Phần Thượng
Phật dạy rằng: "Kiếp trước phải ngoảnh mặt nhìn nhau năm trăm lần thì kiếp này mới đổi được một duyên tương ngộ."
Há chẳng phải tôi và y đã ân oán tình thù dây dưa suốt mười kiếp, thế nên kiếp này mới được gặp nhau, để tôi trở thành cung tần của y. Nhưng, tận sâu trong thâm tâm, tôi không nghĩ rằng giữa tôi và y có duyên số tồn tại. Trải qua ngần ấy năm tháng bên cạnh y, tôi nhận ra thứ mang chúng tôi đến bên nhau thì ra chính là một chữ "nợ". Món nợ từ tiến kiếp như sương mù dai dẳng trên ngọn đồi Thiên Mụ, cứ bám víu lấy chúng tôi đến tận kiếp lai sinh, khiến tôi và y thân bất do kỷ, tuy cùng chung chăn gối, nhưng mãi mãi cũng không thể cùng nhau sắc cầm hoà hợp.
Tôi nói: "Bệ hạ và thần thiếp nào phải Lương Chúc(*). Tình cảm giữa thiếp và người, có chăng cũng chỉ là tri âm tri kỷ mà thôi."
*Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài
Y nhìn tôi rất lâu, nói: "Nếu không là Lương Chúc, trẫm nguyện một đời làm Tử Kỳ, luôn lắng nghe khúc Cao sơn lưu thuỷ của Bá Nha là nàng."
Người vẫn luôn nhìn ta bằng ánh mắt ấy: nồng nàn có, trân trọng có, thấu hiểu có mà hờn dỗi cũng có. Xa cách đã lâu, nhưng ánh mắt y luôn hiên hữu trong tiềm thức, trở thành nỗi ám ảnh mà tôi nửa muốn nhớ, nửa lại muốn quên.
Tự Đức. Ngay trong những giấc chiêm bao, tôi vẫn muốn mơ thấy ký ức của tôi và y...
*****
Lần đầu tiên gặp y là năm Tự Đức nguyên niên, khi ấy tôi mười tám tuổi.
Tiên đế băng hà, tân đế kế vị. Giang sơn được tiếp quản bởi một chủ nhân mới, chốn hậu cung cũng có thêm những con người mới, những câu chuyện mới... Chỉ là không ngờ, tôi lại bị cuốn vào câu chuyện ấy.
Quê tôi ở Ninh Thuận, sinh ra là con gái nhà quan. Cha tôi là một vị quan thanh liêm chính trực, tính tình khảng khái, lại còn rất thông tường kinh sử, am hiểu văn thơ. Tôi là con gái duy nhất của cha, được cha rất mực yêu quý, nên từ nhỏ cha đẽ dạy cho tôi viết chữ, làm thơ. Từ Kinh thi, Xuân thu, Nhạc phủ,... cho tới Tao đàn thi tập, Quốc âm thi tập,... thi phẩm nào tôi cũng được đọc, được khám phá hết cái hay, cái đẹp của con chữ, tứ thơ. Niềm đam mê thi từ ca phú như ngọn lửa hồng ấm áp, nhen nhóm trong tôi từ tấm bé rồi bừng cháy soi rọi tâm hồn khi tôi đã trưởng thành.
Tôi còn nhớ có những buổi chiều gió lộng, cha vừa nhâm nhi tách trà, nghe tôi ngâm thơ, vừa gật gù tán thưởng: "Con gái của ta quả là tài nữ!"
Tôi khi ấy thẹn thùng đỏ mặt, nói với cha bằng giọng nhỏ như muỗi kêu: "Cha thật không tốt, chỉ khéo trêu con gái."
Năm tôi mười sáu tuổi, có lần mẹ dẫn tôi vào một ngôi cổ tự vùng Kinh Bắc xa xôi để cầu duyên. Mẹ bảo rằng hôn sự là chuyện quan trọng của cả đời người, phải thành tâm khần nguyện mới mong yên bề gia thất. Trong bầu không khí trang nghiêm trầm mạc, phảng phất hương trầm thanh nhã, tôi đã trịnh trọng cầu khấn, điều mà tôi cầu khấn chính là: được lấy người thông thạo thi thơ nhất trên hạ.
