Phần Hạ
Khôn Thái cung vắng lặng như tờ. Thiếu đi sinh khí, toà lâu đài diễm lệ nhất nhì hoàng cung này giờ chỉ còn vẻ xác xơ tiêu điều của một kiếp hồng nhan tàn tạ. Trung Phi Vũ thị ngồi trên sạp gỗ, ánh mắt hướng về phía tôi nhưng tâm trí đã đến nơi nào xa ngái, để lại một gương mặt u buồn đến thất thần.
Tôi khuyên nhủ nàng ta: "Xin lệnh bà chớ giày vò bản thân mình như thế, thật sự không đáng chút nào".
Nàng ta cười cay đắng: "Kẻ phải nói câu "không đáng" là Tiệp dư mới phải. Tiệp dư không cần vì thương xót bản cung mà tự làm khổ mình. Xem Tiệp dư bây giờ kìa, có khác gì bản cung đâu?"
Nàng ta nắm tay tôi vỗ nhẹ. Hộ giáp mang trên ngón tay va vào nhau phát ra tiếng đinh đang. Tôi lẳng lạng ngắm chậu cây vàng quả ngọc chưng ở góc phòng. Ánh nắng mặt trời xuyên qua rèm của bằng sa mỏng, in bóng chậu cây vàng xuống sàn, một hình bóng mờ nhạt và yếu ớt.
Tôi cảm thán: "Thân là nữ nhân chốn hậu cung cũng giống như cây vàng kia vậy. Rực rỡ cách mấy, lộng lẫy cách mấy, nếu không được lòng người thưởng lãm thì cũng chỉ trở thành vật vô giá trị, xếp xó nơi góc tối."
Trung Phi thở dài một tiếng: "Tiệp dư tuy bị trách phạt nhưng dẫu sao cũng là hồng nhân trong mắt Bệ hạ, cớ gì lại thốt ra mấy lời thương cảm này?"
Lòng tôi trống trãi u tịch, bất giác vì câu hỏi của nàng ta mà xót xa. Tôi lặng lẽ cất lời: "Lệnh bà trước kia là Hoàng quý phi thân phận cao quý, nhưng kết cục chỉ nhận lạnh sự phế truất và ghẻ lạnh. Tần thiếp thân là cung tần hèn mọn, càng thêm phần âu lo cho phận mình".
Ánh mắt nàng ta bỗng đỏ hoe. Nơi khoé mi có cái gì đó lấp lánh chực trào. Nước mắt. Nhưng nàng ta đã nhanh chóng dùng khăn lụa lau những giọt ưu tư cay đắng ấy đi, gượng cười với tôi: "Bệ hạ trước giờ trước mặt tần phi đều khen ngợi Tiệp dư thông mình có tài. Trong mắt Bệ hạ, tử đầu đến cuối chỉ có mỗi hình bóng của Tiệp dư mà thôi."
Tôi lắc đầu buồn bã. Nàng ta thấy thế liền ghé vào tai tôi nói nhỏ: "Lúc mới nhập cung, Tiệp dư từng bị Học Phi hiếp đáp đủ điều. Nhưng từ sau đó trở đi, mọi mưu tính của nàng ta nhắm vào Tiệp dư hầu hết đều thất bại, tất cả là do sự sắp đặt của Bệ hạ."
Dù có chút ngạc nhiên nhưng tôi vẫn giữ trên khuôn mặt mình nét lãnh đạm, bất cần. Điều ấy, nếu là trước đây tôi sẽ vô cùng cảm kích, nhưng trong giờ khắc này, đối với tôi chỉ là những câu chữ dư thừa vô vị.
Tôi nắm tay của Trung Phi thật chặt. Hai chúng tôi nhìn nhau, nở nụ cười gượng gạo nhưng có phần thấu hiểu và cảm thông. Tôi và nàng ta chung quy lại chỉ là hai trong số vô vàn kiếp hồng nhan đa truân ở chốn này...
...
Tôi cứ thế sống trong những tháng ngày tịch mịch, một mảnh tình riêng ta với ta. Tôi từng nghĩ rằng, bản thân sẽ không thể nào vượt qua được nỗi đau đã từng chịu đựng, thứ nỗi đau giày vò tâm can tôi khi niềm tin vào con người đó bỗng hoàn toàn sụp đổ rồi tan biến không lưu chút dấu vết, tựa hồ niềm tin ấy là chưa hề tồn tại.
