Phần Trung
Chớp mắt đã hai mươi năm...!
Hậu cung sóng gió chẳng dứt. Phi tần hết thăng rồi giáng, người được sủng ái, kẻ bị ghẻ lạnh. Có ai là thoát khỏi vòng xoáy đó được đâu?
Cần Phi được tấn làm Thuần Phi rồi thành Trung Phi, và hiện tại đã là Đệ nhất giai Hoàng quý phi, đứng đầu hậu cung, được ban cho Khôn Thái cung xa hoa diễm lệ. Chiêu Phi được thăng làm nhất giai Thiện Phi. Còn kẻ mà tôi căm ghét nhất, Học Tần, sớm đã ngồi vững trên ghế Nhị giai Học Phi.
Hai mươi năm nay với tôi mà nói, thật sự vô vị. Ngày trước, khi còn là tiểu thư khuê các, tôi hay ngâm vịnh thơ từ với nhiều đề tài, trong lòng cũng tràn ngập cảm xúc, vui buồn yêu ghét cứ đan xen, hoà hợp với nhau, tạo thành nhiều cung bậc trong tâm thức.
Mới ngày nào còn là thiếu nữ mười tám tuổi, tâm cao khí ngạo...
Tài nhân vị nhập giai, Cửu giai Tài nhân, Bát giai Mỹ nhân, Thất giai Quý nhân...
Tôi bây giờ đã là Nguyễn Nhược Bích ba mươi tám tuổi, là Lục giai Tiệp dư, đường đường chính chính được kẻ trên người dưới xung tụng hai tiếng "lệnh bà", từ Đoan Hoà viện chuyển sang Thuận Huy viện. Ngoài tuổi tác và danh xưng, tôi hầu như chẳng thay đổi gì nhiều, ngay cả tâm tư dành cho y vẫn như vậy, chẳng buồn thay đổi dù chỉ một chút.
Mùa thu nữa lại sang, tiết trời dần se lạnh. Nắng trời không gay gắt nữa, cứ hanh vàng, trong trẻo rọi xuống đền đài cung điện. Tử Cấm Thành trông lung linh hệt như ai đó vừa mới phủ lên một lớp bụi vàng, lặng lẽ soi mình xuống dòng Hương Giang phẳng lặng như tờ. Kinh đô trong mùa của lụi tàn vẫn chẳng hề mất đi phong thái hào hùng của nó, trái lại càng tăng thêm nét trầm mặc cổ kính của đất đế đô.
Tôi và y đứng dưới hàng cây ngô đồng trong Ngự uyển.
Một lá ngô đồng rụng, thiên hạ biết thu sang(*). Trong buổi chiều tà, vài lá ngô đồng vàng khô buông mình theo con gió thu. Cành cây vốn vắng sắc hồng từ cuối hạ lại càng thêm nét tiều tuỵ, não nùng. Gió thu thổi từ hồ Tịnh Tâm, mang theo cả mùi sen thơm cuối hạ còn vương vít đâu đây.
*Nguyên văn: Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu
Y trầm ngâm nhìn hàng cây ngô đồng một lúc lâu rồi khẽ kháng nói: "Hôm nay trẫm vừa nhận ba dưỡng tử, sách lập làm hoàng tử". Thấy tôi có vẻ tò mò, y nói tiếp: "Một đứa là Ưng Ái con của Thoại Vương. Hai đứa còn lại đều là con của Kiên Vương, tên là Ưng Kỷ và Ưng Đăng. Trẫm giao Ưng Ái cho Hoàng quý phi nuôi dưỡng, nàng ấy thông minh, chắc chắn sẽ dạy nó nên người. Ưng Kỷ sẽ do Thiện Phi nuôi nấng, còn Ưng Đăng nhỏ tuổi nhất, trẫm giao cho Học Phi."
Lòng tôi thoáng chấn động. Người như Học Phi cũng có thể nuôi dưỡng hoàng tử thì chẳng biết đức trẻ Ưng Đăng sẽ có tương lai thế nào. Chỉ hy vọng nàng ta sẽ không dùng hoàng tử để tranh sủng. Tôi cũng có chút tiếc nuối. Giá mà tôi cũng có một đứa con để nuôi dạy, tôi chắc chắn sẽ dạy cho nó những gì hay nhất, đẹp nhất mà tôi học được, để nó trở thành người hiểu lễ nghĩa, biết lẽ đời.
