Chương 13

Chương 13:

Hơn hết tất cả, lúc ấy tôi chỉ mới mười bốn, mười năm tuổi cái tuổi bắt đầu hình thành nhân cách và luôn mang trong người tâm lý đối nghịch bố mẹ. Cái tuổi dậy thì đáng sợ mà ai ai cũng phải trải qua, từng ngày từng giờ tâm tính thay đổi xoèn xoẹt. Có lúc bạn nghĩ cái này đúng, lúc khác nhìn lại chẳng hiểu sao nó sai hoàn toàn.

...

Tan học tôi tìm mãi không thấy xe đạp của mình. Dùng đầu gối để nghĩ cũng biết anh hàng xóm đẹp trai đã lấy xe mình cho bạn nữ nào đó trong lớp mượn rồi. Nhớ lại lúc Nguyên Phân chạy đến lớp tìm tôi, có lẽ hắn muốn nói với tôi rằng:

- Xe của em, anh cho nó đi du lịch rồi!

Tôi sốc lại balo đi loăng quăng trong nhà xe vài vòng, tám nhảm với bạn bè vài câu song mặt sưng mày vác đi tìm Nguyên Phân tính sổ. Tôi đi một mạch ra cổng trường, thấy hắn đang ngồi trên yên xe đạp, chân trái gác lên hàng rào sắt của trường tay trái cũng nắm lấy một thanh sắt gần đó. Tôi rón ra rón rén đi đến sau lưng Nguyên Phân, vỗ mạnh vào lưng hắn đồng thời nhe răng cười khành khạch nghiêng đầu hỏi:

- Hù! Giật mình không?

Nguyên Phân xoa lưng, mặt nhăn mày nhó nhìn tôi khẽ gật, mếu máo đáp "có". Song bất thình lình hắn hét lên: "Giật hết cả mình!" làm tôi – cái đứa đang cười nhăn nhở chưa kịp chuẩn bị tâm lý nhảy cẫng lên. Tôi ôm tim đứng nhìn Nguyên Phân chằm chằm, một khắc sau lập tức đấm mạnh vào vai hắn, tức tối nói:

- Anh bị điên à? Làm em giật hết cả mình.

Nguyên Phân cười nghiêng ngả song đột nhiên túm lấy cẳng tay tôi kéo lại gần hắn cùng lúc đó nụ cười trên môi hắn vụt tắt. Nụ cười đó biến mất nhanh đến độ tưởng như nó chưa từng tồn tại, từ đầu đến cuối là tôi nhìn nhầm. Cảm thấy có cái gì đó bất an trong lòng, tôi hỏi Nguyên Phân:

- Nãy anh đến lớp tìm em... là có chuyện gì vậy?

Nguyên Phân ngồi trên yên xe đạp, hắn nhìn tôi bằng ánh mắt phức tạp, môi mấp máy tính nói cái gì đó song lại thôi. Cuối cùng hắn hỏi tôi, một câu hỏi lưng chừng không đầu không cuối, hắn nói:

- Em... sẽ ổn chứ?

Tôi cắn chặt môi dưới nhìn Nguyên Phân, trong lòng hoang mang tột độ. Tôi biết Nguyên Phân hay đùa nhưng những lúc cần nghiêm túc hắn sẽ không bao giờ đùa. Bỗng dưng tôi cảm thấy tay chân mình bủn dủn, nghĩ lại từ sáng đến giờ lòng cứ luôn bất an, mí mắt thì giật liên tục. Tôi vội lắc đầu nguầy nguậy không dám nghĩ tiếp cũng không dám hỏi thêm gì nữa. Ngồi lên yên sau xe đạp, tôi bảo Nguyên Phân:

- Về thôi, em mệt rồi, đói nữa.

Nguyên Phân không nói gì, hắn khẽ nhấn bàn đạp chiếc xe lao vụt đi. Suốt đoạn đường, hai chúng tôi không nói với nhau câu nào. Là Nguyên Phân không biết nói với tôi thế nào hay là tôi không muốn nghe hắn nói. Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết suốt cả đoạn đường, có cái gì đó liên tục đè nặng lên lưng tôi, khiến cho tôi đến cả hít thở cũng thấy khó.