Hụt hẫng. Chơi vơi. Đơn độc.
Những thứ mùi vị khó chịu của cuộc sống tôi đều nếm trải cả rồi. Nếm nhiều nên nhận ra rằng cuộc sống vốn dĩ rất chua cay và đắng chát, chứ chẳng hề ngọt ngào như người ta vẫn hay tưởng tượng và mơ mộng.
Tôi muốn thoát khỏi những mùi vị của thế thái nhân sinh. Tôi muốn bản thân được an nhiên mà sống tiếp nửa đời còn lại một cách âm thầm như chiếc bóng dưới ngọn nến lập loè. Tôi tìm đến kinh văn và Phật pháp, ngày đêm hầu hạ Thái hậu tụng niệm, chép kinh cầu phúc.
Thái hậu từ lâu đã xem tôi như tâm phúc, rất yêu thương và quan tâm tôi. Mỗi lần hầu hạ bên bà, bà chỉ nhìn tôi rồi lắc đầu, ánh mắt mười phần thương cảm: "Đi qua nửa đời người đầy phong quang, đến cuối cùng lại phải cùng già này tụng kinh niệm Phật."
Tôi không đáp lời, chỉ mỉm cười với Thái hậu. Vả chăng, cuộc sống tịnh tu này đối với tôi cũng là phúc, tôi chẳng cần phải giáp mặt y nữa. Không giáp mặt thì không phải suy nghĩ nhiều, tôi hoàn toàn ung dung, tự do tự tại.
Tôi đã nhiều lần thắc mắc, sự tự do này rốt cuộc sẽ kéo dài đến bao lâu? Không ai hay biết câu trả lời, chỉ có thời gian là thầm hứa sẽ dần dần giải đáp mọi thắc mắc của nhân gian.
...
Tôi biết sinh-lão-bệnh-tử vốn là nấc thang cuộc đời của mỗi con người, không ai có thể né tránh. Chỉ là, tôi không ngờ cái kết của cuộc đời y lại đến quá nhanh như vậy.
Năm Tự Đức ba mươi sáu, Tự Đức đau ốm triên miên, bệnh mãi không khỏi. Từ mấy tháng trước y đã tuyên chỉ sắc phong dưỡng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân làm trữ quân, kế thừa giang sơn xã tắc.
Tôi vẫn còn nhớ ngày hôm đó, kinh đô đang vào mùa mưa bão. Dòng Hương Giang hiền hoà bị vô số mưa giông càn quét, không gian tịch mịch hai bên bờ thêm phần xác xơ, tiều tuỵ. Kinh thành Huế trầm mạc trong mưa gió như thể vận nước đã tới hồi bĩ cực. Tôi đang ngồi chép kinh Phật trong Thuân Huy viện. Ngoài sân, mưa rào xối xả như rút nước. Đền đài cung điện bị một màn trắng xoá che phủ, trở nên mông lung đến lạ thường.
Có tiếng gõ cửa, theo sau đó là giọng cung như nói như gào thét, như thi gan cùng tiếng mưa ào ạt đén long trời lở đất: "Tiệp dư! Bệ hạ không hay rồi!"
Bàn tay tôi bất giác vô lực. Cây bút trên tay rơi xuống, mực đen bắn lên trang giấy trắng tạo thành những đốm bi thương. Tôi cơ hồ nói không nên lời, vội vã gạt hết mọi thứ sang một bên, định xông thẳng ra ngoài trời đang mưa giông vần vũ. Nhưng, câu nói ngày nào của y khiên tôi chùn bước.
Không có lệnh thì không được gặp!
Lòng tôi bất ngờ trào dâng một sự tàn nhẫn. Bấy lâu nay, cái tâm tàn nhẫn này ẩn nấp đâu đó trong con tim tôi. Giờ đây, khi đứng trước giờ khắc sinh ly tử biệt, nó lại xuất hiện, khơi dậy trong tôi bao nỗi hơn giận, căm ghét. Y đã không muốn gặp, cớ sao tôi phải đi?
Ngoài trời vẫn mưa không ngớt...
Một viên thái giám xuất hiện, dập đầu thưa: "Kính mong Tiệp dư mau lên kiệu loan di giá đến gặp mặt Bệ hạ lần cuối. Bệ hạ hết sức mong nhớ Tiệp dư!"
