấm, đạn bay như sao sa. Quân Mạc khó bề chống đỡ, kinh sợ trốn chạy, rơi xuống sông chết đuối rất nhiều. Tướng Mạc là Diễn quốc công bỏ quân, bịt đầu lẩn tránh, tìm đường chạy về Đông kinh. Từ đó mối lo về nhà Mạc hơi được yên. Đô tướng Trịnh Tùng hạ lệnh đem quân trở về sách Vạn Lại. Người thời bấy giờ có thơ hình luận rằng:
Phù vận giúp mưu khó cứu đời,
Đuổi quân nhà Mạc chạy tơi bời.
Dương uy tướng sĩ thu non nước,
Gắng sức muôn dân[39] dựng cõi bờ.
Một trận ầm vang bao giặc chết,
Bốn phương tưới khắp vạn dân nhờ.
Nghiệm xem thiên tượng sao Huỳnh[40]mọc,
Ngoài cõi lờ mờ lửa lại khơi.
[37] Diễn quốc công: Tên tước của Mạc Kính Điển.
[38] Cầu Công: Chữ "Công" nếu đọc theo chữ Nôm có thể đọc là "Trong" (Cầu Trong)
[39] Muôn dân: nguyên văn câu 3 và 4 dùng bốn chữ tên bốn con vật mạnh (trũi, hổ, tì, hưu) tạm dịch như trên.
[40] Huỳnh: tức sao Huỳnh Hoặc (sao Hỏa).
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top