Nam bo- nhung nhan vat mot thoi vang bong (vantisen)

Nam bộ - Những nhân vật một thời vang bóng

Tác giả : NGUYÊN HÙNG 

NXB Công An Nhân Dân 2003 

Khổ 13 x 19. Số trang : 319 

CHƯƠNG I: NHỮNG ÁNH SAO TRONG ĐÊM DÀI NÔ LỆ 

NGUYỄN AN NINH THẦN TUỢNG CỦA DÂN NAM KỲ 

UNG VĂN KHIÊM ĐÁ GIÒ LÁI CÒ BAZIN 

CHÂU VĂN LIÊM NGƯỜI THẦY GIÁO CÁCH MẠNG 

HÀ HUY GIÁP NHÂN CÁCH CAO ĐẸP 

DƯƠNG BẠCH MAI VÀ CHỦ TRƯƠNG THƯƠNG THUYẾT VỚI CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH CỦA PHÁP 

NGUYỄN VĂN TẠO HAI LẦN ĐẮC CỬ HỘI ĐỒNG TP. SÀI GÒN 

NGUYỄN VĂN TRÂN NGƯỜI CẢM HÓA GIANG HỒ BÌNH XUYÊN 

CHƯƠNG II: NHỮNG NHÀ CÁCH MẠNG 

PHẠM HÙNG HAI LẦN TỬ HÌNH VẪN HIÊN NGANG TRƯỚC CHÁNH ÁN PHÁP

* GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU TỪ KHÁM LỚN SÀI GÒN TỚI TÀ LÀI 

* BÁC SĨ PHẠM NGỌC THẠCH NHÀ NGỌI GIAO TRONG BÓNG TỐI 

DƯƠNG QUANG ĐÔNG VÀ MẬT VỤ Ở XIÊM 

CHƯƠNG III: CÁC TƯỚNG LĨNH 

* TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH VỊ TƯỚNG CÓ TÁC PHONG HẢO HỚN 

HUỲNH VĂN NGHỆ ĐẤU LÝ CÒ BAZIN 

* “TIỂU TƯỚNG” TÔ KÝ CHINH PHỤC “NGƯU MA VƯƠNG” 

HUỲNH PHAN HỘ ANH KHU TRUỞNG BIỆN SÂN 

CAO MINH CĂNG TAY KHÔNG BẮT SỐNG ĐẠI TÁ CÉDILE 

NGÔ THẤT SƠN THÁCH THỨC CHỦ NGỤC PHÁP 

CHƯƠNG IV: CÁC THẦY KIỆN KHOÁC ÁO CHIẾN BÀO 

* LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THỌ TRONG MẮT TRÍ THỨC DÂN CHỦ PHÁP 

PHẠM NGỌC THUẦN MỘT MÌNH RA BÁO 

* LUẬT SƯ PHẠM VĂN BẠCH VẠCH TRẦN TỘI ÁC ĐẾ QUỐC MỸ 

* LUẬT SƯ TRỊNH ĐÌNH THẢO

* LUẬT SƯ THÁI VĂN LUNG 

* LUẬT SƯ NGUYỄN THÀNH VĨNH HIẾN 200 LẠNG VÀNG CHO CHIẾN DỊCH CẦU KÈ 

* LUẬT GIA LÊ ĐÌNH CHI "MẠNG ẤY YỂU MÀ DANH ẤY THỌ" 

* LUẬT SƯ TRẦN VĂN KHƯƠNG VỚI GIAI THOẠI CHÂU VỀ HIỆP PHỐ 

* LUẬT SƯ TẠ MINH LONG 

* LUẬT SƯ HOÀNG QUỐC TÂN 

CHƯƠNG V: CÁC NỮ HỔ TƯỚNG NGÀY ẤY 

* BÀ HỒ THỊ BI ĐUỢC TÂY PHONG " MA-ĐAM 131 " 

* BÀ NGUYỄN THỊ ĐỊNH LINH HỒN ĐỒNG KHỞI BẾN TRE 

LAN CÂY THỊ THỦ VAI NỮ KÝ GIẢ DIỆT XẾP BÓT CÂY MAI 

* CHỊ THANH QUÝ HAI ÁN TỬ HÌNH 

* CHỊ MUỜI MẪN TAY NGANG DIỆT ĐỊCH 

CHƯƠNG VI: NHỮNG NGƯỜI TÙ ĐƯỢC ĐỊCH NỂ TRỌNG 

HOÀNG XUÂN BÌNH VÀ TÌNH BẠN VỚI MỘT SĨ QUAN PHÁP 

PHẠM VĂN CÒN NGUỜI TÙ LẪM LIỆT

* KỸ SƯ TRỊNH VĂN HÀ TỔNG ĐẠI DIỆN KHÁM LỚN RA CÔN ĐẢO 

* DŨNG KHÍ NGUYỄN NGỌC NHỰT 

* KỸ SƯ LÊ VĂN THẢ NGUỜI TÙ "DAGÉNAN" 

CHƯƠNG VII: CHIẾN SĨ BIỆT ĐỘNG ĐẠI NÁO VÙNG TẠM CHIẾM 

TRẦN HIẾN LÁ BÀI TẨY CỦA C.50 

VÕ GIA PHỤC QUỐC "KINH KHA" VIỆT NAM 

* ANH THỢ HỚT TÓC VÕ HỒNG TÂM LÀM NÁO ĐỘNG SÀI GÒN 

CHƯƠNG VIII: CÁC THUYỀN TRƯỞNG DỌC NGANG VỊNH THÁI LAN 

* THUYỀN TRƯỞNG TƯ HÓA XỨNG DANH SÓI BIỂN 

* THUYỀN TRUỞNG BẢY NGẠNH HAI LẦN RA CÔN ĐẢO RUỚC 900 TÙ CHÍNH TRỊ 

* THUYỀN TRUỞNG SÁU HOÀI ĐƯA KHẨU 105 LY VÔ KHU 

* THUYỀN TRUỞNG MƯỜI THÔI VỚI TÀU DARATHIP

LỜI GIỚI THIỆU

Nam Bộ - những nhân vật một thời vang bóng viết về khoảng 40 nhân vật từng tham gia kháng chiến. Họ đã cống hiến, đóng góp rất nhiều công sức, xương máu và một lòng phục vụ, đi theo lý tưởng. Qua đây tác giả phần nào đã khắc họa được cuộc chiến cam go, hào hùng, những con người đầy khí phách hiên ngang, sẵn lòng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của vùng đất Nam Bộ một thời vang bóng. 

Tập sách này không theo một tiêu chí nào và tác giả cũng không tham vọng để viết về toàn bộ và trọn vẹn các nhân vật trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ. Đây chỉ là lập hợp những bài viết của tác giả Nguyên Hùng, vốn là nhà báo thời đó. Ông đi nhiều, gặp nhiều, viết nhiều và muốn bằng những trang viết của mình đưa đến độc giả, nhất là các bạn trẻ, một nguồn nhiều tham khảo để tìm hiểu thêm về thời kỳ này qua góc nhìn của một nhà văn, nhà báo - một tác giả rất đáng tin cậy trong mảng tư liệu. Tuy nhiên không tránh khỏi sai sót, mong bạn đọc lượng thứ. 

Nhà xuất bản Công an Nhân dân xin trân trọng giới thiệu.

NGUYỄN AN NINH: THẦN TƯỢNG CỦA DÂN NAM KỲ

Ông Nguyễn An Ninh, sinh năm 1900 tại Cần Giuộc, đậu cử nhân Luật ở Pháp... Về nước làm báo, ông sáng lập tờ La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông Rè) nhằm mở mang dân trí và tố cáo thực dân. Báo bị đóng cửa, ông đạp xe đạp bán đầu cù là khắp nơi với dụng ý tiếp xúc, giáo dục dân quê và lòng yêu nước, yêu công bằng, yêu tự đo, dân chủ. Ông bị bắt năm lần, lần sau cùng đày ra Côn Đảo từ năm 1939, ông mất ngoài đảo năm 1943, lúc 43 tuổi. 

Dân Nam Bộ xem ông Nguyễn An Ninh là thần tượng tuy "mạng ấy yểu mà danh ấy thọ”.

Dòng dõi Đoàn Thị Điểm 

Theo gia phả thì ông họ Đoàn, quê ở Hưng Yên. Đoàn Công Chẩn, cháu của Đoàn Thị Điểm đã lãnh đạo phong trào nông dân bị triều đình xử trảm, anh em của ông Chẩn bỏ xứ trốn vào Bình Định, họ Đoàn đổi sang họ Nguyễn. Một trong ba anh em là Đoàn Công Hòa đổi tên thành Nguyễn Chuẩn Trực, sinh 2 con là Nguyễn Thị Thắng và Nguyễn An Nghi. Ông Nghi lấy vợ là bà Dương Thị Hiển sinh ra Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư. Lưu lạc vào Nam Kỳ, ông Khương mở khách sạn Chiêu Nam Lầu, kết duyên với bà Trương Thị Ngự, sinh bốn người con: Nguyễn An Thái, Nguyễn An Thường, Nguyễn Thị Năng và Nguyễn An Ninh. Ba anh chị mất sớm, Ninh được coi là con một.

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15.9.1900 tại làng Long Thương (là quê mẹ), quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Về đường học vấn, có thể nói anh là thần đồng, ở cấp nào cũng là học sinh giỏi. Lên trường lớn Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quí Đôn). Mới 15 tuổi đã đậu Brevet với ưu hạng. Vừa ra trường Ninh được báo Pháp nhận làm biên tập với lương 50 đồng. Năm sau, Ninh ra Hà Nội học cao đẳng Y, nhưng sau đó chuyển sang ngành Luật. Sang Pháp học lúc đúng 18 tuổi và đúng 20 tuổi Ninh đậu cử nhân trên đất Pháp. Đậu cử nhân rồi, Ninh còn ở lại Pháp học nữa để lấy bằng Tiến sĩ Luật. Nhưng Ninh mê say chính trị và lân la làm quen với chính giới ở Paris.

Đến năm 1920, cậu cử Ninh gặp các nhân vật Tây nể sợ là Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh. 

Bọn thực dân quan tâm tới anh ngay khi Ninh bỏ trường Y để chuyển sang ngành Luật, lúc ấy tên thống đốc Nam Kỳ (ra đánh điện sang Paris cảnh báo “Chính phủ không cho phép người dân bản xứ (thuộc địa) được vào học các trường đại học ở Pháp". Nguyễn An Ninh đã đậu vào đại học Sorbonne với số điểm cao nhất và tất nhiên là được cấp học bổng. 

Thời gian ở Pháp, Ninh tới các câu lạc bộ sinh viên và trí thức ở Montparmasse và khu sinh viên Saint Germain des Prés giao du với giới văn nghệ sĩ tiến bộ. Phong thái khoáng đạt của Ninh cũng phát triển mạnh vào lúc này.

Trở về nước coi mắt vợ 

Đang chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ Luật, Ninh được thư nhà gọi về coi mắt vợ. Là con có hiếu, được thư cha, Ninh thu xếp về nước. Ninh hỏi người bạn thân là Lý Văn Miêng, người được gia đình Ninh nhờ chuyển thư tới Ninh: 

- Cô ta là người thế nào? 

- Cô tên Êmilie Penne, người Việt gốc Miên, quốc tịch Pháp. 

- Cha mẹ làm gì? 

- Là ông Bang biện Bền, đại điền chủ ở Sóc Trăng. 

Gia đình Bang biện Bền kén rể tri thức, học ở Pháp, gia đình cũng được thơm lây. Cô Emilie cũng mơ một tấm chồng như thế nên vừa thấy Ninh là chấm ngay. Với bằng tiến sĩ Luật, Ninh về nước là nắm chắc chức tòa áo đen, áo đỏ, bằng không thì cũng là luật sư tòa thượng thẩm. 

Lễ đính hôn tiến hành nhanh gọn. Vài ngày sau, Ninh trở sang Pháp tiếp tục học. Đó là ngày 25.7.1920, Ninh mới 20 tuổi. 

Song song với việc học luật, Ninh hoạt động xã hội, tham gia viết tờ Le Paria (Người Cùng Khổ) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra. Mật thám Pháp báo cáo đầy đủ tên họ và học vị của họ: Tiến sĩ luật khoa Phan Văn Trường, kỹ sư hóa học, cử nhân triết học Nguyễn Thế Truyền, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, cử nhân luật Nguyễn An Ninh và Phó bảng Hán học Phan Châu Trinh.

Được tin nhà gọi về để làm lễ thành hôn. ngày 5.10.1922, Ninh xuống  tàu về nước. Cưới vợ vào tuổi 22 là quá sớm, nhất là một thanh niên hiếu học và ham hoạt động chính trị. Nhưng chữ hiếu là đức tính quan trọng nhất trong gia đình thâm Nho rộng Hán như ông Nguyễn An Khương. Tuân lệnh cha, Ninh chịu lập gia đình sớm, nhưng đám cưới của Ninh bất thành.

Về Sài Gòn đăng đàn diễn thuyết 

Tiếng là về quê nhà cưới vợ, Nguyễn An Ninh vẫn không từ bỏ nỗi đam mê hoạt động chính trị. Ninh có một nhược điểm bẩm sinh: cà lăm. Để khắc phục, nhà hùng biện thường úp mặt vô lu mà hét to lên. Nhờ kiên trì tập luyện mà Ninh đẩy lùi được chứng cà lăm. Ninh nói tiếng Pháp lưu loát hơn tiếng Việt cho nên anh đăng đàn diễn thuyết bằng tiếng Pháp. Cha anh, ông Khương thắc mắc: "Con nói cho ai nghe? Người Pháp, hay đồng bào mình?", Ninh đáp: "Tất nhiên đối tượng của con là đồng bào. Nhưng con cũng muốn những người biết tiếng Pháp nghe nữa. Nó có ba điều lợi : Soạn diễn văn bằng tiếng Pháp, lời lẽ con viết thật chặt chẽ, không sai sót chút gì mà bọn cò bót, mật thám có thể bắt bẻ. Đồng bào mình sẽ lên tinh thần khi một diễn giả tranh luận công khai với bọn thực dân bằng chính ngôn ngữ của chúng. Ba là dùng tiếng Pháp để nói với đồng bào mình, dụng ý của con là tố cáo nhà cầm quyền thực dân đã hạn chế việc sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày.

Lần đầu tiên cử nhân luật Nguyễn An Ninh diễn thuyết tại Hội khuyến học Nam Kỳ số 54 đường Aviateur Garros (Thủ Khoa Huân) ngày 25. 1 .1922. Đề tài là Une culture pour les Annamiles (Một nền văn hóa cho người Việt Nam). Dư luận xôn xao. Bọn thực dân lo ngại. Nhưng Ninh vẫn tiếp tục hoài bão nâng cao dân trí nước nhà.

Ông Khương đã bình phục và gia đình đưa Ninh về Sóc Trăng làm đám cưới, đó là ngày 10.11.1922. Chuyện hết sức bất ngờ. Ninh đáp hững hờ: 

- Cha mẹ cho con suy nghĩ thêm. 

Anh bảo Emilie: 

- Em giao việc ly dị cho luật sư. Anh nhận hết phần sai quấy...

Một tháng sau, Ninh đáp tàu sang Pháp lại viết báo Le Paria. Nhiều biến cố xảy ra trong thời điểm này. Ngày 14.3. 1923, Nguyễn Ái Quốc sang Nga. Ngày 14.7, Phan Châu Trinh viết Thất điều thư gửi vua Khải Định đi dự Hội chợ quốc tế Marseille. Sự kiện này gây chấn động ở Pháp lẫn Đông Dương. 

Phan Văn Trường cũng viết thư gửi Bộ thuộc địa phản đối mật thám bám sát ông ngày đêm. 

Trong tình thế này, Ninh khó lòng ngồi yên, anh tự nhủ "Phải về nước hoạt động". 

Tháng 9.1923, Ninh về nước. Ông Khương lâm bệnh nặng về Hóc Môn chữa trị. Ninh về quê chăm sóc cho cha. Hết dịch sách, Ninh lại tiếp tục đăng đàn diễn thuyết. Vẫn tại trụ sở Hội khuyến học Nam Kỳ, Ninh nói về đề tài: "L'ldéal de la jeunesse Annamite" (Lý tưởng của thanh niên Việt Nam). Đó là đêm 15.10.1923. Những người đến nghe nhớ mãi lời kêu gọi của diễn giả trẻ: "Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình nâng cao vị trí dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã đóng góp cải thiện đời sống cho dân tộc chúng ta". Bài diễn văn gây ảnh hưởng lớn làm bọn Pháp cấm Hội khuyến học Nam Kỳ mời Nguyễn An Ninh diễn thuyết. 

Tiệm ảnh lớn nhất Sài Gòn thời đó là Khánh Kỳ ở đường Bonard (Lê Lợi) in hàng ngàn tấm ảnh Nguyễn An Ninh, mặc áo dài đen, tóc cúp kiểu bom bê trông có vẻ triết nhân. Bọn trẻ tung tăng khắp các đường phố mời thiên hạ mua ảnh Nguyễn An Ninh. Chuyện tuy nhỏ nhưng làm cò bót, mật thám hầm hừ khó chịu.

Vì sao có báo Tiếng Chuông Rè? 

Thống đốc Cognacq theo dõi các hoạt động chính trị của Nguyễn An Ninh với nỗi lo của kẻ cai trị theo đúng bài bản ngu dân. Phải chấm dứt các hoạt động nguy hiểm của tay trí thức yêu nước này. Hắn cho xe tới tận vườn rước Ninh về văn phòng. Kế bên Cognacq có Arnoux, trùm mật thám Nam Kỳ. 

Ngay lúc đầu, Cognacq đã lộ vẻ xấc láo: 

- Không cần tri thức ở đất Nam Kỳ này, nếu anh muốn làm trí thức, hãy cút sang Moscou. 

Ninh vẫn im lặng, Cognacq đổi giọng ngon ngọt: 

- Anh học giỏi, tài cao, sao không ra làm quan? Rồi thì tương lai sẽ bảo đảm, vợ đẹp, con ngoan? 

Ninh cười: 

- Tôi đi học không để ra làm quan. 

Cognacq liền đổi sắc mặt: 

- Để làm chính trị hả? Khám lớn luôn mở rộng và Côn Lôn (Côn Đảo) sẵn sàng chờ anh đó. Tùy anh chọn lựa. Với những bài diễn thuyết ca ngợi tinh thần chống đối, với giọng điệu phiến loạn, anh sẽ biết những biện pháp mạnh của ông Arnoux. 

- Tại sao ông cho những bài diễn thuyết của tôi là giọng phiến loạn? Tôi sẽ tranh luận với ông tới cùng. Tôi chỉ là người gióng tiếng chuông cảnh tỉnh đồng bào tôi...

Cognacq khinh thị: 

- Tiếng chuông của anh chỉ là tiếng chuông rè (nguyên văn: La cloche fêtée). 

Ninh mỉm cười lẩm bẩm "Tiếng chuông rè! Tiếng chuông rè! Hay! Mình sẽ ăn miếng trả miếng thằng cáo già này bằng cái chuông rè mà nó gợi ý cho mình!".

Tiếng Chuông Rè ra mắt. Thống đốc Cognacq đau như hoạn. Hắn nhớ rỡ ngày lịch sử đó: Ngày 10.1.1923. Có chuyện lạ chưa từng thấy là chủ báo, ký giả, sửa bài, bán báo đều do đích thân ông Ninh làm hết. Báo vừa in xong, ông ôm báo chạy ra đường rao bán thành thạo như các em chuyên nghiệp bán báo dạo. Dân đã có cảm tình trước nên vui vẻ mua, dù họ không biết tiếng Pháp. Không hề gì! Họ sẽ nhờ người khác đọc và dịch giùm. Cái chính là ủng hộ một trí thức dám bỏ hết tất cả để theo đuổi cái nghề nguy hiểm và bạc bẽo là nghề làm báo.

Về phía thực dân, ngay cái tên tờ báo La Cloche Fêlée, cáo già Cognacq biết rõ là ông Ninh chơi trò gậy ông đập lưng ông. Mới tháng trước đây, hắn còn chê tiếng chuông của Ninh là rè, là nứt, bây giờ tiếng chuông rè và nứt đó nện thẳng vào tai, mắt lão. Cho nên lão điên tiết gây khó dễ, nào cấm nhà in in báo cho ông Ninh, nào cấm công chức đọc báo ông Ninh, ai đọc sẽ bị cảnh cáo, bị bắt gặp có báo ông Ninh trong nhà sẽ bị kỷ luật...

Đến số 12 thì các nhà in đều sợ thống đốc trừng phạt, không dám in báo ông Ninh. Để giúp con toại nguyện, ông Khương đã bán ruộng ở Rạch Giá cho Ninh mua nhà in. Chưa có bao giờ chủ bút và người quản lý tờ báo ăn ý như Nguyễn An Ninh với ông Dejean de la Bâtie. Hãy nghe hai ông đàm đạo:

Ông Ninh: 

- Qua mười số báo, chúng ta đã làm đúng mục đích của mình. Không bài báo nào khiến chúng ta xấu hổ khi đọc lại. 

De la Bâtie: 

- Tôi có cảm tưởng chính anh đã chấm vào máu khi viết mấy bài ấy. Bảo ta đánh thẳng vào mấy tên Sarraut, Cognacq, không phải là chống đối cuội như các tờ khác. 

Ninh nhìn bạn kết luận: 

- Khi làm tờ La Cloche Fêlée, tôi nghĩ là chúng ta làm đúng vai trò coi chừng an ninh và hạnh phúc của nhân dân.

Cưới vợ lần hai 

Cô Sáu Sò đẹp nhất vùng cầu Ông Lãnh. Tên cô là Trương Thị Sáu, kém ông Ninh 4 tuổi. Quê làng Phước Lại, quận Cần Giuộc, cô xuất thân gia đình nghèo, cha là người Tàu, chuyên nghề bán dạo. Cha mất sớm, cô Sáu sống với mẹ nương nhờ bên ngoại. 15 tuổi, cô Sáu học nghề may. Học được nghề, cô mướn phố mở tiệm may, dần dần số thân chủ tăng lên, tiệm may của cô Sáu trở thành nơi hò hẹn của các bà các cô quen ăn diện. Cô Sáu rất mê đọc báo, cô có hai bạn thân là cô Chín Định và cô Hai Phòng, cũng là dân nghiện đọc báo. Hai cô này đọc và dịch báo Tiếng Chuông Rè cho cô Sáu nghe. Nghe riết rồi muốn tìm hiểu nhà báo. Hai bạn giới thiệu: “Ông cử Ninh là nhà báo đối lập thật chứ không phải đối lập cuội như các ông Nguyễn Phan Long và Bùi Quang Chiêu”. Một hôm hai cô mời ông Ninh tới nhà cô Sáu chơi và cô Sáu được một bất ngờ thú vị. Lâu nay cứ đinh ninh chủ báo Tiếng Chuông Rè phải là ông già đạo mạo, chừng thấy mới biết ông Ninh hơn mình có 4 tuổi và là một con người vui tính, hoạt bát, hay cười. Trong lần đó hai bên tìm hiểu nhau. Lúc đó cô Sáu đã có một số vốn khá lớn. Ông Ninh hỏi:

- May một cái áo dài bao nhiêu tiền? Cô Sáu trả công thợ bao nhiêu? 

Cô Sáu thành thật cho biết giá, ông Ninh nghiêm nghị nói: 

- Vậy là người thợ làm cả ngày mà chỉ được một phần mười số tiền cô Sáu thu nhập từ một cái áo dài. Cô Sáu có thấy là bất công không? Trước đây cô Sáu đã từng biết cái nghèo vì bị chủ bóc lột, sao nay cô Sáu lại quên mình đã từng là kẻ nghèo đi bán sức lao động cho người giàu? 

Khi hai người quí mến nhau, ông Ninh đặt vấn đề: 

- Anh xin em hai điều: Một là bỏ ý đồ mua bán làm giàu, hai là về Trung Chánh mà ở. 

Khi tình yêu chân thành đã đến thì mọi thứ khác đều vô nghĩa, cô vui lòng bỏ ý định làm giàu để về Hóc Môn lo quản lý vườn tược để ông Ninh rảnh tay hoạt động báo chí. Cưới vợ được hai tháng, ông Ninh sang Pháp lần thứ 4 vào ngày 10.1.1925. Ông tới Hội quán Sociétés des Savants số 8 Danton diễn thuyết, giới thiệu tờ La Cloche Flée. Bọn mật thám liền báo cáo nội dung diễn thuyết của Ninh trong đó có câu làm bọn thực dân giật mình: "Cách mạng sẽ đến Đông Dương trong vài năm nếu thực dân Pháp không cải thiện chế độ thối nát”.

Ngồi tù khám lớn lần đầu 

Câu chuyện bắt đầu từ việc Pháp trục xuất nhà báo Trương Cao Động về Trung Kỳ. Vì chính sách chia để trị của thực dân thì Nam Kỳ là thuộc địa còn Bắc và Trung Kỳ là bảo hộ. Pháp có quyền đuổi dân Bắc và Trung kỳ ra khỏi Nam Kỳ. Trương Cao Động kháng lệnh, cho rằng mình sinh đẻ ở Đà Nẵng, là đất thuộc Pháp. Ông Ninh tổ chức cuộc nói chuyện phản đối việc trục xuất Trương Cao Động. Trước đó báo La Cloche Flée viết mấy bài. Truyền đơn cũng được viết mạnh: "Ớ đồng bào, gục đầu mãi mà làm trâu ngựa hay sao? Ai đâu là người biết thương, biết giận, biết tức, còn giữ một chút đứng đắn làm người. Xin ngày Chúa nhật 21 Mars này, 8 giờ sớm mai đến tại miếng đất bà đốc phủ Nguyễn Tấn Tài đường Lanzarotte (xóm Lách). Ký tên: E. Dejean de la Bátie, Nguyễn An Ninh..".

Ông Ninh nói cả tiếng đồng hồ, được đồng bào vỗ tay nồng nhiệt. Ông tố cáo người Pháp đóng vai người đi cày còn người Việt thì thủ vai trâu bò. Và hô hào đồng bào phải được một quyền tự do dân chủ.

Ngay ngày hôm sau biên bản cuộc họp được in thành truyền đơn tựa là Cho Chính phủ biết đưa ra 5 điều như sau: "Nếu chánh phủ thật muốn Pháp - Việt đề huề, thật muốn dân An Nam tấn hóa, thì ít nữa phải ra luật vững vàng mà:

1. Bỏ các luật định về tội riêng của người bổn thổ, bỏ các luật cho phép người mướn công được xin bỏ tù người làm công, bỏ cái luật cho phép người bổn thổ và người ngoại quốc được xin giam thân những người bổn thổ mắc nợ. Buộc Chánh phủ ngoài các tội mà luật đã định, không được đụng đến tự do của người An Nam và định tội phạt cho thật nặng những kẻ làm trái phép. Chánh phủ phải trả ngay Trương Cao Động cho đất Nam Kỳ đặng Trương Cao Động chống án về việc bị bắt ngang, và đặng làm bằng rằng chánh phủ không còn áp chế như xưa nữa. 

2. Cho dân An Nam làm báo tự do như làm bên báo Tây. 

3. Cho dân An Nam hiệp hội tự do như bên Pháp. 

4. Cho dân An Nam lập trường dạy học tự do như khi trước. 

5. Cho dân An Nam đi du học và đi làm ăn tự do như ở ngoại quốc. Bằng chánh phủ không cho dân An Nam các điều cần thiết này,chúng tôi xin không tin lòng tốt của Chánh phủ và cùng nhau thề nguyện đồng tâm hiệp lực mà giải thoát cho dân Nam Việt.

Bùi Quang Chiêu là kẻ thân Pháp, chủ trương Pháp - Việt đề huề. Chúng đang chuẩn bị tiếp đón tên này. Ông Ninh đã vận động khoảng 50.000 người tới bến tàu để phá cuộc đón tiếp long trọng bọn thực dân dành cho tên cò mồi của chúng.

Trưa ngày 24.3.1926, ông Ninh đang ngồi ăn bánh hỏi thịt quay trong vườn nhà thì hai cảnh sát tới mời về dinh Thống đốc nhưng xe lại chạy thẳng vô Khám Lớn Sài Gòn. 7 giờ sau khi ông Ninh nằm Khám Lớn, tàu Amboise cặp bến Nhà Rồng. Cuộc tiếp đón Bùi Quang Chiêu bị 50 ngàn người chống đối. Lính cảnh sát phải nổ súng thị uy. Bùi Quang Chiêu lên bờ, theo sát chánh mật thám Arnoux.

Cũng trong ngày 25.3.1926. cụ Phan Châu Trinh tạ thế vào 21 giờ 30 phút tại nhà ông Ninh. Thi thể Cụ chuyển từ Hóc Môn về nhà ông Huỳnh Đinh Điển, 54 Pellerin (Pasteur).

Tiếng Chuông Rè số 58 ra ngày 19.4.1926 đăng lá thư của trên ngàn người yêu cầu Toàn quyền trả tự do cho Nguyễn An Ninh.

Ngày 20.4.1926, tòa xử công khai vụ án chính trị Nguyễn An Ninh. Dân kéo tới đông nghẹt pháp đình. Tòa phải hoãn ngày xử vì sợ không giữ được an ninh trật tự.

Phiên tòa có hai luật sư người Pháp Lefévre và Gallet biện hộ cho ông Ninh, khán giả đặc biệt thích thú khi ông Ninh "ăn miếng trả miếng" với chánh án. 

Chánh án: 

- Thời gian du học ở Pháp, ông thăm những nước nào? 

Nguyễn An Ninh: 

- Áo, Ý, Đức, Hà Lan, Bỉ. Nhưng... tôi nghĩ những câu hỏi này ngoài cuộc luận tội. 

Chánh án: 

- Tòa rất để ý tới những câu hỏi này. Hay là ông muốn lên chỗ của tôi mà ngồi? 

Nguyễn An Ninh: 

- Tùy ông ! 

Chánh án: 

- Ông đã diễn thuyết bên Pháp là trong vòng 4 năm nữa ở Đông Dương sẽ có loạn lớn? 

- Tôi chỉ tiên liệu. 

Tòa xử Nguyễn An Ninh 2 năm tù. 

Ngày 27.4. 1926, ông Ninh viết thư chống án. Tòa giảm án ông Ninh 18 tháng tù.

Ngồi tù khám lớn lần hai 

Tin chủ báo Tiếng Chuông Rè bị tòa xử 18 tháng tù vang dội tới Paris. Có báo nêu khẩu hiệu : À bas le Docteur Cognacq (Đả đảo Cognacq) Vive Nguyễn An Ninh (Hoan hô Nguyễn An Ninh).

Báo Việt Nam Hồn còn đăng bài phát biểu của nhà văn Romain Rolland, xin trích đoạn chót: "Các bạn sinh viên và công nhân An Nam, xin hãy nắm lấy tay tôi. Chúng ta có một kẻ thù chung là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và những quyền lợi dưới cái tên đó. Châu Âu vĩ đại, châu Á vĩ đại là hình bóng của tương lai đang cần đến sự góp sức của các bạn".

Trước làn sóng dư luận dữ dội ngay trên chính quốc, thực dân buộc lòng phải thả ông Ninh, sau khi giam ông 289 ngày. Được tin này, bà Ninh bao nguyên xe thổ mộ từ Hóc Môn xuống Sài Gòn rước ông Ninh về. Ngang chợ Bà Chiểu, ông Ninh cho xe dừng lại gánh mì, ăn liền 4 tô, ăn xong, ông nói "Má thằng Định ơi, nó bắt được một lần là nó bắt hoài. Từ nay khám lớn là nhà của tôi rồi. Vậy chuyện gia đình, má nó lo liệu mà gánh vác".

Lời tiên đoán đó rất đúng và ông Ninh còn trở lại "ngôi nhà của mình" nhiều lần nữa...

Uy tín ông Ninh rất lớn. Có nhà treo ảnh ông trên bàn thờ giữa nhà. Có người lạy ông khi ông vừa bước vô nhà. Ông Ninh không bằng lòng về sự ngưỡng mộ thái quá, nó chứng tỏ dân trí còn thấp kém của dân quê. Các cuộc xuống làng xóm hẻo lánh của ông Ninh nhằm mục đích tuyên truyền cổ động thanh niên gia nhập Đảng Thanh Niên Cao Vọng của ông, tính sơ đã lên tới 7.000 người.

Tổ chức Đảng Thanh Niên Cao Vọng rất đơn giản... Dưới lãnh tụ Nguyễn An Ninh có Đầu Dây chia từng vùng, kế tớiĐầu Chỉ và chót hết là Đầu tức đảng viên.

Thanh Niên Cao Vọng của ông Ninh là chủ lực trong cuộc mít tinh dự giỗ đầu cụ Phan Châu Trinh ngày 24.3.1927. Trời mờ sáng, hàng chục ngàn người từ các nơi kéo về, tay cầm đuốc sáng lòa. Nhà báo Trần Huy Liệu đọc diễn văn, kế là ông Ninh phát biểu. Cụ nói rõ là: "NgườiViệt Nam có thể cộng tác với một chánh phủ công bằng và tự do, không phải là một chánh phủ đế quốc và độc tài. Còn với việc bom đạn, nếu tôi có một quân đội và đủ sức hoạt động, tôi sẽ đuổi bọn xâm lăng nước này ra khỏi bờ cõi".

Ngày 27.3.1927, Phan Văn Trường ra tòa, lãnh 2 năm tù về tội xúi giục nổi loạn chống Pháp. Ông Trường chống án. Trong thời gian này, ông Ninh xuất bản vở tuồng Hai Bà Trưng, bị Pháp tịch thu vì nội dung chống xâm lăng. Không làm báo, ông Ninh xuống tận làng xóm nói chuyện trực tiếp với dân.

Tại làng Bình Nhựt, vận động thanh niên vào Đảng Cao Vọng, ông Ninh nói: 

- Chúng ta đòi hỏi chính quyền thực thi 5 điểm như sau: Một: Nghị viện Nam Kỳ phải có 100 ủy viên, trình độ học vấn phải là Thành Chung. Hai : Người An Nam được tự do đi Pháp và ngoại quốc. Ba: Tăng lương anh em binh sĩ. Nếu có chiến tranh, không được bắt họ sang Pháp làm bia đỡ đạn. Bốn: Quy định thuế thân là 6 đồng một năm. Năm: Người An Nam được quyền viết báo quốc ngữ, xóa bỏ chế độ kiểm duyệt. 

Ông Ninh đưa bản kiến nghị cho mọi người ký tên trước khi chuyển tới tận tay Thống đốc Nam Kỳ. 

Tan buổi họp, ông Ninh ra ga Bến Lức về Sài Gòn thì bị hai tên lính làng tới xét giấy thuế thân người bạn cùng đi với ông Ninh là Phan Văn Hùm rồi mời về nhà việc. Vài ngày sau đó có lệnh truy nã Nguyễn An Ninh. 

Biết trốn tránh không được, ông Ninh quyết định nạp mình. Ông mặc toàn đồ trắng. Bà Ninh hỏi, ông nói: 

- Mình phải giữ mình trong sạch khi bước vô chỗ bùn nhơ. 

Thế là ông Ninh vào ngồi tù khám lớn lần hai. Đó là năm 1928, lúc ông đúng 28 tuổi.

Bị bắt lần ba 

Dụ dỗ ông Ninh không được, thực dân tính kế khác. Ở Củ Chi có nhóm du đãng do 2 tên Nghĩa và Gạo cầm đầu. Dân Củ Chi thưa, hai tên này bị bắt vô Khám Lớn. Thầy chú hứa sẽ tha nếu chúng khai là đảng viên Hội kín của Nguyễn An Ninh. Dựa vào lời khai láo của hai tên này, Pháp bắt hàng loạt mấy trăm người và ngày 8.5.1929, Tây đưa ông Ninh ra tòa tuyên án 3 năm tù, 1.000 quan tiền phạt vạ, mất quyền công dân 5 năm. 

Năm 1930 tình hình căng do các đảng Cộng sản thống nhất và hoạt động mạnh. Pháp đẩy ông Ninh về Hà Tiên, nhưng chủ tịch Hà Tiên không dám nhận một người tù quan trọng cỡ ông Ninh, nên phải trả ông Ninh về Khám Lớn. Đến ngày 3.10.1931, ông Ninh được ra tù sau khi đã nằm 1.096 ngày trong Khám Lớn.

Đi bán dầu cù là 

Năm 1931 có 2 biến cố lớn: Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương chết tại Nhà thương Chợ Quán vì đòn tra của mật thám ngày 6.9. Vài tháng sau, Lý Tự Trọng mới 16 tuổi bị xử chém ngày 21. 11. Mật thám theo dõi ngày đêm ông Ninh. Do vậy, ông Ninh đổi phương cách hoạt động. Ông đạp xe đi bán dầu cù là. Để có bạn đồng hành, ông Ninh về Đa Phước tìm ông Nguyễn Văn Trân (Bảy Trân). Ông Trân cùng học bên Pháp rồi sang Nga học trường Staline 3 năm để trở về hoạt động ở Liên tỉnh ủy Hậu Giang. Bấy giờ ông Trân phụ trách kinh tài dưới sự chỉ huy của Hà Huy Tập. Nghe ông Ninh rủ đi bán dầu cù là khắp miền quê lục tỉnh, Bảy Trân đồng ý ngay. Vậy là 2 ông "o bế" xe đạp thật “ngon" để rong ruổi trên đuờng thiên lý, trước bán dầu cù là, sau tuyên truyền mở mang dân trí,đem ánh sáng tới tầng lớp ít học nơi đồng quê.Dân vùng Hóc Môn, Bà Điểm còn nhớ bài thơ Cù là ai đó làm ra tặng ông Ninh:

"Cù là hay lắm mấy ông ơi, 

Dấu hiệu An Ninh thí nghiệm rồi 

Quệt thử bên hông, chum mật nhảy 

Uống vào trong bụng, huyết tim sôi 

Mùi thơm qua mũi, thông lên óc 

Hơi nóng ngoài da, thấu ruột dồi 

Hỡi kẻ đồng bang mau xức thử 

Mù điên mau hết bịnh thì thôi”.

Dù đi bán dầu cù là, ông Ninh vẫn say mê nghề báo.Tháng 10.1932, ông bàn với ông Tạo mua lại tờ Trung Lập của Henri de Lachevrotière. Trên báo Trung Lập, ông Ninh ký tên Thông Reo. Năm ấy có cuộc bầu cử Hội đồng thành phố. Hai ông Ninh và Tạo đưa ra hai sổ lao động để tranh cử. Đại biểu hai sổ này đều là nguời cộng sản, một chuyện mới lạ tại Sài Gòn. Để tranh cử thắng lợi, ông Ninh bàn với ông Tạo ra thêm một tờ báo nữa. Ngày 24.4.1933, tờ báoLa Lutte (Đấu tranh) ra đời, viết bằng tiếng Pháp. Báo La Lutte viết mạnh và được dân Sài Gòn ủng hộ. Ngày 30.4.1933, hai ông Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch cùng đạt 457 phiếu thắng đảng Lập Hiến. Thắng lợi này phần lớn nhờ công ông Ninh.

Toàn quyền Pasquier không thể chịu được sự kiện Nguyễn Văn Tạo từng bị trục xuất về nước nay lại đắc cử Hội đồng thành phố. Ông ta ra lệnh đóng cửa tờ Trung Lập, và dùng mọi cách để phá tờ La Lutte. Ngày 2.6. 1933, La Lutte tự đình bản.Thực dân lại xóa bỏ cuộc bầu cử viện cớ Nguyễn Văn Tạo mới 25 tuổi và phải nộp thuế trực thu 25 đồng.

Cũng trong năm 1933, nhà văn Pháp Paul Vaillant Couriturier, ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp sang thăm Việt Nam. Hai ông Ninh và Tạo tiếp đón và trình bày thực trạng thuộc địa Đông Dương.

Hôm sau, nhà văn Couriturier họp mít tinh tại rạp Khánh Hội tố cáo chế độ thực dân đã tù đày nhân dân yêu nước Việt Nam suốt mấy chục năm đô hộ.

Thực dân ngang nhiên bắt Nguyễn An Ninh và Nguyễn Văn Tạo. Đây là lần thứ 3 ông Ninh nằm khám lớn.

Ngày 26.10.1936, ông Ninh tuyệt thực. Tòa án sợ tuyệt thực đưa tới kết quả xấu, nên nhượng bộ, cho bà Ninh đưa ông Ninh về vườn dưỡng bệnh.

Tờ La Lutte có chia rẽ, ba ông Ninh, Tạo và Nguyễn Văn Nguyễn tách ra tìm cách xuất bản tờ L’Avant Garde do ông Hà Huy Tập trục tiếp chỉ đạo, ông Nguyễn làm thư ký tòa soạn. Năm 21 tuổi, Nguyễn bị bắt ở Trà Vinh bị đày ra Côn Đảo. Mãn tù, Nguyễn về Sài Gòn viết báo La Lutte. Nguyễn và Ninh quen nhau trong thời gian này. Ngày 7.5.1937, dân Càng Long (Trà Vinh) tổ chức mít tinh đòi bỏ thuế thân, tăng lương, bớt giờ làm, cảnh sát và mật thám nổ súng đàn áp, Ninh và Nguyễn trốn về Mỹ Tho rồi lên Sài Gòn.

Chánh Sở Mật thám Nam Kỳ ký lệnh truy nã Nguyễn An Ninh. Báo L’Avant Garde ngày 23.6.1937 đăng bức thư ông Ninh giải thích vì sao không ra trình diện. “Tôi quyết định không ra hầu tòa vì tôi đã nhận thức làn sóng đàn áp dữ dội trút lên đầu những ai có thiện chí cầu mong tiến bộ và cải thiện đời sống cơ cực của nhân dân Đông Dương. Chỉ có bọn ngây ngô và những tên khiêu khích mới tin nơi công lý. Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi phải tự ban quyền tự do tạm thời như là cách tự vệ cũng là để khiếu nại".

Ngày 7.9.1937 ông Ninh bị bắt và đưa về Trà Vinh xét xử. Tòa tuyên án ông Ninh 5 năm tù, 10 năm biệt xứ. Ông Ninh chống án và được đưa về Sài Gòn. Ngày 1.4.1938 tòa xử lại, ông Ninh chỉ còn 4 năm tù và 10 năm biệt xứ. Ông Ninh lại chống án sang Pháp, án được giảm xuống còn 2 năm tù và 5 năm biệt xứ. Ngày 18 .2.1939 ông Ninh ra tù lần thứ 4 sau 532 ngày ngồi tù Khám Lớn.

Ra tù, ông Ninh chuyển về Mỹ Tho ngụ tại số 17 đường Galliêni, ông bán dầu cù là sinh sống. Nhà ngó ra sông, mát mẻ. Thiên hạ tới mua cù là không phải để dùng mà để biết mặt ông tiến sĩ luật học bên Pháp về không làm quan tòa hay thầy kiện mà khoái làm báo và bán dầu cù là.

Dù ở ẩn, ông Ninh vẫn hoạt động theo kiểu của ông: tiếp tục viết báo cho các báo Công Luận, Dân Chúng. Năm 1939, có cuộc vận động ứng củ vào Hội đồng Quản hạt. Xứ ủy đề nghị ông Ninh ứng cử. Ông Ninh chỉ giúp các bạn ứng cử còn bản thân ông thì không thích. Nhưng chị Nguyễn Thị Minh Khai yêu cầu ông Ninh ra ứng cử với các ông Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, trong sổ của báo Dân Chúng gồm ba ông Ninh, Tạo, Mai.

Thống đốc Rivoal sợ sổ Dân Chúng thắng nên cấm không cho các ứng cử viên Ninh, Tạo, Mai đi lại vận động lấy lý do cả ba đang bị quản thúc. Cuộc bầu cử diễn ra ngày 16 .4.1939. Kết quả phe Lao Động thắng. Sổ Dân Chúng đứng sau sổ Đấu Tranh. Thực dân cố hủy bỏ kết quả và khủng bố các ứng cử viên phe Lao Động.

Tháng 9.1939, Đức quốc xã tràn vào nước Pháp, thủ đô Paris là thành phố bỏ ngỏ. Mẫu quốc đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng thì thuộc địa Đông Dương cũng đứng trước hiểm họa phát xít Nhật xâm lăng. Thống đốc Rivoal ra lệnh bắt bớ các phần tử "nguy hiểm".

Toàn quyền Đông Dương ban sắc lệnh 26.9.1939 với 4 điểm: 1 . Cấm mọi hoạt động, tuyên truyền Cộng sản; 2. Giải tán các Chí hội Cộng sản; 3. Cấm xuất bản sách báo Cộng sản; 4. Những kẻ phạm sắc lệnh này bi phạt từ 1 -5 năm tù, từ 1.000 - 10.000 quan.

Với các chiến sĩ Cộng sản, tháng 9.1939 là một ngày đen tối. Không ai quên được Sắc lệnh 26 Septembre của Toàn quyền Brévié. Riêng với ông Ninh, mật thám Mỹ Tho càng canh giữ nghiêm ngặt.

Sáng ngày 4.10.1939, mật thám xét nhà ông Ninh. Khám xét chỉ thấy sách và sách. Dù vậy, ngày hôm sau 5.10.1939, Chánh Sở mật thám tới nhà ông Ninh trình trát Biện lý bắt giải ông Ninh đưa ra Côn Đảo. Đây là lần bị bắt thứ 5 của ông. Ông Ninh bị giam ở phòng số 7 khám 2, lúc này ông đau bao tử, dù vậy ông cũng nhận dạy văn hóa chính trị trong tù. 

Sau Tết Quý Mùi (1943) một sĩ quan Nhật tới nhà bà Ninh. Cùng đi với tên này có Nguyễn Hòa Hiệp (sau này là Tư lệnh Đệ tam sư đoàn khi ta cướp chính quyền, mùa thu năm 1945). 

- Người Nhật chúng tôi rất quí trọng chí sĩ Nguyễn An Ninh. Chúng tôi sẽ cung cấp tàu cho gia đình ra thăm ông Ninh. 

Bà Ninh hoàn toàn bất ngờ nhưng bà biết ngay Nhật tính nắm ông Ninh để gây thanh thế. Bà khéo từ chối: 

- Ông Ninh có gởi thư về. Chỉ còn 1 năm nữa là ông mãn tù. 

Nguyễn Hòa Hiệp nói vô: 

- Người Nhật muốn bà ra đảo khuyên ông Ninh hợp tác với người Nhật. Đây là cơ hội cho Nhật giúp Việt Nam giành độc lập... 

Bà Ninh ôn tồn: 

- Chuyện quốc gia đại sự, xin quý ông ra đảo bàn với ông nhà tôi. Còn tôi phận đàn bà...

Hiệp thở dài: 

- Chúng tôi đã ra ngoài đó rồi. Ông Ninh không nhận cộng tác với người Nhật. 

Bà Ninh lắc đầu: 

- Ông Ninh đã từ chối, tôi làm sao giúp các ông được?

Về cõi vĩnh hằng 

Sức khỏe ông Ninh càng suy yếu. Suốt ngày ông cứ nằm liệt. Thầy chú đưa ông xuống bệnh xá. Xuống đây mười người, ra Hàng Keo hết chín người. Thuốc men không có, sức đề kháng không còn, cái chết tới thật nhanh. 

Đêm 14.8.1943 chúa đảo Tisseyre tới bên giường bệnh ông Ninh. Hắn ra lệnh cai ngục đem giấy bút bảo ông Ninh: 

- Ông viết ít chữ vô đây, tôi hứa sẽ cứu ông! 

Ông Ninh mở mắt cầm tờ giấy lên xem. Chúa đảo nói tiếp: 

- Ông không cần viết, chỉ ký tên vô giấy cũng được. 

Ông Ninh đọc xong, xé tờ giấy vứt xuống đất. Chúa đất hất hàm ra lệnh. Y tá tiêm ông Ninh một mũi thuốc. Ông Ninh mất trong đêm ấy. Bạn tù chôn ông nơi nghĩa trang Hàng Keo. 

Vài ngày sau, anh em tìm thấy một bài thơ của ông tựa là Sống và Chết:

"Sống mà vô dụng, sống làm chi, 

Sống chẳng lương tâm, sống ích gì ? 

Sống trái đạo người, người thêm tủi 

Sống quên ơn nước, nước càng khi 

… 

Chết đó rõ ràng danh sống mãi 

Chết đây chỉ chết cái hình hài 

Chết vì tổ quốc, đời khen ngợi 

Chết cho hậu thế, đẹp lương lai”.

UNG VĂN KHIÊM ĐÁ GIÒ LÁI CÒ BAZIN

Ung Văn Khiêm sinh năm 1910 tại cù lao Giông (An Giang). Năm 1926, ông đang học năm thứ hai trường Trung học Cần Thơ bị đuổi vì để tang chí sĩ Phan Châu Trinh. 

Ông theo thầy giáo Châu Văn Liêm hoạt động cách mạng. Năm 1927, được kết nạp Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và sang Quảng Châu học khóa Nguyễn Ái Quốc. Về nước, ông Khiêm được phân công hoạt động Liên tỉnh ủy Hậu Giang. Trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940, ông chém vè tại điền Tây ở Cờ Đỏ (Cần Thơ). 

Tháng 8. 1945 ông và Hà Huy Giáp được cử ra Bắc dự quốc dân Đại hội tại Tân Trào.

Dân Mỹ Luông, Chợ Mới (An Giang) không thể nào quên phong trào Đông Dương Đại hội năm 1937. Xin giới thiệu ngắn gọn sự kiện lịch sử này: Năm 1936, phe dân chủ thắng thế ở Pháp. Chính phủ Léon Blum (Đảng Xã hội) lên cầm quyền. Léon Blum làm chuyện hiếm thấy là mở rộng dân chủ ở các nước thuộc địa, phóng thích chính trị phạm, gửi phái đoàn điều tra sang Đông Dương tìm hiểu nguyện vọng của dân chúng thuộc địa. Chủ báo La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông Rè), cử nhân luật khoa Nguyễn An Ninh viết trên báo cho biết đây là dịp may không thể lặp lại lần thứ hai và đề nghị nên lập Đông Dương Đại hội để tuyên truyền vận động dân chúng viết đơn trình bày nguyện vọng được hưởng các quyền tự do dân chủ: gọi là các "thỉnh nguyện thư”.

Tháng 7.1937, phái đoàn chính phủ Léon Blum do ông Justin Godard tới Mỹ Luông và Chợ Mới để thu thỉnh nguyện thư của dân trong vùng. Tòa soạn báo Dân Chúng lấy xe nhà báo đưa ông Honel, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp thay mặt trưởng đoàn Godard tới thăm dân chúng trong tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang). Tiếp phái đoàn đảng Cộng sản Pháp tại Mỹ Luông là anh Ba Khiêm (Ung Văn Khiêm). Anh Ba Khiêm và ông Honel trò chuyện bằng tiếng Tây và sau khi thu hết các thỉnh nguyện thư để tiếp tục lên Chợ Mới , ông Honel ôm hôn anh Ba Khiêm. Dân Mỹ Luông sửng sốt trước chuyện hiếm thấy. Người Pháp ôm hôn thắm thiết anh Ba Khiêm là dân cộng sản vừa mới từ Côn Lôn trở về sau khi mãn án 5 năm tù về tội làm quốc sự. Họ thắc mắc: Tại sao Tây ở thuộc địa thù ghét cộng sản còn Tây chính quốc lại khoái cộng sản tới mức ôm hôn giữa đường giữa xá...

Nhưng Mặt trận Bình dân (Front Populaire), chính phủ xã hội Léon Blum chỉ sống có hai năm rồi sụp đổ. Bọn thực dân lại tác oai tác quái ở thuộc địa như trước. Biết dân Mỹ Luông và Chợ Mới có xu hướng theo cộng sản, Thống đốc Pagès ra lệnh tái lập trật tự hai nơi này trước nhất và để nắm chắc tình hình, đích thân ông ta đi kinh lý hai nơi này.

Năm đó, cò Bazin mới chỉ là cò liên tỉnh Sa Đéc - Vĩnh Long - Long Xuyên. Để lập công, ngay đêm trước ngày Pagès đi kinh lý, Bazin đích thân tới Mỹ Luông và Chợ Mới bắt hết các phần tử nguy hiểm mà đứng đầu sổ là Ba Khiêm, người đã được Tây cộng sản ôm hôn thắm thiết giữa chợ Mỹ Luông.

Tại Chợ Mới, Bazin chỉ huy tên tay sai đắc lực là xếp Hiến gom bắt 12 phần tử nguy hiểm đã từng tiếp đảng viên cộng sản Pháp Honel và được ông này ôm hôn giữa chợ cũng như đã ôm hôn Ba Khiêm tại chợ Mỹ Luông.

Duyệt danh sách, Bazin kêu lên: 

- Thiếu thằng chef de file (thằng cầm đầu) Ung Văn Khiêm. 

Xếp Hiến lười biếng nói: 

- Thằng Ba Khiêm ở cù lao Giông, mà bây giờ tối quá rồi ! 

Bazin trợn trừng: 

- Nửa đêm cũng đi bắt nó cho tôi! 

Thế là thầy trò cùng tiểu đội mã tà xuống canô tức tốc tới cù lao Giông. Ba Khiêm đang nằm trong buồng cái quán lá sát bờ sông với vợ và đứa con gái đầu lòng mới lên ba. Bị xếp Hiến tới giật dậy khỏi giường, Ba Khiêm lật đật thay đồ để đi theo xếp Hiến. Chừng bước ra khỏi nhà, anh chợt nhớ: 

- Quên cái bóp có giấy thuế thân. Để tôi vô lấy đem theo.

Bazin và xếp Hiến sợ Ba Khiêm kiếm chuyện để bỏ chạy hoặc nhảy xuống sông, xếp Hiến cản lại: 

- Không cần giấy tờ gì hết! 

Bazin cũng cười nói: 

- Ung Văn Khiêm quá nổi tiếng, cần gì phải mang theo giấy tờ phòng thân. Thôi đi, khuya rồi! 

Về tới Chợ Mới, Bazin cho giam hết 12 người bị bắt trước còn Ba Khiêm thì được đưa lên xe hơi của Bazin về Sa Đéc. Đêm đó Ba Khiêm bị muỗi cắn cả đêm trong khám Sa Đéc. Đến chiều hôm sau Bazin mới cho thả. Về sau Ba Khiêm được biết Bazin bắt mấy anh em làm quốc sự ở Chợ Mới là để chuyến kinh lý của tên thống đốc Pagès tiến hành suôn sẻ, không bị mấy cha chặn đường dâng kiến nghị lôi thôi. 

Vừa đi được một khúc đường thì một tên mã tà chặn lại: 

- Cho xem giấy thuế thân! 

Ba Khiêm liền nói: 

- Tôi bỏ quên ở nhà. Khi được cò Bazin mời, tôi xin trở vô nhà lấy thì Bazin cười nói: "Không cần, ông nổi danh quá, ai không biết mà đem theo giấy tờ làm gì !".

Tên mã tà lạnh lùng nói: 

- Không có giấy thuế thân hả? Vậy thì xin mời trở vô khám. 

Lại bị muỗi đốt thêm một đêm nữa! Càng nghĩ càng tức con cáo già Bazin chơi xỏ mình. Anh lẩm bẩm: 

- Được! Mày chơi tao trước, tao chơi lại, mày đừng có trách. 

Suốt đêm vừa đập muỗi vừa nghĩ kế, Ba Khiêm tìm ra cách chơi lại Bazin. Anh cười ha hả một mình trong khám: 

- Mày sẽ biết cú đá giò lái của tao như thế nào! Nó còn độc hơn "sát thủ giản" của Tần Thúc Bảo hay "hồi mã thương" của La Thành.

Sáng hôm sau, khi được thả ra về, Ba Khiêm lên xe đò chạy riết lên Chợ Mới thảo một bài báo lấy hết 12 chữ ký nạn nhân của cò Bazin trong chuyến kinh lý Chợ Mới của Thống đốc Pagès. Xong, anh lên xe đò tốc hành về Sài Gòn, tới các tờ báo quen thuộc nhờ đăng bài viết của anh chơi tên cáo Bazin.

Bài viết của anh bằng tiếng Pháp nhan đề "Les mesquineries de Monsieur Bazin" (Trò nhỏ mọn của cò Bazin) và một bài nữa tên "Les basses vengeances de Monsieur Bazin" (Chuyện thù vặt của cò Bazin), đăng trên hai tờ báo La Lutte ngày 4.4. 1937 và báo La Travail ra cùng ngày.

Trong một lúc bị chơi trên hai tờ báo tiếng Pháp, cò Bazin nhảy dựng lên, chửi thề ỏm tỏi rồi sau đó thấm đòn kêu trời như bộng: "Mon Dieu, ce Ung Van Khiêm mais c'est formidable!" (Chúa ơi, thằng Ung Văn Khiêm, thật là quá quắt!).

CHÂU VĂN LIÊM NGƯỜI THẦY GIÁO CÁCH MẠNG

Ông Châu Văn Liêm sinh năm 1902 tại Ô Môn (Cần Thơ), tốt nghiệp trường Sư phạm về dạy học ở Long Xuyên. 

Năm 1926, ông được kết nạp Thanh niên Cách mạng đồng chí hội cùng với Ung Văn Khiêm. 

Năm 1929, ông được cử dự Đại hội tại Hương Cảng. Về nước, ông thành lập An Nam Cộng sản đảng. 

Ngày 3. 2.1930, ông cùng Hoàng Quốc Việt, Phan Hữu Lầu sang Cửu Long dự Hội nghị Thống nhất Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Tháng 4.1930, ông hy sinh trong cuộc biểu tình tại Hóc Môn.

Thầy giáo Châu Văn Liêm được vinh dự lớn: Tên ông được đặt cho trường trung học thời Tây mang tên là Collègede Cần Thơ, sau đổi là trường Trung học Phan Thanh Giản. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - ngày 30.4.1975 - ngôi trường lớn nhất Tây đô thời Tây lấy tên Châu Văn Liêm. Ngoài ra, Cần Thơ còn có đại lộ lớn nhất cũng mang tên Châu Văn Liêm. Sài Gòn và các tỉnh đều có trường và đường Châu Văn Liêm. Chi tiết trên cho thấy nhân dân miền Nam luôn nhớ sự nghiệp cách mạng của ông.

Châu Văn Liêm sinh năm 1902 tại Ô Môn (Cần Thơ). Con nhà nghèo, thông minh và cần cù, ông được học bổng và tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn năm 20 tuổi. Được bổ nhiệm về dạy học tại trường Long Xuyên, thầy sớm nổi tiếng dạy giỏi. Năm nào số học sinh của thầy cũng đậu tiểu học cao hơn hết. Do vậy, bà con gọi ông là thầy Châu Nhứt (có nghĩa là thầy Châu dạy lớp Nhất mà cũng có nghĩa là thầy dạy giỏi Nhất).

Năm 1926, thầy Châu vận động các trường tổ chức lễ truy điệu và bãi khóa để tang chí sĩ Phan Châu Trinh. Thầy sớm giác ngộ chính trị nên được kết nạp vào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Thầy đã dìu dắt các anh Trần Văn Thạnh, Nguyễn Văn Cưng, và Ung Văn Khiêm vừa bị đuổi khỏi đường Collège sau vụ để tang và bãi khóa tháng 4.1926. Được sự phân công của Đảng, thầy xin nghỉ dạy để điều hành trường tư thục Sa Đéc Học đường.

Trường này là cái nôi đào tạo thanh niên yêu nước để trở thành cán bộ dân vận. 

Năm 1929, ông được bầu Đại biểu Kỳ bộ Nam Kỳ dự Đại hội ở Hương Cảng. Trở về nước ông hoạt động thành lập An Nam Cộng sản đảng. Năm 1930, ông cùng hai ông Phạm Hữu Lầu và Hoàng Quốc Việt sang Hương Cảng dự hội nghị thống nhất đảng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đó là ngày lịch sử 3.2.1930. 

Tháng 4.1930, ông Liêm lên Đức Hòa công tác. Ông lần lượt gặp thầy giáo Võ Văn Mong và bà Trương Thị Sáu tức bà Nguyễn An Ninh để được giới thiệu tới các cơ sở quần chúng trong vùng. Ông lên Đức Hòa lãnh đạo cuộc biểu tình đòi giảm sưu thuế. Hàng ngàn người kéo từ Đức Hòa lên Chợ Lớn. Tại Đức Hòa ông đứng trên mô đất trình bày các yêu sách của dân chúng. Cò Tây cùng đám mã tà kéo tới đàn áp. Ông bình tĩnh đương đầu với cò Tây. Người thông ngôn của tên cò dịch kém, ông trình bày các yêu sách bằng tiếng Pháp. Thằng cò biết ông là người cầm đầu liền rút súng bắn ông chết tại trận. Lúc đó, Châu Văn Liêm mới có 28 tuổi.

Cái chết của ông càng làm cho đồng bào tham gia hoạt động đòi cải thiện đời sống, đòi dân chủ tự do. Mười năm sau, dân Đức Hòa hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và ngày ta cướp chính quyền, Đức Hòa đã có đội quân chống Pháp lấy tên là Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa mà bộ chỉ huy là các ông Tô Ký, Tấn Chùa, Trần Văn Trà. Về sau, đơn vị này tách ra thành Chi đội 12 do Tô Ký chỉ huy, Chi đội 16 do ông Trần Văn Trà cầm đầu.

HÀ HUY GIÁP NHÂN CÁCH CAO ĐẸP

Đồng chí Hà Huy Giáp sinh năm 1907, tại xã Sơn Tịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông sớm hoạt động cách mạng và đã vào Nam đi vô sản hóa theo chủ trương của Đảng những năm 1930. Ông Giáp nhiều lần bị tù, ra Côn Đảo năm 1933. Năm 1936, ông được thả về quê nhà, đến năm 1939 lại bị bắt giam ở căng Trà Kê (Phú Yên). 

Nhật đảo chính Pháp, ông phá căng chạy ra, tìm đường về Sài Gòn tiếp xúc với các đồng chí cũ. 

Tháng 5. 1945, ông và Ung Văn Khiêm ra Việt Bắc dự Hội nghị Tân Trào.

Năm 1931 là năm đen tối của cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Cơ quan trước đó đóng ở ngôi nhà số 8, Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là Trần Đình Xu) rồi dời về 131 Hamelin (Lê Thị Hồng Gấm). Sáng ngày ấy, Ngô Đức Trì tới cơ quan bất ngờ bị lính kín phục tại đó bắt. Hà Huy Giáp cũng đạp xe tới đó vào đúng giờ hẹn - 11 giờ ngày 1.4.1931. Vừa xuống xe, anh bị hai tên lính chạy tới bắt. Giáp phi tang ngay bài báo viết về kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Anh bỏ vô miệng nhai nhưng hai tên mật thám bóp cổ anh móc bài báo ra. Chúng đưa anh ra đón xe điện trên đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) giải về bót. Lên toa xe điện, chúng bắt anh nằm dưới sàn xe để chúng đạp chân lên lưng anh. Hành khách trên xe ngạc nhiên hỏi, bọn mật thám nói:

- Thằng này ăn trộm xe đạp. 

May thay có một người biết anh Giáp kêu to lên: 

- Không đúng! Tôi biết thầy ký này, ông ta làm việc tại Mairie (Xã Tây). 

Tức thì hành khách nhao nhao lên: 

- Làm việc tại Xã Tây mà đi ăn cắp xe đạp? Vô lý quá ! Thầy này chắc là đệ tử của ông Ninh. Nguyễn An Ninh đậu cử nhân, tiến sĩ bên Pháp về mà ông nhất định không làm quan tòa hay thầy kiện mà làm báo rồi bán dầu cù là. 

Một cụ già nói với hai tên lính:

- Người ta làm quốc sự chống Tây, đâu có đụng chạm gì tới các ông mà các ông đối xử người ta tồi tệ vậy?

Hai tên lính mặt mày sượng trân. Tới trạm Chợ Lớn, chúng lôi anh Giáp về bót Polo. Hai tên này giao anh cho xếp bót Tây tên là Campana, một tên ác ôn nổi tiếng tra tấn những người bị bắt chết lên chết xuống. Về sau, anh Giáp mới biết hai người lính bắt mình tên là Tư Chí, người Bình Định và Nguyễn Văn Tây, quê Bà Rịa.

Cuộc tra tấn bắt đầu vào đầu giờ buổi chiều. Lận mề gà, dùng roi gân bò quất vào lòng bàn chân. Hai tên đồ tể Ngọc và Sương lận mề gà tới bốn lần rồi còn cho đi máy bay. Anh Giáp chết đi sống lại nhưng cố sức không rên la. Anh tập trung tinh thần nhớ bài thơ "La mort du loup" của Alfred de Vigny (Rên rỉ, kêu la, khóc than đều là khiếp nhược). Chúng chỉ hỏi có một câu:

- Tên thật của mày là gì? 

Anh Giáp vẫn khai tên trong giấy thuế thân giả là Bùi Văn Tế. Qua ngày sau có một thằng Tây làm việc ở Mairie biết mặt anh Giáp. Thế là anh Giáp bị lộ. Bọn thầy chú trong bót Polo xúm lại xem mặt một trí thức theo Cộng sản. Trong số đó có cả người Pháp. Một tên hỏi:

- Anh làm chính trị chắc biết cuộc cách mạng tư sản dân quyền năm 1789  ở Pháp chớ?

- Chúng tôi hoan hô cuộc cách mạng Pháp đã nêu lên khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Nhưng tại thuộc địa này, bọn thực dân làm trái ngược lại tôn chỉ cao quí ấy. Bằng cớ là chúng bỏ tù ông Nguyễn An Ninh chỉ vì ông ta muốn xây dựng một xã hội có đầy đủ Tự do, Bình đẳng và Bác ái. Nghe nói ngay trên đất Pháp ngày nay cũng chưa áp dụng được ba mục tiêu đó. Quyền lợi nước Pháp chỉ tập trung vào hai trăm gia đình đại tư sản. Còn đại đa số dân chúng vẫn sống trong nghèo đói...

Chợt xếp Campana tới, cuộc nói chuyện tạm đứt đoạn. Vài ngày sau, Tư Chí - kẻ bắt anh Giáp - tới gặp anh tâm sự :

- Những điều anh nói rất đúng. Mấy người Pháp cũng đã khen anh nói chính trị thật hay. Họ phục anh vì anh đang làm việc ở Xã Tây, lương cao mà dám bỏ đi theo cách mạng. Đúng anh là học trò của ông Nguyễn An Ninh, người đã làm cho Thống đốc Pagès kính phục.

Sau đó, Tư Chí tìm cách giúp anh Giáp trốn ra khỏi bót Polo. Khi anh ta bí mật trình bày kế mật thì bất ngờ làm sao, anh Giáp nói: 

- Cám ơn anh đã thương tôi mà bày kế thoát thân. Nhưng tôi thấy trong số anh em bị bắt ở đây có người xứng đáng được giải thoát trước tiên vì người đó mà được tự do thì rất có lợi cho cách mạng.

Tư Chí hỏi ai, anh Giáp nói: 

- Ung Văn Khiêm. Anh nên giúp anh Khiêm trước đi! 

Chín giờ đêm đó, anh Ba Khiêm được Tư Chí mở còng. Nương theo bóng tối, anh Khiêm thót lên một chiếc xe đạp ở ngoài sân, phóng nhanh ra ngoài. Không may có người trông thấy kêu toáng lên. Bọn lính rượt theo bắt lại được. Chúng còng hai ngón tay cái anh Khiêm bằng còng nhôm thật chặt. Chúng đánh tra khảo: 

- Ai tổ chức cho mày trốn? 

Anh Khiêm vẫn kiên gan khai trước sau như một : 

- Tôi tự tổ chức. Không có ai giúp. 

Mấy ngày sau, Tư Chí cho anh Giáp biết mật thám bao vây ngôi nhà số 11, Frère Guillerault (Tôn Thất Tùng) định bắt Trần Phú. Lúc đó, Tư Chí canh cửa sau , thấy một người lé đang từ trong cầu tiêu bước ra toan vô nhà. Anh cản đường bảo: 

- Trốn nhanh! Lính xét nhà.

Vì theo cách mạng, không bao lâu Tư Chí bị lộ và bị đày ra Côn Đảo. Bị nhốt chung khám với anh Nguyễn Thọ Chân (Sáu Khanh). Câu chuyện trên do Tư Chí kể cho anh Sáu Khanh. Nhờ vậy tình đồng chí cao cả của anh Hà Huy Giáp với anh Ba Khiêm mới thấu tới nhiều người.

DƯƠNG BẠCH MAI VÀ CHỦ TRƯƠNG THƯƠNG THUYẾT VỚI CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH CỦA PHÁP

Dương Bạch Mai (1905- 1964) quê ở Bà Rịa từng du học ở Pháp, tham gia Đảng Việt Nam Độc lập, rồi vào Đảng Cộng sản Pháp cùng với nhiều sinh viên, trong đó có Nguyễn Văn Tạo. Năm 1929, ông sang Moscou học Đại học Staline cùng khóa với các ông Bùi Văn Thủ, Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh. Năm 1932, ông về nước hoạt động tại Sài Gòn, cộng tác cho báo La Cloche Fêlée, La Lutte, Mai, Dân Quyền, với các ông Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm. Năm 1936-1937, ông đứng chung Sổ lao động của báo La Lutte cùng với Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Tạo ứng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn, nhân danh Mặt trận Vô sản thống nhất và đắc cử. Sau Đông Dương đại hội, Pháp khủng bố bắt giam các chiến sĩ cách mạng, ông bị cưỡng bức lưu trú tại Cần Thơ. Năm 1939 , ông lại bị bắt đầy ra Côn Đảo với các ông Bùi Văn Thủ, Nguyễn Văn Tạo, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn An Ninh. Đến năm 1943, ông được thả và bị quản thúc tại Tân Uyên (Biên Hòa).

Tháng 8. 1945, ta cướp chính quyền, ông là Thanh tra Chính trị miền Đông trong Lâm ủy Hành chính Nam Bộ. Năm 1946, ông là thành viên trong phái đoàn Việt Nam sang Pháp dự hội nghị Fonlainebleau, sau đó cùng ông Trần Ngọc Danh ở lại Pháp, đại diện cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Người tù đặc biệt của Thống đốc Somalis 

Thống đốc Djibouti, thủ đô của xứ Somalis là ông Siriex nhận được lệnh khẩn cấp từ Paris dạy phải giữ lại một hành khách quan trọng đi trên tàu Vercors khi tàu này ghé bến Djibouti từ Marseille về Đông Dương. Dương Bạch Mai là đại biểu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris bị giải về Sài Gòn. Thống đốc Pual Henri Siriex thấy phân vân vì tháng 10.1946, ông đã được lệnh đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng nghi lễ dành cho quốc khách khi chiến hạm Dumond d’ Urville ghé lại cảng Djibouti. Nay là tháng 4.1947, không đầy nửa năm mà tình hình xoay chiều ngược lại 180 độ. Một trung úy và hai cảnh binh xuống tàu Vercors áp giải đại diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp lên bờ. Tuy lệnh trên không nói rõ, ông Siriex vẫn dành cho Dương Bạch Mai mọi ưu ái. Vì ông nghĩ các vụ bắt bớ chính trị thường có những diễn tiến bất ngờ nên phải thận trọng. Trên bàn viết của ông còn bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng và lúc này còn nhiều đại biểu cộng sản trong chính phủ. Tuy chiến tranh đã nổ ra nhưng chưa có sự đoạn tuyệt ngoại giao giữa hai chính phủ và bằng chứng là tại Paris còn có một phái bộ của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoạt động bình thường mà Dương Bạch Mai là thành viên. Vả lại, chính phủ Ramadier còn nuôi hy vọng liên lạc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghĩ vậy nên thống đốc Djibouti không giam Dương Bạch Mai vào ngục đá mà mời tới ngụ tại nhà nghỉ mát Arta trên vùng núi đồi như là một chính khách bị quản thúc, có hai cảnh binh làm bạn đêm ngày.