Y dường như nhìn thấu suy nghĩ đó trong tôi, vôi vàng nắm lấy tay tôi: "Hoàng tử do tam phi nuôi dưỡng là ý chỉ của Mẫu hậu, trẫm không thể không tuân theo". Y thở một hơi dài: "Trong lòng trẫm, thật sự rất muốn cùng nàng... có một đứa con..."
Trái tim tôi đập liên hồi, trong lòng ngợp bao nỗi niềm khó có thể diễn tả thành lời.
Y muốn có con với tôi!
Y muốn giữa tôi và y có thêm một sơi dây liên kết nữa!
Niềm hoan lạc kết giao cùng nỗi sầu bi, tôi thật sự chẳng rõ bản thân nên vui hay nên buồn. Bấy lâu nay, tôi chỉ xem chuyện đối tốt với y như một thứ công việc mà bản thân nhất định phải làm. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ yêu y thật sâu đậm. Tôi cũng chưa từng nghĩ y đã xem trọng tôi như thế. Tôi bất giác cảm thấy tội lỗi. Y trong mắt tôi là cửu ngũ chí tôn, là chỗ dựa vững chắc để tôi sống yên ổn trong chốn hậu cung, tuyệt đối không phải đấng trượng phu mà tôi mong ước. Nhưng có lẽ, tôi trong mắt y lại rất đặc biệt chăng, ít nhất là đặc biết hơn cách tôi nghĩ về y...?
Y nhìn tôi, ánh mắt đầy kỳ vọng: "Trong số ba dưỡng tử của trẫm, Ưng Kỷ là đứa thông minh sáng dạ nhất. Một đứa trẻ thông minh như vậy cần có một người thầy giỏi để giúp nó phát huy. Trẫm lệnh cho nàng giúp Thiện Phi kèm cặp Ưng Kỷ, răn dạy nó thật tốt". Y trầm ngâm một lát rồi nói tiếp: "Nàng cứ xem nó là con của chúng ta, có được không?"
Lời y nói tựa như nắng ấm mùa xuân giữa tiết thu se lạnh, rất đỗi dịu dàng. Từng chữ từng chữ như cơn mưa xuân rả rít phả vào cõi lòng tôi, khiến nới sâu thẳm tận cùng của trái tim trào dâng cảm giác vừa nồng ấm, lại vừa như giá buốt cả tâm can. Thì ra suốt hai mươi năm qua, mặc cho tôi bao lần trốn tránh, tình cảm y dành cho tôi vẫn đong đầy như ngày nào.
Tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của y. Tôi thấy bản thân mình quá ích kỷ.
...
Câu chuyện cuộc đời của tôi lại xuất hiện thêm một nhân vật mới, hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ. Tự Đức ban cho tôi thêm chức Cung trung giáo tập, làm thầy dạy học Ưng Kỷ. Ưng Kỷ quả thật là một đứa bé đáng yêu, rất ngoan ngoãn và biết vâng lời. Điều tôi vừa ý nhất ở nó chính là đầu óc thông minh nhạy bén, học một hiểu mười. Ưng Kỷ rất yêu mến tôi, sau mỗi giờ học đều đòi tôi dẫn đi dạo hoa viên, đòi nghe thêm nhiều về kinh sử. "Tiệp dư phu tử sao lại thế này...?", "Tiệp dư phu tử sao lại thế kia...?"
Mỗi ngày của tôi đều bắt đầu và kết thúc như thế bên Ưng Kỷ.
Tôi than thở: "Sĩ tử Ưng Kỷ này quả là rất hiếu học, biết cách làm thầy của nó trở tay không kịp."
Thiện Phi nghe vậy liền phì cười: "Xem nó yêu mến người thầy như Tiệp dư còn hơn cả người mẹ nuôi là bản cung. Bích Tiệp dư, cô đúng là có phúc."
Tôi nhẹ giọng phỉ phui: "Dù cho thầy có giỏi thế nào đi chăng nữa cũng chẳng thể sánh bằng tấm lòng người mẹ như Thiện Phi lệnh bà."