Tôi yêu văn thơ, người giỏi văn thơ hiển nhiên là người tôi yêu. Tôi cứ chờ đợi người ấy sẽ xuất hiện trong đời mình, chờ người ấy nắm lấy tay tôi, dẫn tôi đến vùng trời thơ mộng, nơi mà chỉ có tôi, người ấy và những áng văn thơ bất hủ. Tôi đã ôm ấp giấc mơ rất đỗi tươi đẹp ấy chỉ trong hai năm ngắn ngủi. Bởi lẽ năm mười tám tuổi, tôi đã tiến cung.
Ngày tôi tiến cung ai cũng bảo là ngày đại cát. Nắng trời vàng ươm như rót mật trên mái ngói âm dương của Tử Cấm Thành. Mây trắng lững lờ trôi trên tầng không tạo cho đất kinh kì vẻ nên thơ hiếm có.
Ngày trước, tôi từng nghe hát rằng:
"Ngọ Môn năm của chín lầu
Một lầu vàng tám lầu xanh
Ba cửa thẳng hai cửa quanh
Sinh em ra là phận gái
Chớ nên hỏi chốn kinh thành mà làm chi."
Thâm cung sâu như bể, lòng người cũng như thâm cung, thâm sâu khó đoán. Bước vào tam cung lục viện đó, lẽ nào chẳng phải là huỷ hoại cuộc đời mình? Thế nhưng tôi vẫn cứ đi, tôi dửng dưng và xem đấy là vận số của mình, không thể trốn tránh. Tôi kỳ thực tin rằng vận mệnh cả thảy đều nằm trong bàn tay mỗi người, ai có lòng sẽ tự khắc biết cách nắm lấy. Nhưng tôi không thể làm chủ vận mệnh, bởi vì, chỉ khi tôi cam chịu phận đời nước chảy bèo trôi như thế, cha tôi mới được sống an nhiên quãng đời còn lại.
...
Mấy tháng trước, Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa đến phủ nhà tôi, nói chuyện với cha vài câu. Tôi đứng ngoài phòng khách, nghe loáng thoáng câu chuyện. Thứ đập vào tai tôi khi ấy chỉ có hai từ: "tiến cung". Tôi nghe thấy tiếng cha tôi ho sù sụ. Trong tiếng ho khàn đặc, cha cố gắng bật ra ba chữ: "Không thể được." Không gian bỗng trở nên tịch mịch đến lạ lùng. Mãi một lúc sau, tôi mới nge thấy giọng nói dứt khoác của vị đại thần họ Lâm: "Ông bây giờ tuổi cao sức yếu, chẳng thể đóng góp gì nhiều cho triều đình, ông tưởng rằng dễ dàng được thánh ân hậu đãi cả đời hay sao?"
Tim tôi như thắt lại. Xung quanh tôi dừng như chỉ là cõi hư vô...
Suốt cuộc đời này tôi cũng sẽ không thể quên được ánh mắt của cha ngày đó, ánh mắt tràn đầy nỗi đau đớn và biệt ly. Có người cha nào lại đan tâm gả nạp con gái vào cung để đổi lấy vinh hiển đâu chứ? Tôi hiểu tấm lòng của cha, tôi cam tâm tình nguyện cũng vì chữ hiếu mà thôi.
...
Tân đế ngồi trên long ỷ, ánh mắt chăm chú nhìn tôi. Đấy là một vị Hoàng đế trẻ tuổi, vóc dáng thư sinh mảnh khảnh, cả người toát lên khí chất tao nhã. Y mặc thường phục màu vàng bằng lụa thêu hoa văn rồng bay, trong nắng sớm, ánh vàng hắt lên lấp lánh. Hoàng cung này mọi thứ đều lạ lẫm, duy chỉ có khí chất tao nhã ấy của y làm tôi có cảm giác thân quen, thứ cảm giác tao nhân mặc khách mà cha tôi vốn có.