Paul Reynaud, kẻ thù của Dương Bạch Mai 

Ngày 13.3.1947, trong cuộc họp tại Quốc hội, do Paul Reynaud chủ trì sóng gió đã nổi lên. Cánh hữu đả kích dữ dội chủ trương thương thuyết với Hồ Chí Minh, Paul Reynaud, nguyên Thủ tướng, là người chống thương thuyết ác liệt. Ông ta đứng lên đọc hai bản tư liệu tố cáo Việt Minh để "cho Quốc hội sáng con mắt ra". Dưới đây là bản tóm tắt hai bản tư liệu đó:

Khi Hồ Chí Minh tới Fontainebleau ông đem theo hai đại biểu: Dương Bạch Mai, từng sang Nga với cái tên Bourov và Trần Ngọc Danh, cũng có tên Nga là Blokov. Khi Hồ Chí Minh về nước thì hai người này ở lại Paris, văn phòng họ tọa lạc tại đường Sainte Anne. Họ có bốn tùy viên báo chí.

Đại úy quân Pháp Gordon, công tố viên tòa án quân sự thường trực Sài Gòn đã có hai văn bản về Dương Bạch Mai.

Sau khi Nhật đầu hàng, Việt Minh phong Dương Bạch Mai, Thanh tra chính trị miền Đông. Với chức vụ đó, Dương Bạch Mai là con ác thú lên cơn (nguyên văn: béte féroce déchainée). Mai đã chỉ huy đánh phá chúng ta (thực dân Pháp - NH) trong tỉnh Bà Rịa và Long Thành. Mai bắt các người Pháp chủ đồn điền cao su làm con tin và sau đó ra lệnh thủ tiêu để cướp tài sản...

Trong khi Reynaud đọc thì dân biểu Legrendre chỉ lên tầng trên nói to: 

- Tên đó có mặt tại đây, trên khán phòng thứ sáu. 

Dân biểu Bougrain hét to: 

- Đóng các cửa phòng họp! Ai phát thẻ cho tên đó vào đây? Đề nghị bắt ngay! 

Đại biểu Piene Cot: 

- Đã có lệnh bắt người ta chưa? 

Dân biểu Flonmond Bonte: 

- Có lệnh nào cho phép bắt người trong khu vực dành cho dân chúng? Phải tôn trọng tự do của nền Cộng hòa. 

Chủ trì tuyên bố tạm ngưng một tiếng mười lăm phút.

Dương Bạch Mai vẫn bình tĩnh trong khi sóng gió nổi lên. Ông có quyền dự các phiên nhóm của Quốc hội với tư cách phóng viên báo chí của nước Việt Nam. Khi Quốc hội tái họp, ông vẫn ngồi ngay chỗ cũ. Trong khi ông thủ thế thì một người Pháp chồm tới, nói vào tai ông: "Ông cứ ngồi đây đừng bỏ đi đâu. Ở đây rất an toàn cho ông. Chốc nữa, tôi sẽ giúp ông ra khỏi nơi này". Người tốt bụng này là ai vậy? Không phải là đại biểu cộng sản mà là một tham biện từng làm Tỉnh trưởng ở thuộc địa. Tên ông là Jean Duplessis Kergomard, đã phục vụ lâu năm ở Đông Dương. Năm 1945, ông là Chánh văn phòng Cao ủy D’Argenlieu, nay về Pháp làm Tổng thư ký ủy ban Điều tra thái độ các tỉnh trưởng Pháp ở Đông Dương dưới thời chính phủ Vichy (của thống chế Pétain). Lúc ở Sài Gòn, ông có biết Dương Bạch Mai. Ông quả quyết Mai không phải là "con ác thú lên cơn", trái lại là một phần tử ôn hòa trong những ngày đẫm máu tháng tám và tháng chín 1945. Một viên chức khác từng ở Đông Dương, ông Bousquet giúp ông Mai thoát ra bằng một cửa nhỏ. Kergomard yểm trợ ông Mai lên xe và đưa về tận văn phòng đường Sainte Anne.

Cuộc họp tiếp tục. Paul Reynaud lại đọc tư liệu tố cáo Việt Minh. Phó Thủ tướng Mairice Thorez và Bộ trưởng Quốc phòng Francois Billoux đứng lên, ngang nhiên rời phòng họp. Reynaud tố Dương Bạch Mai giết các chủ sở cao su Pháp và cướp tiền của nạn nhân, như xử các anh em Tortel và Quintemet lấy nữ trang trị giá 40.000 và nửa tấn ngà voi. Cuối cùng anh ta kết luận: "Những vụ giết người cướp của đều do Hồ Chí Minh chủ mưu, cho nên chúng ta không thể thương thuyết với ông ta".

Thì ra đây là âm mưu của phe chủ chiến, đem vụ tố Dương Bạch Mai để đi tới kết luận là không thể thương thuyết với Việt Minh.

Dương Bạch Mai bị truy nã 

Dương Bạch Mai mà Quốc hội Pháp làm xôm trò rốt cuộc có phải là "con ác thú lên cơn" như Paul Reynaud tố hay không? Xin giở hồ sơ mật ra xem:

Năm 1947, Mai được 44 tuổi và có một quá trình hoạt động đa dạng. Ông xuất thân trong một gia đình tư sản Nam Kỳ, đã học bên Pháp và có lối sống của người Âu, giao du thân mật với người Pháp. Ông có bà con với tướng Nguyễn Văn Xuân tốt nghiệp trường Bách khoa Pháp, nhân vật tên tuổi trong giới có tinh thần tự trị. Dương Bạch Mai là một người hấp thụ văn hóa Pháp, ông bắt đầu làm công chức, sau đó sang làm ngân hàng. Có một hay hai năm làm nhân viên tập sự Quỹ Tiết kiệm ở Paris, sau đó tiếp thu chủ nghĩa Mác. Bỏ ngân hàng ông sang Nga học Đại học Staline với cái lên Nga Bourov. Trở về nước vào lúc Đông Dương Đại Hội, ông hoạt động mạnh và đắc cử Hội đồng thành phố trong Sở Lao động. Năm 1938, thoái trào, ông bị Pháp bắt đầy ra Côn Đảo 7 năm. Cách mạng Tháng Tám, ông giữ chức Giám đốc Công an và sinh hoạt với nhóm Văn hóa Mác-xít. Nhân vật tích cực trong nhóm này là ông André Canac, thuyền trưởng Jean Chesneaux, sau là giáo sư Sorbonne; bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Mai Văn Bộ... Trong thời gian đảm trách ngành công an, ông Mai đã thả nhiều người Pháp bị bắt oan. Sau khi quân Pháp chiếm Sài Gòn, ông Mai lên miền Đông. Nơi đây xảy ra nhiều vụ giết các chủ sở cao su Pháp mà nhà chức trách quy trách nhiệm cho ông Mai, lúc đó ông giữ chức Thanh tra Chính trị miền Đông. Do hồ sơ của ông không có nhiều vấn đề nghiêm trọng nên chính phủ Pháp thông qua danh sách phái đoàn thương thuyết Việt Nam, trong đó có ông. Sau đó, ông là phó đoàn đại biểu Việt Nam ở Pháp mà trưởng đoàn là Trần Ngọc Danh.

Paul Reynaud đả kích ông Mai vì nghe lời em vợ là ông Gassier, kỹ sư trưởng Sở Cầu đường Đông Dương, có liên hệ mật thiết với các chủ sở cao su bị giết. Vụ tố cáo này do nhóm chủ chiến giật dây. Thực dân nhằm phá chủ trương thương thuyết với Việt Minh đứng đầu là Cao ủy D’ Argenlieu.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, lệnh truy nã từ Sài Gòn được gửi qua Paris. Khi cảnh sát tới văn phòng đường Sainte Anne bắt Dương Bạch Mai, tự Bourov thì con chim xanh đã bay tự bao giờ. Trốn có nghĩa là thú nhận? Hay là tìm nơi cất giấu tài liệu trước khi bị bắt? Theo điều tra thì được biết ông Mai đã xách hành lý ra ga vào lúc 22 giờ để đi Thioville. Mật thám đã khám giấy thông hành của ông. Từ đó có thể ông sang Bỉ. Đến Bruxelles thì mất dấu. Ông Mai đã mất tích về phía Đông. Báo chí Pháp viết là "Dương Bạch Mai đã chuồn, mang theo tất cả số nữ trang cướp của mấy chủ sở cao su bị hành quyết theo lệnh ông ta".

Trong đêm 18 rạng 19.3, Quốc hội nhóm, Paul Reynaud lại nêu lên chuyện Dương Bạch Mai tẩu thoát và nhấn mạnh: "Dương Bạch Mai đã giết ít nhất là năm người Pháp và nhiều người Việt, bạn của nước Pháp. Hai tư liệu tôi đọc trước Quốc hội không phải là các bài báo mà là văn bản của Tòa án quân sự Sài Gòn. Dương Bạch Mai trốn có nghĩa là anh ta nhìn nhận có tội. Cần ký lệnh truy nã".

Nhưng đùng một cái, sáng ngày 19 , báo Franc-Tireur đăng bài phỏng vấn Dương Bạch Mai tại Paris. Thì ra đồng chí Bourov đã trở về Paris sau chuyến du hí bên nước Bỉ.

Sáng ngày 20, Cảnh sát tới văn phòng đường Sainte Anne thì gặp ngay đồng chí. Mai được đưa về Cảnh sát cuộc Marseille để xuống tàu giải về tòa án quân sự Sài Gòn. Tàu Vercors sắp sửa nhổ neo.

Cao ủy Bollaert can thiệp 

Lúc Dương Bạch Mai bị bắt, Cao ủy D’ Argenlieu sắp bị thay thế. Từ ngày 3.3, Thủ tướng Ramadier đã ký bổ nhiệm người thay. Theo gợi ý của tướng Leclerc, Cao ủy Đông Dương phải là một chính khách, ông Emile Bollaert. Bollaert là thượng nghị sĩ, nguyên Thứ trưởng, xuất thân công chức cao cấp. Trước khi sang Việt Nam, ông Bollaert chờ nhận các chỉ thị về chủ trương của chính phủ về chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, Ramadier có xu hướng thương thuyết với các chính đảng trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Chính phủ muốn tìm một giải pháp trung dung giữa hai phe chủ chiến và chủ hòa trong quốc hội. Nhưng cái khó là thương thuyết với ai đây?

Đúng lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tiếng: "Nếu chính phủ Pháp chính thức tuyên bố nhìn nhận độc lập và thống nhất cho Việt Nam và bảo đảm thực hiện chính sách đó thì các vấn đề khác sẽ được giải quyết dễ dàng. Nước Pháp chỉ cần nói một tiếng để chấm dứt ngay các vụ thù nghịch, để tình hữu nghị và tin tưởng tái hiện. Nếu bất kể lòng mong mỏi, thành thực yêu chuộng hòa bình của chúng tôi, nước Pháp tiếp tục chiến tranh thì người Pháp sẽ mất hết tất cả mà không được gì, bởi chiến tranh chỉ đem lại hận thù của hai dân tộc. Chúng tôi yêu cầu chính phủ Pháp cho biết rõ ràng chính sách đối với Việt Nam".

Cùng trong ngày ấy, trưởng đoàn Trần Ngọc Danh tuyên bố sẵn sàng tiếp xúc chính phủ Pháp để tiếp tục các cuộc thương thuyết. Từ ngày 18, Chính phủ Hồ Chí Minh đã cải tổ để trấn an dư luận Pháp. Các phần tử ôn hòa được đưa vô chính phủ như ông Hoàng Minh Giám, trước ở trong đảng Xã hội Pháp SFIO, giờ là Bộ trưởng Ngoại giao.

Các chỉ thị giao cho Bollaert ngày 23.3, có xu hướng hòa giải. Cao ủy mới chủ trương thương thuyết với bất cứ ai, miễn là chịu ở trong Liên hiệp Pháp. Ngày 1.4.1947, Bollaert tới Sài Gòn, chọn Pierre Messmer từng là Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt thay ông Sainteny và chủ trương thương thuyết với chính phủ Hồ Chí Minh. Bollaert chọn Giáo sư Mus làm cố vấn. Trong một tháng - tháng tư - Bollaert khuyến khích liên lạc với đối phương để xúc tiến thương thuyết.

Chính trong tình thế đó mà hồ sơ Dương Bạch Mai được ông Bollaert không quan tâm tới. Làm lớn chuyện, không ích gì mà còn trở ngại cho cố gắng thương thuyết. Vả lại, đọc sơ qua các cáo trạng, ông Bollaert cho là mơ hồ, không đủ sức thuyết phục, ông đòi cung cấp thêm bằng chứng, cần có thời gian. Cho nên, ông điện sang yêu cầu tạm giữ Dương Bạch Mai tại Djibouti. Sự có mặt của ông Mai tại Sài Gòn trong lúc này không có lợi gì.

Thế là ông Mai mà Paul Reynaud tố là "con ác thú lên cơn" ở lì tại nhà nghỉ mát trên vùng đồi núi Erta như dân giàu có lên Đà Lạt tránh nóng hè oi bức miền nhiệt đới. Nhưng ông Mai vẫn nghĩ tới ngày bị giải về Sài Gòn và ra tòa án quân sự. Ông viết thư cho cô bạn là luật sư trẻ ở Paris - cô Marie Louise Jacquier - Cachin là ái nữ lãnh tụ Đảng cộng sản Pháp Marcel Cachin. Ông Mai đề nghị cô Cachin sang Djibouti gặp ông để cô làm lý đoán biện hộ cho ông. Nhưng chuyến đi đó bất thành vì nhà cầm quyền Djibouti không có thẩm quyền cho phép luật sư gặp ông Mai, quyền đó thuộc về Sở Tư pháp Sài Gòn. Cô Cachin đành phải chờ ông Mai được giải về Sài Gòn để sang làm lý đoán biện hộ.

Dương Bạch Mai được xử êm 

Bộ trưởng chiến tranh Coste-Floret sang Đông Dương ngày 26.4.1947. Ông là người chống thương thuyết với Hồ Chí Minh. Sang Việt Nam lần này, ông ta chỉ thị cho tướng Valluy thuyết phục Cao ủy Bollaert bỏ chủ trương thương thuyết với Hồ Chí Minh.

Valluy là tay háo thắng nên đưa ra điều kiện để ngưng bắn hết sức lố bịch như buộc đối phương giải giao 180 đại liên, 675 trung liên, 1.000 tiểu liên, 30.000 súng trường, các đại bác, bích kích pháo, máy vô tuyến... Tất cả khoảng 50% số vũ khí của Việt Minh, theo Sài Gòn ước lượng. Cùng với nhiều điều khoản khác hết sức vô lý, rõ ràng Valluy chỉ muốn đối phương đầu hàng.

Tất nhiên đối phương không trả lời Valuy, Bollaert liền nhờ giáo sư Mus tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 12.5, khi gặp Hồ Chủ tịch, Paul Mus đã nêu lên các điều kiện của Bộ Tham mưu Pháp. Hồ Chủ tịch đã trả lời một câu được ghi vào lịch sử: "Nếu chúng tôi chấp nhận những điều ấy chúng tôi là những kẻ hèn. Trong Liên hiệp Pháp mà giáo sư nói với tôi đó, không có chỗ nào dành cho những kẻ hèn" (nguyên văn: "Si nous acceptons cela, nous serions des lâches. Dans'l" Union Francaise, dont vous me parlez, il ne saurait y avoir de places pour les lâches).

Do bị tên háo thắng Valluy đầu độc, ông Bộ trưởng Chiến tranh Coste- Floret tuyên bố với báo Figaro về chuyến sang Việt Nam của ông ta: "Tôi nghĩ rằng không cần bàn về giải pháp quân sự ở Đông Dương. Các thành tựu của quân đội chúng ta thật toàn diện". Sự thật như thế nào? Valluy tăng cường quân lực cố thủ phía Bắc, rút quân từ Trung Bộ và Nam Bộ, hy sinh hai vùng này để tạo một thế mạnh giả tạo tại miền Bắc. Valluy còn nuôi tham vọng bao vây chiến khu Việt Bắc để chụp bắt Chính phủ Hồ Chí Minh. Valluy báo với Thủ tướng Pháp Ramadier về cuộc tấn công qui mô này. Thủ tướng Pháp đồng ý với điều kiện là chỉ tiến hành chiến dịch Lea này khi các thăm dò thương thuyết đều thất bại. Đúng vào lúc đó, Việt Minh lại cải tổ nội các, đưa các phần tử ôn hòa như ông Tạ Quang Bửu thay ông Võ Nguyên Giáp. Ông Bửu không phải là cộng sản mà là thủ lĩnh thanh niên có tinh thần quốc gia, rồi còn các ông Phan Kế Toại, một khâm sai đại thần trước kia, ông Hoàng Minh Giám...

Nằm trong nỗ lực kéo Việt Minh vào vòng thương thuyết, tháng 8.1947, Cao ủy Bollaert dự định đọc bản tuyên bố kêu gọi Việt Minh cộng tác với người Pháp mà các ý lớn đã được Chính phủ Pháp thông qua.

Bollaert dự định đọc lời tuyên bố vào ngày 15.8 và để tạo uy thế, sẽ ra lệnh quân đội Pháp ngưng bắn trong một thời gian. Mục đích là lôi kéo không chỉ riêng Việt Minh mà nhiều đảng phái vào hiệp nghị theo kiểu hội nghị bàn tròn. Bảo Đại cũng được mời trong hội nghị bàn tròn này. Đây là sáng kiến trung dung của Bollaert, đi giữa hai xu hướng đối địch - Léon Blum chỉ muốn thương thuyết với Hồ Chí Minh còn Phong trào Cộng hòa Bình dân (MRP) thì muốn đưa Việt Nam trở về chế độ quân chủ với Cựu hoàng Bảo Đại. Đám thực dân muốn có một nước Việt Nam có Bảo Đại làm Quốc trưởng và Hồ Chí Minh làm Thủ tướng.

Valluy phá Bollaert và muốn chụp bắt đầu não Việt Minh 

Valluy tin vào chiến thắng gần kề nên không tán thành chủ trương thương thuyết của Bollaert mà ra sức tạo uy thế cho Bảo Đại để đánh bại uy thế Việt Minh. Ngày 24.7, Valluy triệu tập các tư lệnh hải, lục, không quân, nêu rõ chủ trương đánh vào đầu não Việt Minh để đâu đó chuẩn bị sẵn sàng. Sau đó, Valluy bay sang Paris tiếp xúc ba yếu nhân Georges Bidault, Pierre Henri Teitgen và Paul Coste-Floret để ba ông này can thiệp với Thủ tướng Ramadier, buộc triệu hồi Bollaert về và ra lệnh hoãn việc đọc lời tuyên bố tại Hà Đông.

Ngày 16.8, một cuộc họp liên bộ mở ra tại Điện Matignon, có mặt Cao ủy Bollaert và Tổng Tư lệnh Valluy. Bài diễn văn của Bollaert được phân tích và sửa chữa, cắt bỏ những từ quan trọng như ngưng bắn, độc lập. Không có vấn đề đơn phương ngưng bắn, cũng không có vấn đề độc lập, mà vẫn dùng từ mơ hồ là tự do như trước. Bài diễn văn mất phần hấp dẫn, nhưng Bollaert vốn là công chức quen phục tùng đành chấp nhận những cắt xén, tuy biết có đọc cũng không ai thèm nghe.

Năm ngày trước đó, Việt Minh lại một lần nữa vươn lên trong thế ngoại giao. Ngày 11.8, tại Bangkok, Trần Văn Giàu, đại diện Chính phủ Việt Nam tại Đông Nam Á đã gặp bộ truởng Pháp Pierre Étienne Gilbelt để thông báo các điều kiện thương thuyết của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các điều kiện đó là thống nhất ba kỳ và Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp. Về quân sự, Việt Nam có quân đội với huấn luyện viên người Pháp và liên hệ chặt chẽ giữa các bộ tham mưu. Về ngoại giao, Việt Nam theo chính sách của Pháp trong Liên hiệp Pháp, có đại diện ở Trung Quốc và Thái Lan…

Bài diễn văn của Bouaert ngày 10.9 tại Hà Đông là một thất bại thảm thương. Nhưng đối với chính phủ Pháp thì nó vô nghĩa, bởi Pháp đã chọn giải pháp Bảo Đại. Người đề ra giải pháp này là ông Pignon ngày 18.8, Bảo Đại từ Hồng Kông lên tiếng sẵn sàng thương thuyết với Pháp. Liền sau đó, Thủ tướng Ramadier cho phép Valluy tiến hành cuộc hành quân đại qui mô, nhảy dù xuống Cao Bằng, Bắc Cạn chụp đầu não Việt Minh. Cuộc hành quân này không đem lại kết quả mong muốn.

Chặng chót cuộc hành trình gian khổ của Dương Bạch Mai 

Hi vọng thương thuyết với Chủ tịch Hồ Chí Minh tan theo mây khói, Cao ủy Bollaert không còn ưu ái Dương Bạch Mai, tự Bourov. Tháng 10, có lệnh áp giải Dương Bạch Mai về Sài Gòn. Thống đốc Djibouti đưa ông Mai về Sài Gòn.Trớ trêu thay, người áp giải ông Mai lại là đồng chí Canac trong nhóm mác-xít Sài Gòn mà ông Mai từng sinh hoạt.

Ông Mai được giam giữ trong khám Chí Hòa. Ông yêu cầu chính quyền Sài Gòn cho phép luật sư Cachin sang biện hộ cho ông. Cô luật sư cộng sản trẻ tuổi này ở Sài Gòn suốt năm tháng để tranh đấu cho đồng chí Mai. Cô đã gặp Cao ủy Bollaert và được tiếp tử tế. Cô tỏ ý hài lòng vì chế độ thực dân ở Sài Gòn khá hơn bên Bắc Phi, còn nhìn nhận quyền bào chữa trong các vụ án chính trị.

Một Hiệp hội các bạn của Dương Bạch Mai được thành lập tại Sài Gòn, trong đó có rất nhiều người Pháp cánh tả. Nhiều người làm giấy chứng nhận trong thời kỳ nắm quyền Giám đốc Công an Sài Gòn, ông Mai rất ôn hòa, đã trả tự do cho nhiều người Pháp bị bắt oan. Cô Cachin đã thuyết phục được Cao ủy Bollaert dẹp hồ sơ thiếu bằng cớ thuyết phục (nguyên văn: un dossier mal étayé). Xong vụ kiện, cô Cachin bay về Paris vào tháng Giêng năm 1948. Biện lý Matrat, cấp bậc đại úy, chỉ tuyên án quản thúc ông Dương Bạch Mai tại Kontum. Hai tháng sau, ông Mai vượt ngục trở vô khu kháng chiến.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Mai kết thúc trong thầm lặng. Sức khỏe của ông suy yếu từ ngày ra Côn Đảo. Hoàn cảnh thiếu thốn trong chiến khu không cho phép ông gượng lại được. Một người gốc tư sản trí thức Nam Bộ, từng sống nhiều năm ở Pháp, khó thích nghi với cuộc sống chật vật lúc về già. Ông là một người cộng sản ôn hòa, chân chất. Ông rất nhớ quê hương Bà Rịa của ông. Có một thời gian ông hoạt động trong Hội Hữu nghị Việt - Xô và Hội Hữu nghị Việt - Pháp. Năm 1956, ông may mắn gặp lại các đồng chí Canac và Jean Deplessis Kergomard (người đã giúp ông thoát hiểm tại Quốc hội Pháp), lúc đó là đệ nhất cố vấn phái đoàn Tổng lãnh sự Pháp tại Hà Nội. Năm 1963, ông Mai từ trần, đám tang rất to, có Chủ tịch Hồ Chí Minh tới viếng.

Trong một lần dự giỗ của ông, có một vị lão thành tặng cho tôi quyển truyện ký của nhà báo, nhà văn Georges Chaffod, tựa là Simple historie du Camarede Bourov. Bài viết này căn cứ theo quyển sách trên.

NGUYỄN VĂN TẠO HAI LẦN ĐẮC CỬ HỘI ĐỒNG TP. SÀI GÒN

Ông Tạo quê ở Gò Đen (Long An) du học ở Pháp, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, về nước ông viết báo và hoạt động chính trị, nhiều lần bị bắt giam. 

Ông đắc cử Hội đồng thành phố Sài Gòn hai lần. Lần sau bị thực dân gian lận và bác bỏ kết quả sau đó bắt đầy ông ra Côn Đảo rồi đưa về căng Bà Rá. Năm 1946, ông Tạo ra Trung ương lãnh chức Bộ trưởng Lao động.

Ông Tạo là một trong số 19 sinh viên bị chính phủ Pháp đuổi về nước vì đã biểu tình trước Điện Élysée (dinh Tổng thống Pháp) để phản đối việc chính phủ thuộc địa tàn sát dã man nhân dân Yên Bái và xử tử 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu. 19 sinh viên yêu nước ấy là Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Phương, Lê Bá Cang, Ngô Quang Huy, Trần Văn Chiêu, Phan Văn Chính, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Đơm, Trần Văn Tư, Đặng Bá Lân, Lê Thiếu Tự, Đặng Văn Phát, Vũ Liên, Nguyễn Văn Tân, Trịnh Văn Phú, Trương Duy Tam và Nguyễn Văn Đạm.

Ông Tạo quê Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông du học bên Pháp tại Lycée Mignet, tỉnh Aix en Provence, hoạt động chính trị và gia nhập đảng Cộng sản Pháp. Về nước, ông tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn trong làng báo Việt và Pháp. Ông làm chủ bút báo Trung Lập, sau cộng tác với báo La Cloche Felée của ông Nguyễn An Ninh và các báo La Lutte, Dân Quyền, Mai. Năm 1936, ông tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, sau đó bị Pháp bắt. Ông cùng các đồng chí tuyệt thực phản đối. Thực dân quản thúc ông tại Cần Thơ. Dù vậy ông vẫn viết bài cho báo Đuốc Nhà Nam trên Sài Gòn.

Năm sau 1937, được trả tự do, ông tham gia nhóm Tranh Đấu ứng cử Hội đồng thành phố Sài Gòn cùng với Dương Bạch Mai, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và đắc cử. 

Hai năm sau, ông lại ứng cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ cùng với nhóm Tranh Đấu. Nhóm ông thắng cử nhưng chính quyền thực dân gian lận. Ông và nhóm Tranh Đấu phản đối tới Toàn quyền và Quốc hội Pháp. Cuộc tranh đấu được bà con Hóc Môn, Tân An, Mỹ Tho ủng hộ, đồng thời đòi quyền dân chủ. Pháp nhân đó đàn áp và đày ông ra Côn Đảo từ năm 1940. Tới 1943, ông bị đưa về căng Bà Rá. Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, anh em tù nhân đốt trại, quê ai nấy về. Ông Tạo về Sài Gòn tham gia hoạt động ráo riết để cướp chính quyền Sài Gòn vào ngày 25.8.1945. 

Năm 1946, ông Tạo ra Trung ương giữ chức Bộ trưởng Lao động. Ông hoạt động tích cực và mất tại Hà Nội năm 1970, thọ 62 tuổi.

NGUYỄN VĂN TRÂN NGUỜI CẢM HÓA GIANG HỒ BÌNH XUYÊN

Ông Nguyễn Văn Trân sinh năm 1908 tại Bình Đăng, sang Pháp học năm 1923 lúc 15 tuổi. Ông chuyển sang học nghề khi lên Paris và được Đảng cộng sản Pháp giới thiệu sang Nga học trường Staline(1927-1930). 

Về nước ông hoạt động bí mật và bị lộ năm 1933. Ông bị quản thúc tại gia nhưng vẫn tiếp tục hoạt động như đi bán dầu cù là với chí sĩ Nguyễn An Ninh. Ông phụ trách nhóm giang hồ Bình Xuyên của thầy nghề võ Nguyễn Văn Mạnh (Tám Mạnh) đưa nhóm này tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa và Nam Bộ kháng chiến.

Cậu học sinh Nguyễn Văn Trân mơ sang Pháp học, cậu xin mẹ tiền. Mẹ không có đủ, phải xin bà con mỗi người một ít. Tổng cộng được 118 đồng. Trân đưa cho ông Vân, thủy thủ tàu Porthos một trăm, còn lại sắm bộ đồ tây trắng. Trân xuống tàu Porthos vào tháng 7.1923, lúc 15 tuổi. 

Trân sang Pháp đúng mùa hè nhưng thấy lạnh, phải hỏi mượn chăn bác Vân quấn cho ấm. Điều lạ lùng là đầu tiên, Trân thấy trên nước Pháp, dân nghèo cùng cực, phải moi thùng rác kiếm bánh mì hoặc vớt bánh mì trôi trên sông, vắt nước rồi chia nhau ăn. Thì ra dân Tây ở nước họ cũng nghèo khổ như dân mình. 

Ông Vân giới thiệu Trân với nhóm Việt kiều ở Marsreille. Họ đưa Trân về Aix-en-provence, giới thiệu học trường trung học Mignet. Nội trú ba tháng là 1.500 quan (một đồng Đông Dương ăn 27 quan). 

Tại đây, Trân quen với anh Nguyễn Văn Tạo; anh Phấn, cháu ông Võ Công Tồn ở Gò Đen; anh Trần Văn Hiển, con ông hương trưởng Hoài. Năm thứ ba, Trân xin học nghề. 

Anh bắt đầu đọc báo Humanité và nghe diễn thuyết về chính trị, gia nhập Hội Cứu tế đỏ.

Lần đầu tiên Trân tham gia cuộc biểu tình chống Đốc phủ Vịnh lại Marseille. Vịnh là tay thân Pháp, sang Tây ký kết cho Pháp gia hạn quyền cai trị ở Việt Nam. Cuộc biểu tình này do Hiệp Hội bồi tàu tổ chức. Khi Vịnh tới bến tàu, nhạc Tây trỗi lên inh ỏi. Vịnh mặc áo dài, khăn be, ngực đầy mề đai đỏ rực. Một người Pháp chạy tới thoi vào mặt Vịnh.Dân chúng la ó vang rần. Lập tức người Pháp này bị bắt. Báo chí loan tin ngay. Đảng Cộng sản Pháp từ Paris xuống với các luật sư lấy tư liệu để biện bộ cho người này. Ba tháng sau, tòa đem ra xử. Luật sư cãi cho anh trắng án. Dân chúng vỗ tay hoan hô vang dội pháp đình.

Năm 1925,Trân tham gia thanh niên cộng sản Pháp bán báo Humanité, báo Paria. Những người lãnh đạo nhóm sinh viên Việt Nam có các ông Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, trạng sư Trịnh Đình Thảo, Võ Văn Lúa giành chức Chủ hội Học sinh Việt Nam với ông Trịnh Đình Thảo, bị đả đảo dữ dội. (Sau này giáo sư Lúa theo Tây, làm thông dịch cho phái đoàn Pháp tại Hội nghị Đà Lạt năm 1946). Năm 1927, kinh tế khủng hoảng lúa rẻ như bèo, gia đình gửi thư qua cho biết không có tiền cho Trân đóng học phí. Trân không về nước như gia đình gợi ý mà tiếp tục học ở Pháp, vừa học vừa kiếm việc làm. Trân lên Paris học vô tuyến điện và học vẽ. Đêm đi rải truyền đơn Đảng Cộng sản Pháp. Có lần phân phát truyền đơn vào giờ tan sở, các công nhân ra về, Trân bị cảnh sát bắt nhốt mấy tiếng đồng hồ.

Do hoạt động tích cực, Trân được kết nạp vô Đảng Cộng sản Pháp và thời gian sau, được giới thiệu sang Nga học trường Đại học Staline. Chuyến đi bí mật có nhiều tình tiết ly kỳ gấp trăm lần chuyến đi chui từ Sài Gòn qua Marseille mấy năm trước. 

Trước tiên, anh Hoàng đưa Trân tới sứ quán Liên Xô làm hộ chiếu.

Giấy đề tên Trung Hoa ở Vân Nam. Trân phải học thuộc tên suốt thời gian sang Nga. Đúng vào lúc đó, ông Nguyễn An Ninh sang Pháp lần thứ hai, ghé báo Việt Nam Hồn Phục Quốc của Nguyễn Thế Truyền. Biết Trân sang Nga mà ít tiền, ông Ninh cho thêm 500 quan.

Hai anh Hoàng và Hiển đưa Trân tới ga. Ngồi trên tàu, Trân đóng vai công tử Vân Nam học vẽ, nay về quê. Tới bữa, có người mang cơm tới, Trân cứ việc ăn, hỏi trả tiền thì người đó cười, khoát tay. Tới Berlin, đã có người đón tại sở phiên dịch kế nhà ga. Ở Berlin vài ngày, Trân được đưa sang Ba Lan. Tại thủ đô Varsovie, Trân gặp phái đoàn Đảng Cộng sản Pháp qua Nga dự lễ Cách Mạng Tháng Mười , họ được lệnh cho Trân nhập đoàn dự lễ trước khi vô trường học.

Phái đoàn Pháp, trong đó có Trân, được Nga đón tiếp long trọng. Một kỷ niệm khó quên là trong dịp này, Trân được Ban tổ chức yêu cầu phát biểu vắn tắt về Việt Nam với Cách Mạng Tháng Mười. Hàng ngàn người dán mắt vào Trân đang ngồi trên bàn chủ tịch đoàn. Cố trấn tĩnh, Trân nói mấy câu tiếng Việt để được dịch ra tiếng Nga: "Tôi là người Việt Nam, là dân mất nước, bị áp bức bóc lột. Chúng tôi được Đảng Cộng sản Pháp cử đến dự lễ kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười năm thứ mười. Tôi thấy vinh dự cho người Cộng sản chúng tôi. Chúng tôi rất hoan nghênh Cách Mạng Tháng Mười. Nhờ Lénine mở đường cho chúng tôi học tập để sau này giải phóng dân tộc chúng tôi". Hội trường hoan hô khoảng 15 phút. Còn Trân thì quá xúc động đến "hết hồn, hết vía".

Ngày hôm sau, Trần Phú tới chào Trân và yêu cầu Trân viết tiểu sử, quá trình hoạt động, tại sao qua học với mục đích gì.

Tuần sau, Trần Phú dẫn Trân tới Quốc tế Cộng sản nhận giấy giới thiệu về trường.

Cùng khóa với Bảy Trân có các học viên Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Trần Phú, Bùi Lâm, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Dương Bạch Mai, Trần Đình Long, Bùi Ái.

Trong số này, Lê Hồng Phong là Đại úy phi công Liên Xô, Trần Phú là phiên dịch tiếng Nga.

Khi Trần Phú và Ngô Đức Trì về nước, sau ba năm. Trân làm tổ trưởng thay Trần Phú. Tiếng Nga của Trân cũng khá nhờ quyết tâm học với cô vợ Nga. Trân được mời đi nói chuyện với công nhân Nga và dịch các tài liệu.

Mùa hè năm 1930, Trân được Quốc tế Cộng sản phân công trở về công tác. Đi bí mật, ông về càng bí mật hơn. Trân được cấp một vali hai đáy có nhiệm vụ đưa về nước hóa chất in tài liệu và 3 ngàn đồng Đông Dương dùng làm quỹ hoạt động cho Đảng. Khi đi, nếu lính lục xét phải mau đập vô lọ hóa chất, không để rơi vào tay địch, đồ đạc trong vali là tài liệu tối mật, không được mở ra xem dọc đường.

Cùng về nước một lượt với Trân là Bùi Công Trừng. Cả hai cùng đi một chuyến tàu nhưng làm như người lạ. Tới Leningrad, một người đón hai anh. Xem ra thì người này cùng đi một toa với anh nhưng giữ bí mật. Ở khách sạn sang, ăn ngày ba bốn lần, dư tiền, hai anh em Trân, Trừng đi viếng các danh lam thắng cảnh. Vài tuần sau, có xe tới đón, đưa xuống tàu biển chạy qua Hambourg (Đức) với sự hướng dẫn của một phụ nữ. Chị này thân mật khuyên Trân ăn nhiều để có sức khỏe đi đường. Bến tàu Hambourg của Đức lớn hơn Marseille nhiều. Tới Hambourg, thuyền trưởng tàu Liên Xô bắt tay Trân và Trừng nói: "Nhiệm vụ tôi đã hoàn thành. Chúc các đồng chí tiếp tục cuộc hành trình bình an vô sự”. Tại bến cảng, một xe chở hai đồng chí Việt Nam tới khách sạn. Một người Đức nói tiếng Pháp tiếp hai anh và giao vé xe đi từ Hambourg đến Berlin. Tại Berlin cũng có người đón, đưa về nhà, căn dặn không được đi dạo phố, phải nói tiếng Pháp, không được nói tiếng Việt hay Nga. Vài tuần sau, có liên lạc đưa qua Bruxelles, Bỉ. Xe lửa chạy cả ngày đêm. Dân Bỉ nói tiếng Pháp nên hai anh thấy dễ chịu. Hai anh ngụ tại nhà một bác sĩ Bỉ có nhiệm vụ đưa khách qua biên giới Pháp. Trên đường đi, bác sĩ bố trí vợ con ngồi bao bọc hai anh, đề phòng lính cảnh sát chặn xe xét hỏi. Gần tới trạm gác biên giới, bác sĩ dừng xe cho hai anh xuống đi bộ qua biên giới, đi thật tự nhiên. Còn ông ta thì móc thuốc mời lính trong chòi canh hút.

Qua khỏi ranh giới, hai anh được một xe chờ sẵn. Xe phóng nhanh tới một nhà trong đồng, vào nhà thì thấy bữa ăn đã dọn sẵn. Ăn xong, mỗi người được tặng hai bộ quần áo. Chủ nhà nói: "Các anh hoạt động bí mật. Còn một trạm này nữa là tới nơi an toàn. Chặng này hơi khó. Vậy hai anh chịu khó ngồi xe chở heo. Nếu cảnh sát chặn xe hỏi giấy tờ thì hai anh cứ đập cho heo kêu lên inh ỏi. Bọn lính sẽ bực mà cho xe chúng ta đi cho xong việc". Đúng như lời dặn, khi xe bị lính thổi còi chặn xét, hai anh đạp mấy con heo khiến chúng la hét om sòm. Bọn lính xem xét qua loa, trả lại giấy tờ xe, khoát tay cho xe chạy. Không bao lâu, xe chở heo tới một nhà quen. Chủ xe cười bảo hai anh vô nhà tắm gội, thay đồ để đi tiếp tới ga xe lửa về Paris. Tắm xà phòng thơm, mặc bộ đồ mới, Trân thấy mình đẹp trai và dễ chịu. Một chiếc xe sang đưa hai anh tới anh ga, có sẵn hai vé hạng nhất. Đi suốt đêm thì tới Paris, ăn mặc sang trọng, ngồi toa hạng nhất, hai anh là dân Paris nên rất tự tin. Không một lính cảnh sát nào hỏi giấy hai người. Lên taxi tới hiệu cà phê sang gần nhất, Trân dùng điện thoại liên lạc với văn phòng Đảng Cộng sản. Mười phút sau, có người tới đưa về văn phòng. Tại đây, có chỉ thị cho hai anh: "Đến quán Biancourt, có phòng ngủ gần đó, ăn ngủ trong phòng, không nên đi chơi và giao thiệp với người Việt đề phòng lính kín. Giấy tờ các anh gửi trước khi qua Nga, chúng tôi giữ kỹ. Khi nào các anh về nước, sẽ giao lại cho các anh".

Vé tàu đã được mua trước, Trân và Trừng xuống Marseille. Trước khi rời Paris, Trân nhận lại đồ đạc của mình. Anh châm lửa đốt tất cả hình ảnh chụp ở Paris, vì thấy đưa chúng về nước không có lợi. 

Tới Marseille thì Trân và Trừng làm mặt lạ, như là không hề quen biết nhau. Mỗi người được bố trí khác nơi.

Trân được bố trí dưới hầm tàu, chung quanh chất đầy rương và vali, ngồi dậy thì đầu đụng trần, phía bên có cửa kính tròn. Ăn cơm xong, anh mở cửa ném tất cả xuống biển; đi tiêu cũng cho vào giấy, vứt xuống biển. Bồi tàu là người Hoa nói tiếng Việt rất rành. Anh ta đưa Trân lên boong tàu để thở và đi tắm vào ban đêm. Phải chịu đựng cảnh bị cầm tù trong phòng cầm cố mấy tuần, thật vất vả. Khi tàu tới Khánh Hội, Trân nôn nóng muốn xuống ngay bến. Nhưng thuyền trưởng thận trọng bảo: "Chớ nôn nóng. Chờ mọi người lên hết rồi, đầu hôm tôi sẽ hộ tống anh bạn trẻ lên bến". Cùng lúc đó, anh bồi bảo Trân : "Đồ của anh cứ để trên tàu. Tàu đi qua Nhật rồi quay trở lại, chừng đó anh cho người tới lấy thì tiện hơn lấy ngay đêm nay. Anh nên xuống mình không, chỉ đem theo những thứ thật cần thiết".

Đúng 9 giờ đêm, thuyền trưởng ăn mặc chỉnh tề, đeo lon trung tá hàng hải, cặp tay Trân lên bến cảng Nhà Rồng. Hai người vừa đi vừa nói chuyện thân mật trước mắt đám lính kín ngồi lố nhố ở các quán cà phê trước bến cảng. Đưa Trân tới cầu Quay (nay là Bến Nghé), thuyền trưởng dừng lại, bắt tay Trân, cười nói: "Tôi đã làm xong nhiệm vụ với đồng chí. Xin chúc đồng chí hoạt động được nhiều kết quả".

Trân sang Pháp năm 1923, đến 1930 về nước. Tám năm ròng xa gia đình, xa quê hương, nay trở về Trân nghe lòng lâng lâng xúc động. Sài Gòn trở nên lạ lẫm, nhà cửa mọc lên như nấm, lại có xe điện chạy giữa thành phố nối liền Sài Gòn-Chợ Lớn. Trân gọi xe kéo đến bến xe Chợ Lớn ở đường Tổng đốc Phương (Châu Văn Liêm). Mười giờ đêm, bến xe sáng trưng, rất đông người. Trân bao một chiếc, bảo tài xế đi Gò Công, nhưng tới Phú Lạc thì xuống. Tài xế cự nự nhưng Trân cười, đưa đủ số tiền bao xe đi Gò Công. Tài xế cám ơn rối rít, quay xe trở về Chợ Lớn. Đó là cách giữ bí mật đánh lạc hướng bọn lính kín và điểm chỉ ở bến xe.

Dù ban đêm, Trân vẫn cố quan sát tình hình. Lúc xe qua cầu Mới (nay là cầu Nhị Thiên Đường), lính chặn xe lại xét, tài xế trình giấy tờ. Lính ngó Trân lom lom. Trân hơi chột dạ nhưng làm tỉnh móc túi lấy bao thuốc thơm Lạc Đà mời : "Đêm lạnh, thầy đội hút một điếu cho ấm". Anh bật đốt thuốc cho tên lính. Thấy khách sang trọng lại lịch sự, tên lính khoát tay cho xe qua. Trân suy nghĩ: Các tin tức cho biết Pháp đang khủng bố các cuộc đấu tranh giành quyền dân sinh, dân chủ. Việc canh gác ở các ngã tư rất nghiêm ngặt. Mình cần thận trọng. Nghĩ lại mới thấy công tác bảo vệ cán bộ của Quốc tế Cộng sản từ Pháp sang Nga thật là chu đáo. Đó là bài học vỡ lòng, công tác bí mật mà Trân học được trong chuyến sang Nga và trở về nước.

Trân chờ tài xế quay về nơi đi bộ vài trăm thước, gọi một người đang cất vó tôm lại hỏi nhà người dì, bất ngờ người đó là Ba Cường, con của dì. Trân nhờ Ba Cường đưa về nhà dì. Dì không nhận ra cháu. Trân ôm dì nói: "Con là Trân đây mà". Dì đẩy Trân ra nhìn một lúc rồi kêu lên: "Té ra mầy còn sống. Ở nhà, ai cũng tưởng mày chết, vì năm, bảy năm qua không có thư từ gì. Tội nghiệp má mày, ngày nào cũng cúng cơm mầy".

Trân giao các món quốc cấm nhờ Ba Cường cất giấu và mượn chiếc áo thầy tu của Ba Cường mặc vô, bảo: "Có ai hỏi tôi thì anh nói có ông lễ sanh từ Tây Ninh xuống". Sau khi bố trí cho mình một vỏ bọc tương đối an toàn, Trân mới nhờ Ba Cường mời mẹ anh tới gặp anh. Cẩn thận như vậy vì nhiều lý do. Mẹ anh già yếu, dễ xúc động. Anh cũng ngại về nhà mẹ vì có thể gây sự chú ý của những kẻ tò mò, Trân vô cùng chua xót khi thấy mẹ bệnh hoạn, ốm o. Bà bị đau bao tử, bán hết đồ đạc chữa trị mà không hết. Bà cũng không nhận ra Trân... Thế mới biết, trong tám năm ở Pháp, Trân từ cậu bé quê mùa đã lớn lên thành một thanh niên to cao, đến mẹ mà cũng không nhận ra. Trân cho mẹ 100 đồng để lo thuốc thang trị bệnh. Bà mẹ cứ nhìn Trân lạ lẫm: "Mầy làm gì mà bây giờ sang trọng, giàu có như vậy?". Trân chỉ cười chứ không dám nói thật mình đã là cán bộ cộng sản chuyên nghiệp, được đào tạo tận bên Nga về.

Xong chuyện tình cảm, thấm thoát đã tới ngày tàu Porthos từ Nhật cập bến Nhà Rồng. Trân nhờ Tư Ó là em Ba Cường tới bến tàu nhận vali của anh. Sau đó, nhờ Tư Ó tới nơi Bùi Lâm ở để giao các món hàng quốc cấm. Việc liên lạc gặp trục trặc, Trân không thể ở lỳ Phú Lạc được nên nhờ Ba Cường đưa lên Tòa thánh Tây Ninh giới thiệu để học đạo và làm công quả.

Việc chọn Tòa thánh Tây Ninh làm nơi trú ẩn của Bảy Trân rất có ý nghĩa. Trước nhất, đạo Cao Đài đang bành trướng mạnh khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Đạo còn vươn tới Campuchia và Trung Kỳ nữa. Đó là nơi Trân vừa ẩn náu vừa tìm hiểu đạo Cao Đài. Khi Ba Cường giới thiệu Bảy Trân với Giáo tông Lê Văn Trung, Trân trình bày rằng mình là sinh viên từ Pháp về, nghe nói đạo Cao Đài là đạo mới có sức bành trướng mạnh đến giáo hội Thiên chúa giáo cũng lo ngại, nên anh quyết tâm tới tận nơi để tìm hiểu giáo lý của đạo. Giáo tông thấy Trân đẹp trai, học giỏi, biết đánh máy chữ, liền thâu nhận ngay.

Tòa thánh Tây Ninh có thư viện lớn, Bảy Trân tha hồ nghiên cứu. Nhưng anh không thấy giáo lý thích hợp với mình, một người đã tiếp thu chủ nghĩa Marx. Trân cũng nhận thấy một số chức sắc có sinh hoạt không thực hiện đúng với những điều Đấng Chí Tôn răn dạy. Từ đó, anh không nghiên cứu đạo lý nữa mà xoay qua tiếp xúc với mấy chục nhân viên ấn loát Tòa thánh có một nhà in lớn để in kinh kệ, thánh ngôn của Đức Chí Tôn và các vị Tiên Thánh giáng cơ trong các buổi hầu đàn. Phụ trách nhà in là giáo hữu Non, rất mê Bảy Trân kể chuyện bên Tây. Nhờ vậy, Trân lần mò tranh thủ được giáo hữu Non và anh em án công.

Ngày kia, Tư Ó báo tin Bùi Lâm muốn gặp Bảy Trân trên chùa Bà ở núi Bà Đen. Bùi Lâm cùng học một khóa với Bảy Trân ở bên Nga và được Quốc tế Cộng sản giao trách nhiệm quản lý tiền bạc và hóa chất in ấn. Hai người gặp nhau trên núi, Trân hẹn ngày giờ và địa điểm để giao tiền và hóa chất cho Bùi Lâm. Địa điểm là đình Phú Lạc, lúc bấy giờ đã biến thành chùa Cao Đài. Cũng trong dịp này, Bùi Lâm bố trí Bảy Trân công tác tại Xứ ủy Nam Kỳ mà văn phòng đóng tại đường Hamelin (về sau, chế độ cũ  đổi tên đường là Hồ Văn Ngà).

Bảy Trân giã từ Thánh thất Tây Ninh để tới đường Hamelin nhận công tác mới: phụ trách Đặc ủy Hậu Giang. Ngày ấy, ba ủy viên thường trực Xứ ủy Nam Kỳ ở đường Hamelin là Ngô Đức Trì, Nguyễn Văn Tây và Nguyễn Văn Kỉnh. Ngô Đức Trì cùng học ở Nga với Bảy Trân.

Đầu năm 1931, Bảy Trân xuống Chợ Mới, Long Xuyên (An Giang) phụ trách đặc ủy Hậu Giang. Chuyện nhớ đời là vừa tới nơi, Trân bị kiết lỵ. Phải mất cả tuần chữa trị, Trân mới đẩy lui được bệnh. Tuy yếu sức, Bảy Trân cũng mở khóa chính trị đào tạo cán bộ cơ sở. Lớp học mở tại Chợ Mới. Số học viên mười mấy anh gồm có Sún, Cựa, Gù, Phẩm... Dạy nửa chừng thì thiếu vải sơn (để kẻ khẩu hiệu), giấy mực để in tài liệu, Trân phải về Phú Lạc xin tiền mua sắm các thứ. Chừng trở xuống Chợ Mới, tới lớp học là nhà anh Sún thì thấy dàn bầu trước cửa bị sập, nhà đóng cửa kín mít. Biết có biến, Bảy Trân đi thẳng tới chùa. Tại đây, một tiểu đồng báo tin dữ: "Ông ơi, thầy tôi bị lính bắt rồi. Lính kín đang nằm trong nhà. Ông đi gấp đi". Bảy Trân giao văn phòng phẩm cho cậu bé, dặn cất kỹ rồi quay trở về chùa Phú Lạc.

Vừa về tới Phú Lạc, Trân được dì Bảy cho xem một bức thư của phụ nữ lạ tới nhờ trao lại cho Xồi. Xồi là bí danh mà ba anh ở văn phòng Xứ ủy Hamelin đặt cho Trân. Bức thư báo tin chẳng lành: "Anh em bị bắt hết rồi. Mầy phải tìm gặp chị Sáu Điếc và Thành ủy ở Bà Chiểu. Ký tên: Tây".

Đã được báo trước Bảy Trân đề cao cảnh giác. Xế chiều ngày kia, Trân nghe tiếng xe hơi đậu ngoài bờ đường làng. Trân nhanh chân chạy ra đồng, cặp mé dừa nước băng qua đập, tìm xe chạy qua Cần Giuộc. Sau đó nghe tin, biết một liên lạc của Tỉnh ủy Chợ Lớn là Lưu Đinh Tứ bị bắt, dẫn lính tới bắt Bảy Trân. Trân tìm anh thợ mộc Năm Tuấn nhờ đưa tới chị Sáu Điếc như anh Tây dặn trong thư. Năm Tuấn chủ quan, không đưa Trân đi gặp ngay giáo Long (Hồ Văn Long) - Bí thư Tỉnh ủy Long An, đợi sáng sẽ đi. Nào ngờ nửa đêm, lính kín ập vào nhà, Trân bỏ chạy, bị bắn nơi chân. Không chạy thoát, anh lủi xuống bùn nhưng cũng bị bắt lôi lên xối nước rửa mặt để xem có phải giáo Long không. Xong, chúng kéo lên đưa về bót Pôlô. Bọn đồ tể ra tay tra khảo, Bảy Trân khai đến Năm Tuấn đặt đóng ghe chài. Năm Tuấn cũng bị đánh rất đau. Không chịu nổi đòn tra, Tuấn chịu đưa đi bắt giáo Long. Anh đưa đi lòng vòng từ Chợ Trạm tới Chợ Đào hết cả đêm để tranh thủ thời gian cho giáo Long trốn. Chừng biết mình bị lừa, bọn lính đánh Tuấn chết đi sống lại.

Riêng về Bảy Trân thì cứ khai mình là người Tàu theo giấy thuế thân giả. Ba anh thường trực văn phòng Xứ ủy Hamelin đặt tên anh là Xồi. Còn anh em Đặc ủy Hậu Giang gọi anh là Thành.

Có một nhân vật mà Bảy Trân nhớ mãi trong bót Pôlô. Anh này là người miền Trung, tên Tư Chí. Ở bót Pôlô, Tư Chí có nhiệm vụ đưa cơm cho tù. Đối với tù, anh rất tử tế, đôi khi lén mua bánh mì cho tù nhân khi không có thầy chú. Dễ sợ nhất là hai tên đao phủ Ngọc và Sung... Trân bị hai tên này đánh chảy máu mắt và trật bả vai.

Tư Chí thầm bảo Trân: "Chớ khai thêm. Nó sẽ thả anh trong nay mai". Nhưng sau đó, xếp Campana đá Trân một cái, nói: "Tao biết mầy là ai rồi". Anh ta ra lệnh cho Ngọc và Sung đánh tới tấp. “Mầy khai láo. Cho mầy chết!". Bảy Trân bất tỉnh nhưng khi tỉnh lại vẫn không khai. Chừng đó chúng mới đưa tập ảnh anh em chụp ở Nga. Đủ cả. “Mầy đây nè, tên Nga đàng hoàng, Pirgomy. Còn đây là Ngô Đức Trì... tên Nga là Lemeh, phải không?”.

Đúng là anh em cùng khóa với Trân. Nhà trường đã giữ các tấm ảnh lại không cho ai mang về nước. Tại sao địch có cả xấp thế này? Chắc là có giòi trong xương rồi.

Dù vậy, Trân cũng không nhận người trong ảnh là mình: “Người giống người thiếu gì? Ai khai tôi, xin cho tôi đối chất".

Xếp Campana liền đẩy Ngô Đức Trì vô phòng điều tra. Trì sượng sùng nói. "Tao bị đánh chết đi sống lại, không chịu nổi nên khai hết. Tao xin lỗi mầy”. 

Chừng đó, Trân mới bật tiếng Tây nói với Campana: 

- Đúng, người trong ảnh là tôi. Tôi học ở Pháp rồi qua Nga. Từ ngày về nước, đau lên đau xuống, không làm gì được. Những người nông dân mà tôi ở nhờ không biết lôi làm chính trị.

Xếp Campana truy tới cùng. Trân lựa lời khai sao cho hợp tình hợp lý. Ở bót Pôlô 6 tháng, Trân được giải qua Khám Lớn Sài Gòn vào đầu năm 1932. Trân bị giam ở Khám 2. Vào đây thì gặp Ung Văn Khiêm và nhiều đồng chí khác. Thấy Trân nói tiếng Tây khá, anh em bầu Trân làm đại diện tranh đấu xin muối ăn, xin xà bông tắm, không ăn cá nhớt, khô mục. Nói chung là đòi cải thiện đời sống trong tù. Tây không nhượng bộ, anh em bãi thực. Trân bị bắt đưa ra khám anh Ninh. Anh Nguyễn An Ninh đậu cử nhân Luật bên Pháp,đang học thêm để lấy bằng tiến sĩ về nước làm báo. Tờ La Cloche fêlée (Tiếng Chuông Rè) của anh có mục đích nâng cao dân trí, đồng thời tranh đấu cải thiện dân sinh dân chủ, tố cáo hành vi ngu dân, xây nhà tù nhiều hơn trường học. Thực dân tìm cách bóp chết tờ báo. Ông Ninh xoay qua lập hội kín. Anh Ninh bị giam riêng một khám, vì sợ nhốt chung, nhiều nguời sẽ được anh tuyên truyền giáo dục làm quốc sự.Trân gặp anh Ninh như cá gặp nước. Hai anh đã quen nhau ở Pháp,còn nhớ anh Ninh đã tặng Trân 500 quan lúc Trân sang Nga. Ở khám chung với Ninh một tháng Trân tiếp tục tranh đấu, Tây nhốt cát-sô hai tháng. Ăn cơm lạt một tháng đầu,sau đó về khám chung với anh Ninh cho tới ngày ra tòa.

Lần lượt những anh học chung khóa với Trân đều bị bắt, giải vô khám Sài Gòn. Trước khi ra tòa, anh em được biện lý gọi lên lấy lời khai thêm. Bảy Trân cứ giữ lời khai cũ, trước sau như một. Biện lý quen thói chửi Cộng sản giết người cướp của, xúc lúa bắt heo. Bảy Trân cười nói: "Chuyện đó tôi không hề thấy. Tôi qua Pháp từ 14 tuổi, học văn hóa Pháp, sống trong nhà người Pháp,có mẹ đỡ đầu là nguời Pháp, theo cộng sản nhờ đọc báo Humanité của người Pháp. Tôi yêu nước Pháp như quê hương thứ hai của mình. Tôi kính trọng nhân dân tôi. Tôi chỉ chống những nguời bóc lột,hà hiếp nhân dân tôi". 

Biện lý gục gặc rồi hỏi tiếp: 

- Nếu thả ra, anh có tiếp tục làm Cộng sản nữa không? 

- Câu hỏi của ông khó trả lời. Nếu tôi nói không thì ông cũng không tin. Đã là con người, ai cũng muốn tự do, không ai muốn tù tội. Tôi có làm Cộng sản nữa hay không là do hòan cảnh thúc bách của con người. Còn đàn áp thì còn đấu tranh. Đó là chân lý. Vì vậy mà câu hỏi của ông khó trả lời. 

Về Khám Lớn, Trân kể lại cuộc đấu lý với biện lý, các anh em nhận định: "Tòa sẽ không buộc tội Trân nặng vì chỉ có một mình Ngô Đức Trì khai cho Trân mà thôi.Trả lời khôn khéo như vậy, chắc là sẽ ra truớc tụi tao. Nhớ ra rồi thì liên lạc hoạt động lại. Nên tiếp xúc với Tư Chí, vì nó là nguời tốt dù là nhân viên bót Pôlô”.

Một sáng đẹp trời, Trân được đưa qua Catinat làm giấy tờ quản thúc tại gia.Vậy là Trân được thả sau 9 tháng 9 ngày. Pháp bắt buộc Trân về ngụ tại Đa Phước, nơi nhà mẹ ruột, mỗi tuần phải trình diện Đốc phủ quận trưởng Chợ Lớn,mỗi tháng trình diện Tham biện chủ tỉnh, ra khỏi xã phải xin phép. Mấy tháng đầu,Trân tới trình diện quận và tỉnh, nhưng về sau thì lờ luôn. Khi nào bị hạch hỏi thì khai bệnh hoặc không tiền đi xe, không quần áo đàng hoàng để đi hầu quan lớn.

Nhiều đảng viên tới tìm Trân để nhờ chỉ dạy hoạt động, Trân khuyên họ phải hết sức thận trọng, khi thật cần mới đến vì anh đang bị làng lính dòm ngó.

Thời gian sau, anh đi bán dầu cù là với ông Nguyễn An Ninh. Đó là cách tuyên truyền trực tiếp với dân quê, vì tới chợ nào, ông Ninh cũng nói chuyện tình hình thế giới và trong nước cho dân nghe trước khi mời họ mua cù là. Cách nói chuyện của ông Ninh rất vui và hấp dẫn, ai cũng muốn nghe. Một ông tiến sĩ luật về nước mà không làm quan tòa hay trạng sư, lại đi làm báo, bán báo, bây giờ lại đạp xe đi bán dầu cù là khắp làng quê, xóm vắng là một hiện tượng lạ lùng, ai cũng có cảm tình và ráp nhau mua cù là ủng hộ.

Khi có anh Trân cùng đạp xe bán cù là thì ông Ninh rất vui vì có bạn đồng hành, lại là đồng tâm, đồng chí. Có bạn tâm đồng, đường dài hóa ngắn. Hai anh đi xe đạp từ Long Thành, Bà Rịa rồi Long Hải, có tiền thì ăn quán sang, ngủ nhà ngủ, không tiền thì ăn cơm trong chợ, ngủ trong chùa. Cuộc sống cơ cực nhưng vui vì lúc còn là sinh viên bên Pháp, hai người đã từng đi cắm trại hè khắp vùng quê. Trong những đêm không ngủ, ông Ninh tâm tình với ông Trân : "Xu thế của xã hội ngày càng tiến lên, tinh thần quốc gia nhỏ bé sẽ nhường bướ trước tinh thần quốc tế bao la. Tao sẽ giao cho mầy các đảng viên thanh niên cao vọng của tao để mầy chuyển họ sang lý tuởng cộng sản".

Nghe ông Ninh tâm tình như vậy, Trân khuyên ông gia nhập Đảng Cộng sản. Ông Ninh nói: "Để tao ở ngoài có lợi hơn cho phong trào. Với tư cách nhà trí thức yêu nước, tiếng nói của tao có tác dụng lớn hơn". 

Bảy Trân đi bán dầu cù là với ông Ninh từ năm 1933 tới năm 1936. Trong khi đi bán cù là, Trân vẫn tiếp tục đào tạo cán bộ cho Xứ ủy. Ngoài ra, Trân còn giúp đỡ tiền bạc cho anh Nguyễn Văn Tạo khi anh này về nước chưa tạo được chân đứng vững vàng. 

Có anh thanh niên Nguyễn Văn Trấn, quê Chợ Đệm làm báo Dân Chúng cũng tìm tới anh Bảy Trân để được bồi dưỡng về chính trị. Trân giới thiệu anh bạn trẻ Trấn với anh Tạo để dìu dắt trở thành nhà báo tài năng. 

Trong nhiều năm, Bảy Trân là sợi dây liên lạc giữa trung ương, Xứ ủy với hai anh Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai. Chỉ chuyển chỉ thị miệng chứ không văn bản. Vậy là Trân làm môi giới giữa công khai và bí mật. 

Có tờ báo duy nhất ở Sài Gòn ra mà không xin phép. Đó là tờ báo của Đảng, tờ Dân Chúng. Những người chủ trương báo này căn cứ theo đạo luật Pháp do quốc hội thông qua cho phép ra báo không cần xin phép. Còn ở Đông Dương, Toàn quyền ra sắc luật buộc báo ở thuộc địa phải xin phép. Theo luật pháp của Pháp thời ấy thì một sắc luật không có quyền lấn lướt một đạo luật do cơ quan lập pháp cao nhất nước soạn thảo. Vậy là tờ Dân Chúng xuất bản không xin phép.

Nhưng vấn đề chính của anh em là tiền. Mỗi kỳ ra báo phải mất ba chục đồng. Đảng nghèo không có quỹ ra báo. Đảng giao cho Trân vận động tiền. Trân biết một số Mạnh thường quân như ông Hội đồng Tồn (Võ Công Tồn) ở Gò Đen, chị Ba Bầu ở Phú Nhuận. Nhờ hai Mạnh thường quân nói trên mà hai tờ Dân Chúng và La Lutte làm nhiệm vụ phổ biến đường lối Đảng tới quần chúng.

Mỗi khi Trân tới tòa soạn, anh em vỗ tay hoan hô: "Kalinin lên kìa!" (Kalinin có nghĩa là nông dân). Tạo thân mật nhào tới móc túi Trân, chỉ chừa đủ tiền đi xe về nhà. Tác phong bình dân của Trân giống hệt nông dân nên đặt biệt danh Kalinin rất đúng.

Ngày nọ, Trân cùng Mười Vân tới nhà anh Nguyễn Văn Nguyễn. Mười Vân làm bồi cho Tây xếp lính kín bót Pôlô. Lúc đó, anh Nguyễn ở chung nhà với anh Trần Văn Hiển - con ông hương trưởng Hoài ở Chợ Gạo - và anh Đinh Nho Hàng. Nhà này nằm trên đường Frère Louis (Nguyễn Trãi) sau nhà bảo sanh Hồng Phúc. Trân định giới thiệu Nguyễn tới nhóm bồi bếp tiến bộ. Vừa tới nhà, thoáng thấy Đinh Nho Hàng, Mười Vân kéo Trân ra nói nhỏ: "Sao anh dẫn tôi vô nhà lính kín?" 

- Ai là lính kín? - Trân hỏi. 

- Ông đó là lính kín. Mỗi tuần ông ta tới chủ tôi hai lần. Trước khi gặp ông chủ tôi ở trên lầu , ông ta phải nhờ tôi đưa lên.

Bảy Trân giật mình. Ông không biết nhiều về Đinh Nho Hàng vì nguyên tắc bí mật. Chỉ biết Hàng làm việc với Nguyễn Văn Nguyễn. Bảy Trân lại đâm ra nghi Mười Vân vì anh ta là bồi lính kín. Có thể anh ta gây nghi ngờ giữa anh em mình. Thế nên Bảy Trân không nói gì. 

Anh nghĩ ra một kế:

- Khi nào ông đó tới gặp chủ anh, anh nhờ nó làm giúp một cái đơn thưa rằng bạn mượn tiền không trả. Anh đem cái đơn đó cho tôi.

Tuần sau, Mười Vân đưa đơn nhờ Đinh Nho Hàng viết. Bảy Trân so bản thảo, thấy rõ là nét chữ của Đinh Nho Hàng. Anh đưa lá đơn và trình bày rõ ràng cho anh Nguyễn. Anh Nguyễn lấy cái đơn nhưng làm thinh.

Tuần sau, Trân vẫn thấy Đinh Nho Hàng tại nhà Nguyễn. Hỏi ra thì Nguyễn nói: 

- Nó là vú sữa của tao. Thằng nào nói Đinh Nho Hàng là lính kín thì chính thằng đó là lính kín. 

Trân tức trào máu , nhờ hai anh Mai, Tạo thuyết phục Nguyễn, nhưng hai anh này xem thường chuyện cảnh giác. Trân biết sớm muộn gì Đinh Nho Hàng sẽ hại bộ ba Mai-Tạo-Nguyễn nên anh sớm ly khai để tránh hậu họa. 

Về sau, khi Mặt trận Bình dân thất bại, thực dân thẳng tay khủng bố. Bộ ba Mai-Tạo-Nguyễn bị bắt đầy Côn Đảo. Chừng đó Nguyễn mới biết Đinh Nho Hàng là lính kín. Than ôi, khi biết thì đã muộn rồi!

Thành tích lớn của Bảy Trân là nắm được giới giang hồ Bình Xuyên tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Vào tháng 8.1940, Bảy Trân được giao phụ trách ngoại ô Sài Gòn-Chợ Lớn, từ đường Trần Xuân Soạn, dưới dạ cầu Tân Thuận, chạy dài tới đường Phạm Thế Hiển, tới Cầu Sập đổ vô đường số 5 từ Xóm Củi đi Cần Giuộc. Đúng ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, Bảy Trân phải đưa dân chúng võ trang cướp chính quyền trong vùng phụ trách. Không có vũ khí trong tay, Bảy Trân nhớ tới giới giang hồ. Có thể kéo nhóm này theo cách mạng. Đây là một ý nghĩ mới lạ, vì kết nạp đảng, không ai nhắm vào giới đầu trộm đuôi cướp. Nhưng tình thế cấp bách, Bảy Trân đánh liều làm thử xem sao. Ông nhờ Tư Ó đưa vô Hố Bần tiếp xúc với ông thầy nghề võ Tám Mạnh để thăm dò. Khi thấy ông Tám Mạnh là người yêu nước, dạy võ để bảo tồn vốn võ cổ truyền của dân tộc, Bảy Trân đề nghị anh em giang hồ tạm ngưng đi hát để tập dượt võ nghệ, chờ ngày đánh làng lính Tây tà cướp chính quyền giành độc lập. Tám Mạnh nghe được, ra lệnh cho lâu la tướng tá dưới quyền chuẩn bị tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa. Do các nơi nổi lên loạc choạc, Bảy Trân cho lực lượng giang hồ Bình Xuyên rút êm chờ thời cơ thuận lợi hơn. Sau này, Bình Xuyên tham gia cướp chính quyền ngày 25 .8.1945 và lập nên 7 chi đội trong Liên khu Bình Xuyên, đánh Tây rất hăng hái.

Bảy Trân làm liên lạc giữa Giàu và giới trí thức yêu nước như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, luật sư Trịnh Đình Thảo, giáo sư Phạm Thiều, các sinh viên Hà Nội xếp bút nghiên về Nam, nhưng công tác chính của Bảy Trân vẫn là nắm lại anh em giang hồ Bình Xuyên đã từng hưởng ứng tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa. Ngày ta cướp chính quyền, 25.8.1945, Bảy Trân làm Chủ tịch quận Cần Giuộc. Sau đó, ông lên làm Chủ tịch tỉnh Chợ Lớn, ông giải quyết nhiều vấn đề quan trọng một cách nhẹ nhàng, êm đẹp. Bộ đội Bình Xuyên của cố Hoạnh hay sung công ghe heo, ghe cá với lý do nuôi quân. Ông xuất công quỹ đền bù thỏa đáng cho các chủ ghe ra về mà không oán hận cách mạng.

*

Xin kết thúc bài viết cụ Trân với chuyện kể dưới đây của kỹ sư Nguyễn Hồng Đăng, con cụ Bảy Trân: 

Sau giải phóng năm 1975, tôi đang làm việc trong ủy ban quân quản Tây Ninh, một đoàn ba xe du lịch tới xin gặp. Trưởng đoàn là chức sắc Cao Đài Tây Ninh. "Mời ông kỹ sư Nguyễn Hồng Đăng tới Tòa thánh có chút việc". Tôi ngạc nhiên vì không hề có liên hệ với Cao Đài. Dù vậy, tôi vẫn lái xe Jeep đến Tòa thánh xem việc thế nào. Ngài Chưởng quản lưỡng đài địa chờ tôi trong văn phòng. Sau tuần trà, ngài vô đề:

- Xin ông kỹ sư cho tôi hỏi thăm cụ Chủ tịch Bảy Trân. Cụ có được khỏe không? 

Tôi giật mình. "Vị chức sắc cao cấp này biết ông già mình? Biết trong trường hợp nào?". Tôi dè dặt trả lời: 

- Thưa ngài, cha tôi tập kết ra Bắc năm 1954 , nay đã về Nam. Cha tôi vẫn mạnh khỏe. Ngài biết ông thân tôi trong trường hợp nào? 