Về gần đến nhà, tôi thấy cổng nhà mình tấp nập huyên náo, trong nhà nghe văng vẳng có tiếng mẹ khóc. Tựa như có bàn tay vô hình bóp nghẹn tim tôi, lồng ngực rất đau, rất đau. Tôi đứng chôn chân tại chỗ, không có dũng khí bước tiếp vào trong. Điều tôi sợ nhất cuối cùng cũng đến. Tôi thấy mọi thứ như quay vòng vòng trước mặt, tôi hỏi Nguyên Phân:

- Cho em qua nhà anh ngồi một lúc có được không?

...

Tôi ngồi dưới hiên nhà Nguyên Phân, ngồi im ở đó nhìn qua nhà mình. Tôi không biết ở nhà đang xảy ra chuyện gì, không những thế tôi càng không muốn biết ở nhà đã xảy ra chuyện gì. Tôi sợ một khi biết đáp án rồi, bản thân sẽ không thể nào tự lừa dối mình được nữa.

Nguyên Phân ngồi cạnh tôi, hắn cũng nhìn qua nhà tôi khẽ hỏi:

- Em ngồi đây được hôm nay, có ngồi được hết cả đời hay không?

Ngồi được lúc nào hay lúc đó!

Tôi ôm chân vùi mặt vào đầu gối, từ chối cho ý kiến. Mặc kệ hắn muốn khích bác thế nào cũng được, tôi quyết định rồi, sẽ không về nhà nữa! Chẳng biết Nguyên Phân không hiểu hay hắn không chịu hiểu mà cứ ngồi đó độc thoại một mình, mặc kệ tôi có muốn nghe hay không, hắn nói:

- Hôm nay bố em gọi điện cho em, điện thoại không liên lạc được nên chú ấy gọi cho anh.

- Anh đừng nói nữa!

- Chú ấy nói...

- Em đã bảo là anh đứng nói nữa rồi mà!

- Anh Nam mất rồi!

Tôi đứng bật dậy, nắm chặt nắm đấm căm tức nhìn Nguyên Phân, nghiến răng nghiến lợi hét:

- Sao anh lì thế? Em đã bảo anh đừng nói nữa rồi kia mà?

Tôi tông cổng chạy thẳng về nhà, tôi chẳng có lý do gì để ngồi lại đó nữa. Anh Nam mất rồi, sao có thể chứ? Rõ là Nguyên Phân biết tôi đang sợ nên hắn muốn bỡn cợt tôi đây mà. Giờ tôi sẽ về nhà chứng minh cho hắn thấy mình đã sai, sai như thế nào. Làm gì có chuyện anh trai tôi mất chứ? Chắc trong nhà chỉ xảy ra chút chuyện nhỏ thôi, không nghiêm trọng đến thế đâu. Chắc là vậy, chắc chắn là vậy rồi!

Tôi nhớ trong một cuối sách nào đó của Anh Khang có viết: "Lòng người là một thứ rất tức cười. Nhiều khi tức lắm mà chỉ có thể cười. Cuộc đời là một chuyện rất buồn cười. Nhiều khi buồn lắm rồi cũng chỉ biết cười". Tôi lúc này chính là như vậy, muốn khóc lắm nhưng lại chỉ có thể cười. Nhìn mẹ ngồi bệt dưới sàn nhà ôm xác anh trai khóc đến nghẹn thở mà chỉ có thể cười chua xót. Tôi đi đến bên cạnh ba, cẩn thận quan sát khuôn mặt đờ đẫn không có sức sống của ông. Lại đảo mắt một vòng nhìn những khuôn mặt xa lạ trong nhà, họ đang rỉ tai nhau nói nhỏ, đàm luận chuyện đời. Kể cho nhau nghe về câu chuyện đang xảy ra trước mặt. Chao ôi, náo nhiệt làm sao!