Y cất giọng hoà nhã: "Đời Trần, Nhân Tông Hoàng đế từng ngợi ca hoa mai rằng: Gan sắt dạ đồng như tuyết sớm, quần là khăn lụa đón gió đông. Hoa mai từ cổ chí kim đã là bạn của thi khách. Trẫm cũng muốn biết, tâm tư của nàng về người bạn này là như thế nào?"
Tôi mỉm cười, khẽ khàng đáp: "Bệ hạ chê cười rồi. Thần nữ thấp hèn, sao dám nhận là thi khách, càng không dám sánh với Phật Hoàng. Nhưng nói về hoa mai, kỳ thực thần nữ cũng có chút ý niệm."
Y gật đầu: "Nàng viết ra cho trẫm xem."
Tờ giấy điệp trắng ngà trải trên bàn gỗ liêm đen huyền trở nên rất nổi bật, chất điệp trong giấy ánh lên như trân châu quý giá, khiến người ta không khỏi cẩn trọng khi chấp bút. Tôi nhẹ nhàng viết từng nét chữ khải ngay ngắn, dứt khoát. Từng chữ từng chữ lần lượt hiện lên trên tấm giấy trắng ngọc ngà, uyển chuyển như chim hồng vỗ cánh.
Y cầm bài thơ tôi viết, khẽ gật gù. Hồi lâu, y mỉm cười nhìn tôi, ánh mắt ánh lên muôn vàn tia rực rỡ: "Quả là tuyệt cú, tuyệt cú. Hay cho câu: Nhược bằng dùng người như nêm vị, xin làm tôi giỏi giúp Thương triều. Khéo uốn nắn thi thơ như người ta uốn nắn hoa mai, tỏ rõ chí khí như Tể tướng Phó Duyệt. Tiếc thay nàng là phận nữ nhi, nếu là trang nam tử, cho nàng chức vụ ấy, trẫm không lấy gì làm tiếc."
Tôi chỉ nhún nhường đáp lễ: "Bệ hạ quá lời."
Y suy tư hồi lâu rồi ôn tồn nói: "Nội cung nữ tử nhiều vô số, nhưng bên trẫm luôn thiếu một người cùng trẫm đàm đạo thơ từ, hầu hạ bút mực. Hôm nay gặp được nàng, tinh thông thi phú, hoà nhã khiêm nhường, rất hợp ý trẫm. Trẫm quyết định giữ nàng lại làm Tài nhân vị nhập giai, giao Thượng Nghi cục cho nàng quản lý."
Tôi nín lặng, mọi suy nghĩ trong đầu như đóng băng trong phút chốc. Y thấy tôi như thế liền nói: "Nguyễn Nhược Sơn quả là biết cách dạy con gái. Ban thưởng hậu hĩnh cho ông ta."
Tôi khẽ thở phào, xem như mình không làm cha phải thất vọng.
...
Tôi vừa vào cung được một ngày, chỉ mới là Tài nhân vị nhập giai ở Đoan Trang viện, lại được đặc ân phong chức Thượng Nghi Viên sự, chuyên lo nghi lễ nghi trượng chốn hậu cung. Phi tần trong cung, người ngưỡng mộ có, kẻ dè bỉu cũng có, lời ong tiếng ve, bằng hữu hay thù địch đều khó phân biệt.
Tân đế Nguyễn Phúc Hồng Nhậm vừa đăng cơ chưa lâu, hậu cung cũng còn hãy thưa người. Tam cung lục viện cả cả thảy cũng chưa quá hai mươi chủ nhân, hầu hết đều là con gái nhà quan lại tiến cung.