- Chuyện này xưa lắm rồi. Đó là năm 1948. Câu chuyện như sau:

Năm đó, do người Pháp gây chia rẽ, Việt Minh và Cao Đài thù hận nhau. Quân đội Cao Đài theo Pháp tới bố ráp trong khu, còn bộ đội Việt Minh thì tảo thanh Cao Đài. Ngoài kia tôi kẹt trong vòng vây với dân làng theo đạo. Nghe nói tới tối thì sẽ bị thủ tiêu tập thể. Có người gợi ý nên cho một em bé lén trốn ra ngoài, chạy tìm ông Chủ tịch tỉnh Chợ Lớn thì may ra sống được. Tôi tán thành ý kiến này. Trời xế chiều, ông Bảy Chủ tịch tới nơi. Ông hỏi anh lính gác: "Tại sao bắt những người này?”. Lính đáp: "Họ là Cao Đài phản động, là tay sai của quân Pháp". Ông Chủ tịch nạt : "Nói bậy, mấy người này là dân trong vùng của mình. Họ đâu phải tay sai của địch. Cao Đài phản động là những người lãnh súng của Tây, ăn lương Tây bắn phá làng xóm chúng ta. Thả những người này ngay cho tôi!". Anh lính lắc đầu: "Tôi được lệnh bắt chứ không được lệnh thả". Ông Bảy hỏi gằn: "Lệnh của ai?". Lính đáp gọn: "Của Khu". Ông Bảy trợn mắt : “Lệnh của Khu sao tôi không biết? Nhân danh Chủ tịch tỉnh, tôi ra lệnh cho anh phải thả những người này ra”.

Anh lính vẫn lắc đầu: 

- Tôi đã nói rồi. Tôi chỉ được lệnh bắt giữ chứ không được lệnh thả.

Ông Chủ tịch bước tới đứng trước mặt anh lính: 

- Anh bắn tôi trước đi thì mới có thể giết họ. 

Hai tay ông giật nút áo để lòi cái ngực lép đang thở hổn hển vì tức giận. 

Anh lính hạ súng xuống rồi lặng lẽ bỏ đi vô nhà. Ông Chủ tịch hất hàm lệnh cho đám đạo hữu đang bị gom ở giữa sân. Tức thì mạnh ai nấy chạy. Nhờ vậy mà tôi sống tới ngày nay. 

Nghe vậy, tôi rất xúc động và hãnh diện có một người cha như vậy. Ông Chưởng quán uống ngụm trà, nói tiếp: 

- Sau đó lãnh đạo Nam Bộ có sửa sai. Nhưng tôi luôn nhớ ân nhân của mình. Cho nên đêm nào, tôi cũng thắp nhang cầu nguyện cho ông Bảy Chủ tịch được an khang trường thọ. 

Trên đường về cơ quan, tôi cười một mình khi nghĩ tới một chức sắc Cao Đài ngày đêm cầu nguyện cho một cán bộ cộng sản. Đó là chuyện hy hữu mà có thật.

PHẠM HÙNG HAI LẦN TỬ HÌNH VẪN HIÊN NGANG TRƯỚC CHÁNH ÁN PHÁP

Đồng chí Phạm Hùng sinh năm 1912 tại Long Hồ (Vĩnh Long). Đang học năm thứ hai trường Trung học Mỹ Tho, ông bỏ trường đi theo cách mạng. 

Trong ngục tù thực dân, ông đã nêu cao tinh thần bất khuất của người dân Nam Bộ cũng như khí tiết của người Cộng sản. 

Ông từng giữ chức Giám đốc Sở Công an Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Nay là Bộ Công an) và Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Lịch sử Côn Đảo ghi rõ: ba tháng sau khi chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, Thiếu tướng Hải quân Bonard, Thống đốc đầu tiên của Nam Kỳ ký Nghị định 1.2.1862 biến đảo Poulo Condore (Côn Đảo) thành trại giam lưu đày các phạm nhân và tù binh chiến tranh. Trại giam Côn Đảo do một thanh tra bản xứ vụ (Inspecteur des aflaires indigènes) cai quản, thanh tra đầu tiên là Trung úy Félix Roussel, Phó hạm trưởng Hải quân. 

Vào thời điểm này, so với thực dân Anh và Bồ Đào Nha thì Pháp kém xa tư duy hai anh này. Bồ Đào Nha biến nhượng địa Macao (Áo Môn) của Trung Quốc thành một sòng bạc quốc tế ở Á Đông để kinh doanh bằng máu đỏ đen, còn Anh thì biến tô giới Hồng Kông (Hương Cảng) thành một hải cảng quốc tế thu hút tàu bè khắp thế giới tới buôn bán và du lịch. Trong khi đó anh Pháp nhà ta lại biến hòn đảo xinh đẹp Côn Lôn thành địa ngục trần gian để đàn áp các chiến sĩ yêu nước Việt Nam.

Gần một trăm năm - từ 1862 tới 1945 - biết bao thế hệ bị lưu đày Côn Đảo kể cả chín năm kháng Pháp (1945- 1954) và những người tù này đã nêu gương bất khuất, xứng đáng với truyền thống bài thơ Đập đá tại Côn Lôn của cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh (1872-1926).

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn 

Lừng lẫy làm cho lở núi non 

Xách búa đánh tan dăm bảy đống 

Ra tay đập bể mấy trăm hòn 

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi 

Mưa nắng chỉ sờn dạ sắt son 

Những kẻ vá trời khi lỡ bước 

Gian nan nào sá sự con con.

Riêng tại Sài Gòn, thực dân Pháp đã xây Khám Lớn. Đây là một khám rất lớn chiếm trọn khu đất nằm trong bốn.con đường lớn. Tây thiết kế cụm Khám Lớn-pháp đình gần sát bên nhau để tiện việc giải tù sang dự các phiên xử tiểu hình và đại hình. Trong Khám Lớn diễn ra nhiều cuộc đấu tranh như tuyệt thực, hô la để phản đối việc Tòa xử tử tù vị thành niên như Lý Tự Trọng mới 16 tuổi về tội bắn chết cò Legrand trên sân vận động Mayer (Võ Thị Sáu) trong một cuộc mít tinh biểu dương lực lượng đòi giảm thuế, mở rộng tự do dân chủ năm 1930.

Còn tại Pháp đình Sài Gòn, một tòa nhà nguy nga, trước cổng có hai tượng nữ thần Công lý một tay cầm gươm, một tay cầm cân công lý. Nhưng khi Tòa xử thì Nữ thần Công lý biến mất để bọn thực dân mặc áo đen (tiểu hình) áo đỏ (đại hình) tha hồ tác oai tác quái, thẳng tay kêu án những chiến sĩ yêu nước Việt Nam. Nhưng nhiều chuyện hi hữu xảy ra trước vành móng ngựa uy nghi đến rợn người. Những kẻ tội đồ bỗng nhiên biến thành chánh án buộc tội bọn thực dân quen thói ngu dân thay vì khai hóa dân trí như chúng thường rêu rao.

Rất nhiều chuyện người tập thú bị thú vồ hay nói theo giọng bình dân là “ngựa về ngược" xảy ra tại đây. Như trưởng ban công tác số 1 Nguyễn Đình Chính (đồng đội quen gọi là Chính heo) bị kết án tử hình đã tự tay thảo bản tự biện hộ đọc trước tòa đại hình lên án thực dân chính là kẻ có tội ngu dân, đàn áp những người yêu nước bản xứ. Rồi sinh viên Võ Thị Thắng tươi cười dõng dạc tuyên bố trước tòa: "Các ông kêu án tôi 20 năm khổ sai, nhưng các ông có đứng vững được 20 năm nữa không? Cuộc kháng chiến đã sắp tới giai đoạn tổng phản công rồi đó. Rồi đây các ông sẽ đứng trước vành móng ngựa này như chúng tôi hôm nay".

Thế mới thấy, chí khí của các chiến sĩ yêu nước Việt Nam vẫn hiên ngang dù ở địa ngục trần gian, trong Khám Lớn hay trước Pháp đình.

Anh Hai sinh năm 1912 tại Long Hổ, Vĩnh Long. Anh học năm thứ hai trường Trung học Mỹ Tho (Tây gọi là Collège de Mytho) thì bỏ đi theo làm quốc sự, tiếng văn minh miệt vườn thời ấy đồng nghĩa với cách mạng. 

Cũng như các anh Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn) ở Collège Cần Thơ, anh Hai Hùng bãi học để tang cụ Phan Châu Trinh rồi bỏ trường dấn thân vào con đường làm quốc sự giành độc lập tự do cho đất nước. 

Ngày Lao động quốc tế 1.5.1931 , anh Hai Hùng tổ chức cuộc biểu tình ở Long Định, Chợ Giữa, Mỹ Tho. Có ba ngàn người tham gia từ ba phía Thanh Phú, Xoài Hột, Long Hưng, Long Định, Chợ Bung kéo tới gặp nhau trên Quốc lộ số 1. Anh Hai Hùng kể tội ác tên hương quản Trâu có nhiều nợ máu trong vùng. Thấy đông hương quản Trâu nhảy lên ngựa chạy trốn. Ngựa đâm hoảng phi xuống bưng sa lầy. Trong cơn xúc động không kiềm chế, dân làng đã xử tội tên ác ôn tại chỗ.

Anh Hai Hùng bị bắt đưa lên Khám Lớn Sài Gòn. Tại đây, anh đã làm cái việc mà sau này anh em gọi là "cách mạng khám đường". Anh đã trừng trị tên cặp rằn (Tây gọi là caporal) sống đế vương trên nỗi đau khổ của anh em tù. Anh đã đấu tay đôi với tên này và dùng độc chiêu (ngón song chỉ) móc mắt khiến tên ác ôn sợ bắn ra quần. Thầy chú lật đật đưa tay này qua nhà thương Chợ Quán. Trong khi đó đám lâu la của tên cặp rằn suy tôn anh Hai Hùng lên ngự trên chồng chiếu mới cao cả tấc. Nhưng anh Hai cười nói: "Tôi là dân làm quốc sự chống lại bất công, lẽ nào hạ cặp rằn để lên thay nó làm chúa ngục. Nhân dịp này, anh em nào chiếu quá rách thì đến đây đổi. Còn anh em nào nằm bên thùng xí quá lâu cũng được xoay vòng đổi chỗ để mỗi người chỉ nằm bên hố xí một ngày một đêm mà thôi". Cuộc cách mạng khám đường tháng 5.1931, đã giác ngộ tay giang hồ lừng danh vùng Bà Quẹo, sau này trở thành Chi đội trưởng Chi đội 4 Bình Xuyên - Mười Trí (Huỳnh Văn Trí).

Ra tòa, Hai Hùng bị xử án tử hình vì tổ chức biểu tình chống đi lính trong đó có một hương chức bị giết. Vô nằm Khám Lớn trong hầm tử hình được hai năm thì xảy ra vụ án lớn nhất trong lịch sử Đông Dương. Trong hồ sơ Tây gọi đây là vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo Pháp Le Courrier de Saigon ghi rõ "procès monstre de 121 dirigeants et militants communistes devant la Cour Criminelle de Saigon (Vụ án khổng lồ xử 121 lãnh đạo và Đảng viên cộng sản trước tòa đại hình Sài Gòn).

Trong phiên xử này, anh Hai Hùng lại bị xử tử hình một lần nữa. Anh dõng dạc tuyên bố trước vành móng ngựa: 

- Mỗi người chỉ có một cái đầu. Các ông xử tôi hai án tử hình, vậy là các ông tính chặt luôn cái đầu của thằng nhỏ tôi đây (vừa nói anh vừa chỉ tay dưới rún).

Giai thoại này thường được nhắc tới nhắc lui nhiều lần, và tam sao thất bổn. Có anh đại tá gốc Bình Xuyên (là anh SN) cả quyết anh Hai Hùng vạch quần đưa của quí trước ba Tòa quan lớn áo đỏ. Nhưng vài bậc lão thành có mặt trong vụ "procès monstre" này, (cụ Bảy Trân, Nguyễn Văn Trân), nói rằng: Phạm Hùng là dân có học, không làm chuyện mất vệ sinh trước tòa như vậy. Với trí thức, một lời nói hay có trọng lượng bằng cả ngàn lần hành động vô văn hóa.

Trở về Khám Lớn chờ ngày "Bà góa phụ" kết thúc cuộc đời mình. Tây gọi máy chém là La Veuve (góa phụ) và độc địa thay, chúng lại để Bà Góa phụ nằm kề cận các tử tù trong xà lim tử tội. Xà lim tử tội Phạm Hùng gặp các bạn đồng thuyền; tất cả gồm 7 người; tù chính tri có ba anh em Hai Hùng, Câu và Ó vô trước, kế hai anh Lê Văn Lương và Lê Quang Sung vừa bị tuyên án tử hình vụ Socony và ba thường phạm là Thanh, Đỏ và Một Dậm. Thói thường thì ma cũ ăn hiếp ma mới, nhưng ba anh thường phạm lại khoái bốn anh chính trị phạm. Ba anh này trao cho Hai Hùng mấy trang sách Truyện Kiều và kể chuyện ông Nhỏ. Ông Nhỏ là Lý Tự Trọng, tuổi vị thành niên mà bị Tây tuyên án tử hình vì đã xử tội tên cò Legrand tại sân banh Mayer (nay là Thành ủy). Gọi ông vì Lý Tự Trọng dũng cảm hơn người. Trong khám tử hình mà không biết sợ, chỉ vui thú ngâm Kiều giết thì giờ.

Thầy chú rất sợ ba anh tử tù thường phạm vì các anh “cùi không sợ lở”, ném thùng cứt vô đầu thầy chú, nắm râu cha cố khi cha cố vào khuyên họ rửa tội.

Hai Hùng đã làm được một chuyện hiếm thấy là thuyết phục ba anh này bỏ thói hung hăng, đừng để thiên hạ chê cười là chó cùng cắn bậy. Con người phải giữ gìn nhân cách dù trong hoàn cảnh nào. Anh gửi mua sách truyện đọc cho ba anh này nghe. Chừng ba anh này mê thì anh khuyên nên học cho biết đọc để tự đọc truyện thay vì nhờ anh em khác đọc giùm. Mới nghe, ba anh này đã cười lớn "chết tới nơi rồi mà còn học hành gì nữa cha nội?". Nhưng anh Hùng kiên trì thuyết phục và chỉ vài tuần sau ba anh này đọc được.

Năm 1934, các anh bị tử hình được giảm xuống còn chung thân và được đưa ra Côn Đảo. Chừng hỏi ra mới biết đây là cuộc vận động chí tình của Hội quốc tế Cứu tế Đỏ. Chính Hội này đã phái luật sư nổi danh từ bên Pháp qua cãi cho các anh em trong vụ án Đảng cộng sản Đông Dương. Đó là luật sư Cancellien. Ngoài việc tranh cãi, luật sư còn mang quà vô Khám Lớn ủy lạo anh em trong những ngày lao lý.

Ra đảo, anh Phạm Hùng cũng ngon lành như ở Khám Lớn Sài Gòn. Anh Năm Xuân (Mai Chí Thọ) đã kể chuyện đập đá ngoài đảo. Tây quyết giết lần mòn tù chính trị bằng lao động khổ sai, ăn uống thiếu đói, và nhất là dùng tù trị tù, nhưng anh Hai Hùng đã nêu gương đoàn kết tương thân tương ái. Khi nghe tin ta cướp chính quyền ở Sài Gòn ngày 25.8.1945, thì ngoài đảo anh Phạm Hùng đã tổ chức lực lượng sẵn sàng cướp đảo. Phái đoàn Tưởng Dân Bảo cùng tàu Phú Quốc do thuyền trưởng Bảy Ngạnh và mấy chục ghe từ Vàm Láng, Bình Đại ra đảo rước tù chính trị theo lệnh của Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ Trần Văn Giàu thì đã thấy anh Hai chỉ huy anh em dân quân tập các động tác quân sự cơ bản trên đảo.

Về đất liền Phạm Hùng phụ trách ngành Công an Nam Bộ, về sau là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau cùng là Thủ tướng. 

Thế mới biết con người có số, người bị hai lần bản án tử hình mà không chết, lại thẳng tiến lên con đường cách mạng. Sự thành công của anh Hai Hùng phải chăng là nhờ anh tôn thờ và hành xử theo hai câu để đời của Ức Trai tiên sinh (Nguyễn Trãi):

Lấy Đại Nghĩa thắng hung tàn 

Đem Chí Nhân thay cường bạo!

GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU TỪ KHÁM LỚN SÀI GÒN TỚI TÀ LÀI

Giáo sư Trần Văn giàu sinh năm 1910, tại Tầm Vu (Long An), du học ở Pháp và Nga. Về nước ông được bầu Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. 

Năm 1933, ông bị bắt ra tòa, lãnh án 5 năm tù ở Côn Đảo và Khám Lớn. Năm 1939, ông lại bị bắt đầy lên căng Tà Lài. Đầu năm 1941, ông vượt ngục ra ngoài xây dựng lại các cơ sở đảng bộ mà Pháp đập tan trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. 

Cách mạng tháng 8. 1945, ông là Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ.

Khám lớn Sài Gòn ngày ấy 

Chuyện lạ là ít ai gọi nói là Khám Lớn mà lại gọi nó là "Soa-xăng-nớp La-răn-de" (69 Lagrandière) tức là lấy địa chỉ số 69 đường Lagrandière (Lý Tự Trọng) để chỉ cái nhà tù ghê gớm ấy. Khám Lớn Sài Gòn mặt tiền quay ra đường Lagrandière, hông bên trái là đường Filippini (Nguyễn Trung Trực), mặt sau là đường D'Espagne (Lê Thánh Tôn) và hông mặt là đường Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Khám Lớn chiếm trọn một diện tích lớn hình chữ nhật và ở một vị trí cực kỳ quan trọng, tiện lợi: sát với Nhà Hình, nơi lưu trữ hồ sơ tội phạm, đặc biệt là hình ảnh, ni tấc, dấu tay. Nhà Hình nằm trên đường Filippini. Và tiện lợi hơn hết là Khám Lớn - cách Pháp đình (Tòa án) có một con đường Lagrandière. Chỉ băng qua lộ là tới cổng sau của Pháp đình. Khám Lớn còn hân hạnh nằm sát bên Dinh Toàn quyền (Hội trường Thống Nhất) và Dinh Phó soái (tức dinh Thống đốc, nay là Bảo tàng Cách mạng).

Khám Lớn có nhiều dãy nhà lầu, chia nhiều phòng. Chị em phụ nữ có mấy "salle" 14, 16. Kế bên phòng tử tội có chứa cái máy chém dễ sợ. Có một dãy nhà đặc biệt mới xây, Tây gọi là Bâtiment S - chữ S này là chữ tắt của chữ Spécial có nghĩa là đặc biệt. Vậy Bâtiment S giam những ai?

Hồ sơ còn ghi rõ: Chúa ngục (giám thị trưởng) Khám Lớn Kerjean báo cáo với Thống đốc Nam Kỳ Pagès: "Tổng đại diện tù Trần Văn Giàu tuyên bố tất cả tù chính trị tuyệt thực vì phần thịt không đủ”. Tôi thấy yêu sách đó không có căn cứ vì phần ăn đúng tiêu chuẩn và thịt tốt. Vụ này có thể tên Giàu khởi xướng để huấn luyện các tù mới tới. Tôi đề nghị cô lập tên Giàu càng sớm càng tốt".

Chánh văn phòng Thống đốc Schneider gởi công văn cho kỹ sư trưởng công trình công cộng: “Cần xây chỗ giam mới để cách ly tù chính trị Khám Lớn Sài Gòn, xây càng nhanh càng tốt". 

Chủ ngục lên danh sách những tên tù chính trị nguy hiểm cần giam  riêng trong Bâtiment S vừa xây xong. Đó là: 

Số tù 6826 mpp Trần Văn Giàu; Nghề nghiệp: sinh viên. Bị tòa án Sài Gòn kết án 5 năm tù và 10 năm quản thúc ngày 25.6.1935 vì hoạt động lật đổ chính quyền. Ngày được tha: 23.4.1940. 

Số tù 6554 mpp Nguyễn Văn Nữ, Nghề nghiệp: thợ nguội. Bị tòa Thượng thẩm Sài Gòn kết án 5 năm tù, 10 năm quản thúc ngày 10.4.1934 vì có âm mưu hoạt động có hại cho an ninh công cộng. Ngày được tha: 15.2.1939. 

Số tù 7024 mpp Châu Văn Giác; Nghề nghiệp: viết báo, cựu học sinh trường Sư phạm Sài Gòn. Bị kết án 2 năm tù, 10 năm quản thúc. Ngày được tha: 4.12.1937. 

Số tù 7204 mpp Nguyễn Hữu Thế; Nghề nghiệp: giáo học. Bị tòa Thượng thẩm kết án 7 năm tù, 1 0 năm quản thúc vì hoạt động có hại cho an ninh công cộng. Ngày được tha: 11.5.1942.

Ngày 26.6.1937, bốn người kể trên thêm hai người nữa là Nguyễn Hoàng Đức, làm ruộng và Lư Sanh Hạnh làm báo, được đưa đi biệt giam tại Bâtiment S vừa cất xong, cũng trong khuôn viên Khám Lớn Sài Gòn.

Vô biệt giam, vẫn đấu tranh 

Mười ngày sau - 6.7.1937, Trần Văn Giàu lại viết thư gửi Pagès, Thống đốc Nam Kỳ nội dung như sau : "Hai ngày sau khi bị biệt giam chúng tôi đã gởi công văn cho ông Giám đốc và ông gardien-chef một lá đơn khiếu nại và nêu những yêu cầu của chúng tôi, nhưng các ông ấy không trả lời. Chúng tôi gởi tới ông lần nữa và yêu cầu ông lưu ý đến những đòi hỏi đó: 

- Tăng gấp đôi phần thịt cá, có gia vị và nấu tốt, gạo trắng, tráng miệng, bỏ cá khô, một cái bàn ăn. 

- Phát chăn và quần áo tù trắng, hai tuần có người cắt tóc dân sự. 

- Được phép mua giấy và mực để học, được đặt mua: 

a. Vào thứ sáu báo văn nghệ 

b. Hàng tháng tạp chí kinh tế 

Những yêu cầu của chúng tôi không có gì quá đáng, có thể dễ dàng thực hiện. Vả lại chúng tôi không đông và chúng tôi đã hoàn toàn bị tách ra khỏi những người tù còn lại". 

Ngày hôm sau 7.7.1937, toàn thể tù chính trị gửi Thống đốc Nam Kỳ và Toàn quyền hai bức thư viết tay nội dung hoàn toàn giống nhau. Bức thư nêu lên 8 yêu cầu:

- Phản đối chính sách nhốt riêng, trả 6 người nhốt riêng lại. 

- Toàn xá chính trị phạm và thả những người biểu tình bi bắt. 

- Thực hiện chế độ chính trị cho tù chính trị. 

- Gỡ ván nơi song sắt, mở rộng sân chơi, chơi hết giờ làm việc. 

- Savon (xà phòng) mỗi người 300gr mỗi tháng. 

- Bỏ cá khô, thế cá tươi vào. 

- Cho mua giấy, viết, mực để học. 

- Cho phép vô đơn bên Tòa mỗi bữa sáng thứ bảy để thăm những người còn giam và chống án. 

Bẩm quan Toàn quyền, hiện giờ chúng tôi bãi thực để ủng hộ tờ yêu sách này cho tới tay quan Toàn quyền. Chúng tôi đang mong chờ quan Toàn quyền giải quyết cho chúng tôi. 

Tù chính trị chúng tôi đồng ký.

Đặc điểm của Bâtiment S 

Bâtiment S thuộc loại khám trệt, xi măng cốt thép 4m x 10m, chia ba buồng, mỗi buồng hai người, cao 4m, trần có lỗ thông hơi. Phía sau có cửa sổ song sắt. Trong phòng có thể nghe tiếng động, nhìn ra không thấy vì bị che bằng tấm tôn. Giữa tấm tôn và cửa sổ có khoảng cách, có đóng lưới nhỏ, không thể ném vật gì từ bên trong ra hoặc bên ngoài vào. Tấm cửa sắt phía trước phòng có làm khung 10cm x 20cm để lính gác từ bên ngoài có thể mở quan sát bên trong. Căn nhà như cái hầm, chỉ có mối và gián. Ngoài cửa ra vào, cách ba mét, có xây bức tường cao 4m, chạy dài theo căn nhà như một hành lang có cửa thứ hai ăn thông sân rộng của Khám Lớn.

Chuyện lính đưa cơm cho tù trong Bâtiment S cũng ly kỳ: Mỗi ngày tù được ra hành lang nói trên hai lần. Người mang cơm cho tù ở đây là người Thượng hay Khmer, không biết tiếng Việt. Qua cửa thứ nhất, người mang cơm phải cởi hết quần áo, tới cửa thứ hai - tức là cửa vào hành lang thì để cơm lại đó cho tù ra lấy.

Pháp cẩn thận như vậy không phải sợ tù trốn mà cốt cách ly, sợ sáu anh em trí thức này mở khóa huấn luyện văn hóa và chính trị. Trong sáu anh em có hai giáo viên là anh Thế, anh Giác là giáo sinh Sư phạm, hai anh làm báo là anh Giàu và anh Hạnh.

Đến năm 1939, Pháp đưa anh Hà Huy Tập vào Bâtiment S. Anh Sáu Giàu ở Khám Lớn Sài Gòn và Bâtiment S đúng 5 năm theo bản án, ngày 23.4.1940 mới được thả ra. Nhưng anh về quê không bao lâu thì bị bắt đưa lên căng Tà Lài. Lúc bấy giờ tình hình căng từ bên chính quốc tới thuộc địa Đông Dương. Pháp đứng trước nguy cơ Đức Quốc xã xâm lăng còn Đông Dương thì sợ Phát xít Nhật nhảy vô hất Pháp. Vì vậy thực dân tính nước cờ cao, ra tay trước (tiên hạ thủ vi cường) bắt hết các phần tử nguy hiểm đối với an ninh trật tự, trước hết là Cộng sản, sau tới các chính đảng khác, rồi các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, cuối cùng là lưu manh thảo khấu như Bình Xuyên.

Tù Tà Lài nêu gương bất khuất 

Nhiệm vụ đưa tù chính trị lên căng Tà Lài thuộc về thiếu tá Fribourg Eynard, chỉ huy trưởng Brigade Mobile (Lữ đoàn cơ động), lính mã tà đóng bên hông Lăng Ông Bà Chiểu. Trong chuyến xe tù đầu tiên lên căng Tà Lài có Trần Văn Giàu mà Tây gọi là chef de file (đầu đảng), Giàu ngồi sát tấm bửng ngăn đôi giữa phía sau xe và cabin băng trước. Tên Eynard ngồi băng trước ngang tài xế. Phía sau, bốn thằng Tây ngồi canh chừng khoảng ba mươi người tù từ các tỉnh đưa về trại mã tà mấy ngày trước đó để đi chuyến đầu. Trong số này có hai bạn chí thân là Họa đồ Lý và nhà báo Nguyễn Công Trung.

Mấy năm trước Họa đồ Lý và nhà báo Nguyễn Công Trung bị Tây bắt giam trong khám Bạc Liêu. Hai người quen nhau từ đó. Trong chuyến lên căng Tà Lài, Tào Tỵ - tên thường gọi của Họa đồ Lý đặc biệt chú ý tới anh thanh niên mặc áo bà ba trắng dáng vẻ sinh viên như lộ vẻ khí phách hiên ngang. Nhất là đôi mắt sáng rực thông minh. Giữa tấm bửng có gắn miếng mica bằng bàn tay để người ngồi băng trước có thể kiểm soát được đám người ngồi trong thùng xe phía sau. Miếng mica này bể, hai bên có thể nói chuyện với nhau qua khoảng trống đó. Xe chạy khỏi Biên Hòa tiến lên vùng rừng núi. Anh thanh niên lộ vẻ sốt ruột rồi không chịu nổi, kéo tấm bửng ra, chõ miệng vào lỗ trống hỏi bằng tiếng Pháp, giọng rất Tây như người Pháp chính quốc: "Ông đưa chúng tôi đi đâu đây?".

Tào Tỵ giật mình, anh tự cho mình ngon lành vì trước đây đã đánh thằng Tây "tào cáo" (chuyên bắt người nấu rượu lậu) bị bắt ngồi tù cả tháng, nhưng tự thấy không sánh kịp anh thanh niên này. Ai đời bị Tây bắt giải lên căng giữa rừng mà còn hỏi "ông đưa chúng tôi đi đâu đây?”. Làm như mình ngang hàng với nó ! 

Thằng thiếu tá Eynard cũng kỳ khôi không kém: 

- Tới nơi thì biết! 

Nhưng Trần Văn Giàu - tên anh thanh niên - không chịu thua. 

- Chừng nào tới? 

Vẫn giọng bỡn cợt: 

- Chừng tới thì biết!

Xe bon bon chạy qua khỏi ngã ba Dầu Giây, Túc Trưng, Là Ngà, Định Quán với mấy tảng đá to bằng cái nhà chồng lên nhau. Tới cây số 125, xe dừng lại, thằng Eynard ra lệnh tù xuống xe, mỗi người lãnh phần ăn của mình - một ổ bánh mì ăn với thịt nguội. Ăn xong, nghỉ một lúc rồi cả đoàn đi bộ băng đường rừng đầy vắt. Trần Văn Giàu tranh đấu ngay:

- Băng rừng thế này, chúng tôi coi như chơi, nhưng trong đoàn có nhiều người già. Thiếu tá nên cho họ ngồi xe như thiếu tá mới phải đạo chớ?

Thằng Tây có hơi ngượng đanh cho mấy người tù già lên ngồi trong thùng xe. 

Căng Tà Lài được khoét giữa rừng, bên cạnh đường 20 Sài Gòn - Đà Lạt, cách Định Quán trên 10 km. Căng có một dãy nhà ngói dành cho bọn Tây canh giữ tù. Ngay ngày hôm sau, tù được giao việc đốn cây, cắt tranh cất trại cho chính mình ở. Mấy thằng Tây phân công theo lối quan liêu, không phân biệt người già với đám trẻ. Lại cũng Trần Văn Giàu đứng ra “lãnh đám":

- Việc cất trại tôi xin chịu trách nhiệm trước các ông. Cứ giao cho tôi. Tôi phân công anh em hợp lý hơn các ông.

Và đúng vậy. Thanh niên khỏe mạnh đốn cây làm cột làm kèo, người yếu cắt tranh, người già bện tranh. Đâu đó lớp lang vén khéo, mấy thằng Tây có vẻ hài lòng.

Vài tuần sau, nhiều chuyến xe đưa tù từ các tỉnh lên. Toán tù Trà Vinh có Năm Đông; Châu Đốc có anh Nữ; Gia Định có Bảy Khung; Hóc Môn có anh thanh niên Tô Ký; Cần Thơ có thầy giáo Quang, Văn Cừ và Thanh Liêm là chủ tiệm sản xuất đồ gỗ quí... Tất cả đều đồng ý bầu Trần Văn Giàu làm délégué général (Tổng đại diện) để thay mặt anh em tranh đấu với xếp căng tên Ménétrier.

Trong căng cũng tham gia khởi nghĩa 

Tây sợ dân bạo động nên ra tay bắt đám đầu sỏ nhốt trong rừng già Tà Lài. Nhưng vô ích. Đêm 22.11.1940 cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn nổ ra ở nhiều nơi khiến Tây hốt hoảng dùng biện pháp mạnh cho máy bay bỏ bom ở nhiều nơi gây thiệt hại nhiều nhất ở Vĩnh Kim - Chợ Giữa, ném bom vào 7 giờ sáng, lúc chợ họp đông nhất làm thiệt hại cả trăm mạng người. 

Chuyện Tây không ngờ là trong căng Tà Lài cũng tham gia khởi nghĩa. Do đâu trong rừng sâu mà anh em biết tình hình bên ngoài sục sôi để hưởng ứng?

Số là trong hàng ngũ mã tà gác tù có hai anh mê sinh hoạt của tù chính trị Tà Lài. Đêm đêm, anh Giàu nói chuyện tình hình thế giới, phân tích hai phe đồng minh và phát xít ai thắng ai bại. Đám tù Cao Đài bắt phe phát xít thắng vì trong đó có Nhật. Cao Đài theo Nhật vì suy tôn Kỳ ngoại hầu Cường Để làm lãnh tụ, sẽ thay Bảo Đại nếu Nhật thắng trận. Hai phe tranh luận thật sôi nổi và bao giờ phần thuyết phục cũng đứng về phía Trần Văn Giàu. Hai anh Cai Thanh và Bếp Tuồng mỗi khi về phép luôn đem theo báo cũ vô cho anh em tù chính trị đọc để biết tình hình bên ngoài. Tổng đại diện Sáu Giàu quyết định anh em trong căng cũng tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa bằng cách cướp căng Tà Lài. Kế hoạch được phân công cụ thể như sau:

Ban chỉ huy gồm ba người: Sáu Giàu, Châu Văn Giác và kỹ sư Văn. Kế hoạch ba bước: cướp súng chiếm Tà Lài, rồi chiếm Định Quán, kế chiếm tỉnh Biên Hòa.

Các bộ phận được phân công cụ thể: 

Khung làm lò rèn trong rừng, bí mật rèn dao găm, Tô Ký dạy võ, Quá (dân Cà Mau) dạy đao, siêu, Cai Thanh và Bếp Tuồng dạy bắn súng do Tào Tỵ đảm trách. Tiểng và Đức ở nhà bếp lo cơm khô, lương thực, Quang lo thuốc men y tế, Năm Đông làm trưởng toán đốn tre, tìm chỗ kín chôn giấu lương thực và vũ khí, chọn bãi tập nhăm súng và đánh du kích.

Bào to con có võ được phân công bám sát tên đội Gotali cao trên thước bảy, anh em gọi là con KingKông (dã nhân) khi có lệnh là diệt ngay tên này.

Dương Khuy quê Chợ Gạo là thiện xạ có nhiệm vụ diệt tên lính gác trên chòi canh cướp súng máy bắn bọn Tây trong ngày N. (ngày cướp trại) có anh Thanh Liêm tiếp tay. Cũng trong ngày N. này, hai anh Cai Thanh và Bếp Tuồng sẽ cho hai anh Khuy và Liêm mượn hai khẩu mút của mình.

Ngày 14.7 năm ấy, ngày lễ Quốc khánh nước Pháp, Tây cho tù tổ chức vui chơi. Sáng thả vịt và đua bơi trên sông Tà Lài, tối diễn kịch. Chuyện bất ngờ là Liêm thắng vô địch Nguyễn Hoàng Minh một sải tay. Bọn Tây mải xem các trò giải trí, không hề hay biết đây là ngày tổng diễn tập cướp trại, Bào đứng sát thằng Gotali, chỉ cần đâm dao găm thấu phổi là con KingKông này về với ông bà. Đêm hát bội Lữ Bố hí Điêu Thuyền do Trường tiền Tệ làm ông bầu khiến bọn Tây mê mệt, quên cảnh giác.

Sáu Giàu đấu trí với chủ tỉnh Larivière 

Sau lần tổng diễn tập, anh em tù chính trị căng Tà Lài chờ ngày N. đến. Nhưng chờ mãi không thấy, đến khi Cai Thanh và Bếp Tuồng đem báo Sài Gòn vô, anh em mới biết Nam Kỳ đã nổ ra lẻ tẻ ở vài nơi và bị Tây thẳng tay đàn áp. Vậy là anh em lặng lẽ chôn giấu vũ khí chờ thời cơ khác. Bỗng một hôm, tên chủ tỉnh Biên Hòa Maurice Larivière tới căng. Xếp căng Ménétrier hối hả tập hợp khoảng 300 tù lại cho tham biện chủ tỉnh nói chuyện.

Biết có biến cố lớn, anh em nhìn tổng đại diện như hỏi. Sáu Giàu khuyên: bình tĩnh, đứng thưa ra, cuốc xẻng để ngay dưới chân. 

Tên chủ tỉnh hống hách chống nạnh, trợn mắt phùng mang: 

- Hãy nghe đây! Vừa rồi, bọn cộng sản chúng bây nổi lên bạo động ở vài nơi, toan tiêu diệt người Pháp ở Nam Kỳ. Nhưng chính cộng sản chúng bây bị tiêu diệt. May lắm là mười lăm năm nữa đảng của chúng bây mới cất đầu lên được ! Bây giờ các ngươi hãy trả lời câu hỏi của ta đây: Ở Tà Lài này, các người có đồng tình với các đồng chí của các người vừa mới nổi loạn không? Hãy trả lời ngay! 

Im lặng đến rợn người!

Anh em lo lắm vì đây là lời lẽ và giọng điệu khiêu khích. Trả lời không khéo thì rất nguy hiểm vì Tây coi số mạng người tù chính trị như cỏ rác.

Với tư cách tổng đại diện, Sáu Giàu lãnh trách nhiệm trả lời câu hỏi như cái bẫy giăng ra. Anh yêu cầu anh em làm hậu thuẫn cho anh. Và anh làm hiệu cho anh em đứng thưa ra để phòng bất trắc. Anh bước lên một gò đất cao để có tư thế khi đối đáp với tên chủ tỉnh. Trước khi bắt đầu, anh bảo đồng chí Văn dịch cho anh em nghe, vì anh nói tiếng Pháp với tên Lanvière. (Đồng chí Văn là kỹ sư tên Trần Văn Kiệt, bí danh Rémy từng học ở Nga về là một nhà hoạt động cách mạng bị Tây đặc biệt theo dõi).

- Này ông chủ tỉnh, ông hỏi ở Tà Lài chúng tôi có đồng tình hay không với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Nước Việt Nam chúng tôi bị Pháp cai trị mấy chục năm nay cũng giống như người Pháp của các ông bị Đức xâm chiếm. Chắc các ông cũng như tôi đều được tin phấn khởi là nhân dân Pháp kiên cường không chịu mang ách áp bức của Đức. Nhân dân Pháp không đầu hàng mà còn anh dũng cầm súng đánh quân phát xít Đức tàn bạo. Ông tham biện không nói ra, nhưng chúng tôi tin rằng ông khâm phục và đồng tình với những người Pháp kháng chiến đó... Vậy thì thưa ông chủ tỉnh, chắc ông thừa hiểu ở xó rừng này, trong tỉnh Biên Hòa, cũng như ông thôi, chúng tôi tự nhiên thông cảm với đồng bào chúng tôi ở Nam Kỳ trong biến cố tháng 11 vừa qua.

Nghe Sáu Giàu nói tới đây, bàn tay bợ súng lục của tham biện buông thõng xuống. Cử chỉ đó không qua được cặp mắt quan sát của Sáu Giàu. Anh nói tiếp:

- Ông vừa nói mười lăm năm nữa, Đảng chúng tôi mới có thể ngóc đầu dậy nổi, chuyện đó ai có thể đoán đúng cho được? Nhưng ông và tôi, và tất cả chúng ta hôm nay chắc còn sống, chúng ta sẽ thấy trong mười lăm năm nữa, hay trong năm năm thôi, nước Pháp yêu quí của các ông và nước Việt Nam yêu quí của chúng tôi sẽ được hoàn toàn giải phóng.

Tên Lanvière đột ngột quay "demi tour” (quay ra sau), đi về văn phòng. Đám lính bảo an cũng xuống cò súng, lặng lẽ theo sau. 300 con người thở phào nhẹ nhõm. Sức nặng ngàn cân mang vác trên vai đã được hất xuống nhẹ nhàng. Tất cả đều thầm khen cái lưỡi Tô Tần của Sáu Giàu. Câu hỏi hắc búa của thằng Tây chủ tỉnh Biên Hòa này rất khó trả lời. Nói đồng tình với cuộc khởi nghĩa bên ngoài thì nó lập tức hô "Feu” (Bắn) cho tiểu đội mã tà đang ghìm súng đối diện với anh em tù. Còn nói không đồng ý thì hóa ra mình hèn, không xứng đáng là người Cộng sản... Sáu Giàu đối đáp quá khôn khéo! Thế là tai qua nạn khỏi.

Sau cuộc đấu lý này, uy tín của tổng đại diện tăng lên đối với nhóm Cao Đài thân Nhật và ngay cả lính cai quản căng Tà Lài, từ xếp Ménétrier tới mấy tên lính trơn. Sinh hoạt trong trại dễ thở hơn. Và tết năm đó, năm Tân Tị (1941, mồng Một Tết nhằm thứ hai , 27.1.1941) anh em căng Tà Lài được ăn một cái tết vui vẻ. Nhà báo Lê Văn Thử, bút hiệu Việt Tha, mượn đâu được cái máy hát và mấy cái đĩa, quay hát giúp vui trong ba ngày xuân. Có một đĩa "Viếng mồ bạn" do cô Ba Bến Tre ca nghe nức nở khiến nhiều anh em đa cảm rơi nước mắt.

Nhưng trong không khí vui xuân đó, bộ ba chỉ huy cuộc khởi nghĩa bất thành lại nghĩ tới một hình thức đấu tranh khác: vượt ngục. Qua báo chí Sài Gòn, anh em thấy Tây phá vỡ nhiều cơ sở Đảng, làm tê liệt mọi hoạt động. Tên chủ tỉnh Biên Hòa có lý do để lạc quan. Nhưng hắn không thể đo lường sức bật của dân ta. Phải vượt ngục xây dựng lại cơ sở càng sớm càng tốt.

Vượt ngục Tà Lài khiến Tây điên đầu 

Chi bộ nhà tù quyết định vượt ngục Tà Lài, chọn người có khả năng nắm các cơ sở Đảng đã bị Tây đánh phá trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đêm 22 rạng ngày 23.11.1940. Chuyến vượt ngục đầu tiên gồm ba đồng chí. Nửa đêm, các anh đánh cắp xuống thả xuôi dòng sông Tà Lài. Ba anh đi rồi, chi bộ chờ mãi không được tin của ba anh. Về sau mới biết ba anh đi trót lọt và mỗi người về quê gây dựng lại phong trào trong địa phương mình. Thời gian sau, chi bộ lại quyết định cuộc vượt ngục thứ hai gồm tám đồng chí. Đó là Tổng đại diện Trần Văn Giàu, Châu Văn Giác, Trần Văn Kiệt (tức Rémy, tức kỹ sư Văn), Dương Văn Phúc (tức Năm Đông), Trương Văn Nhâm, Nguyễn Công Trung, Nguyễn Văn Đức và Tô Ký.

Tới ngày N, ngày vượt ngục, anh em làm một con mèo đãi thầy chú. Sáu Giàu đặt bức tâm thư gởi sếp căng dưới gối mình. Anh cẩn thận nhờ Tào Tỵ nằm ngủ trên giường mình. Để Tây không nghi ngờ chuyện vượt ngục.

Nửa đêm đó, anh em vạch rào ra rừng, đánh cắp hai ghe độc mộc của đồng bào Thượng, chèo ngược lên thượng nguồn. Tô Ký có lời hứa danh dự “Vì đại cuộc phải lấy thuyền độc mộc của đồng bào. Sau này khi đã "đại định" xin trả lại bằng ca-nô".

Sáng hôm sau, Tây điểm danh mới biết có tám tù vượt ngục trong đó có Tổng đại diện Trần Văn Giàu. Sếp căng Ménétrier thất sắc vội báo tin cho tỉnh trưởng Biên Hòa Lanvière. Xét các phòng, tìm thấy lá thư từ biệt sếp căng của Tổng đại diện. Thư như sau:

"Ông sếp căng, 

Hôm nay chúng tôi ra đi, trước hết không phải vì muốn gặp cha em, vợ con. Gặp lại sao được trong tình cảnh tù vượt ngục? 

Chúng tôi ra đi, nói thật không phải vì chế độ căng quá khắc nghiệt, ở căng tuy khổ - mà ở tù nào lại không khổ - nhưng ông sếp không ác. Vả lại ông và tôi đã nhiều lần tâm sự với nhau về cái nhục mất nước, nước ông và nước tôi. 

Chúng tôi ra đi vì mục đích giải phóng dân tộc chúng tôi, giành lại độc lập tự do cho đất nước chúng tôi. 

Chắc những người Pháp ở Pháp hiện giờ cũng đang chuẩn bị chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Đức Hitler nhằm giành độc lập tự do cho nước Pháp. Hẳn rằng ông sếp đồng tình với những người Pháp yêu nước đó. Việc làm của họ và việc làm của chúng tôi giống nhau. 

Mong rằng chúng tôi ra đi rồi, ông sếp và những người cộng sự của ông sẽ tiếp lục đối xử ôn hòa phải lý với anh em chúng tôi còn ở lại. 

Xin chào từ biệt ông! 

Thay mặt các bạn của tôi: Trần Văn Giàu”.

Sếp căng Ménétrier đọc lá thư từ biệt của Trần Văn Giàu, trở về văn phòng không nói năng gì. Có thể lời lẽ trong thư bắt trí não ông ta suy ngẫm. Cùng trong ngày, hung thần Larivière phóng xe tới thẳng căng Tà Lài. Vẫn bộ tướng hung hăng háo chiến, hắn cho tập hợp anh em tù lại, la hét hăm dọa. Nếu bắt lại được tám tên tù vượt ngục thì hắn sẽ cho xử bắn ngay lập tức trên mảnh đất này, không phải đưa ra tòa xét xử lôi thôi mất thì giờ. Hắn cho biết đã huy động tất cả lực lượng bao vây khu rừng chung quanh căng và đặt chốt canh hai đầu con đường 20, dầu tám tên vượt ngục có ba đầu sáu tay cũng không thoát...

Anh em trong căng lo lắng cho số phận tám đồng chí mình lúc đó còn đang bôn tẩu giữa rừng sâu đầy cọp beo rắn rết.

Đi ngược lên thượng nguồn sông Tà Lài trong mấy ngày đầu, tám anh em đã đánh lừa được cuộc truy nã ráo nết của bọn bảo an. Chúng nghĩ anh em thả xuôi dòng Tà Lài thay vì chèo chống lên mạn ngược. Sau cả tuần vượt thác, anh em bỏ thuyền lên bờ băng rừng nhắm hướng Đà Lạt. Giữa đường Sáu Giàu đề nghị đoàn nên chia đôi, một đi về hướng Đà Lạt, một xuôi về phía Sài Gòn. Vượt ngục mà đi cả đám thì không an toàn. Nhóm lên Đà Lạt có ba người: Giàu, Giác và Tô Ký. Nhóm quay về Sài Gòn có năm anh em: Năm Đông, kỹ sư Văn, Nhâm, Trung và Đức. Khi đi anh em chia đều số tiền túi của mỗi người để ai cũng có tiền phòng thân. Nhóm sau cho hai người ra đường 20 đón xe hàng về Sài Gòn rồi nhờ đồng chí đem xe nhà lên rước ba anh còn lại. Năm người về tới Sài Gòn an toàn. Nhưng sau đó địch bắt lại được hai anh: Nguyễn Công Trung đày ra Côn Đảo, còn kỹ sư Văn thì tra khảo đến chết trong bót. Nhóm đi về hướng Đà Lạt cũng chia ra đi từng người, hẹn ngày nào đó sẽ gặp nhau tại suối Cam Ly. Chỉ có Tô Ký bị bắt khi tới Đà Lạt, bị giải về Sài Gòn rồi đưa lên Bà Rá. Còn Sáu Giàu và Châu Văn Giác lần hồi cũng tới Đà Lạt, được gia đình Chung Văn Nam là em cô cậu đồng chí Bảy Trân (Nguyễn Văn Trân, quê Phú Lạc, gần cầu ông Thìn) chủ tiệm cầm đồ ở Đà Lạt rước về nhà chăm sóc vài ba ngày cho "lợi nghỉnh” (mạnh khỏe) rồi đưa về nhà Bảy Trân bằng xe nhà nước. Bà con của Chung Văn Nam là tài xế của chủ tỉnh Đà Lạt nên lấy xe chủ chở Giác đi trước rồi Giàu đi sau. Gia đình anh Bảy Trân là Mạnh Thường Quân với anh em đồng chí. Ai đau yếu hay cần chém vè cứ tới anh, chị Bảy là được chăm sóc như người nhà. Trong Nam Kỳ khởi nghĩa anh Bảy Trân cũng bị quản thúc tại gia, nhưng vì bà con giàu có làm cai tổng, hương cả hương chủ đến nhờ thầy Bảy thảo "đít-cua" (diễn văn) để đọc những ngày lễ mà thầy Bảy được làng lính kính nể. Hai anh Giác và Giàu tá túc nhà Bảy Trân vài ngày rồi liên lạc gia đình, kiếm mớ tiền xuống miệt Thứ (quận An Biên, Rạch Giá) sang miếng rẫy trồng thơm. giả nhà nông chờ thời cơ thuận lợi tái xuất giang hồ. Hai anh tạm lập nghiệp tại Xẻo Rô và Xẻo Bần.

Khi thời cơ đến Sáu Giàu tới phân công anh Châu Văn Giác phụ trách miền Tây còn anh về Sài Gòn, địa bàn quan trọng quen thuộc của anh.

Cò Bazin cầu cứu Sáu Giàu 

Những lập luận của Tổng đại diện tù chính trị trong căng Tà Lài trước đây đều được thực tế chứng minh là sáng suốt và chính xác. Đồng minh càng thắng thế ở khắp các mặt trận châu Âu và châu Á -Thái Bình Dương, phi cơ và chiến hạm Đồng minh diệt tan hạm đội của Nhật. Tại Sài Gòn, Nhật ráo riết mở những xưởng đóng tàu chiến bằng cây giá-tị, một loại gỗ chịu nước và cứng như lim. Các xưởng đóng tàu cây cho Nhật nằm dọc con Kinh Tẻ như Nichinan dưới dốc cầu Rạch Ong lớn và nhiều xưởng ở Bình Đông. Đa số nhân viên đóng tàu là tín đồ Cao Đài Tây Ninh. Trước hoạt động quân sự của Nhật, Anh, Mỹ cho không quân oanh kích Sài Gòn. Trận đầu tiên vào đêm 5.5.1944, tàu chiến lớn nhất của Pháp, chiếc Lamotte Picquet bị bắn chìm ở Cát Lái, hãng Ba Son cũng bị bỏ bom. Tình thế ngày càng gay go, Nhật có thể đảo chính để dễ bề đương cự với Đồng minh vì sợ Pháp có thể đóng vai trò đạo binh thứ năm (tức gián điệp) cho Đồng minh. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương bắt đầu lo ngại.

Bảy Trân đang đập lúa ngoài đồng thì có Tây tới tìm. Nghe báo tin, Bảy Trân lo trong bụng "Tây kiếm là có chuyện lôi thôi". Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, Bảy Trân lặn lên Đà Lạt ở nhà cháu (Chung Văn Năm). Nhưng hai chú cháu đều bị bắt giải về Sài Gòn. Nhờ khai khéo, Bảy Trân được quản thúc tại gia. Mỗi tuần phải trình quận và mỗi tháng phải trình tỉnh.

Thằng Tây đậu xe ngoài đường đi bộ vô ruộng nhà Bảy Trân. Nó tên Brosériou, bạn của Bảy Trân hồi Trân qua Pháp học. Nó báo tin quan trọng: “Sếp của tao cần gặp mầy!". 

Bảy Trân thay đồ theo bạn tới bót Catinat gặp cò Bazin. Nội dung trao đổi hoàn toàn bất ngờ như sau: 

Bazin: Ông có biết Trần Văn Giàu hiện ở đâu không? Chỉ cho tôi. Có chuyện quan trọng. 

Bảy Trân:Tôi không rõ. Anh ta đang lẩn tránh, làm sao tôi biết được. 

Bazin đặt xấp bạc lên bàn: Ông lấy tiền này đi tìm ông Giàu cho tôi. Xin khẩn trương, càng nhanh càng tốt! Mình đang chạy đua nước rút với thời cuộc. 

Bảy Trân ngẩn ngơ nghĩ thầm: "Mật thám mà tìm Cộng sản để làm gì?”. 

Bazin tinh ý giải thích: Như ông biết, Nhật đang thua Đồng minh ở châu Á và Thái Bình Dương, chúng sẽ đảo chính Pháp ở Đông Dương để rảnh tay chống Đồng minh. Bây giờ chỉ có nước chúng tôi hợp tác với những người cộng sản mà thôi. Vì ai cũng biết cộng sản các ông chống phát xít hăng hái hơn ai hết. 

“À! Thì ra vậy! Lúc chìm tàu, thực dân muốn với lấy cái phao cộng sản" . Tự nhiên Bảy Trân lấy làm hãnh diện. "Kiến ăn cá, mà cũng có lúc cá ăn kiến". Ông nhận lời đi tìm Trần Văn Giàu cho cò Bazin.

Trước tiên Bảy Trân về nhà. họp chi bộ liên chi Phú Lạc - Bình Đăng báo cáo Tây nhờ anh đi tìm Sáu Giàu để hợp tác chống Nhật. Và đây là lần đầu tiên anh lãnh tiền Tây để làm lộ phí tìm Sáu Giàu. Anh ném xấp bạc lên chiếu. Liên chi đồng ý cho Bảy Trân đi tìm Sáu Giàu, còn việc có hợp tác với Tây chống Nhật hay không là do Sáu Giàu quyết định.

Sau cả tuần đi tìm, Bảy Trân tìm được nơi Sáu Giàu chém vè. Đó là nhà của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh. từng đoạt giải thưởng lớn ở Pháp. Nhà ông ở đường Champagne (Lý Chính Thắng), gần chợ Tân Định. Sáu Giàu được anh Hoanh nhường phía sau bếp làm "bản doanh". Khi nghe Bảy Trân trình bày, Sáu Giàu gật gù: "Số phận thằng Tây ở Đông Dương sắp tàn rồi. Nhân đây mình ra sức chạy đua nước rút với thời cuộc".

- Mầy nói rõ hơn nghe coi! 

Sáu Giàu cười lạc quan: 

- Tình thế đã quá rõ rồi. Nhật sắp đảo chánh thằng Tây. Vì vậy sếp của Bazin lo sợ, xúi Bazin cầu của bọn mình. Sắp tới, Nhật thua, bọn Pháp bên chánh quốc sẽ trở qua tái chiếm Đông Dương. Mình phải sẵn sàng ra tay trước ngày đó. Cũng không lâu đâu. Anh phải chạy nước rút từ bây giờ. 

- Mầy có gặp cò Bazin? - Bảy Trân hỏi. 

Sáu Giàu suy nghĩ vài giây, nói: 

- Mầy về họp liên chi vào ngày mai tại nhà mầy. Tao sẽ tới tham khảo và lấy quyết định tập thể liên chi. Mầy để xe đạp mầy lại đây cho tao làm chưn.

Nắm Thanh niên Tiền phong là sáng kiến độc đáo của Xứ ủy 

Tại hội nghị Liên chi bộ Phú Lạc - Bình Đăng họp ở nhà anh Bảy Trân, Trần Văn Giàu thảo lá thư đọc trước các đồng chí. Nội dung như sau: “Trần Văn Giàu không thể gặp cò Bazin. Về việc hợp tác chống Nhật, xin các ông ngưng bắt bớ những người Cộng sản mà các ông đang giam giữ. Rồi các ông sẽ thấy người Cộng sản chống phát xít như thế nào!".

Bức thư được toàn thể thông qua. Sáu Giàu chép lại sạch sẽ. Hội nghị chỉ định anh Bảy Trân và anh Trần Vinh Hiển mang thư tới trao tận tay cò Bazin. Cò Bazin nhận bức thư và nói : "Thư này tôi sẽ chuyển ngay cho sếp của tôi. Rất cám ơn các ông đã giúp tìm Trần Văn Giàu”.

Sau đó,Trần Văn Giàu dọn bản doanh về đóng tại nhà Bảy Trân, anh Bảy cẩn thận tổ chức các chốt canh ở đầu đường. Có động thì giã gạo làm hiệu.

Bảy Trân là đồng chí lại là Mạnh Thường Quân sẵn sàng cưu mang giúp đỡ tất cả anh em đồng chí. Anh cũng là liên lạc đặc biệt của Sáu Giàu, thường phóng xe đạp mang thư từ, tài liệu tới các đầu mối cơ sở trong nội thành. Một trong các đầu mối này là phòng khám bệnh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, số 202 Chasseloup (Minh Khai).

Nhân vật Phạm Ngọc Thạch rất đặc biệt. Ông quê Quảng Nam, sinh tại Phan Thiết năm 1909, tốt nghiệp y khoa bác sĩ tại Pháp, cưới vợ đầm, là bác sĩ nổi tiếng chuyên trị bệnh lao. Tuy là trí thức với nếp sống phong lưu, ông Thạch lại tham gia cách mạng, hoạt động bí mật, liên hệ chặt chẽ với Xứ ủy Nam Kỳ mà Trần Văn Giàu làm bí thư. Năm 1942, khi đổ bộ lên Đông Dương, Nhật tổ chức thanh niên để làm hậu thuẫn, lấy tên là Thanh Niên Tiền Phong. Bọn Nhật mời một nhân sĩ tên Ida làm cố vấn. Ông Ida lại là thân chủ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người đã chữa trị bệnh mãn tính cho ông, Ida bàn chuyện chọn nhân sự phụ trách Thanh Niên Tiền Phong với ông Thạch. Sáu Giàu đề nghị ông Thạch lãnh chức thủ lĩnh tổ chức thanh niên cực kỳ quan trọng này. Khi ông Thạch nhận làm thủ lĩnh, ông Ida rất mừng vì chọn được nhân vật có tên tuổi tại Sài Gòn. Nhưng ta lái tổ chức này trở thành đoàn thể của ta, về sau làm nòng cốt trong ngày 25.8.1945, khi ta cướp chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Các sử gia đều công nhận đây là sáng kiến độc đáo của Bí thư Xứ ủy, biến tổ chức địch thành tổ chức ta. Trong chuỗi thành tựu của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, có thành tích lãnh đạo Thanh Niên Tiền Phong trong những ngày nghiêm trọng nhất của đất nước.

Hội nghị nảy lửa - Chợ Đệm 

Thị trấn nhỏ bé Chợ Đệm bỗng nhiên nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến Sài Gòn nhờ cuộc họp đầy sóng gió của Xứ ủy Nam Kỳ bàn chuyện "hòa hay chiến" với bọn thực dân Pháp đang lăm le tái chiếm Nam Kỳ vào tháng 9.1945. Đây là một Hội nghị Diên Hồng của thế kỷ 20 của nước ta. Tình tiết gay cấn, sôi nổi, nháng lửa như sau:

Thường vụ Xứ ủy lập ủy ban khởi nghĩa đêm 15.8.1945 đồng thời triệu tập Hội nghị toàn thể Xứ ủy bàn kế hoạch và chỉ định ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Xứ ủy họp chiều tối ngày 16.8 tại Chợ Đệm. Ba nhân vật tên tuổi được mời dự hội nghị: đồng chí Nguyễn Văn Tạo, Bùi Công Trừng, và Nguyễn Văn Nguyễn. Ban tổ chức nhận định Hội nghị thông qua kế hoạch cướp chính quyền trong đêm 16, kết thúc sáng ngày 17 , tối 18 sẽ bấm nút khởi nghĩa tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Không ngờ hội nghị gặp trục trặc. Hai đồng chí Bùi Công Trừng và Nguyễn Văn Nguyễn phản đối chủ trương khởi nghĩa. Hai anh lý luận như sau: "Nếu Nhật đứng trung lập thì bây giờ ta có thể khởi nghĩa thắng lợi. Chính quyền bù nhìn sẽ đổ nát thôi. Nhưng phải ngó xa hơn vài tuần sau, quân Đồng minh Anh và Pháp là hai đầu sỏ thực dân, chúng sẽ đánh phá chính quyền non trẻ của chúng ta. Ta sẽ không đủ sức kháng cự. Chúng sẽ tiêu diệt Cộng sản Việt Nam như chính phủ Versaille tận diệt Công xã Paris. Phải mấy chục năm sau, phong trào công nhân mới phục hồi. Việc tàn sát năm 1940, chưa ai quên. Cho tới nay, chưa có nước nào không có biên giới chung với Liên Xô mà làm cách mạng thành công. Nước ta xa Liên Xô, làm sao chúng ta tự lực chọi lại nổi với Anh và Pháp? Chớ làm liều !".

Hội nghị chia làm hai phe, phe khởi nghĩa và phe không khởi nghĩa. Phe khởi nghĩa có lý luận như sau: "Cuộc nổi dậy của Paris Công xã chỉ là của tập thể công nhân của một thành phố, còn cuộc khởi nghĩa của chúng ta là cả một dân tộc, hai chuyện đó khác xa. Ta tự lực làm cách mạng được thì ta bảo vệ cách mạng được. Yếu tố quyết định của ta là sức mạnh của dân tộc của nhân dân ta. Ta không mong chờ ai tới giải phóng giùm chúng ta. Ta phải dựa vào sức mạnh của ta. Tất nhiên, chính nghĩa của chúng ta sẽ được Liên Xô và các nước anh em, các dân tộc bị áp bức ủng hộ...".

Ngày 17, hội nghị quyết định tạm hoãn ngày bấm nút ở Sài Gòn (trước dự định ngày 18), tiếp tục hoàn thành chuẩn bị khởi nghĩa, chờ tin Hà Nội nổi dậy. (Vì thời đó phương tiện liên lạc viễn thông kém nên Sài Gòn không biết Hà Nội cướp chính quyền ngày 19.8). Ngày 20 mới được tin Hà Nội khởi nghĩa ngày 19.8.1945. Hội nghị Chợ Đệm lại họp lần thứ hai. Định bấm nút chiều 20, nào dè ba anh Trừng, Nguyễn, Tạo lo ngại quân Nhật sẽ can thiệp. Có người đề nghị lấy tỉnh Tân An làm thí điểm xem Nhật có can thiệp hay không. Hai tỉnh ủy viên Tân An là Trọng và Xuân nhận lệnh, đạp xe về Tân An trong ngày 22 và tối đó làm cuộc khởi nghĩa thành công. Hai anh đi xe hơi lên Chợ Đệm báo tin vui vào sáng 23.

Thế là hội nghị yên chí lớn sẽ bấm nút vào tối 24 và chỉ định danh sách ủy ban khởi nghĩa.

Cuộc cướp chính quyền ngày 25.8.1945, thành công rực rỡ. Đây là một thành tích lớn nếu chúng ta thấy được hai trở lực lớn: Thứ nhất, Sài Gòn xa Trung ương và năm 39 Xứ ủy đứt liên lạc với Trung ương. Thứ hai, sau Nam Kỳ khởi nghĩa, các cơ sở Đảng bị Tây phá tan, số đảng viên bị bắt, bị giết rất nhiều, tinh thần suy giảm vì lòng tin bị khủng hoảng. Nhìn xa ra thế giới, những năm 42, 43, Hồng quân Liên Xô bị Đức đánh bại liên tiếp, ở Thái Bình Dương, Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) gây hoang mang cho mọi người. Trước hai biến cố nghiêm trọng đó, Xứ ủy Nam Kỳ cương quyết cướp chính quyền. Đây là nét vàng son của tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử.

BÁC SĨ PHẠM NGỌC THẠCH NHÀ NGOẠI GIAO TRONG BÓNG TỐI

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7.5.1909 tại Quảng Nam, con nhà giáo Phạm Ngọc Thọ. 

Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở Pháp, mở phòng mạch ở Sài Gòn, chuyên trị giúp Các nhà Cách mạng và dân nghèo.

Ông có công sáng lập Thanh Niên Tiền Phong, lực lượng chủ yếu cướp chính quyền Sài Gòn ngày 25.8.1945. Tập kết ra Bắc, ông làm Bộ trưởng Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong lịch sử kháng chiến, có nhiều nhân vật nổi tiếng với nghề tay trái hơn nghề tay mặt. Xin đưa ra vài điển hình: Giáo sư Phạm Thiều chuyên dạy Hán Việt trường trung học Pétrus Ký lại nổi danh với Phong trào Truyền bá quốc ngữ những năm đầu thập kỷ 40 với phương pháp vỡ lòng vui tươi và dễ nhớ "O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ già mang râu” và "I Tờ có móc cả hai, I ngắn có chấm, Tờ dài có ngang"... Như kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, người đã thiết kế Hội chợ Triển lãm Sài Gòn năm 1942 trong vườn Tao Đàn chỉ bằng vật liệu cây nhà lá vườn, các gian hàng toàn bằng cây rừng, mái lá, tranh, đơn sơ, giản dị, mà độc đáo. Nhưng ông Phát lại được đời sau ghi nhớ với cương vị nhà báo và thông tin tuyên truyền. Ông chủ biên tờ báo Thanh Niên trước Cách mạng Tháng Tám gieo rắc tinh thần quốc gia dân tộc trong giới thanh niên, học sinh và sinh viên... Và nhân vật chúng tôi muốn nói đến là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người có hai công trình quan trọng là thuốc phòng lao BCC và Subtillis. Nhưng bác sĩ Thạch lại là một nhà ngoại giao bẩm sinh, được giao nhiều sứ mạng quan trọng, có việc nhiều người biết và còn nhiều sự kiện ít người biết.

Thuyết phục Tổng tư lệnh Nhật 

Trước sức ép của quân đội Pháp dựa thế Đồng minh toan tính lật quân đội Nhật đang thất trận, Tổng tư lệnh quân đội Nhật tại Đông Dương là Thống tướng Téra Uchi mời bác sĩ Thạch, lúc đó là ủy trưởng ngoại giao trong Lâm ủy hành chính Nam Bộ tới mật đàm. Ai cũng lo cho ông Thạch vì ngại Nhật đang lúc túng có thể bắt cóc ông Thạch làm con tin. Nhưng ông Thạch mạnh dạn tới tư dinh Tư lệnh Nhật phó hội. Đến nửa đêm ông mới về. Vừa tới nơi, anh Tư đưa cao thanh kiếm võ sĩ đạo, hồ hởi khoe: "Téra Uchi tặng mình thanh kiếm tổ phụ truyền lại vì không muốn nó rơi vào tay quân thù da trắng".

Vào văn phòng, anh Tư tường trình nội dung cuộc mật đàm với chủ tịch Trần Văn Giàu và các vị trong Lâm ủy: Téra Uchi buồn vì tin Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện sau hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Ông ta hoang mang giữa chống cự và đầu hàng. Mình khuyên ông ta nên rút quân vô rừng. Mình hứa giúp trong trường hợp quân Nhật rút vô rừng để tránh cái nhục bị quân Anh giải giới. Mình hứa giúp tiếp tế lương thực nếu xảy ra tình huống đó. Với điều kiện là quân Nhật không can thiệp vào nội tình của ta. Téra Uchi đồng ý ngay và tháo dây nịt lấy khẩu súng báng cẩn ngà tặng luôn cho mình.

Vang dội hơn bom nguyên tử 

Hội nghị Đà Lạt đã có nhiều người viết rồi, nhưng chi tiết về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thì chưa được tiết lộ. Hội nghị Đà Lạt vào tháng 4. 1946, có nhiệm vụ tạo điều kiện cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự hội nghị Fontainebleau bên Pháp. Trong danh sách phái đoàn thương nghị Việt Ham Dân chủ Cộng hòa có tên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đại diện cho nhân dân Nam Bộ. Từ chiến khu An Phú Đông lên Đà Lạt, đi cách nào để tới nơi an toàn?

Tháng 4.1946, Pháp đã chiếm Sài Gòn và các tỉnh lân cận Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho... Từ Sài Gòn lên Đà Lạt, xe đò, xe hàng không dám chạy một mình mà phải núp bóng xe nhà binh chạy từng đoàn. Tây và ta gọi là "convoi". Ông Thạch nghĩ ra một sáng kiến độc đáo. Ông bí mật gặp anh bạn cũ là André Canac trong Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx, nhờ anh này giúp cho một vé hành khách lên Đà Lạt. Ông Thạch trình bày ý đồ của ông: Tại hội nghị này, mình sẽ nói lên tiếng nói bưng biền Nam Bộ mà trong chương trình nghị sự hội nghị không có ghi. Ông Canac giúp ông Thạch một chỗ trong đoàn convoi dễ dàng. Ông đi Đà Lạt và xin phép vị sĩ quan trưởng convoi cho ông đưa theo một anh bạn chí thân. Thế là phát ngôn nhân của Nam Bộ đường hoàng lên xe GMC (loại cam nhông nhà binh do hãng General Motor Company viết tắt là GMC sản xuất, Mỹ viện trợ cho Pháp). Trên đường đi mấy trăm cây số, ông Thạch hòa mình với đám lính chiến, cùng ca hát những khúc quân hành của bộ binh lẫn hải quân và vui vẻ nhận khẩu phần ăn trưa với phó-mát camembert tưới rượu chát đỏ. Anh Tư hòa mình quá khéo nên đám lính Pháp khoái anh lắm, vỗ vai vỗ vế dồn dập gọi anh là "un ami de la France" (một người bạn của nước Pháp). Mà còn hơn vậy, vì anh Tư đã từng du học bên Pháp, đậu bác sĩ bên Pháp và cưới vợ Pháp. Đám lính mê anh Thạch đến mức khi tới Đà Lạt, tận tình đưa anh tới tận nơi anh muốn xuống. Đó là khách sạn Lang-Bian Palace, nơi phái đoàn thương thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tạm trú.Cả phái đoàn Việt Minh bật ngửa khi thấy đại biểu Nam Bộ tới phó hội bằng phương tiện xe nhà binh Pháp. Không ai ngờ đại biểu Nam Bộ tới hội nghị được và tới trên xe nhà binh Pháp! Đại tướng Võ Nguyên Giáp thích thú ôm hôn anh Tư, kêu to lên: "Việc anh tới đây còn vang dội hơn bom nguyên tử!"

Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói khi ôm hôn anh Tư Thạch "anh đến hội nghị là một sự kiện vang dội hơn bom nguyên tử!" (nguyên văn lời nhà báo kiêm sử gia Georges Chaifard "Voilà qui est plus fort que la bom be atomique"). Sự có mặt của đại biểu Nam Bộ Phạm Ngọc Thạch làm Hội nghi Đà Lạt nháng lửa. Thâm tâm của Cao ủy kiêm Tư lệnh Đông Dương - Đô đốc D'Argenlieu là tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam và lập chính phủ Nam Kỳ Tự trị (vào hai tháng sau, ngày 1.6.1946, do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng). Nhưng tại Hội nghị Đà Lạt, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lên tiếng trước, khẳng định Nam Bộ là một bộ phận của Việt Nam, không thế lực nào có thể chia cắt được. Lập tức phái đoàn Pháp tuyên bố gác lại vấn đề Nam Kỳ và cho sự hiện diện của bác sĩ Thạch là một khiêu khích. Ngay chiều hôm đó, thực dân ngang nhiên bắt ông Thạch và người bạn khả ái của ông là Canac. Ông này bị giam vài ngày rồi thả. Còn ông Thạch thì bị giam khoảng nửa tháng trong một trại lính. Ông được đối xử tử tế và mỗi ngày đều có khách tới thảo luận chính trị . Khách là học giả Jean Pierre Dannaud, làm việc tại Cao ủy phủ. Trọng trách của Dannaud là thuyết phục ông Thạch rời bỏ Việt Minh. Xin giới thiệu sơ về kẻ hậu sinh dám đấu lý với bậc đàn anh, đúng là điếc không sợ súng.