Từ ngày có Ưng Kỷ bên cạnh, tôi và Thiện Phi thường xuyên qua lại, trò chuyện cùng nhau, giúp nhau nuôi dạy thằng bé. Đây cũng là một chuyện tốt. Có một người chị em tính tình hoà nhã, hiền lành như Thiện Phi, tôi thật sự rất an tâm.Trong mắt của chúng tôi ngày đó, Ưng Kỷ là quan trọng nhất, là niềm vui duy nhất của chúng tôi nơi tam cung lục viện. Tiếng cười nói của trẻ con như chu sa đỏ chói, điểm vào bức thuỷ mặc ảm đạm những nét tươi vui, mới lạ.
Mấy năm nay tôi sống khép mình, ít giao du. Thân thiết với tôi cũng chỉ có Hoàng quý phi và Thiện Phi. Phi tần làm bạn với nhau không phải chuyện dễ dàng. Đối với hai vị phi tử mà nói, tôi chỉ là một tiệp dư nhỏ nhoi, sống ẩn dật, cuộc đời chỉ biết làm bạn cùng văn thơ chứ không chú tâm tranh sủng. Thế nên, bọn họ đối đãi với tôi hết sức tử tế, hoàn toàn so tính hơn thua với tôi. Chúng tôi bầu bạn với nhau, cùng nhau hầu hạ Thái hậu Từ Dụ.
Thời gian gần đây, tôi hay ghé sang Diên Thọ cung thỉnh an, tiện thể chép kinh Phật cho Thái hậu. Thái hậu nhìn tôi nắn nót viết từng chữ, liền mỉm cười: "Chữ của con lúc này đã đẹp hơn rất nhiều. Từng nét chữ đều hết sức ung dung, thư thái..."
Tôi kính cẩn thưa: "Là do con học tập Thái hậu, ngày ngày toạ thiền để tịnh tâm..."
Thái hậu ôn tồn nói: "Đôi khi tâm quá tịnh sẽ trở nên lãnh đạm. Gần đây quốc sự bận rộn, Bệ hạ hết sức đau đầu, ngày nào cũng cùng quan viên triều thần bàn bạc công vụ ở Càn Thanh cung. Già này thân làm mẹ, thấy con trai lao lực như vậy thật sự thương tâm". Bà hướng mắt nhìn tôi, ánh mắt hiển hiện sự trông chờ, mong mỏi: "Già này biết Hồng Nhậm thương con nhất. Con hãy thường xuyên bầu bạn cùng nó. Ta cảm thấy, hình như dạo này hai con ít khi gặp mặt thì phải..."
Trong lòng tôi xuất hiện chút cảm giác hổ thẹn.
Lời Thái hậu nói chẳng sai nửa phần. Từ cái ngày y giao Ưng Kỷ cho tôi dạy dỗ, tôi lúc nào cũng muốn tránh mặt y. Những buổi đàm đạo thơ văn như ngày trước cũng thưa dần, thưa dần... Tính đến bây giờ đã gần nửa năm tôi không trò chuyện cùng y. Y nhiều lần di giá đến nơi ở của tôi ở Thuận Huy viện, nhưng lần nào tôi cũng viện cớ tránh mặt. Tôi sợ phải đối mặt với sợi dây ràng buột giữa tôi và y. Tôi thật chẳng biết đấy là thứ tình cảm gì, chỉ biết nó luôn àm tôi cảm thấy khó xử, thấy bản thân hổ thẹn đến vô cùng. Gần nửa đời người đã qua, tôi không cho phép bản thân được phép níu kéo một thứ tình cảm như vậy.
...
Thế sự xoay vần, vận nước như cánh bèo lênh đênh trong song nước. Y là người yêu văn thơ, rất mực tài hoa. Tôi biết! Tôi còn biết một điều, chính vì tài hoa như thế nên những chuyện khô khan như trị quốc, điều binh thật sự có phần quá sức với người như y. Tôi hiểu rằng suy nghĩ này có phần khi quân phạm thượng, nếu y biết được có khi ra lệnh xử trảm tôi. Nhưng tôi không thể phủ nhận rằng: giá như y chỉ là một vị vương gia nhàn tản, sống một đời không lo khong nghĩ thì tốt cho y biết mấy! Xét cho cùng, ngồi trên ngai vàng, nhận lời xưng tụng "vạn tuế" của thiên hạ chưa chắc đã là điều đắc ý. Tự Đức hoàng đế của tôi quả là rất đáng thương!