Phi tử trong chốn tường đỏ ngói xanh này, có ai là không đẹp, không nghiêng nước nghiêng thành cơ chứ? Mỗi một giai nhân là một bông hoa tuyệt sắc. Nhưng, ngàn vạn hoa đẹp lại cùng hội tụ ở một nơi, lại càng khiến nhau trở nên mờ nhạt. Hiện tại, đắc sủng nhất có lẽ là ba bông hoa mẫu đơn kiều diễm: Cần Tần Vũ Thị Duyên, Cung Tần Nguyễn Thị Cẩm và Học Tần Nguyễn Thị Hương. Họ đều là nữ tử xuất thân danh môn, mười phần xinh đẹp. Dù đã hầu hạ đấng quân vương từ khi còn ở tiềm để, nhưng sủng hạnh của họ đều chẳng hề suy giảm.
Tôi tuy cũng là con gái quan lại được sung cung, nhưng dẫu sao cũng chỉ là cái bóng mờ nhạt bên họ. Từ khi còn ở chốn khuê phong, tôi đã từng đọc biết bao bài "cung oán", vì lẽ gì chẳng biết cái gọi là Ân vua như nước chảy về Đông, đắc sủng âu lo thất sủng sầu? Tôi chẳng có lý do gì để dấn thân vào những cuộc minh tranh ám đấu khốc liệt chốn hậu cung, không kết thân cũng chẳng thù hằn với ai, tôi chỉ là một loài cỏ hoa vô danh đơn độc giữa muôn hồng nghìn tía.
...
"Nàng bảo bọn họ là mẫu đơn?" Tự Đức nhướn mày nhìn tôi, ánh mắt ánh lên chút khó hiểu.
Tôi mỉm cười: "Bệ hạ từng đọc nhiều sách, vậy thiếp xin hỏi người đã bao giờ nghe qua câu Mây mưa mấy giọt chung tình, đình trầm hương khoá một cành mẫu đơn chưa?"
Y hào hứng đáp lời: "Là Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều sao?"
"Dạ phải. Bệ hạ đối với các vị lệnh bà có thể nói là thánh ân hậu đãi, tình sâu ý đậm. Nói như lời thơ ban nãy, các vị lệnh bà há chẳng phải mẫu đơn sao?"
Mắt y sáng rực, loé lên tia hiếu kỳ: "Nàng nói xem, các nàng ấy là mẫu đơn, vậy nàng là gì?"
Tôi cúi người, khẽ khàng đáp: "Là... hoa sen trong giếng ngọc."
Y vỗ tay "bốp" một tiếng, ra chiều cao hứng, liền ngâm nga bài Ngọc tĩnh liên phú. Giọng y trầm ấm ngân vang như tiếng chuông chùa Thiên Mụ buổi hoàng hôn, đọng lại trong lòng tôi dư âm ngọt ngào khó tả.
...
Cứ như thế, ngày lại qua ngày, Tự Đức vẫn thường hay di giá đến Đoan Trang viện tìm tôi, bình phẩm thì từ ca phú.
Bên chén trà thơm ngát hương sen hồ Tịnh Tâm, dưới những tán lá xanh rì của chốn hậu viện, trong cơn gió thoảng đưa muôn vàn tiếng chim véo von tự nơi nao vọng lại, chỉ có tôi, y và văn chương...
Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu điều ước năm tôi mười sáu tuổi bây giờ có phải đã thành hiện thực rồi không, Khi mà ngồi đối ẩm với tôi lúc nào cũng là đấng quân vương nhàn nhã tiêu sái, am tường thi ca. Ánh mắt y nhìn tôi dịu dàng biết mấy, ấm áp biết mấy, khiến tôi nghĩ về mơ ước của một thời đã qua, bâng khuâng chẳng biết chân trời mơ mông của tôi ngày ấy có nằm trong thẳm sâu đôi mắt kia, trong khoảnh khắc này...