Chiều đến tôi xin nghỉ học, ở nhà nhìn người ta kèn trống inh ỏi, thi thoảng lại gõ mõ một cái. Cổng nhà cắm đầy cờ đám ma, người ra người vào tấp nập huyên náo, nom không khác gì ngày hội. Thật không ngờ tôi có thể nghĩ ra cái chữ "ngày hội" này để ví von. Hay thật!

Tôi ôm tay đi vào nhà đứng trước cửa nhà tắm nhìn mẹ lau người cho anh trai, nước mắt bà không ngừng rơi, miệng liên tục lẩm bẩm: "Con trai, con trai của mẹ". Bà nhắc đi nhắc lại câu nói ấy rất nhiều lần, tôi nghe đến mức nhàm chán liền nhấc chân quay lưng đi thẳng ra ngoài. Đến phòng khách ngồi xuống cạnh ba, ông vẫn như lúc tôi mới đi học về, khuôn mặt đờ đẫn không có sức sống, tựa như có ai đó rút mất linh hồn. Tôi để tay lên mu bàn tay trái của ông, khẽ gọi:

- Ba ơi...

Ông không quay lại nhìn tôi, vẫn giữ nguyên tư thế ấy ngồi chết lặng. Thật ra nếu ông quay lại tôi cũng chẳng biết phải nói gì, tôi chỉ muốn gọi ông một tiếng như thế thôi. Chỉ muốn ông quay lại nhìn tôi, nhìn tôi một cái thôi cũng được. Sau đó có lẽ tôi sẽ lấy hết dũng khí ra hỏi ông, những điều họ nói ban sáng có đúng không? Họ nói anh trai tôi bỏ học đua xe, là họ nói dối, họ nói dối có phải không?

Làm sao anh Nam lại có thể như vậy được? Anh Nam từ trước đến nay lúc nào cũng là học sinh mười điểm, là hình mẫu con ngoan lý tưởng mà bậc bố mẹ nào cũng muốn hướng tới cho con mình. Làm sao anh tôi lại có thể bỏ học được? Tôi nhớ ngày bé anh nắm tay tôi kể về ước mơ của mình, anh bảo sau này muốn trở thành công an. Tôi ngây ngô cười híp mắt vỗ tay bôm bốp bảo vậy tôi sẽ là em gái của công an rồi, thích thật! Lúc đó anh xoa đầu tôi, trước giờ anh luôn thích xoa đầu tôi, chính vì hơn tôi sáu tuổi nên lúc nào cũng coi tôi là con nít.

Sau này anh Nam đỗ Học viện cảnh sát, tôi lớn dần cũng không còn ngoan như ngày bé nữa. Bắt đầu bướng, hay cãi mẹ. Mẹ lúc nào cũng than phiền về tôi, luôn miệng nói anh Nam bằng tuổi tôi ngoan thế này thế nọ. Kì thật, người lớn thì luôn thích đem cái này cái kia ra so sánh, cân đo đong đếm. Mà đối tượng bị đem lên bàn cân luôn chênh nhau một dãy núi Himalaya cao xa ngút ngàn. Minh chứng rõ nhất là anh em chúng tôi, khác biệt một trời một vực.

Tôi ghét cái kiểu mẹ ngày nào cũng anh Nam mày ngày xưa thế này, anh Nam mày ngày xưa thế nọ. Càng ghét cái kiểm mẹ bắt tôi phải như anh Nam, phải làm đúng như những gì anh ấy làm ngày trước. Tôi cũng như bao người, luôn sinh ra tâm lý thù địch với bất kì ai mắng mỏ mình cho dù đó có là ý tốt. Mà mẹ tôi dĩ nhiên không phải ngoại lệ. Mẹ bảo tôi phải thế này, phải làm như thế này mới đúng là tôi lập tức làm ngược lại ngay. Không những thế, tôi còn âm thầm thề với lòng rằng quyết phải phá hỏng nó mới thôi.