Chốn cung vàng điện ngọc này, ngoài tôi ra, vẫn tin rằng chẳng còn ai khác nữa thích hợp bầu bạn với y hơn tôi. Tôi không hề tự phụ, coi mình tài giỏi. Chỉ là tôi tin vào cái gọi là tri kỷ, tri âm. Những ai am hiểu văn chương hoặc tinh thông âm luật thường xem tình tri kỷ là sợi dây vô hình, là mối tương giao bền chặt nối kết hai tâm hồn. Tôi tin tôi và y sẽ giống như Bá Nha và Tử Kỳ, sẽ được cùng nhau chia sẻ.
Cũng giống như năm xưa, tôi lại một lần nữa ép mình phải tranh giành. Nhưng lần này, tôi tranh giành là vì y. Tôi không muốn nhìn thấy bóng y đơn độc trong tẩm cung quạnh quẽ, tôi càng không muốn thấy y chán nản gục đầu bên đống tấu chương cao như núi, bỏ bê trách nhiệm với nước với dân.
Theo như Nội Vụ phủ ghi chép, một tháng ba mươi ngày, đã có hơn mười ngày y đến Thuận Huy viện tìm tôi. Mọi việc vẫn như xưa, vẫn là đàm đạo thơ văn, vẫn là thú vui tao nhã, có điều, tôi thường âm thầm thêm vào đó chút châm ngôn trị quốc của người xưa. Y vốn dĩ thông minh, lời lẽ ý tứ mà tôi cố tình ẩn giấu đằng sau mỗi điển cố, sao lại không nhận ra?
Y cười với tôi: "Nàng làm thầy của Ưng Kỷ chưa đủ, còn muốn làm thầy của trẫm luôn sao?"
Tôi khẽ khàng đáp: "Thần thiếp nào dám. Chỉ là thiếp hiểu rõ, việc quốc sự như chơi cờ vậy, người chơi thường không nhìn rõ hết được thế cuộc. Thiếp chỉ mong những lời quê mùa của thiếp có thể giúp Bệ hạ chiếm thế thượng phong trên ván cờ trị quốc."
Y xúc động, môi mím chặt, không nói nên lời. Y nắm tay tôi rất lâu, rất lâu. Tôi cảm nhận được một thứ rung động mãnh liệt nơi bàn tay ấy.
"Những lời này, cả hoàng cung, ngoài Mẫu hậu ra, chỉ có nàng là dám nói với trẫm lời này. Cũng chỉ có nàng là hiểu tâm ý trẫm nhất."
Tôi cười không đáp. Chỉ biết, trong cả hậu cung này, nào có ai đam mê thi từ ca phú như tôi và y.
Y ôm tôi thật chặt, chặt như thể sợ vuột mất tôi, sợ xa tôi rồi thì y sẽ trở về với Càn Thanh cung nguy nga mà đơn độc. Y nói: "Lê thị nhập cung sau nàng mấy năm, vậy mà trẫm đã phong nàng ấy làm Nhị giai Cung phi rồi..."
Ý tứ của y, tôi lẽ nào không hiểu. Tôi từ tốn đáp lời: "Thần thiếp tài hèn đức mọn, đâu dám ở ngôi cao sang."
Y phả hơi thở nồng ấm vào mái tóc tôi, giọng nói nhẹ như cánh hoa rơi, tựa hồ đang mơ tưởng về một cái gì đó xa xôi vô tận: "Đợi qua một thời gian nữa, trẫm sẽ phong nàng lên làm Tần, không lâu sau đó sẽ nhanh chóng phong nàng làm Phi. Trẫm thật sự rất nóng lòng chọn ra một phong hiệu đẹp cho nàng."
Tôi có chút tò mò: "Tin chắc Bệ hạ đã sớm tìm ra chữ phù hợp với thần thiếp."
Lời nói của y có chút chua chát: "Nàng tài năng hơn người, tình tình hoà nhã. Những chữ Hiền, Đức,... lại quá tầm thường. Chữ Văn có khí chất cao sang nhưng không hợp với nàng.Trẫm đã tìm thấy rồi, và nhận ra mình đã từng ban lầm phong hiệu. Tâm tính như nàng ta, chữ Học không phù hợp chút nào. Lẽ ra, nàng nên sớm làm Học Phi của trẫm..."