Hết sức mong nhớ...!
Trái tim tôi như vô số hạt nước từ trên cao rơi xuống ngoài kia, vụn vỡ, tan vào trong bức màn trắng mênh mông vây kín Tử Cấm Thành.
Tôi bỏ mặc tất cả, vùng dậy, chạy thật nhanh, lao thẳng ra màn mưa trắng xoá. Tiếng thái giám và cung nữ gọi tôi đến thất thanh bị nhấn chím trong âm thanh bi thương của đất trời, đến tai tôi nhưng chẳng đến được tim tôi. Tôi cứ thế chạy, chỉ biết nhắm thẳng về tẩm điện của y mà chạy. Sét rạch ngang bầu trời những đường ngoằn ngoèo giận dữ, hệt như ai đó dùng lưỡi kiếm đem vào con tim. Sấm rền vang như thay người gào thét, thương cho phận người, bi phẫn cho số kiếp.
Gặp được nhau là duyên số. Ở bên nhau là kiếp số. Tôi với y vừa có kiếp vừa có duyên, mà sao....?
Con tim tôi vỡ oà những dòng cảm xúc khó tả khi thấy mái ngói Càn Thanh cung ẩn hiện sau ngàn vạn những giọt mưa tung toé. Chân tôi rã rời, cả người không chút sức lực. Áo lụa tím thêu hoa bị mưa làm ướt sũng. Khăn vành đội cùng trâm cài tóc đánh rơi đâu mất, mái tóc tôi xoã dài, khiến thần sắc càng thêm nét bi ai, thêm phần tiểu tuỵ.
Tôi lê bước đến thềm tẩm điện của y.
Một bước...
Tôi nhập cung được bốn năm, cha tôi đã mất. Tôi khóc thương cha đến cạn nước mắt. Là y đã dùng vạt hoàng bào lau nước mắt cho tôi. Ôm tôi rất lâu, rất lâu...
Hai bước...
Thức ăn của tôi bị người ta lén giở trò, y âm thầm điều tra biết được là người của Học Phi gây ra. Y bày mưu tính kế cho Thiện Phi giăng bẫy thủ hạ của Học Tần. Y giết gà doạ khỉ, răn đe vị phi tần kiêu ngạo.
Ba bước...
Y bình phẩm thi thơ cùng tôi. Trong lúc cao hứng, y nói sẽ đưa tôi đến Khiêm Cung, chỉ mình tôi mà thôi.
Bốn bước...
Y nói rằng muốn lập tôi làm phi. Y tin yêu tôi, vậy mà tôi nỡ từ chối...
Năm bước...
Y giao Ưng Kỷ cho tôi nuôi dạy. Y nói muốn có con với tôi, muốn tôi xem Ưng Kỷ là con của tôi và y...
Mỗi bước đi là mỗi lần động lòng, là mỗi lần trái tim rung động. Thì ra, thẳm sâu trong tâm thức, sâu hơn cả bao mưu kế tâm cơ, sâu hơn cả oán thù tàn nhẫn, vẫn tồn tại những tình cảm tốt đẹp về y, những khoảnh khắc tưởng một thời tưởng như bình thường mà giờ đây đã thành kỷ niệm quý giá.
Nếu y khoẻ lại và muốn tôi làm phi tử đường đường chính chính của y, tôi sẽ nói...
...
Cánh cửa chính điện mở ra. Trung Phi Vũ thị dường như người mất hồn, hớt hãi chạy ra, ánh mắt hoang mang tột độ. Trong tay nàng ta cầm theo một túi gấm nhỏ màu đỏ tươi. Gấm đỏ giữa màng mưa trông nổi bật hệt như hàn mai ngạo tuyết. Hoa mai. Lần đầu tiên tôi gặp y, bài thơ tôi làm chính là Vịnh hoa mai! Trung Phi ngã quỵ xuống thềm điện, hét to như thể muốn xua tan bao nỗi ưu tư trong cõi lòng. Nhưng nàng ta có ngờ đâu, tiếng hét ai oan ấy lại làm cả hoàng cung trở nên âm u hơn bao giờ hết.
"Bệ hạ băng hà! Bệ hạ băng hà!"
...
"Nhược Bích nguyện ý".
Lời cuối cùng này, tôi chẳng thể nói cho y nghe nữa rồi...!
