02. Chân lấm bùn
Nhà bác cả tôi ở giữa làng.
Xe khách chạy đến đầu làng thì dừng lại, tôi chẳng mang nhiều đồ về quê, chỉ có một cái túi nhỏ đựng bảy hay tám quyển sách và mấy bộ quần áo mùa hè. Vừa xuống khỏi xe, tôi đã nghe tiếng gọi:
"Uây! Anh Minh!"
Là tiếng của Chí Thành. Thành kém tôi hai tuổi mà cao hơn tôi nửa cái đầu, người cũng có da có thịt hơn tôi nhiều. Cạnh Chí Thành là Đông Hải, con trai bác cả, anh trai họ của tôi, nhưng mà hai đứa tôi bằng tuổi nhau.
Thật ra cũng đã lâu rồi tôi không về quê chơi một trận nào ra trò. Nhà bà nội tôi chẳng còn mấy người, chỉ còn nhà bác cả ở quê, bố tôi là anh thứ hai, sau bố còn hai người em gái, các cô đều lấy chồng xa, Tết đến chỉ về tảo mộ rồi ăn một bữa cơm tất niên, có những năm ngoài mồng Ba Tết mới về thăm nhà được. Gia đình tôi năm nào cũng như năm nào, về tảo mộ ông bà nội, ăn cùng nhà bác cả một bữa cơm rồi lại lên thành phố, ngoài Tết bố mẹ tôi có về nhà thì về, bố mẹ tôi cũng bận, thường không về được, cũng không đưa tôi về được. Hai năm cuối cấp tôi lo học, thành thử cũng không mặn mà chuyện về quê.
Tôi chạy đến chỗ anh họ, mỉm cười chào anh:
"Anh Hải!"
Hải nheo mắt nhìn tôi, nói giật cục:
"Anh cái gì mà anh, mày tao đi, trước mặt người lớn thì hẵng gọi anh."
Tôi cười:
"Ờ, thế chào mày. Khỏe không mày?"
Hải khoát tay, ba chúng tôi quay người đi trở về làng.
"Khỏe." Hải nhìn tôi đánh giá một hồi rồi dài giọng. "Eoooooo, mày gầy thế, tao xách mày bằng ngón tay út còn được."
Nó vừa nói vừa dứ cái ngón tay út ra trước mắt tôi trông rất ngứa đòn. Thực ra tôi biết bản thân mình gầy gò thật, thi xong, không còn lo nghĩ gì nữa, tôi cũng tự nhìn mình trong gương mà đâm lo lắng, giờ về đây, nhìn thấy cả Thành lẫn Hải đều to đều khỏe, tôi lại thấy xấu hổ. Tự dặn phải ăn thật nhiều, tôi im im giấu hai cánh tay ra sau lưng, vừa đi vừa ngắm làng mình.
Làng tôi khá to, đường vào làng ngày trước là đường đất mấp mô ổ gà ổ chó, giờ trở thành đường bê tông láng mịn, hai cái ô tô con chạy thoải mái. Chúng tôi đi bộ qua một cánh đồng dài tít tắp tầm đâu một cây số, đương mùa lúa, lúa lớn vươn lên xanh rì mướt mát. Hải nhễ nhại mồ hôi hỏi tôi:
"Nóng không? Tao bảo tao đạp xe chở thì mày không nghe."
Tôi lắc đầu:
"Nóng tí cũng được, ngắm làng tí."
Thành nói làng thì có gì mà ngắm, em muốn ngắm thành phố anh ở hơn, chắc trên đấy đông vui lắm. Lạ thật, tôi chán ở thành phố để về đây chơi, anh em tôi lại nói muốn lên phố xem tôi sống thế nào. Giờ nhắc đến chữ "phố" là tôi đã thấy mệt.
Đi hết đoạn ruộng là mấy mảnh rau muống nước, qua mảnh ruộng rau muống là một lũy tre xanh rì nằm cạnh một cái ao nước con con. Tôi bước đi trên con đường làng quen thuộc, làng tôi thả trâu ngoài cánh đồng cỏ kề bãi tha ma, qua mấy tiệm tạp hóa, mấy cô đều cười:
"À, thằng cu Minh đây mà, lâu rồi mới về nhỉ?"
"Thằng này sao gầy thế? Trên đó học mệt hả? Nhìn cặp kính kìa."
Tôi chỉ mỉm cười cho qua rồi vác cái túi hành lý nhẹ hều đi lòng vòng trong con ngõ quen để về được đến nhà.