Tôi vội ngắt lời y: "Nhưng lời này lỡ như đến tai Học Phi, chị ấy chắc chắn sẽ rất buồn, không chừng còn oán giận thần thiếp. Nhược Bích chẳng mong địa vị hay danh phận gì, chỉ mong Bệ hạ nhớ những lời thần thiếp đã nói, dốc sức vì xã tắc Đại Nam, chăm lo canh tân đất nước".
...
Lời nói của tôi dường như chỉ lọt vào tai y một nửa.
Từ năm Tự Đức thứ hai mươi cho đến nay đã có không biết bao nhiêu đại thần dâng tấu, khẩn xin y ban chiếu cải cách. Nhưng hết thảy y đều để ngoài tai. Tôi biết y đang hết sức bất an. Ngai vàng có vững cách mấy, nhưng giang sơn đã lung lay thì còn ý nghĩa gì? Đất nước cần canh tân, y không phải không biết và không muốn thực hiên, nhưng y lại thiếu sự quyết đoán. Bè lũ gian thần nói vài lời giả dối, xu nịnh, y lại lấy đó làm an tâm, hoàn toàn chẳng hay biết gì về sự xoay vần của thế sự.
Tôi chỉ đành thở dài. Thân phận nữ tử thấp cổ bé họng, nào có quyền bàn việc nước, việc quan!
Năm Tự Đức thứ ba mươi lăm, quân Đại Pháp tấn công Bắc Hà. Đoàn quân Tây Dương ra tay tàn bạo, ra sức thảm sát, cướp bóc ở nhiều nơi. Y bấy giờ mới ý thức được tình thế mấy năm qua rốt cuộc là cấp bách đến nhường nào. Nhưng, tất cả đã quá muộn. Suốt đêm ngày cùng quân thần họp bàn kế đối phó với địch gây cho y không biết bao nhiêu là áp lực. Những lần gặp y, khí chất hoà nhã trước kia đã phôi pha đi nhiều. Tự Đức hoàng đế trước mặt tôi là con người hay nòng giận, cáu gắt, thường xuyên quát nạt người trên kẻ dưới.
Một lần nọ, Hoàng quý phi hầu hạ y dùng cơm. Hôm ấy trong cung nhiều việc, Ngự Thiện pòng nhất thời trễ nải, y liền bực tức, quát máng Hoàng quý phi hết sức thậm tệ. Ngày hôm sau, y truyền chỉ thông cáo khắp tam chỉ lục viện, chê trách Hoàng quý phi Vũ thị tắc trách bất tài, khi quân phạm thượng, gián làm Nhất giai Trung Phi, tước đoạt quyền quản lý hậu cung.
Tin Vũ thị bị gián làm Trung Phi tựa như tiếng sấm trong đêm mưa bão, đùng một cái, cả hậu cung chết lặng. Bởi lẽ, người vốn có địa vị và sủng ái như nàng ta lại đột nhiên bị thất sủng, bị gián chức, khiến người ta không khỏi hoảng sợ, bất an.
Tôi có đến Khôn Thái cung thăm Trung Phi vài lần. Lần nào đến cũng vì sự đáng thương của nàng ta mà day dứt, mất ăn mất ngủ. Thân là nữ tử chốn hậu cung, thật khó để tôi ngăn trái tim mình sinh lòng thương cảm.
...
Ngày hôm ấy, tôi một mình đến Càn Thanh cung. Vừa gặp được y trong hậu điện, tôi lập tức quỳ xuống hành lễ. Y lạnh lùng bảo tôi bình thân, song tôi vẫn ngoan cố quỳ ở đó, không hề đứng lên.
Đôi lông mày y cau lại, vẻ mặt dường như hết sức khó chịu. Y noi, giọng hằn hộc: "Hay cho Nhược Bích nàng, hôm nay dám đến đây làm khó dễ trẫm! Rốt cuộc nàng muốn gì?"
Tôi không chút do dự, thẳn thắn đáp lời: "Muôn tâu Bệ hạ. Hôm nay thần thiếp mạo muội đến đây, là mong Bệ hạ mở lượng hải hà, khoan thứ cho Trung Phi."