...
Màu trắng khăn tang phủ khắp nội cung. Quốc gia có đại tang, cả nước ai nấy đều biết. Mỗi lần sắc trắng xuất hiện trong Tử Cấm Thành đều báo hiệu sắc đỏ sắp đến. màu đỏ là màu hỷ sự, tân đế đăng cơ, có việc vui nào bằng! Nhưng những năm ấy, và có lẽ về sau này vẫn như vậy, sắc đỏ trở thành màu của máu, màu của binh biến và loạn lạc.
Ưng Chân kế thừa đế vị. Phi tần của Tự Đức đều trở thành Thái phi, Thái tần, dọn đến Diên Thọ cung. Từ Dụ Hoàng thái hậu được tôn phong làm Từ Dụ Thái hoàng thái hậu. Trung Phi Vũ thị, dưỡng mẫu của tân đế được tôn phong Trang Ý Hoàng thái hậu. Hai vị lệnh bà được xưng tụng với mỹ danh "Lưỡng tôn cung."
Thế nhưng, thế sự đổi thay nào có ai ngờ. Bấy giờ trong triều, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nắm quyền phụ chính. Bọn họ dâng sớ lên Lưỡng tôn cung buộc tôi Ưng Chân sửa đổi di chiếu, bất tuân tang chế, xa hoa truỵ lạc, hòng ép Lưỡng tôn cung phế Ưng Chân.
Trang Ý lại một lần nữa trắng tay, đành đưa mắt nhìn đứa con mình nuôi dưỡng bao năm bị buộc phải rời bỏ ngai vàng. Ưng Chân bị truất ngôi giam vào ngục chỉ sau khi đăng cơ ba ngày.
Triều đình bàn bạc, tiếp tục chon ra trữ quân mới. Học Phi Nguyễn thị cấu kết triều thần, truất tân đế Hiệp Hoà, lập con nuôi của mình lên làm vua, lấy hiệu là Kiến Phúc. Nhưng vận số của Kiến Phúc chẳng mấy thâm dày, lên ngôi tám tháng đã băng hà, lúc ấy chỉ mới mười sáu tuổi. Học Phi chỉ biết khóc hận cho số mệnh của mình. Toan toan tính tính cả một đời, rốt cuộc lại nhận lấy kết quả quá đỗi tàn nhẫn, tàn nhẫn như chính những tâm cơ mà nàng ta đã ôm trong lòng bao nhiêu năm qua vậy.
Tứ nguyệt tam vương (*), nước nhà nguy biến. Triều thần làm loạn, Pháp quốc xâm lăng. Vận nước đã suy vong, làm gì có ai tránh khỏi? Rồi cũng đến lúc Ưng Kỷ của tôi lên ngôi vua, lấy hiệu Đồng Khánh. Đồng Khánh vốn thông minh, từ nhỏ đã theo tôi học chữ, nên cũng tài hoa chẳng kém gì Tiên hoàng Tự Đức. Đồng Khánh và Tự Đức tuy là cha con nuôi nhưng lại hết sức giống nhau, nhất là yếu điểm lòng dạ quá yếu mềm. Đồng Khánh sáng suốt hơn Phụ hoàng của mình ở chỗ nhận ra được rằng mình không thích hợp để làm vua.
*Bốn tháng có ba vị vua bị phế truất: Dục Đức, Hiệp Hoà và Kiến Phúc.
Năm ấy, dưỡng tử của tôi tuần du ra Bắc Hà khuyên người anh em ruột của nó là Phế đế Hàm Nghi hồi kinh. Không may thay, sức khoẻ của Đồng Khánh vốn yếu, đang đi tàu đến Quảng Bình thì phát bệnh. Về kinh, ngự y chạy chữa cũng không sao khỏi được. Cuối năm ấy, Đồng Khánh băng hà. Trước khi theo Phụ hoàng về với tiên tổ gia tộc Nguyễn Phúc, Đồng Khánh nắm lấy tay tôi, thều thào nói: "Tiệp dư phu tử. Ưng Kỷ bất tài, đã phụ tấm lòng của Phu tử và Mẫu phi..."
Tôi và Thiện Thái phi ôm nhau khóc hết nước mắt. Nỗi đau đớn theo dòng lệ nóng hổi chảy ngược vào tim.