Jean Pierre Dannaud đậu thạc sĩ triết lúc mới 25 tuổi, từng vượt ngục và tham chiến trong Sư đoàn I, năm 1943. Tháng 9.1945, Dannaud tới Sài Gòn theo đơn vi của tướng Leclerc. Sau thời gian ngắn ở Lào, Dannaud được đưa về văn phòng Đại tá Cédile, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ. Ông phụ trách Sở Văn hóa Pháp kiêm Sở Thông tin. Do vậy mà Thống tướng De Lattre chọn làm Trưởng phòng báo chí của ông ta. Nhưng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thì thạc sĩ Dannaud chỉ là một ngựa non háu đá, làm sao đấu lý được một đối thủ bậc thầy. Thêm một sự cố thất lợi cho Dannaud, lúc đó bác sĩ Thạch nghe tin phòng mạch của ông ở 202 Chasseloup bị lính Pháp đập phá. Sau cùng, Pháp tống khứ ông ra Hà Nội. Đúng là chúng thả hổ về rừng. Vài tháng sau, ông Thạch được giao chức chánh văn phòng Phủ Chủ tịch. Ở cương vị này anh Tư Thạch cũng phát huy năng khiếu ngoại giao.

Vài tháng trước ngày Toàn quốc kháng chiến 19.12.1946 bác sĩ Thạch gợi ý một người Pháp có tư tưởng ôn hòa như sau "Tôi lo ngại sẽ xảy ra chiến tranh. Các bạn người Pháp các anh không chịu hiểu chúng tôi". Người bạn Pháp cho rằng vẫn còn có thể cứu vãn tình hình được. Ông Thạch liền khuyên anh ta bay ngay vào Sài Gòn gặp thống đốc Đông Dương Ngân hàng Paul Ganay. "Anh hãy nói cho ông ta biết là chúng tôi rất thành thật khi tuyên bố chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bảo đảm quyền lợi người Pháp ở Việt Nam". Về sau người bạn này cho ông Thạch biết dù Paul Ganay là vua trong giới tài phiệt, ông ta không thể can thiệp vào đường lối chính sách của Paris.

Ba lần sang Paris vận động hòa bình, bác sĩ Thạch được cảm tình mọi giới 

Bác sĩ Thạch gặp Nguyễn Đệ tại Paris 

Nguyễn Đệ, cánh tay mặt của Bảo Đại và bác sĩ Thạch có họ hàng xa và là bạn cũ với nhau. Nguyễn Đệ bắn tin muốn gặp bác sĩ Thạch vào tháng 9.1962, trong chuyến hành hương thánh đường Lousdes, nơi có tin Đức Mẹ hiện về. Lúc đó, ông Thạch điện cho Nguyễn Đệ: "Tôi rất sẵn sàng gặp đổng lý văn phòng của Bảo Đại".

Địa điểm gặp gỡ là nhà hàng Poccardi với sự có mặt của ông Văn Chi và một nhà ngoại giao cao cấp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không khí  cuộc gặp mặt rất thân mật, cả hai đều cố quên đi những bất đồng chính trị, chỉ nhắc lại những kỷ niệm thời xa xưa. Ông Thạch tế nhị không nhắc tới những ý nghĩ chưa chín chắn của Cựu hoàng. Ông Thạch cố tránh tạo ra dư luận trong nhóm người Việt ở Pháp là Việt Minh "ve vãn" Bảo Đại. Còn về phía Nguyễn Đệ thì ông ta cố tạo điều kiện để Bảo Đại có vài hành động xóa đi những bực dọc mà Hà Nội nhắm vào ông ta. 

Cuộc gặp gỡ kể như đạt yêu cầu cả hai bên.

Tiếp xúc tùy viên tướng De Gaulle 

Năm 1963, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lại bay sang Paris mật đàm. Lần này ông tiếp xúc với một nhân vật kề cận Tướng De Gaulle đầy quyền lực. Trong chuyến đi này, ông Thạch không hề nhắc tới Cựu hoàng Bảo Đại. Với chính giới Pháp, ông Thạch bắn tin là Pháp có thể cùng với Liên Xô giúp có một giải pháp chính trị cho cuộc chiến Việt-Mỹ. Chỉ có Pháp, nước đã ký hiệp đinh Genève 1954 là nước có đủ tư cách để can thiệp vào các vấn đề Việt Nam. Ông Thạch vận động các bạn thuyết phục Tướng De Gaulle: giúp Việt Nam. Lúc đó tại Hà Nội, chính phủ còn đặt nhiều hy vọng nơi vai trò hòa giải của Pháp. Ngay cả các phần tử thân Trung cộng vẫn chịu một cuộc cộng tác Pháp-Việt với điều kiện De Gaulle tách nước Pháp ra khỏi chính sách xâm lăng Việt Nam của Mỹ.

Sang Paris, ông Thạch nhờ hai bạn, một thân cộng, một gần gũi với Bảo Đại giúp ông trong việc tiếp cận ông Edmond Michelet. Ông Michelet là tùy viên Tướng De Gaulle. Trong ngôn ngữ nhà binh Pháp, người ta gọi ông Michelet là "Grognard du Général De Gaulle" (cựu chiến hữu thân tín của De Gaulle). Năm 1955, Michelet đã sang Hà Nội, sau đó tiếp tục giao hữu với phái bộ thương mại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Michelet cũng có liên hệ mật thiết với nhóm chủ trương trung lập do Trần Văn Hữu cầm đầu ở Pháp. Nghe các bạn của ông Thạch nói về cuộc vận động của ông Thạch, ông Michelet cho đó là sự ca ngợi chính sách ngoại giao của tướng De Gaulle. Lập tức Michelet gửi một thông tư tới Điện Elysée (Phủ tổng thống). Vài ngày sau, bản tuyên ngôn nổi tiếng ngày 28.8.1963, được công bố đánh dấu ngày chính phủ Pháp quan tâm trở lại các vấn đề Việt Nam.

Cũng trong lúc này, chính phủ nhà Ngô đang gặp nhiều khó khăn từ nhiều phía sẵn sàng liều lĩnh tiếp xúc Việt Cộng.

Theo dõi các hoạt động ngoại giao của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ký giả kiêm sử gia Georges Chaffard nhận định: Bác sĩ Thạch được kết nạp vô Đảng Lao động (Đảng Cộng sản Việt Nam) muộn màng, ông là một người ôn hòa, gần đường lối Liên Xô hơn Trung Quốc, và gần Pháp hơn Liên Xô. Thái độ thẳng thắn của ông cùng trình độ văn hóa cao rộng của ông vượt quá tầm một cán bộ, ông là một nhân bản (un humaniste).

Sang Paris lần ba, gặp Trần Văn Hữu 

Từ ngày 11 đến ngày 23.9.1964, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế sang Pháp với danh nghĩa hội thảo y tế giữa hai nước Pháp-Việt. Cùng đi với ông Thạch có hai giáo sư trứ danh, đó là giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Hà Nội và giáo sư Tôn Thất Tùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế và là bác sĩ trưởng Bệnh viện Hà Nội.

Cả ba ông đều học và tốt nghiệp tại Pháp. Do vậy ba ông được Ban tổ chức đối xử thân tình. Riêng ông Thạch còn làm công tác ngoại giao bí mật. Hai lần sang Pháp trước đây, ông Thạch cũng làm công tác vận động chính trị. Đó là những năm 1962 và 1963, khi Mỹ chỉ can thiệp vào chiến cuộc miền Nam. Chuyến đi lần này, tình thế căng hơn. Năm 1964, Mỹ mở rộng các cuộc không kích miền Bắc và không khí lo âu tại Hà Nội có phần gia tăng. Chuyến đi lần này của ông Thạch có nhiệm vụ ngăn chặn khả năng chiến tranh lan rộng.

Sang Paris lần này, ông Thạch không tiếp xúc với người Mỹ, ông giao thiệp với nhóm chính khách lưu vong người Việt trên đất Pháp, nhờ họ làm trung gian. Ông trình bày với họ những lo ngại của Hà Nội như chiến tranh lan rộng, đời sống sẽ khó khăn hơn, buộc Hà Nội phải nhờ viện trợ của Trung Quốc. Vì vậy, Hà Nội muốn có một thu xếp thích ứng hơn.

Hai giáo sư Tùng và Di cũng tuyên bố lo ngại về khó khăn kinh tế phải nhờ quá nhiều nơi, cho nên cần phải thương thuyết. Nước Pháp có thể giúp hai bên xích lại các quan điểm bất đồng.

Bác sĩ Thạch cho rằng quan điểm về Việt Nam của tướng De Gaulle rất đáng quan tâm, nhưng hiện nay các quan điểm xây dựng đó lại làm cho người Mỹ bực bội. Chắc chắn Washington không chấp nhận việc Pháp đứng ra làm trung gian hòa giải. Tốt hơn là Hà Nội thương thuyết trực tiếp với Mỹ. Sau đó, chúng tôi sẽ nhờ nước Pháp giúp.

Tại khách sạn Prince des Gallẹs, nơi phái đoàn Việt Nam tạm trú, bác sĩ Thạch và hai giáo sư Di và Tùng đàm đạo khá lâu với một trong các lãnh tụ đối lập với chính quyền Sài Gòn - ông Trần Văn Hữu. Ông Hữu là đại điền chủ quê Vĩnh Long. Năm 1950, ông là thủ hiến Nam phần Việt Nam. Ông là người chủ trương trung lập, suốt thời gian lưu vong ông đã qui tụ được một nhóm tán thành trung lập. Tháng 3.1951, tại hội Phù Luân (Rotary Club Saigon), ông Hữu tuyên bố "đã tới lúc giải hòa và chung sống". Rồi ông Hữu đi châu Âu vận động sự đồng tình quốc tế quan điểm trên. Ông tới Rome, yết kiến Đức Hồng y Montini (sau là Đức Giáo Hoàng Paul II) để Ngài thấy sự cần thiết của chế độ trung lập ở Việt Nam và tác động tới anh em nhà Ngô qua trung gian của Giám mục Ngô Đình Thục.

Ngày 14.7, ông Hữu bay sang Genève gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Villa Versoi chuyển lời yêu cầu của Thủ tướng Mendès Francce "không nên đưa điều kiện chia ranh giới hai miền Nam Bắc Việt Nam theo vĩ tuyến và đừng đòi ký kết hiệp định Genève trước ngày bầu thủ tướng Pháp". Trong tiệc ông Đồng đã tâm tình với ông Hữu : “Năm 1946, vì người Pháp không hiểu chúng tôi nên chúng tôi không có cách nào khác hơn là đi theo con đường chúng tôi đã chọn. Còn bây giờ thì chính nhân dân lựa chọn".

Tại khách sạn Prince des Galles, chờ hai ông Tùng và Di về phòng nghỉ, ông Thạch kéo Trần Văn Hữu đi bách bộ trên đại lộ Georges V tâm tình: Ông có liên hệ tốt với người Mỹ, ông nên bảo họ thương thuyết với chúng tôi. Chúng tôi không đòi họ rút quân ngay bây giờ đâu. Chúng tôi có thể đưa ra điều kiện rút quân từng chặng, chẳng hạn như hai năm. Nếu người Mỹ muốn giữ lại vài căn cứ lâu dài hơn để không mất mặt, hoặc là sợ Trung Quốc, chúng tôi có thể thương lượng. Điều kiện tuyệt đối của chúng tôi là các căn cứ đó không được dùng vào việc chứa nguyên tử. Ngoài ra, các vấn đề khác có thể thương thảo. Chúng tôi mong muốn Mỹ viện trợ kinh tế cho Việt Nam. Tại sao chúng tôi lại ngu ngốc bác bỏ viện trợ nếu viện trợ không có điều kiện chính trị? Nếu họ muốn thương thuyết với chúng tôi, không có gì khó. Họ chỉ tiếp xúc tại đây, tại Paris này với Mai Văn Bộ, hay tại đại sứ quán Việt Nam tại Lào.

Ngoài lá bài Trần Văn Hữu, ông Thạch còn vận động nhiều nhân mối khác để tiếp xúc với người Mỹ tìm một giải pháp hòa bình cho Việt Nam.

Tại Mỹ ông Thạch cũng nắm được vài nhân vật tên tuổi. Một người bạn của bác sĩ đã tiếp cận được tướng Nguyễn Khánh từng nổi danh là người hùng tại Sài Gòn, người đã hạ bệ Tổng thống Dương Văn Minh. Khi bị các tướng trẻ Thiệu, Kỳ hất sang Mỹ, Nguyễn Khánh vẫn là người thân tín của Đại sứ Cabót Lodge. Ông Thạch bảo bạn nên nắm Nguyễn Khánh và khuyên Khánh cố nắm chính quyền để sau này có thể hữu ích, giúp ta giao tiếp với người Mỹ.

Trong giới kinh tài Việt kiều ở Pháp ông Thạch cũng kéo họ vào cộng đồng quốc gia Việt Nam. Ông gợi ý họ xuất cảng hàng hóa, máy móc về y khoa và nông nghiệp mà Việt Nam đang cần.

Một trong những nhân mối quan trọng này - ông Phạm Hòe, nguyên chánh văn phòng Bảo Đại. Ông Hòe là nhà tư bản Việt Nam, chủ hãng hàng không Cosara. Cuối tháng 9, ông Phạm Hòe đã tiếp xúc với một phái viên chức ngoại giao Mỹ và chuyển đề nghị của Hà Nội. Nhưng lúc đó phe chủ chiến ở Mỹ thắng thế.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mất năm 1968, trong chiến khu miền Đông Nam Bộ. Bác sĩ có hai công trình y khoa về thuốc ngừa lao. Ngày nay bệnh viện Hồng Bàng trên đường Hùng Vương mang tên bác sĩ. Nhưng tài ngoại giao của ông Phạm Ngọc Thạch được Bác Hồ sớm phát hiện đã giao nhiều sứ mạng khó khăn và tế nhị. Rất nhiều chuyến công du sang Ấn, Thái Lan và các nước Đông Nam Á. Đặc biệt các chuyến du thuyết ở Pháp đã được các sử gia Pháp ghi lại.

DƯƠNG QUANG ĐÔNG VÀ MẬT VỤ Ở XIÊM

Ông Năm Đông là nhà cách mạng lão thành đã tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội của lãnh lụ Nguyễn Ái Quốc và sớm hoạt động trong Công hội Đỏ của cụ Tôn Đức Thắng. Trong thời kháng Pháp, ông là Phó phòng Hàng hải Nam Bộ, phụ trách văn phòng thường trực của ta ở thủ đô Xiêm quốc, Bangkok. Ông đóng vai doanh thương có cửa hàng xuất nhập cảng lớn tại thủ đô Bangkok, mua sắm tàu biển chở súng đạn, hóa chất, máy móc về nước đánh Tây. Trong cuộc sống đầy gian nguy giữa hàng ngũ mật vụ Pháp bố trí dày đặc ở Xiêm, dưới cái lên Xiêm là Nai Chran ông vẫn bình tĩnh làm tròn sứ mạng của mình cho tới ngày bị phe đảo chính bắt.

Đường xuyên tây 

Cuối tháng 8.1945, tình hình Nam Bộ sục sôi dữ dội. Ta cướp chính quyền Sài Gòn ngày 25.8, tổ chức ngay tàu Phú Quốc và 25 ghe cửa Vàm Láng, Bình Đại ra Côn Đảo rước tù chính trị về đất liền kháng chiến. Lúc đó tướng De Gaulle đã tập trung quân đội tại Ấn Độ để sang Sài Gòn chiếm thuộc địa, một cuộc chạy đua nước rút giữa hai bên. Năm ấy miền Bắc đang đói chết cả triệu người ; Nam Bộ cấp tốc chở gạo ra bằng đường biển; kế đó Bác Hồ điện vào gọi cụ Tôn Đức Thắng vừa từ Côn Đảo về ra Bắc công tác. Cụ Tôn đáp ghe bầu đi ngay.

Ngày 23.9.1945, giặc Pháp núp sau lưng quân Anh - Ấn, sư đoàn Gurkha của tướng Anh Gracey đánh chiếm Sài Gòn. Cuộc kháng chiến "Mùa thu rồi ngày hăm ba" đã nổ ra ác liệt Thế giặc quá mạnh, tiến quân thần tốc, thắng như chẻ tre, lập tức Xứ ủy họp tại Cái Tàu (Cà Mau) bàn kế hoạch đương đầu, có hai Tỉnh ủy Trà Vinh và Vĩnh Long tham dự, trong đó có anh Năm Đông đang là xứ ủy viên. Khu trưởng Khu 9 Vũ Đức đề nghị ra Trung ương xin vũ khí. Chính ủy Khu 9 Phan Trọng Tuệ gợi ý sang Xiêm mua sắm vũ khí với số vàng đồng bào đóng góp trong Tuần lễ vàng ở các tỉnh miền Tây, gợi ý này được tán thành.

Ông Tuệ chỉ thị đồng chí Phan Văn Sô giao 25 ký vàng thỏi cho anh Năm Đông sang Xiêm mua sắm vũ khí. Anh Tuệ dặn rõ: 

1. Dựa vào Việt kiều tranh thủ tình cảm nhân dân và chính phủ Xiêm 

2. Mở đường biển và đường bộ xuyên ba nước Thái-Miên-Việt để đưa vũ khí về nước (từ đó khai sinh đường xuyên Tây). 

3. Vận động nhân dân Miên mở mặt trận dân tộc giải phóng, sát cánh với chúng ta. 

4. Mở mặt trận đánh Pháp trên đất bạn. 

5. Sau cùng, phải triệt để bí mật.

Đoàn sang Xiêm khởi hành tại vàm kinh Biên Nhị (Cái Tâu) vào đầu hôm, chở theo hai phái đoàn tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, tất cả 14 người, trong số này có Chủ tịch Trà Vinh Nguyễn Văn Khâm, đại biểu Quốc hội, Bí thư Vĩnh Long Nguyễn Văn Thiệt. Có hai nhân vật quan trọng là Dương Tán, tức Huỳnh Văn Vàng, chỉ huy quân sự và nhà sư Sơn Ngọc Minh, phụ trách đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh.

Cùng lúc Nam Bộ lập Phòng Hàng hải Nam Bộ do anh Nguyễn Đăng Kỳ làm Trưởng phòng đặt căn cứ tại Dầy Chảo, anh Năm Đông-phó phòng phụ trách văn phòng thường trực ở Bangkok. Các chỉ thị của Chính ủy Phan Trọng Tuệ được anh Năm Đông lần lượt thi hành. Trong công tác này, anh được anh Trần Văn Giàu - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ chuyển công tác sang thủ đô Xiêm quốc. Do vũ khí mua sắm của Phòng Hàng hải Nam Bộ và các thuyền trưởng Tư Hóa, Bảy Ngạnh, Tư Liêm, Ba Nhã, Y Nết chở về căn cứ tiếp nhận Dầy Chảo (Cà Mau) mà tương quan lực lượng của ta và địch biến chuyển rõ nét. Về sau ta lập ba tiểu đoàn hải ngoại lấy tên là bộ đội Cửu Long 1,2,3...

Cộng đồng Việt kiều ở Xiêm bấy giờ là cộng đồng đông đảo và yêu nước nhất Họ sang Xiêm làm nhiều đợt, bắt đầu từ 200 năm trước, khi vua Tự Đức tàn sát tín đồ Thiên chúa, đợt hai là đầu thập niên 1940, khi Pháp bắt lính đánh Xiêm vì Xiêm nghe theo lời Nhật xúi đòi mấy tỉnh giáp ranh với Campuchia. Không thể chết vô lý vì quyền lợi ngoại bang, anh em binh sĩ đồng loạt đào ngũ chạy sang Xiêm.

Bà con Phật giáo tập trung lại chùa lớn Thi Oa Thi với hai hòa thượng Sư Ba (người Bắc) và Sư Bảo Ân (Rạch Giá). Đây là cơ sở đầu tiên của anh Năm Đông.

Anh Sáu Giàu vốn là bạn thân với Thủ tướng Luang Pradit hồi còn là sinh viên bên Pháp; nay gặp lại, Pradit vui lòng giúp Việt Nam kháng chiếp chống thực dân Pháp. Đợt đầu, Thủ tướng Pradit giúp Việt Nam một ngàn nón sắt Nhật, 500 tôm-xông, hai moóc-chê 60 ly, cả ngàn bộ quân phục kaki. Tàu Độc Lập của thuyền trưởng Tư Hóa - đậu thủ khoa khóa thuyền trưởng viễn dương, Tây tôn là "loup de mer" (sói biển) - chở về nước đầu tiên. Bến bãi bếp nhận vũ khí do Họa đồ Lý (La Văn Lý, cũng còn được gọi là Tào Tỵ) vớt thủy lôi Nhật đánh chìm tàu Tây, giải phóng một vùng duyên hải để xây căn cứ tiếp hàng.

Đồng bào vùng Cà Mau thấy bộ đội Cửu Long từ Xiêm về trang phục tối tân, quân phục kaki, nón sắt, súng tôm-xông lấy làm lên tinh thần.

Công việc làm ăn của anh Năm Đông ngày càng "nở nồi", số vũ khí đưa về nước càng nhiều, phải sắm thêm tàu biển. Bấy giờ Phòng Hàng hải Nam Bộ có các tàu biển loại nhỏ như chiếc Độc Lập, Đoàn Kết, Chiến Thắng. Ta mướn thêm chiếc tàu lớn của Xiêm là Darathip, sau cùng mua chiếc Sông Lô chở gấp năm lần hơn.

Về đường bộ cũng tổ chức xong, xây dựng nhiều cơ sở và trên đường vận chuyển vũ khí bằng voi, ta liên quân bộ đội Khmer Issarak đánh phá đồn bót hẻo lánh của địch. Trận 20.4.1946, Sơn Ngọc Minh chỉ huy đánh trận Xiêm Riệp mở màn cho cách mạng Campuchia.

Trên đường bộ này, lần lượt ba bộ đội hải ngoại về nước tăng cường Khu 9 và Khu 8...

Mở cửa hàng xuất nhập khẩu ở Bangkok 

Trong nước chuyển sang giai đoạn 2 "cầm cự", các trận đánh lớn diễn ra, Phòng Hàng hải Nam Bộ càng tăng gia mua vũ khí gửi về nước. Để nghi trang việc mua bán, ta chủ trương mở cửa hàng xuất nhập cảng lớn cho hợp lý. Anh Năm Đông đóng vai nhà đại kinh doanh, lấy tên Xiêm là Nai Chran (Nai là ông, là Monsieur (tiếng Pháp), là Mister (Anh). Cửa hàng đặt tên là Chơn Phanich, tọa lạc tại phố lầu 428 Lương Loẳng, gần cầu Xa Phanh Khảo. Lãnh patente hạng nhì, cửa hàng Chơn Phanich buôn bán với các hãng buôn lớn ở nước ngoài trong đó có hãng Denis Frèrs, Descours Cabaud từ Sài Gòn. Cũng trong đường dây buôn bán lớn này, anh Năm Đông mua máy in offset bốn màu gởi về Hà Nội để in giấy bạc. Rất tiếc, cái máy in này nặng cả tấn, chở trên tàu Sông Lô bị nhiều chiến hạm địch ví đã tự đánh chìm ngoài biển Đông.

Về sau chính quyền thân Mỹ trở nên phản động hơn, xét nhà nhiều lần, lấy cớ trong cửa hiệu có cờ đỏ sao vàng, mời anh Năm Đông tới Nha Công an. Chúng tố Năm Đông thông đồng với cựu Thủ tướng Pradit ăn cắp vũ khí nhà nước bán hay cho Việt Nam đánh Pháp. Năm Đông nhất định không ký biên bản, bị giữ lại Nha Công an một thời gian. Trong những ngày này, anh được các sĩ quan cảnh sát Xiêm có cảm tình bí mật tiếp tế thức ăn như cà phê, bánh bao, thuốc lá thơm... Hai sĩ quan này là hai đại úy Sa Viểng và Couvich. Trong cảnh tội tù, anh Năm Đông tươi cười nghĩ rằng đời cách mạng của mình biết bao lần ngồi tù Khám Lớn, Tà Lài..., nay lại nằm Nha cảnh sát Bangkok, mà nằm ở đây sang hơn, ngày ngày có bánh bao, cà phê và thuốc Camel...

Sau đó Xiêm quyết định trục xuất anh Năm. Về quyết định này, anh Năm cũng được "tay trong" báo trước nên chọn phương án tối ưu. Anh đề nghị cho về cảng Mayluột. Đại úy cảnh sát Couvich đích thân hộ tống anh Năm xuống tàu khách tới đảo Long Yài rồi cảng Mayluột, nơi ta có cơ sở. Cũng trong những ngày hoạn nạn này, Năm Đông được đền bù bằng một mối tình đồng hương thắm thiết. Người đồng hương của anh là một mệnh phụ nửa chừng xuân, lý lịch trích ngang như sau:

Bà Song Ngam là người Nam Bộ, gốc Sài Gòn. Chồng bà là nhà doanh nghiệp có tham gia hoạt động chính trị, là người ủng hộ chí sĩ Nguyễn An Ninh. Khi ông Ninh bị bắt, chồng bà phải chạy sang Xiêm lánh nạn, lập nghiệp tại tỉnh Chanbori, không may ông mất sớm. Vài năm sau bà tục huyền với tỉnh trưởng Thái, sinh hai con, một trai, một gái. Khi gặp anh Năm Đông, bà rất vui, đúng như người xưa có câu "tha hương ngộ cố tri".

Bà mời Năm Đông về nhà cho biết gia đình con trai và rể. Tư lệnh hải quân - đại tá Prakam rất mến bạn đồng hương của mẹ và mời cậu Năm tới căn cứ Hải quân tham quan, còn mua giúp mấy thùng lựu đạn, một số hóa chất. Bà Song Ngam cũng đã tham gia phong trào nuôi quân tình nguyện Việt Nam trong tỉnh Chanburi là tỉnh giáp ranh với Campuchia, cụ thể là bộ đội Cửu Long 2 suốt mấy năm ròng.

Trong cuộc tranh chấp giữa Lục quân (thân Mỹ) và Hải quân (có cảm tình với Việt Nam), đại tá Hải quân Prakam tiên đoán một trận thư hùng quyết liệt nên tiếp xúc với anh Năm Đông và hai anh Bông Văn Dĩa, Lâm Quang Nhị xin gửi 10 tàu hải quân trên đất Việt Nam nếu xảy ra chiến sự. Ta hứa hẹn giúp đồng minh gặp khó khăn.

Riêng bà Song Ngam thường tới cửa hàng của anh Năm để mật báo nhiều tin quan trọng mà con rể đại tá hải quân biết trước. Nhưng đó cũng chỉ là lý do phụ, còn nguyên nhân chính là tình cảm đồng điệu ẩn trong mối tình đồng hương. Mỗi lần bà tới thì thức ăn ê hề, bà cố nấu nướng theo khẩu vị Nam Bộ, anh chị em trong cửa hàng được dịp thưởng thức hương vị quê hương. Khi anh Năm ngộ nạn, bà Song Ngam càng tiếp tế đều đặn. Thức ăn dư thừa anh Năm đem chia cho nhân viên an ninh có nhiệm vụ canh gác anh, nhờ vậy mà ai cũng đều có cảm tình với ông chủ của hàng xuất nhập khẩu Việt Nam.

Mối tình đồng hương giữa hai người diễn ra công khai, chính bà vợ ông Phạm Văn Bạch là khách của cửa hàng một thời gian cũng nhận xét hết sức tế nhị: "Mối tình đồng hương này coi chừng vượt qua ranh giới".

Anh Năm Đông cười, giọng nhỏ nhẹ nhưng khẳng định: 

- Chị chớ lo xa, bà Song Ngam là mệnh phụ có uy, lại thêm hai con là đại tá Hải quân từng giúp đỡ chúng ta; còn tôi thì cũng có bà xã ở nhà, như vậy tuy tình đồng hương thắm thiết, chúng tôi cũng đủ sáng suốt để giữ mối tình đồng hương này thật là trong sáng. Chị cứ tin tôi đi.

Trên đây là những lời tâm tình của anh Năm Đông thổ lộ với tôi, một chuyện tình lãng mạn trong thời kháng chiến mà anh không hề viết trong hồi ký.

TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH VỊ TƯỚNG CÓ TÁC PHONG HẢO HỚN

Nguyễn Bình là người miền Bắc, quê Bần Yên Nhân, Kẻ Sặt, Hưng Yên, nhưng nhân dân miền Nam đều công nhận anh Ba là đồng hương, vì lúc còn thanh niên anh Ba đã lưu lạc giang hồ vô Sài Gòn, làm quen với nhà văn - tướng cướp Sơn Vương, kết thân với nhà báo Trần Huy Liệu, gia nhập Việt Nam Quốc Dân đảng, bị đày ra Côn Đảo đến năm 1936, khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp mới được thực dân trả về nguyên quán. Rồi anh vô Nam theo lệnh của Bác Hồ. Anh thường được nhắc đến như một nhân vật huyền thoại của Nam Bộ.

Tôi may mắn được gặp Nguyễn Bình hai lần trong Đồng Tháp Mười, trong thời gian dự khóa đào tạo nhà báo đầu tiên của Nam Bộ do anh Thu râu (Nguyễn Văn Thu) đảm trách đầu năm 1948.

Một chiều đi dạo trên con kinh Dương Văn Dương, một con kinh tuyệt đẹp nước trong xanh với hai hàng ô môi chạy dài thẳng tắp, mùa hoa nở đỏ rực trên nền trời xanh vương mây trắng, bỗng tôi thấy một người to cao, khoác pardessus sậm từ ven kinh Huyện bước ra. Bấy giờ là mùa khô nên con kênh Huyện cạn, hai bên lau sậy mọc cao khỏi đầu. Đến gần, tôi thấy người ấy mặc bà ba đen có đeo "sắc-cốt" ở bên hông và mang cặp kính đen gọng sừng. Tôi về hỏi, mới biết đó là Nguyễn Bình. Cảm tưởng của tôi khi mới thấy lần đầu người mà bọn thực dân Pháp gọi là "Lưu Bá Thừa Việt Nam" kể ra có hơi phạm thượng. Tự nhiên tôi nghĩ tới con heo rừng độc chiếc cũng gọi là "heo lăn chai" đến chúa sơn lâm cũng phải nể. Chiều sau, tôi lại đi dạo mát dọc bờ kinh hy vọng gặp lại nhân vật khét tiếng này. Nhưng tới con kênh Huyện cạn khô thì tứ bề vắng lặng. Đứng lại nhìn kỹ hơn thì xa xa trong sâu có một mái lều con con. Đó là nơi vị trung tướng nghỉ ngơi. Điều này cũng khác thường. Các cơ quan thường đóng ở bờ kinh để tiện việc ghe xuồng đi lại. Còn nhà quân sự này không theo quy luật đó.

Lần gặp thứ hai, trong lễ truy điệu Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa, vị chỉ huy Tiểu đoàn 307 anh hùng đã tử trận khi chỉ huy chống trận Tây nhảy dù, chụp các cơ quan đầu não Nam Bộ đồng thời cũng là tạo chiến công đưa Bảo Đại về chấp chính. Cũng trong dịp này, Nam Bộ làm lễ truy điệu luật gia Lê Đình Chi, Trưởng phòng quân pháp. Tôi nhớ rõ ngày ấy là lễ sinh nhật Hồ Chủ tịch 19.5.1949 hay 1950, tôi có dịp đứng gần vị Tư lệnh Nam Bộ khá lâu trong hai lần mặc niệm hai vị liệt sĩ và khi xem triển lãm hội họa của nghệ sĩ Diệp Minh Châu. Lần này, tôi nghĩ về anh Ba trân trọng hơn. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:"Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long", đồng thời nhớ bài báo viết về Nguyễn Bình trên tờ Việt Bút ở Sài Gòn, một mình một ngựa Nam tiến.

Đang là Tư lệnh Chiến khu Đông Triều, còn gọi là chiến khu Trần Hưng Đạo hay Đệ tứ chiến khu, anh Ba Bình theo lệnh Bác Hồ đơn thương độc mã vào Nam. Bấy giờ Nam Bộ đang đứng trước nguy cơ bi giặc Pháp xâm chiếm, lại lâm vào cảnh "thập nhị sứ quân" cá lớn nuốt cá bé, mỗi nhóm bộ đội là một anh hùng nhất khoảnh. Phải là tay hảo hớn mới lãnh đạo các bộ đội giang hồ như Ba Dương, Bảy Viễn, Mười Trí. Bác Hồ đã chọn đúng người để giao đúng việc. Lịch sử kháng chiến Nam Bộ đã chứng minh điều đó.

Trọng tâm công tác, hay nói cách khác - sứ mạng mà Bác Hồ giao cho Nguyễn Bình khi vào Nam là thống nhất các lực lượng vũ trang ở miền Đông Nam Bộ. Đây là một nhiệm vụ quan trọng vì ai cũng biết lúc cách mạng mới nổ ra thì các tay giang hồ lật đật chiêu binh mãi mã. Ba Dương, Bảy Viễn, Mười Trí, Tư Thược, Ba Nhỏ, Hoàng Thọ... mạnh ai nấy xưng hùng một khoảnh không ai phục ai, còn tệ hơn thế nữa, cá lớn nuốt cá bé. Biết bao chuyện bộ đội này tước súng bộ đội kia. Giống y như thập nhị sứ quân trong lịch sử nước nhà. Phải có một Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau thống nhất các lực lượng giang hồ mà chủ tướng đều mang mộng Từ Hải: "Triều đình riêng một góc trời, gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà". Tại sao Bác lại phái vị Tư lệnh chiến khu Đông Triều vô Nam làm công việc ít người kham nổi? Bởi Bác biết dân anh chị trong Nam chỉ phục những kẻ hảo hớn hơn mình mà thôi. Mà Nguyễn Bình thì đã lưu lạc giang hồ vô Nam, đã giao du thân mật với Sơn Vương là trùm đám thảo khấu kiểu Lương Sơn Sài Gòn và vùng lân cận. Khi giao nhiệm vụ, Bác đã ôm hôn và nói: "Bác giao Nam Bộ cho chú đó". Thống nhất lực lượng các tay trời gầm trong Nam, ai làm được? Vậy mà Ba Bình làm được. Nhờ đâu? Tài, đức? Cố nhiên phải có hai yếu tố đó, nhưng quan trọng hơn hết là nhờ tác phong anh hùng mã thượng, phải "hợp jeu" (hợp gu) và phải "trên queue" (trên cơ) thì mới thu phục được nhóm Bình Xuyên của Ba Dương, Tám Mạnh, Bảy Viễn, Mười Trí, Mười Lực, Bảy Môn. Không chỉ có dân giang hồ còn dân trí thức nữa chớ. Phải là người thế nào mới thu phục dưới trướng các giáo sư Phạm Thiều, Đặng Minh Trứ, luật gia Lê Đình Chi, các chi đội trưởng trí thức như Huỳnh Kim Trương chi đội I, Huỳnh Văn Nghệ chi đội 10, các bác sĩ Võ Cương, Trần Nam Hưng...

Hãy nghe anh Hai Trọng (Lương Văn Trọng) phái viên của anh Ba Bình ra Bắc báo cáo công tác thống nhất các lực lượng võ trang miền Đông của Khu trưởng Nguyễn Bình.

Lúc đó là tháng 5.1948, trưởng phái đoàn là anh Trần Văn Trà, Tư lệnh Khu 8. Anh Trà báo cáo với Trung ương tình hình quân sự toàn Nam Bộ, riêng anh Trọng báo cáo về tình hình Bình Xuyên. Anh Trọng là dân cùng quê với anh Ba Bình, cũng lưu lạc giang hồ vô Nam, tham gia kháng chiến từ đầu và sớm được anh Ba thu dụng làm đại diện của mình bên cạnh Bình Xuyên.

Đường đi muôn dặm sơn khê, nay chỉ nói về cuộc hội kiến giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại diện của anh Ba. Sau khi nghe Hai Trọng báo cáo, Đại tướng nói : "Đồng chí về làm cho tôi một luận án Nghệ thuật lãnh đạo các bộ đội giang hồ". Quan trọng lắm ! Nhiều nước làm cách mạng giải phóng dân tộc như ta đang cần để thu hút các giới chọc trời khuấy nước, sống ngoài vòng pháp luật".

Hai Trọng giật mình, đáp: "Thưa đại tướng, điều đại tướng vừa nói quá mới đối với tôi. Tôi chưa đủ sức đúc kết". 

Tướng Giáp cười: "Anh cứ viết như báo cáo, nhưng đi sâu vô chi tiết. Trên báo cáo đó, tôi sẽ làm đúc kết. Cứ làm đi, rồi sẽ có trình độ lý luận".

Đêm đó, Hai Trọng về cặm cụi viết báo cáo chi tiết và càng đi sâu vô mối liên hệ Nguyễn Bình - Ba Dương, anh càng thấy nghệ thuật lãnh đạo giới giang hồ của anh Ba. Điều này cũng không có gì mới so với túi khôn Đông Tây kim cổ. Thấy rõ qua các cuộc quân sự ở An Phú xã, lực lượng Bình Xuyên mạnh nhất ở miền Đông, Nguyễn Bình liên kết ngay, và cách hay nhất là phong Ba Dương khu phó rồi đến thăm xã giao Liên chi 2 - 3. Sau đó, đưa Ba Dương đi viễn chinh Bến Tre, vừa giải vây chiến khu An Hóa - Giao Hòa theo lời yêu cầu, đồng thời quy tụ thêm các lực lượng địa phương. Rất tiếc, Ba Dương tử trận ngày 17.2.1946 (nhằm 16 tháng giêng Bính Tuất), nếu không thì cặp hổ tướng Nguyễn Bình - Ba Dương sẽ ảnh hưởng nhiều đến thời sự miền Nam.

Xin nói về nét hảo hớn của anh Ba. Nhiều người chê chuyến về thành Sài Gòn lần thứ hai của anh Ba vào năm 1947, giả làm xính xáng (tiếng Hoa, chỉ các phú thương) mặc áo xá xẩu, đi xích lô, trên đùi có một á xẩm mặt hoa da phấn, xích lô chạy qua nhà thờ Đức Bà rồi dọc theo bến tàu, ung dung lướt qua bót Catinat của tên cò mật thám Bazin ác ôn. Chuyến đi này anh Ba xuất phát từ Vườn Thơm. Không rõ Phòng Nhì Pháp có biết hay không, ngày trở ra, máy bay giặc lên bắn ác liệt vùng này. Anh Tư Lái (Hồ Văn Lái), phụ trách thông tin tuyên truyền Sài Gòn-Chợ Lớn kể lại là anh Ba chỉ đứng trên bờ rạch chớ không nhảy xuống đám dừa nước khi máy bay quần bắn trên đầu. Anh Ba bị truy kích trên đường về, khúc ấp 4 xã Vĩnh Lộc, địch chỉ cách hai cái đìa. Rất may là cậu Ly (Huỳnh Công Thức) mới 15 tuổi, con trai đầu lòng của anh Mười Trí dùng FM bắn cản hậu để giải vây. Đêm đó, anh Ba ghé Chi đội 4 khen anh Mười có thằng con xứng đáng và thưởng 200 đồng để trung đội của cậu liên hoan.

Không chỉ về thành mà ngày thường anh Ba cũng thích mặc xá xẩu. Liên lạc của anh Ba là chị Thanh (Hoàng Thị Thanh) quen biết nhau từ quê nhà, cũng mặc áo xẩm để đi lại từ Khu về thành. Địch nhận ra anh ở tướng to con, mang kính đen, đeo "sắc-cốt" to.

Chuyện xử Ba Nhỏ mới làm nổi bật nét hảo hớn của anh Ba. Ai cũng biết Ba Nhỏ có ít nhiều liên hệ với Bình Xuyên.

Khi chánh án Nguyễn Bình kể tội và tuyên án tử hình, Ba Nhỏ bình tĩnh nói: "Tội tôi làm, tôi chịu. Xin anh Ba một ân huệ cuối cùng, cho tôi mượn cây súng của anh để tôi tự xử”.

Hàng trăm cặp mắt chiếu về phía Nguyễn Bình hồi hộp chờ xem thái độ của anh Ba trước đề nghị bất ngờ đó. Kinh ngạc làm sao, anh Ba móc súng đặt lên bàn và một người lính đưa xuống vành móng ngựa cho Ba Nhỏ. Nếu Ba Nhỏ trong lúc tuyệt vọng dùng khẩu súng đó khác hơn là tự xử thì mục tiêu đầu tiên sẽ là ông chánh án. Nhưng đó là suy luận của những kẻ giàu trí tưởng tượng thích chuyện "ngựa về ngược". Ba Nhỏ là hảo hớn càng kính phục một tay hảo hớn, gan mật hơn mình, nên nếu có một chút ý nghĩ nổi loạn bên trong, anh cũng đủ sáng suốt để chế ngự và xử sự đúng luật giang hồ. Hai nhân vật chính: ông chánh án và tên tử tội đều hiên ngang, đầy đủ khí phách như nhau trước cái chết, và trước cái còn mạnh hơn cái chết: Danh dự.

Sài Gòn dưới thời Pháp và Mỹ có nhiều sách viết về vị Tư lệnh Nam Bộ mà Pháp ngán sợ, trong số này có hai quyển "Ai giết Nguyễn Bình?" và "Tôi giết Nguyễn Bình". Cả hai tác giả là người có một thời tham gia kháng chiến, nhưng sau dinh tê. Nội dung có chi tiết đúng và sai, nhưng ý đồ rõ ràng là xuyên tạc, nói xấu kháng chiến. Vụ ám sát này chỉ xin vắn tắt như sau:

Đám Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt là dân cơ hội tá túc Chi đội 4 của anh Mười Trí. Do tác phong Mạnh thường quân, anh Mười giao du rộng rãi, nhà anh trở thành Tụ nghĩa đường của đủ nhóm dân kháng chiến. Bọn Anh - Phiệt chủ trương giết Nguyễn Bình rồi gieo tiếng ác cho Mười Trí, một độc kế kiểu "một mũi tên bắn hai con chim". Muốn thực hiện thâm ý đó chúng liên kết với tên Sáu Xít-xong (lính mã tà thuộc đơn vị đàn áp nổi loạn) "Section de lutte", dân mình gọi là Section là Xít-xong. Tên Sáu cùng tham gia kháng chiến từ đầu trong bộ đội Bà Quẹo của Mười Trí, do vậy mà được anh Mười tín nhiệm. Sáu Xít-xong bị đám Phòng Nhì lôi kéo nên trở mặt phản thầy, giả chữ ký của anh Mười, viết thiệp mời Nguyễn Bình qua Chi đội 4 dự tiệc để bàn chuyện cơ mật. Lúc đó, hai cơ quan đóng gần nhau ở Bình Hòa, gần sông Vàm Cỏ Đông. Bọn Anh- Phiệt đã bố trí thiện xạ ở gần miếu sát bờ sông. Nhận được thiệp mời, anh Ba một mình bơi xuồng qua Chi đội 4, không đem theo một vệ sĩ nào. Đại đội trưởng Hứa Văn Yến cảnh giác khuyên anh Ba nên cẩn thận, nhưng anh Ba chỉ cười và nhảy xuống xuồng nhổ sào tách bến. Gần tới nhà Mười Trí, ngang ngôi miếu bỗng có tiếng súng nổ, anh Ba ngồi thụp xuống nhưng không kịp. Đạn đã trúng cánh tay mặt. Anh dùng tay trái rút súng bắn trả. Trên bờ nổ thêm vài phát nhưng không trúng, tình thế thật hiểm nghèo. Nếu kéo dài thì có nguy cơ anh bị trúng đạn. Rất may từ xa có tiếng súng giải vây. Bọn mưu sát rút nhanh. Tiếng súng cứu nguy đó của anh Hai Yến. Anh Ba Bình chống xuồng vài phút, anh Hai Yến đưa một bán đội theo phòng hờ bất trắc. Lập tức, anh đưa anh Ba về băng bó, vết thương nơi cánh tay mặt chỉ phớt qua phần mềm. Sáng hôm sau, anh Ba lại sang nhà anh Mười Trí để tìm hiểu về chuyện đáng tiếc ngày hôm qua. Mười Trí hoàn toàn không hay biết gì. Nghe Ba Bình kể, anh liền cho tập hợp điểm quân: thiếu ba người, Sáu Xít- xong, Bùi Hữu Phiệt và Vũ Tam Anh. Chính vào lúc đó anh Ba mới nhẹ nhàng nói với anh Mười Trí: "Anh Mười nên cẩn thận trong giao du. Tôi biết anh Mười có máu giang hồ kỳ hiệp, tứ hải giai huynh đệ. Nhưng cũng nên phân biệt người tốt với kẻ xấu, người ngay với kẻ gian. Đây là kinh nghiệm cho anh Mười xử thế".

Anh Mười rất xúc động trước thái độ hảo hớn của anh Ba. Anh đinh ninh vị tướng sẽ nổi cơn thịnh nộ đập bàn quát mắng về chuyện để bọn Phòng Nhì tá túc dưới trướng, mưu sát Khu trưởng, không ngờ anh Ba lại ôn tồn nhã nhặn đến như thế. Anh lật đật xin lỗi, nhưng anh Ba chỉ cười: "Lúc nào tôi cũng tin anh Mười. Tôi còn nợ thằng con anh đã cứu mạng tại ấp số 4 Vĩnh Lộc trước đây, lúc tôi bí mật về thành".

Anh hùng lại gặp anh hùng. Mười Trí rất chịu Ba Bình nhờ tác phong hảo hớn như vậy đó.

HUỲNH VĂN NGHỆ ĐẤU LÝ CÒ BAZIN

Cò Mật thám Bazin là cáo già trong nghề diệt cộng sản. Lão biết Huỳnh Văn Nghệ tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa tháng 11.1940 bằng cách gởi đạn cho đồng chí Chín Quỳ đang chém vè ở rừng Tân Hòa (Tân Uyên) nhưng hắn chưa ra tay vì Tám Nghệ đã hốt hồn nó trước. Nhật sắp đảo chính Pháp. Cuộc đấu lý đã giúp Tám Nghệ chuyển bại thành thắng và lần đầu tiên cáo già mật thám đãi cà phê sữa và bắt tay một chiến sĩ cộng sản.

Tên tuổi hai nhân vật này rất nổi tiếng trong thập niên 40 rồi tới kháng Pháp (1945 - 1954) sang chống Mỹ (1954 - 1975). Nhưng viết cho thế hệ hôm nay - thế hệ thời hậu chiến - sau đại thắng Mùa xuân 30.4.1975, phải giới thiệu sơ qua tầm vóc hai đối thủ này để bạn trẻ thấy mức quan trọng của cuộc đấu lý hy hữu giữa tên tay sai thực dân với người chiến sĩ yêu nước trong những năm đầu ly loạn.

Cò Bazin là mật thám của Pháp, nhờ công bắt bớ những cán bộ cách mạng mà leo lên tới thanh tra cảnh sát (inspecteur dễ pohce). Năm 1945, Bazin là giám đốc Sở Đặc cảnh miền Đông (Chef de police Spécialede I’Est - gọi tắt là PSE), có toàn quyền sinh sát.

Huỳnh Văn Nghệ là thư ký Hỏa xa Sài Gòn, quê Tân Uyên (Biên Hòa, nay thuộc Bình Dương). Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, bạn anh Tám Nghệ là Chín Quỳ dẫn anh em thợ rừng cướp bót Cây Đào làm bàn đạp đánh ra Tân Uyên. Kế hoạch bị bể, anh em rút vô rừng. Với tài thiện xạ, anh Chín Quỳ săn thú nuôi tiểu đội du kích sống trong rừng chờ ngày tươi sáng hơn. Đạn hết, Chín Quỳ nhắn anh Tám Nghệ tiếp tế đạn. Tám Nghệ mua đạn của lính Pháp trong thành Ô Ma (camp des Males) nay là khu quân sự trong khuôn viên bốn con đường Nguyễn Trãi-Cống Quỳnh-Phạm Viết Chánh và Nguyễn Văn Cừ. Vụ tiếp tế đổ bể sau vài lần. Tám Nghệ bị bắt. Anh đóng tiền tại ngoại hầu tra rồi trốn sang Xiêm hoạt động trong giới Việt kiều yêu nước ở Bangkok. Trước lúc Nhật đảo chính Pháp; ngày 9.3.1945, anh Tám về nước liên lạc với Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu. Trong đêm tá túc nhà bạn là ông Lương Văn Tương, một Mạnh thường quân, anh Tám bị mật thám bắt đưa về bót Catinat (Nguyễn Du- Đồng Khởi).

Đích thân cò Bazin thẩm vấn anh Tám Nghệ. Nguyên văn cuộc đấu lý như sau: 

- Anh là Tám Nghệ, Huỳnh Văn Nghệ, quê Tân Tịch, Tân Uyên, thư ký Hỏa xa Sài Gòn, can tội tiếp tế súng đạn cho du kích ở Tân Hòa, Mỹ Lộc nổi lên chống nhà nước Pháp năm 1940, gọi là Nam Kỳ khởi nghĩa. Anh bị bắt, nhưng trốn sang Xiêm sau khi nhờ luật sư đóng tiền ký quỹ tại ngoại hầu tra. Đúng không? 

- Ông đã đọc bồ sơ của tôi rồi, tôi không phải khai thêm. 

- Anh về đây để làm gì? Chắc là nhân dịp Nhật lấn áp Pháp để tiếp tục hoạt động? 

- Ông nói đúng. Nhưng có một điều sai. 

- Sai chỗ nào? 

- Ông bắt tôi là sai. Tại sao? Nhiều điểm sai. Thứ nhất là Nhật sắp đảo chánh bắt hết người Pháp, từ Toàn quyền Decoux tới Thống đốc Hoeffel, đại tướng Delsue, Tư lệnh Đông Dương. Rồi tới sẽ bắt các ông. Cho nên cái ghế thanh tra mật thám của ông coi chừng biến thành ghế ba chân. 

Cò Bazin trừng trợn: 

- Anh nói năng đàng hoàng lại đi. Có phải anh khinh thường tôi khi người Pháp thất thế?

- Tôi không khinh thường ông mà chỉ nói sự thật. Mà sự thật thì bao giờ cũng khó nghe. Đã trót nói, xin nói thêm cho trọn. Tôi vừa gặp Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu. Anh Sáu Giàu tiết lộ một tin cực kỳ quan trọng: trước đây không lâu, ông đã mời ông Bảy Trân (Nguyễn Văn Trân) là đồng chí và là bạn chí thân của Sáu Giàu yêu cầu tìm gặp Sáu Giàu nhắn lời đề nghị của Bazin.

Tên cáo già giật mình nhìn Tám Nghệ lom lom: 

- Anh kể tiếp đi. Tôi đề nghị gì? 

- Nguyên văn : Nhật sắp đảo chánh Pháp. Chúng tôi muốn bắt tay với những người cộng sản để chống Nhật. Chỉ có những người cộng sản mới quyết tâm chống phát xít tới cùng. Trước đây, chúng tôi sai lầm khi bắt bớ giam cầm các anh, bây giờ xin chân thành cộng tác chống kẻ thù chung. Các anh cứ in truyền đơn, tốn kém bao nhiêu, chúng tôi xin đài thọ để cho dân chúng thấy cái họa của phát xít. 

- Có đúng là tôi đã nói như vậy không? - Bazin nghi ngờ hỏi. 

- Tôi bịa để làm gì? Rất tiếc là quan thầy của ông thấy được sự thật thì đã quá muộn. Hai bên chưa kịp bắt tay cộng tác. 

Cò Bazin đưa tay lên chống cằm, lộ vẻ suy tư dữ dội: 

- Theo anh, Đồng Minh có thể thắng phát xít?

- Những người cộng sản chúng tôi ngay từ đầu đã tin chắc Đồng minh thắng phát xít. Nhật đảo chính Pháp là trong tư thế bị động. Không lực Đồng Minh đã chiếm thế thượng phong ở chiến trường Đông Nam Á. Hải quân Nhật bị đánh đắm hàng loạt. Nhật đang đóng tàu bằng cây giá tị ở các trại mộc Cầu Rạch Ong và trong Bình Đông để thay tàu sắt. Chúng sợ Đồng Minh đổ bộ lên Đông Dương thì người Pháp sẽ là "cinquième colonne" (đạo quân thứ năm, tức đạo quân gián điệp từ nội bộ đánh ra).

Nghe Đồng Minh sẽ thắng, cò Bazin yên tâm nhận chuông gọi lính. Một lát sau, lính bưng một khay bánh bao nướng và cà phê sữa đặt lên bàn: 

- Mời anh Tám dùng đỡ lòng. Bây giờ đã quá nửa đêm. 

Tám Nghệ đang đói vì hồi chiều hào hứng đọc thơ theo yêu cầu của đám chính khách salon trong nhà anh bạn Lương Văn Tương nên chỉ ăn uống qua loa. Nhân tiện cũng giới thiệu thêm: nhà của ông Tương như một tụ nghĩa đường quy tụ các chính khách đủ xu hướng chính trị, trí thức có, thầu khoán có, các tay cơ hội đón gió cũng có, rồi Cao Đài, Hòa Hảo cũng có... 

Chờ Tám Nghệ ăn xong, Bazin bắt tay ân cần nói : 

- Rất cám ơn những lời chỉ dạy của ông. Bây giờ thì ông được tự do. 

Lần đầu tiên tên cáo già mật thám giữ phép lịch sự, đưa tận cổng một địch thủ lợi hại.

“TIỂU TƯỚNG” TÔ KÝ CHINH PHỤC “NGƯU MA VƯƠNG”

Tướng Tô Ký sinh năm 1922, tại làng Bình Lý, Hóc Môn (nay là xã anh hùng Bình Mỹ, huyện Củ Chi). Ông tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, năm 17 tuổi bị bắt giải đi căng Tà Lài (1940). Đầu năm 1941, ông cùng 7 đồng chí vượt ngục và bị bắt giải lên Bà Rá cho tới ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3. 1945. 

Ông là một trong những người lập Giải phóng quân liên quận Hóc Môn- Bà Điểm- Đức Hòa, sau là Chi đội 12. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được thăng thiếu tướng, Chính ủy quân khu. Ông mất mùng 2 Tết năm Kỷ Mão (1999).

Câu chuyện xảy ra cách nay trên nửa thế kỷ, vào đầu năm 1941, vài tháng sau khi Nam Kỳ khởi nghĩa. Lúc đó, anh Ba Tô Ký mới là một thanh niên 18 tuổi - nhỏ nhất trong đám tù chính trị bị Tây bắt đưa về căng Tà Lài nằm dọc quốc lộ 20, khỏi Định Quán, trên đường Sài Gòn - Đà Lạt. 

Tô Ký quê ở Mỹ Bình, Tân Lý, Hóc Môn. Cha anh là ông Tô Nếp, một người hoạt động cách mạng nên Tô Ký mới 13 tuổi đã là liên lạc, vài năm sau là cán bộ in ấn (in xu xoa truyền đơn) và phân phát trong vùng. Trong khởi nghĩa Nam Kỳ, cả hai cha con cùng bị bắt giam hai nơi khác xa. Ông Tô Nếp bị giam ở Kho Muối (đường Tôn Thất Thuyết, quận 4) sau đó bị đưa xuống sà lan nhận chìm ngoài cửa biển Cần Giờ. Còn Tô Ký bị đưa lên căng Tà Lài.

Sau Tết Tân Tỵ (năm 1941), ba anh em tù được lệnh vượt ngục. Để chuẩn bị cho chuyến vượt ngục được thành công, Sáu Giàu suy tính về mọi mặt. Một trong những lo ngại của anh em vượt ngục là đồng bào thiểu số ở bên ngoài căng Tà Lài . Đó là các bộ lạc Stiêng, Châu Mạ, Châu Ho, Khmer. Do Tây tuyên truyền và treo giải thưởng như muối, vòng vàng đeo tay (vàng giả), nhiều người Thượng khoái săn bắt tù vượt ngục để lãnh thưởng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Sáu Giàu gọi Tô Ký tới: "Nghe nói hồi nhỏ, chú Ba có chăn trâu?". Tô Ký gật: "Có!". "Chú biết xỏ dàm trâu không?". "Biết!". "Nhưng gặp trâu to như voi, chú có dám không?". "Sao lại không? Anh Sáu muốn nói con "Ngưu ma vương" của mấy ông Stiêng bên kia sông chớ gì? Tôi đã thấy nó rồi. Đúng nó là con trâu cổ to lớn dình dàng như voi".

Sáu Giàu hỏi lại cho chắc ăn: "Chú Ba có dám hứa chắc với tôi là xỏ dàm được con Ngưu ma vương chớ? Nghéo tay, nếu chú làm được!". 

Tô Ký mạnh dạn nghéo tay Sáu Giàu. Vài ngày sau, Sáu Giàu tới gặp sếp căng Ménétrier. 

- Lễ Phục sinh tới đây, tôi xin phép ông cho anh em tù vui chơi giải trí. Sẽ có một màn đấu bò hết sức ngoạn mục, không thua gì bên xứ Tây Ban Nha. 

- Đấu bò? Trong đám tù có picador (kẻ đấu bò)? 

- Có chớ! Nên nhớ trong căng này, không thiếu nhân tài thuộc đủ ngành nghề. Xin nói lại cho đúng là không phải màn đấu bò mà là chinh phục con trâu cổ khổng lồ. 

Sếp căng gật gù: 

- Mình cũng đã thấy con trâu cổ đó rồi . Nó là trâu rừng, không hiểu sao lại nhập bầy với đàn trâu nhà? 

Sáu Giàu: - Con trâu này giống như con Bạch Tượng. Dân quê cho rằng, Bạch Tượng xuất hiện là may mắn. Chớ thật ra thì Bạch Tượng vô dụng, không hữu ích như voi thường. 

Sếp căng gật: - Con trâu rừng này cũng vô dụng, không biết kéo cày hay kéo cộ. Nuôi uổng công.

Sáu Giàu hãnh diện: - Rồi sếp sẽ thấy, tay đấu bò của chúng tôi sẽ chinh phục được con Ngưu ma vương này để biến nó trở thành con vật hữu dụng gấp mười lần đồng loại của nó. 

Sếp gật đầu khuyến khích: - Cứ làm đi ! Tôi cho phép!

Ngày trọng đại đã đến. Tất cả tù nhân đều tập trung trên sân cỏ sát bờ sông Tà Lài. Đám lính mã tà cùng mấy thằng cò Tây cũng kéo ra xem màn "Tiểu tướng Tô Ký tử chiến Ngưu ma vương". Tất cả các bầy trâu của đồng bào Thượng ở gần căng đều được lùa vô căng để cho màn "xiếc" thêm phần hào hứng. Tất nhiên, vai chính trong bày gia súc này là con trâu cổ hỗn danh Ngưu ma vương.

Anh em tù đặc biệt lo cho “tiểu tướng Tô Ký". Anh thanh niên 20 tuổi này, cao gầy, tuy rắn chắc nhưng so với Ngưu ma vương thì quả là quá chênh lệch. Anh mặc quần cụt bó sát người, mình trần tay cầm dây mây để xỏ dàm trâu cổ, sắc mặt nghiêm trang nhưng đầy tự tin. Sáu Giàu vỗ vai động viên:

- Cố gắng nghe chú. Việc lớn có thành công hay không là do chú có trị được con Ngưu ma vương hôm nay hay không đó. 

Tô Ký khẽ mỉm cười với anh Sáu như hàm ý: "Anh hãy tin nơi thằng em này !". Sáu Giàu chỉ Tô Ký giới thiệu với bọn Tây: 

- Đây là picador của chúng tôi. Các ông sẽ chứng kiến anh bạn trẻ này chinh phục con trâu rừng khổng lồ như thế nào.

Tô Ký bảo các già làng quất đàn trâu chạy xuống sông. Còn Ngưu ma vương bị đàn trâu kẹp cứng giữa bầy, không tự do hung hăng như ở trên bờ. Tô Ký nhảy từ lưng trâu này tới trâu kia, từ từ bến lại gần con Ngưu ma vương. Nó trông thấy, đoán được ý đồ của Tô Ký nên hung hăng cung sừng to dài và nhọn hoắt cố chém kẻ tới gần... Nhưng nước sông truy cản các cử động ồ ạt của Ngưu ma vương. Đồng thời, tình thế bị kẹp cứng giữa bầy trâu cùng bì bõm trên dòng nước làm cho nó giảm sức hung hãn. Tô Ký đã nhảy lên lưng con Ngưu ma vương. Nó cố hất nhưng không xong, xoay qua hụp đầu xuống mặt nước toan nhận chìm kẻ thù nhưng Tô Ký ngước cao cổ lên trong khi hai tay vẫn bám chặt cổ con trâu mộng. Đợi tới lúc con trâu thấm mệt, Tô Ký mới nhanh tay xỏ dây mây vô mũi nó thật mạnh và gọn. Con Ngưu ma vương đau điếng nhảy đựng lên. Nếu ở trên bờ thì nó đã vật đối thủ văng xa cả chục thước. Nhưng nó lại kẹt dưới nước.

Vùng vẫy cả tiếng, sau cùng Ngưu ma vương chịu để Tô Ký chinh phục, kéo gây dàm trao cho già làng chủ của nó.

Suốt hơn tiếng đồng hồ, cả căng hồi hộp theo dõi trận tử chiến trên sông Tà Lài. Đây là sự kiện lịch sử có một không hai ở căng Tà Lài. Chiến công này đáng ghi lại trong sổ vàng của Hội cựu tù chính trị Nam Bộ. Bí quyết thành công của Tô Ký là dùng trí tuệ để chiến thắng sức mạnh hoang dã. Trí tuệ đó là giam chặt Ngưu ma vương dưới nước giữa vòng vây đồng loại để vô hiệu hóa sức mạnh dễ sợ của con trâu rừng.

Nhưng người lập chiến công đó vẫn không biết vì sao anh Tổng đại diện căng Tà Lài lại bày ra chuyện chinh phục con trâu rừng như vậy.

Đến khi được chọn là một trong số 8 người vượt ngục Tà Lài, Tô Ký mới biết bài bản của Sáu Giàu: "Vượt ngục ra khỏi trại là lọt vô các sóc, các buôn người Thượng. Họ có thể bắt chúng ta để lãnh thưởng. Cho nên phải có một hành động làm cho họ kính phục tài tháo vát của anh em mình. Xỏ dàm trâu cổ là chuyện có lợi về nhiều mặt. Trước hết, là người mình thông minh, trị được con vật hung hăng. Thứ hai, giúp nó trở lại thành gia súc hữu ích cho dân làng. Mình đem cái lợi cho người ta, không lẽ người ta đem cái hại cho mình”.

Bấy giờ Tô Ký mới hiểu hết nội dung lời động viên trước đó của Sáu Giàu: "Việc lớn có thành công hay không là do chú trổ tài ngày hôm nay đó!".

HUỲNH PHAN HỘ ANH KHU TRUỞNG BIỆN SÂN

Ung Văn Khiêm chém vè trong điền Tây, Cờ Đỏ trong những năm sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Anh bị dân tố "cộng sản chui vào điền Tây”. Ba Hộ là đại diện chủ Tây phái đi kiểm tra. Ba Khiêm đang cày ruộng, thấy Ba Hộ xâm xâm lội bưng ra nhìn mặt, anh nói: "Tao là Ba Khiêm đây. Mầy muốn biết để lãnh thưởng thì cứ bắt”. 

Nhận ra Ba Khiêm là bạn học cũ trên mình một lớp ở Collège Cần Thơ năm xưa, Ba Hộ nói nhỏ: "Anh cứ yên tâm ở đây. Thằng Ba Hộ này không phải là thằng chó đẻ ham tiền, bán đứng bạn bè. Tôi còn ở đây không ai dám động tới sợi lông chân của anh!”. 

Tình bạn Ba Hộ Ba Khiêm trong những ngày đen tối ở Cờ Đỏ là đề tài muôn thuở của dân miền Tây Nam Bộ.

Trong lịch sử các tướng lãnh Nam Bộ thời kháng Pháp có những người cầm quân mà dân quê gọi là "Tướng trời" có nghĩa là tay ngang mà đánh giặc chạy tét. Ở miền Đông có Tám Nghệ (Huỳnh Văn Nghệ) lúc đầu Chỉ huy trưởng Chi đội 10 về sau là Khu trưởng Khu 7. Ở miền Tây có Ba Hộ (Huỳnh Phan Hộ) là khu trưởng Khu 9 từ tháng 10.1946 đến tháng 7.1947, hy sinh sau trận Tầm Vu thứ ba.

Dân trong điền Cờ Đỏ còn nhớ rõ anh biện sân Ba Hộ. Biện sân là nhân viên thấp nhất trong điền, có nhiệm vụ ghi sổ số lúa dân đóng cho Tây khi tới mùa. Từng đoàn xuồng ghe nối đuôi nhau đóng cho Tây theo mức chia. Mỗi gia đình dân trong điền lãnh 50 công đất và tới mùa đóng theo tỷ lệ.

Lúa càng trúng thì tỷ lệ đóng cho Tây càng cao. Đến mùa lúa chín, hai bên con kinh trước nhà anh em Malein thật là vui. Lúa trong điền đống cao tới ngọn cây còng. Công việc của biện sân thật là tất bật. Ba Hộ chỉ dùng mắt mà ước lượng mỗi đống lúa cao tới ngọn còng không sai một giạ. Nhờ biệt tài đó mà Tây tin dùng, cất nhắc Ba Hộ từ nhân viên thường lên xếp. 

Nhưng tài tính toán chỉ là một chuyện nhỏ thôi. Nghề võ mới là sở trường của anh. Nhờ có võ nên bất cứ con trâu chứng nào, dù dữ tới đâu Ba Hộ cũng trị được. Cai điền Năm Đô có con trâu cổ ai cũng chạy mặt, nó hay lồng, hất người cỡi té, không gãy tay cũng lọi giò. Năm Đô nhờ Ba Hộ trị giùm. Ba Hộ vừa thót lên lưng, chưa ngồi vững đã bị nó lồng. Anh nhảy bay xuống đất, cười nói với Năm Đô: "Nếu anh thì chết rồi!". Bị hất nhiều lần nhưng sau cùng Ba Hộ cũng trị được con trâu chứng. Thấy dân trong điền Cờ Đỏ khen Ba Hộ giỏi võ, đám du côn ở Thới Lai - giữa đường Ô Môn- Cờ Đỏ - gởi thư mời Ba Hộ thử tài. Ai cũng khuyên Ba Hộ không nên dây dưa với "tụi trời gầm" này nhưng Ba Hộ cương quyết thử tài một chuyến. Thư mời 10 giờ nhưng Ba Hộ cố tình tới trễ: 2 giờ trưa chiếc xe Peugeot anh mượn của thằng Tây Paul do tài xế Tư Xanh lái, mới tới chợ Thới Lai. Dân du côn ở đây là dân tứ xứ từ Tham Tướng, Cái Côn tới. Tư Xanh lo giữ xe, một mình Ba Hộ chơi với khoảng 30 tên võ trang chai lave giật trong các tiệm nước. Trận đánh nháng lửa vì đường làng Thới Lai được tráng đá xanh. Hai bên ác chiến đến đỗi lính cảnh sát gác chợ hoảng không dám can thiệp phải chạy gọi hiến binh tới. Chừng đó thì đã vãn tuồng. Đám du đãng bị thương nằm la liệt. Ba Hộ phải cho mượn xe đò chở chúng về Cần Thơ băng bó và điều trị. Chứng kiến trận thư hùng này, Lục Sóc là tay giỏi gồng ở Thới Xuyên đã khen ngợi Ba Hộ hết lời. Về sau mới biết Ba Hộ đã học gồng tại Tà Keo. Tây liền giao Ba Hộ đi mua bò Tà Keo về cho đồn điền. Bò ở xứ Miên rất rẻ, nhưng ít ai dám đi mua vì dọc đường sợ cướp, chẳng những mất tiền mà còn bỏ mạng. Ba Hộ nhận tiền và chọn Tám Thanh là tổng cai điền giỏi võ cùng đi. Hai người cùng đi một chiếc xe hơi gần tới Tà Keo, bọn cướp Miên ra chặn đường. Ba Hộ ung dung bước xuống xe, cười hỏi: "Thiếu tiền xài phải không? Tiền đây nè". Anh ném cặp da đựng bạc xuống đường, nói: "Coi đây rồi hãy lượm tiền", anh đá tróc gốc cây thốt nốt to bên đường dằn mặt bọn cướp. Chúng hết hồn chắp tay xá, xin trả tiền lại. Đàn bò Ba Hộ mua về không thiếu một con. Tây chủ rất hài lòng.

Thêm một chuyện bắt cướp trong đồn Tây. Ghe Ba Hộ do Hai Trung chèo bất ngờ gặp ghe bọn cướp, Ba Hộ biểu Hai Trung cặp ghe sát ghe bọn cướp. Anh nhảy qua, chưa tới đã bị chúng chém rách áo, nhưng anh lật ngược tình thế đánh ngã hết rồi trói lại. Lẽ ta thì phải giải cho cò bót nhưng anh đưa về văn phòng, giải thích: "Cao nhân tất hữu cao nhân trị", các anh cậy mình giỏi võ mà quên rằng còn có người giỏi võ hơn. Đây, các anh xem - anh biểu Hai Trung lấy búa thật bén, trao cho một tên cướp ra lệnh - "chém đi”. Tên cướp không đợi mời lâu chém liên tiếp mấy búa vô ngực và bụng Ba Hộ. Nhưng kinh ngạc làm sao, chỉ có những lằn khứa vô da chớ không thấy một giọt máu nào. Sau đó, Ba Hộ cho làm gà vịt, đãi bọn cướp rồi cho tự do ra về. Nhờ nghề võ mà Ba Hộ đi lên thật nhanh. Huyện Khải nhìn bà con với anh. Ba Hộ quê Thạnh Thới An, nhà ở cù lao ngang chợ Bãi Xào. Anh học trường Collège Cần Thơ tới năm thứ hai thì được Ba Khiêm học trên một lớp rủ xếp bút nghiên đi làm cách mạng. Ở nhà quê mà vốn văn hóa cỡ đó cũng đủ xài, Ba Hộ được huyện Khải mới về nhà dạy chữ Tây và nhất là dạy võ cho ba cậu con trai. Cậu Tư (quên tên), cậu Năm Chữ và cậu Bảy Nữ.

Tới đây, xin nói về tình bạn giữa Ba Hộ và Ba Khiêm. Năm Ba Hộ làm phó cho huyện Khải thay mặt Tây trông coi đồn điền cũng là năm Ba Khiêm bị bể ở Xoài Hột chạy về Cờ Đỏ chém vè trong lô đất của cai điền Năm Đô. Ba Khiêm ngày ngày mặc bà ba mốc cời, đội nón lá lụp xụp lãnh việc cày ruộng với hai con bò anh nuôi thật kỹ và dạy thật giỏi. Luống cày của anh không ai chê được, nhưng có người nghi anh là kẻ lạ, không biết xuất xứ từ đâu mà lúc nào cũng đội nón che mặt như kẻ trốn nợ. Ngày kia, họ tới Ba Hộ đòi điều tra kẻ khả nghi trà trộn trong đồn điền. Ba Hộ mời họ tới lô đất của Năm Đô. Đứng trên bờ đắp, anh chưa nhận ra Ba Khiêm, nhưng Ba Khiêm vốn cảnh giác đã thấy Ba Hộ ngay từ đầu. Chờ Ba Khiêm cày gần bờ, Ba Hộ xắn quần lội xuống bưng:

- Anh kia, lấy nón xuống cho tôi nhìn mặt một chút coi? 