"Nàng muốn cầu xin cho Vũ thị?" Giọng y lạnh lùng, không chút cảm xúc.
Tôi khẽ đáp: "Vâng".
Y nhất thời tức giận, đập tay vào án thư. Nghiên mực trên án bị chấn động mạnh, vài giọt chu sa bắn tung toé, loang lỗ cả trang tấu chương y phê còn dang dở. Trong khoảnh khắc, cả Càn Thanh cung lặng như tờ. Y rời khỏi án thư, hai tay chắp sau lưng, nặng nề tiến về phía tôi. Càn Thanh cung nguy nga tráng lệ, là nơi tôn quý của đấng quân vương, là nơi của quyền lực tối thượng. Vô số ánh vàng toát lên từ bảo toạ đế vương khiến người ta không khỏi cúi đầu trước sự uy nghi đường bệ. Mặc cho tim tôi như ngừng đập vì lo sợ, ánh vàng ấy vẫn toả ra hơi lạnh buốt giá đến tột cùng. Ánh vàng rực rỡ làm tôi trở nên nhỏ bé hơn, nhưng đồng thời cũng vừa làm bóng hình của một người trở nên cao vời, vũng chắc như Thái Sơn, lại vừa như che đi cả mắt môi, cả trái tim của người ấy.
"Bệ hạ". Giọng nói của tôi trở nên thành khẩn và tha thiết: "Xin Bệ hạ niệm tìnhTrung Phi từ trước đến nay vẫn ân cần chu đáo, cẩn trọng hầu hạ mà miễn tội chị ấy". Thần sắc của y vẫn không đổi làm tôi có chút run sợ. Nhưng tôi vẫn có gắng giữ bình tĩnh, giọng nói càng tha thiết hơn bao giờ hết: "Bệ hạ xin hãy nghĩ lại tình cảm phu thê cùng công lao của Trung Phi suốt ngần ấy năm qua. Dù gì chị ấy cũng là thê tử của người, là người chưởng quản tam cung lục viện. Hơn nữa, chị ấy còn có công nuôi dưỡng hoàng tử Ưng Chân". (*)
*Nguyễn Phúc Ưng Ái sau được đổi thành Nguyễn Phúc Ưng Chân, tức vua Dục Đức
Trong tâm trí tôi chẳng lưu lại chút suy nghĩ nào ngoài vẻ lẻ loi, đơn độc của Trung Phi.
Ánh mắt y ngập tràn băng giá: "Vũ thị hầu hạ bên trẫm nhưng lại tắc trách, không làm tròn bổn phận của phi tử. Trẫm giáng chức nàng ta, tước bỏ quyền quản lý hậu cung cũng là chuyện nên làm".
Trái tim tôi chịu một phen chấn động nặng nề.
Tự Đức! Y rốt cuộc là con người thế nào? Bên cạnh tôi, y tỏ ra hết sức ân cần, chu đáo, hoà nhã, chân thành. Tôi những tưởng trái tim của y, con người của y vấn dĩ là như vậy và nhất định như vậy! Nào ngờ, y đan tâm trách phạt, giáng chức thê tử của mình chỉ bởi hai tiếng "tắc trách". Tôi tự hỏi, Vũ Thị Duyên với y tình sâu nghĩa đậm mà còn có kết cục như vậy, còn tôi, nếu không may đắc tội với y thì hậu quả sẽ ra sao? Tôi thật lòng không dám nghĩ. Dù cho trước kia tôi và y có gần gũi cách mấy, tình cảm của tôi với y thật sự không thể đem ra so sánh với Trung Phi. Tất cả những điều tốt đẹp từ trước đến giờ tồn tại giữa chúng tôi, đều chỉ giới hạn bởi hai tiếng "tri âm".
Một ý nghĩ chợt loé lên trong tâm trí tôi, sắc lạnh như lưỡi gươm đã mài dưới bóng trăng, làm người ta không khỏi run sợ. Bấy lâu nay, tôi đã quên một điều, nam nhân mà tôi phải gắn bó cả đời ấy thật ra không hề đơn giản như tôi vẫn hình dung. Dưới lớp mặt nạ của một thi sĩ tao nhã, tôi không rõ y đã che giấu bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu tâm tư? Y vốn không sáng suốt nhưng càng chẳng phải nhu nhược. Năm xưa, để tranh đoạt hoàng vị, y đã bày ra cơ man những mưu sâu kế độc, người như thế lẽ nào tâm tính lại giản đơn? Những điều này, sao bấy lâu nay tôi lại chẳng tỏ tường cơ chứ?