Khoảng thời gian đó, mẹ cứ nhìn thấy tôi là ngứa con mắt bên trái nhột con mắt bên phải. Hận không thể tự tay lột da dóc xương tôi, xem xem tôi là cái giống gì mà có thể lì đến thế?

Tôi lúc bấy giờ đang tuổi dậy thì, chưa biết đưa ra quan điểm riêng, lúc nào cũng bị tác động bởi những người mà mình tiếp xúc. Tỉ như trên trường thầy cô dạy thế này, về nhà bố mẹ dạy thế khác, ra đường đám anh chị choai choai vỗ đầu mình nói kiểu khác, bạn bè bên cạnh mỗi đứa một kiểu khác nữa. Đứng giữa những luồng ý kiến trái chiều với suy nghĩ non nớt, ai không lung lay?

Hơn hết tất cả, lúc ấy tôi chỉ mới mười bốn, mười năm tuổi cái tuổi bắt đầu hình thành nhân cách và luôn mang trong người tâm lý đối nghịch bố mẹ. Cái tuổi dậy thì đáng sợ mà ai ai cũng phải trải qua, từng ngày từng giờ tâm tính thay đổi xoèn xoẹt. Có lúc bạn nghĩ cái này đúng, lúc khác nhìn lại chẳng hiểu sao nó sai hoàn toàn.

Tôi của mười bốn tuổi không biết nghĩ, miễn cưỡng thì cũng có thể chấp nhận được. Nhưng anh Nam năm nay hai hai tuổi rồi, chẳng lẽ anh ấy cũng như tôi không biết nghĩ hay sao?

Tôi rất muốn hỏi anh, tại sao lại làm như vậy? Tại sao mọi chuyện cuối cùng lại thành ra thế này? Chẳng phải trước kia, anh nói ước mơ của anh là được trở thành công an hay sao? Vậy mà giờ tôi nghe người ta nói anh bỏ học từ năm thứ hai?

Anh nhẫn tâm thật, anh để mẹ tin anh thật nhiều, anh đi rồi, mặc bà ôm anh mà hét lên với mọi người xung quanh rằng họ nói dối, rằng con trai bà sẽ không như vậy. Từ trước đến nay bà luôn tự hào về con trai mình, đi đến đâu cũng kể cho người ta nghe mình có một anh con trai như thế. Ngày còn bé thì ngoan ngoãn lớn lên lại đỗ Học viện cảnh sát, từ trước đến nay chưa bao giờ để bố mẹ phải lo lắng, thập toàn thập mĩ!

Những tưởng thực tại sẽ mãi đẹp như thế, ngờ đâu giữa đường anh tạt cho cả nhà một thau nước lạnh. Giá mà lúc bỏ học anh nói với ba mẹ một tiếng, giá mà anh đừng để cả nhà nghe tin động trời này từ miệng người đời. Để người ta thêm mắm bỏ muối, dè bỉu, khinh khi. Để người ta chẳng ngần ngại gì mà đứng trước mặt ba chỉ chỏ oang oang nói: "Đấy, cứ khoe con ngoan, con hiền rồi đâu cũng vào đó. Thế này còn gấp vạn lần mấy đứa phá gia chi tử!".

Ngày bé cứ ngỡ có mỗi thuốc là đắng, lớn lên mới biết có những thứ còn đắng hơn cả thuốc!

...

Từ ngày anh Nam mất tôi bắt đầu lầm lì ít nói, tự tạo khoảng cánh với bạn bè xung quanh. Bởi tôi sợ, tôi luôn có cảm giác như họ đang rỉ tai nhau kể chuyện anh Nam sau lưng mình. Tôi sợ cái cách họ nhìn tôi, ánh mắt đó đã không còn giống như ngày trước nữa, nó khác rồi, rất khác.