Ba Khiêm lột nón lá nhìn thẳng vào mắt Ba Hộ, chậm rãi nói: 

- Tao là Ba Khiêm đây. Mầy muốn bắt tao nộp cho Tây thì cứ bắt. 

Lập tức, Ba Hộ hạ giọng thấp vừa đủ nghe: 

- Anh đội nón lên đi. Thằng Ba Hộ này không phải là thằng chó đẻ. Bao giờ tôi còn ở đây thì không ai động tới anh đâu. 

Trở lên bờ kinh Ba Hộ nói với mấy người hồ nghi : 

- Tôi đã xem mặt nó rồi. Tên cặp rằng mới tới điền mình là dân làm ăn, không phải là dân "vận nài bẻ ống" (dân du đãng, sống ngoài vòng pháp luật) như mấy người nghi đâu!

Từ đó, thỉnh thoảng hai anh em bạn học Collège Cần Thơ bí mật gặp nhau bàn bạc thời sự và tính toán con đường hoạt động sắp tới của mình. 

Năm 1982, tôi về công tác tại Cờ Đỏ một tháng và đã gặp tất cả các cai điền Mười Pháo, Hai Hiệp, Tám Vạn, Năm Muội, Đức, Chuông, Sáu Tùng, Năm Đô, Năm Khiêm, và ông Tám Thanh. Năm đó, ông Tám Thanh đã 82 mà vẫn còn nhớ nhiều chuyện về Ba Hộ. Đặc biệt, Ba Hộ nhờ ông Tám lo việc vợ con cho mình. Câu chuyện như sau:

Thầy cai Tà Keo có con gái muốn gả cho Ba Hộ sau khi Ba Hộ cùng Tám Thanh qua đó mua bò cho đồn điền Cờ Đỏ. Lúc đó lại có một người khác cũng ở Tà Keo muốn gả con cho Ba Hộ. Người này là thầy tu. Ba Hộ không biết chọn cô nào nên nhờ Tám Thanh chọn giùm. Tám Thanh bàn: "Con thầy cai được hơn con thầy tu. Con thầy tu còn nhỏ tuổi lại ốm yếu".

Ý của Ba Hộ là nên chọn về đức hạnh. Anh cười nói: "Cả đời tôi theo khẩu hiệu đức thắng tài".

Một con người chân chất, thuần phác, chí nghĩa, chí tình như anh Ba Hộ thật đáng trọng, tiếc thay cuộc đời binh nghiệp của Khu trưởng Huỳnh Phan Hộ quá ngắn. Xin thắp một nén hương cho người anh hùng trận Tầm Vu ngày ấy.

CAO MINH CĂNG TAY KHÔNG BẮT SỐNG ĐẠI TÁ CÉDILE 

Đêm 22. 8. 1945, lần đầu tiên Tây nhảy dù ở Nam Bộ, với ba sĩ quan: đại tá Cédile, trung tá Jolivet de Riencourt và trung úy RenéLê Văn Đức. 

Đại tá Cédile Ủy viên cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ là chức mới lập ra tương đương với Thống đốc Nam Kỳ. Chính đại tá Cédile là người mà tướng De Gaulle giao điều hành Nam Bộ trong thời gian đầu tiên tái chiếm Việt Nam. 

Người bắt đại tá Cédile là Cao Minh Căng, sau là Chi đội phó Chi đội 11 của tỉnh Tây Ninh. Anh Tám Sáng, người cùng anh Tám Căng lập chiến công ấy, kể lại câu chuyện cũ 40 năm chưa hề công bố.

Người Mỹ viết về đại tá Cédile nhảy dù ở Tây Ninh ra sao? 

Nữ tiến sĩ Ellen J. Hammer nổi tiếng nhờ quyển biên khảo công phu trong nhiều năm "The Struggle for Indocchina 1940 - 1955 Vietnam and the French Experience” (Cuộc chiến đấu cho Đông Dương - Việt Nam và kinh nghiệm của Pháp), Nhà xuất bản Stanford University Press, in 1966, tái bản 1967. Ngay chương đầu, tiến sĩ Hammer đã đề cập chuyện nhảy dù của đại tá Cédile (Cédile chỉ có một không phải hai như Địa chí thành phố Hồ Chí Minh viết) ở Tây Ninh cùng một đêm với thiếu tá Pierre Messmer nhảy dù ở phía Bắc Hà Nội. Xin lược dịch một đoạn: 

Trong một đêm tháng Tám 1945, vài ngày sau khi Nhật đầu hàng, hai phi cơ quần đảo ở hai đầu Đông Dương thuộc Pháp. Một ở miền Nam trên vùng Nam Kỳ phì nhiêu nằm bên bờ Nam Hải. Đại tá Cédile, tân ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ nhảy dù từ một phi cơ C-47 của Mỹ cùng hai đồng hành, rơi xuống một đồng lúa. Về phía Bắc, ở đầu kia đất nước, trong vùng Bắc Kỳ giáp Trung Hoa ba người Pháp khác nhảy dù cùng một giờ. Đó là một trung úy, một đại úy và tân ủy viên Cộng hòa Bắc Đông Dương, thiếu tá Pierre Messmer. 

Cédile bị một số người Việt bắt và giao cả ba cho quân Nhật. Cả ba bị tước hết quần áo và đồ đạc. Cédile bị buộc cúi đầu trước một tên lính Nhật cầm gươm. Ông ta chờ hoài mà lưỡi gươm không hạ xuống, chừng ngẩng đầu lên thì thấy bọn Nhật đang nhìn ông cười khanh khách. Chừng đó ông mới biết ngày ấy chúng không xử mà chỉ giam cầm để sau đó đưa lên xe nhà binh Nhật giải về Sài Gòn trong cảnh áo quần tả tơi.

Còn bộ ba Messmer thì cũng chẳng hơn gì bộ ba Cédile, vừa nhảy dù xuống là bị dân quân tóm bắt.

Người bắt sống Cédile kể chuyện 

Tháng Tám năm 1945, trời tối không trăng sao, hai anh em tôi, tôi với Tám Căng (là anh rể tôi) đang bàn chuyện thời sự. Xin nói rõ thêm: Tôi là đoàn trưởng Thanh niên Tiền Phong làng Hòa Hội, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Còn Tám Căng tên là Cao Minh Căng, thư ký hãng buôn trên Sài Gòn về quê tham gia kháng chiến sau khi Nhật đảo chính hồi tháng 3.1945. Tám Căng chỉ huy một phân đội dân quân. Đêm đó hai anh em tôi nghe tiếng máy bay. Đây là điều hiếm có. Lắng tai nghe hướng máy bay một lúc thì thấy một chiếc bay từ từ ló dạng. Bỗng một chiếc dù bung ra, trôi lơ lửng. Rồi một chiếc dù thứ hai, kế là một chiếc dù thứ ba. Tám Căng kêu lên: "Tụi nó nhảy dù !".

Tôi hỏi: 

- Tụi nó là ai? 

- Tây chớ ai. Mình phải theo bắt ngay đi cậu Tám. Thanh niên Tiền phong của cậu đâu? Xách theo vài mạng. 

Tôi lắc đầu: 

- Nửa đêm làm sao huy động được. Còn dân quân của anh đâu? 

Tám Căng cười:

- Thì cũng như thanh niên của cậu thôi. Hai anh em mình đi ngay, kẻo tụi nó đi mất. 

Vậy là chỉ có hai anh em tôi đi bắt ba thằng Tây nhảy dù. Tôi chụp cây roi sắt cầm tay, còn Tám Căng thì đi tay không. 

Trên đường đi theo hướng máy bay thả dù, hai anh em tôi gặp một chiếc xe ngựa, tôi chặn lại ngay: 

- Chở tụi tôi đi bắt Tây nhảy dù. Mau lên không thôi tụi nó chạy thoát. 

Anh đánh xe ngựa cũng mau mắn: 

- Lên mau! Tụi nó đang ở đâu? Có đông không? 

Tôi nói: 

- Có ba thằng thôi. Phía Phước Tân, gần biên giới. 

Anh đánh xe cho ngựa phi nhanh: 

- Mà hai anh có súng không đó? 

- Không! - Tôi đáp. 

- Nó có súng, mình tay không, làm sao bắt? 

Tới đây Tám Căng mới lên tiếng: 

- Không súng thì mình dùng mưu chước. Cứ yên chí, ăn trộm bao giờ cũng sợ chủ nhà. Đừng để chúng nó biết mình chỉ có ba ngoe (người), mà lại không có súng.

Xe đang chạy ngon trớn, Tám Căng kêu lên: 

- Ngừng lại ! Mình chạy lố rồi! 

Cách chúng tôi chừng năm chục thước ba thằng Tây ngồi trong bụi ăn ngấu nghiến. Tám Căng kéo tôi với anh đánh xe lại hội ý: 

- Nó ba mình ba, dám bắt không? 

Tôi nói ngon: 

- Dám! 

Tám Căng phân công chớp nhoáng: 

- Cậu thủ roi sắt theo tôi. Anh này cũng xách gậy theo tôi. 

Ba chúng tôi nương theo bóng cây tiến gần ba thằng Tây, Tám Căng nhào tới hét lo: Haut les mains! (Đưa tay lên!).

Bọn Tây mặt xanh như tàu lá, từ từ đưa tay lên, chừng thấy tụi tôi chỉ có ba mạng, chúng từ từ bỏ tay xuống. Tám Căng áp đảo luôn: 

- Haut les mains cu nous tirons! (Đưa tay lên, không chúng tôi bắn!). 

Anh khoát tay làm như trong rừng có bộ đội đang phục sẵn. Bọn Tây nhìn dáo dác rồi lần này đưa tay thật cao. 

- Tước súng nó ngay!

Vừa nói Tám Căng nhào tới chụp súng. Tôi và anh đánh xe cũng tước súng hai thằng kia. Tất cả hai súng Mút, hai súng lục. 

Chừng bị tước súng, ba thằng Tây mới biết chúng tôi chỉ có ba mống, lại chẳng có súng ống gì. Nhưng bây giờ thì muộn rồi. Súng đã trao tay. Tám Căng cầm súng lăm lăm như sẵn sàng nhả đạn. 

Tám Căng áp giải chúng về tỉnh. Một tên biết nói tiếng Việt, giọng lơ lớ vì qua Tây học từ nhỏ (Về sau mới biết đó là trung úy René Lê Văn Đức, con của Jacques Lê Văn Đức, nghị viên Hội đồng Liên hiệp Pháp, gốc Mỹ Tho) nói: 

- Máy truyền tin vướng ngọn cây. Máy mới, tốt lắm, leo lên cây. Bỏ uổng! 

Đúng là trên ngọn cây có một chiếc dù vướng, phía dưới treo tòng teng một cái gì đó. Tôi leo lên cây, cắt cây dù, ôm cái máy xuống. 

Chúng tôi áp giải ba thằng Tây về tới bến đò Bến Sỏi, từ đó lên xe về tỉnh. Tại đây, Tám Căng mở cuộc điều tra bằng tiếng Pháp. Anh Tám có dip-lôm, nói tiếng Tây giòn rụm. Sau đó anh Tám cho tôi biết thằng Tây chỉ huy là quan Năm được tướng De Gaulle phong chức ủy viên Cộng hòa (Commissaire de la République) tương đương với chức Thống đốc Nam Kỳ trước kia.

Sau vụ bắt ba thằng Tây nhảy dù này, Tám Sáng tham gia kháng chiến xã, còn Tám Căng thì chỉ huy bộ đội, lên tới chức Chi đội phó Chi đội 11 của tỉnh Tây Ninh. Về sau, được phân công thương thuyết với Trịnh Minh Thế chỉ huy Cao Đài ly khai (chống Hộ pháp Phạm Công Tắc và các tướng Nguyễn Văn Thành. Nguyễn Thành Phương của Tòa thánh Tây Ninh). Rất tiếc là sau đó ông Cao Minh Căng bị hàm oan, mãi tới sau giải phóng mới được phục hồi.

NGÔ THẤT SƠN THÁCH THỨC CHỦ NGỤC PHÁP 

Thằng đại úy chủ ngục chĩa súng vào ngục Ngô Thất Sơn quát: "Mầy phải xin lỗi tao! Nếu không tao đếm ba tiếng Un-deux (một, hai)... Ngô Thất Sơn vạch áo đưa ngực ra, bước tới, dõng dạc đếm -Et trois (và ba). Bất ngờ làm sao! Thằng Tây không dám bắn, đút súng vô bao da nơi thắt lưng. 

Phong cách Ngô Thất Sơn là như thế. Anh xem cái chết nhẹ như lông hồng. Và chủ ngục ngán anh và các đồng chí của anh-những người tù không sợ chết.

Những ai sống ở miền Tây Nam Bộ - nhất là tại các tỉnh có đồng bào Khmer như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Rạch Giá - trong những năm đầu kháng Pháp đều không thể quên được hai tiếng "cáp duồn". Đây là tiếng Khmer, cáp là giết, cụ thể là chặt đầu và duồn là người Việt, cáp duồn là khẩu hiệu chặt đầu người Việt do Tây bày ra xúi giục số người Khmer nông nổi, thiếu hiểu biết, thù ghét người Việt. Ngày xưa ấy, Tây mộ lính thân binh gọi là "partisans" đánh Việt Minh, đa số thân binh là người Khmer. Các đội partisans này gieo kinh hoàng trong các làng mạc chúng hành quân, theo sau chúng là vợ con, anh em, bà con võ trang bằng chà gạc (dụng cụ phát cỏ) và xà-beng, gặp người thì giết, gặp nhà thì xâm nền tìm vàng bạc dân làng chôn giấu, sau cùng chúng phóng lửa đốt nhà. Nửa thế kỷ sau, nhắc lại cái họa "cáp duồn", những người lớn tuổi còn nổi da gà. Chống nạn cáp duồn là trọng tâm của cuộc kháng chiến. Chống bằng nhiều cách, võ trang có, tuyên truyền có, nhưng hữu hiệu nhất là kết hợp hai mặt võ trang và tuyên truyền dưới hình thức các đội võ trang tuyên truyền gọi là Tuyên truyền xung phong. Một trong các chỉ huy nổi tiếng thời ấy là Ngô Thất Sơn. Lý lịch trích ngang của anh như sau:

Tên anh là Trịnh Ngọc Ảnh, sinh năm 1919 tại xã Vĩnh Tế, huyện Tri Tôn, vùng Bảy Núi, tỉnh Châu Đốc (nay là An Giang). Khi lên Campuchia, anh lấy tên Ngô Mãnh Gương để vào học Lycée Sisovath. Tốt nghiệp Thành Chung (Diplome), anh làm thầy giáo, năm 1940 được chọn đi học trường Thể dục thể thao Phan Thiết, gọi là trường Esepic (École Supérieure d’ Education Physique d’ Indochine en Chochinchine). Anh làm thầy giáo kiêm huấn luyện thể dục thể thao vài năm trước khi được bổ nhiệm đốc học tỉnh Kongpongcham. Năm Nhật đảo chính Pháp, tinh thần yêu nước trong cộng đồng người Việt sống trên đất Campuchia nổi lên rất cao, nhiều người tự nguyện hồi hương, gia nhập Mặt trận Việt Minh. Thầy giáo Ngô Mãnh Gương cương quyết về quê kháng chiến. Anh dặn dò người vợ đang mang thai: "Sanh con trai hay gái gì cũng đặt tên con là Hy Sinh nghe em".

Từ ngày đó, anh lấy tên Ngô Thất Sơn để tưởng nhớ quê hương Bảy Núi oai hùng.

Thành tích đầu tiên của anh là đưa Bộ đội Hải ngoại số một về nước tham gia chiến đấu chống Pháp. Anh là chỉ huy phó, chỉ huy trưởng là anh Dương Tấn, sau lấy tên thật là Huỳnh Văn Vàng, cũng là thầy giáo thể dục thể thao. Đi ngang qua tỉnh Xiêm Rệp, theo yêu cầu của bộ đội Khmer Issarak, Bộ đội Hải ngoại để lại một đơn vị nhỏ do anh Ngô Thất Sơn chỉ huy chi viện bộ đội bạn. Ta chọn Ngô Thất Sơn vì anh to cao, nước da ngăm đen, lại nói tiếng Khmer chính cống. Đơn vị anh giả làm lính partisans, anh đóng vai quan phủ đi kinh lý đột nhập các đồn bót uy hiếp bọn tề ngụy, cướp súng trang bị cho du kích địa phương.

Vừa đi vừa chiến đấu trên đất bạn, Ngô Thất Sơn đưa đơn vị về tới biên giới Việt-Campuchia. Đơn vị anh được lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đón tiếp trọng thể tại cầu Cần Đăng, chiến khu Trà Vong ngày 20.9.1946. Anh Huỳnh Văn Vàng được giao công tác khác ở Sài Gòn, anh Ngô Thất Sơn nhận chức chỉ huy trưởng Bộ đội Hải ngoại số một.

Để đối phó chủ trương cáp duồn thực dân Pháp xách động người Khmer thiếu hiểu biết, anh Ngô Thất Sơn chọn 12 chiến sĩ giỏi tiếng Campuchia lập Ban công tác biên giới do anh trực tiếp chỉ huy. Địa bàn hoạt động của đơn vị võ trang tuyên truyền này là quận Khang Xuyên, xưa là tổng Khang Xuyên, đa số là người Khmer. Anh áp đụng chiến thuật táo bạo, giả làm lính thân binh đi tuần tra các đồn bót nhỏ, tấn công chớp nhoáng. Trong đơn vị có thêm ba hàng binh Pháp, Ngô Thất Sơn giả quan phủ cùng ba lính lê dương này dẫn đơn vị thọc sâu vào đồn bót kiểm tra súng ống rồi chụp đồn luôn. Chiến công lớn nhất của anh là đánh chiếm thị trấn Kompong Chek, cách Soài Riêng 10 tim, bắt sống tên phó quận, thu 30 súng. Nhờ các hoạt động vũ trang tuyên truyền này mà dọc biên giới Tây Ninh, ta nắm được dân chúng Khmer trước đây đã từng bị Tây lôi kéo trong các đợt cáp duồn khủng khiếp. Đồng bào sở tại còn nhớ tại cầu Vinh, thường ngày có hàng chục người Việt bị chém giết rồi đạp xuống sông. Nhờ đội Tuyên truyền xung phong của Ngô Thất Sơn mà một vùng biên giới trở thành miền đất hữu nghị đoàn kết Việt-Campuchia.

Bây giờ xin đi vào cái chết vinh quanh của anh Ngô Thất Sơn. Tháng 6.1949, địch bao vây rừng Tà-éc, xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, Ngô Thất Sơn cùng thư ký bộ đội Sivotha Chăn-Seđa dũng cảm chống trả. Nhưng bất ngờ làm sao, tên Chăn-Seđa đưa tay lên đầu hàng. Ngô Thất Sơn chỉ còn viên đạn cuối cùng định dành cho mình, anh bắn gục tên hèn nhát phản bội. Sau đó, anh bị thương rồi bị bắt sống.

Bắt được Ngô Thất Sơn, Pháp mừng rỡ, loan tin chiến thắng rùm beng. Chúng giam anh tại Soài Riêng, rồi dời qua Kompongcham, cuối cùng về Nam Vang. Theo lệnh Pháp và Quốc trưởng Sihanouk, Bộ trưởng Nhiếp Choulong, nguyên là bạn học tại Lycée Sivovath nhiều lần tới nhà giam dụ dỗ Ngô Thất Sơn cộng tác với chúng. "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi sẽ giao chức Bộ trưởng Quốc phòng cho ông". Ngô Thất Sơn hất tung bàn tiệc nói thẳng thừng: "Tôi không vì danh lợi, không muốn vì miếng ăn mà làm tay sai cho giặc". Thực dân Pháp đưa Ngô Thất Sơn về giam tại các khám Gia Định, Phú Lợi, Chí Hòa... Ở đâu, Ngô Thất Sơn cũng nêu khí tiết người chiến sĩ Việt Nam bất khuất. Năm 1950, địch đặt vấn đề trao đổi tù binh, đổi Ngô Thất Sơn lấy hai đại tá bại trận ở Đông Khê và Thất Khê trong chiến dịch biên giới là Charton và Lepage, nhưng cuộc thương lượng bất thành. Chính tướng Nguyễn Văn Hinh, rồi tướng Chanson, ủy viên Cộng hòa kiêm Tư lệnh Nam phần Việt Nam vô khám Chí Hòa mời ông hợp tác với Pháp. Nhưng vô ích.

Tại khám Chí Hòa, có một đại úy Pháp hung hăng, háo sát. Hắn nghe tiếng Ngô Thất Sơn là người tù bất trị, liền trổ tài thị uy. Hắn tập hợp một số tù binh, lên lớp:

- Vous êtes tous de sale race Annamite (Bọn bây là giống dân An Nam dơ bẩn). 

Ngô Thất Sơn bước tới một bước cắt lời tên này: 

- Vous vous trompez mon capitaine. La sale racce, ce sont les Français, les capitalistes Francais (Ông nói sai rồi, ông đại úy, giống dân dơ bẩn chính là đám thực dân các ông đó). 

Tên đại úy giật mình, trừng mắt nhìn tên tù binh dám cắt lời hắn, rồi còn dám mắng cả người Pháp nữa. Hắn điểm Ngô Thất Sơn hăm dọa : 

- A, thằng này láo. Mày dám nhục mạ người Pháp chúng tao à! Mày phải xin lỗi ngay. Tao đếm ba tiếng... 

Vừa nói hắn vừa rút súng cầm tay chĩa ngay Ngô Thất Sơn, miệng đếm: Un... deux... (một.., hai...). 

Ai nấy đều lo sợ trước tình huống quá sức tưởng tượng và ngó châm bẩm vào Ngô Thất Sơn. Tất cả càng hồi hộp, phập phồng khi thấy Ngô Thất Sơn cởi nút áo, ưỡn ngực bước tới trước, miệng đếm "et trois" (và ba). 

Thật là bất ngờ. Thằng Tây run tay không dám bắn rồi từ từ nhét súng vô bao da, đến bên Ngô Thất Sơn dịu giọng xuống: "C'est la première fois que je rencontre un Việt brave type come vous" (Đây là lần đầu tiên tôi gặp một người Việt dũng cảm như ông).

Không thể để người tù bất khuất này trong khám Chí Hòa. Tây đưa anh lên khám Đức Hòa giam chung với bác sĩ Huỳnh Bá Nhung, Trưởng ty Y tế Gia Định - Ninh (hai tỉnh Tây Ninh và Gia Định sát nhập năm 1949). Biết hai người tù này không thể nào dụ dỗ được, giam mãi chi tốn cơm, thực dân quyết định thủ tiêu. Tên Tây chủ ngục đưa hai ông ra cánh đồng bên ngoài khám nói:

- Hai ông được tự do kể từ giờ phút này, muốn đi đâu thì đi! 

Nhưng hai người tù binh dư biết tâm địa hèn mạt của địch. Thay vì chạy thoát thân, họ ung dung sát vai nhau đi khoan thai trên cánh đồng. Một loạt súng nổ từ phía sau lưng, kết thúc cuộc đời hai vị anh hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Nhớ lời trối trăng ngày chồng lên đường chiến chinh vào mùa thu năm xưa, vợ anh đã đặt tên cơn gái đầu là Trịnh Hy Sinh. Nối chí cha, cô Hy Sinh đã tham gia kháng chiến, tiếp tục sự nghiệp dở dang của người cha anh hùng. Năm rồi, đại tá Ngô Thất Sơn được tuyên dương "Anh hùng liệt sĩ Bộ đội Sivotha" trong một lễ long trọng tại Tây Ninh. 

Cô Trịnh Hy Sinh sau giải phóng 1975, là phát thanh viên tiếng Khmer trên Đài phát thanh thành phố Hồ Chí Minh.

LUẬT SƯ NGUYỄN HỮU THỌ TRONG MẮT TRÍ THỨC DÂN CHỦ PHÁP

Một nhân vật huyền thoại như luật sư Nguyễn Hữu Thọ thì báo chí và sách vở viết bao nhiêu cũng không đủ, nay xin bổ sung thêm vài chi tiết độc đáo mới theo nhà báo kiêm sử gia Pháp Georges Chaffard viết về luật sư Nguyễn Hữu Thọ, trong quyển Les duex guerres du Vietnam ở Chương 6 với cái tên Ces myslérieux Vietcongs (Những tay Việt cộng kỳ bí), sử gia G. Chaffard chọn luật sư Thọ là nhân vật đi đầu chương này.

Maitre Thọ (luật sư Thọ) quê ở Vĩnh Long. Cha là công chức có quốc tịch Pháp. Ông Thọ sang Pháp học trường Lycée Mignet ở Aix-en-Provence, miền Nam nước Pháp, sau vào trường Luật, tốt nghiệp, về nước năm 33 tuổi. Ông làm việc với luật sư Lê Văn Kim, ông Kim sau đó trở thành batonier (trưởng luật sư đoàn Sài Gòn). 4 năm sau, ông Thọ về Vĩnh Long mở văn phòng Luật sư tại quê nhà. 

Trong thời gian làm luật sư ở Vĩnh Long, ông Thọ đã dũng cảm giúp các đồng nghiệp Pháp trốn tránh khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3.1945. Năm 1941, ông Thọ quen giáo sư luật Roger Pinto. Ông Pinto theo nhóm chống Đức nên bị Toàn quyền Decoux cách chức, chạy về Vĩnh Long mở văn phòng Luật sư. Trong 3 năm (1943- 1945), hai ông Pinto và Thọ bí mật hoạt động trong nhóm thân Đồng minh chống phát xít dưới sự chỉ huy của luật sư Lê Văn Kim. Trong thời gian này, trên Sài Gòn có kỹ nghệ gia Jean Duchêne, bạn học của ông Thọ hồi ở trường Mignet ông này thân Đồng minh, sợ Nhật bắt bớ cả gia đình nên gửi cậu con Jean Pierre tại nhà ông Thọ ở Vĩnh Long.

Sau cuộc đảo chính tháng 3.1945, Nhật tìm luật sư Kim. Chuyện lạ là Nhật không hề hay biết ông Kim bí mật hoạt động chống phát xít, Nhật chọn luật sư Lê Văn Kim làm Thủ tướng Chính phủ bù nhìn thân Nhật (sau đó Nhật chọn học giả Trần Trọng Kim). Luật sư Kim tưởng mình bị Nhật bắt để khai thác danh sách những trí thức theo Đồng minh, sợ mình không đủ khí tiết giữ bí mật nên quyết định quyên sinh. Dù có thể bị mật vụ Kempétai của Nhật theo dõi, các đồng nghiệp của ông Kim vẫn dũng cảm tiễn ông đến nơi an giấc nghìn thu, trong số đó có vợ chồng giáo sư Pinto, luật sư Thọ, luật sư Motais de Narbonne và nhiều đồng nghiệp khác nữa.

Một cuộc du ngoạn bất ngờ 

Trước tháng 8. 1945, luật sư Nguyễn Hữu Thọ không hề dính dáng gì với đám thân Pháp quá khích lập chính phủ Nam Kỳ tự trị. Ông tiếp tục cộng tác với luật sư Roger Pinto tại văn phòng luật sư Kim và chăm lo nuôi nấng 4 người con của luật sư quá cố.

Khi quân đội Pháp tái xâm lược Nam Bộ, ông Thọ mời luật sư Sanh về văn phòng luật sư của mình. Năm 1947, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu quyền đoàn trưởng luật sư đoàn Sài Gòn hành nghề tự do tại Sài Gòn.

Một ngày chủ nhật năm 1948, khi lái chiếc Peugeot tới tỉnh Mỹ Tho, ông Thọ bị du kích Việt Minh bắt. Lúc đó, ông đã nổi tiếng trên Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ là luật sư có cảm tình với kháng chiến, đã can đảm biện hộ các cán bộ Việt Minh trước Tòa Đại hình Sài Gòn. Đáng chú ý nhất là vụ luật sư Nguyễn Hữu Thọ biện hộ cho các tử tội Nguyễn Đình Chính, Trưởng ban công tác 1 đã bị địch kêu án tử hình và vụ 2 trí thức Hoàng Xuân Bình và Trương Công Phòng, được báo chí thống nhất tường thuật đầy đủ và có lời ca ngợi tài hùng biện của luật sư biện hộ. Du kích giao ông Thọ cho Trưởng Công an Tân Hiệp. Người công an nghiệp dư đó là nhà văn Đoàn Giỏi sau này, một học sinh trung học Mỹ Tho đã biết tên tuổi luật sư Nguyễn Hữu Thọ qua báo chí. Đoàn Giỏi tiếp đãi ông Thọ rất lịch sự và đưa về ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ.

Giữa Đồng Tháp Mười. ông Thọ gặp luật sư Phạm Ngọc Thuần, một đồng nghiệp trẻ đã hăng hái tham gia kháng chiến ngay từ đầu. Hai gia cảnh giống nhau. Ông Thuần cũng thuộc gia đình trí thức tư sản, theo đạo Thiên chúa. Sau khi trao đổi quan điểm chính trị, ông Thuần tin tưởng ông Thọ là người tốt và trả tự do ngay.

Sau này luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhắc lại chuyến du ngoạn của mình như sau: Người ta có thể buộc tội tôi về thái độ thờ ơ trước thời cuộc, trước bao nhiêu hy sinh xương máu của đồng bào. Thế mà người ta lại phóng thích tôi. Thời gian ngắn ở trong chiến khu khiến tôi suy nghĩ mãi. Cán bộ, bộ đội, dân chúng sống đoàn kết xung quanh một lý tưởng. Ai cũng muốn được giao phó một trọng trách lớn lao hơn trong cuộc chiến. Còn tôi, tôi được tiếp đón như một người anh em trong khi tôi chưa hề làm gì hữu ích cho đất nước. Người ta không đòi hỏi gì ở tôi. Không ai bảo tôi bỏ nghề luật sư. Người ta chỉ gợi ý cho tôi về những gì cần làm trước sự hy sinh của đồng bào. Là một trí thức có tên tuổi, hành động của tôi có thể là tấm gương cho một số người tư sản trí thức Sài Gòn.

Với những suy nghĩ trên, về Sài Gòn, ông Thọ tiếp xúc với các nhóm tiến bộ từng làm kiến nghị hô hào người Pháp nên thương thuyết với Việt Minh. 

Bạn ông Thọ, nhà kinh tài Jean Duchêne nhớ lại: Trong 2 năm 1949 và 1950, tôi thấy ông Thọ tiếp các nhóm trí thức tiến bộ ngay trong văn phòng luật sư Kim mà ông kế nghiệp.

Từ nhận thức tới hành động 

Ngày 16.3.1950, một chiến hạm Mỹ với Đô đốc Arleigh Burke, Tư lệnh đệ thất hạm đội ghé bến Sài Gòn thể hiện thái độ ủng hộ cuộc xâm lược của Pháp và chính phủ Bảo Đại và sẽ viện trợ quân sự cho chính phủ này chống Việt Minh.

Ngày 19.3, Việt Minh tổ chức một cuộc biểu tình chống đế quốc Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Một rừng người kéo cờ đỏ sao vàng xuống đường tại Sài Gòn với khí thế của cả trăm ngàn người. Dẫn đầu cuộc xuống đường, bất ngờ thay chính là luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Đây là lần đầu tiên ông Thọ dấn thân. Các bạn ông nhận định lúc đó ông chưa được tự nhiên cho lắm. 

Ngay ngày hôm sau, ông Thọ bị bắt. Nhà cầm quyền thực dân không dám mạnh tay vì ông là một luật sư nổi tiếng nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Nhưng Cao ủy phủ không thể bỏ qua tội trạng của ông. Thay vì đưa đày Côn Đảo, họ đưa ông tới vùng núi cao rùng sâu trên vùng Lai Châu. Trong 2 năm bị lưu đày, ông Thọ thường xuyên thư từ cho bạn chí thân là Roger Pinto, bấy giờ là giáo sư Đại học luật Lille (Pháp). Năm 1952 , được trả tự do, ông Thọ trở về phòng luật sư của ông ở Sài Gòn. 

Trong 2 năm ở Lai Châu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trưởng thành về chính trị. Trước đây ông lãnh biện hộ cho các cán bộ Việt Minh, điều này làm cho ông mất ít nhiều thân chủ quen thuộc. Nhưng giờ đây, ông càng quyết tâm đứng hẳn về phía những người yêu nước không may rơi vào tay giặc. Có nhiều thân chủ quá nghèo không trả tiền thù lao nổi, ông Thọ còn giúp đỡ tiền bạc cho họ làm lộ phí.

Tháng 8.1954 luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một sáng lập viên phong trào Bảo vệ hòa bình và đòi Mỹ-Diệm thi hành Hiệp định Genève. Với tư cách Phó Chủ tịch phong trào nói trên, luật sư Nguyễn Hữu Thọ là nhân vật được các phái đoàn quốc tế tiếp xúc, phỏng vấn nhiều nhất. Các phái đoàn điều tra tình hình Việt Nam do giáo sư Bửu Hội, rồi phái đoàn Pierre Mendès France (trước đó là Thủ tướng Pháp), phái đoàn Jacques Raphaet Leygues. Ông Thọ lên án chế độ nhà Ngô thẳng thừng. Luật sư Motais de Narbonne nhận xét: "Ông Thọ thay đổi cung cách cư xử với ông Diệm. Trước đây dè dặt, ngày nay ông Thọ trở nên cứng rắn chống độc tài, chống chế độ cảnh sát trị và chế độ tham nhũng. Đúng là ngày nay ông Thọ bắt đầu làm chính trị, vì thế mà Ngô quyết định bắt giam ông".

Ngày 7.11, bị bắt cùng 7 ủy viên trong Phong trào Bảo vệ hòa bình, luật sư Thọ bị quản thúc ở Hải Phòng, lúc thành phố này còn trong thời gian do Pháp quản lý (1955).

Biết luật sư Nguyễn Hữu Thọ có quá nhiều uy thế để thành một lãnh tụ đối lập nguy hiểm nên Phòng Nhì Pháp hiến kế phá uy tín của ông. Một âm mưu hiểm độc được đặt ra. Chúng chọn một phụ nữ xinh đẹp thực hiện mỹ nhân kế trong nhà tù nhưng luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã không hề bước lấn tới lằn ranh phạm pháp. Bọn thầy chú làm báo cáo tô vẽ về chuyện này, nhưng chỉ toàn bịa đặt, hư cấu nên hồ sơ đưa ra tòa quá mỏng và không có tính thuyết phục. Luật sư Bùi Tưởng Chiểu, nguyên là đoàn trưởng luật sư đoàn Hà Nội, về sau là giáo sư đại học Luật Sài Gòn, đã bào chữa cho ông Thọ trắng án. Nhưng vừa về tới Sài Gòn thì ông bị bắt lần nữa quản thúc tại thị xã Tuy Hòa, sau dời về Củng Sơn cũng trong tỉnh Phú Yên.

Năm 1961, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cơ sở cách mạng Phú Yên và dân chúng giúp thoát trại Củng Sơn để vô khu hoạt động.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được chọn làm Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam 

Trong Đại hội lần đầu tiên của Mặt trận Giải phóng miền Nam ngày 3.3.1962, ông Thọ ra mắt đồng bào trong chiếc áo sơ mi trắng, cà vạt sậm, quần quá rộng cho thấy cơ thể ốm yếu sau bao nhiêu năm tù đày. Khán đài xây cất trên một trảng trống, cảnh trí đơn giản thô sơ.

Ông Thọ tựa hai bàn tay lên bàn, người hơi ngả về phía trước, dáng điệu thường ngày của một luật sư trước tòa, ông kể vắn tắt quá trình hoạt động của mình, một quá trình mà theo ông thì không có gì so với các nhà cách mạng yêu nước khác.

“Tôi có đóng góp phần nào trong cuộc tranh đấu của dân tộc, nhưng tôi thấy sự đóng góp đó nhỏ nhoi với bao gian khổ và tang tóc do chế độ Ngô Đình Diệm gây ra cho đồng bào. Điều đó khiến tôi hốt hoảng. Vì tôi hoàn toàn không có ý thức chính trị cho một đảng phái nào. Tôi chỉ hành động theo tinh thần yêu nước. Đến khi nhà Ngô lên cầm quyền, đây là chế độ tay sai tàn bạo nhất đối với nhân dân cũng như đối với trí thức, cho nên nhiệm vụ của chúng ta thật là đơn giản: Phải chiến đấu đánh tan chế độ đó và tống khứ bọn xâm lăng ngoại quốc về xứ của chúng. Người Mỹ sẽ nói gì khi người Việt chúng ta gửi quân sang Mỹ để ủng hộ chính phủ Kennedy chống kẻ thù của ông ta?".

Ngày 3.3.1962, ông Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam.

Những  nét phác họa chân dung luật sư Nguyễn Hữu Thọ do các bạn bè, đồng nghiệp Pháp kể lại cho nhà báo Chalfard ghi chép, có thể đúng, có thể chưa chính xác. Người viết sưu tầm gửi tới bạn đọc bổ sung giúp chúng ta có thêm một cái nhìn của người nước ngoài về một trí thức yêu nước.

PHẠM NGỌC THUẦN MỘT MÌNH RA BÁO

Trong những ngày đầu kháng chiến, giới luật sư Sài Gòn hoạt động tích cực trong việc xây dựng chính quyền cách mạng. Nhóm trạng sư vứt áo thụng đen viền lông thỏ trắng mặc chiến bào (quân phục kaki hay vải xiêm) rất đông như Thái Văn Lung, Lê Đình Chi, Nguyễn Thành Vĩnh, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Hữu Thọ... họ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đóng góp rất nhiều cho kháng chiến.

Anh Gaston Phạm Ngọc Thuần là con cụ kinh lý Phạm Ngọc Thuần. Gia đình này là một trong vài ba nơi tiếp đón các trí thức từ Pháp về vô bưng kháng chiến. Hồi đó các nơi này gọi là "centre d'accueil" hoạt động gần như công khai. Hai trung tâm đón người kháng chiến từ Pháp về nữa là vườn xoài luật sư Trịnh Đình Thảo và phòng mạch bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng ở gần chợ Thái Bình, đường Arras (Cống Quỳnh).

Ngày ta cướp chính quyền, giới tư pháp Sài Gòn họp bầu chánh án Sài Gòn. Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh được bầu. Trong cuộc họp này có cuộc tranh luận giữa hai nhân vật một già một trẻ. Già là tòa áo đỏ Trần Văn Tỷ tuyên bố: "Không thể bỏ Pháp được vì mới sinh ra đã bú sữa Tây". Trẻ là Gaston bật đứng lên ngắt lời: "Lâu nay tôi trọng ông như chú bác, nhưng nay ông nói như vậy thì coi như không còn tình nghĩa gì với nhau nữa!”.

Anh Gaston thoát ly ra bưng biền. Bấy giờ căn cứ Vườn Thơm, vùng Láng Le, kinh Lý Văn Mạnh là nơi tập trung các trí thức, nhân sĩ chống Pháp. Trong khi chờ đợi thành lập ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, anh Gaston một mình ra tờ báo Kháng chiến tiếng Pháp tựa đề là "La Voix du Maquis (Tiếng nói Bưng Biền).

Giúp anh đánh máy sạch sẽ bản thảo có chị Vương Thị Trinh, con ông Vương Văn Ngưu, một trí thức tên tuổi ở Điều Hòa, thị xã Mỹ Tho. Chị Trinh có tú tài Pháp nên giúp tờ báo khá đắc lực. Báo ra khổ tờ giấy A4, gồm khoảng 20 trang. Lễ Độc Lập năm 1947, người viết bài này có mua được một tờ theo thể thức đấu giá trong cuộc mít tinh hộ 17, quận 8. Rất tiếc không giữ được tờ báo hiếm quý đó trong suốt chín năm khói lửa. Chỉ nhớ báo có nhiều trang phong phú tả cuộc sống bưng biền lấy tên là Variétés du Maquis (Tản mạn bưng biền). Văn xuôi hay thơ tiếng Pháp, anh Gaston đều lưu loát và sang trọng. Không chỉ trí thức trong Khu mà giới trùm chăn (attentistes - chờ xem thời cuộc) cũng mê.

Sau đó anh Gaston được bầu Phó chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Một năm sau, luật sư Phạm Văn Bạch ra Bắc nhận công tác, anh Gaston được kiêm quyền Chủ tịch thay ông Bạch. Suốt chín năm làm quyền Chủ tịch anh Gaston đã giải quyết nhiều vấn đề lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

Thời chống Mỹ anh làm Đại sứ Đông Đức cho tới Đại thắng mùa Xuân 1975. Những năm sau giải phóng, anh lớn tuổi thường đau yếu, xin sang Pháp dưỡng bệnh. Anh mất cách nay vài năm, để lại niềm thương tiếc cho bao nhiêu đồng chí kháng chiến ở Nam Bộ.

LUẬT SƯ PHẠM VĂN BẠCH VẠCH TRẦN TỘI ÁC ĐẾ QUỐC MỸ 

Luật sư Phạm Văn Bạch sinh năm 1910 tại Khánh Lộc, tỉnh Trà Vinh. Ông đậu cử nhân luật tại Đại học Lyon (Pháp). Năm 1936 về nước ông không làm việc cho chế độ thực dân mà làm giáo sư tại Cần Thơ. Ngay những năm du học ở Pháp, ông đã tham gia hoạt động xã hội trong các tổ chức thanh niên Cộng sản Pháp. Ông tham gia các câu lạc bộ chính trị thảo luận về các chủ nghĩa, các chính thể, và nghiêng hẳn về chủ nghĩa Mác, ủng hộ cuộc cách mạng Tháng Mười Nga.

Sau khi ta cướp chính quyền, Bác Hồ chủ trương giao cho các nhân sĩ, trí thức yêu nước giữ nhiệm vụ quan trọng trong các ủy ban kháng chiến hành chính, luật sư Phạm Văn Bạch được bầu làm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, chức vụ cao nhất trong bộ máy chính quyền cách mạng lúc đó.

Thời gian sau, ông Bạch được điều ra Trung ương giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn. Với vốn tri thức về công pháp quốc tế, ông được giao phụ trách cơ quan tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ đã can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam. Ông Bạch lập Tòa án quốc tế lên án quân đội Mỹ tàn sát nhân dân Việt Nam. Đặc biệt nhờ uy tín của mình, ông Phạm Văn Bạch đã thu hút được nhiều nhân vật tiếng tăm thế giới tham gia Tòa án quốc tế tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ như nhà văn Jean Paul Sartre.

Thêm một nhân vật lớn tham gia Tòa án quốc tế xử tội ác đế quốc Mỹ là nhà vật lý Albert Einstein gốc Đức, quốc tịch Mỹ năm 1940, tác giả lý thuyết tương đối. Ông Einstein là người trọng công bằng chủ trương hòa bình và được giải Hòa Bình Nobel năm 1921. Một nhân vật trí thức yêu chuộng công bằng và hòa bình như ông Einstein mà gia nhập Tòa án quốc tế lên án Mỹ, đó là thành công lớn trong công tác quan trọng nhất đời của luật sư Phạm Văn Bạch.

Ông mất năm 1987 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 77 tuổi. Cho đến thiên niên kỷ 2003, dân Trà Vinh và cả Nam Bộ đều hãnh diện có những trí thức lỗi lạc như ông Phạm Văn Bạch.

LUẬT SƯ TRỊNH ĐÌNH THẢO

Luật sư Trịnh Đình Thảo sinh năm 1902, tại Hà Đông. Ông sang Pháp học luật, đậu cử nhân văn chương, cao học kinh tế và thương mại sau khi đã đậu tiến sĩ luật. Về nước, ông làm luật sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn từ năm 1929 và hành nghề hơn 40 năm. 

Dân Nam Kỳ đều mến mộ ông qua các phiên tòa ông biện hộ cho những người yêu nước không may sa vào tay giặc. 

Khi Nhật đảo chính Pháp, thủ tướng Trần Trọng Kim mời ông giữ chức Bộ trưởng Tư pháp. Nội các này gồm toàn trí thức tên tuổi và về sau nhiều người tham gia kháng Pháp. Riêng ông Thảo, ông tiếp tục hành nghề luật sư và tiếp tục bênh vực cho các chiến sĩ cách mạng trước tòa án thực dân.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève. Ông Thảo tích cực hoạt động chính trị trong nội thành, tham gia các phong trào Bảo vệ hòa bình, Bảo vệ sinh mạng và Tài sản đồng bào. Năm 1958, ông giới thiệu hai trí thức, một luật sư và một bác sĩ, từ Pháp về với 14 nhà báo và trí thức vừa thoát khỏi ngục tù của chế độ nhà Ngô giúp hai vị trí thức này biết rõ chế độ gia đình trị, cảnh sát trị của tổng thống Diệm để quyết định nên ở Pháp hay về nước. Địch biết rõ quan điểm chính trị của ông Thảo nên theo dõi sát sao. Không thể sống dưới chế độ độc tài phong kiến của anh em nhà Ngô, ông Thảo ra khu tham gia thành lập Liên minh các Lực lượng Dân tộc dân chủ hòa bình Việt Nam. Ông được cử đi khắp thế giới vận động hòa bình cho Việt Nam và lên án chủ trương xâm lược của Mỹ.

Ông Thảo giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc dân chủ hòa bình Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Luật sư Trịnh Đình Thảo mất ngày 31.3.1986 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 85 tuổi.

Ông Thảo mất lâu rồi nhưng dân Sài Gòn vẫn nhớ công soạn bản Tuyên ngôn của Trí thức Sài Gòn gửi Cao ủy Pháp Bollaert quy tụ trên bốn trăm chữ ký. Bản tuyên ngôn này tất nhiên soạn bằng tiếng Pháp cho Cao ủy Pháp xem lấy tên là "Manifeste des Intellectuels de Saigon" do hai luật sư lão thành lãnh phần soạn thảo - ông Vương Quang Nhường và ông Trịnh Đình Thảo.

Ông Thảo khiêm tốn dành vinh dự đó cho Luật sư Hoàng Quốc Tân có văn phòng Luật ở đường Pellerin (Pasteur) xéo cổng dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất).

Sự khiêm tốn này càng làm nổi bật tư cách người trí thức trong giới luật sư

LUẬT SƯ THÁI VĂN LUNG

Luật sư Thái Văn Lung từng học trường võ bị Saint Cyr của Pháp và phục vụ trong quân đội Pháp trong thế chiến 2 (1939-1945). 

Về nước, ông đem khả năng quân sự huấn luyện Thanh niên Tiền Phong và chỉ huy bộ đội Thủ Đức chống Pháp. 

Địch bắt được ông, cố tình mua chuộc nhưng ông nhất định thà chết không hàng, nêu cao truyền thống bất khuất của quân đội Việt Nam anh hùng.

Thái Văn Lung thuộc gia đình trí thức công giáo nổi tiếng ở Thủ Đức. ông là con cụ Thái Văn Lân, một nhân sĩ giao du rộng trong giới văn nghệ sĩ. Chị Thái Thị Liên là chị anh Thái Văn Lung và là mẹ nhạc sĩ tài danh Đặng Thái Sơn đã đoạt giải nhất cuộc thi dương cầm quốc tế về Moza tại Ba Lan mười mấy năm trước đây.

Thái Văn Lung sinh năm 1916. Ngày sinh của anh lại đúng vào ngày các mạng tư sản dân quyền Pháp - 14 tháng 7 (Tây gọi là Quatorze Juillet) tại Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Anh Lung sang Pháp học, đậu cử nhân Luật, lại còn học trường chính trị là Trường đào tạo các chính khách (École des Sciences Politiques). Là dân Pháp, có bằng cử nhân, anh Lung phải nhập ngũ, ra trường với hàm chuẩn úy, tham gia thế chiến 2 (1939-1945). Hết chiến tranh, anh mang lon trung úy và về nước.

Thực dân Pháp ra sức mua trung úy có Pháp tịch, đạo Thiên chúa, nhưng Thái Văn Lung lại là một người yêu nước. Vừa về Sài Gòn, anh Lung ráp lại nhóm sinh viên tiến bộ Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng và các trí thức đàn anh như hai bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ. Anh tham gia lãnh đạo Thanh niên Tiền Phong, được phân công huấn luyện viên quân sự. Trong mấy tháng đầu anh Lung đem hết hiểu biết về quân sự truyền lại cho các đoàn viên thanh niên.

Ngày 23.9.1945, anh Lung bị địch bắt trong một cuộc bố ráp nhưng anh cố chịu đòn đau chứ không khai. Do chúng bắt nhiều, không đủ người trông coi, anh trốn thoát. Lập tức anh thoát ly, tham gia kháng chiến ở xã thuộc quận Thủ Đức. Với khả năng và bản lĩnh, anh được đề bạt Chủ tịch quận Thủ Đức. Bấy giờ Thủ Đức có nhiều đơn vị bộ đội lấy phiên hiệu là Bộ đội 44, 45, 46. Một bộ phận của bộ đội Tân Bình của Nguyễn Thế Truyền chỉ huy rút qua Thủ Đức gọi là bộ đội 43. Cả bốn đơn vị bộ đội này do anh Thái Văn Lung chỉ huy. Bọn Tây ở Thủ Đức rất ngán bộ đội Thái Văn Lung khi biết anh Lung là trung úy từng tham gia chống quân phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp trong Đệ nhị thế chiến. Khẩu hiệu của chúng là mua chuộc, nếu không được thì bố trí ám hại vị chỉ huy lợi hại này. Thủ Đức là địa bàn quận quan trọng nối liền Sài Gòn với Biên Hòa nên địch bố trí lực lượng phòng thủ hùng hậu. Ngày kia, chúng bao vây được đơn vị của anh Lung. Bắt được anh, tên chỉ huy trưởng Tiểu khu Thủ Đức dụ hàng ngay:

- Ông trung úy chỉ có một con đường sống mà thôi: đầu hàng và khai những gì ông biết. Nếu không, bản tử hình chờ ông. 

Anh Lung khẳng khái nói: 

- Tôi nguyên là sĩ quan trong quân đội Pháp. Tôi nhớ rõ trong điều lệ danh dự người lính Pháp không có điều khoản tiết lộ bí mật quân sự khi bị bắt. Kỷ luật bộ đội Việt Nam cũng vậy. Các ông có thể xử bắn tôi. Còn tôi thì không thể khai gì với các ông.

Địch tra tấn anh chết đi sống lại. Chừng tỉnh lại, anh yêu cầu chúng cho gặp gia đình. Địch mừng rỡ, hy vọng gia đình sẽ thuyết phục anh cộng tác với nhà binh Pháp. Nhưng chúng lầm to. Gặp được vợ, anh Lung nói: 

- Tôi chết không có gì ân hận. Tôi sung sướng đã làm tròn nghĩa vụ. Nếu em còn sống và được tha, em nhắn lại các chiến hữu của chúng ta lời nói sau cùng của tôi "Hãy cố gắng đạt tới mục đích chung sau ngày thắng lợi”.

Cái chết anh hùng của Thái Văn Lung mãi mãi là đề tài cho nhà văn, nhà báo ca ngợi. Trong tờ báo La Voix du Maquis, ở mục Variétés du Maquis (Bưng biền phong phú) luật sư Phạm Ngọc Thuần, bạn chí thân của Thái Văn Lung đã viết: "Không một bí mật quân sự. Không một tiết lộ. Không một tin tức nào vượt khỏi đôi mắt đã khép chặt một cách anh dũng phi thường và khép chất mãi mãi. Cái chết kéo dài một cách thảm khốc, luật sư Thái Văn Lung còn minh họa bằng một hình tích đẫm máu của chính anh để nói thêm với ta rằng: Vết nhơ của nô lệ chỉ có thể rửa được bằng máu".

LUẬT SƯ NGUYỄN THÀNH VĨNH HIẾN 200 LẠNG VÀNG CHO CHIẾN DỊCH CẦU KÈ

Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh quê Tân Hiệp, Mỹ Tho (Tiền Giang) là nhà đại tư sản, có hai biệt thự tại đường Pierre (Mai Thị Lựu - Đa Kao) hai xe hơi, một xe kiếng (loại xe ngựa cửa kiếng kiểu bên Tây). Ngày Pháp đánh chiếm Sài Gòn, dân tới đập cửa báo động, gia đình ông chạy ra vùng ngoại ô Thi Nghè, ở gần nhà giáo sư Phạm Thiều bấy giờ là thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong. Trung tướng Nguyễn Bình lúc mới vô Nam theo lệnh Bác Hồ chỉ là phái viên bộ Tổng (Tư lệnh) tỏ ý muốn thị sát thành phố Sài Gòn nhân lúc địch nống ra đánh các tỉnh miền Đông và miền Tây. Luật gia Lê Đình Chi đưa ông Bình ra chiến khu An Phú Đông, tới Thị Nghè tiếp xúc giáo sư Phạm Thiều. Ông Thiều lại giới thiệu với ông Vĩnh. Ông Vĩnh bảo ông Bình: "Tôi có hai biệt thự ở Đa Kao. Tôi ở biệt thự số 35 đường Pierre. Địch canh gác nơi này ba tháng nay. Chúng thấy rõ là tôi bỏ nhà đi luôn để ra bưng kháng chiến. Chúng lơi lỏng việc canh gác. Nếu ông muốn vô sài Gòn nắm tình hình thì có thể tới ở nhà tôi. Tài xế Danh của tôi sẽ đưa ông đi bất cứ nơi nào ông muốn. Cứ giả dạng phú thương người Hoa tới tìm tôi để chạy affaires (từ chuyên môn của giới kinh doanh). Chị bếp Sương lo cơm nước ngày ba bữa cho ông".

Kế hoạch có hơi phiêu lưu nhưng chấp nhận được. Ông Bình đã vi hành tham quan Sài Gòn trong ba ngày, lấy nhà ông Vĩnh làm nơi tạm trú. Ông đã đi khắp nơi có cơ sở nhà binh Pháp, đặc biệt chạy thong dong trên con đường Catinat là nơi có bót Catinat của tên cò Bazin nổi tiếng tàn sát chiến sĩ cách mạng Việt Nam, có tòa soạn báo Journal Officiel (Công Báo), báo La Dépêche của tên thực dân De Lachevrotière còn có khách sạn sang nhất Sài Gòn ở cuối đường là Majestic. Ông Bình đã vô hiệu hớt tóc của Tây ở kế bên rạp xi-nê Majestic hớt tóc đồng thời nghe ngóng tình hình.

Từ đó, hai ông Bình và Vĩnh trở thành bạn chí thân. Ông Vĩnh phục ông Bình là tướng dám vào hang hùm để sau đó tổ chức các Ban công tác thành vào nội thành đánh địch ngay trong sào huyệt của chúng. Còn ông Bình phục ông Vĩnh là nhà đại tư sản đã dám bỏ hết để ra bưng. Hai anh gọi nhau là anh Hai (Vĩnh) và anh Ba (Bình) theo phong cách Nam Bộ.

Ông Vĩnh là ủy viên Tài chính trong ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Khi đếm tiền các Ban công tác thành và các ban thu thuế từ Sài Gòn Chợ Lớn đem vô Khu, ông Vĩnh thấy giấy nhỏ nhiều hơn giấy lớn, như vậy là giới bình dân ủng hộ kháng chiến tích cực hơn giới tư sản. Ông đề nghị có biện pháp mạnh với tư sản như mời họ vô khu cho họ thấy công cuộc kháng chiến là của toàn dân và ai cũng có nghĩa vụ đóng góp, kẻ xương máu, người tiền bạc.

Khi ta mở chiến dịch Cầu Kè (Trà Vinh) quỹ đang khan hiếm. Anh Vĩnh về nhà đào lên hai trăm lượng vàng cung ứng cho chiến dịch. Giới sưu tầm nghiên cứu thích đến nhà ông Vĩnh vì ông giữ các công văn tối mật của Nam Bộ cũng kỹ như giữ tiền vàng của nhà nước. Anh còn đủ hồ sơ quan trọng và cả chục cuốn album chụp hình các cuộc họp, các ngày lễ.. Ngoài ra anh còn bộ sưu tầm giấy bạc Đông Dương Ngân hàng và tín phiếu Việt Minh và tiền Cụ Hồ

LUẬT GIA LÊ ĐÌNH CHI "MẠNG ẤY YỂU MÀ DANH ẤY THỌ"

Cử nhân luật Lê Đình Chi từng giữ chức commis greffier (lục sự) pháp đình Sài Gòn. Ông sinh năm 1912, tại Nam Định. Vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1945, ông cùng luật sư Nguyễn Thành Vĩnh ra bưng kháng chiến. Ông Chi được anh Nguyễn Bình trọng dụng ở ngành quân pháp. Rất tiếc, anh Chi hy sinh sớm ngày 2. 6. 1949, lúc đó ông mới 37 tuổi, đang là Giám đốc Nha Quân pháp Nam Bộ. Các bạn tặng cho ông câu ca ngợi "mạng ấy yểu mà danh ấy thọ".

Cuộc càn lớn nhất Pháp đánh vào Đồng Tháp Mười ngày 2.6.1949 nhằm quảng cáo cho cái gọi là Chính phủ Quốc gia Việt Nam (État du Vietnam) do cựu hoàng Bảo Đại cầm đầu. Chúng huy động cả thủy, !ục không quân và binh chủng nhảy dù. Trong cuộc càn này, ta thiệt hại hai trí thức lớn. Đó là kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt và luật gia Lê Đình Chi, Giám đốc Nha Quân pháp Nam Bộ. Hai vị trí thức này - ông Lê Đình Chi bị trúng đạn máy bay, còn kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt bị địch bắt và đã hy sinh sau thời gian dài bị tra tấn và mua chuộc.

Lê Đình Chi sinh năm 1912, tại Nam Định. Đậu cử nhân luật năm 1935, không tham chính - từ chối chức tri huyện vào Sài Gòn làm commis greffier tại Tòa áo đỏ (Đại hình) Sài Gòn. Là người trí thức sớm giác ngộ từ năm 1936, trong phong trào Đông Dương đại hội, ông tham gia tranh đấu đòi mở rộng dân chủ, nâng cao dân sinh, cải thiện dân trí nhân lúc Mặt trận Bình dân lên cầm quyền bên Pháp. Ngôi nhà và cũng là văn phòng luật gia của ông, số 132 Lagrandière (Lý Tự Trọng) đồng thời là nơi cất giấu tài liệu bí mật, vũ khí, cờ, khẩu hiệu... Còn là nơi nương náu của ác đồng chí đang bị truy nã như Phan Đình Công (sau này là Chi đội phó Chi đội 10 Biên Hòa), Hà Mâu Nhai (sau này là Giám đốc Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh), Lê Đình Nguyên, Phạm Văn Uyển, Nguyễn Văn Bàng, Lê Văn Chữ, Phạm Minh Chuẩn...

Ngày ta cướp chính quyền Sài Gòn - 25.8.1945, ông Chi tham gia cuộc họp của giới thẩm phán và luật sư. 

Ngày 23.9.1945, khi Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, Lê Đình Chi chạy ra ngoại ô Thị Nghè. Tại đây, ông được liên lạc đưa qua chiến khu An Phú Đông, bên kia dòng sông Sài Gòn. Ông từng tham gia hội nghị về việc thi hành Hiệp ước 6.3.1946, tại miếu Bà Cơ , Đại An, cùng với Huỳnh Văn Nghệ, Võ Bá Nhạc, Phạm Thiều. Lúc này ông là Trưởng phòng Quân pháp Quân khu 7.

Ông Chi tập hợp một số trí thức như sinh viên luật Trần Văn Quới (Bảy Quới) để dịch sách luật như cuốn Code pénal modifié (Luật cải cách). Các phiên tòa án binh trong Quân khu 7 diễn ra rất nghiêm túc, có đủ hội đồng xét xử như chánh án, hội thẩm, công tố viên, luật sư... Những đêm tòa án binh xét xử trong vườn cao su huyện Bình Chánh có đèn điện với máy nổ, máy phóng thanh, với bục xét xử trên cao, với vành móng ngựa và hai tiểu đội lính gác trông thật uy nghi, ấn tượng "công thưởng-tội trừng" kẻ chữ to trắng trên nền vải đỏ - dạy cho quân và dân trong chiến khu biết sống tôn trọng luật pháp - tuy là bất thành văn nhưng được mọi người tôn trọng. Đó là đóng góp lớn của Phòng quân pháp do ông Lê Đình Chi phụ trách. Năm 1947, khi anh Ba Bình về Nam Bộ giữ hai chức ủy viên quân sự Nam Bộ kiêm Phó chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, ông Lê Đình Chi được đề bạt Giám đốc Nha quân pháp Nam Bộ.

Thêm một đóng góp lớn của ông Chi - mở các lớp đào tạo cán bộ tư pháp, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp. Ông mất rồi nhưng số học trò do ông đào tạo ngày nay vẫn giữ nhiều trọng trách trong các ngành tư pháp. Các sách do ông soạn thảo như Luật hiến pháp sơ giảng, Hình luật sơ lược, Hình luật tố tụng, Luật vi cảnh, Quân luật Việt Nam là những bộ sách quí trong những năm đầu kháng chiến, khan thiếu sách luật.

Ngày 2.6.1949, ông Lê Đình Chi trúng đạn máy bay tại chợ Mỹ An, làng Tân Hòa Đông, tỉnh Tân An. Năm ấy, ông vừa tròn 37 xuân. Người đời sau tiếc một trí thức có công trong ngành tư pháp cách mạng lại vắn số nên tặng cho ông mấy chữ "mạng ấy yểu nhưng danh ấy thọ".

LUẬT SƯ TRẦN VĂN KHƯƠNG VỚI GIAI THOẠI CHÂU VỀ HIỆP PHỐ

Đám giỗ cuối năm của gia tộc Ung Văn Khiêm đã xong phần nghi lễ. Bà con thân tộc ngồi đông đủ hai bàn tròn. Chỉ còn thiếu một người. Cô Sáu Huệ, em ruột ông Ba Khiêm đứng lên nói: 

- Dượng Sáu sáng nay có chút việc tại Tổng lãnh sự Pháp. Chắc cũng gần về rồi. Tôi dặn ổng đi xích lô thẳng lại đây. 

Nhiều người tò mò: 

- Hồi đầu năm Tổng thống Francois Mitterrand sang Việt Nam, ghé Sài Gòn, có hỏi thăm các nhà trí thức tốt nghiệp ở Pháp. Nay Tổng lãnh sự Pháp mời luật sư Trần Văn Khương, chắc cũng trong tinh thần nối lại mối liên hệ văn hóa lâu đời giữa hai nước. 

Vài phút sau, ông Khương về tới. Đó là một người trên 80 tuổi, tóc bạc trắng nhưng tướng đi hãy còn cứng cỏi. Ông cầm trong tay một hộp tròn và dài giống như hộp banh tennis. Ông đi giáp vòng bắt tay mọi người, cười nói: 

- Xin khoe với bà con, những món này tôi được cấp cách nay năm mươi năm. Nhưng tới bây giờ, nửa thế kỷ sau, tôi mới được thấy mặt.

Tất cả đều hướng về cái hộp ông Khương đang mở nắp. Vài phút sau, có tiếng reo vui: 

- Bất ngờ, thú vị quá! 

Và người ta chuyền tay nhau xem những món quí ông Khương vừa lấy từ trong hộp ra. Giáo sư kinh tế Bút, rể gia đình họ Ung đọc to lên: 

- Licence en Droit, ba chứng chỉ cử nhân luật do Đại học Paris cấp năm 1943, bằng Năng khiếu luật sư năm 1944, hai bằng Cao học luật cũng năm 1944... 

Chị Minh, cũng là giáo sư kinh tế, con gái ông Khiêm, đưa lên mấy tờ giấy nối lời chồng: 

- Bằng này mới là ác liệt. Docteur d'Etat en Droit avec Mention Assez Bien (Tiến sĩ luật khoa Quốc gia) còn đây là bằng tốt nghiệp Trường Saences Politiques. 

Tất cả tranh nhau mượn xem các bằng cấp từ những năm 43, 44, 45 cách nay nửa thế kỷ. Rồi lần lượt tới bắt tay chúc mừng nguội dượng Sáu Khương. 

Tôi là khách được mời nên ngồi trong góc lặng lẽ quan sát. Không khí bữa giỗ kể từ đó bỗng trở nên lắng xuống, man mác buồn - những người học văn hóa Pháp gọi đó là "La nostalgie du passé" (nỗi nhớ xa xưa).

Luật sư Khương ngồi vào bàn, lặng lẽ ăn. Nhưng tôi biết tâm hồn ông đang sống lại những năm tháng nghèo đói, cô đơn, nhưng quyết tâm vượt mọi khó khăn để "dồi mài kinh sử". Hy vọng "bảng hổ đề tên" của một học sinh nghèo từ làng quê bùn lầy đọng sang kinh thành Ánh Sáng lập nên sự nghiệp với đời là cao quý tột bậc rồi; nhưng trường hợp của luật sư Khương còn cao hơn nữa. Ông dám bỏ cuộc đời hoa gấm để lao vào cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ, góp phần giải phóng quê hương thoát ách nô lệ cả trăm năm. Tháng Tám năm 45, tôi đã cất cao tiếng hát "Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân" nhưng một học sinh trung học như tôi thì có công danh gì đâu mà "coi thường như phù vân"?

Còn ông Tư Khương, sang Pháp năm 18 tuổi, chưa có bằng Sơ học, miệt mài 17 năm mới chiếm được các bằng cử nhân, tiến sĩ tốt nghiệp Saences Po, một loại bằng của giới quý tộc chuyên ngành chính trị và ngoại giao Pháp. Như vậy, cũng là xếp bút nghiên, nhưng giữa ông luật sư Khương và anh học trò trung học như tôi có một khoảng trời xa cách. Tôi nhất định đến nhà làm quen người trí thức đàn anh đáng quý của mình.

Luật sư Khương tâm tình: 

- Quê tôi là xã Tân Hưng, một xã nghèo trong quận Ba Tri, Bến Tre. Cha tôi làm hương sư trong làng, nhà đủ ăn. Làng Tân Hưng không có trường, tôi phải học chữ nho tới 14 tuổi, sau qua xã Hưng Nhượng học chữ quốc ngữ một năm, năm sau lên Bến Tre học lớp nhì. Năm 1926, vào tháng ba, học sinh để tang cụ Phan Chu Trinh bị đuổi học. Nhà giàu cho con đi Tây học, tôi cũng ham, nhưng nhà nghèo không đủ sức . Tình cờ tôi tìm thấy trong tủ đứng trong nhà có gói bạc cha tôi vừa bán lúa, mở ra đếm thì đúng năm trăm đồng. Đây là số tiền lớn nhất mà cha tôi có, mấy năm trước, lúa không trúng như năm đó. Ngay đêm ấy, tôi viết thư xin cha mẹ tôi cho tôi số tiền năm trăm đó để sang Pháp lập thân.

Bốn giờ sáng hôm sau, tôi đạp xe ra xã An Ngãi Trung đón xe đò lên Sài Gòn. Tại Sài Gòn, tôi gặp cậu công tử cháu ngoại điền chủ mà cha tôi mướn đất làm, nghe tôi nói muốn qua Pháp học, anh ta hứa lo giấy tờ giúp, tôi đưa anh ta nửa số tiền là hai trăm rưỡi. Vài ngày sau anh ta nói "tao lỡ xài hết rồi!". Biết mình bị gạt, nhưng tôi cương quyết ra đi vì không thể trở về với hai bàn tay trắng. Tiền tàu hạng ba là ba trăm mà tôi chỉ còn trên hai trăm, phải đi hạng tư tức là "sur pont" (ngủ trên boong tàu) giá một trăm hai mươi đồng. Rủi thay, vé hạng tư đã hết. Tôi năn nỉ thầy ký bán vé khá lâu mà không được, tôi vụt nghĩ ra một cách là chờ thầy ta về nhà ăn cơm trưa, tôi nhét vội một tờ giấy "hoảnh" (hai chục đồng) vô túi. Thế là chiều đó thầy ta lo cho tôi mua được một vé.

Tôi xách vali mây lên tàu, mướn ghế bố xếp nằm trên boong mà chịu lạnh vào đêm. Trong vali chỉ có vài bộ bà ba vải trắng. Thời may trước đó tôi gặp em vợ thầy giáo Lê Thọ Xuân, nhà sử học cho bộ đồ kaki tôi mặc xuống tàu. Tàu chạy giữa biển, tôi nằm suy nghĩ, không biết sang Pháp sẽ tấp vào đâu để ăn học thì gặp anh Lâm Thái, người Miên Trà Vinh và anh Huỳnh Tích, cháu ngoại đốc phủ Mầu ở Mỹ Tho rủ về Praysass thuộc quận Agen, nơi đây có linh mục Sinonet chuyên đỡ đầu người Việt sống ở Pháp. Chúng tôi ở nhà của linh mục, đi làm lao động ba tháng hè kiếm tiền ăn học. Gần hết tiền, tôi viết thư về nhà xin tiền, gia đình không có tiền gửi qua, thời may có bà Mười Liễu ở xã An Ngãi Trung biết tôi là học trò nghèo mà ham học, gửi tiền sang giúp được vài năm. 

Năm 1930, kinh tế khủng hoảng, đa số học sinh, sinh viên Việt Nam về nước. Tôi quyết tâm ở lại học và đi làm thuê làm mướn kiếm tiền đóng tiền trường. Tôi may mắn gặp ông Edouard Herriot, Viện sĩ Hàn lâm, Chủ tịch Quốc hội Pháp, Chủ tịch danh dự Đảng Xã hội Cấp tiến, ông viết thư cho Viện trưởng Viện Đại học Paris xin cho tôi làm "maitre d'internat" (giám thị) ở các trường trung học. Đây là một đặc cách vì nhiệm vụ này chỉ giao cho người Pháp thôi. Tôi là người Việt Nam đầu tiên được làm giám thị trường trung học ở Pháp.

Tôi phải làm ở tỉnh nhiều năm mới có thể lên Paris để học Luật, năm 43, tôi đậu cử nhân Luật, năm 44 đậu hai bằng Cao học Luật và bằng Năng khiếu Luật sư, năm 45 đậu bằng tiến sĩ Luật Paris và tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị. Học xong rồi, tôi không bao giờ quên các Mạnh thường quân như bà Mười Liễu, nghị sĩ Pierre Cot, ông Bastoul, Chủ tịch Hội cựu học sinh trường Trung học Agen, giáo sư Gaston Martin và nhất là ông Edouard Herriot.

Năm 1946 , tôi được đưa vào công tác trong phái đoàn ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do anh Trần Ngọc Danh làm trưởng đoàn. Trong thời gian Hội nghị Fontainebleau, tôi góp phần giúp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Hồ Chủ tịch tiếp xúc với các chính khách quan trọng Pháp nhờ nhiều năm học Luật và Khoa học Chính trị, có quen biết nhiều giới chính trị tiến bộ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lời khen "anh Trần Văn Khương với vị trí xã hội bình thường của mình mà lại quen thân nhiều nhà hoạt động chính trị tiến bộ có tên tuổi ở Pháp".