Y vốn là như vậy, tàn nhẫn hơn tôi tưởng, lạnh lùng hơn tôi tưởng. Tôi chỉ hận bản thân mình đã sống quá tình cảm, dù không yêu nhưng vẫn luôn để tâm đến y. Tâm tư đặt lên người nam nhân giống như cánh hoa vương trên vai áo, người không hữu tình hữu ý chắc chắn sẽ để rơi mất cánh hoa. Đến giờ này tôi mới cay đắng nhận ra, hai tiếng "tri âm" mà tôi giành cho y cũng giống như cánh hoa kia vậy, đẽ bị y đánh rơi ở nơi nao mất rồi.
Sau một hồi im lặng, y đã bình tâm trở lại, giọng nói có phần êm dịu hơn trước: "Vũ thị theo trẫm lâu như vậy, nhưng chức Hoàng quý phi lại không đảm đương nỗi. Trẫm định chọn ra một người ưng ý thay thế nàng ta."
Tôi tròn xoe mắt nhìn y: "Người Bệ hạ lựa chọn chẳng hay là Thiện Phi hay Học Phi?"
Y hướng mắt về phía tôi, lời nói hết sức nhẹ nhàng: "Hậu cung đông người như vậy, chỉ có Nhược Bích là hợp ý trẫm."
Một đợt sóng ngầm trào dâng dữ dội trong lòng tôi, mang theo cảm giác bất an đến khó tả. Trước đây, y từng tỏ ý muốn lập tôi làm phi, tôi đã một mực khước từ. Không ngờ, hôm nay y vẫn giữ nguyên ý định đó. Tình cảm mà tôi dành cho y vốn không nhiều, không đủ để tôi vì y mà tận tâm tận lực, hầu hạ chu đáo. Nếu ở ngôi Phi, có lẽ ngay từ khi dọn đến điện Trinh Minh, tôi đã lãnh ngay hai chữ "tắc trách" như Trung Phi đã từng. Ngay cả trong những suy nghĩ liều lĩnh nhất, tôi cũng chẳng muốn đem tình cảm của mình ra đùa giỡn. Bởi lẽ, với tôi mà nói, sống đúng với những gì con tim mách bảo mới cho tôi được cái cảm giác an nhiên ở chốn lắm thị phi, mưu mẹo này.
Tôi nghiêm túc nói với y: "Bệ hạ. Tam cung lục viện rộng lớn, không thiếu những phi tần đức hạnh thâm dày, kinh nghiệm sâu sắc hơn tần thiếp. Ngôi vị chủ tử chốn hậu cung, thần thiếp vốn không thể nhận lãnh".
Gương mặt y rợn ngập nét cười: "Nếu làm Hoàng quý phi, Nhược Bích sẽ ngày ngày ở bên cạnh trẫm, cùng trẫm đối ẩm mà ngâm thơ bình văn. Như vậy chẳng phải là quá tốt sao?"
Tôi nhớ có lần tình cờ nghe được mấy vị đại thần bàn tán sau khi chầu vua về. Họ bảo Tự Đức tình tình nhu nhược, tàn nhẫn nhưng không hề quyết đoán, dễ dàng vì nghe lời bùi tai của bọn gian thần mà phế truất hiền thần, ham mê văn chương mà xao nhãng triều chính, thật sự không phải đấng minh quân. Mấy chữ "ham mê văn chương" tựa như ngàn vạn mũi tên nhọn hoắc, đâm xuyên qua trái tim tôi, để lại vết thương không sao chữa khỏi. Ngày xưa, cổ nhân có câu "hồng nhan hoạ thuỷ" để chỉ cái hoạ nữ sắc gây khuynh đảo giang sơn. Không ngờ hôm nay, văn chương lại có ngày trở thành "hoạ thuỷ"! Tôi quả thật rất e ngại việc y vì tôi mà bỏ bê quốc sự.