Có phải tôi quá đa nghi hay không? Hay là tôi quá nhạy cảm? Tự tạo áp lực cho mình? Tôi không biết nữa, bản thân rất sợ, rất hoang mang. Cảm giác như đứng giữa dòng người đông đúc, họ lướt qua tôi rồi vội vã đi về phía trước. Bỏ mặc tôi đứng đó, có cũng được không có cũng chẳng sao! Tôi rất muốn níu lấy một ai đó, muốn kể cho họ nghe hết uất nghẹn trong lòng. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra dường như không có ai muốn nghe tôi nói cả, mà cứ cho là họ muốn nghe đi, rồi sau đó thì sao? Cùng lắm cũng chỉ trả lại cho tôi được vài lời khuyên sáo rỗng, tỉ như: "Mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi!". Ổn thế nào được? Họ đâu phải tôi, đâu biết cảm giác hụt hẫng, cảm giác đột nhiên mất đi một người anh trai, cảm giác một người từng là tất cả với mình, là mục tiêu phấn đấu, là niềm kiêu hãnh... Rồi đùng một cái, tất cả tan thành bọt biển, cứ thế đổ vỡ ngay trước mắt. Có cố nhặt lại, cố gom góp, cố chắp vá trăm ngàn lần rồi cũng chỉ như công giã tràng, không hơn không kép!

Ầm ầm, kétttttttt!

Một chuỗi âm thanh chát chúa vang lên, tôi rùng mình thoát khỏi ảo mộng, trở về với thực tại viễn cảnh trước mắt làm tôi sợ chết đứng. Chiếc xe bồn phanh gấp dừng ngay sát người, bác tài xế mở cửa nhảy ra khỏi cabin hoảng hốt nhìn tôi. Lúc sau, tựa như đã định thần lại, bác ấy xây xẩm mặt mày chống hông quát:

- Con bé này, đi đứng cái kiểu gì mà lại không chịu nhìn trước ngó sau thế hả?

Tôi giật mình loạng choạng ngã ngửa ra sau, ngồi bệt dưới lòng đường mếu máo tựa như sắp khóc. Bác tài xế thấy vậy càng hoảng hơn, vội khom người kéo khủy tay tôi lôi dậy đoạn nói:

- Này, tính ăn vạ đấy hả? Nói cho mà biết, xe tôi còn cách cô cả nửa mét đấy! Mới có tí tuổi đầu chưa gì đã biết giở thói lươn lẹo!

Bác tài xế vừa dứt lời, Nguyên Phân từ đâu bỗng chạy đến trước mặt tôi, thay tôi xin lỗi bác tài xế. Sau đó hắn kéo mạnh tôi vào lề đường, cái gì cũng không nói, đứng im đó lặng lẽ nhìn tôi. Tôi quay đầu đi hướng khác né tránh ánh mắt của Nguyên Phân, đưa mắt dõi theo bóng chiếc xe bồn đang khuất dần.

Tôi nhớ trước kia có người từng nói anh Nam mất là do trong lúc đua xe không cẩn thận đâm phải một chiếc xe bồn. Lúc ấy nếu kịp thời đưa anh đi bệnh viện có lẽ mọi chuyện đã khác. Thế nhưng chiếc xe bồn ấy lại không cho mọi người cơ hội, bác tài xế lùi xe nghiền nát người anh. Tôi nghe người ta kể lại rằng, lúc ba đến nhận xác anh ông đã ngất đi vì shock.

Anh Nam mất rồi, ngày anh mất tôi không rơi một giọt nước mắt, đến tận hôm nay tôi cũng chưa từng khóc. Còn mẹ, bà khóc rất nhiều, ngày nào bà cũng khóc. Những lúc tỉnh táo mẹ thường níu áo ba hỏi đây có phải là mơ hay không? Có phải là một trò đùa ác ý hay không? Còn những lúc không được tỉnh táo, mẹ sẽ như ngày trước, đi qua nhà hàng xóm chơi, kể cho người ta nghe rằng anh Nam năm nay năm cuối rồi. Sắp tới có thể phụ mẹ nuôi em ăn học được rồi. Tôi sắp lên đại học rồi, có con trai nhà cũng bớt khổ! Tôi biết không phải là mẹ không tỉnh táo, mà là mẹ không muốn chấp nhận cái sự thật này. Cái sự thật đã phá vỡ niềm tin bao năm qua của mẹ.