Ngày 5.9.1949, tôi về nước tham gia kháng chiến. Tại Sài Gòn, tôi ở nhà ông bà Kinh lý Phạm Ngọc Thuần, cha của anh luật sư Gaston Phạm Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Bà kinh lý tặng tôi một quần lụa đen mới may, cô con gái tặng tôi một áo bà ba hàng đen. Áo hơi chật nên tôi mặc lội bưng Tháp Mười một bữa là rách.

Ngày vô khu là ngày 11.9.1949, xe nhà đưa tôi tới Cai Lậy, cách chợ vài trăm thước. Tôi xuống xe vô nhà dân thay bà ba đen lội bưng. Hai bàn chân đi không, bị gốc cỏ ống mới phát dưới đồng ngập nước tới đùi cứa đau điếng. Tôi được bạn bè trong khu ôm hôn, anh em bạn cũ gặp nhau, niềm vui nào kể xiết: Tôi được phân trong Mặt trận Liên Việt cho tới hòa bình 1954, thì tập kết ra Bắc.

Trở lại chuyện mấy cái bằng cấp, tôi hoàn toàn quên chúng cho tới khi ông Francois Mitterrand qua Sài Gòn hỏi thăm các nhà trí thức tốt nghiệp Paris mấy mươi năm về trước, tôi mới chợt nhớ lại việc mình cũng đã từng tốt nghiệp ở Pháp. Tôi bèn viết thư qua Pháp hỏi các bằng cấp nửa thế kỷ trước đây. Gửi thư nhưng không tin là còn vì trải qua năm chục năm đầy biến động. Nếu còn thì vui, còn không thì thôi. Không ngờ tháng sau tôi được ông Thư ký Đại học Luật Panthéon d’ Assas cho biết các bằng cấp vẫn còn và sẽ gửi qua cho tôi theo đường ngoại giao. Kế được thư Tổng lãnh sự Pháp mời tới lãnh giấy tờ từ Paris gửi qua.

Nghe anh Tư Khương kể câu chuyện tìm lại được các bằng cấp thất lạc 50 năm, tôi nghĩ tới chuyện Châu về Hiệp Phố. Tôi mừng cho anh về già có niềm vui tinh thần to lớn như vậy. Nhưng còn một niềm vui cao quí hơn nữa: Anh Khương nhận được Huân chương Độc lập hạng Hai (ngoài hai Huân chương kháng Pháp và chống Mỹ trước đó).

LUẬT SƯ TẠ MINH LONG

Ở làng Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có ông đại điền chủ Tạ Minh Hiển, ông có hai người con trai tên là Tạ Minh Long và Tạ Minh Hổ. Long và Hổ là hai tên quý mà các bậc làm cha, mẹ thích đặt cho con, hy vọng sau này chúng sẽ hùng mạnh và thông minh như cọp, như rồng. Niềm hy vọng của vị đại điền chủ đã được đáp ứng. Hai anh em Long, Hổ lớn lên đẹp trai, khỏe mạnh và thông minh. Cả hai được cha xuất tiền cho sang Pháp du học. Anh Long đậu cử nhân luật. Còn người em tên Hổ học trường võ bị Saint Cyr nổi tiếng của Pháp. Khi hai anh em về nước thì Cách Mạng Tháng Tám nổ ra. Đáp lời sông núi, Tạ Minh Hổ gia nhập bộ đội, sớm trở thành chỉ huy một đơn vị nhỏ trong huyện nhà. Đánh nhiều trận ra trò. nhưng trong một cuộc hành quân đêm, anh lọt vào vòng phục kích của quân đội Pháp do tướng Nyo thiện chiến chỉ huy. Anh bị bắt sống. Chỉ huy trung đội bắt được anh lại là bạn học cũ tại trường Chasseloup. Thằng này dân Tây, tên Robert. Gặp lại Tạ Minh Hổ, Robert mừng rỡ nói:

- Tao sẽ thả mầy nhưng với điều kiện tướng Nyo ra lệnh tên Việt Minh nào chịu xé lá cờ đỏ sao vàng là thả vì qua hành động đó, chúng đã ly khai hàng ngũ cũ. 

Tạ Minh Hổ lắc đầu: 

- Tao không xé cờ của Tổ quốc tao! Mầy bắt được tao thì cứ làm nhiệm vụ của mầy.

Thằng Robert ngạc nhiên: 

- Làm sao tao bắn mầy được. Dù sao cũng là tình bạn bè nội trú trong nhiều năm. 

Tạ Minh Hổ: 

- Tình bạn bè là cao quý, nhưng tình Tổ quốc còn thiêng liêng hơn. Tao nhắc lại lần nữa, tao không thể xé cờ Tổ quốc tao! 

Robert điếm đàng mách nước: 

- Mầy chỉ làm bộ xé cờ để tao trình với ông tướng của tao. Sau đó mầy tìm cơ hội để trốn về đơn vị mầy. Hiểu chưa? 

Tạ Minh Hổ nghiêm nghị: 

- Có những việc không thể giả bộ được. Đồng bào tao sẽ nghĩ gì khi một chỉ huy Việt Minh xé cờ Tổ quốc mình để quân đội Pháp tha cho mạng sống? 

Robert đành giao Tạ Minh Hổ cho một sĩ quan khác sẵn sàng thi hành cái mà anh ta gọi là "sale besogne". 

Năm phút sau, một phát súng nổ khô khan kết thúc cuộc đời một thanh niên trí thức yêu nước tỉnh Bạc Liêu.

Cuộc sống của người anh phong phú hơn, có nhiều pha lên bổng xuống trầm hơn. Tạ Minh Long có bằng cử nhân luật nhưng không mở văn phòng luật sư. Anh cũng không làm cố vấn luật pháp cho các nhà tư bản Pháp mà chọn nghề tự do: dạy học. Anh dạy các trường tư thục nổi tiếng ở Sài Gòn như Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh. Sau ông về Cần Thơ mua lại trường tư thục Nam Hưng khai thác cho tới ngày Nhật đảo chính Pháp. Sau đó vài tháng, Việt Minh cướp chính quyền. Giáo sư Tạ Minh Long lặn một thời gian, không ai biết anh trôi giạt về đâu.

Bỗng một hôm, nhân viên tình báo của ta báo cáo với anh Bảy Chiếm (về sau còn có mật danh là Sáu Hoàng): 

- Tỉnh Biên Hòa có một ông trưởng ty công an khác thường. Ông ta không giống mấy cha trưởng ty công an khát máu kiểu em út của Đốc phủ Nguyễn Văn Tâm hay Lê Tấn Nẫm. 

Anh Cao Đăng Chiếm chú ý nghe: 

- Nói cụ thể hơn đi. Khác thường là sao? 

- Là ông ta dám can thiệp, không để bọn ác ôn đánh đập tù vô tội vạ trong phòng điều tra của Ty Công an mà ra lịnh đưa lên văn phòng trưởng ty để đích thân ông ta điều tra, lấy khẩu cung. Và nhiều lần ông thả tù với lý do "non lieu” (tha bổng vì không bằng chứng). 

Anh Bảy Chiếm gật gù: 

- Như vậy là anh ta có cảm tình với kháng chiến. Vậy các anh phải dò xét thêm. Báo cáo cho tôi biết tên họ, quê quán, nghề nghiệp trước khi làm trưởng ty công an. 

Vài hôm sau, Bảy Chiếm biết vị trưởng ty công an cá biệt đó là cử nhân luật Tạ Minh Long, anh của liệt sĩ Tạ Minh Hổ, chỉ huy trên chiến trường Gò Quao, Rạch Giá.

Lập tức anh viết thư cho Tạ Minh Long kèm theo chỉ thị số 4-NV do anh ủy viên nội vụ Ung Văn Khiêm ký ngày 22.5.1947 kêu gọi công chức và nhân viên đang hợp tác với Pháp ra bưng kháng chiến. Người trao thư này là anh Lê Thanh Vân, tức Sáu Ngọc (từng giữ chức Giám đốc Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng 1975).

Tạ Minh Long tiếp sứ giả niềm nở và nghe theo lời gợi ý của Bảy Chiếm, xin từ chức Trưởng ty Công an Biên Hòa để chuẩn bị ra bưng. Lại một lần nữa, anh Bảy Chiếm gợi ý: "Một người có vỏ học vững chắc như anh ở lại trong hàng ngũ địch có lợi nhiều hơn là ra bưng biền".

Lúc đó tòa Cao ủy phủ (Ham Commissariat de la République) mở cuộc thi tuyển nhân viên, điều kiện tối thiểu là cử nhân luật. Tạ Minh Long nộp đơn ứng thí. Và anh đỗ đầu. Việc rà lý lịch cũng thuận tiện. Cha là đại điền chủ ở Bạc Liêu. Cư ngụ trong tỉnh ly Bạc Liêu là vùng tạm chiếm. Bản thân Tạ Minh Long nguyên là Trưởng ty Công an Biên Hòa. Thế là Tạ Minh Long nghiễm nhiên là nhân viên Cao ủy phủ, hàng ngày tiếp xúc với các tay tổ thực dân từ Đốc phủ sứ trở lên bộ trưởng các chính phủ bù nhìn bác sĩ Lê Văn Hoạch (lên thay bác sĩ Nguyễn Văn Thinh tự tử trước đó). Sau thời gian tạo uy tín là viên chức siêng năng, mẫn cán để lấy lòng cấp trên, Tạ Minh Long bí mật liên lạc với anh Bảy Chiếm. Sau đó, anh kín đáo tiết lộ những tin tức tối mật vừa bàn thảo trong nội bộ Cao ủy phủ. Những chủ trương lớn như địch sắp áp dụng lá bài Bảo Đại, như lập chiến khu quốc gia ma Bình Quới Tây, những cuộc hành quân tổng lực hải lục không quân nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến ở Đồng Tháp Mười đều được Tạ Minh Long thông báo kịp thời để ta có thời gian đối phó. Anh Bảy Chiếm rất hài lòng đã "cấy" người của mình trong lòng tên Cao ủy Bollaert.

Ngày 25.4.1947, ta đánh lớn tại Giồng Dứa, phục kích đoàn xe chính phủ Lê Văn Hoạch đi kinh lý các tỉnh miền Trung Nam Bộ. Đây là trận đánh làm lễ tốt nghiệp Trường quân chính Khu Tám. Đích thân Khu trưởng Trần Văn Trà chỉ huy trận này. Ta đào hố cá nhân trên đồng ruộng vừa gặt, còn trơ gốc rạ. Bộ đội nằm trong "hồ chồn" suốt đêm chờ đoàn xe địch tới. Trên đường, dân quân đắp mô và đào hố để làm chậm tốc độ đoàn xe. Đúng giờ G, đoàn xe dẫn xác tới. Địa lôi khóa đầu. Đoàn xe nghẽn lại, lúng túng như "chó bỏ giỏ cua". Bộ đội ta tốc đám rạ nghi trang lao lên đường nổ súng. Địch nhanh chóng vứt súng đầu hàng. Bỗng một người mặc đồ lớn, xách cặp da chạy về phía quân ta, miệng hô to: "Cho tôi gặp anh Bảy Chiếm. Cho tôi gặp anh Bảy Chiếm!".

Hiện tượng bất thường này khiến một anh bộ đội phản ứng rất tự nhiên là bóp cò. Vậy là người của chúng ta, luật sư Tạ Minh Long gục ngã một cách oan uổng. Tư lệnh Trần Văn Trà khiển trách anh bộ đội thiếu bình tĩnh, còn anh Cao Đăng Chiếm thì hết sức khổ tâm. Cuối cùng anh cũng đã được anh Bảy Chiếm lo làm thủ tục truy tặng bằng liệt sĩ cho cử nhân luật yêu nước Tạ Minh Long.

LUẬT SƯ HOÀNG QUỐC TÂN

Lý lịch của luật sư, tiến sĩ Hoàng Quốc Tân rất thú vị cho những ai quen một thời đề bạt cán bộ theo lý lịch. Ông Hoàng Quốc Tân là cháu Phó vương Hoàng Cao Khải. Họ Hoàng có ba người làm Tổng đốc. Hoàng Cao Khải và hai con, Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu. Tiến sĩ luật sư Hoàng Quốc Tân là cháu nội Tổng đốc Hoàng Cao Khải và là cháu hai ông chú Hoàng Mạnh Trí và Hoàng Trọng Phu. Ông Tân sang Pháp học cùng thời với các ông Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện. Ông Tân gia nhập đảng cộng sản Pháp và hoạt động trong giới công nhân Pháp, sát cánh với anh em lính thợ Việt Nam (ONS sang Pháp trong thế chiến 2).

Về Sài Gòn, luật sư Hoàng Quốc Tân gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh công tác trí vận tại thành phố Sài Gòn. Ông là thành ủy viên. Trong khi Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam giúp Pháp đưa ra giải pháp Bảo Đại để chống lại chính phủ Cụ Hồ, ông Tân có sáng kiến tập hợp các tầng lớp trí thức lại trong tổ chức chính trị với chủ trương cụ thể như sau: Cuộc chiến tranh kéo dài làm phương hại tới tình hữu nghị Việt-Pháp. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Pháp thương thuyết trở lại với chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo để chấm dứt chiến tranh.

Bản tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn chính là do ông Tân đề xướng và do hai ông Vương Quang Nhường và Trịnh Đình Thảo soạn thảo và hai vị trí thức lão thành bác vận Lưu Văn Lang, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng làm đầu tàu.

Muốn hiểu rõ thêm về sự tiến bộ của tiến sĩ luật sư Hoàng Quốc Tân, nên biết qua "công trạng" của ông nội ông là Tổng đốc Hoàng Cao Khải.

Hoàng Cao Khải sinh năm 1850, mất năm 1933, quê ở Đông Thái, tỉnh Nghệ An (nay là Hà Tĩnh). Đỗ cử nhân thời Tự Đức. Trước khi vinh thăng Tổng đốc, ông Khải đã giữ chức vụ Huấn đạo Thọ Xương, Giáo thụ Hoài Đức, Tri huyện Thọ Xương, Án sát Lạng Sơn, Tuần phủ Hưng Yên, Tổng đốc Hải Dương. Lúc đầu làm Tổng đốc Hải Dương, ông Khải được sung chức Khâm sai kinh lược Bắc Kỳ. Ông Khải viết thư chiêu dụ cụ Phan Đình Phùng theo lệnh của Pháp, ông bị cụ Phan Đình Phùng sỉ vả. Tổng đốc Hoàng Cao Khải bị nhân dân lên án là tay sai thực dân Pháp. Các con của ông là Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu đều là Tổng đốc. Hoàng Trọng Phu là rể Tổng đốc Đỗ Hữu Phương trong Nam, Hoàng Gia Mô làm tri huyện.

Năm 1897, bãi bỏ Nha kinh lược, đặt phủ Thống sứ, Hoàng Cao Khải được Pháp điều về Huế lãnh chức Thượng thư Bộ binh, sau làm Phụ chính đại thần triều Thành Thái, làm Thái tử thái phó, văn minh điện đại học sĩ.

Về sau họ Hoàng bị Nguyễn Thân lấn áp về hưu, ở ấp Thái Hà (Hà Nội). Có lúc Hoàng Cao Khải được xem như là Phó Vương. Sĩ phu Hưng Yên có câu đối chửi họ Hoàng như sau:

"Ông ra Bắc là may, chức Kinh lược, tước Quận công, bốn bề không nhà mà nhất nhỉ.

Cụ về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài chính phủ một lòng với nước có hại đâu?".

BÀ HỒ THỊ BI ĐUỢC TÂY PHONG "MA-ĐAM 131"

Xin nói ngay biệt danh "nữ hổ tướng", không phải bà Năm Bi vỗ ngực xưng danh mà do một nhà báo phiêu lưu quốc tế tên là Hilaire du Benier phong cho bà Năm trong cuốn sách lấy tên là Background to Betrayal do Nhà xuất bản Western Islands (Boston, Los Angeles, Hoa Kỳ) ấn hành năm 1965. Trong chương Ngô Đình Nhu and his In Laws (Ngô Đình Nhu và đám bên vợ), trang 39 có một đoạn nói về bà Năm Bi như sau:

“Here we find by Hồ Thị Hoa (or Madame Tee Bey as she was called), the Communist guerrilla leader with her band of foreign legion deserters and Jap mercenaries. She was in her thirties when her unit, Chi đội 12, of Ho Chi Minh southern army ravaged the HocMon area while French's. High commissioner in Indochina, Monsieur Pignon, was working to bring back Bao Đai. With her assassination squads, her own propaganda corps, police force, ministry of economy, and political bureau, she built herself an empire founded on terror and brainwashing. She dressed in a uniform with a Colt in her belt and a gun slung over her shoulder. Death was the punishment for any infraction of the rules Madame Tee Bey applied with an iron hand! (Chúng ta thấy ở đây - tức Việt Nam – Hồ Thị Hoa (hay là bà Bi như người ta gọi) một chỉ huy du kích với băng Lê dương đào ngũ và lính Nhật đánh thuê. Bà ta đang độ 30, khi đơn vị bà ta, Chi đội 12 trong bộ đội Hồ Chí Minh ở miền Nam gây tác hại trong vùng Hóc Môn giữa lúc Cao ủy Đông Dương Pignon vận động đưa Bảo Đại về nắm chính quyền ở Việt Nam. Với các đội ám sát, đội tuyên truyền, cảnh sát, kinh tài, bà ta tạo cho mình một vương quốc xây dựng trên khủng bố và tẩy não. Bà mặc bà ba đen, với khẩu Colt ở thắt lưng và một khẩu súng trường vác vai. Tử hình là hình phạt cho những ai vi phạm nội qui mà bà Bi thi hành với bàn tay sắt).

Nhà báo Mỹ nêu ra ba "tigresses" (cọp cái) trong chương nói trên là bà Năm Bi, kế bà Lê Thị Ngâm tức Phàn Lê Huê, vợ Năm Lửa và bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân. Bài này chỉ nói về bà Năm Bi thôi.

Hồ Thị Bi quê Hóc Môn, bán chè xôi nước. Mới lên 10 chị đã đi giữ em cho người ta, mỗi năm 4 đồng. Hồi mướn, chủ nói giữ em nhưng lại bắt bán dưa hấu tại bến xe đò Hóc Môn-Tây Ninh. Ở được hai năm lại đổi chủ về coi em cho vợ chồng thầy giáo Tháo ở Bà Chiểu.

Thời gian này có một chuyện trớ trêu. Chủ nhà thường vay nợ "chà sêtty" (người Ấn cho vay nặng lãi) mà sợ thiên hạ biết nên sai người ở đi rước chủ chà ban đêm. Báo hại chị Năm lúc đó đã lớn phải chạy bộ theo xe kéo. Có được chút đỉnh tiền làm vốn, chị đi bán chè theo nghề bà ngoại. Lúc này có anh Năm Ngài đã có một đời vợ tỏ ý muốn bước thêm bước nữa. Đến năm 1939, anh Năm bị Tây bắt sau vụ đình công ở Hóc Môn. Sợ bị liên can làm cộng sản, chị Năm rời gia đình chồng sống tự lập.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, kế Nam Bộ kháng chiến, chị Năm phụ trách tiếp tế các mặt trận Tham Lương, Bến Phần, Chợ Cầu cho Giải phóng quân liên quận Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hòa. Chị hoạt động rất tích cực. Đến khi Tây đánh mạnh, bộ đội thu hẹp lại cho gọn nhẹ, Ban chỉ huy cho chị về nhà. Chị năn nỉ quá chừng nhưng không được vì có con mọn. Hai lần bị đuổi về, chị nảy ra sáng kiến lập đơn vị riêng do chị chỉ huy, đó là đội công tác tại xã Thới Tứ. Đây là tiền thân của Ban công tác 12 của Chi đội 12, sau biên chế là Trung đoàn 312.

Đánh đợt đầu, đơn vị chị gồm 5 tiểu đội (hai nam, hai nữ và một tí hon) diệt một tiểu đội Pháp. Kỷ niệm vui trận đó là chỉ huy ném lựu đạn không nổ, phải ra lệnh miệng. Nhờ trận này mà tên tuổi Năm Bi được nhiều người biết. Đồng chí Trần Văn Trà trong Ban chỉ huy Giải phóng quân Liên quận gửi giấy khen trận 12.12.1945, tặng chị Năm một khẩu 7,65. Cây súng đó đẻ ra Đại đội 2804 sau này. Cũng trong dịp đó, anh Trà cho đơn vị 5.000, nhưng lại là tiền Nhật, giấy 500 rồng vàng dân không xài. Một tùy tướng của chị Năm Bi là anh Lê Văn Xinh, quê Tân Xuân, có lối đánh táo bạo và khi xung trận thường xưng danh "Tao là Lê Văn Xinh, thi hành lệnh bà Hồ Thi Bi, tiêu diệt tụi bây". Bọn Tây ở Hóc Môn sợ lắm, viết thư gửi vô xin phép đi lấy xác lính Lê dương chết trận. Nhà báo Berrier đã nói đúng: Trong đơn vị chị Năm Bi có một tiểu đội lính Âu. Mấy anh em này đi đâu, thấy trầu cũng xin về cho "chị Năm của tôi".

Năm 1947, anh Năm Ngài bị Tây bắn chết ở Láng Chà cùng với người em trai của chị Năm. Thằng Tây Robert là chỉ huy trưởng khu Hóc Môn kiêm phó tham biện Gia Định, chặt đầu anh Năm xách đi cùng nơi khoe khoang "Giết hai con cọp đực rồi còn con cọp cái". Về sau, Ban công tác đổi thành Ban ám sát, mỗi bản án xử Việt gian đều có chữ ký của chị Năm. Lúc đó, chị chưa biết chữ, chỉ tập độc một chữ ký mà cũng run tay, chữ Bi giống hệt số 131. Cho nên tụi Tây ở Hóc Môn gọi chị là Madame 131. Chúng ra giá cái đầu của Madame là 100 đồng, đó là tiền thưởng cho ai bắt sống, còn nạp đầu thì thưởng 50 đồng. Để dằn mặt Tây, đội ám sát càng hoạt động mạnh hơn. Từ khẩu 7,65, đơn vị cướp súng địch tiến lên thành trung đội rồi đại đội. Chị Năm chỉ huy Đại đội 2803 của An Phú Xã, hai anh Tư Thược và Năm Vọn (Tám Lê Thanh) coi Đại đội 2805 ở Phú Thọ Hòa. Năm 1948, ba đại đội hợp thành Tiểu đoàn 935 do anh Tư Thược chỉ huy, anh Bảy Sanh và chị Năm Bi làm phó, anh Nguyễn Hữu Đang làm chính trị viên. Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 312 của Tô Ký.

Cuối năm 1950, chị Bi được giao xây dựng căn cứ địa Dương Minh Châu với 10.000 đồng tín dụng phiếu kháng chiến và 30 nhân viên, phần lớn là thương bệnh binh. Đó là bộ xậu, cái khung của Tiểu đoàn 999, có nhiệm vụ mở đường xây dựng căn cứ địa nối liền Nam Bộ với Campuchia. Chị Năm cùng anh em đóng quân suối Sa-mát. Vùng Tà Nốt được xem là tiền đồn phía bắc Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Công việc đầu tiên là liên lạc với bộ đội Pôkompô mua trâu bò tiếp tế cho miền Đông. Vùng này có tên Cao Đài phản động là Tám Luyến xưng hùng dưới chân núi Bà Đen. Để tiện lợi cho công tác, chị Năm Bi đã gửi thư cho Luyến mượn đường và Luyến viết thư trả lời, ca ngợi "Bà Bi cỡi trâu đánh giặc". Cuối năm 1951, ta mở đường Trà Vong, anh em đang thiếu gạo trầm trọng, một nhà văn đã ví von: "một hột gạo lãnh đạo mười củ khoai". Đơn vị của chị Năm rất được hoan nghênh khi tiếp tế mắm cá mè vinh, nhờ sáng kiến làm sa cá. Suối vùng này nhiều cá mè vinh, có con nặng tới ba ký. Công cuộc cắt đường mở rừng tiến tới Biển Hồ vào năm 1952. Đến năm 1953, chị Năm được lệnh ra Bắc, lần đầu tiên gặp Bác Hồ, chị Năm nhớ mãi. Ngày ấy, chị đang ăn cơm với Tố Hữu, Bác tới bất ngờ, hỏi: "Ai mà nói rổn rảng? Có phải nữ kiệt miền Đông đó không vậy?". Rồi Bác hỏi: "Cô Bi ăn mấy bát?". Chị Năm đáp: "Con ăn ba chén". Chị vội đổi là ba bát. Bác cười nói: "Cô Bi cứ nói tự nhiên, tiếng nói của đồng bào miền Nam, Bác thích nghe hơn".

Chị Năm đắc cử hai khóa đại biểu quốc hội (khóa 3 và 4) tỉnh Hòa Bình. trong 12 năm làm công tác chính sách, cho đến cuối năm 1973, chị đi B. 

Đại tá Hồ Thị Bi tiếp tôi trong nhà chị ở Ngô Thời Nhiệm vào năm chị làm lễ ăn mừng 70 tuổi. Chị không nhớ ngày sinh nên chọn ngày anh Năm Ngài hy sinh làm ngày giờ mà cũng là ngày sinh nhật của chị. Và ngày ấy cũng là ngày chị tính sổ cuộc đời đi theo cách mạng của chị. Chị nói vắn tắt thôi: "Quyết tâm. Nhờ quyết tâm mà tôi đi tới nơi về tới chốn. Ngày xưa người ta thích huyết ăn thề, ngày nay cũng vậy đó cậu"

BÀ NGUYỄN THỊ ĐỊNH LINH HỒN ĐỒNG KHỞI BẾN TRE

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Nam có hai nữ chiến sĩ mà cả Pháp và Mỹ đều kính nể, báo chí Tây phương gọi hai vị này là nữ hổ tướng (tigress). Vị thứ nhất là bà Năm Bi, tức Hồ Thị Bi. Người thứ hai là bà Nguyễn Thị Định, thường được gọi theo Nam Bộ là chị Ba Định. Bà Định nguyên là thiếu tướng, Phó Tư lệnh Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam, phụ trách phong trào chiến tranh du kích toàn miền Nam. Đã có biết bao bài viết về cuộc đời cách mạng huyền thoại của nữ tướng Ba Định, trong bài này chúng tôi sẽ chuyển tới bạn đọc những giai thoại hùng ca chưa được nhắc đến.

Bà Nguyễn Thị Định sinh năm 1920, tuổi Canh Thân, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình nông dân. Bà Định tham gia phong trào Đông Dương Đại hội 1936. Hai năm sau, được kết nạp Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1939, trước nguy cơ bị Đức chiếm, Pháp khủng bố trắng, bắt giam các nhà hoạt động cách mạng, bà Định bị bắt đầy lên căng (trại giam) Bà Rá. Nơi ma thiêng nước độc này, Pháp đã có trại tù thường phạm. Năm 1940, do các khám đông chật tù chính trị, chúng lập thêm hai căng, một cho nam, một cho nữ. Xin kể một vài giai thoại của bà Định trong trại Bà Rá.

Chủ ngục Bà Rá thời điểm 1940 là đại úy D'Ersnt mà anh chị em tù Bà Rá gọi là thằng Đẹt, là một tên khát máu. Nó nuôi một con chó berger đặt tên là Nam Kỳ. Hàng ngày nó cho con chó săn gốc Đức này uống máu tươi để duy trì và phát huy thú tính. Máu tươi lấy từ máu người tù vượt ngục không may bị bắt lại.

Bắt được tù vượt ngục, thằng Đẹt cho đánh kẻng tập trung tù lại để xem hình phạt dành cho tử tội.

Tử tù bị lột trần truồng, treo ngược lên cành cây, phía dưới để một chậu nhôm. Hắn ra lệnh cho con Nam Kỳ phóng tới, hai hàm răng cắn phập vào cổ tử tội. Máu tươi theo vết thương phóng ra, chậu nhôm hứng trọn. Con Nam Kỳ được thưởng công bằng chậu nhôm máu tươi đó. Màn cho chó săn giết tù và uống máu tù là thú giải trí thường xuyên của thằng Đẹt. Ý đồ của nó là đánh thẳng vào tinh thần những người tù bất khuất ngày đêm nung nấu toan tính vượt ngục. Có một số người lung lạc tinh thần trước nhục hình tên Đẹt cố tình bày ra trước mắt. Trong trại chị em chính trị phạm, có các chị Nguyễn Thị Lựu (Tám Lựu), Xuân Hồng (vợ anh Nguyễn Công Trung đầu năm 1941 đã vượt ngục Tà Lài trong nhóm tám người do anh Trần Văn Giàu đứng đầu), chị Ri (vợ nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn bị đày Côn Đảo) và chị Ba Định... Các chị em vẫn giữ khí tiết của người cộng sản, hiên ngang, bất khuất trong tù.

Thằng Đẹt có lẽ thấy được ánh mắt căm thù của các chị em tù chính trị nên nó nắn gân. Nó là thằng thiện xạ, sáng nào cũng dượt súng. Nó bắt tù cầm một chai rượu (chai không) đưa lên cao khỏi đầu, cầm cổ chai, đưa đít chai lên, đứng cách nó 100 mét để nó biển diễn tài thiện xạ. Rất nhiều người tù xanh mặt vì trò đùa ác ôn của tên chủ ngục. Chỉ nhích bàn tay một chút là hắn có thể kết liễu cuộc đời một con người. Thằng Đẹt biết rất nhiều người sợ trò chơi súng buổi sáng của nó nên quyết đem trò này ra thử lá gan nữ kiệt của đám nữ tù chính trị. Nó chỉ định người mà nó cho là cứng đầu cứng cổ nhất đám... Người đó là chị Định. Trước thử thách này, ai nấy đều lo cho chị. Nhưng chị nhờ thông ngôn nói thẳng với nó: "Theo đúng luật, ông không có quyền bắt tù chính trị làm trò chơi nguy hiểm này. Nhưng để chứng tỏ là chúng tôi không sợ chết, tôi vui lòng cầm chai cho ông bắn, nhưng chỉ một lần này mà thôi!".

Và chị Định ung dung cầm chai bước tới vạch ghi sẵn, bình tĩnh đưa cao chai không lên đầu cho tên chủ ngục bắn. Hành động dũng cảm này khiến thằng Đẹt trọng nể nhóm nữ tù chính trị trong căng Bà Rá.

Năm 1943, Nguyễn Thị Định mãn án tù, rời căng Bà Rá trở về quê nhà. Năm sau, Việt Minh ra đời , bà vận động chị em trong làng Lương Hòa và các xã kế cận trong huyện Giồng Trôm chuẩn bị sẵn sàng để cướp chính quyền vào cuối tháng 8.1945. Bà Định được bầu vô Ban chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc Bến Tre. Năm 1946, Nguyễn Thị Định được cử ra Trung ương báo cáo tình hình tỉnh Bến Tre và cả Khu 8 đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Các chuyến tiếp tế vũ khí ấy giúp bộ đội ta được vũ trang đầy đủ hơn và tương quan lực lượng giữa ta và địch được cải thiện, không quá chênh lệch như trước. Do thành tích đó, bà được bầu vô Tỉnh ủy Bến Tre vào năm 1947.

Trong chiến dịch Đồng Khởi ở Bến Tre, có một giai thoại về bản lĩnh của bà Định mà báo chí "ngại" đề cập vì hình thức đấu tranh đi ra ngoài thuần phong mỹ tục. Câu chuyện như sau:

Thi hành Nghị quyết 15, dùng bạo lực, lấy sức mạnh quần chúng dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang đánh đổ chính quyền địch, lập nên chính quyền nhân dân ta. Đồng Khởi nổ ngày 17.1.1960 tại ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày. Năm ngày sau, Mỹ-Diệm đưa 12.000 quân tới phản kích. Ta cho đồng bào ba xã trên tàn cư ngược với 200 xuồng vô thị trấn Mỏ Cày, đòi quận trưởng rút quân. Cuộc tranh đấu của đội quân tóc dài tiếp diễn trong 12 ngày. Ngày 10.3.1960, Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn xuống thị sát và ra lệnh rút quân.

Thắng lợi ở Mỏ Cày rồi, Tỉnh ủy Bến Tre ra lệnh chuyển sang Giồng Trôm, lấy ba xã Châu Hò, Châu Bình, Phong Mỹ làm nòng cốt, 7.000 phụ nữ Giồng Trôm buộc địch rút. Sau đó, Xứ ủy Nam Bộ quyết định Đồng Khởi toàn Nam Bộ.

Nhưng hãy trở lại chiến trường Mỏ Cày. 10 ngày sau Đồng Khởi, ngày 26.2.1960, địch phản kích. Vẫn tại ba xã trung tâm đồng khởi: Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh. Địch đặt tên cho chiến dịch này là Bình định Kiến Hòa (Kiến Hòa là tên tỉnh Diệm đặt cho Bến Tre). Vẫn chiến thuật cũ, chị em tản cư ngược. 5.000 người của đội quân tóc dài trên 200 xuồng ghe đổ về Mỏ Cày. Hai bên giằng co tới ngày thứ 12. Đại tá Nguyễn Văn Y từng là giám đốc công an Nam phần ra lệnh rút đồng thời giở trò mất dạy buộc binh sĩ ngụy cởi quần để làm nhục chị em đang xuống đường. Nhưng vị chỉ huy của chị em chứng tỏ bản lĩnh hơn, hô hào chị em đồng hè tuột quần và la to lên: “Cho tụi bây coi mặt Ngô Tổng thống của bây đây".

Không ngờ gặp cao thủ bọn lính ngụy quê độ, bỏ chạy như vịt. Đại tá Y mắc cỡ nhảy lên trực thăng hối phi công vọt lẹ.

Sau Đồng Khởi Bến Tre, ta áp dụng đại trà chiến thuật ba mũi giáp công, cùng lúc đánh địch ba mũi chính trị, quân sự và binh vận. Sáng tạo này phần nào được xem là tài năng quân sự của Nguyễn Thị Định. Đầu 1960, bà được tín nhiệm với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Tháng 5.1961, được bầu Khu ủy viên Khu 8, phụ trách dân vận. Năm 1965, bà Định được bầu Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, phụ trách phong trào chiến tranh du kích. Năm 1974, bà được phong Thiếu tướng, hai năm sau là Thứ trưởng Bộ Thương binh-xã hội, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau lên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tháng 6.1987, bà được bầu Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... Bà mất ngày 26.3.1992 tại thành phố Hồ Chí Minh.

LAN CÂY THỊ THỦ VAI NỮ KÝ GIẢ DIỆT XẾP BÓT CÂY MAI

Tiểu đoàn 302 hãnh diện có một nữ đội viên biệt động vừa xinh đẹp vừa mưu trí. Lan Cây Thị may mắn được vợ chồng người Pháp chủ sở cao su Bà Đầm (Hóc Môn) xin làm con nuôi từ lúc sơ sinh. Nhờ cha mẹ nuôi cho ăn học tới trung học cô nói tiếng Pháp rất giỏi và đóng vai nữ ký giả Pháp thật đạt. Cô đã diệt được tên trưởng đồn Cây Mai thật êm thấm với vai nhà báo từ Pháp qua viết về chiến tranh Việt Nam. Đây là một màn kịch hoàn hảo mà cô vừa làm đạo diễn vừa là diễn viên. 

Chiếc taxi chạy chậm lại rồi đậu ngay trước cổng đồn Cây Mai trong Chợ Lớn. Thằng Tây gác cổng hung hăng chạy ra hất tay đuổi chiếc taxi, không cho đậu trước cổng đồn, nhưng hắn há hốc cái miệng với bộ râu xồm khi thấy từ trong taxi một cô đầm trẻ bước ra. Cô mở bóp da cá sấu có núm vàng trao cho anh ta một danh thiếp, tươi cười và châm một tràng tiếng Pháp: 

- Nhờ hạ sĩ vào báo đại úy Trưởng đồn có nữ ký giả từ Paris sang tìm hiểu tình hình an ninh ở Sài Gòn.

Tên hạ sĩ đứng như trời trồng. Lần đầu tiên hắn thấy một cô đầm xinh đẹp duyên dáng như thế. Hắn cứ đứng đực ra, tay cầm tấm danh thiếp, mắt không rời người đẹp. Cô đầm như biết sức hấp dẫn của mình chỉ mỉm cười độ lượng rồi đưa cánh tay trần ngọc ngà của mình ra vẫy nhẹ, đôi môi hồng khẽ nói như mơn trớn kẻ cuồng si: 

- Allez-y, je vous en prie! (Đi đi). 

Chừng đó, tên hạ sĩ mới tỉnh hồn, chập hai chân lại, đưa tay lên chào: 

- Xin mời cô theo tôi! 

Đại úy Trưởng đồn Cây Mai cũng không hơn gì tên hạ sĩ râu xồm. Hắn hết nhìn tấm danh thiếp lại nhìn cô đầm. Cô đầm chủ động tiến tới bắt tay, tự giới thiệu: 

- Chào đại úy đồn trưởng. Như ông thấy trên danh thiếp, tôi là Domnique Will, đặc phái viên báo Le Monde Diplomatique, từ Paris sang đây tìm hiểu về tình hình an ninh... 

Đại úy Trưởng đồn nghe giới thiệu, trịnh trọng mời khách quý vô văn phòng. Tên trùm Phòng Nhì này cứ nhìn khách lạ. Có một cái gì khiến hắn chú ý. Cô đầm này quả là xinh đẹp, nói tiếng Pháp giọng Paris không chê được, nhưng... cô ta hơi nhỏ con so với dân Pháp. Cô ta đi giày cao gót bảy phân nhưng chiều cao của cô ta không quá một mét sáu mươi. 

Như đoán được ý nghĩa đó, cô nữ ký giả cười thật duyên dáng:

- Ông đại úy có vẻ tiếc cho tôi thiếu chiều cao của dòng giống Gaulois? Thú thật với ông tôi là kết tinh của hai dòng máu Âu Á, cha tôi là người Pháp vùng Camargue, còn mẹ tôi là người Hoa. Do vậy tôi chỉ cao có một mét sáu hai thôi... Nhưng chiều cao hạn chế đó không ảnh hưởng gì tới nghề nghiệp của tôi.

Nói xong, nàng mở bóp da cá sấu đưa ra tờ báo Joumal d'Extrême Orient, đẩy về phía đại úy trưởng đồn: 

- Tôi đã đọc mẩu tin nhỏ này. Đây là thành tích đáng kể của ngành an ninh Sài Gòn. Các ông đã diệt được trùm Việt Minh hoạt động phá hoại nội thành. Tên Nam Khá này là Trưởng Ban công tác đã chỉ huy treo cờ tại Pointe des Blagueurs nơi bến tàu Sài Gòn, là tụ điểm có nhiều du khách tới ngắm cảnh đẹp của Hòn ngọc Viễn Đông... Không chỉ treo cờ mà chúng còn gài lựu đạn. Do vậy gây nhiều thương vong cho ngành an ninh của ta.

Tên đại úy Trưởng đồn Cây Mai liếc sơ tờ báo Pháp rồi nhìn cô đầm đang trình bày lưu loát... Gương mặt hắn ta giãn ra, những mối nghi ngờ trước đây dần dần biến mất sau 15 phút quan sát chặt chẽ nữ đặc phái viên tờ báo tên tuổi Pháp quốc. 

Bấy giờ hắn mới nhận chuông cho nhân viên mang rượu Tây ra đãi khách quý từ Paris tới. Trong lúc giải khát, hắn được dịp ngắm người đẹp mang hai dòng máu Âu Á. Về ngôn ngữ, cô nàng nói tiếng Pháp không chê vào đâu được Nàng dùng từ thật chính xác, câu cú đúng văn phạm, văn Pháp. Còn về cách ăn mặc thì đúng là phong cách Paris. Quần áo, trang sức đắt tiền đúng thời trang. Cô nàng có vẻ là người mẫu hơn là nữ phóng viên. Son phấn Coty, nước hoa Chanel, nhè nhẹ mà thâm trầm, quí phái. Đến đôi giày cũng là giày da cá sấu made in Italy. 

Khi biết trưởng đồn đã ngẩn ngơ trước sức thu hút đặc biệt của mình, cô Dominique đứng lên cáo từ:

- Hôm nay chỉ tới làm quen với đại úy. Xin hẹn sẽ tới làm việc vào vài ngày sau. Sẽ nhờ đại úy giúp cho một ít tư liệu để viết bài về ngành an ninh Sài Gòn đã dũng cảm mưu trí đương đầu với các Ban Công tác thành thiện chiến của Việt Minh. 

Đại úy trưởng đồn mừng rỡ. Hắn định mời nàng trở lại thì nàng đã nói điều hắn mong ước. Tâm lý dân Pháp là vui sướng được tiếp chuyện với phái đẹp. Đó là dòng máu của những con gà trống (Les coqs gaulois). 

Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 được bản báo cáo mật nội dung như sau: "Đã tiếp cận được đại úy Trưởng đồn Cây Mai. Sẽ khai thác hệ thống  tổ chức nội bộ của nhóm tình báo. Sau đó sẽ có kế hoạch khử tên trùm tình báo lợi hại này. Ký lên. LCT".

Trong văn phòng Bộ Tư lệnh Khu 7, không ai biết ba chữ LCT là ai, trừ một mình anh Tám Nghệ (Huỳnh Văn Nghệ) nguyên là Chi đội trưởng Chi đội 10, nay là Khu bộ trưởng thay Trung tướng Nguyễn Bình được vinh thăng ủy viên quân sự Nam Bộ. LCT là chữ tắt của Lan Cây Thị. Lý lịch cô nữ điệp viên này như sau:

Sở Cao su bà Đầm ở Hóc Môn, chủ là hai vợ chồng người Pháp không có con. Trong sở có cặp vợ chồng sinh một cô gái thật xinh. Vợ chồng chủ sở xin làm con nuôi. Do không có con nên con nuôi cũng như con ruột. Cô bé được chăm sóc cẩn thận nên ngày càng xinh đẹp, trắng nõn như cha mẹ nuôi. Thi đậu tiểu học, cô được cha mẹ nuôi đưa vô trường đầm học. Bốn năm sau, cô thi đậu Brevet tương đương với bằng Thành Chung. Đã xinh đẹp lại học giỏi, cô được cha mẹ nuôi khuyên nên sang Pháp học cao học, nhưng lúc bấy giờ tình hình thế giới và trong bước biến chuyển, rồi ta cướp chính quyền tháng Tám năm 1945. Lan - tên nàng - gia nhập Thanh niên Tiền Phong rồi học cứu thương, tham gia bộ đội trấn giữ các đầu cầu quan trọng trong Sài Gòn như cầu Thị Nghè, Cầu Bông, Cầu Kiệu. Thế giặc quá mạnh, dân quân rút ra cố thủ các cầu ngoại thành như cầu Bình Triệu, Cầu Bến Phân. Lan phân vân nửa ở nội thành, nửa rút ra ngoại ô. Đang đắn đo thì chị được giới thiệu tới gặp anh Tám Nghệ, lúc đó mới chỉ là chỉ huy bộ đội Tân Uyên. Anh Tám Nghệ khuyên chị Lan nên dự một khóa quân chính rồi về nội thành hoạt động. Anh phân tích: hoạt động trong nội thành còn quan trọng hơn ra bưng. Vì nội thành là đầu não của kẻ địch. Đánh vào đầu não là tầm quan trọng chiến lược. Một người xinh đẹp lại có trình độ văn hóa Pháp như Lan là một cán bộ nội thành khó kiếm. Và anh Tám bố trí Lan hoạt động nội thành bên cạnh các Ban Công tác thành do trung tướng Nguyễn Bình lập ra từ tháng giêng 1946.

Lan đồng ý. Anh Tám bàn kế hoạch cụ thể: 

Gia đình Lan chuyển về Cây Thị, xã Bình Hòa (nay là phường 2, quận Bình Thạnh), cô sinh sống bằng nghề dạy học tư, luyện Pháp văn cho học trò thi vô lớp Đệ Nhất (cours Un). Xong đâu đấy, cô giáo Lan vô khu học khóa quân chính. Khóa mở tại An Nhơn Tây, bấy giờ là khu xôi đậu. Pháp muốn vô đây phải tập trung cả trung đội mới dám. Khóa học này dành riêng cho Ban Công tác 5. Một kỷ niệm vui xảy ra khiến cô giáo Lan có một mối tình thật thơ mộng. Đầu kháng chiến có phong trào chống giặc dốt. Chợ An Nhơn Tây có một trạm gác, ai không đọc được một câu ca dao thì phải trở về. Trong khóa có ba cậu học viên nhí thích đùa. Ba cậu đi chợ An Nhơn Tây cho biết, chợt thấy mấy cô dân quân An Nhơn Tây có vẻ ta đây nên quyết tâm đùa. Ba cậu giả không biết đọc, xuống nước xin các cô cho đi qua. Các cô không cho, một cậu nói: "Các chị không cho đi qua thì chúng tôi chạy qua, được không?". Không đợi trả lời, ba cậu phát chạy. Tưởng đùa chơi, ai ngờ ba cô làm dữ. Một cô bồng súng lên bắn chỉ thiên. Tiếng súng làm cả chợ xôn xao. Vì chỉ bắn súng khi Tây đi càn. Khi biết nguyên do, du kích tóm bắt cả ba cậu học viên nhí thích quậy. Chừng điều tra, các cậu khai thật là học viên và xin cho người lên Hố Bò gặp chị Lan là tổ trưởng khóa học.

Bấy giờ Tiểu đoàn 302 là chủ lực của miền Đông đóng ở An Nhơn Tây. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Truyện - Năm Truyện - cho người lên  Bời Lời mời cô Lan xuống bảo lãnh cho ba học viên bi giữ tại An Nhơn Tây vì vi phạm kỷ luật.

Chừng gặp cô Lan, anh Năm Truyện không ngờ học viên quân chính có người đẹp như đầm. Anh lân la trò chuyện, cô giáo Lan cũng thích thú được làm quen với một chỉ huy trẻ, đẹp trai, oai hùng với khẩu Colt 12 lủng lẳng nơi chiếc thắt lưng to bản mà nhà binh Pháp gọi là ceinturon. Trong khóa học hai tuần, anh Năm Truyện thường tới thăm cô giáo Lan. Mỗi lần anh đến, các học viên đều vui mừng chào đón anh với chiến lợi phẩm như lựu đạn OF của Mỹ là loại lựu đạn tấn công, ném là nổ và có sức sát thương dữ dội, hơn xa loại lựu đạn do Chi đội 12 sản xuất. Ngoài lựu đạn, anh Năm Truyện còn ủy lạo các học viên gốc Sài Gòn cả giỏ trái cây: chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ... Có đêm trăng, hai người cùng sánh vai nhau đi bách bộ trên con đường làng dẫn ra bờ sông Sài Gòn.

Vài ngày sau, nữ phóng viên Dominique điện cho đại úy Trưởng đồn Cây Mai báo tin nàng sẽ tới vào đầu giờ làm việc buổi chiều. Hai người sẽ làm việc suốt buổi chiều đó và nàng mời đại úy tới dự tiệc giã biệt tại khách sạn Majestic,sáng hôm sau nàng sẽ đáp phi cơ Air France sang Nam Vang hội kiến với ông hoàng Sihanouk.

Đại úy trưởng đồn mừng rỡ vì sẽ được gần gũi người đẹp suốt buổi chiều tới tối. Ông ta thắc mắc về việc ai đãi ai. Theo phép xã giao của người Pháp mà cũng là của nhân loại, nam giới là paying sex (giới trả tiền) còn phụ nữ là fair sex (giới người đẹp). Nhà báo Dominique Will giành phần trả tiền là để cám ơn đồn trưởng đã cung cấp tư liệu cho nàng viết bài phóng sự về ngành an ninh Sài Gòn đối phó với nạn phá hoại của các Ban Công tác thành. Trưởng đồn nhất định tranh phần trả tiền đêm tiệc tối nay.

Đúng như cú điện thoại, vào hai giờ, chiếc taxi lại đưa người đẹp có hai dòng máu Âu Á tới đồn Cây Mai. Xe vẫn đậu ngoài cổng đồn, nhưng tên hạ sĩ râu xồm không quát nạt mà nhũn nhặn cúi đầu chào thượng khách của sếp. Đại úy ra tận cổng đón người đẹp. 

Trên bàn làm việc đã có đủ nho, táo và rượu Tây chờ giờ giải khát. 

Như đã trình bày trước, Dominique ca ngợi tài điều quân diệt địch của đại úy Cụm trưởng tình báo Sài Gòn (chef de réseau) mà sự kiện diệt tên Năm Khá là đỉnh cao.

Được người đẹp ca ngợi, mà người đẹp đây lại là phóng viên của một tờ báo chính trị hàng đầu ở Paris, đại úy trưởng đồn mừng rỡ như mình được ngôi sao Danh Vọng chiếu mạng. Tất cả những thủ thuật săn tin, thủ thuật cấy nhân mối thâm nhập hàng ngũ Việt Minh ở nội thành và ngoại ô đều được anh ta nêu rõ trong báo cáo. Báo cáo chuyên môn này hắn chỉ làm hai bản để trình lên cấp trên bản chính còn bản sao thì nhân tiện biếu không cho nhà báo xinh đẹp đã để mắt xanh tới hắn.

Dominique chăm chỉ ghi chú như một phóng viên rành nghề. Thỉnh thoảng cô đặt vài câu hỏi để đại úy đi sâu vô chuyên môn. Không rõ cô nàng học nghề báo chí ở đại học nào mà khi đặt câu hỏi cũng như khi ghi chú bao giờ nét mặt nàng cũng tươi như hoa, nụ cười của nàng xoa dịu nỗi mệt mỏi trên mặt người mình phỏng vấn. Phái đẹp mà làm nghề phóng viên thì có lợi thế hơn nam giới rất nhiều. Dominique biết các lợi thế đó là làm việc với đầy đủ đức tin. Nàng càng tự tin bao nhiêu thì đại úy cụm trưởng tình báo càng hết lòng phục vụ bấy nhiêu.

Chiếc đồng hồ Westminster trên tường điểm 5 tiếng. Dominique gấp sổ tay lại mỉm cười thật tươi: 

- Cuộc phỏng vấn tạm kết thúc. Bây giờ tôi xin phép đại úy về sửa soạn để đúng bảy giờ, tôi xin mời đại úy tới nhà hàng Majestic dự buổi tiệc tôi chiêu đãi riêng đại úy vì đã chịu khó để nửa ngày giúp tôi viết bài phóng sự trên báo Le Mon de Diplomatique. Xin tạm biệt. 

Nàng chủ động đưa tay ra cho đại úy bắt. 

- Xin phép cô cho tôi được làm tròn nhiệm vụ của giới Paying sex. 

Dominique khoát tay kia cười nói: 

- Ở đây không nói tới paying hay fair sex. Mà đây là tôi làm nhiệm vụ của một người được đại úy cung cấp tư liệu để viết bài. Người Pháp mình có câu rất hay. Đó là "Les affaires sont les affaires!" (Công việc là công việc đâu ra đấy!). Ta nên sòng phẳng, đúng không đại úy? 

Lại cười thật tươi và nhẹ nhàng rút bàn tay ra khỏi hai bàn tay quyến luyến của đại úy.

Khách sạn-nhà hàng Majestic chiếm vị trí đẹp nhất Sài Gòn. Ngồi trên sân thượng khách sạn - tầng năm, du khách có thể nhìn thấy hết chân trời bao la của thành phố sinh đôi Sài Gòn-Chợ Lớn. Sông Sài Gòn uốn khúc, từ Thanh Đa qua Ba Son, Thủ Thiêm đổ ra Khánh Hội, xuôi vê Nhà Bè qua cảng Tân Thuận với hàng hàng lớp lớp tàu khách, tàu hàng. Cờ mấy chục quốc gia theo gió đêm bay phất phơ như đùa giỡn với nhau.

Đúng 7 giờ, đại úy tình báo ăn mặc tươm tất lên tới sân thượng thì được Dominique chào đón tại cửa thang máy. Nàng hướng dẫn khách quý tới bàn tiệc nhỏ nơi một góc kín đáo. Trên bàn trắng được rắc bông nho nhỏ đỏ rực và giữa bàn tiệc có lọ hoa chưng hai cành hoa lys trắng vừa đẹp vừa sang. Hoa lys là tiêu biểu cho dòng vua chúa nước Pháp.

Nội lọ hoa này đã làm đại úy Pháp đánh giá cao cô nhà báo vừa đẹp, vừa lịch lãm. 

Dominique nghiêm giọng: 

- Ngày mai tôi sang Cambodge hội kiến Sihanouk, khi là thái tử, lúc lại là quốc vương... Tại Việt Nam, đại úy là nhân vật đặc biệt chịu trách nhiệm về ngành an ninh. Tôi cám ơn đại úy đã hết mình giúp đỡ tôi. Đêm nay ta chia tay và chắc chắn là sau này trong nhiều năm tôi sẽ không bao giờ quên được một thanh niên - hay đúng hơn là một tráng niên - đẹp trai, lịch lãm và tận tụy với nghề nghiệp. Còn bây giờ, xin bắt tay vào tiệc. Tôi không đặt menu, ai thích món gì cứ gọi.

Một lần nữa đại úy tình báo kính phục sát đất cô nữ phóng viên. Nếu như trong giây phút đầu tiên hắn ta có phần cảnh giác vì vóc dáng hơi thấp của cô ta thì bây giờ, phong cách sống đậm đà màu sắc người Pháp đã đánh tan sự cảnh giác kia. Hắn trổ tài hoạt bát: 

- Cho phép tôi được ăn theo cái thực đơn của cô. Vì sao vậy? Tôi là người Pháp chôn chân khá lâu ở nơi xứ sở thuộc địa này, làm sao theo kịp một nữ ký giả bôn ba khắp nơi như cô đây. 

Dominique lại cười: 

- Đại úy đã giao tay lái cho tôi điều khiển thì thật là hân hạnh cho tôi. Vậy xin gọi ba món: món khai vị là món súp củ hành cho nhẹ bụng. Món thứ hai, tôm càng nướng và món thứ ba là món chủ lực "poulet au riz" cơm gà rô ti. Đại úy thấy thế nào? Với phụ nữ, ba món này là vừa, nhưng với đại úy, chắc chưa đủ, xin đại úy cứ tùy nghi gọi thêm. 

Tới món thứ ba, Dominique duyên dáng cầm lọ madi xịt lên đĩa cơm gà của đại úy. Nàng vờ sơ ý làm nước chấm văng vô áo vị khách quí. Nàng vội lấy khăn ăn xoa các vết bẩn, nhưng không xong. Nàng xin lỗi rối rít rồi đứng lên, mời khách vào phòng vệ sinh để tẩy xóa.

Đại úy cười thích thú trước vẻ cuống quít của nhà báo. Người đẹp càng lăng xăng, ông ta càng thấy duyên dáng, quyến rũ. Khi nàng đề nghị vào phòng vệ sinh, đại úy nghe theo ngay. Dominique chờ vài phút rồi gõ cửa. Nàng bước vô đóng cửa lại, chĩa khẩu súng có bộ phận hãm thanh bắn liền ba phát vô đầu tên đầu sỏ trùm tình báo. Nàng cẩn thận mở vòi nước tối đa trước khi chĩa súng và bóp cò. Chuyện xảy ra thật bất ngờ, trùm tình báo chết không kịp ngáp.

Dominique cẩn thận gài chốt trước khi đóng cửa phòng vệ sinh. Trên sân thượng, nhạc sống đang trỗi khúc "Dòng sông xanh", cả chục cặp nam nữ đắm đuối dìu nhau trên cánh nhạc. Không ai nghe ba tiếng súng có bộ phận hãm thanh nổ trong phòng vệ sinh, Dominique thanh toán số tiền bữa tiệc, ung dung bước vào thang máy ra đường. Vẫn chiếc taxi quen thuộc chờ đón nàng đưa về xóm Cây Thị.

Sáng hôm sau, báo chí Sài Gòn loan tin đại úy trưởng cụm tình báo đồn Cây Mai bị mưu sát bằng ba phát súng trên sân thượng khách sạn - nhà hàng Majestic. Theo tin chưa được kiểm nhận thì kẻ sát nhân là một thiếu phụ người Pháp đã cùng tới khách sạn với đại úy.

Trong khi đó, trên bàn của Khu trưởng Tám Nghệ có bản báo cáo vắn tắt : Đã thanh toán được tên đại úy trưởng đồn Cây Mai. Đồng đội Năm Khá của chúng ta đã được trả thù. Toàn bộ hồ sơ của Cụm tình báo nội thành Sài Gòn  sẽ gởi về vào ngày mai. Ký tên. LCT

Cái biệt danh nữ phóng viên Dominique Will của báo Le Mon de Diplomatique chỉ có một mình tên đại úy trưởng đồn Cây Mai biết mà thôi. Và hắn đã mang bí mật này xuống âm phủ. Còn cái tên Lan Cây Thị thì ngày càng phổ biến với những chiến công như rải truyền đơn, dán biểu ngữ, treo cờ ném lựu đan... Địch xôn xao với các hoạt động táo bạo trong nội thành. Chúng treo giá cái đầu của Lan Cây Thị rải trắng các khu phố có cơ quan an ninh địch đóng. Nhưng vào một ngày kia, trong công tác đặc biệt, chị bị bao vây. Hai khẩu súng đã nhả hết băng đạn, chỉ còn một viên dành cho chị. Tiếc thay nó lại lép. Chị bị bắt. Địch vui mừng không tả nổi. Tra tấn đủ kiểu vẫn không khai thác được, chúng đày chị ra Côn Đảo và chị đã hy sinh nơi hòn đảo ngục tù.

Hay tin này, cả 10 Ban Công tác thành đều rơi lệ, đặc biệt là bà con nơi Sở Cao su Bà Đầm Hóc Môn và dân chúng vùng Cây Thị. Hình ảnh cô giáo Lan dạy Pháp văn đẹp như đầm vẫn còn sống trong trí nhớ nhiều người

CHỊ THANH QUÝ HAI ÁN TỬ HÌNH

Chị Thanh Quý là cô gái Huế xinh đẹp, cha mẹ nghèo cho đi ở đợ trừ nợ. Chị bị con chủ nông trại làm nhục phải bỏ xứ lưu lạc vào Sài Gòn. Chị gia nhập Ban công tác thành, lập nhiều chiến công. Vào tù, chị trừng trị cọp rằn, diệt tù gian lãnh thêm án tử hình. 

Trao trả tù binh, chị tập kết ra Bắc, tiếp tục phục vụ cách mạng. Chị Thanh Quý là một cán bộ biệt động dũng cảm, đầy đủ khí tiết trong công tác cũng như trong tù ngục.

Trong Khám Lớn Sài Gòn, có hai salle (phòng) nhốt tù nữ. Salle 14 nhốt tù chính trị - chiến sĩ quyết tử. Ban công tác thành và đồng bào nuôi chứa, ủng hộ kháng chiến và salle 15 nhốt thường phạm - dân lưu manh móc túi, bấm dây chuyền, rọc túi xách, đĩ điếm... Thường ngày, hai salle đều có chiến tranh, khi nóng khi lạnh. Cầm đầu đám “chằn ăn trăn quấn" là mụ Bảy Sảnh, to béo, miệng bằng tay và tay bằng miệng. Mụ cùng đám lâu la ném đá qua salle 14 để khiêu khích. Chị em chính trị phạm cũng không vừa, ăn miếng trả miếng hẳn hoi. Thầy chú đều lắc đầu ngao ngán mỗi khi phải tới hai salle này... 

Nhưng tình trạng bê bối đó chấm dứt kể từ khi có chị Thanh Quý, chị được đưa vào đây với bản án tử hình về tội diệt hai sĩ quan Pháp. Xin giới  thiệu sơ thành tích của chị Thanh Quý:

Thời Tây chiếm Sài Gòn, cuối 1945 đầu 1946, chiều chiều cột cờ Thủ Ngữ là nơi đám cò bót, lính tráng tập hợp ăn nhậu nơi mé sông có đại lộ Quai Lemyre de Viller chạy dọc bờ sông. Bọn sĩ quan có địa điểm riêng là quán rượu Pointe des Blagueurs (Doi đất của các tay đấu láo tào lao). Còn binh sĩ thì xúm xít nhau ở các quán bình dân, dưới mấy chiếc dù che nắng che mưa xanh xanh đỏ đỏ.

Thú vui lúc đó là gọi các xuồng bán vàm dập dìu trên sông nước. Có đủ thức nhậu: cháo gà, cháo vịt, bánh canh giò heo, hột vịt lộn, khô mực và đặc biệt là "nước mắt quê hương" - loại rượu Chợ Đệm mà các tay nhậu ca ngợi "rượu uống mềm môi chẳng thấy cay". Chị Thanh Quý là một trong các cô gái bán vàm trên bến Thủ Thiêm. Chị là con gái Huế có nhan sắc - như thơ ca miền Trung lưu truyền: "Học trò xứ Quảng đi thi, thấy con gái Huế chân đi không đành". Nhà nghèo phải đi làm thuê ở mướn, chị Thanh Quý lưu lạc vô Sài Gòn và làm con nuôi bà Tư Quý ở Thủ Thiêm. Khi ta cướp chính quyền, chị Thanh Quý tham gia Ban công tác thành của Chi đội 1, thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương), chị được phân công làm địch vận lấy vũ khí cho bộ đội. Anh trưởng ban công tác gợi ý: "Tụi Nhật gác xà- lan, súng ống, đạn dược đậu cả dãy trên sông Sài Gòn. Chị cứ chèo tam bản qua đó bán đồ nhậu, phục rượu cho bọn chúng say rồi gạ mua lựu đạn. Mình đang cần lựu đạn là vũ khí lợi hại trong chiến tranh đường phố".

Chị Thanh Quý cùng hai đồng đội là Bé và Bích, cùng lứa tuổi và cũng dễ coi, cả ba đồng tình diễn trò tống tửu bọn lính Nhật để gạ mua lựu đạn. Kết quả mỹ mãn: mua rẻ 360 quả lựu đạn còn ở trong thùng. Chị Thanh Quý ra hiệu, tức thì anh em Công tác thành cập tam bản, nhảy lên xà lan xuống hàng. Lần đó, chị Thanh Quý cùng hai đồng đội Bé và Bích được Khu trưởng Nguyễn Bình tặng bằng khen và thưởng 200 đồng.

Được món tiền khá lớn này, ba chị em đãi anh em Ban công tác một chầu "lâm vố", có cả la-ve Con Cọp nữa. "Lâm vố" là món ăn đặc biệt của giới bình dân Sài Gòn. Đó là các khẩu phần nhà binh, lính ăn không hết, nhà thầu bán ra ngoài cho các quán bình dân. Nói là món ăn thừa nhưng không phải là đồ dư, ăn bỏ mứa. Rất nhiều món còn nguyên như cơm gà, ra-gu heo, ca-ri vịt… Tây gọi thức ăn không dùng tới này là rabiot, dân mình đọc là "lâm vố".

Xin nói về chiến công lớn của chị Thanh Quý. Có thằng Chà lai (Ấn kiều) làm mật thám, có nhiều nợ máu với kháng chiến. Tên này lại mê chị Thanh Quý, một hai đòi cưới chị làm vợ bé. Chị hỏi các anh chỉ huy và được bày kế "điệu hổ ly sơn", mời nó qua nhà chị bên Thủ Thiêm cho biết để bàn chuyện cưới hỏi. Tên Chà ngần ngại vì Thủ Thiêm là vùng "xôi đậu", - ngày của quốc gia, đêm của Việt Minh. Nhưng vì mê bóng sắc của chị Thanh Quý nên tên chó săn đánh liều vào tử địa. Đó mới chỉ là "con nhạn" đầu tiên của chị Thanh Quý. "Con nhạn" thứ hai quan trọng hơn nhiều. Đó là tên quan ba xếp bót Thủ Đức. Qua trung gian của anh thư ký Chánh giúp việc văn phòng, chị Thanh Quý làm quen tên quan ba này. Cũng là một tay háo sắc, thích của lạ nên hắn si mê ngay cô gái Huế thường mời cô đi dạo đồng quê ngoại thành trên xe Jeep. Thanh Quý báo ngay đồng đội phục kích trên lộ trình mà tên quan ba gọi là "tour d'inspection" (vòng kinh lý quanh thị trấn Thủ Đức).

Cuối năm 1946 , do có người khai, chị Thanh Quý bị bắt nguội. Với tội trạng thủ tiêu hai sĩ quan - tên đội Chà và đại úy xếp bót Thủ Đức - chị Thanh Quý bị Tòa đại hình lên án tử hình. Hai luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Ngô Sách Vĩnh biện hộ, bản án được giảm xuống còn 10 năm khổ sai, 10 năm biệt xứ.

Ngày đầu vào salle 14, Thanh Quý đối đầu với cặp rằn Sáu Hiển. Mụ Sáu Hiển cũng tác oai tác quái như mụ Bảy Sảnh bên salle 15. Mụ ta nằm trên chồng chiếu mới cao cả tấc trong khi các chị em khác nằm chiếu rách. Cũng có người đấm bóp, người quạt. Ngay từ đầu, chị Thanh Quý đã sôi gan: “Con mẹ này đi lộn sân rồi, nó là thường phạm, sao lại nhốt bên chính trị phạm?" . Nhưng chị chưa ra tay, vì mới vô tù, chị là ma mới , phải liên kết với một vài chị em nữa mới tống mụ cặp rằn quái gở này được. Thanh Quý tìm được bạn đồng minh là chị Mai Vân, một nữ biệt động ở Phú Thọ Hòa, là em họ của anh Tư Thược (sau là đại tá Lâm Quốc Đăng). Sau thời gian bí mật tranh thủ chị em vùng lên chống bất công trong tù, hai chị Thanh Quý, Mai Vân tuyên chiến với mụ Sáu Hiển. Mai Vân giới thiệu chị Thanh Quý: “Một nữ biệt động dã diệt hai thằng Tây - Tây trắng và Tây đen - bị 20 năm tù, lẽ nào lại chịu thua cặp rằn salle 14 này? Nếu chị biết điều thì từ chức cặp rằn ngay, chúng tôi sẽ bỏ qua cho". Tất nhiên, mụ Sáu Hiển không chịu thua dễ dàng như vậy . Mụ hất hàm ra hiệu các lâu la nhưng bọn này thấy khí thế hai chị Thanh Quý và Mai Vân "trùm phé” với sự ủng hộ của toàn salle nên êm re. Mụ Sáu Hiển đành hạ giọng cầu hòa.

Hạ xong mụ Sáu Hiển, Thanh Quý và Mai Vân bắt đầu nhắm tới đối tượng mới là mụ Bảy Sảnh bên salle 15. Lúc đó Lan Mê Linh, người nữ sinh đã bắn tên chủ báo Phục Hưng phản động là Hiền Sĩ trên đại lộ Bonard (Lê Lợi) sát chợ Bến Thành, bị đưa vào salle 15. Lan Mê Linh mảnh mai, yếu sức nên ngay ngày đầu đã bị mụ Bảy Sảnh hành hung vỗ mặt. Vừa thấy Bảy Sảnh đấm vào mặt Lan Mê Linh, hai chị Thanh Quý và Mai Vân nhào tới can thiệp ngay. Tiếng la ó vang dậy khiến thầy chú chạy tới, mụ Bảy Sảnh đành ngưng chiến.

Qua ngày sau, Thanh Quý tìm cách sang salle 15. Đây là hành động dũng cảm, vì salle 15 là nơi nhốt thường phạm, dân trí thiếu kém, không như salle 14. Nhưng Thanh Quý rất tự tin. Chị bình tĩnh thuyết phục cặp rằn Bảy Sảnh vốn là tay anh chị chợ Cầu Muối. Tất nhiên chuyện thuyết phục rất cam go vì đang làm vua chúa, ai lại dễ dàng xuống làm dân. Nhưng Bảy Sảnh đã thấy mụ Sáu Hiển bị hạ bệ nên nhuệ khí mười phần mất bảy còn ba.

Mai Vân bên salle 14 cũng chồm ra tiếp sức với Thanh Quý: "Ăn hiếp chị em trong tù tay không là hèn. Vô tù đã đau khổ rồi, tại sao không giúp nhau chịu đựng mà lại xúm lại làm khổ nhau?... Còn như chị em tôi đây, nữ biệt động thành, ăn thua đủ với Tây tà, có súng dài súng ngắn mới là ngon lành. Không lẽ dân biệt động thành lại thua kém dân Cầu Muối?".

Lý thì mụ Bảy Sảnh thua rồi, nhưng mụ còn lực. Nhìn kỹ đối thủ của mình mụ thấy Thanh Quý tuy thanh thanh nhưng không dễ bắt nạt như Lan Mê Linh nên do dự chưa dám ra tay. Thanh Quý đấu dịu giảng hòa: “Chúng tôi là tù chính trị, không bao giờ muốn tranh cái chức cặp rằn của chị. Nhưng chúng tôi không chịu được mọi thứ bất công xảy ra trước mắt chúng tôi. Nếu chị còn hành hung Lan Mê Linh hay bất cứ ai khác thì chúng tôi sẽ không nương tay đâu!". 

Thế là mụ Bảy Sảnh ê mặt chịu thua.

Ngày kia, Phòng 14 có thêm một tù mới. Cô ta tự xưng là cán bộ hoạt động nội thành, bị bắt trong khi ra bưng. Nhưng với cặp mắt kinh nghiệm, Thanh Quý phát hiện có chút gì không đáng tin cậy nơi người bạn tù này. Và chị âm thầm theo dõi. Mấy ngày đầu, chị tù mới này làm ra vẻ khổ sở, bỏ cơm nằm im trong góc khám. Nhưng vào nửa đêm, Thanh Quý hé mắt thấy cô ta nhai bánh mì kẹp chả lụa. Thế là thêm một chút sinh nghi. Cho đến một tuần sau, lại có thêm một người tù bị đưa vào. Chuyện lạ là người tù mới cứ nhìn châm bẩm vào cô bạn mới vô trước mình, còn cô kia thì hết sức lẩn tránh. Thanh Quý bèn tìm cách gần gũi người tù mới và trong bữa ăn, được nghe người tù mới tiết lộ “con đó là tù gian. Nó được đưa vô salle 14 để dò xét và mật báo tổ chức trong salle và ai là người chỉ huy". Thanh Quý chưa tin, gạn hỏi thêm thì chị tù mới kêu đích danh con tù gian: "Nó tên là Lý Thị Hoa, làm nghề điềm chỉ ở xóm Bàn Cờ. Chính nó đã chỉ bắt một đồng đội của tôi tá túc tại nhà nó. Tàn nhẫn hơn nữa nó còn để cho bọn lính kín hãm hiếp bạn tôi trong khi chị ấy mang thai ba tháng".

Nghe qua, Thanh Quý bàn với Mai Vân tiếp tục điều tra tên tù gian Lý Thị Hoa. Khi nắm đủ bằng chứng, hai chị quyết thủ tiêu con rắn độc ngay trong khám. Hai chị thừa dịp nó vào hố xí, một người xổ chiếu ra che khuất để người kia bóp cổ tên tù gian. Vụ xử diễn ra nhanh chóng. Hai chị lôi cái xác không hồn vè chiếu, đắp mền lên như ngủ say. Tới sáng, mới phát hiện tên tù gian chết. Thanh Quý và Mai Vân tranh nhau tự nhận mình là thủ phạm. Ra tòa, Thanh Quý lãnh thêm một án tử hình nhưng nhờ luật sư Ngô Sách Vinh biện hộ, án tử hình giảm xuống còn 10 năm khổ sai, chồng án trước thành chung thân khổ sai.