Về đến nhà, Hải dẫn tôi đi rửa mặt mũi rồi nói hai bác đã đi làm, tầm 5 giờ chiều mới về. Hai bác tôi làm cán bộ ở xã, giờ giấc sinh hoạt vốn rất quy củ, 5 giờ chiều về thì 6 giờ sẽ ăn cơm, ăn cơm xong tụi thằng Hải sẽ phải đi học bài, học bài xong thì đi tắm rửa rồi 9 rưỡi tối lên giường đi ngủ. Thằng Hải bảo chả hiểu sao nó sắp lên cấp ba rồi mà vẫn phải đi ngủ sớm. Tôi thích quê tôi, ngoại trừ việc chúng tôi sẽ phải ngủ sớm và dậy sớm.
Tôi thắp hương cho ông bà nội xong thì ra mảnh vườn có cây ăn quả của gia đình để ngắm nghía. Mấy cây xoài cóc ổi xanh rì tươi mát, đương mùa quả sai cành, ngắm da xoài da cóc da ổi căng mịn, tôi tự nhiên nuốt nước bọt. Trong vườn có một cây xoài chua và một cây khế, nhưng tôi không nhớ chúng nằm chỗ nào. Hải tìm thấy tôi ngoài vườn thì gọi tôi vào nhà uống nước mía nó mới chạy đi mua.
"Lâu lắm mày mới về, Thành đãi nước mía này."
Tôi đu đưa trên cái võng mắc giữa hai cột nhà ở ngoài hiên, hút rồn rột một túi nước mía xanh rì thơm mùi quất.
"Ngọt thế!"
Thành cười hì hì:
"Quán này ở giữa làng, chỉ có quán nước mía này bán vừa ngon vừa rẻ, anh muốn uống tiếp thì em dẫn anh ra mua."
Tôi gật gù. Một cơn gió thổi từ ngoài vườn vào mát rượi, nước mía lạnh làm cả người tôi cũng lạnh, dễ chịu kinh lên được. Tôi nằm ra võng, một chân thòng xuống đất để đung đưa.
"Đu vừa thôi nha cu, tí chóng mặt chết mày."
"Òoooooooo."
-
Chúng tôi qua nhà Chí Thành ăn trưa rồi kéo nhau về nhà ngủ. Bình thường tôi ít khi ngủ trưa, nhưng cơ thể suy nhược, tôi lại phải ngồi xe khách chật chội cả buổi trời nên cảm thấy mệt. Trời nóng quá, chúng tôi hò nhau đi tắm rồi trải chiếu cói nằm ngay xuống đất. Hồi này nhà nào có điều kiện thì mới lắp điều hòa, nhà bác cả tôi chưa lắp, Hải bảo lí do là gì đấy mà tôi không nghe được hết. Cái quạt nhỏ quay đều trong góc êm hơn quạt ở tiệm may của mẹ tôi, tôi nhìn cái quạt quay qua quay lại được hai vòng thì mắt díp lại rồi ngủ mất, Hải với Thành vẫn đang nói chuyện gì đó mà tôi nghe không hiểu lắm, hoặc tôi nghe hiểu nhưng cơn buồn ngủ của tôi không hiểu. Trong cơn mơ, tôi vẫn còn mơ thấy quyển sách hóa và mấy món cá hồi, may mà nhà thằng Thành không đãi tôi món cá hay miếng bí đỏ nào.
Tôi về nhà bảy ngày thì đủ bảy ngày tôi đu đưa trên cái võng đọc xong ba quyển sách. Còn cả tháng nữa chúng tôi mới biết kết quả thi, tôi quyết định tạm gạt những Hóa, những Toán, những Sinh ra khỏi đầu, không làm côn trùng bay lượn quanh ánh sáng của tri thức nữa mà quyết định quấn kén rồi nằm yên. Tôi cảm thấy biết ơn Hải vì nó không bắt tôi đi chơi, mặc dầu nó và Chí Thành lượn lờ suốt ngày, đến nỗi da hai đứa đã biến thành một màu bánh mật khỏe khoắn đẹp mắt.
Đến một ngày, tôi chả biết hôm ấy là ngày bao nhiêu nữa, ở nhà lâu quá tôi đâm quên mất ngày tháng năm, chỉ biết mặt trời mọc thì dậy, đứng bóng thì ăn cơm trưa, lặn dần thì dọn dẹp nấu nướng, tối hẳn thì chuẩn bị đi ngủ. Cuộc sống đơn giản lặp lại nhưng tôi không thấy tẻ nhạt. À, rồi đến một ngày, Hải cầm một đầu võng của tôi lung lay làm tôi chòng chành.
Nó nói :
"Đi hái xoài cả tao đi?"
"Không, tha tao." Tôi đáp theo thói quen, rồi chợt nhớ ra, tôi thả quyển sách xuống, ngước lên hỏi, "Có xoài chua không?"
Hải nó bảo có rất to và dõng dạc.
Tôi phát hiện ra thằng anh họ của tôi nói điêu không chớp mắt. Nó đem cây gậy dài hai mét ra đến ngoài vườn, chọc một quả ổi xuống lau vào áo rồi đưa tôi:
"Ổi ngọt, ăn đi, xoài chua với khế chua không có đâu. Cây khế bị sâu thân nên bố tao chặt năm ngoái, cây xoài cũng thế, nhưng mà nó chết hồi cách đây ba năm."
Tôi cạp quả ổi như cạp đầu Hải đến nơi. Hải vỗ vai tôi khi thấy tôi lườm nó bỏng cả mắt:
"Đi, ai bảo cả cái làng này có mỗi nhà tao có xoài? Sang xóm bên, tao hái cho mày cả thúng."
Tôi ngờ vực nhưng vẫn đi theo nó. Thằng Hải rủ tôi đi khi hai đứa vừa ăn cơm trưa xong. Chí Thành độ này bắt đầu phải đi học thêm Hóa, mẹ nó bắt nó học trước để vào năm khỏi bỡ ngỡ nên nó ít đi chơi với Hải hẳn, chắc Hải chán quá nên mới rủ tôi đi.
Chúng tôi cuốc bộ ngược về hướng đầu làng.
Mùa này thi thoảng mới có gió, ngước mắt lên trời chỉ nhìn thấy trời xanh trong vắt không một gợn mây, mặt trời bên mé lúc nào cũng tỏa ra một thứ ánh sáng thiêu đốt người ta muốn bỏng rẫy. Chúng tôi đi một đoạn thì Hải phấn khích kêu to:
"Thế Nam, Thế Nam, nay đi mót cái gì đấy?"
Cái người tên Thế Nam trả lời, tay giơ cao cái giỏ tre:
"Cua đồng, nhiều nhá, một chốc tao đem sang nhà cho."
Hải cười khì khì cảm ơn, rồi người tên Thế Nam kia đánh mắt nhìn thẳng vào tôi tầm đâu đó vài giây, sau đó lại quay đầu đi thẳng.
Cho đến khi Nam đã đi qua chúng tôi rồi, tôi vẫn còn quay lại nhìn cậu. Quần đùi áo cộc tay, dù đã mặc quần đùi nhưng ống quần vẫn xắn lên vài nấc, bên cao bên thấp, da màu mật bóng nhẫy, chân đi dép lào, ống chân vẫn còn bùn chưa rửa sạch, một bên tay cầm cái móc sắt, tay còn lại thủng thẳng cầm giỏ tre, tóc cắt ngắn gọn gàng, quần áo lội ruộng nhưng không bẩn, còn gương mặt thì tôi không nhìn rõ, nhưng tôi nghĩ rằng đẹp trai. Nam cao và dáng hơi gầy nhưng khỏe khoắn, không giống như tôi.
Hải vỗ vào vai tôi:
"Đấy là Lê Thế Nam, con nhà người ta của vùng này đấy, cái gì cũng biết, từ việc nhà đến việc đồng áng, mấy cái chuyện sửa chữa lặt vặt nó làm cũng ngon ơ, học ở trên lớp thì tuyền đứng hạng nhất."
Tôi ồ à mấy tiếng phụ họa, Hải dẫn tôi vào một đoạn ngõ rồi chỉ:
"Kìa, xoài có muỗm, cái gì chua cũng có, thích ăn gì không tao hái cho."
Tự nhiên nghĩ đến giỏ cua đồng ban nãy, tôi lại chẳng còn hứng thú gì với chuyện chọc xoài, nhưng tôi cũng không thể làm cụt hứng Hải. Xoa cằm một lát, tôi dựng ngón trỏ lên trời:
"Có bao nhiêu quả thì mình hái bấy nhiêu."
Thằng Hải bật cười khanh khách:
"Nhà có chó nha, hai con luôn đấy, đỏ thì hai con đều bị xích," Hải vừa nói vừa ngó vào cổng nhà người ta, "còn đen thì... Đấy đấy đấy bỏ mẹ rồi chạy chạy chạy chạy..."
Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã thấy thằng Hải chạy tóe khói, sau bốn tiếng "chạy" của nó là một loạt những tiếng chó sủa um trời. Giữa trưa yên tĩnh, tiếng hai thằng trẻ con vừa chạy vừa gào hòa vào tiếng hai con chó kêu vang một góc làng.
-
Mọi người nghỉ lễ vui vẻ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top