Nhưng, y là quân vương, là vị hoàng đế tôn kính của triều đình, là chồng chung của biết bao nữ tử chốn hậu cung. Thực tế như một gáo nước lạnh dội thẳng xuống đầu tôi, khiến thần trí bỗng buốt giá rồi từ đó mà trở nên tỉnh táo, chẳng vấn vương chút mơ mộng nào. Phải. Y là quân vương, sao có thể là đấng trượng phu mà tôi hằng mong ước? Cho dù y tinh thông văn thơ thế nào đi chăng nữa, cho dù tôi và y có tình ý gì với nhau đi chăng nữa, một mình tôi sao có thể khoả lấp được trái tim của đế vương, y sao có thể vì tôi mà chẳng ngó ngàng đến nữ tử khác?
Nhẹ nhàng như cơn gió thu trong lành mà lạnh lẽo cuốn theo chiếc lá ngô đồng bay về nơi xa ngái, chút tình ý của tôi mới đó đã chẳng còn chút gì vương sót. Tôi thở dài. Trong cung vàng điện ngọc này, thứ dù xa hoa diễm lệ đến đâu cũng có thể tồn tại, duy chỉ mỗi tấm chân tình là như gió thoảng mây bay...
...
Hai năm trôi qua, tôi tròn hai mươi tuổi. Nếu không vì gia đình mà tiến cung, chắc bây giờ tôi đã tìm được lang quân như ý để mà nâng khăn sửa túi, biết đâu đã có con cái đề huề rồi cũng nên. Suốt hơn bảy trăm ngày qua, cuộc sống đối với tôi vô cùng nhàn nhã, nhàn nhã đến chán chường. Tôi chung quy cũng chì là Tài nhân vị nhập giai, là cung tần cấp thấp, thậm chí một danh phận để tự xưng là chủ nhân của người khác tôi cũng không có. Bấy lâu, tôi đã chọn sống như một chiếc bóng thầm lặng, mặc cho bao người tranh sủng để rồi lên voi xuống chó, tôi vẫn đứng yên tại vị trí của mình, chẳng buồn thay dổi bất cứ thứ gì. Tôi nghĩ, cuộc sống với tôi như thế là đủ: ngày ngày lo chuyện lễ nghi ở Thượng Nghi cục, thỉnh thoảng cùng Tự Đức bàn luận việc văn... Trong mắt mọi người, có lẽ tình cảnh của tôi đã có thể gọi là vạn ngàn sủng ái, cho nên, tôi không có một lý do gì để tranh đấu, vả chăng, càng không có lòng mà tranh đấu!
Tôi đã nghĩ như thế, cho đến một ngày...
Học Tần đột nhiên cho người đến Thượng Nghi cục tìm tôi. Nàng ta vốn là thiên kim nhà quyền quý, chức quan của cha nàng ta cao hơn cha của tôi. Hơn nữa, luận địa vị, luận thời gian hầu hầu hạ thánh giá, tôi đều là kẻ dưới, thấp cổ bé họng. Hơn nữa, nàng ta xinh đẹp lại đắc sủng, nên tính tình có phần ngang ngược, kiêu kỳ. Vì vậy, tôi luôn kiêng dè nàng ta, càng tránh không giáp mặt với nàng ta. Vậy mà hôm nay, nàng ta lại chủ động tìm tôi.
Tôi còn nhớ lần ấy tôi đến Đoan Huy viện của nàng ta, vừa mới hành lễ bái chào thì một vạt áo lụa hồng lướt qua mặt tôi, liền sao đó là một cái tát như trời giáng, đau đớn đến độ mặt như bỏng rát. Tôi còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, Học Tần đã nhếch khoé môi, cười lạnh một tiếng: "Tiện tỳ Nguyễn Nhược Bích ngươi quả là to gan. Vào cung chưa lâu đã giở trò hồ ly mê hoặc."
Tôi ngây người, giương mắt nhìn nàng ta. Trên gương mặt xinh đẹp hiện lên nụ cười khinh bỉ đến chua chát cùng ánh mắt sắc như đao kiếm: "Ngươi rốt cuộc đã giở yêu thuật gì, sao bệ hạ hàng tháng cứ phải đến Đoan Trang viện tìm ngươi một lần? Tiện tỳ như ngươi thật đáng chết, vừa vào cung đã giở trò hòng đắc sủng!"