Khi thực dân xây khám Chí Hòa, chị Thanh Quý được đưa qua đó một thời gian rồi đày ra đảo. Tới Hiệp định Genève 1954, chị được trao trả tù binh tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Thế là chị lại tiếp tục hoạt động trong ngành tình báo. Sau giải phóng miền Nam, chị là Thiếu tá. Hàng năm, trong những ngày họp truyền thống Ban công tác thành, rồi lấy tên là Biệt động đặc công khu Sài Gòn-Chợ Lớn, chị Thanh Quý là Mạnh thường quân hào phóng đài thọ những thiếu hụt của Ban tổ chức lúc đó còn nghèo.

Chị Thanh Quý đã về cõi vĩnh hằng từ nhiều năm rồi, nay viết bài này là để tưởng nhớ một người chị kết nghĩa, một chiến sĩ biệt động dũng cảm phi thường và có lòng nhân hậu hiếm thấy.

CHỊ MƯỜI MẪN TAY NGANG DIỆT ĐỊCH

Chị Mười Mẫn không học một khóa quân sự nào, nhưng đụng việc thì tay ngang cũng dám làm. 

Lâm Quang Phòng là dân kháng chiến gốc tư sản địa chủ do bất mãn chạy về thành đầu Tây. Làm quận trưởng, Phòng gây nhiều nợ máu. Chị Mười Mẫn muốn trừng trị tên này mà chưa có dịp. 

May thay, Phòng về quê dự giỗ và chị Mười Mẫn đã ra tay. Không phải dân thích khách chuyên nghiệp, chị Mười Mẫn chỉ để thẹo, nhưng cũng hay, cái thẹo đó là bản án thường trực cảnh cáo tên ác ôn này. 

Lâm Quang Phòng là một nhân vật nổi tiếng ở Nam Bộ. Thời kháng chiến chống Pháp, Phòng cũng ra bưng kháng chiến gia nhập Đảng Tân Dân chủ nhưng sau đó bất mãn nhảy về thành làm quận trưởng An Phước, U Minh Thượng, bị tòa án Khu 9 kết án tử hình. Chị Mười Mẫn xung phong thi hành bản án. Rất tiếc, chị Mười Mẫn chỉ chém để thẹo chứ không diệt được tên ác ôn này. Trải qua các trào Diệm, Thiệu, Lâm Quang Phòng dày công khuyển mã được vinh thăng đại tá biệt kích dù, lúc nào cũng quân phục kaki thẳng nếp với ba bông mai bạc và cái mũ nồi đỏ sậm của binh chủng Dù. 

Xin đi sâu vô vài chi tiết về tội ác và vụ xử tội tên Việt gian này.

Lâm Quang Phòng sinh ở huyện An Biên, Rạch Giá. Cha là địa chủ lớn Lâm Quang Thiệp, làm cai tổng thời Pháp thuộc. Tháng 9.1945, Pháp trở sang tái chiếm Nam Kỳ, đưa Thiệp làm quận trưởng An Biên. Năm 1953, quân ta tấn công An Biên bắt sống quận trưởng Thiệp, quản thúc tại Cái Đôi Vàm, xã Tân Hưng Tây-Cái Nước, tỉnh Bạc Liêu. Thiệp bị bệnh chết trong tù. Còn Lâm Quang Phòng, thời Pháp thuộc làm xã trưởng, khi Nhật đảo chính Pháp thì Phòng nhảy theo Nhật. Kháng chiến nổ ra, Phòng ra bưng đi bộ đội, lên đến chức đại đội trưởng gia nhập Đảng Dân chủ, rồi nhảy ra thành lúc cha hắn làm quận trưởng An Biên. Sau đó bất mãn Pháp lại trở ra bưng xin tập kết ra Bắc, theo hiệp định Genève 54. Nhưng vào giờ phút chót Phòng lại đổi ý, chạy lên Sài Gòn tìm Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ xin đỡ đầu. Bấy giờ Ngô Đình Diệm đang cần người kháng chiến cũ quay về với chính nghĩa quốc gia nên dùng Lâm Quang Phòng làm chim mồi. Để lập công đầu, Phòng lôi kéo Phạm Dữ là một cán bộ quân sự gan lỳ, có uy tín vùng An Biên. Sài Gòn liền phong Lâm Quang Phòng làm Chi khu trưởng Chi khu An Phước, Phạm Dữ làm Chi khu phó. Chi khu An Phước gồm các huyện An Biên, Phước Long, Bình Thuận, Thới Bình, vùng U Minh thượng nằm giáp ranh hai tỉnh Rạch Giá-Bạc Liêu. 

Lâm Quang Phòng là Chi khu trưởng kiêm quận trưởng An Phước. Hắn lập bộ đội mặc đồ đen tự xưng lực lượng vũ trang đen của Việt Minh để lại đề ra khẩu hiệu lấy súng Mỹ để đánh Mỹ hòng lừa bịp dân chúng. Lực lượng Bảo an của Lâm Quang Phòng lên đến 4 Tiểu đoàn. Ngô Đình Diệm đến khánh thành chi khu An Phước năm 1955, phong Phòng thiếu tá, Phạm Dữ đại úy. Vì cái thù cha chết trong tù năm xưa, Lâm Quang Phòng ra sức bắt bớ, tàn sát Việt Minh nằm vùng. Chi khu An Phước giết trên hai ngàn cán bộ trong vòng ba năm sau Genève 54 (từ tháng 4.1955 đến 1957). Trước tội ác tày trời Của Lâm Quang Phòng tòa án Khu 9 kết án tử hình hắn và chị Mười Mẫn xung phong thi hành bản án. 

Chị Mười tên là Trần Quang Mẫn, cán bộ quân sự tỉnh, thứ 10 nên được gọi là Mười Mẫn. Chị có bà con xa với nhà họ Lâm nên nhân dịp nhà họ Lâm có giỗ chị tới giúp bếp núc. Tất nhiên Lâm Quang Phòng rất cảnh giác khi về ăn giỗ. Bà con láng giềng đều bị điều tra kín cẩn thận. Chị Mẫn giữ ý, chỉ ở dưới bếp nấu nướng, đôi khi bưng mâm lên nhà trên phục vụ quan khách. Thừa lúc Phòng ngồi ăn nhậu, chị Mười xách dao lên chém Phòng gục tại bàn tiệc. Tất nhiên đám vệ sĩ của Phòng bắt ngay chị Mười đưa về đồn khảo tra ác liệt. Đã tính trước, chị Mười khai trước sau như một “thằng Phòng giết chồng tôi, tôi phải trả thù”.

Sự thật thì chồng chị Mười là anh Nguyễn Văn Bé hy sinh trong thời kháng Pháp. Chị Mười Mẫn bị giam giữ tại nhiều nơi, nhất là Phú Lợi. Hành động dũng cảm của chị Mười Mẫn chém Lâm Quang Phòng đem lại kết quả mong muốn. Phòng bị thương nặng phải chở đi cấp cứu. Diệm điều Phòng đi nơi khác. Tên phó quận Phạm Dữ can tội hối lộ bị sa thải và tù đầy. Chi khu An Phước bị lực lượng cách mạng phá tan.

Nhưng trước khi Lâm Quang Phòng bị chém gục, hắn đã phải đương đầu với cuộc đấu tranh gay go của các chức sắc Cao Đài Minh Chơn Đạo. Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo do hai vị Chưởng quản Trần Đạo Quang và Cao Triều Phát sáng lập và là ngọn cờ đầu của Cao Đài kháng chiến. Ngô Đình Diệm quyết diệt tan, ra lệnh cho Chi khu An Phước phải phong tỏa Tòa thánh Ngọc Sắc ở Tân Lợi (nay là xã Hồ Thị Kỷ) đúng 300 ngày đêm. Chúng cho tàu vô bắt 32 chức sắc về đồn tra lấn buộc phải tự nhận là Việt cộng nằm vùng. Một chức sắc bị đánh chết trong đồn, đó là giáo hữu Trần Ngọc Kỳ. Một phái đoàn nữ chức sắc được Hội thánh phái ra Chi khu An Phước đấu lý với tên quận trưởng Lâm Quang Phòng, trưởng đoàn là bà Đầu sư Nguyễn Thị Thụy, Phó là chị phối sư Nguyễn Thị Sang...

Thoạt đầu. Lâm Quang Phòng xem thường các bà: 

- Chúng tôi chỉ bắt Việt cộng. Mấy bà tu hành, không ai bắt bớ chi cho tốn cơm. Mấy bà về đi! 

Hai bà Thụy và Sang cứ ngồi lỳ: 

- Chừng nào mấy ông chịu thả 32 chức sắc thì chúng tôi mới về! 

Phòng ném cả chồng hồ sơ ra, quát: 

- Hồ sơ ghi rõ họ là Việt cộng nằm vùng chớ đâu phải chức sắc Cao Đài. Mấy bà còn già hàm lão khẩu thì tôi bắt luôn đó! 

Bà Thụy cũng không vừa: 

- Mấy ông tra khảo người ta tới chết đi sống lại làm sao người ta không khai theo ý mấy ông! Anh giáo hữu Trần Ngọc Kỳ bị đánh chết tại đây ngay trong đồn này. Tôi hỏi ông, nếu ông bị tra khảo như giáo hữu Kỳ, ông có khai không? 

Tên Phòng nhìn trừng trừng bà Thụy thì bà Sang khóc ngất khi nghe nhắc giáo hữu Kỳ bị tra tấn tới chết. Các bà, các chị khác cũng khóc theo. Vừa khóc vừa kể như trong nhà có đám tang.

Lâm Quang Phòng ra sức la hét, nhưng không ngăn chặn được mấy Bà, mấy chị than khóc vị đạo hữu đáng thương đánh kính của mình. Chừng đó, Phòng mới biết sức mạnh của nước mắt căm thù, đành chịu thua xuống nước năn nỉ: 

- Tôi sẽ xem lại hồ sơ và thả hết, nếu họ bị ép cung. Thôi mấy bà yên tâm về đi cho tôi nhờ!

HOÀNG XUÂN BÌNH VÀ TÌNH BẠN VỚI MỘT SĨ QUAN PHÁP

Là chỉ huy quân sự, mỗi lần ra trận anh Hoàng Xuân Bình chỉ có một câu "terminer en beauté " (Kết thúc đẹp). 

Bị bắt đưa vào Phòng Nhì Cần Thơ, thái độ hiên ngang của anh khiến đại úy Léon Fallon kính nể. Sau này Fallon lên thiếu tướng và xem Bình như bạn thân mà trước kia là địch thủ. Đây là tình bạn đẹp giữa hai thanh niên đều trọng vinh dự và lòng yêu nước. 

Đầu năm 1946, dân thị xã Cần Thơ rất sợ ngôi nhà ấy. Đó là một biệt thự cất theo kiểu xưa có vòng thành kiên cố của một đại điền chủ nào đó bị nhà binh Pháp sung công làm văn phòng Deuxième Bureau (Phòng Nhì). Vào buổi giặc giã, nhà binh là mạnh hơn hết, nắm quyền sinh sát trong tay. Mà tai mắt của nhà binh là Phòng Nhì. Vào giữa năm 1946, cầm đầu Phòng Nhì Cần Thơ là đại úy Nogret nổi tiếng hung thần với những ai vô phúc bị bắt vô đây. Nhưng dân sợ Nogret một mà sợ mấy tay thông ngôn của hắn tới mười. Vì một tiếng thêm hay bớt của chúng đủ khiến bay cái đầu người ta. Dưới Nogret có trung úy Léon Fallon, từ Pháp đổi sang Việt Nam và được đưa về Zone Ouest (khu Tây Nam Bộ). Fallon và Nogret khác nhau một trời một vực. Câu chuyện dưới đây sẽ cho thấy cá tính và quan điểm của hai sĩ quan Phòng Nhì Pháp.

Đầu năm 1947, lính giải về Phòng Nhì Cần Thơ hai thanh niên Việt bị bắt khi băng qua lộ Đông Dương gần quận ly Phụng Hiệp. Đó là kỹ sư canh nông Trương Công Phòng và Hoàng Xuân Bình, chỉ huy bộ đội Hải ngoại Quang Trung từ Thái, Lào về nước bằng đường bộ. Cả hai dự Đại hội Thanh niên Sinh viên Nam Bộ ở Khu 8 và trên đường về Khu 9 thì bị phục kích khi vượt qua lộ Đông Dương. 

Nogret giao Fallon điều tra hai tù binh này. Bước vô phòng, Hoàng Xuân Bình quan sát ngay: Giữa phòng đặt bàn viết lớn, bàn của Fallon, kế bên có bàn viết nhỏ, của thông ngôn. Sát vách có mấy cái ghế dành cho những người bị hỏi cung. Bình nói nhỏ vào tai Trương Công Phòng "Terminer en beauté" (Kết thúc cho đẹp) rồi bước tới trước. 

Tên thông ngôn đọc tên họ hai tù binh, vụt đứng lên hỏi Bình: 

- Anh là Hoàng Xuân Bình hả? Tôi là học trò ông Hãn đây. 

Bình nhìn tên thông ngôn im lặng. Hắn nói tiếp: 

- Tôi là Bùi Công Thành, học trò ông Hãn, anh của anh. 

Bình vẫn im lặng. Thành lắc đầu: 

- Bây giờ mà anh còn kháng chiến nỗi gì nữa! 

Bình quay sang Fallon, dõng dạc hỏi: 

- Échange de vue ou interrgatoire? (Trao đổi quan điểm hay thẩm vấn?). 

Nãy giờ Fallon quan sát hai tù binh và nhất là theo dõi cuộc nói chuyện giữa thông ngôn Thành với Bình. Nghe Bình hỏi bằng tiếng Pháp, Fallon thích thú đáp:

- Échange de vue (Trao đổi quan điểm). 

Bình liền chỉ Thành nói ngay: 

- Ôtez de ma présence celui-là Vraiment il me dégoute (Đuổi thằng này đi. Nó làm tôi khó chịu). 

Fallon lộ vẻ ngạc nhiên trước yêu cầu của Bình. Ông ta bảo Thành: 

- Lieutenant Thành, vous pouvez vous disposer (trung úy Thành, anh có thể ra ngoài). 

Còn lại trong phòng chỉ có hai người, Fallon nói: 

- Tôi đã đọc quyển sổ tay "Nhật ký hành quân" của anh trước khi người ta giải hai anh tới đây. Qua đó, tôi biết anh là sinh viên y khoa, học khóa sĩ quan đầu tiên và được bổ nhiệm sĩ quan tùy viên của Bảo Đại nay là cố vấn Vĩnh Thụy. Anh không thích làm ngựa gánh xiếc (cheval đe cirque) mà chỉ muốn làm chiến mã (cheval de bataille) - đó là lời lẽ của anh trong nhật ký. Và anh tình nguyện sang Lào chiến đấu. Mặt trận Savanakhet và Thakhet tan, anh chạy qua Thái Lan mở lớp huấn luyện tuyển mộ tân binh lập bộ đội hải ngoại Quang Trung về nước đánh Tây... 

Bình cười: 

- Như vậy là ông đã nắm hết bí mật của tôi rồi. Tôi khỏi làm cái công việc không thú vị chút nào là khai báo. 

Fallon lắc đầu:

- Không đơn giản như thế đâu. Nói như anh thì người ta trả lương cho tôi để làm gì? 

Bình thẳng thắn nói: 

- Trung úy là sĩ quan Phòng Nhì chuyên thẩm vấn tù binh, chắc trung úy biết rõ một trong những lời thề danh dự của người lính là không được khai sự thật khi bị bắt. Tôi là người lính, tôi phải giữ lời thề đó. 

- Nghĩa là anh phải nói dối? 

- Đúng vậy. Nói dối đáng lên án. Nhưng trong trường hợp của tôi, nói dối là nghĩa vụ. Votre devoir est de percer la vérité, mon devoir est de vous la dérober ( Bổn phận của ông là tìm sự thật còn bổn phận của tôi là giấu sự thật). 

Fallon trao Bình xấp giấy: 

- Anh cứ ghi những gì anh thấy phải ghi. Viết thẳng tiếng Pháp để tôi chuyển lên đại úy Nogret, thượng cấp của tôi

Nogret vứt tờ khai của Bình xuống bàn, gằn giọng: 

- Cao Đài, Hòa Hảo đã hợp tác với Pháp. Còn hai ông, đã được Pháp đào tạo trở thành trí thức kể như là con tinh thần của nước Pháp, vậy mà hai anh chống Pháp. Vô ân, hai anh là kẻ vô ân! 

Hoàng Xuân Bình và Trương Công Phòng im lặng nhìn tên đại úy Nogret ra oai thịnh nộ. Hắn hét to: 

- Hai anh không nói gì à? Có chịu làm lại lời khai? 

Bình nói ôn tồn mà cương nghị: 

- Votre arrogance frise l'insolence. Je ne peux plus discuter avec vuos (Thái độ xấc láo của ông đã lên tới mức vô lễ, tôi không thể bàn cãi gì với ông nữa). 

Nogret điên tiết hét to: 

- Lính đâu? Đưa hai thằng này ra sông cái. Bắn bỏ! 

Bọn lính đưa hai anh lên xe nhà binh, trực chỉ mé sông. Ngồi trên xe Bình và Phòng vẫn im lặng nhưng câu nhắn nhủ của Bình vẫn lờ mờ ẩn hiện trong đầu: "terminer en beauté" (kết thúc cho đẹp).

Cầu tàu mé sông gần chợ cá Cần Thơ là nơi Pháp hay bắn Việt Minh. Mỗi khi xe nhà binh đậu lại là dân tò mò kéo tới xem mặt những người sắp làm "thằng chổng trôi sông". Nhưng ngày ấy có chuyện lạ. Lính không lôi tử tội xuống mà để ngồi trên xe cả tiếng đồng hồ rồi chạy quay về. Thì ra nó nắn gân hai tù binh trí thức Nam Bộ. 

Trở về phòng giam, lại thêm một chuyện lạ là lính đưa tờ "Tiếng súng kháng địch" cho Bình nói:

- Ông Fallon cho ông mượn xem để giết thì giờ và để giữ vững tinh thần. 

"Tiếng súng kháng địch" là báo của Khu 9 cũng như “Tổ quốc" là báo của Khu 8 và "Tiền đạo" là báo của Khu 7. Tờ báo này lọt vào tay Phòng Nhì là chuyện dễ hiểu. Tất cả tài liệu của ta, Phòng Nhì đều có cách thu nhặt để nghiên cứu và đối phó. Nhưng tại sao Fallon lại cho Bình mượn đọc? Đó là điều Bình suy nghĩ nhiều. Anh quan sát tờ báo xem có dấu vết gì giúp anh hiểu thêm về viên trung úy khá khó hiểu này. Ở góc trên tờ báo có mấy chữ bằng tiếng Nga. Hồi còn là sinh viên, Bình tò mò học hai mươi mấy chữ cái Nga chỉ vì thấy chữ N. viết ngược (là chữ i của Nga). Fallon viết tên mình bằng tiếng Nga trên tờ "Tiếng súng kháng địch". Bình lẩm bẩm: 

- Chuyện lạ đây. Trung úy Phòng Nhì Pháp biết chữ Nga và có cảm tình với Việt Minh. Mình phải tìm hiểu về Léon Fallon này mới được. 

Trong khi đó, Nogret đã khiển trách Fallon: 

- Tôi thấy trung úy có vẻ khoan dung với hai tên tù binh Việt Minh này quá. Sao vậy? 

Fallon nhún vai:

- Hai người đó, mỗi người một cá tính, Phòng ít nói và lầm lỳ, còn Bình thì thẳng thắn và dũng cảm, nhưng cả hai cùng một ý chí: trung thành với lý tưởng của mình và dám chết cho lý tưởng đó. Bình đã đọc thơ Victor Hugo trước mặt tôi: "Mourir pour la Patrie. C'est le sort le plus beau le plus digne d'envie". Với những con người coi cái chết nhẹ như lông hồng thì ông biểu tôi phải làm gì hơn là "giở nón cúi đầu"? Mà đại úy nhớ cho điều này. Bình nhắc câu thơ bất hủ đó sau khi đại úy đưa hai anh tù binh bướng bỉnh này ra cầu tàu để khủng bố tinh thần. Điều này rất khác xa các đêm bình thơ của các chính khách salon...

Nogret gật gù: 

- Đúng. Bình đã có một lần xỏ ngọt mà tôi rất đau. Tôi ra lệnh bày các "đồ nghề" kể cả bình điện, trung úy biết Bình nói gì không? Nó là sinh viên ngành Y nên nói đúng bài bản: Les Francais m’ont appris à traiter certaines affections par le courant éléctrique. Maintenant je vios qu’on peut maltraiter certaines affections avec le méme courant". (Người Pháp dạy tôi chữa trị vài chứng bệnh bằng dòng diện. Bây giờ tôi thấy người ta cũng có thể trừng trị một vài chứng bệnh khác bằng dòng điện ấy... (Bình chơi chữ khi đối lập chữa trị và trừng trị). 

- Rồi ông có cho nó thấy ba mươi sáu ngọn nến bằng cái bình điện gớm ghiếc của ông để trừng trị cái chứng bệnh bất khuất của nó không? 

Nogret đưa hai cánh tay lên trời như võ sĩ đầu hàng: 

- Với một thằng bản lãnh như vậy, bày trò đánh đấm làm gì cho mệt xác! Ngay trong ngày hôm nay tôi làm giấy chuyển hai đứa nó lên Sài Gòn. Trung úy thấy thế nào? 

Fallon gật:

- Cách đó hay nhất. Thú thật với ông, tôi nhớ chuyện bốn năm trước, khi tôi vượt ngục trại tù binh Đức ở Lubeck nước Áo, cách biển Bắc mười lăm cây số. Tôi nhớ mãi ngày lịch sử ấy 3.12.1943. Trại hình chữ nhật, ngang 200 mét, dài 600 mét, ba vòng rào cao 3,5 mét. Phải làm thang và giấu kỹ trước ngày N. Cùng vượt ngục với tôi có ba anh bạn tù. Lúc đó, Đức quốc xã đã chiếm hết vùng Trung Âu, trốn tù là chuyện nguy hiểm. Bị bắt lại là vô lò thiêu. Trốn một mình thì đơn độc, nhất là về tinh thần, kiếm thêm một bạn đồng hành là lý tưởng, nhưng trốn ba người là quá nhiều rồi, vậy mà bốn anh em chúng tôi phải băng 800 km đồng tuyết suốt mấy ngày mới về tới khu rừng căn cứ kháng chiến của ta... Bây giờ nhớ tới còn lạnh mình. Bởi vì ai nấy cũng nắm chắc phần bị quân Đức với những con chó "quân khuyển" chuyên đánh hơi bắt du kích Pháp lò mò thâm nhập vùng chúng chiếm đóng.

- Phải vì chuyện vượt ngục mà trung úy có cảm tình với hai tù binh Việt Minh? 

Nogret cười hỏi và nói luôn, không chờ Fallon đáp: 

- Trung úy lãng mạn quá! Mà cái nghề phản gián của mình lại cần một trái tim cứng rắn. Chiến tranh là sắt thép. 

Fallon thở dài: 

- Đại úy nói đúng. Có lẽ tôi nên xin chuyển ngành là tốt hơn hết. 

Vài ngày sau, Hoàng Xuân Bình và Trương Công Phòng được xe nhà binh đưa lên Sài Gòn, giải vô Khám Lớn để chờ ngày ra tòa án binh. Lúc đó kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch Liên đoàn tù nhân. Ngày hai anh Bình và Phòng tới Khám Lớn là một sự kiện trọng thể bởi báo chí Sài Gòn có nêu tin bắt được hai cán bộ lớn của Việt Minh. Trước cửa Khám Lớn, một trung úy Pháp kính cẩn chào hai người tù binh Việt Minh khiến Bình ngạc nhiên hỏi cho chắc ý: 

- Vous me saluez? (Trung úy chào tôi?). 

- Oui, mon capitaine... Oh, pardon, mon commandant. (Vâng, thưa đại úy… xin lỗi thưa thiếu tá). 

Anh em tù nhân trong Khám Lớn đón mừng hai anh tù binh Việt Minh theo kiểu cách của người tù, trong mâm cơm cũng như lúc đi ngủ, phòng nào cũng bàn chuyện báo chí đăng tin Tòa án binh sắp xử hai vị trí thức theo kháng chiến ngay từ đầu

Tháng 10.1947, anh Huỳnh Tấn Phát ra tù, anh kỹ sư Tư Hà lên thay, nhưng vài tháng sau bị đày ra Côn Đảo. Anh Bình được bầu tổng đại diện. Trong thời gian này nổ ra cuộc tuyệt thực 8 ngày phản đối chế độ lao tù và chống lại việc hành quyết các tử tù... Cả Sài Gòn náo động. Ba Bộ trưởng Lê Tấn Nẫm (Nội vụ), Nguyễn Khắc Vệ (Tư pháp), Trần Văn Tuyến (Thông tin) vô Khám Lớn tiếp xúc với Tổng đại diện Hoàng Xuân Bình để giải quyết cuộc tranh đấu. 

Những ngày hai anh Bình và Phòng ra tòa án binh mới là thời sự quan trọng nhất trong năm 1947. Cả Sài Gòn đều chăm chú theo dõi. Và điều mong đợi đã xảy ra: trật tự xã hội đã đảo lộn: hai tù binh Việt Minh biến thành chánh án kết tội bọn thực dân đem súng đạn sang gây chết chóc để tái lập thuộc địa mà cả thế giới đang lên án. Các ký giả tiến bộ đều thấy thú vị về cái mà họ gọi là "Les dompteurs sont domptés (Kẻ điều khiển thú bị thú điều khiển lại). 

Nhưng xin trở lại chủ đề trong bài này. Anh Hoàng Xuân Bình ghé tôi cho quyển sách của Léon Fallon xuất bản bên Pháp tựa là "La Ferveur et l'Épreuve (Tập 1 ) (Nhiệt tình và Thử thách). 

- Mình sang Pháp thăm anh Hoàng Xuân Hãn. Trong dịp này có tới thăm Léon Fallon, nay lên thiếu tướng. ông ta đang viết hồi ký. Tập 1 viết về cuộc vượt ngục từ trại giam Lubeck, gần Bắc Hải. Tập 2 tựa là "L'Année du Buffle" (Năm Kỷ Sửu 1949) viết về những năm 1946-1948 ông ta tham chiến ở Việt Nam... 

- Chắc là Fallon có nhắc tới tình bạn ly kỳ giữa hai thanh niên ở hai bên chiến tuyến năm xưa?

Anh Bình gật đầu: 

- Có Fallon đã dành những trang đẹp nhất cho tình bạn hiếm có này. Có những điều tôi đã nói rồi quên luôn, Fallon nhắc mới nhớ... 

- Chẳng hạn như... 

- Như một bài thơ của Verlaine. Bài thơ ngắn thôi mà rất hay vì tính yêu đời của nhà thơ. Ngâm nga bài thơ đó giúp tôi tìm được thanh thản trong những ngày sa cơ. Bài thơ tựa là D’une prison (Từ một khám giam). (Xin dịch lấy ý: Trên mái nhà giam là bầu trời xanh êm ả. Một ngọn cây vượt qua mái nhà giam đong đưa cành lá. Tháp chuông cao vút khẽ đổ hồi. Một con chim đậu trên cây hót nỗi niềm của nó). 

Tới đây bỗng anh Bình đổi giọng, vui tươi hẳn lên:

- Fallon dành cho tôi một bất ngờ cực kỳ to lớn. Quyển nhật ký hành quân mà Fallon gọi là Joumal de Marche, tôi tưởng đã mất sau khi bị bắt ở gần Phụng Hiệp hồi đầu năm 1947. Tôi quý quyển sách đó vô cùng vì đã ghi rõ chi tiết từng trận đánh ở Lào, từng sự kiện trên đường hành quân từ Thái Lan, xuyên qua Miên để tới biên giới, nhất là trận bị địch bao vây tại Takeo ngày 2.1.1947, trận này ta hy sinh năm đồng chí, trong đó có anh bạn chí thân Nguyễn Trọng Thường. Quyển sổ tay ấy có năm mươi chữ ký của tất cả các đại biểu dự Đại hội Thanh niên Sinh viên Nam Bộ, mỗi người đều được tôi dành một trang để viết vài hàng lưu niệm và một chữ ký. Xin kể vài nhân vật như trung tướng Nguyễn Bình, Ủy viên quân sự Nam Bộ; kỹ sư Nguyễn Đăng, Tham mưu trưởng Nam Bộ; Khu trưởng Khu 8 Trần Văn Trà; luật sư Phạm Ngọc Thuần, Quyền chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ; Trần Bửu Kiếm, Tổng thư ký Ủy ban Nam Bộ; giáo sư Phạm Thiều, Giám đốc sở Thông tin tuyên truyền Nam Bộ; các bác sĩ Trần Nam Hưng, Hồ Văn Huê; các họa sĩ Diệp Minh Châu, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Cao Thương; ca sĩ Quốc Hương...

Tôi hỏi: 

- Léon Fallon đã giữ quyển nhật ký đó giùm anh? 

- Đúng vậy. Bốn mươi sáu năm sau, tôi mới nhận lại được người bạn quý nhất đời mình. Vui không thể tả được. Fallon chỉ bà vợ nói : Anh phải cám ơn bà xã tôi đây. Chính bả cất giữ quyển "Joumal de marche" của anh chớ không phải tôi vì trong đời nhà binh tôi đổi đi không biết bao nhiêu nước... Trong khi đó bà Fallon khui champagne mừng đôi bạn mà bà gọi là les deux amis-ennemis (hai người bạn-hai kẻ thù) gặp lại sau gần nửa thế kỷ có nhiều biến thiên khó lường trước được. Cụng ly chúc mừng tình bạn thiêng liêng của những người chiến đấu cho hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em trên thế giới, Fallon nói một hơi dài, giọng xúc động hiếm thấy ở một vị tướng đã trải qua không biết bao nhiêu là trận mạc. Thì ra cái chữ Tâm của ông ta cũng như Nguyễn Du đã viết: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". 

Anh Bình bắt tay tôi - bàn tay hơi run của người chớm bị chứng Parkingson - nói: "Nếu anh viết về tình bạn giữa tôi và Léon Fallon thì xin anh nhấn mạnh điểm này cho giới trẻ ngày nay: Mai sau dù có chiến tranh, chúng ta luôn luôn đứng trong hàng ngũ chính nghĩa".

PHẠM VĂN CÒN NGUỜI TÙ LẪM LIỆT

Anh Hai Còn- Phạm Văn Còn-Phạm Văn Thông là dân Vĩnh Long. Anh là bộ đội, bị ở tù nhiều nơi, nơi nào cũng "chọn cửa tử" thay vì "cửa sinh". Nhờ vậy mà anh không chết vì theo anh đi đánh giặc hay ở tù mà sợ chết là dễ chết lắm.

Anh Bảy Câu (Võ Ngọc An) lúc còn làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thành phố đèo một ông khách tới giới thiệu với tôi: "Đây là anh Hai Còn, một cựu tù chính trị đã từng tham quan cả chục nhà tù như khám giam Trà Vinh là quê nhà, khám Vĩnh Long, rồi khám Tân Hiệp (Biên Hòa), Phú Lợi, Thủ Đức, Chí Hòa, Phú Quốc và sau cùng là Côn Đảo. Ở đâu anh Hai Còn cũng luôn trong tư thế sẵn sàng vượt ngục. Có khi thành công, có khi thất bại. Thành công là vụ khám phá Tân Hiệp ngày 2.12.1956, trong số tù chạy thoát vào khu giải phóng, có nhà văn Lý Văn Sâm mà anh quen trong thời gian nằm vùng dưới trào nhà Ngô...". 

Trong khi anh Bảy Câu giới thiệu, tôi lặng lẽ ngắm ông khách mới gặp lần đầu. Ông Hai Còn có vẻ là một lão nông tri điền với mái tóc hớt cao đã chớm bạc, vầng trán nhăn nheo, lông mày bên cao bên thấp, mũi hỉnh, khuôn mặt dài, nhìn chung là dáng người khắc khổ nhưng cương quyết. Tôi chợt ngắt lời anh Bảy Câu: 

- Đã phá khám chạy vô Chiến khu Đ. rồi, sao lại để bị bắt lại? 

Bảy Câu cười:

- Đừng nóng! Chuyện còn dài mà! Là người vùng sông nước miền Tây, anh Hai Còn tự thấy mình không thoải mái nơi chiến trường rừng núi miền Đông nên xin chuyển về quê nhà tham gia chiến đấu trong quân đội giáo phái chống Mỹ-Diệm, đó là Tiểu đoàn Hòa Hảo Trần Hưng Đạo. Năm 1958, anh Hai Còn lại bị bắt đưa lên Trung tâm cải huấn Phú Lợi. Tại Phú Lợi, chẳng những anh Hai Còn không coi thằng ác ôn trung sĩ Lợi ra cái thá gì mà còn dám mắng thiếu tướng Nguyễn Văn Là là "Việt gian thú tính" để sau đó bị bọn trật tự đánh hội đồng chết đi sống lại. Cũng do ngon lành như vậy mà Hai Còn được tướng Là gọi là Cọp Phú Lợi.

Tôi lại nhìn ông khách. Suốt 15 phút anh Bảy Câu độc diễn, ông Hai Còn chỉ ngồi yên, tay cầm quyển vở học trò trăm trang cuộn tròn, kẹp giữa hai đùi. 

Cọp Phú Lợi, sao không thấy chút nào nanh vuốt của chúa sơn lâm trong ông già nhà nông này? Đúng là "tri nhân, tri diện, bất tri tâm". Tôi thầm nghĩ. 

Anh Bảy Câu kể tiếp: 

- Sau đó Tòa án binh Sài Gòn kêu án Hai Còn 10 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo với hai trọng tội: theo Việt cộng chỉ huy quân giáo phái Hòa Hảo với chức Tiểu đoàn phó và tội phá rối trị an trong tù. Ra Côn Đảo với biệt danh do tướng Công an Nguyễn Văn Là đặt là Cọp Phú Lợi, anh Hai Còn càng bị bọn cai tù và trật tự nắn gân nhiều trận kinh hồn nhưng với ý chí bất khuất, anh Hai Còn đều vượt qua được và cuối cùng đã trở thành người hùng trong tâm tư tên chúa đảo Long. 

Anh Bảy Câu kết thúc bài giới thiệu bất thành văn với lời khuyến khích : 

- Đây là một pho tiểu thuyết tư liệu kháng chiến chống Mỹ cho nhà văn đó. Hãy giúp anh Hai Còn giùm tôi! 

Giờ tới phiên ông khách lên tiếng: 

- Trong khi rảnh rỗi, tôi có ghi lại những giai đoạn đáng ghi nhớ trong các chuyến đi tù, ở Vĩnh Long, ở Tân Hiệp, vụ phá khám chạy vô rừng Châu Thành, Biên Hòa, rồi vụ bị bắt lại đưa lên căng Phú Lợi với vụ thảm sát ghê rợn. Sau cùng là những năm nằm ngoài đảo.

Vừa nói anh Hai Còn vừa trao cho tôi quyển tập trăm trang ghi chi chit những chữ ngoằn ngoèo: 

- Xin anh chịu khó đọc và nếu thấy được thì viết lại cho gọn giùm tôi. Tôi nhận bản thảo, hứa sẽ đọc và nếu thấy được sẽ viết thành tiểu thuyết giúp anh. 

Anh Hai Còn tên thật là Phạm Văn Còn (về sau trong chiến đấu lấy tên giả là Phạm Văn Thông), sinh năm 1928 tại làng Hòa Bình, huyện Trà Ôn, nay là Vĩnh Long. Trong bài này, chúng tôi giới thiệu cách sống tràn đầy khí tiết của người tù bất khuất Hai Còn ngoài đảo.

Trong thời gian.nằm khám Chí Hòa chờ ngày ra đảo, Hai Còn quyết tâm học nghề thêu để giết thì giờ. Sinh viên Lê Quang Vịnh cũng nằm Chí Hòa chờ ngày ra đảo. Anh dạy học cho anh em cùng Phòng A. Trong số học trò của Vịnh có Ba Minh là bạn đồng hương của Hai Còn. Ba Minh vốn ít học nên hăng hái học văn hóa và chính trị mà anh thấy quí nhất trong đời. 

Thấy Hai Còn chỉ mê có món thêu, Ba Minh trách:

- Thêu là thứ công việc của đàn bà, đâu phải chuyện đàn ông. Sao anh không nhân lúc này mà học như anh em? Trình độ chữ nghĩa của anh đâu phải là cao? 

Hai Còn chỉ lên đầu: 

- Biết chuyện thêu đan là của nữ giới, nhưng mình muốn nhờ nó mà giải trí trong lúc này. Hễ thấy chữ là mình đau đầu, chóng mặt...

Đó là Hai Còn nói cho qua chuyện, thật tâm anh tính trong 10 năm Côn Đảo, anh sẽ phải làm một cái gì đó chứ không bỏ phí thời gian. Suy nghĩ mà anh mới tìm được điều mình mong muốn. Anh nhớ có một họa sĩ lấy máu mình vẽ ảnh Bác Hồ trong chín năm kháng Pháp thì tại sao anh không thể thêu được ảnh Bác Hồ trong những năm trong tù? 

Nhưng thiện chí của anh bị nhiều bạn tù hiểu lầm, vì trong thời điểm đó bọn thầy chú ở Chí Hòa khuyến khích tù thêu theo các mẫu mã mà chúng thầu bán ra ngoài kiếm tiền xài vặt. Nhiều người tù túng tiền đã hưởng ứng đề nghị đó. Hai Còn học thêu trong lúc đó bị hiểu lầm là phải. Nhưng anh chỉ cười "hồn ai nấy giữ”. 

Vừa rời bến tàu Côn Đảo, 250 tù chính trị và tù binh bị tiếp đón bằng một trận mưa roi mây và dùi cui. 

- Phạm Văn Thông, bước tới. 

Hai Còn ôm bọc quần áo bước ra theo lệnh. 

Tên giám thị lõ mắt nhìn anh từ đầu tới chân: 

- Mầy là Cọp Phú Lợi hả? Ra đây, chúng tao biến mầy từ cọp thành con mèo. Nên nhớ đây là Côn Đảo chứ không phải là Phú Lợi đâu nghe mậy! 

Nói chưa dứt, hắn co chân tống mạnh vào bụng Hai Còn khiến anh té chúi nhũi, hai bàn tay đập xuống mặt đường. Dù đau điếng, anh vẫn phải cố gắng gượng đứng dậy và chạy theo đoàn tù để tránh những ngọn đòn thù dã man.

Ngay ngày đầu, thầy chú đã nhốt riêng “Cọp Phú Lợi" vô khám tử hình gồm cánh Bình Xuyên của Bảy Viễn đã nổ súng chống nhà Ngô vào cuối tháng 4.1955. Lần đầu tiên Hai Còn biết dân giang hồ Bình Xuyên và đám chính khứa xôi thịt Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân, Trịnh Khánh Vàng, thiếu tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành... Khoảng trên chục mạng, tất cả đều bị xiềng lòi tói bự cỡ cườm tay. Giằn mặt “Cọp Phú Lợi" bằng cách nhốt trong Phòng 3 giam những kẻ mang án tử hình trong bốn tháng. Hai Còn tức lắm vì anh chỉ mang án 10 năm tù khổ sai.

Vừa chuyển phòng, anh lại bị thử thách một trận ác liệt khác. Hai tay sai thân tín của chúa đảo trung tá Vệ là giám thị Khương và Long, hàng ngày kiếm chuyện hành hạ anh em tù nhân. Tại chuồng cọp, Hai Còn càng căm thù khi hai tên này chơi trò khốn kiếp như hỏi tù có biết hút thuốc lào không. Trả lời không biết, bị đánh 10 roi. Người khác thấy sợ quá, đành chịu rít thuốc lào theo lệnh chúng để sặc tới ói máu. Vậy mà hai thằng quỉ sứ đó cười lăn cười lộn như điên. Còn chuyện này mới dễ giận. Một đêm có anh tù ở chuồng cọp ngáp lớn. Thầy chú xách dùi cui chạy tới la hét: 

- Thằng nào vừa ngáp lớn đó? 

Anh tù sợ quá nín khe. Vậy là tất cả anh em trong chuồng cọp bị chúng lôi ra đánh mỗi người 30 roi, trong đó có Hai Còn. Anh phẫn nộ nhưng suy nghĩ chín chắn: "Chưa phải lúc, nhưng nhất định phải giết một trong hai thằng ác ôn này. Thằng Khương hoặc thằng Long. Hãy chờ thời cơ tới là mạng đổi mạng". 

Một sự kiện cực kỳ bi thương càng khiến Hai Còn nôn nóng chờ ngày mạng đổi mạng. Chính cha anh là ông Phạm Văn Thà đã gửi thầy chú bánh thuốc rê và giấy quyến, nhờ trao cho đám tù trong chuồng cọp. Tên giám thị hét tướng lên: 

- Đù mẹ tiếp tế cho bọn cứng đầu cứng cổ hả? Thằng nào trong nầy là con mầy? 

Nó vứt bánh thuốc vào sọt giấy. Tức thì bọn ác ôn đánh té nhào ông già xuống đất. Lần này thì dứt khoát không đội trời chung với thằng Long rồi. Chính hắn đã chỉ huy bọn lâu la đánh đập ông già anh. 

Dịp may tới. Nửa đêm cửa chuồng cọp mở. Lính gọi: 

- Phạm Văn Thông ! Theo tao!

Hắn đưa Hai Còn vô phòng giám thị Long. Vừa vô tới nơi, anh bị đạp té sấp xuống nền gạch. Nhổm dậy thì thấy bốn bề có bốn thằng đô con trấn bốn góc. Biết mình sắp bị bề hội đồng, anh cố hết sức bình tĩnh để đối phó. Chúng kiếm chuyện tố cáo anh lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống khổ sai ở Cỏ Ống, chống lấy san hô ở Lò Vôi, chống ra khơi đánh cá ở Sở Lưới... 

Hai Còn cố dịu giọng phân trần: 

- Các ông giam tôi trong chuồng cọp, cách ly mọi nơi, làm sao tôi lãnh đạo đấu tranh cùng lúc ba, bốn nơi các ông vừa kể. 

- Mầy đứng có già hàm. Hồ sơ ghi rõ mầy chuyên môn xách động đấu tranh ở căng Phú Lợi. Chính mầy cầm đầu chứ không ai khác. 

Tới đây, máu nóng Hai Còn vụt nổi lên: 

- Tôi là người chứ không thần thánh có ba đầu sáu tay, một lúc chỉ huy ba nơi. Các ông muốn đánh đập, thì cứ đánh đập chớ đừng bịa chuyện kỳ cục như vậy. 

Một thằng hét lên: 

- Mầy khiêu khích chúng tao hả? Vậy thì đây, thử sức chịu đòn nghe con! 

Tức thì cả bốn tên xông tới. Hai Còn chỉ tránh né, vừa té vừa lăn theo thế võ tự vệ, hai cánh tay cố che những chỗ hiểm như đầu, ngực và hạ bộ

Anh đang sắp sửa đút hơi thì giám thị Long xuất hiện. Hắn hét to cho bốn tên đồ tể ngừng tay để đóng vai đại ca hay vai ông thiện trước tên tù chết chưa chôn: 

- Tôi biểu chúng nó dượt sơ vài miếng võ thôi, không dè chúng chơi thẳng tay. Sao, anh thấy trong mình thế nào, có đủ sức để mình nói chuyện tử tế với nhau không ? 

Hai Còn gắng gượng thở khí công cho điều hòa khí huyết. Các khớp xương kêu răng rắc như rã rời. Dù vậy, anh cố tập trung tinh thần nhìn Long với ánh mắt đầy căm thù. Im lặng và khinh bỉ, nhưng Long không biết hay vờ không biết. 

- Anh chịu khai chưa? Hễ khai thì tôi cho anh tận hưởng những ân huệ dành cho người chịu cải huấn... 

Hai Còn phun nước miếng cùng một bụm máu vào mặt Long. Nhưng khoảng cách quá xa, hơi sức anh đã mỏn, bụm máu không bay tới đúng mục tiêu. Vả lại tên Long đã giữ ý nên lùi lại tránh bụm máu căm thù. Hắn cười lạt, thọc tay túi quần tìm thuốc hút. Cố làm ra vẻ tỉnh nhưng bàn tay hắn run run, quẹt ba lần mới cháy diêm quẹt. Trong khi hắn hít hơi thuốc thơm, Hai Còn quyết đem hết sức bình sinh bất thần đá vô ngực tên giám thị. Theo thói quen nghề võ, vừa tung cước, anh vừa hét "chết". Một tiếng “hự” vang lên tiếp theo. Nếu đá trong lúc bình thường thì cú đá ấy có thể chết người nếu đúng hiểm huyệt. Nhưng lúc đó Hai Còn chỉ còn một phần trăm công lực nên cú đá không độc. Tuy vậy, Long cũng chới với, té văng vô vách. Điếu thuốc lá Salem mới hít một hơi đã rơi xuống sàn. Hắn xoa vai, mặt nhăn nhó. 

Hai Còn nhìn theo, biết mình không hạ đúng chỗ nhược và tin chắc rằng mình sẽ chết, thay vì nó chết. Anh bình tĩnh chờ thái độ của thằng Long.

Nghe tiếng động trong phòng, bốn thằng vệ sĩ đẩy cửa xông vào, nhưng Long khoát tay cho chúng lui ra. Hắn lê chân từng bước tới bàn buya-rô ngồi xuống, tay vẫn xoa nơi vai bị trúng vớt cú đá của Hai Còn. Một lúc thật lâu, Long mới nói: 

- Đù mẹ, mầy muốn giết tao hả? 

Hai Còn lựa lời: 

- Chắc ông giám thị đau lắm? 

- Đau thấy mẹ chứ sao không đau! Bộ trâu bò sao không đau? 

Hai Còn bật cười. Long trợn trừng: 

- Tại sao mầy cười ? 

- Thưa sếp, tôi cười vì tôi khám phá ra một điều thú vị. Hóa ra các sếp cũng biết đau như bọn tù chúng tôi. Vậy mà hồi nào tới giờ, chúng tôi nghĩ các giám thị, thầy chú không hề biết đau nên mới thẳng tay hành hạ những kẻ vô phước, vô phần rơi vào khám tối. Chúng tôi bi đánh đau lắm chứ nhưng còn xấu số hơn trâu bò, vì chúng nó còn được quyền rống lên khi đau... 

Long nhìn Hai Còn không chớp, gật gù: 

- Mầy biết ăn nói quá chớ, nhưng có đúng mầy muốn giết tao không?

Hai Còn gật: 

- Đúng là tôi căm thù ông. Mấy lần ông đánh tôi thật vô lý. Nhưng với tôi thì sao cũng được. Có lần ông chỉ huy bọn lính đánh ông già tôi khi ông thân tôi và nhờ lính trao thuốc rê và giấy quyến cho tù cấm cố trong chuồng cọp. Thử hỏi, xin vô phép, cha sếp bị người ta đánh trước mặt sếp, sếp có dung tha không? Thú thật là từ lâu tôi rình cơ hội để mạng đổi mạng với sếp, tiếc rằng hôm nay tôi đuối sức nên cú độc chiêu cước của tôi không trúng đích với đầy đủ mười phần công lực. Bây giờ sếp cứ việc giết tôi theo đúng luật sát nhân giả tử...

Long im lặng thật lâu như suy nghĩ điều gì lung lắm. Bỗng hắn vụt nói: 

- Khi đá tôi, anh quyết chí mạng đổi mạng, nghĩa là anh dám chết. Còn bây giờ anh còn dám chết nữa không?

Một câu hỏi hóc búa. Trả lời thế nào đây? Cái chết đã nắm chắc trong tay rồi, khiêu khích nó nữa có ích gì. Ở đời phải biết lúc nhu, lúc cương, sao cho được việc. Hai Còn đấu dịu: 

- Sếp tâm lý quá! Đúng là khi tính mạng đổi mạng, tôi quyết chết. Giờ đây sếp còn sống nhăn mà mình chết thật vô lý quá. Vậy là mình thua một độ đến chết người. Bây giờ mà chết là đau lắm! Thú thật với sếp là tôi rất xấu hổ mà tự nhận là tôi cảm thấy sợ chết. Xin nói rõ hơn để tránh hiểu lầm. Tôi biết sợ chết từ khi thấy thái độ bình tĩnh của sếp. Nếu sếp để cho đám lâu la ào vô đánh tôi chết thì tôi chết mà hả dạ vì dám sống chết với một thằng tiểu nhân. Nhưng bây giờ sếp tỏ ra là người quân tử thì tôi thấy ân hận đã thí mạng cùi với một người có lương tri.

Đột nhiên Long cười: 

- Anh lém lỉnh quá! Anh học tới lớp mấy vậy? 

- Dạ tôi mới học hết trường làng. 

- Nếu anh học cao hơn thì tài hùng biện của anh còn nguy hiểm tới chừng nào! Anh quả xứng với biệt danh “Cọp Phú Lợi". Nghe nói tướng Nguyễn Văn Là, sếp của chúng tôi đặt tên đó cho anh phải không? Thú thật tôi có cảm tình với anh đó! 

Để chứng minh lại nói, Long bước tới mở còng cho Hai Còn

Hai Còn nhìn Long với vẻ kinh ngạc. Hai tay anh tê vì còng số 8 siết chặt. Anh kéo áo chùi máu trên mặt: 

- Cám ơn sếp đã tử tế với tôi. Nhưng tôi vẫn thắc mắc... Đáng lẽ sếp phải đối xử với tôi khác... Đằng này sếp làm tôi khó nghĩ... 

Long cười thích thú: 

- Anh thắc mắc việc tôi phân biệt đối xử anh với những người tù khác hả? Có gì khó hiểu đâu! Tại sao tôi không giết anh mà lại đối xử tử tế với anh? Đó là vì anh là người tù duy nhất mà tôi nể trọng. Còn tại sao tôi khinh thường và tàn nhẫn với những người tù khác? Tại vì đa số họ sợ chết. Bởi sợ chết cho nên họ hèn đi, mình thấy họ khúm núm mà phát ghét. Cũng vì phát ghét mà hành hạ cho sướng tay! 

Thật là điều lạ tai Hai Còn mới nghe lần đầu. Té ra kẻ nào dám chết thì không chết, cũng như ra trận, tay nào xông xáo đi đầu lại không sao, còn kẻ lánh né đằng sau lại dính đạn. Trên chiến trường, Hai Còn có lạ gì chuyện đó. Còn đây là Côn Đảo, kẻ dám chết cũng nhiều lắm mà chỉ có anh là trường hợp duy nhất may mắn được gặp kẻ hiếm có. 

Long nói thêm: 

- Tôi thích anh tánh gan dạ, bất phục tùng, đám chết hơn chịu nhục. Tôi thành thật quý mến anh, mặc dù tôi với anh là hai kẻ thù... 

Hai Còn tranh thủ: 

- Trước đây vài phút, tôi cũng nghĩ như sếp, tức chúng ta là hại kẻ thù. Nhưng bây giờ tôi đổi ý. Tôi là Việt cộng có lý tưởng đánh Mỹ-Thiệu giải phóng quê hương. Cái đó rõ rồi. Nhưng còn sếp thì sao?

Long nhìn Hai Còn như khuyến khích. Hai Còn nói: 

- Tôi biết có nhiều người theo quốc gia không vì lý tưởng mà vì nhiều lý do như sợ gian khổ mà không ra bưng kháng chiến, cũng có người bị bắt lính, chọn ngành cảnh sát, công an làm lính kiểng để tránh ra chiến rường. Rồi thì ngày một ngày hai, ngành nào theo ngành ấy, như ông bà mình nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Cái cốt lõi của con người dù ở bên này hay bên kia đều do cái tâm mà trở thành người tốt với kẻ xấu. Tôi không rõ nguyên nhân nào sếp theo nghề giám thị, nhưng trong cách đối xử với tôi đêm nay, tôi thấy cái tâm của xếp còn trong sáng lắm. Cho nên tôi không còn xem sếp và tôi là hai kẻ thù như trước đây. 

- Nói hay lắm! Thưởng điếu thuốc Salem! - Long đưa thuốc cho Hai Còn rồi quẹt lửa châm. 

Hai Còn hít khói thơm bật cười. Long hỏi: 

- Anh cười gì? 

- Tôi cười cái may của tôi. Trước hết là được sếp mời thuốc. Thứ hai là sếp chỉ quẹt cho tôi một diêm là cháy ngay, còn khi nãy, sếp phải quẹt tới ba cây diêm mới đốt được điếu thuốc của sếp. Có phải là tôi hên không? Hút thuốc thơm mà đứng thì mất ngon. Xin phép sếp cho tôi ngồi. 

- Thì anh cứ ngồi! Nãy giờ mải mê nghe anh nói mà tôi quên mời anh ngồi. Thật là vô lễ quá. 

Hai người hút thuốc, thấy trong lòng thơi thới. Long nhìn đồng hồ, dõng dạc ra lệnh: 

- Về!

Long đi ngay lại xe Honda nổ máy, quay lại bảo Hai Còn: 

- Anh lên xe đi với tôi! 

- Thưa sếp tôi đi bộ về khám được. 

Long đưa tay ngoắt: 

- Không phải về khám mà về nhà tôi chơi. 

Hai Còn chưa tin hai tai mình thì Long quanh xe lại sát bên cho Hai Còn leo lên: 

- Lên xe về nhà tôi chơi cho biết. 

Nhà cũng gần, vài phút là tới, Long giới thiệu người tù mặt mày còn sưng và tím bầm với vợ: 

- Bạn của anh đó, nấu cơm nhiều nghe. 

Xin tạm kết chuyện người tù không sợ chết đã chinh phục được tên giám thị ác ôn Long như thế đó. Đúng là chân lý: Dám bước qua cái chết để mà tìm được cái sống - mà cái sống vinh quang, cái sống trong chiến thắng mới là tuyệt vời.

KỸ SƯ TRỊNH VĂN HÀ TỔNG ĐẠI DIỆN KHÁM LỚN RA CÔN ĐẢO

Kỹ sư Trịnh Văn Hà là đại điện tù Côn Đảo. Nhân dịp Cao ủy Bollaecrt về Pháp ghé đảo, chủ ngục ra lệnh tù diễn kịch cho Bollaecrt xem. Thay vì diễn hài kịch "Le Ledicin malgré lui " (Y sĩ bất đắc dĩ ) của Moliere, nhưng anh Thắng lại đọc bài diễn văn tố cáo chế độ thực dân xâm chiếm thuộc địa. Cả sân khấu đều như bị điện giật, nạn nhân trước nhất là chúa đảo đã để bọn tù áo trắng giỡn mặt với vị đại thần số một của Đông Dương.

Chúng tôi ra Côn Đảo ngày 6.8.1947, trong chuyến tù thứ ba; gần 400 anh em tù Khám Lớn xuống tàu. Cũng cần nhắc lại hai chuyến ra trước. Chuyến đầu tiên chở trên 300 tù cập bãi Nhà Thờ vào trưa ngày 27.5.1946. Phần lớn là anh em kháng chiến, trong đó có 56 người mang án tử hình và 22 chiến sĩ Vệ Quốc đoàn thuộc đại đội Ký Con bị bắt trong trận giao tranh tháng 11.1945. Đại đội trưởng Nhâm Ngọc Bình bị kết án tử hình, sau giảm xuống chung thân khổ sai. Dưới thời giám thị trưởng Gimbert, xảy ra vụ Công-plô, Pháp gọi là Affaire de Complot, mà chủ mưu là Gimbert bịa chuyện Giám thị trưởng Toustout thân Việt Minh để loại trừ phe không ăn cánh với chúng. Trong vụ này Gimbert sử dụng những tên tù gian Đoàn Công Thành, Nguyễn Thành Út, Lê Trọng Nghĩa bịa ra vụ "âm mưu cướp đảo” để thực hiện hai mục đích: loại giám thị trưởng và tạo cớ khủng bố tù kháng chiến. Vụ Complot gây tác hại nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Nam Kỳ tự trị Nguyễn Văn Thinh phải đích thân ra đảo điều tra. Kết quả là tên Gimbert bị đổi đi. Nạn khủng bố cũng giảm bớt.

Chuyến tù thứ hai ra đảo ngày 2.9.1946. Anh em gọi đây là chuyến tù áo trắng. Đại úy Hornecker (người Pháp gốc Đức) cùng ra đảo trong chuyến tàu đó để nhận chức Giám đốc. Còn chức giám thị trưởng của Gimbert thì được Himaire thay. Hornecker là Đảng viên Đảng Xã hội Pháp nên đối xử với tù khác hơn các giám đốc trước. Ông nghiêm cấm gác-dan đánh đập tù vô cớ. Ông cũng xem lại toàn bộ vụ Complot và gửi báo cáo lên Cao ủy Pháp (tương đương với chức Toàn quyền Đông Dương trước 45). Nhờ vậy, Toustout được miễn tố. Các tù nhân bị Gimbert bắt oan được giải tỏa. 12 anh bị tố là Ban Tham mưu vụ cướp đảo trong đó có các anh Võ Oanh, Tư Ba Đào, Lương Văn Thắng, Nguyễn Văn Đường, Trần Văn Lai, Trần Văn Trung, Trần Văn Sử, Tư Mách, Tư Tỷ... được đưa về Khám 2 bổ sung kíp may quần áo tù. Do cách đối xử nhân đạo với anh em tù chính trị nên Hornecker được anh em gọi là "Đại úy Việt Minh".

Xin trở lại chuyến tù thứ ba ra đảo ngày 6.8.1947. Bấy giờ giám đốc đảo là đại úy Brulé thay đại úy Hornecker từ tháng 5.1947 theo lệnh của Cao ủy Bollaert. Anh em gọi tên này là thằng Ba Cháy. Khác với các tay võ biền, Jacques Brulé có bằng cử nhân văn chương và có tham vọng ghi dấu ấn của mình trong thời gian làm chúa đảo. Với số tù nhân mới ra, nhân số tù trên đảo lên tới số ngàn. Cụ thể là 960 người. Nắm cả phần xác lẫn phần hồn cả ngàn sinh mạng, oai lắm chớ. Công việc đầu tiên của Ba Cháy là sửa sang lại các cơ sở trên đảo như nhà giam Sở Muối để thay Sở Rẫy An Hải sắp sập đổ; tăng nhân công Sở Bản chế (Atelier) đóng một sà-lan gỗ trọng tải 40 tấn để chuyển hàng từ tàu lớn vô bờ.

Trận mưa ma-trắc tại Cầu Tàu 914 

Trời yên biển lặng suốt ngày 6.8.1947, nhưng khi tàu cặp bến Cầu Tàu 914 thì giông bão nổi lên dữ đội . Cả đại đội thầy chú trực sẵn hai bên đường, thẳng tay nện ma-trắc xuống đầu anh em tù vừa mới tới cái cầu tàu đã được xây lên trên thân xác của 914 người tù xấu số. Không biết tục lệ tiếp đón tù Sài Gòn ra đảo bắt đầu từ đời tên chúa đảo nào, nhưng ý chí bất khuất của những người chiến sĩ sa cơ nhất định phải chống lại, dù phải trả giá nào. Cảnh tượng 400 tù nhân xếp hàng hai, tay mặt người này còng với tay trái người kia, bị đập dùi cui lên đầu lên mặt, máu chảy ròng ròng, thấm ướt cả áo quần, rơi xuống đỏ đường khiến bao nhiêu người sục sôi bầu máu nóng. Bọn gác-dan và lính đang điên cuồng nện dùi cui lên đầu lên cổ đám người chiến bại thì bỗng một tiếng thét vang lên dữ dội làm chúng giật mình dừng tay lại:

- Arrêtez! Pas de barbarie ici! (Ngừng tay lại ! Không được giở trò dã man ở đây !). 

Tiếng thét thật oai. Giọng Tây chính hiệu người Paris. Bọn gác-dan Tây nhìn nhau ngơ ngác. Ai ra lệnh cho chúng dừng tay lại vậy? Ông Tây nào có quyền phá vỡ cái thông lệ "averse de matraques" (mưa dùi cui) để giằn mặt bọn tù Khám Lớn Sài Gòn. Chúng còn đang hoang mang thì một tiếng hô to tiếp theo, lần này bằng tiếng Việt: 

- Ngẩng cao đầu mà đi tới, anh em ơi !

Thừa lúc bọn lính ngơ ngác, anh em tù ngẩng cao đầu tiến bước. Khí thế bỗng chốc đột biến. Chừng bọn gác-dan sực tỉnh lại thì bàn tay của chúng cũng đã bớt hăng hái. Và chúng biết trong chuyến tàu này, mấy trăm tù Khám Lớn ra đảo có một người phụ trách. Người đó là trí thức nói tiếng Tây cũng giòn như xừ Capitaine Jacques Brulé thuộc binh chủng Lê dương thiện chiến. Sự kiện đáng chú ý này được báo lên giám đốc Ba Cháy và ngay hôm sau, đại diện được Ba Cháy mời lên văn phòng:

- Anh là kỹ sư nông nghiệp, tên Trịnh Văn Hà, lại còn có tên là Nguyễn Văn Tư, sao nhiều tên vậy? 

- Nguyễn Văn Tư là tên cha mẹ đặt. Còn Trịnh Văn Hà là tên kháng chiến. 

Ba Cháy gật gù: 

- Cán bộ Việt Minh nào cũng có thêm cái tên tự đặt mà tôi gọi là "nom de guene" (tên chiến sĩ ). Anh là kỹ sư canh nông, tất nhiên là anh yêu thiên nhiên cây cỏ, thích trồng trọt. Vậy tôi giao cái vườn rau cải của giám đốc cho anh trông coi. Có được không? 

Tư Hà nhìn theo cánh tay của Ba Cháy. Đó là một vuông đất gần như vuông vức bề cạnh 50 thước, đang trồng cải xà lách, cà tô mát và măng tây.

Anh gật đầu: 

- Ra đây mà được ông giao việc đúng với ngành nghề thì thật là một may mắn cho tôi. 

Ba Cháy nhìn thẳng vào mắt Tư Hà nói: 

- Tôi chỉ yêu cầu anh một việc: Chấm dứt ngay cho việc kích động tù nhân chống lại lính gác-dan như hôm qua.

Tư Hà nhìn Ba Cháy, thẳng thắn đáp: 

- Ông dùng chữ kích động là không đúng. Tôi chỉ phản ứng theo bản năng tự vệ. Chúng tôi mới tới đảo, chưa vi phạm một nội qui nào mà bị một trận mua matraque tàn bạo như vậy là không thể chấp nhận được. Tôi chỉ la lên : "Hãy dừng tay lại". Chỉ có thế thôi. Với tư cách là "représentant général" (tổng đại diện) tôi phải lo cho anh em cũng như cho bản thân lôi, những người chiến sĩ bưng biền phải được đối xử tử tế. Đại úy là người Pháp mới, biết kính trọng các chiến sĩ bưng biền thời chống quân Đức chiếm đóng trong Đệ nhị thế chiến thì chúng tôi cũng mong đại úy thông hiểu tâm trạng của chúng tôi. 

Ba Cháy gật gù một lúc rồi nói: 

- Bắt đầu từ hôm nay, anh trông coi cái potager (vườn rau) của tôi. Tôi có hạt giống melon (dưa hấu Tây), anh trồng thử xem.

Tư Hà bắt đầu tìm hiểu tên chúa đảo Jacques Brulé. Bọn Tây xem Côn Đảo là vùng đất quân sự nên giao cho sĩ quan Hải quân trông coi. Ba Cháy, gọi theo anh em tù: quan ba thì gọi là Ba, quan tư thì gọi là Tư, Brulé là Cháy-là nhà binh, nhưng có khác một chút: anh ta đậu cử nhân văn chương. Điều này rất hiếm. Tư Hà biết sở thích và cũng là sở trường của chúa đảo nên thường đem văn chương ra nói mỗi khi gặp ông ta. Cần tạo tình cảm trước đã rồi tùy nghi mà đưa ra từng vấn đề cải thiện đời sống trong khám giam. 

Ba Cháy thường mặc sắc phục đại úy Lục quân, quần short, sơmi kaki vàng, đội calot, vai mang ba lon vàng. Mặt xương cương nghị.

Tư Hà chăm sóc vườn rau của chúa đảo xanh mướt hơn trước. Ba Cháy rất hài lòng về mấy chục cây melon lần đầu tiên được trồng trên đảo. Tư Hà chỉ để mỗi dây một hai trái, do vậy mà trái rất to. Chiều chiều hai vợ chồng chúa đảo thích ra vườn rau ngắm dưa hấu Tây. Có một trái to nhất, có thể cắt cuống đem về nhà ăn, nhưng Marianne-vợ Ba Cháy thích để lại vườn để chiều chiều ra ngắm. 

Thế rồi, hôm sau trái melon "yêu quí" bỗng nhiên mất tích. Bà vợ chúa đảo cự Tư Hà ác liệt. Nhưng Ba Cháy biết tù nhân không ai dám làm hỗn như vậy. Ông ta điều tra thì té ra mụ đầm vợ thiếu tá hải quân Meynier lén hái trái dưa đẹp nhất vườn. Thiếu tá Maynier chỉ huy trạm liên lạc hải quân của Hạm đội Viễn Đông đặt trên đảo để tăng cường an ninh trên đảo theo yêu cầu của Ba Cháy. Sau đó Marianne xin lỗi Tư Hà và tiếp tục tìm người tù kỹ sư canh nông để nói chuyện tào lao cho qua những ngày sống lưu đày trên hòn đảo ngục tù. Nhờ tình cảm của Marianne mà Tư Hà được Ba Cháy tín nhiệm thêm. 

Qua những trao đổi có vẻ như bâng quơ Tư Hà được biết quan điểm về tù chính trị của chúa đảo. Ông ta nhận định tù chính trị khó cai quản gấp mấy lần tù thường phạm, khó về mọi phương diện. Trước Brulé, quan ba Việt Minh - tức chúa đảo người Pháp gốc Đức Hornecker đã có những cải tiến chế độ nhà tù dễ thở hơn thời tên ác ôn Gimbert. Brulé cứ tiếp tục hệ thống tổ chức do đại úy Việt Minh để lại. Khẩu hiệu của Ba Cháy là "chuyện ai nấy làm". Thấy Ba Cháy thích văn chương, Tư Hà đề nghị lập ban kịch để giải trí cho anh em trên đảo. Ba Cháy đồng ý ngay với điều kiện là phải diễn kịch Pháp, diễn viên phải nói tiếng Pháp. 

Tư Hà liền liên hệ với các anh có năng khiếu về kịch như các anh Phan Văn Đại, Lương Văn Thắng, Lưu Văn Lê, Hoàng Hữu Kình chuẩn bị kịch bản và diễn viên. Anh Phan Văn Đại có vở kịch thơ, anh Lương Văn Thắng có vở kịch "Hội sợ vợ", anh Lưu Văn Lê kiếm được vở kịch của Molière tựa là "Le médecin malgrélui" (Thầy thuốc bất đắc dĩ ). Để làm vừa lòng Ba Cháy, ban kịch diễn vở hài kịch "Thầy thuốc bất đắc dĩ", rất được Tây đầm khen tù chính trị Việt Minh diễn kịch thật hay, nói tiếng Tây "giòn rụm". Thừa thắng xông lên, anh em xin được diễn kịch tiếng Việt, tất nhiên nội dung được dịch ra cho Ba Cháy duyệt trước. Vở "Hội sợ vợ" được Ba Cháy thông qua và anh em tập tuồng để chuẩn bị chương trình văn nghệ Xuân Mậu Tý (1948). 

Giáp Tết năm ấy, có phái đoàn chính phủ Nam Kỳ ra thăm Côn Đảo gồm có Trần Văn Ân, Bộ trưởng thông tin, Nguyễn Khắc Vệ, Bộ trưởng tư pháp và Lê Tấn Nẫm, Thứ trưởng nội vụ. Trong dịp này, Ba Cháy mời khách quí xem tù diễn kịch. Đêm diễn có vở hài kịch "Le bourgeois gentilhome" (Trưởng giả học làm sáng), nhạc cảnh "Công chúa ngủ trong rừng", kịch vui "Hội sợ vợ"... Khán giả hết lời ca ngợi. Vợ thiếu tá hải quân Meynier nói: "Tôi có cảm tưởng như ngồi trong một rạp hát ở Paris". Gác-dan Loiseau xin xem cho được các bộ quần áo sang trọng của các diễn viên đóng vai trưởng giả. Hắn trố mắt kinh ngạc khi thấy áo lộng lẫy trong đêm diễn bằng bao bố tời nhuộm, râu tóc làm bằng tơ gai, phấn son là thuốc đỏ, ký ninh vàng... Trần Văn Ân buột miệng tuyên bố: "Ở tù như mấy anh có khác nào đi nghỉ mát". Một diễn viên đốp lại: "Vậy thì xin mời ông ra đây nghỉ mát". Chuyện diễn kịch ở đảo đã gây tiếng vang mà suốt đời Cao ủy Bollaert không thể nào quên.

Mùa thu năm 1948, Bollaert mãn nhiệm kỳ Cao ủy. Trên đường về Pháp, hắn ghé Côn Đảo. Nhân dịp này, Ba Cháy lại khoe đội kịch tù chính trị Việt Minh. Hắn ra lệnh cho đội kịch diễn tuồng "Le médecin malgré lui”. Ban kịch hội ý rất lâu về việc có nên làm trò cười cho tên thực dân đáng ghét đó hay không? Tư Hà cương quyết không diễn kịch phục vụ thằng chó chết Bollaert. Anh Lương Văn Thắng thì đề nghị nhân đêm kịch, ta tố cáo tội ác thực dân trên hòn đảo địa ngục trần gian này. Sau cùng đi tới nhất trí: diễn kịch trước, tố cáo sau. Tư Hà lãnh phần soạn diễn văn tố cáo, còn Lương Văn Thắng là người đọc bài diễn văn đó, vì Thắng là người đề xướng tố cáo chế độ Côn Đảo trước mặt Bollaert. Đội kịch cũng nhất trí rút đêm diễn còn lại một màn ngắn gọn, rút bớt số diễn viên để hạn chế tổn thất. Chỉ còn năm diễn viên trong ban kịch tù áo trắng gồm các anh Lương Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Lân (thư ký Kho bạc), Trần Duy Giang (thư ký văn phòng giám đốc), Lưu Phè (Sở rẫy) và Quảng (hợp tác xã tiêu thụ). 

Bollaert xem kịch ngay trên tàu viễn dương chứ không thèm bước xuống hòn đảo ngục tù. Ba Cháy cho cũng đưa đội kịch ra tàu lớn. Trên tàu có các khán giả cao cấp như đô đốc tư lệnh hải quân Pháp tại Viễn Đông Battet và đám phóng viên hãng AFP (Agence Francaise de Presse) các báo Joumal d'Extrême Orient (Viễn Đông nhật báo), Courrier de Saigon (Sài Gòn nhật báo). Vợ chồng trung tá hải quân Meynier và vợ chồng Ba Cháy tất nhiên cũng có mặt trong đêm lịch sử này.