Tôi kính cẩn nói với y: "Đàm luận văn chương vốn là thú vui tao nhã, nhưng xin Bệ hạ nhớ cho, thú an lạc của bậc minh quân chính là sự nghiệp an bang định quốc, kinh bang tế thế."
Y thoáng ngẩn người, ánh mắt như làn nước hồ thu trong cơn gió,xôn xao dao động. Tôi biết tâm tư y nhất định đang có sự chuyển biến liền nhân đó mà dập đầu thưa: "Bệ hạ xin hãy chuyên tâm vào việc canh tân đất nước, đừng để Đại Nam phải chịu thua kém trước lân bang. Nước nhà thái bình, dân cư no ấm. Đó không chỉ là nỗi niềm vạn niên đại cát của bệ hạ, mà cũng chính là niềm vui của Nhược Bích. Vì quốc gia mà từ bỏ ngôi Phi để Bệ hạ chú tâm trị quốc, Nhược Bích cam tâm tình nguyện."
Nhưng tôi đã lầm.
Tự Đức không hề vì mấy lời can gián của tôi mà bình tâm suy nghĩ, trái lại, y tỏ ra giận dữ, nổi trận lôi đình. Y cúi xuống, kéo lấy tay tôi. Bàn tay tôi bị y dùng sức nắm chặt, đau đớn đến nỗi hông nói nên lời. Ánh mắt y như hòn lửa rực cháy, hàm răng nghiến chặt, tựa như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Giọng y đanh lại, nói như quát vào tai tôi: "Nàng giỏi lắm. Đến tiền triều, hết Nguyễn Trường Tộ rồi đến Phan Thanh Giản làm khó làm dễ trẫm. Về hậu cung, đến nàng cũng chẳng buông tha cho trẫm. Việc nước là việc của trẫm, trẫm muốn quản thế nào là ý của trẫm. Nàng duy cho cùng cũng chỉ là cung tần nhỏ nhoi, nay lại dám lộng ngôn can chính!"
Tôi nhìn thẳng vào mắt y, lời nói thốt ra không hề do dự: "Bệ hạ. Nước nhà cần có sự quan tâm của Bệ hạ, Thần thiếp không dám vì chút tình riêng mà khiến Bệ hạ tiếng xấu lưu danh thiên cổ. Bệ hạ muốn xử trí tội của thần thiếp thế nào là do khí độ của Bệ hạ, thần thiếp không dám biện giải. Nhưng Bệ hạ nên nhớ rằng, chừng nào vạn dân chưa an lạc, Nguyễn Nhược Bích thiếp thề không làm Phi!"
Y "hừ" một tiếng, giận dữ xô tôi ra. Toàn thân đau đớn, tôi ngã nhoài trên chính điện Càn Thanh cung. Mùi trầm hương từ lư đồng bốn phía xông lên, xộc thẳng vào mũi như nhắc tôi nhớ rằng, kẻ đứng trước mặt tôi chỉ là ông vua lâm vào đường cùng, ngàn vạn lần không phải là bạn tri âm mà tôi coi trọng
Y phất mạnh tay áo lụa thêu đồ án đoàn long, lạnh lùng bảo nội giám trong điện: "Tiệp dư Nguyễn Nhược Bích bất tuân thánh ý, cả gan bàn luận chính sự, thật không thích hợp bầu bạn cùng trẫm. Niệm chút tình xưa nghĩa cũ, trẫm khoan hồng đại lượng, không phế ngôi Tiệp dư, song trong lòng lại vô cùng chán ghét. Từ nay trở về sau, không có lệnh thì không được gặp mặt trẫm."
Y tuyên chỉ xong liền bỏ đi, không ngoảnh lại liếc tôi dù chỉ một lần.
Mọi hy vọng của tôi, mọi thành tâm thành ý của tôi, trong chốc lát đã tiêu tan.
Lòng nguội lạnh. Lục giai tiệp dư thì sao chứ, quãng đời còn lại của tôi ở Thuận Huy viện chẳng khác nào chôn chân nơi lãnh cung, không sao thoát ra được. Nhưng tại sao lại phải thoát ra chứ? Tôi thà bị giam cầm mãi mãi cũng không muốn gặp y, con người xanh như lá, bạc như vôi(*).
*Lấy ý từ bài thơ Mời trầu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top