Tôi nén cơn đau đang âm ỉ trên gương mặt, cố giữ bình tĩnh trước nàng ta: "Oan cho tần thiếp quá. Một tháng ba mươi ngày, lệnh bà nghĩ rằng giữ chân thánh giá một ngày có thể coi là đắc sủng sao?"
Học Tần cười ha hả: "Thế nào là đắc sủng còn chẳng phân biệt được, lại còn khua môi múa mép với bản cung?"
Tôi thoáng giật mình vì lời nói của nàng ta. Nhưng chuyện xảy ra sau đó, tôi chẳng buồn nhớ nữa. Duy chỉ có câu nói của nàng ta, lúc tôi lê bước rồi khỏi Đoan Huy viện, là vẫn hằn sâu trong từng nếp nghĩ của tôi: "Ngươi thân là tiện nhân thấp kém thì chớ bao giờ nghĩ đến chuyện tranh đấu với bản cung. Bản cung xuất thân danh môn, thân phận cao quý vô cùng. Đâu như ngươi chứ. Cha ngươi dù là quan thanh liêm ra sao, phủ nhà ngươi giàu có cỡ nào, trong mắt bổn cung chẳng qua cũng chì có hai chữ: bần tiện!"
Khi ấy bàn tay tôi đột nhiên đau rát. Sau đó mới biết thì ra móng tay dài hai phân đã bấu vào lòng bàn tay mềm mại, lại còn bấu chặt đến bật cả máu. Đó là lần đầu tôi thấy máu trong chốn hậu cung, lại chính là máu của bản thân mình. Máu nhuộm chiếc khăn lụa tôi cầm trên tay trở nên loang lỗ, đỏ thẫm như bức thuỷ mặc vẽ bằng chu sa.
Tôi tự hứa với lòng, sẽ chẳng bao giờ để người ta chà đạp tôi như vậy nữa, chẳng bao giờ để bản thân bị xem thường nữa!
...
Những ngày tháng sau đó với tôi là những chuỗi ngày dài tựa như không hồi kết, tìm kiếm một thứ gì đó vô nghĩa đến tận cùng. Sao tôi có thể như thế, sao tôi có thể tranh giành tình cảm của Tự Đức khi lòng tôi sớm đã nguội lạnh? Mọi hành động của tôi lúc này ví như cứ chăm bón cho một cây non vừa mới nhứ đã sớm khô héo, dẫu miễn cưỡng thế nào cũng chẳng làm nó xanh tươi.
Nhưng chẳng hiểu sao, mỗi lúc miễn cưỡng như vậy, tôi lại không hề cảm khó chịu. Có lúc lại nghĩ, nếu như miễn cường lại thoái mái như vậy, tôi thà miễn cưỡng cả một đời.
Cung đình tựa như cái lồng son, con người thì tựa như chim trời bị nhốt, có ai vui sướng thật sự bao giờ? Tự Đức cũng vậy, có những chuyện y không biết phải chia sẻ cùng ai. Như y thân là quân vương, nhưng mọi sự hết thảy đều phải hỏi qua ý của Thái hậu. Như y thân là phu quân của biết bao nữ tử, rốt cuộc lại là một cây không trái.
Y kể với tôi, năm đó y còn nhỏ, chẳng may bị mắc bệnh đậu mùa. Trong cung biết bao thái y giỏi nhưng cũng không sao cứu chữa kịp thời, làm y mắc phải chứng vô sinh. Từ đó, y luôn mang trong tâm thức sự mặc cảm, e dè thay cho khí khái oai phong uy vũ mà một vị vua nên có. Đế vương một nước lại là cây không trái, còn gì đau đớn hơn?
Tôi chợt hiểu ra lời mà Học Tần nói với tôi hôm nào. Không thể mang long chủng, phi tần chỉ còn biết lấy việc gặp gỡ quân vương làm ơn mưa móc. Y thường xuyên tìm tôi cũng chính là ban cho tôi ân sủng.