Còn ba, ông không tự lừa dối mình như mẹ nhưng không có nghĩa là ông không suy sụp. Tôi biết ba nửa đêm lúc nào cũng bật dậy chạy vào nhà tắm ngồi khóc một mình. Hôm sau thức dậy ông tỏ ra mình vẫn ổn, nói vài lời an ủi để mẹ nín khóc rồi mới đi làm. Anh Nam mới mất có vài ngày mà đầu ba đã mọc đầy tóc trắng, khuôn mặt gầy guộc hốc hác, quầng mắt thâm đen sâu hun hút. Nhìn ông lúc này nào có giống với người ba hay soi gương cười tự nhận mình đẹp trai ngày trước.

Tất cả mọi chuyện tôi đều biết, tôi đều biết hết, thế nên tôi mới không muốn thành gánh nặng cho ba. Một mình mẹ đã đủ lắm rồi, nếu tôi cũng suy sụp thì làm sao ông gắng gượng nổi?

Tôi ngồi thụp xuống lề đường, úp mặt vào đầu gối. Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện này nhé! Khi bạn làm rơi một cái chén, cái đĩa hay một thứ gì đó xuống sàn thì nó sẽ vỡ loảng xoảng. Khi bạn ném đồ vật, khi bạn cãi nhau đánh nhau hay làm bất cứ việc gì đó chúng đều tạo ra tiếng động. Nhưng với trái tim bạn, khi vỡ thì nó hoàn toàn im lặng. Im lặng một cách tuyệt đối!

Nguyên Phân ngồi xuống cạnh tôi, hắn khoác tay qua vai tôi khẽ nói:

- Không sao có anh ở đây rồi!

Tôi rất sợ có người nói với tôi rằng: "Không sao mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, không sao tất cả rồi sẽ qua nhanh thôi, không sao, không sao...". Mọi lời khuyên đều là vô nghĩa nếu nó không đến từ trong tim, mọi lời khuyên đều là vô nghĩa nếu nó không xuất hiện sự đồng điệu giữa hai tâm hồn. Có một câu nói rất hay thế này: "Con người là loại sinh vật rất kỳ quặc, nếu đơn độc lẻ loi thì bất kể phải chịu ấm ức tủi cực đến đâu cũng cắn răng gồng mình cho qua. Nhưng hễ được ai tới gần quan tâm thăm hỏi thì chỉ chực rên rẩm thút thít". Tôi cũng vậy, cũng không hơn không kém đều đi theo quy luật thường trực ấy.

Tôi đưa tay tay lên ôm tim, ôm chặt lấy lồng ngực đang tắc nghẹn, tôi nói với Nguyên Phân rằng:

- Em đau lắm, tim em đau lắm, em chịu hết nổi rồi!

Thời gian qua tôi không khóc, một giọt nước mắt cũng không rơi là vì từ bé đến lớn mỗi khi tôi khóc đều có người ở bên cạnh dỗ dành. Tựa như ngày nhỏ có lần tôi nghịch dao bị đứt tay, dù là đau thật đấy nhưng tôi không khóc. Nhất quyết đợi ba mẹ hoặc anh trai về, nhào vào lòng họ chìa cái tay bị thương ra mếu máo kể khổ, bắt đầu khóc lóc.

Tôi bây giờ cũng vậy, lớn rồi vẫn thế không khác là bao. Tôi quay đầu ôm chặt lấy cổ Nguyên Phân dục đầu vào vai hắn òa khóc. Tôi kể cho Nguyên Phân nghe hết mọi uất nghẹn trong lòng, từng câu nói rời rạc vô nghĩa, chẳng biết hắn nghe có hiểu hay không?

Sống ở đời, nếu có thể bộc lộ con người thật của mình trước một ai đó, chỉ là vì khi ở bên người đó tâm tình thật sự rất thoải mái, thế nên nhiều chuyện đã giấu thật lâu trong lòng cũng nhẹ nhõm tràn ra.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: