Rơi khỏi quỹ đạo

Disclaimer: Tác giả không sở hữu nhân vật trong tác phẩm, toàn bộ tình tiết đều là hư cấu.

----------

Nam nhắm mắt, cảm nhận từng cơn gió mát lạnh từ biển thổi vào. Sau cả tuần trời nhốt mình trong phòng thu để làm cho xong những dự án nhạc quảng cáo, chàng ca nhạc sĩ Bùi Công Nam đã không chịu nổi áp lực mà tắt nguồn điện thoại, trong đêm khuya phi xe máy đi thẳng tới Vũng Tàu. Khi anh đến nơi, mặt trời cũng vừa lên.

Nam yêu âm nhạc, nhưng giờ phút này, anh xin phép gác lại tất cả mọi thứ để tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc hiếm hoi được đắm chìm cả tâm hồn và thể xác mình với thiên nhiên.

"Anh gì ơi, ăn khô mực không?"

Một giọng nói cắt ngang Nam. Là một chàng trai đang gánh một gánh toàn những loại khô ở một bên giỏ, giỏ còn lại đựng bếp than đang đỏ hồng. Thôi kệ, làm vài con cho ấm bụng, Nam nghĩ, và chọn vài con khô từ gánh của chàng trai.

Đứng mãi cũng chán, thế là Nam ngồi xổm xuống xem nướng khô. Trời vẫn chưa sáng hẳn. Ánh sáng le lói phát ra từ bếp lò hắt lên mặt cậu trai như khắc rõ từng nét gương mặt vừa dịu dàng mà lại có chút gì đó khắc khổ của dân miền biển bươn chải. Nhìn thấy cảnh ấy, Nam thấy ấm cả trên mặt lẫn trong tim, một hơi ấm khiến anh muốn mở lòng với con người nhiều hơn.

"Em tên gì?"

"Em tên Khánh. Anh tên gì?"

"Anh tên Nam."

Nam vừa giới thiệu tên với Khánh xong thì khô cũng chín. Khánh lục tìm trong gánh hàng mấy tờ giấy gói hết số khô Nam đã mua lại, bỏ vào bọc đưa cho Nam.

"Giờ em đi đâu?"

"Ra bãi bán khô chứ đi đâu anh?"

"Nhìn vậy chứ đi bộ ra cũng mệt á. Lên xe anh chở nè."

Nam hỏi lơ vậy thôi, thế mà Khánh ngồi lên thật. Lỡ rủ rồi, Nam cũng không còn cách nào khác là chở Khánh đến bờ biển.

Để Khánh xuống xong, Nam lái xe một vòng, rồi lại vòng lại chỗ Khánh với một ly cà phê trên tay. Vì quyết định đi biển đột ngột quá, Nam không biết làm gì tiếp lúc này. Anh cũng không muốn thuê khách sạn vì đã quá ngán cái cảnh ở trong bốn bức tường, anh cần hít thở không khí bên ngoài nhiều hơn. Thôi thì, ngồi quan sát cuộc sống miền biển cũng là một ý hay.

Trái với những gánh khác, gánh của Khánh khá đắt hàng. Chắc là do cậu sở hữu gương mặt khá thuận mắt nhìn, lại thêm thái độ phục vụ khá là thân thiện và niềm nở. Trong vô thức, Nam lấy điện thoại ra, hướng về phía Khánh bấm một cái tách.

Khánh có liếc nhìn Nam một cái đầy ẩn ý, nhưng vì khách đến đông quá, cậu lại tiếp tục loay hoay bán khô. Nam nhìn một hồi, thấy chán quán nên lại xách xe máy chạy khắp các cung đường ở Vũng Tàu. Đến chiều tối, Nam lại quay lại bãi biển. Anh đậu xe ở một chỗ vắng người qua lại, định bụng sẽ ngủ ở đây luôn tới sáng rồi về.

Anh lại gặp Khánh, với gánh khô đã vơi khá nhiều, đang đi tới chỗ anh.

"Ở đây có ma nào mua đâu mà em gánh lại đây chi?" – Nam ghẹo.

"Thì em có tính bán nữa đâu, em lại ngồi với anh cho đỡ buồn nè, chàng trai đi bụi cô đơn."

Khánh hạ gánh khô xuống, rồi phóng lên bờ kè ngồi cùng Nam. Lạ thay, một người rất ghét gần người lạ như Nam lại không hề thấy vấn đề gì với việc Khánh đột nhiên phóng lên như vậy. Thậm chí, Nam còn nửa đùa nửa thật bảo Khánh ngồi gần lại cho thân thiết. Dĩ nhiên Khánh sát lại thật, đến mức khoảng cách giữa cả hai chỉ còn bằng một bàn tay.

"Mà sao anh đi bụi vậy?"

"Anh trốn việc."

"Anh làm nghề gì mà muốn trốn là trốn vậy?"

"Anh làm ca nhạc sĩ."

"Ồ."

Lần đầu tiên sau mấy tháng trời làm việc quên trời trăng, Nam được thoải mái nói hết ra những bức xúc của mình trong công việc mà không phải nể nang nín nhịn ai. Khánh cũng kể cho anh nhiều điều về những vị khách ghé qua gánh khô của cậu mỗi ngày, già trẻ lớn bé đều có, dễ thương cũng có, đáng ghét cũng có. Nam còn bị bật cười bởi những lần cậu bật lại khách, cậu diễn tả lại y hệt như trước mặt cậu đang là vị khách đáng ghét đó vậy. Nếu Khánh là ai khác thì Nam hẳn sẽ thấy Khánh làm vậy là khó ưa lắm. Nhưng bởi vì là Khánh làm, dù có đanh đá đến mức nào thì Nam vẫn thấy dễ thương.