Nỗi xúc động trong lòng tôi chợt trào dâng, tôi dịu dàng nhìn y, nói: "Con người cũng như cây cối, không nhất thiết phải nhiều hoa nhiều trái, quan trọng là cây ngay không sợ chết đứng, có bản lĩnh làm cây cao bóng cả để che chở cho thiên hạ vạn dân. Bệ hạ nhìn xem, tùng bách cũng không hoa không trái, chẳng phải vẫn tươi tốt đó sao?"
Y ngây người, phóng tầm mắt nhìn về hàng tùng bách cao lớn xanh tươi mọc ở điện Thái Hoà. Nội cung kỳ hoa dị thảo chẳng thiếu, vậy mà tùng bách vẫng ung dung vươn cao hơn cả, khẳng định cái uy dũng cùng tầm vóc lớn lao của mình. Đôi mắt đen láy ẩn dưới hàng mày đậm bỗng bừng sáng, ánh nhìn ảm đạm khi nãy đã được thay thế bởi những tia trong trẻo, vui tươi.
Y từ phía sau ôm tôi thật chặt: "Cảm ơn nàng đã cho trẫm biết thêm một đạo lý làm người". Hơi thở của y ấm áp phả vào tóc tôi, khiến tự trong sâu thẳm nơi cõi lòng tôi mông lung một chút dao động. Y nói tiếp: "Nàng thật sự không chê trẫm là cây không trái sao?"
Tôi nghiêm túc nói: "Văn nhân mạc khách chỉ yêu chuộng tùng bách ngay thẳng, nào ưa những thứ hoa cỏ rực rỡ nhưng khí tiết tầm thường."
Y càng lúc càng ôm tôi chặt hơn. Hương sen hồ Tịnh Tâm đã bay đến nơi nào xa biệt. Trong không khí chỉ còn man mát một mùi hương thanh tao của tầm hương ngự dụng. Trong phút tĩnh lặng đến tưởng chừng bánh xe tạo hoá như cũng ngừng luân chuyển, tôi cơ hồ nghe thấy tiếng con tim vang lên từng hồi, xao động. Là tiếng lòng ai? Của y, hay của tôi...?
Tôi loáng thoáng nhận ra giọng nói của y, dịu dàng và ấm áp: "Nhược Bích, trẫm thực sự rất thích gọi tên của nàng. Tên cũng như người, đều giống như ngọc bích vậy."
Tôi cười: "Bệ hạ sai rồi. Tên của thần thiếp là sao Bích trong thập nhị bát tú. Khi có mang thần thiếp, mẹ đã từng mơ thấy sao Bích hạ phàm, chui vào bụng mẹ."
Y càng nói càng cao hứng: "Thì ra là Bích tinh hạ phàm, chả trách lại tài giỏi đến như vậy". Y nắm tay tôi, trịnh trọng nói: "Nàng sinh ra đã là người tài hiếm có, trẫm tuân theo mệnh trời, giữ nàng lại trong cung. Từ này nàng sẽ được nhập giai, trở thành Cửu giai Tài nhân của trẫm một cách đường hoàng."
Tôi không biết phải nói gì với y, liền thoát khỏi vòng tay y, quỳ xuống hành lễ: "Thần thiếp Nguyễn Nhược Bích, khấu tạ thánh ân."
...
Năm ấy không chỉ riêng tôi được tấn phong. Cần Tần Vũ thị được thăng làm Cần Phi, Cung Tần Nguyễn thị cũng được thăng làm Chiêu Phi, cả hai vị lệnh bà cùng dọn về ở tại Trinh Minh điện, biệt điện dành cho phi tử. Trong số ba đoá mẫu đơn chốn hậu cung, chỉ có Học Tần là không được tấn phong. Tôi trộm nghĩ, lẽ nào Tự Đức đã biết được sự ngang ngược hống hách của nàng ta, nên mới không ban cho nàng ta ân điển?
Nhưng tất cả chỉ là suy đoán của riêng tôi, còn ý tứ của y thế nào, tôi thật sự không biết. Lòng người thâm sâu, đế vương lại là rồng trong vạn người, ý tứ tất nhiên khó dò. Nếu hiểu được lòng quân vương dễ dàng như bao người tưởng tượng, vì lẽ nào từ cổ chí kim, biết bao phi tần và quan lại đã dùng trăm phương ngàn kế hòng chiếm chút long ân nhỏ nhoi? Huống chi tôi chỉ là một Tài nhân nhỏ bé. Nhập giai thì đã sao, chưa nhập giai thì đã sao? Tôi cơ bản vẫn không thể thấu hiểu được tâm ý của y, bởi lẽ, tôi không có lực cũng chẳng có tâm. Bên cạnh y, tôi chỉ tuân đúng bổn phận của một cung tần, hoặc làm đúng vai trò của người bạn văn chương, ngoài ra, tôi không muốn đặt chút tâm ý nào lên y cả.
Nếu tôi quan tâm đến y quá nhiều, tôi sợ, sợ sẽ không thể sống thiếu y...!
Sống trong tam cung lục viện, từ nơi cao quý như cung Khôn Thái cho đến nơi tầm thường như viện Đoan Trang, có ai hết lòng hết dạ vì quân vương mà được yên ổn một đời chứ? Học Tần vì tranh sủng mà toan toan tính tính, lòng dạ trở nên thâm sâu khó lường. Chiêu Phi đoan trang hiền thục, cũng hết lần này đến lần khác vì Tự Đức mà đàn hát, xướng ca. Nữ nhân đáng thương nhất của hậu cung cũng chính là người có phân vị cao nhất, Cần Phi. Ai nói làm chủ Trinh Minh điện là được sủng ái hết mực? Ai nói thân đứng đầu chúng phi thì tất được Tự Đức trân quý, yêu thương? Với Cần Phi mà nói, có lẽ ngoài chữ "nghĩa" ra, nàng và y chẳng có gì khác. Ngay cả đương kim Thái hậu, năm xưa từ ngôi Tần leo đến ngôi Hoàng quý phi, chắc gì đã yên lòng trong những đêm không được sủng hạnh?
Vậy nên, ngay từ đầu đừng xem y là cuộc đời mình, đừng vì y mà tranh đấu mới là sáng suốt nhất. Những tháng ngày này, tôi có tranh sủng cũng chẳng phải vì bản thân,lại càng không phải vì yêu thích y, mà là vì gia đình tôi. Với tôi, những con người đang sống ở phủ nhà tại Ninh Thuận xa xôi mới là điều quan trọng nhất trên thế gian này.
Ngày tháng chốn hậu cung lại cứ trôi qua nhứ thế, lúc thì giông tố đầy trời, lúc thì sóng yên gió lặng. Muôn hồng nghìn tía nơi này vẫn cứ đua nhau khoe sắc, làm vừa lòng đẹp ý quân vương. Tôi ban đầu chút ngạc nhiên. Khi tiên đế Thiệu Trị còn tại thế, đối với phi tần, việc hạ sinh long duệ, khai chi tán diệp cho hoàng gia Nguyễn Phúc thị mới là điều quan trọng. Đương kim hoàng đế vốn là cây không trái, sao nữ nhân nào cũng ra sức mà tranh giành sủng ái? Dần dần, tôi phát hiện ra: Mọi thứ thuộc về đế vương đều bị nữ tử tam cung lục viện tranh giành, chiếm đoạt. Dù cho đó chỉ là nụ cười, ánh mắt của vua, thậm chí là mùi trầm hương ngự dụng mong manh trong không khí, họ cũng sẽ vì đó mà tranh giành tới cùng và tự coi đó là tình ý quân vương giành riêng cho mình... Nữ nhân trong cung làm sao có thể sống thiếu sự tranh đoạt?
Từ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, tôi chẳng hề muốn sống một cuộc sống như vậy...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top