Nước mất nhà tan. Đứa con nuôi và cũng là người học trò yêu quý đã bỏ tôi mà đi, tôi không biết cuộc đời mình còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng tôi không muốn kết thúc cuộc đời của mình một cách đầy đau thương và tuyệt vọng. Tôi phải sống tiếp tục để chứng kiến cảnh nước non sạch bóng quân thù, để lưu giữ trong tim những ký ức đẹp nhất về một thời đã qua. Trong những dòng hồi tưởng, sẽ có tôi của ngày xưa, có Ưng Kỷ yêu quý, và có cả y, người tri âm của tôi nữa.
Còn nhớ những năm Nội cung bạo loạn, Tôn Thất Thuyết phò Hàm Nghi chạy lên Quảng Trị. Tôi cùng Thiện Thái phi và Lưỡng tôn cung cũng được hộ giá đến Quảng Trị. Nhưng binh đao biến động khôn lường, chúng tôi chẳng đến được Quảng Trị, đành quay về kinh đô. Suốt chặng đường ấy, tôi đã hai lần đến Khiêm Cung.
Khiêm Cung bây giờ đã là Khiêm Lăng rồi, chính là nơi an nghỉ của y, Tự Đức. Tôi chưa từng cùng y đến đây lần nào, nhưng mỗi cảnh vật nơi đây với tôi dường như rất quen thuộc. Bởi lẽ, tôi tìm thấy ở nơi ấy có hơi thở của y, có chút hình bóng của y còn vương sót lại đâu đó, thật gần nhưng cũng thật xa. Nhiều năm trước, chính tại nơi đây, Trang Ý Hoàng thái hậu Vũ thị được tôn phong Khiêm Cung Hoàng hậu. Nơi này thật sự là nên thuộc về Trang Ý, người vợ hiền đã hết lòng vì y trong những năm y còn tại thế. Còn tôi chẳng dám mơ xa, xin được giữ lại những gì đẹp nhất của mình về y qua những áng thi ca, qua những dòng hồi ức...
...
Năm Thành Thái thứ tư, Từ Dũ Thái hoàng thái hậu triệu tôi đến tẩm cung của bà. Chúng phi của Tự Đức năm xưa hết thảy đều tề tựu đông đủ. Bao năm qua, kẻ thăng người giáng, ngươi sinh ta tử, chị em chung chồng năm ấy giờ còn lại có mấy ai!
Từ Dụ nhìn tôi, mỉm cười hiền hậu: "Bích Tiệp dư bao năm qua vì hoàng gia Nguyễn Phúc thị mà lao tam khổ tứ không ít. Hôm nay đã đến lúc tấm lòng trung trinh của con được đáp đền. Ta sẽ ban ý chỉ, tôn phong con làm Phi. Con thấy thế nào?"
Xung quanh tôi là tiếng chúc tụng rôm rả. Tôi cảm tạ mọi người xong, liền kính cẩn thưa với Từ Dụ: "Những chuyện Nhược Bích đã làm đều là bổn phận của tần phi với hoàng gia, sao Nhược Bích dám kể công. Huống chi Nhược Bích vô phúc lại bất tài, vốn là không có phúc ở ngôi Phi."
Trong lòng tôi thầm nghĩ, được phong Phi lúc này, chẳng qua danh phận hiện tại của tôi sẽ thành Thái phi, hoàn toàn không có gì tahy đổi. Nhưng cuộc đời của một phi tử kết thúc ngay khi quân vương băng hà. Tự Đức, y đã tạ thế nhiều năm, tôi còn mong danh phận này làm gì nữa. Quan trọng nhất là, tôi muôn giữ lời thề không làm Phi từng thốt với ý năm ấy. Giờ đây nhìn lại, lời thề ấy là sợi dây duy nhất còn tồn tại kết nối giữa tôi và y. Bằng mọi giá tôi phải gìn giữ mọi thứ thuộc về tôi và y, cho dù là những gì vụn vặt nhất.
Từ Dụ ôn tồn nói: "Nếu con một mực từ chối như vậy, ta cũng không muốn làm con khó xử. Nhưng mọi việc phải phân minh. Có tội phải phạt, có công thì nên thưởng. Vậy ta phong con lên làm Tam giai Tần vị. Con có bằng lòng không."
Tôi khấu đầu tạ ơn. Từ Dụ chưa dứt lời, vẫn ung dung nói tiếp: "Còn phong hiệu cho con thì..."