Cả hai mãi đắm chìm vào câu chuyện của nhau, mà không nhận ra hai bàn tay đã đan vào nhau tự lúc nào.

Đến khi cả hai nhận ra, công tắc ngưng đọng thời gian cũng được kích hoạt. Không, đúng hơn là họ không còn cảm nhận được gì cả ngoại trừ ánh mắt nhau. Tiếng sóng vỗ, tiếng những chiếc xe du lịch vụt ngang qua, tiếng nhóm khách nhậu nhẹt hát karaoke gần đó, tất cả những âm thanh lớn nhỏ đều bị tiếng tim đập liên hồi át đi mất.

Từ thị giác, rồi thính giác, rồi khứu giác, xúc giác, tất cả các giác quan của họ đều bị lấp đầy bởi điều của người còn lại.

-----

Sáng. Không gian tĩnh lặng của màn đêm đã dần được thay thế bởi tiếng ồn của những phiên chợ sớm và tiếng những người khách du lịch ghé đến. Mặt trời cũng lên theo từng chuyến chở hàng ngược xuôi của những chiếc xe tải.

Khánh tựa đầu lên vai Nam, khoác bên mình chiếc áo khoác da của anh. Chuyện bươn chải mưu sinh khiến cả anh lẫn cậu đều ý thức được rằng mình không thể thế này mãi, nhưng vẫn muốn níu kéo thêm ít giây phút ngắn ngủi còn lại.

"Thôi, anh về đây. Em cho anh số đi. Khi nào anh đi bụi lại gọi em."

Khánh cười khúc khích, đọc ra một con số. Hai người ôm nhau lần cuối trước khi Nam về. Mặc dù Khánh đã ngỏ ý trả lại áo khoác vì sợ Nam đi đường bị lạnh, Nam vẫn sĩ bảo Khánh cứ giữ đi, lần sau anh ra thì trả cũng được.

Về lại thành phố, Nam lại bị chôn vùi bởi những đơn hàng nhạc quảng cáo đến liên tục. Khánh có nhắn cho anh vài tin kể từ lúc đó, nhưng tốc độ trả lời của anh rất chậm, từ 1 ngày, thành 1 tuần, rồi 1 tháng. Cứ thế ba tháng.

Lúc này Nam mới giãn giãn đơn hàng ra được một chút. Điều đầu tiên anh làm là kiểm tra tin nhắn. Trong hàng đống tin nhắn từ khách hàng, ê-kíp và trợ lý, anh tìm ra được tin nhắn cuối cùng Khánh nhắn cho anh là đã từ một tháng trước. Anh gọi, nhưng không có ai bắt máy.

Có linh cảm không lành, Nam lại như lần trước, trong đêm phóng xe đi Vũng Tàu. Khi anh đến nơi thì đã là 5 giờ sáng. Nam nhìn quanh đầy bất lực, điều duy nhất anh biết về Khánh là tên và số điện thoại của cậu, ngoài ra anh không có thông tin nào khác để tìm ra cậu.

Gần đó có một bà cụ đang ngồi bán một rổ khô, nghĩ rằng bà có thể biết gì đó về Khánh, Nam chạy đến hỏi dồn dập ngay.

Thay vì trả lời hết, bà dẫn Nam đến nghĩa trang. Băng qua một dãy ngôi mộ, bà dừng lại trước một ngôi mộ được khắc ngay ngắn một cái tên "Khánh".

"Hôm ấy mưa lớn, mà có mấy đứa nhỏ không nghe lời, cứ chạy ra biển chơi. Sóng đánh ghê lắm, tụi nhỏ không bơi vào bờ nổi. Khánh nó thấy vậy thì vứt gánh khô bơi ra luôn. Mấy đứa nhỏ hên là an toàn, nhưng mà Khánh thì..."

Bà cụ đau lòng không dám nói từ cuối cùng. Sau khi đốt được bật lửa, bà đưa cho Nam một cây nhan.

"Thôi con thắp cho nó đi. Con là bạn nó hả, vậy thì bà mừng quá. Khánh coi vậy thôi chứ bán xong là nó lủi thủi đi về, không nói chuyện gì với ai. Nhưng mà nó là người tốt. Mấy bữa bà bán khó, nó cũng qua phụ bà."

Bà vừa kể, vừa lật đật đi lấy đồ chuẩn bị lau dọn mộ của Khánh, Nam thấy thế thì giành ngay, vừa nhổ cỏ, chà rêu, vừa nghe bà kể những câu chuyện xưa của Khánh. Càng nghe bà kể, anh càng thấy bản thân sao mà vô tâm quá, nhạc thì viết bao nhiêu bài, mà tâm tư của Khánh thì chẳng biết nổi một nốt.

Chà rửa xong, Nam đưa bà trở lại chỗ bán hàng. Bà đưa cho Nam chiếc điện thoại của Khánh đã hết pin từ lâu. Nam nhận lấy thật cẩn thận, trân quý nó như vừa nhận được một viên ngọc trai vô giá.

Rồi Nam trở lại mộ của Khánh.

"Khánh, chắc em giận anh lắm. Trả lời tin nhắn thì chậm, em sống ở đâu, với ai, làm gì anh cũng không biết, em vui buồn ra sao anh càng không để tâm. Anh tồi quá ha em."

Nghĩa trang bốn bề yên tĩnh, chỉ có tiếng gió đôi lúc thoáng qua.

Nam vẫn đứng chôn chân tại chỗ. Tâm trí anh rối bời, gương mặt anh lẫn lộn các loại biểu cảm. Nam không biết mình nên nghĩ gì, nên làm gì, nên đi, hay nên ở.

"Khánh ơi, phải chingay bây giờ anh hóa thành cái cây để che bóng mát cho em, để anh mãi ở đâykhông bao giờ rời xa em nữa."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top