Khiêm Cung Hoàng hậu ngồi bên cạnh Thái hoàng thái hậu, bây giờ dâng cho bà một túi gấm màu đỏ. Tôi sửng sốt một phen, nhất thời không nói nên lời. Thì ra là chiêc túi gấm năm đó.
Từ Dụ trao chiếc túi cho tôi, không quên giải thích: "Năm xưa lúc Hồng Nhậm sắp lâm chung, rất muốn gặp con để trao cho con vật này.Chỉ tiếc là, nó không thể chờ con đến gặp nó lần cuối, đành nhờ Hoàng hậu cất giữ chiếc túi này giúp con, bảo khi nào tôn phong con làm Phi, thì hãy mở túi này ra..."
Bàn tay tôi run run. Dòng cảm xúc khiến tôi xao xuyến bồi hồi không sao tả xiết. Mở nút dây của tui gấm dương như cũng là cách tôi mở cánh cửa đưa mình về quá khứ, khoảng trời chỉ có tôi, y và văn chương.
Bên trong lớp vải gấm đỏ đã úa màu thời gian là một thẻ bài bằng bạc, bên trên khác một chữ triện lớn.
"Lễ."
Hoàng hậu mỉm cười với tôi: "Năm xưa Tiên đế vẫn thường khen Tiệp dư có tài văn thơ. Sách nói: Văn tịnh hữu lễ. Chữ Lễ quả thật làm người ta hình dung ra phong thái của bậc tài nữ tứ đức vẹn toàn".
Nàng ta thoáng xúc động, giọng nói trở nên tha thiếti: "Lễ Tần. Bản cung năm ấy đã bảo Tiên đế yêu thương cô nhất".
Lời nói ấy nhẹ nhàng nhưng lại khiến người ta rất đỗi xót xa...
*****
Có lẽ, tôi sẽ mãi sống với những kỷ niệm đẹp của cuộc đời mình, từ từ mà thưởng thức, mà nghiền ngẫm lại mọi dư vị của cuộc đời.
Năm tôi mười sáu tuổi, từng ước mình có được tình yêu của người thi sĩ tài hoa nhất thế gian, có lẽ ước nguyện từ lâu đã nên sự thật, chỉ là tôi không dám đối diện, không muốn nhìn ra mà thôi. Tôi cũng sẽ dùng quãng thời gian còn lại của đời mình để hồi tưởng mà viết một thiên "Hạnh thục ca", ghi lại những phần hạnh phúc và cả đau khổ mà tôi và nước nhà đã trải qua. Trong những lời thơ ấy, tôi sẽ sống lại một phần đời đã mất, tôi giúp y gánh vác trọng trách non sông, thay y lo nghĩ cho đại cuộc. Tôi chỉ dám thực hiện đại sự ấy trong thế giới riêng của mình. Nhưng tôi luôn có động lực để tiếp tục thực hiện, bởi vì tôi biết lúc y còn tại thế, đã chịu không biết bao nhiêu mưu tính tranh giành, không biết bao nhiêu áp lực từ tiền triều và hậu cung. Tôi cũng biết rằng, nếu tôi thật lòng chia sẻ gánh can trường này với y, ở nơi cửu tuyền xa xôi, y chắc chắn sẽ mỉm cười.
Tôi sẽ viết "Hạnh thục ca", cho đến cuối cuộc đời...
Tôi luôn mơ ước rằng, khi tôi dừng bút, tôi sẽ trở lại là tôi mười tám tuổi, tâm cao khí ngạo. Và tôi sẽ lại gặp y, vị quân vương trẻ tuổi nhưng rất đỗi tài hoa. Tôi và y sẽ sống trong một quãng trời mơ mộng, chỉ có chúng tôi và những áng thi thư bất hủ đến ngàn đời...
Nhưng, tiếng súng giặc Pháp đã nổ rung trời. Tử Cấm Thành, máu chảy nhuộm cả đền đài cung điện sắc đỏ bi ai đến ghê sợ. Đất nước còn chưa thoát khỏi gông xiềng giặc dữ, sao tôi dám về gặp y...?
HOÀN
Vậy là hoàn rồi **tung bông**
Cảm ơn bạn nhiều lắm vì đã xem đến những dòng cuối cùng này. Hãy cho mình biết cảm nhận của bạn nhé!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top