Bất ngờ làm sao, thay vì diễn kịch trước, tố cáo sau thì Lương Văn Thắng tự tiện thay đổi chương trình. Màn vừa kéo lên, thay vì đào kép ra thì anh Thắng dõng dạc bước ra móc túi lấy tờ diễn văn ra đọc. Ba Cháy xanh mặt, nhưng không đối phó kịp. Anh Thắng tố cáo chế độ thực dân được vài câu thì Bollaert xô ghế đứng lên nạt lớn: "Assez! Vous êtes tous des tenoristes, des assassins" (Thôi đi! Mấy người đều là quân khủng bố, quân sát nhân). 

Đêm kịch kết thúc hoàn toàn bất ngờ cho cả hai phía. Phía Bollaert, Battet các phóng viên bất ngờ đã đành, còn đội kịch cũng bất ngờ. Trong một phút bốc đồng, anh Thắng đã phá hỏng kế hoạch mà Tư Hà bố trí theo nguyên lý "tiên lễ hậu binh", giao hữu trước tạo không khí thân thiện rồi tố cáo sau. Liều thuốc đắng phải bọc đường cho dễ nuốt. Đó là kinh nghiệm quý báu rút ra trong đêm kịch lịch sử có một không hai trên đảo. Ba Cháy giải tán ngay đêm kịch, hết lời xin lỗi thượng cấp bỏ qua cho. Ngay đêm đó ban kịch bị nhốt cát-xô. Ba Cháy điểm mặt Trần Duy Giang là thư ký văn phòng hắn ta: Tu m'as trahi ! (Mày phản tao!). Có một an ủi lớn dành cho năm anh diễn viên: người lính Malgachè (đảo Madagascar) có nhiệm vụ đưa rước đội kịch bằng canô đã nhiệt liệt ca ngợi tinh thần dũng cảm chống thực dân đế quốc của dân tộc Việt Nam mà năm anh là tiêu biểu. Tinh thần đó đã đánh thức ý chí quốc gia dân tộc của người lính coi tù này.

Sau đêm kịch đó, Ba Cháy hiện nguyên hình là một ngụy quân muốn biến nhà tù thành một trung tâm giáo dục để phục hồi nhân phẩm. Không thực hiện được ý đồ đó, hắn ta quay 180 độ, siết chặt lại, cấm tù áo xanh không được ra khỏi trại trong ngày nghỉ, bắt tù áo trắng tối phải vào Bagne I ngủ, lập chế độ cấm cố tại Khám 6. Ba Cháy còn có vài thất bại lớn nữa là trong hai năm làm chúa đảo của hắn xảy nhiều chuyến vượt đảo mà vang dội nhất là vụ 25 tù cướp ghe máy khi ra khơi đánh cá. Cuộc vượt đảo này do anh Nguyễn Văn Chì, chiến sĩ Ban công tác số 4 chỉ huy, có sự nội ứng của hai giám thị Nguyễn Văn Đang và Nguyễn Văn Ngọc. Hai giám thị người Pháp Barère và Mougues bị tù tước súng. Mougues nhảy xuống biển, bị tù bắn chết. Ngày hôm sau thuyền máy cặp biển Mỹ Thanh (Bạc Liêu). Hai thầy chú Đang và Ngọc được giác ngộ tham gia kháng chiến. Gác-dan Barère cũng được tù vượt ngục xin tha tội chết đã tỏ ý ân hận về tội hành hạ tù Côn Đảo những năm trước.

Chúa đảo Tư Hố, lấy độc trị độc 

Cuối năm 1948, thiếu tá Henri Lafosse (anh em đặt tên Tư Hố) tới thay Ba Cháy làm giám đốc Côn Đảo. Lúc này đội ngũ tù nhân Côn Đảo đã bầu ban lãnh đạo thống nhất gồm các anh: Nguyễn Đình Thâu (khám tử hình), Trịnh Văn Hà (Sở rẫy giám đốc), Lê Trung Khá (Khám 6), Tư Ba Đào (nguyên là cặp rằn Khám 3 Khám Lớn Sài Gòn được giác ngộ trong cuộc cách mạng Khám đường năm 1946) và Phan Văn Đại (Ban công tác thành). 

Ngày 7.11.1948, gác-dan Bénares Sở Củi đánh chết anh Trần Văn Tôn, người đi đầu trong cuộc lãn công, ban chấp hành ra lệnh đấu tranh. Tất cả tù chính tri, kháng chiến hay tù tư pháp tù áo trắng cũng như tù áo xanh đều nhất tề hưởng ứng. Toàn bộ sinh hoạt trên đảo đều tê liệt. Tư Hố lấy làm lo. Hắn phạt giam xà lim bảy người mà hắn cho là cầm dầu. Đó là các anh Tư Hà, Vũ Ngọc Toàn, Hoàng Phúc, Trần Nhật Quang, Lê Tam, Đỗ Văn Đích và Bát. Bảy anh tuyệt thực phản đối. Tới ngày thứ bảy, Tư Hố phải hủy bỏ lệnh giam xà lim.

Sau đó gác-dan Jurvarver bắn chết anh Ba Minh tức Đồng Văn Huy tại Banh I vì anh đòi bỏ còng ròng rã ba năm liền. Tiếp theo tên Novac, chủ Rờ sẹc đánh chết anh Nguyễn Văn Điều bị vu tội vượt ngục. Trước chế độ tàn bạo đó, tù nhân cương quyết vượt đảo. Vụ vượt ngục ở Bảy Cạnh khiến Tư Hố lo sợ. Hải đăng ở hòn Bảy Cạnh đang sửa chữa với số tù lấy từ Sở lưới và Chỉ Tồn. Tháng 5.1949, Tư Hố quyết định đưa một kíp tù sang ở hẳn Bảy Cạnh để giảm thời gian đi về. Kíp thợ này gồm 44 người do anh Đặng Văn Hà tức Hà Lào chỉ huy. Hà Lào là tình báo Khu 6 bị địch bắt ở Nha Trang đưa về Khám Lớn Sài Gòn, sau đó đưa ra đảo. 

Một sáng giữa tháng 5.1949, Hà Lào và các đồng chí bắt gọn tên gác-dan Charton rồi lên hải đăng bắt gác-dan Brasiller, vợ chồng người gác hải đăng Dupay, đoạt một tiểu liên, một súng trường và một số lựu đạn. Ngay ngày đó họ đóng xong một thuyền dài 6 mét, ngang 2,5 mét. Thuyền được bọc thiếc, ép vải, sơn bên trong. Không may khi hạ thuyền gặp sóng xô vào bờ đá vỡ tan. Anh em vớt lên đóng lại, so với 50 người vượt ngục thì thuyền quá nhỏ, khi được đóng lại. Do bất đồng ý kiến nên tốp đóng thuyền hạ thủy sớm, về đất liền, bỏ lại 19 người đã chủ trương không phá hải đăng, không cướp bóc và đối xử nhân đạo với các gác-dan. Nhờ tư cách đó mà số người này được đám gác-dan nói tốt với Tư Hố. Anh Hà Lào dặn anh em khai giống nhau là chỉ muốn về với gia đình chớ không tán thành phá hải đăng, đánh đập các gác-dan, vì vậy mà những người chỉ huy vượt ngục bỏ chúng tôi lại. Vợ người gác hải đăng Dupay là người Tư Hố đặc biệt ưu ái cũng bảo vệ số anh em bị bỏ lại. Nhờ đó số anh em này được cho nằm dưỡng bệnh tại nhà thương thay vì nhốt cát-sô.

Dưới thời Tư Hố, anh em phát động phong trào trừ gian. Phong trào này do anh Nguyễn Đình Chính tức Chính Heo-trưởng ban công tác I đề ra: "Ban công tác thành có sứ mạng giết giặc trừ gian". Anh em đã diệt tên Nguyễn Văn Tốt, tay sai chủ Sở bản chế Normand và tên điềm chỉ ở Sở lưới Võ Phương Ninh.

Vụ diệt tên mật thám Trần Dư do hai anh Nguyễn Quốc Hương và Nguyễn Trí Tuệ đang còn làm cho bọn tù gian hoang mang thì tên chỉ điểm Sổ ở Sở củi bị Hoàng Kiếm Thanh khử làm chấn động cả đảo. Hoàng Kiếm Thanh là tay anh chị ở Khám Lớn Sài Gòn được anh em tù nhân giáo dục dưới thời tổng đại diện Hoàng Xuân Bình. Tiếp theo là tên chỉ điểm Vàng ở nhà thương cũng bi hai anh Giáp và Sáu Cầy diệt ngày 5.12.1950. Tháng 11.1950, tạp chí "Côn Đảo mới" công bố danh sách Ban chấp hành Liên đoàn tù nhân gồm các anh Tư Ba Đào, chủ tịch; Trịnh Văn Hà, phó chủ tịch kiêm tổng đại điện; Trương Anh Tuấn, trưởng ban tuyên truyền; Lê Ngọc Hương, trưởng ban huấn học và Nguyễn Tiếp, trưởng ban xã hội.

Tư Hố có sáng kiến lấy độc trị độc lập ra Liên minh dân chủ xã hội, gọi tắt là Liên xã gồm toàn tù gian thuộc các nhóm phản động như Quốc dân đảng, Đại Việt, Cao Đài, Hòa Hảo với những tên cầm dầu Nguyễn Văn Tân, Lê Trung Chánh, Nguyễn Văn Kỷ, Già Huệ, Võ Văn Nguyệt. Được giám thị trưởng Rognon bao che, Liên xã đem dao nhọn vô khám hành hung Ban chấp hành tù nhân khu. Trong hai tháng sử dụng Liên xã, Tư Hố đã đưa 250 tù kháng chiến vào biệt lập. Nhưng anh em tù nhân vẫn giữ được tinh thần trước bọn Liên xã được Tư Hố đưa lên trị tù kháng chiến theo kiểu cặp rằn trước đây

Chiến tích âm thầm của Ban chấp hành Liên đoàn tù nhân dưới thời Tư Hố là gây được phong trào đời sống mới. Báo chí và văn nghệ phát triển mạnh. Báo có các tờ "Côn Đảo mới", tiếng nói của liên đoàn, tờ "Đời sống mới", tờ "Văn nghệ”.. . Các khu có báo "Cởi áo giang hồ" (tù thường phạm), “Bạn tù” (Khám tử hình), tờ "Đoàn kết" (Sở rẫy An Hải), “Tiến lên" (Lò vôi), “Xây dựng" (kíp thợ hồ), "Thắng lợi" (Sở củi), "Tiền phong" (Chỉ  tồn) . Hai tờ "Lao động" và "Công nhân" ra hàng tháng. 

Về văn nghệ thì các ca vũ khúc nở rộ như Ngày giải phóng, Mộng thoát ly, Tình không biên giới, Mùa gió chướng, Ma Thiên lãnh... Hai anh Châu Nháy ở Nhà bếp và Bình ở nhà đèn làm ra những cây đàn cũng bằng gỗ thùng cầu, dây đàn làm bằng dây điện. Nhạc sĩ Nguyễn Sáng điều khiển dàn nhạc thu hút được chủ Sở Nhà thương Pétronali và bác sĩ Jean Charles. 

Với phong trào đời sống mới, anh em cổ võ nếp sống văn minh, vệ sinh, ngăn nắp, không chửi thề. Chuyện vui là giám thị Dominique Mai mở miệng là Đ.m.cũng hưởng ứng. Nhưng quen miệng, anh ta lại Đ.m. Để tỏ ra tiến bộ, anh ta cũng tự vả vào miệng mình và đứng nghiêm như thể lệ đề ra. 

Chuyện ít người biết là bác sĩ Jaen Charles là đảng viên xã hội Pháp, mến mộ tổng đại diện Hoàng Xuân Bình ở Khám Lớn Sài Gòn, ra đảo tìm ngay kỹ sư Trịnh Văn Hà mà anh Bình đã giới thiệu. Bác sĩ bảo anh Tư Hà thông báo cho anh em biết, cứ luân phiên khai bệnh để bác sĩ cho nghỉ dưỡng sức. Bác sĩ Charles rất thích đọc báo tù và khi hết nhiệm kỳ ở Côn Đảo ông xin vài tờ mang về Pháp làm kỷ niệm.

Tư Nghêu (Jarty) mất cảnh giác với trại tù binh 

Thiếu tá H. Jarty thay thiếu tá Lafosse. Tên này có thói thích ăn nghêu nên anh em gọi nó là Tư Nghêu. Tư Nghêu gây ấn tượng dữ dằn là đánh tù ngay khi tàu rời bến Bạch Đằng. Anh em hát quốc ca chào đất liền để ra đảo. Tư Nghêu thẳng tay đàn áp. Tới Côn Đảo, hắn còn đuổi theo đánh tới Banh 1. Hắn với giám thị trưởng Patxi (thay tên Rongnon) là cặp bài trùng chuyên chỉ huy bọn ác ôn đánh tù Chí Hòa vừa ra đảo. Hắn đánh anh Lý Hải Châu chết giấc khi biết anh Châu lãnh đạo cuộc tuyệt thực 11 ngày tại khám Chí Hòa. Tư Nghêu tiếp tục chủ trương dùng bọn Liên xã đàn áp tù kháng chiến. Lúc này Liên xã đông tới 300 tên. Tại Sở lưới, có tên Trần Văn Khánh là tay sai đắc lực của chủ sở Mathieu. Các anh Vũ Ngọc Chung, Châu Bình Phong, và Nguyễn Thông quyết đánh đổ tên này, nhưng thất bại. Châu Bình Phong bị lôi về hầm xay lúa đánh đập ác liệt. Vũ Ngọc Chung bị đưa về khu biệt lập. Bọn Liên xã ở Sở lưới đâm chết anh Trần Văn Vinh ngày 3.5.1954. Còn ở các sở khác thì vai trò của Liên xã kết thúc sớm. Dần dần số Liên xã tuột xuống còn 100 tên. Tên cầm đầu Nguyễn Văn Tân thắt cổ tự tử ngày 27.2.1953. Có dư luận cho rằng tên Tân bị bức tử vì dính líu vụ thâm lạm 200.000 đồng ở hợp tác xã tiêu thụ. Lê Trung Chánh cũng chết vì bệnh lao. Còn Võ Văn Nguyệt thì về sau bỏ Pháp theo Mỹ.

Tù kháng chiến dù bị đưa vô khu biệt lập vẫn sống có tổ chức, được học văn hóa, chính trị. Anh Bảy Vinh, cũng có lúc lấy tên là Bảy Định, Đào Năng An, nguyên chủ bút báo "Chống xâm lăng", cơ quan của Thành bộ Việt Minh Sài Gòn-Chợ Lớn năm 1947 , là giảng viên xuất sắc. Bạn tù học được ở anh phương pháp duy vật biện chứng và phong cách đạo đức của người cách mạng trong tù. Về học tập chuyên môn thì hai kỹ sư nông nghiệp Trịnh Văn Hà và Lưu Văn Lê tổ chức thảo luận về Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười. Nhiều anh em tham gia nhóm Thanh niên Đồng Tháp Mười với ước mơ trở về cải tạo Đồng Tháp Mười thành vựa lúa lớn nhất Đông Nam Á sau khi mãn tù. 

Sự kiện lớn nhất dưới thời Tư Nghêu là cuộc vượt ngục lớn nhất trong lịch sử Côn Đảo ngày 12.12.1952.

Ngày 3.5.1951 , chuyến tù binh đầu tiên tới Côn Đảo. Tất cả tù binh là bộ đội Trung Bắc Bộ được đưa về Banh II giam trong hai Khám 6 và 7. Ngày 6.10.1951, thêm chuyến tù binh thứ hai gồm 135 người từ Bắc Bộ đày ra đảo, giam ở ba Khám 1, 2, 3 Banh II. Cả hai đoàn tù binh đều xin gia nhập Liên đoàn tù nhân Côn Đảo. 

Bây giờ chúa đảo Tư Nghêu đang tu bổ con đường đồn điền từ Sở rẫy An Hải qua Sở rẫy Chuồng Bò. Năm 1952, hắn mở thêm con đường ra Bến Đầm. Và hắn sử dụng lực lượng tù binh làm nhân công làm đường.

Tháng 7.1952, lại thêm chuyến tù binh thứ ba ra đảo, giam tại Banh III. Tháng 10.1952, lại thêm hai chuyến tù binh nữa gồm 160 người, cũng đưa về Banh III. Đến tháng 12.1952, tổng số tù binh lên 548 người. Sự kiện 12.12.1952 gọi là sự kiện Bến Đầm đáng ghi nhớ. Cuộc vượt ngục có đến 200 người tham gia vừa chết vừa bị bắt. 

Xin tóm tắt cuộc vượt ngục táo bạo này. Năm 1952 là năm tù nhân lập phương án vũ trang giải thoát. Bộ phận làm đường ở Bến Đầm tiến hành đào hầm bí mật ngay dưới lán để đóng thuyền vượt ngục. Lán rộng 6 mét, dài 30 mét nằm trong thung lũng giữa mũi Cá Mập và vịnh Bến Đầm. Từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm, anh em đào hầm dưới gầm giường. Bất ngờ giữa chừng gặp tảng đá to hơn hai mét khối, nặng vài ngàn cân. Phải nhờ thợ mỏ đánh sập tảng đá xuống hố. Dưới hai căn hầm bí mật, năm chiếc khung thuyền đã đóng xong. Không may năm ấy mùa gió chướng tới chậm. Lại thêm tên Hoàng Minh phản, khai cho gác ngục bắt anh Phan Cơ.

Ngày 12.12, cuộc bạo động nổ ra, bắt đầu từ Bến Đầm, 28 tổ xung kích trói gọn 28 lính da đen. Một tên chạy thoát. Bấy giờ là 11 giờ trưa, 16 giờ ta hạ thủy năm chiếc thuyền thúng may bọc vải, có đủ buồm chèo. Hai thuyền bị vỡ cách bờ không xa. Ba thuyền đi được thì tới sáng thấm nước, nước tràn vào lưng thuyền. Nhiều người phải nhảy xuống biển hy sinh cho nhẹ thuyền. Theo báo cáo của giám đốc Tư Nghêu thì có 198 người vượt đảo. Số bị bắt lại là 117, 81 người chết chìm giữa biển. Những người sống sót, Tư Nghêu tới cự bác sĩ, nhưng Barbier vẫn làm đúng thiên chức của người thầy thuốc. 117 tù vượt đảo bị đưa ra tòa xử. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã biện hộ cho tất cả trắng án, nhấn mạnh chế độ nhà tù quá khốc liệt làm anh em phải nghĩ tới việc vượt ngục. Lính da đen làm nhân chứng không tố cáo những người đã bắt trói họ, bởi vì những người này chỉ muốn về nhà với vợ con.

Thiếu tá Blanck, chúa đảo Pháp cuối cùng ở Côn Đảo 

Thiếu tá Aloise Blanck nhận chức giám đốc Côn Đảo vào mùa hè năm 1953, lên làm chúa đảo nhằm lúc thực dân đang thời mạt vận, khí thế tù nhân đang lên với tin chiến thắng dồn dập. Thống tướng De Lattre de Tassigny, danh tướng số một của nước Pháp sang Đông Dương kiêm luôn hai chức cao nhất là Cao ủy và Tổng tư lệnh tối cao, hy vọng lật ngược thế cờ. Nhưng đó chỉ là ảo vọng. Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp theo là Hiệp định Genève như thêm sức, như chấp cánh cho anh em tù nhân. 

Một sự kiện đáng ghi nhớ là việc tù nhân tranh thủ được tình cảm của thầy chú, cụ thể là vợ chồng y tá Lộc mua giúp radio đặt trong nhà mình cho anh em tù kháng chiến nghe tin tức. Nhờ vậy mà ta nắm được tình hình rõ hơn tên chúa đảo Blanck. Cô Châu, con giám thị Cư thường mở radio ở Nhà thương cho anh em nghe. Ông Trần Văn Thiều, thư ký kho bạc và gác-dan Sami (người Ấn) cùng tổ chức cho anh em nghe lén radio trong nhà hai ông. Anh Minh Nam tức Lê Xuân Cương ở Nhà thương tổng hợp tin tức cho Đảo ủy. Ban chấp hành Đảo ủy gồm có anh Nguyễn Văn Thi, bí thư, Đỗ Hoàng Trừ, phó bí thư kiêm chủ tịch Liên đoàn, Vũ Hồng Vũ, thường vụ, và các anh Nguyễn Văn Nghĩa, Lê Khắc Thành, Trần Công Hiệu, Hoàng Nam tức Phan Xuân Tiềm. Đảng bộ Côn Đảo xác định nhà tù là một mặt trận trong cuộc kháng chiến, tù nhân là một lực lượng của cuộc kháng chiến. Đảng bộ cũng giải tỏa đám mây mù quan điểm sai lầm ở tù là có tội, bị Đảng bỏ rơi, không chỉ đạo mặt trận tù nhân.

Nhiều cuộc vượt ngục xảy ra dưới thời thiếu tá Blanck. Có vụ tranh thủ cả giám thị cùng xuống thuyền về đất liền như vụ cuối thu 1953, bốn nhân viên Rờ-sạc cùng 40 tù nhân kéo gỗ ở Bảy Cạnh vượt đảo. Rất tiếc là thuyền bị sóng xô vô đá ngầm vỡ tan. Tấp vào Hòn Cau, họ lại đóng bè đi nữa nhưng không gặp gió chướng nên lênh đênh trên biển và bị bắt lại. 

Đêm 31.12.1953, ba anh Võ Nguyên, Nguyễn Đức Triêm, Phan Văn Giàu cùng người tù thường phạm thạo nghề thuyền bè hạ thủy thuyền mây tại mũi Lò Vôi giữa lúc bọn Tây đang ăn uống no say mừng tết Tây. Không may thuyền mây lạc tận đất Xiêm. Nhà cầm quyền Xiêm trả họ về Sài Gòn, Tây giam họ tại Chí Hòa. Sau đưa về trại Hạnh Thông Tây (Gò Vấp). 

Trước khí thế của tù nhân, Blanck phản ứng điên cuồng như chó cắn bậy. Đảo ủy chỉ định anh Trịnh Văn Hà, Lê Văn Thống (Tổng đại diện và Phó tổng đại diện tù án) làm Chủ tịch và Phó chủ tịch ủy ban tranh đấu. Các anh Nguyễn Trí Tuệ, Hoàng Phúc phụ trách Ban an ninh. Hiệu lệnh đấu tranh mở màn bằng bài hát Lên Đàng. Nếu địch khủng bố, thì hát bài Chiến sĩ Việt Nam. Lúc chống khủng bố ác liệt thì hát Tiến quân ca. 

Cuối cùng rồi thiếu tá Blanck cũng phải thi hành hiệp định Trung Giả trao trả tù binh. Chiều ngày 26.9.1954, hơn một ngàn tù chính trị xuống tàu về đất liền. Trừ 14 người Khmer và bốn người Lào được đưa về Sài Gòn, tất cả đều thẳng tới Sầm Sơn (Thanh Hóa), Ban lãnh đạo trên chuyến đó có anh Đỗ Hoàng Trừ (quyền bí thư Đảo ủy), Trần Công Hiệu, Lê Khắc Thành, Trần Khắc Du, anh Trịnh Văn Hà là tổng đại diện, Lê Văn Thống, phó Nguyễn Trí Tuệ, Hoàng Phúc là trưởng và là phó Ban an ninh.

Sáng ngày 1.10.1954, anh em treo cờ Việt Nam trên tàu. Trung úy thuyền trưởng yêu cầu ta hạ cờ. Tổng đại diện Tư Hà đã tranh luận với hắn như sau: Ce n'est plus le drapeau planté sur le bunker de Castries. Nous sommes dans les eaux territoriales de notre Patrie qui vient de recupérer son indépendance. (Đây không phải là lá cờ cắm trên hầm tướng De Castries. Chúng tôi hiện đang đứng trên lãnh hải của Tổ quốc chúng tôi vừa giành lại được nền độc lập). 

Tù nhân cương quyết không hạ cờ, thuyền trưởng lệnh cho tàu lùi lại. Các anh Trừ, Hiệu, Du hội ý rồi ra lệnh: ai biết bơi thì nhảy xuống biển lội vào bờ. Trong không khí sục sôi, nhiều người nhảy xuống biển. Thuyền trưởng đành chịu thua, cho tàu tiến vào bờ. Rất tiếc có ba anh Tính, Phụng, Cả không đủ sức bơi, chìm hẳn trên dòng sông Chu. Đây là một khuyết điểm Ban tranh đấu nhìn nhận đã thiếu sáng suốt, đẩy quá trớn tâm lý quần chúng một cách không cần thiết. 

Trong cuộc kháng Pháp 9 năm, tôi không may nếm mùi địa ngục trần gian ngoài Côn Đảo hết bảy năm. Nhưng trong cái không may đó, tôi rút ra được nhiều điều hay. Thời gian ở đảo cho tôi thấy tình đồng đội, đồng chí và tình yêu nước là sức mạnh vô biên giúp con người vượt qua mọi thử thách, dù ác liệt tới đâu, để giữ vững khí phách của người kháng chiến Việt Nam.

DŨNG KHÍ NGUYỄN NGỌC NHỰT

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt đang sống trong nhung lụa ở thủ đô Paris với cô vợ đầm bỗng anh ruột là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích từ Sài Gòn qua báo "chú nên về nước tiếp tục sự nghiệp dang dở của anh”. 

Vậy là ông Nhựt về nước tham gia kháng chiến. Ông bị bắt trong trận càn lớn vô Đồng Tháp Mười ngày 2. 6. 1949. 

Địch dụ dỗ đưa cả cô vợ đầm từ Pháp qua, nhưng Nguyễn Ngọc Nhựt vẫn không đầu hàng kẻ thù.

Tòa biệt thự nằm bên bờ sông Seine, ngoại ô Paris, trông thật xinh xắn và ấm cúng. Từ cửa sổ phòng ngủ, kỹ sư Nhựt nhìn tháp Eiffel cao ngất. Trên chót tháp cao, có nhà hàng sang trọng, du khách thích ngồi ăn và ngắm kinh thành Ánh Sáng dưới chân mình. Nhựt cũng từng đưa vợ đến nơi hẹn hò nổi tiếng này vào những đêm đẹp trời. Những hôm nay, Nhựt nhìn tháp Eiffel với niềm ưu tư. Anh vừa được thư của anh ruột từ quê nhà gửi anh. Anh lẩm bẩm: "Có lẽ mình sẽ vĩnh viễn giã biệt ngọn tháp tượng trưng cho nền văn minh nước Pháp". 

Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Ngọc Nhựt là con ông Đốc phủ Nguyễn Ngọc Tương, người sáng lập Ban Chỉnh Đạo, cũng có người gọi là Ban Chỉnh, nhóm Cao Đài Bến Tre. Bích và Nhựt đều qua Pháp học ngành cầu đường và đều đỗ kỹ sư. Bích cao to, sôi nổi, ăn to nói lớn, còn Nhựt thì trái lại nhỏ nhắn, điềm đạm, ít nói. Cả hai đều lấy vợ đầm. Thời kỳ ấy, công tử Nam Kỳ qua Pháp học thường được đầm mê. Bích đậu kỹ sư rồi về nước trước chiến tranh. Nhựt còn tiếp tục học thì Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Năm 1944, Nhựt cưới vợ, ông nhạc là kỹ sư xây dựng giúp Nhựt học suốt thời gian chiến tranh, lúc đó Nhựt đứt liên lạc gia đình, sống rất chật vật. Đậu kỹ sư rồi, Nhựt làm cho công ty mà cha vợ làm giám đốc. Thương con thì thương rể, ông tặng hai vợ chồng mới cưới ngôi biệt thự họ đang ở bên dòng sông Seine. Cuộc sống đang êm ả như dòng sông hiền hòa, cho đến hôm nay, Nhựt nhận được thư của anh Bích, từ Sài Gòn.

Trong thư Bích viết: "Anh là Khu bộ phó Khu 9, miền Tây Nam Bộ, chuyên sản xuất vũ khí đánh giặc, anh viết thư cho em từ làng Nhơn Ái, tỉnh Cần Thơ. Em có sung sướng khi biết anh đi kháng chiến không?". 

Thư viết tiếng Việt, nhiều danh từ lạ, Nhựt không hiểu, thì ra anh xa quê đã 15 năm trường, suy nghĩ, nói năng toàn bằng tiếng Pháp. Bức thư khiến Nhựt nghĩ nhiều về quê hương. Anh chỉ nhớ lờ mờ tỉnh lỵ Bến Tre rợp bóng dừa và thánh thất An Hội. Về đạo Cao Đài, anh không bận tâm, đành thời giờ cho việc học. Anh cho rằng đạo là việc riêng của những người lớn tuổi, rảnh rỗi như cha anh. 

Khi chiến cuộc nổi lên ở Nam Bộ, báo chí cực hữu Paris đả kích Việt Minh dữ dội. Nay Nhựt mới biết anh Bích mình lại là một Việt Minh cỡ bự: Khu bộ phó Khu 9. Để biết thêm về tình hình quê nhà, Nhựt lân la đến các nhóm Việt kiều ở Paris, nhờ đó anh biết tin kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích bị Pháp bắt sau vụ phá cầu Cái Răng trong tỉnh Cần Thơ qua báo chí. Anh tính giấu tin này nhưng đêm ấy, ông nhạc cầm tờ báo tới cự "Quân khủng bố! Người ta xây dựng, chúng nó xóa bỏ...". Nhựt muốn nhịn nhưng bản chất ăn ngay nói thẳng của dân Nam Bộ buộc anh lên tiếng: 

- Người Pháp cũng làm như vậy trong kháng chiến. 

Thế là một cuộc đấu lý bùng nổ. Cha vợ bênh thực dân, chàng rể bênh kháng chiến.

Sau Sơ ước 6.3.1946, kỹ sư Bích được trả tự do, nhưng buộc phải trở qua Pháp. Một ngày đẹp trời, Bích tới nhà Nhựt. Anh vẫn ồn ào như thường lệ, áo pardessus màu cứt ngựa, quần áo kaki vàng, chân đi bốt, bộ tướng hùng dũng như lúc còn là Khu bộ phó, chuyên phá cầu chặn bước xâm lăng quân đội viễn chinh Pháp. Sự xuất hiện bất ngờ của Bích khiến Nhựt xúc động mạnh. Bích hùng hồn nói tiếng Pháp pha tiếng Việt:

- Anh đã xong nhiệm vụ công dân rồi. Bây giờ đến phiên chú. Chú nên về nước chiến đấu thay anh. 

Nhựt sôi nổi: 

- Từ khi được thư anh, em có ý định về nước kháng chiến. Em theo dõi tin tức phái đoàn Chủ tịch Hồ Chí Minh dự hội nghị Fontainebleau. Em cũng đã tiếp xúc với phái đoàn, với Hồ Chí Minh. Tính về nước nhưng kẹt một điều không xin được visa. 

Bích nói: 

- Nếu chú thật tình muốn về nước kháng chiến thì anh sẽ giúp cho. Chẳng khó gì đâu ! - Bích nói nhỏ - Ta sẽ làm căn cước giả. Chú sẽ nhập các toán ONS (Ouvrier Non Spécialisés - thợ không chuyên bị động viên sang Pháp đánh giặc Đức) về nước theo chuyến tàu chở lính thợ hồi hương. 

Nhựt mừng rỡ: 

- Hay ! Lâu nay em giao tiếp các anh ONS mà không nảy ra sáng kiến đó. 

Bích nhìn em như đắn đo: 

- Nhưng chú đã suy nghĩ chín chắn chưa? Đã chọn lựa thì phải hy sinh "Choisir c'est sactifier quelque chose de très cher" (Chọn lựa nghĩa là phải hy sinh một điều gì đó rất thân yêu). 

Nhựt gật đầu: 

- Em hiểu. Tình vợ con sao nặng bằng tình quê hương.

Bấy giờ là năm 1947. Tại cảng Brest, có nhiều lính thợ ONS xuống tàu về Việt Nam, Nhựt trà trộn trong số này. Lúc đó quân Pháp đang đánh chiếm Hà Nội. Ai nấy đều mong tàu mau đến Hải Phòng để tham gia kháng chiến. Tàu tới ga Sài Gòn trước. Anh em miền Nam lên bờ, tìm liên lạc nhảy ra bưng. Ai cũng nôn nóng làm chiến sĩ bưng biền. 

Như cánh nhạn tha hương hồi quê, Nhựt xao xuyến chờ liên lạc về Bến Tre, trước thăm cha mẹ, anh chị, sau vô bưng làm nhiệm vụ công dân. Anh tới nhà người cậu là dược sĩ Bùi Quang Tùng, có tiệm thuốc Tây ỏ đường Tháp Mười, Chợ Lớn. Gặp lại cháu, ông Tùng không nhận ra vì Nhựt qua Pháp lúc 16 tuổi, nay đã thành trung niên rắn rỏi. Chừng nghe Nhựt kể chuyện hai anh em chạy tiếp sức trên đường kháng chiến, ông Tùng kêu lên: 

- Hai anh em bay đúng là trí thức yêu nước... 

Ông khẽ ngâm hai câu thơ đăng trên một tờ báo trong bưng: 

"Người sau kẻ trước lao vào giặc 

Giữ vững nghìn thu một giống nòi". 

Chiều ấy, Nhựt chứng kiến cảnh phố phường trong thời loạn. Anh lẩm bẩm: "Sài Gòn sao mà giống Paris lúc Đức chiếm đóng, lính lê dương đi lại rầm rập, xe nhà binh chạy ào ào, đồn bót, dây kẽm gai...". 

Cả hai cậu cháu đều có tình cảm với kháng chiến, nhưng ăn nói dè dặt, vì chung quanh có nhiều điểm chỉ…

Hôm sau, Nhựt theo liên lạc về Bến Tre. Không bao giờ anh quên được cảm xúc ngày ấy. Sông Hàm Luông sao mà đẹp lạ ! Ôi những hàng dừa An Hội xõa tóc trên dòng sông xanh mát. Đây rồi, ngôi nhà tổ phụ. Cha anh rút lên lầu từ lâu để không phải tiếp bọn nhà binh xấc láo và bọn Việt gian trơ trẽn. Nhựt lên lầu, anh ôm cha, xót xa vì cha già yếu và không được vui. Ông phủ nói: 

- Người Pháp đã hết nhiệm vụ. Họ phải trả độc lập cho dân Việt Nam. Hai bên nên tránh đánh nhau vô ích. Cha không theo Pháp chống Việt Minh mà cha tuyên bố "nhập tịnh" lên lầu một thời gian. 

Ở nhà vài ngày, Nhựt thấy rõ Thánh thất là cơ sở cách mạng. Thằng quan ba Pháp thấy Thánh thất có cái máy in pédale liền đem truyền đơn tới in. Không ngăn cấm được, ông phủ cho người bí mật tìm đồng chí Bảy Khánh, Bí thư tỉnh, bàn cách đưa cái máy in này vô bưng. Nhà binh Pháp đoán biết ông phủ hiến máy in cho Việt Minh, nhưng không có bằng cớ buộc tội. Làm lớn ra, chúng cũng kẹt, vì không đủ sức bảo vệ an ninh thị xã để Việt Minh tấn công Thánh thất cướp máy in... 

Vài ngày sau, Nhựt theo liên lạc vô bưng, giữa Đồng Tháp Mười, anh gặp luật sư Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam Bộ để nghe trình bày về cuộc chiến tranh giải phóng. Lần đầu tiên, anh được biết bộ mặt của kháng chiến. Nước ngập tràn lan như biển, cuộc sống trên nhà sàn hai bên bờ kinh Lagrange, nay đổi tên là Dương Văn Dương, muỗi cỏ như trấu, đỉa trâu lền như bánh canh. Dân nghèo mặc bao bố, bao bàng, nhưng ai nấy đều hăng hái đánh Tây. Một bài học đầu tiên: nếp sống chứ không phải mức sống mới là điều đáng quan tâm. Đó là khí phách hào hùng của dân tộc: hy sinh tất cả cho độc lập và tự do.

Kỹ sư Nhựt được Ủy ban Nam Bộ giao công tác nghiên cứu giúp Binh công xưởng Khu 8. Về sau anh là Ủy viên Xã hội trong Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Anh là ủy viên trẻ nhất trong ủy ban. Anh đi khắp chiến trường Mỹ Tho, Sa Đéc, Tân An, Chợ Lớn, xâm nhập cả vùng ven thành phố Sài Gòn như Vườn Thơm. Nơi nào có điều kiện, anh mở trường dạy nghề cho thanh niên trở thành hữu dụng trong kháng chiến. 

Thấm thoát được hai năm. Một sự kiện quan trọng đối với anh: cậu anh, dược sĩ Bùi Quang Tùng quyết đinh dẹp tiệm thuốc Tây, vô bưng kháng chiến theo gương hai cháu Bích và Nhựt. Ông Tùng được đưa về Khu 9, làm việc với bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Sở Y tế Nam Bộ. 

Trong trận càn lớn vào Đồng Tháp Mười ngày 2.6.1949, Nguyễn Ngọc Nhựt bị địch bắt tại xã Mỹ An. Bắt được kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, mấy tên cò mật thám Bazin, Mai Hữu Xuân mừng hơn bắt được vàng. Chúng ráo riết thuyết phục, dụ dỗ nhà trí thức yêu nước trẻ tuổi này. Chúng đùng mọi thủ đoạn, như tới Bến Tre xin gặp ông phủ Giáo tông Cao Đài phái Chỉnh Đạo, ngọt ngào hứa hẹn: 

- Nếu ông bảo lãnh cho kỹ sư Nhựt thì chúng tôi sẽ thả. 

Ông phủ lắc đầu: 

- Nó có sứ mạng riêng của nó. 

Bọn Pháp không bỏ cuộc. Chúng đưa ông Trường tiền Dân và Trạng sư Báu nhân danh chức sắc Cao Đài, thuyết phục kỹ sư Nhựt: 

- Hai ông Bollaert (Cao ủy) và Nguyễn Văn Xuân (Thủ tướng) đề nghị ông kỹ sư chọn một trong ba bộ Công chánh, Xã hội, Quốc phòng trong chính phủ...

Kỹ sư Nhựt vẫn làm thinh. Thủ tướng Xuân vốn là đại tá trong quân đội Pháp, tính nóng như lửa, lớn tiếng: 

- Việt Minh làm chính phủ ma, sao ông theo? 

Nhựt cười lạt: 

- Rờ tôi xem? Ma sao làm đổ bao nhiêu nội các Pháp? Sao các anh mê muội quá vậy? 

Tây túng quá, nắm lấy liên hệ gia đình đánh tiếp với chúng. Một người chị khuyên Nhựt: 

- Cứ nhận bừa đi rồi nhảy vô bưng. 

Hai người chị của Nhựt, chị Sáu và chị Bảy cũng nói vô: 

- Mạng sống con người là quan trọng vào bậc nhất... 

Không thấy Nhựt đổi ý, Pháp điện qua Paris cầu cứu cô vợ đầm của Nhựt. Cô lập tức bay qua, năn nỉ: 

- Anh đã làm xong nhiệm vụ rồi. Hãy trở về Pháp với em. 

Nhựt lắc đầu: 

- Hai chúng ta đã là hai thế trận, hai con người, hai tổ quốc. 

Chỉ còn một cách cứu vãn danh dự: Pháp tung tin kỹ sư Nhựt điên, đưa đi Chợ Quán, rồi đưa lên Biên Hòa. Sau đó là thủ tiêu.

Cô Nguyệt, người chị thứ bảy đến nhận xác em. Kỹ sư Nhựt, một thanh niên rắn chắc, hồng hào mấy tháng trước, nay trở thành một hình hài xơ xác, chỉ còn da bọc xương. Bọn thực dân đã tiêm thuốc độc hãm hại con người bất khuất mà chúng không mua chuộc được. Tên tướng De la Tour đã phải thú nhận: 

- Nous ne traiterons jamais avec un communiste (Chúng ta sẽ không bao giờ thương thuyết với một người cộng sản). 

Chính phủ Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt. Năm ấy anh mới 32 tuổi. Ban Chỉnh Đạo Bến Tre rất hãnh diện về hai anh em trí thức yêu nước, con của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương.

KỸ SƯ LÊ VĂN THẢ NGUỜI TÙ "DAGÉNAN"

Kỹ sư Lê Văn Thả tốt nghiệp ngành vô tuyến điện nhưng ông có học năm thứ nhất Đại học Y ở Hà Nội. 

Nhờ vốn liếng y học ít ỏi đó mà ra Phú Quốc và Côn Đảo, ông Thả đã tranh thủ được tình cảm gia đình đám sĩ quan coi tù. Nhóm tù trí thức thuộc phong trào Hòa bình và Bảo vệ sinh mạng, Tài sản đồng bào ra đảo đã nhờ "tài vặt" của anh Ba Thả mà đỡ khổ. 

Tài vặt của kỹ sư vô tuyến điện Lê Văn Thả là gì vậy ?

Trước hết phải định nghĩa Dagénan là gì cho các bạn đọc trẻ biết. Thập niên 40 - cách nay sáu mươi năm, Pháp chế được loại thuốc trị được nhiều chứng bệnh, đặt tên là Dagénan. Đồng bào miệt vườn rất tín nhiệm thuốc này, đặc biệt trị các chứng bệnh lở loét có mủ. Xin kể một chuyện về "hào quang" của thuốc trị bá chứng "Dagénan". Đầu kháng chiến, trước khi ra bưng, tôi mua vài thứ thuốc thông thường như Aspérine, Vitamine C và đặc biệt một ống Dagénan. Vì Tây phong tỏa các vùng giải phóng nên thuốc men khan hiếm, anh em nào từ thành phố ra đều phải thủ sẵn thuốc men cho chắc ăn. Tất cả các món thuốc đó tôi đựng trong túi nhái, tròng qua cổ, kẹp sát nách. Mỗi khi Tây bố, ba-lô có thể giấu cất dưới hầm chứ cái túi nhái với giấy tờ tùy thân và ba mớ thuốc là vật bất ly thân.

Giữa năm 49, theo liên lạc từ Chiến khu Đ về Nam Bộ (Đồng Tháp Mười) tới Kinh Ba (Đức Hòa) thì đụng trận càn. Trên đầu thì máy bay rè rè chỉ điểm, dưới sông Vàm Cỏ, tàu "lồng cu" xình xịch nã trung, đại liên lên bờ. Trên đường chạy Tây, tôi chợt thấy một người mặt xanh như tàu lá, đưa hai bàn tay run run ra ngoài: "Cho tôi xin một viên Dagénan". Tôi dừng bước, hỏi anh liên lạc: "Người này bệnh gì mà nằm một mình trong chòi vắng vậy?". Liên lạc nói: "Anh ta chơi bời bể ống khói, máu mủ tùm lum tà la. Gia đình sợ lây lan, cất chòi cho anh ta ra riêng để tiện bề chăm sóc". Tôi móc túi nhái ra, lấy ống Dagénan. Chỉ còn ba viên. Tôi cho anh bạn đáng thương này cả ống. Thật là điều kỳ lạ: trên đời tôi chưa thấy một loại thần dược nào chỉ vừa trông thấy là ánh mắt con bệnh rạng rỡ hẳn lên, như tin chắc thuốc tiên sẽ cứu sống mình trong nay mai. Tôi không chắc đức tin đó có cơ sở hay không nhưng ngày đó, tôi rất phấn khởi vì đã làm được việc thiện.

Do vậy mà anh cán bộ nào tháo vát, chuyện gì cũng làm được thì được tặng danh hiệu "cán bộ Dagénan". 

Bây giờ xin giới thiệu người tù Dagénan.

Phú Quốc những ngày biển động 

Ba ngày liền biển động, không một tàu đánh cá nào dám ra khơi. Cả tàu nhà binh cũng nằm thủ thế trên bến. Có một chuyện lạ: thiếu tá chỉ huy trại giam tất bật lui tới bệnh xá dành riêng cho sĩ quan, công chức và gia đình binh sĩ. Mỗi ngày qua là nét mặt ông ta thêm nhăn nhó, trông thật khổ sở. Anh em tù nghi trong nhà Chúa đảo có ai đó bệnh nặng. Thế rồi, chuyện phải đến sẽ đến. Một thượng sĩ phụ tá của Chúa đảo tới nhóm tù trí thức hỏi : "Trong số các ông, có người nào biết đỡ đẻ không? Mấy ngày nay bà thiếu tá lăn lộn trên giường sản phụ, bác sĩ khoa sanh mới ra trường, nghề còn yếu không dám chịu trách nhiệm, tính đưa về Rạch Giá mà ba ngày nay biển động".

Nhóm tù trí thức nhìn nhau. Nhóm gồm có giáo sư Lê Văn Huấn, dạy trường Trung học Pétrus Ký, là em ruột của nguyên thủ tướng Nam Kỳ tự trị bác sĩ Lê Văn Hoạch; nhà báo Nguyễn Văn Mại, thường gọi là ông Bảy Mại, ông phán dây thép Bửu Triệt, gốc Huế, dân hoàng phái, có con là Vĩnh Trưng cũng "đi chung một xuồng" và kỹ sư Lê Văn Thả. Các ông nhìn nhau hội ý: "Đây là dịp may ngàn năm một thuở để chinh phục cảm tình của Chúa đảo". Nhưng ai cũng thở dài, vì không phải ai cũng đỡ đẻ được. Trong không khí căng thẳng đó, kỹ sư Thả bỗng đứng lên bảo anh thượng sĩ: "Đưa tôi tới bệnh xá để xem bệnh tình thế nào".

Thượng sĩ vui vẻ gật đầu: "Xin mời ông theo tôi".

Trước mặt Chúa đảo, ông Thả cho mời bác sĩ và y tá tới chuẩn bị đồ nghề. Sau khi khám, ông Thả trấn an Chúa đảo: "Đây là trường hợp thai nhi nằm ngược. Tôi có nghiên cứu ca đẻ khó này, bảo đảm không có gì nguy hiểm". 

Lần đầu tiên Chúa đảo thay đổi thái độ với anh em tù chính trị và dành đặc biệt cảm tình với nhóm trí thức Việt cộng. Không tiện hỏi thăm ân nhân, mà có hỏi thăm thì ông Thả chỉ cười nói khiêm tốn: "Trước khi chuyển sang ngành kỹ sư điện, tôi có học trường Y ở Hà Nội một năm dự bị. Tôi đọc sách y tìm tòi, nghiên cứu thêm. Những chứng bệnh thông thường, tôi có thể trị được". 

Thiếu tá Chúa đảo về văn phòng đọc lại hồ sơ kỹ sư Lê Văn Thả: Năm 1954 , sau hòa bình, kỹ sư Thả không tập kết ra Bắc mà nằm vùng tại Sài Gòn. Năm đó ông ông đúng 40 tuổi, quê Gò Dầu, Tây Ninh.

Năm 1955, Diệm đánh Bình Xuyên của Bảy Viễn. Hai bên pháo kích ác liệt gây hỏa hoạn ở nhiều nơi như chợ Nancy, xóm nhà đèn Chợ Quán, vùng Cầu Kho... Mấy ngàn gia đình cháy nhà, lâm cảnh màn trời chiếu đất. Các tổ chức Việt Minh nằm vùng lập ủy ban Cứu tế và Bảo vệ sinh mạng, Tài sản đồng bào, quy tụ hàng chục ngàn thanh niên, học sinh tới giúp nạn nhân chiến cuộc dựng tạm nhà để ổn định cuộc sống. Kỹ sư Thả là một trong các ủy viên tích cực nhất trong phòng trào "lá lành đùm lá rách" này. Thành công quá sức tưởng tượng. Ban đầu là cứu trợ đồng bào nhưng về sau biến thành phong trào yêu nước chống Mỹ-Diệm ngoan cố hất Pháp và Bảo Đại để chiếm miền Nam Việt Nam thay chân Pháp. Thủ tướng Diệm giao cho Giám đốc Công an Sài Gòn là Tống Đình Bắc truy quét các trí thức Việt cộng nằm vùng đưa ra tòa xét xử về hai trọng tội: lập hội không giấy phép và phá rối an ninh trật tự...

Từ chỗ chịu ơn, Chúa đảo có cái nhìn khác với nhóm trí thức Việt cộng. Họ sống trong tù với kỷ luật tự giác, không hề gây ồn ào mất trật tự như đám thường phạm. Tình hình trên đảo có chuyển biến mới, cuộc sống anh em tù nhân nhích lên đôi chút. 

Qua báo cáo của sĩ quan Phòng Năm (làm nhiệm vụ Phòng Nhì như bên quân đội Pháp), Diệm biết nhóm trí thức Việt cộng đã cảm hóa được thiếu tá Chúa đảo Phú Quốc nên ký giấy khẩn cấp chuyển tù Phú Quốc sang Côn Đảo. Chúng rút kinh nghiệm là chớ bao giờ giam lâu một chỗ bọn trí thức Việt cộng vì đám này có nghệ thuật chinh phục nhân tâm hơn phía quốc gia. 

Chuyện này nhà Ngô chưa biết: Khi chuyển tù ra Côn Đảo, đám lính bảo an Phú Quốc bàn giao nhóm tù chính trị với đám thầy chú Côn Đảo đã giới thiệu nhóm trí thức như sau : "Trong nhóm này có ông kỹ sư đã đỡ đẻ cho bà thiếu tá Chúa đảo Phú Quốc đó. Các anh nên "nhẹ tay" với các ông ấy".

Bệnh cẳng đen ở Côn Đảo 

Vừa ra tới đảo, nhóm trí thức được Chúa đảo Bạch Văn Bốn mời dự tiệc trà bánh ngọt. Tên cáo già này tin chắc trí thức không gan lỳ bằng đám tù bần cố nông nên quyết tâm tách họ ra để chơi trò "củ cà rốt và cây gậy", thủ pháp sở trường của quan thầy Mỹ. 

Với từng đối tượng, Bốn tranh thủ đánh ngay chỗ yếu nhất. Đây chỉ nói riêng về cuộc đàm đạo giữa Bốn và ông Thả:

- Ông kỹ sư ở trong Phong trào hòa bình quy tụ nhiều trí thức Sài Gòn. Tây hết lòng phủ dụ, nhưng các ông không thèm cộng tác với chúng. Trong khi đó Cộng sản lại chê các ông là trùm mền, trùm chăn. Riêng tôi thì rất quí trọng các ông. Nhưng sao bây giờ các ông lại tham gia Phong trào hòa bình của Cộng sản lập ra để phá chính quyền Ngô Tổng thống? Tôi mở cho các ông một con đường trở về với đất liền, với gia đình. Ở đây chỉ có hai trại: Trại Một dành cho bọn ngoan cố, không chào cờ, không suy tôn Ngô Tổng thống, không học tập. Vô đó là mút mùa. Còn Trại Hai dành cho các phần tử sáng suốt, chịu cải tạo. Ông kỹ sư chỉ cần gật đầu là tôi đưa sang Trại Hai để nghỉ ngơi vài tháng rồi xuống tàu về đất liền ngay. 

Ông Thả trả lời ôn tồn mà dứt khoát: 

- Chúng tôi tranh đấu cho độc lập và thống nhất đất nước. Trước sau như một, chỉ có hai chữ đó thôi: Độc lập và Thống nhất.

*

Giữa đêm khuya, có tiếng kêu thảm thiết: "Sếp ơi, Phòng Năm có người chết!". Nhưng thầy chú không vội đến vì nạn nhân chết do chứng bàn chân đen phát lên rất nhanh. Đêm nào các phòng cũng có người chết vì chứng bệnh quái ác này. 

Trước tình trạng đó kỹ sư Thả suy nghĩ nhiều về nguyên nhân phát sinh chứng đen chân. Theo ông, đó là do chế độ ăn uống tồi tệ, gạo mục, khô mốc, thiếu chất rau. Rau cải cực kỳ quan trọng trong chế độ ăn uống. Lính thủy ra khơi nhiều tháng thiếu chất tươi bị bệnh thiếu sinh tố C mà y học gọi là scorbut. Bệnh chân đen cũng là một dạng của chứng này ở mức độ nguy kịch. Và anh khuyên các bạn: 

- Trong tù ta chỉ có cơm. Phải biến cơm thành máu nuôi cơ thể. Nếu không nhai kỹ, hột cơm sẽ không tiêu hóa tức là không biến thành chất bổ nuôi dưỡng máu. Chúng ta ráng nhai để mà sống cho tới ngày trao trả tù nhân. 

Lời khuyên đó được anh em thấy hợp lý và cố nhai đi nhai lại cho hột cơm nhuyễn nhừ như cháo mới nuốt. 

Anh em cũng có ý thức mót các loại rau khi đi làm corvée bên ngoài, giấu kỹ đem về ăn cho có chất tươi. Tất cả đều xem kỹ sư Thả là người thầy thuốc thân thương của phòng giam mình. 

Con gái Tỉnh đoàn trưởng Bảo an trên đảo bị bệnh hậu sản. Bác sĩ trên đảo trị không dứt. Đích thân Tỉnh đoàn trưởng tới mời kỹ sư Thả khám và trị giùm cho con ông. Ông Thả thối thác nhưng Tỉnh đoàn trưởng nói: 

- Lính của tôi nói ông kỹ sư đã đỡ đẻ một ca khó ở Phú Quốc. Nhằm lúc không có tàu về đất liền nên chúng tôi mới làm phiền ông kỹ sư.

Ông Thả đành nhận giúp. Đây là trường hợp thai không ra hết nhau mà bác sĩ lại cho kháng sinh bừa bãi; phải móc hết nhau thai mới trị dứt được. 

Thế là kỹ sư Thả không nổi tiếng bằng chính nghề điện sở trường mà lại được thiên hạ chú ý ở nghề tay trái.

Tám mươi lăm vẫn khỏe như thanh niên 

Tôi đến nhà anh Thả ở cuối hẻm Nguyễn Thông, giữa hai đường Lý Chính Thắng và Kỳ Đồng. Đích thân anh ra mở cổng. Tôi nhìn anh và rất ngạc nhiên. Anh đã 85 mà người cao ráo, thẳng lưng, đi đứng vững vàng. Tôi khen: 

- Nhờ đâu mà anh mạnh khỏe như vậy? Chỉ cho tôi học. Tôi kém anh hơn một con giáp mà coi như hết "xí quách". 

Ông Thả đưa tôi vô nhà, pha trà ngồi đàm đạo: 

- Tôi khỏe nhờ từ nhỏ đã mê rèn luyện thân thể. Đã tham gia boyscout, đi cắm trại ngoài trời . Tới bây giờ đã "quá đát" rồi, vượt mức thất thập cổ lai hy mười lăm năm mà sáng nào cũng thức từ năm giờ sáng đi bộ tới vườn Tao Đàn tập thể dục rồi cuốc bộ về, cả thảy trên tám cây số. 

Tôi nói cảm nghĩ của mình: 

- Theo tôi anh giữ được phong độ không chỉ nhờ thể dục mà còn nhờ tinh thần lạc quan phấn đấu nữa. Có đúng không? Các đoàn hướng đạo rèn luyện đoàn viên tinh thần vui sống. Hồi nhỏ, tôi theo nhóm Jeunes Campeurs có bài đoàn ca rất ngắn và rất hay. Tôi khẽ hát cho ông nghe: "Unc fleur au chapeau, à la bouche une chanson. Un coeur joyeux et sincère. Et c.'est tout, ce qu’il faut, pour nous autres beaux garcons pour aller jusqu’au bout de la terre (Một đóa hoa trên nón, một bài hát trên môi. Một trái tim tươi vui và trung thực . Thế là đủ cho chúng ta, những chàng trai khỏe mạnh đẹp để đi tận cuối chân trời). 

Ông Thả cười:

- Tâm hồn nhà văn còn tươi trẻ lắm, rất tiếc là cơ thể dẹp lép như cái đồng hồ Omega. Không thọ đâu anh bạn! Phải chịu khó thức sớm đi bộ như tôi đây. 

Lời khuyên đó, tôi được nhiều người nhắc, nhưng mình thuộc loại thức khuya dậy trễ. Thói quen cả đời, khó mà một sớm một chiều thay đổi được. 

Tôi nhắc lại chuyện ngồi tù Phú Quốc và Côn Đảo, nhưng ông Thả cười: 

- Ăn cơm mới không nên nói chuyện cũ. Ngày nay biết bao công việc cần phải làm ngay. 

Ông Thả là thành viên trong ủy ban Mặt trận Tổ quốc và công việc của anh rất nhiều, ông làm được việc nhờ biết điều hòa nếp sống vật chất và tinh thần. 

Từ giã ông, tôi cứ hình dung ông là một gốc cổ thụ quê hương Gò Dầu, sừng sững bên núi Bà Đen, căn cứ oai hùng suốt 30 năm kháng Pháp và chống Mỹ.

TRẦN HIẾN LÁ BÀI TẨY CỦA C.50

Trần Hiến quê ở cố đô Huế vào Sài Gòn dạy học tại tường Taberd. Khi Tây trở lại, anh bị bắt lính, làm thông ngôn cho Phòng Nhì Pháp tại Cần Thơ. Vốn sinh trong trong một gia đình có truyền thống yêu nước, Trần Hiến gia nhập lực lượng tình báo miền Tây Nam Bộ (C50). 

Anh trở thành trưởng tổ tình báo Long Xuyên (chef de réseau) cung cấp nhiều kế hoạch tối mật của địch cho Ban Tình báo Tây Nam Bộ.

Chưa bao giờ dân chúng thị xã Cần Thơ lo sợ ngày đêm bằng năm 1947, khi Năm Lửa kéo quân Hòa Hảo về đầu Tây ở Cái Vồn. Năm Lửa lập đội ám sát giao cho hai tên lưu manh Ba Sò và Sáu Hiếu chỉ huy. Hai tên này tha hồ tác oai, tác quái, bắt cóc, giết người ngang nhiên, không coi pháp luật ra gì. Nạn nhân đầu tiên của chúng là anh Ba Nhì, nhân viên bưu điện Cần Thơ. Nhà Ba Nhì ở gần cầu Tham Tướng, từ lâu là trạm bí mật của các chiến sĩ Sát gian đảng. Từ văn phòng ở Rạch Bà Tồn về thị xã, anh em thường ghé nhà anh Ba Nhì nghỉ ngơi. Ngày kia, gia đình anh nhờ anh em Sát gian đảng đi tìm anh Ba vì ba ngày qua anh mất tích. Trần Hiến đưa chị Ba Nhì tới gặp Ba Gà Mổ là chỉ huy cao cấp Hòa Hảo ở Cần Thơ nhưng không kết quả. Đến ngày thứ ba thì xác anh nổi lên tấp vô Xóm Chài. Gia đình nhận ra anh nhờ chiếc răng vàng. Lúc tẩm liệm thấy bụng anh bị mổ, mất lá gan. Vậy là anh bị Hòa Hảo bắt giết, vì mổ bụng moi gan là đặc điểm của Ban ám sát Hòa Hảo.

Nạn nhân của Ban ám sát Hòa Hảo ngày một nhiều. Bà con Cần Thơ lấy làm sợ không biết tới ngày nào tai nạn ghê gớm đó sẽ tới gia đình mình. Các công chức làm kiến nghị gửi lên đại tá Cluset yêu cầu giải tán Ban ám sát Hòa Hảo. Tư lệnh miền Tây giao công việc này cho đại úy Fallon, trưởng Phòng Nhì Cần Thơ. Phải nhờ Phòng Nhì vì Ty Mật thám Cần Thơ dưới quyền đại úy Jacquemin đã bó tay trước nạn lộng hành của hai tên Ba Sò và Sáu Hiếu. Fallon giao việc điều tra ám sát cho Trần Hiến là thông ngôn của Fallon.

Trần Hiến lại là người của Chi 50 (Tình báo miền Tây) của ta. Chính Trần Hiến cũng đã nhiều lần ghé nhà Ba Nhì mỗi khi ra vô văn phòng trong Rạch Bà Tồn. Chỗ khó nhất trong việc điều tra là Ban ám sát Hòa Hảo hoạt động như ma, không có văn phòng, không ai biết chỗ ở nhất định của hai tay đầu đảng Ba Sò và Sáu Hiếu. Jacquenin và đội ngũ lính kín của hắn đã bó tay, nhưng Trần Hiến không bỏ cuộc. Anh phải trả thù cho đồng chí Ba Nhì. Được vô khu học tập, anh biết một câu rất hay: "Mắt nhân dân như mắt khóm". Việc gì bí mật đến đâu cũng không giấu được nhân dân. Anh liền nhờ hộp thư của C50 là đồng chí Tư Ngà. Chỉ ba ngày sau, Tư Ngà cho anh biết: Ba Sò và Sáu Hiến hiện đang ở phòng số 7 nhà ngủ Tây Hồ. Biết được sào huyệt lưu động đã khó, đi bắt hai tên sát nhân này lại cũng khó hơn. Ba Sò có cây P.38 mà hắn bắn bá phát bá trúng.

Mượn oai Phòng Nhì bắt Ba Sò và Sáu Hiếu thì chẳng có gì khó, nhưng Trần Hiến muốn giữ bí mật vai trò của mình nên "bán cái" cho tên Tài là người thân tín của trùm mật thám Jacquemin. Trước đây, Tài đã bị Ba Sò tát tai trong sòng bạc Nam Hưng. Từ lâu, Tài muốn trả mối hận đó mà chưa có dịp. Trần Hiến liền bàn với đại úy Fallon: "Đã tìm ra sào huyện của hai tên Ba Sò và Sáu Hiếu. Nhưng tội gì mình nhúng tay vô cái ổ ong vò vẽ Hòa Hảo. Nên giao vụ này cho bên "surêté" (mật thám) - Fallon gật, Hiến trình bày tiếp - Đại úy mời Jacquemin qua đây báo tin là ta đã biết chỗ ẩn náu của hai tên sát nhân Hòa Hảo. Đề nghị phái tên Tài tới gặp Trần Hiến để tính kế bắt chúng”. Theo lệnh xếp, Tài tới gặp Hiến. Hiến liền khích tướng: 

- Anh dám bắt chúng không? 

Tài gật: - Dám chớ!

- Anh bắt cách nào, nói thử nghe? 

- Thì đưa lính tới bao vây rồi bắt. Có khó gì đâu ! 

Hiến lắc đầu: 

- Không dễ dàng như vậy đâu. Ba Sò có cây P.38. Nó chỉ sợ có Tây thôi. Tốt hơn là anh nên mượn hơi mấy thằng Tây. 

Tài gật gù: 

- Mượn hơi cách nào? 

Hiến chỉ vẽ: 

- Giờ này Tây hay ngồi nhậu ở tiệm Hải Nàm. Anh ghé vô đó, đãi chúng vài chai rượu chát rồi rủ chúng đi cho oai. 

Tài khen: 

- Diệu kế! Phen nầy thì Ba Sò biết tay tao.

Một giờ sau, đúng 10 giờ một xe traction avant đen chở Tài và hai thằng Tây tới nhà ngủ Tây Hồ. Mượn hơi Tây, Tài nhào vô phòng số 7 bắt gọn Ba Sò đang hú hí với một con điếm. Rất may cho Sáu Hiếu không có mặt ở trong phòng. Bắt được Ba Sò, lập tức Fallon gọi trung úy Massart tới làm báo cáo cho đại tá Cluset. Và như thường lệ, tên tư lệnh miền Tây ký bản án tử hình ngắn gọn: "Assassin. Demain à 9.00, à fusiller au marché (Tên sát nhân. 9 giờ sáng mai, đem bắn tại chợ).

Hai giờ chiều ngày ấy, Năm Lửa phái thiếu tá tham mưu trưởng Võ Thế Cường cùng đại úy Ba Gà Mổ tới Phòng Nhì xin gặp đại úy Fallon. Fallon không tiếp, bảo Trần Hiến tiếp. Ba Gà Mổ hỏi: 

- Ông Một có biết Tây bắt Ba Sò đưa đi đâu không? 

Trần Hiến nói: 

- Bắt Ba Sò là bên đại úy Jacquemin. Bên Phòng Nhì không biết. 

Vậy là Trần Hiến đã khéo léo gây mâu thuẫn giữa Hòa Hảo và mật thám. Ba Sò bị Cluset xử bắn, Hòa Hảo lên án tử hình tên Tài. Không thể ở Cần Thơ được, Tài xin đổi về Sài Gòn, thật ra là chạy trốn Hòa Hảo mới yên thân. 

Trừ được hai tên Ba Sò và Sáu Hiếu, Trần Hiến đã giúp dân chúng Tây Đô ăn ngon, ngủ yên, không còn bị cơn ác mộng mổ bụng moi gan trước khi mò tôm về tay các tên đồ tể trong Ban ám sát Hòa Hảo. Đây là một trong vô số đóng góp của một chiến sĩ vô danh khoác áo "Việt gian hạng nặng", một người mà đồng chí Ba Phấn, Trưởng ban tình báo Nam Bộ gọi là "lá chủ bài" của ta trong kháng Pháp.

VÕ GIA PHỤC QUỐC - "KINH KHA" VIỆT NAM

Võ Gia Phục Quốc là con thứ của ông thầy giáo cách mạng Võ Văn Mong ở Hóc Môn. 

Ông học trung học Taberd Sài Gòn xung phong qua Pháp thi hành bản án tử hình đành cho tên Việt gian Nguyễn Phong Tân. 

Lúc xử tội tên Nguyễn Phong Tân, ông bị thương và bị bắt. Tòa án Paris xử ông 10 năm. May nhờ đồng bào Việt kiều ở Paris tận tình giúp đỡ, ông được ra tù sớm và tìm được việc làm ở Marseille. Ông thường về Sài Gòn thăm bà con. Ông mất vài năm trước đây.

Trong những năm đầu tái chiếm Sài Gòn, thực dân Pháp dung dưỡng đám Việt gian để làm những chuyện dơ bẩn, chúng gọi là "sales besognes". áp dụng thủ đoạn chia để trị, chúng dùng người Nam Kỳ đánh đập người Bắc Kỳ. Bọn thực dân tin rằng dân Nam Kỳ sống thoải mái vì được thiên nhiên ưu đãi "trên cơm dưới cá" nên không làm chính trị, còn dân Bắc Kỳ thì hàng năm đều bị thiên tai lũ lụt, đời sống vất vả, nên có tinh thần cách mạng. Bởi suy như vậy nên thực dân quyết cô lập những người miền Bắc vào Nam sinh sống. Công việc dùng người Việt đánh người Việt chỉ có bọn lưu manh mới chịu đứng ra làm. Đứng đầu đám đầu trâu mặt ngựa này là Nguyễn Phong Tân.

Tân là dân Hóc Môn, con của Nguyễn Phong Cảnh, chủ khách sạn Phong Cảnh sau đổi là Bồng Lai ở đường Filippini (Nguyễn Trung Trực). Được cha cho học may, mở tiệm may lớn gần chợ Bến Thành nhưng Tân không khoái nghề may mà muốn làm nghề gì mau giàu. Dịp may tới với anh ta. Pháp lập chính phủ Nam Kỳ tự trị, đưa bác sĩ Nguyễn Văn Thinh lên làm thủ tướng. Bác sĩ Thinh hiền lành nên quyền hành nằm trong tay bọn Tây hung hăng hiếu chiến như bộ ba Béziat, Bazé, Bonvicini. Chúng lập ra phong trào Bình dân chuyên khủng bố người miền Bắc. Hàng ngày chúng tổ chức bố ráp cả khu phố, bắt dân chúng đọc ba chữ "Tân Sơn Nhứt". Ai đọc Tân Sơn Nhất thì lập tức chúng thộp ngực đánh đấm túi bụi rồi đem về bót giam để điều tra xem có liên hệ với Việt Minh hay không. Chủ tịch phong trào Bình dân khủng bố người miền Bắc là tên chủ tiệm may Nguyễn Phong Tân. Trụ sở đầu não của Phong trào bình dân đặt gần chợ Tân Định.

Anh Cao Đăng Chiếm, Phó giám đốc Sở Công an Nam Bộ kiêm Trưởng ty Công an Sài Gòn-Chợ Lớn nhiều lần cảnh cáo nhưng Nguyễn Phong Tân đang say mồi không hồi tâm. Ban công tác thành đã nhiều phen truy nã nhưng Tân lẩn tránh tài tình. Khi Tây dẹp phong trào Bình dân thì Tân nhảy qua đấu thầu cung cấp quân nhu cho quân đội viễn chinh Pháp. Thế là Tân đã bước thêm một bước dài trên đường phản dân hại nước. 

Tòa án Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn xử khiếm diện Nguyễn Phong Tân, tuyên án tử hình. Hay tin này, Nguyễn Phong Tân vù sang Pháp. Tưởng sang tới mẫu quốc thì yên như bàn thạch, Tân tiếp tục lãnh thầu cung cấp quân nhu cho thực dân Pháp. 

Trước tình hình ấy, lãnh đạo Đặc khu bàn bạc phải cho người sang Pháp thi hành bản án vì đã xử tử hình thì không thể để tử tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Nhưng ai dám sang Pháp thi hành bản án này? 

Đã thấy trước là một đi không trở lại, đột nhập nước Pháp đã khó, trốn về lại càng khó khăn hơn. Cũng chẳng khác gì Kinh Kha sang sông Dịch đột nhập cung Tần giết Tần Thủy Hoàng. Ai sẽ lãnh nhiệm vụ làm Kinh Kha thời nay? Anh Sáu Hoàng (đồng chí Cao Đăng Chiếm) đang luận cổ suy kim thì có một thanh niên tới tình nguyện sang Thủ đô Ánh Sáng, thi hành bản án diệt trừ tên Việt gian Nguyễn Phong Tân. Anh thanh niên này là Võ Gia Phục Quốc.

Phục Quốc là con trai thứ ba của nhà giáo cách mạng Võ Văn Mong ở Trung Chánh, Hóc Môn. Thầy giáo Mong thuộc dòng họ yêu nước có người trong dòng tộc từng tham gia xử tội đốc phủ Trần Tử Ca thời xa xưa. Phần mình ông Mong ngầm ủng hộ các chiến sĩ cộng sản như Châu Văn Liêm, Nguyễn An Ninh. Ngay việc đặt tên cho ba người con ông cũng muốn nói rõ hoài bão của mình. Võ Văn Thời (sau là thiếu tướng trong kháng chiến), Võ Thành Sự và Võ Gia Phục Quốc. 

Cái tên của Tư Quốc mới là gây rắc rối cho cả nhà. Lúc đi học, Phục Quốc bị các thầy hiệu trưởng thắc mắc vì có màu sắc chống người Pháp quá. Đi thi, Quốc cũng bị đánh rớt vì cái tên "dễ sợ” này. Không thi vô được trường nhà nước như Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, Quốc phải học tư thục Taberd. Kháng chiến bùng nổ, Quốc học trường Quân chính Khu 8. Trong trận đánh phục kích đoàn xe của chính phủ Lê Văn Hoạch đi kinh lý ở Giồng Dứa, gần Trung Lương năm 1947, Quốc xung phong đóng vai nông dân đánh xe bò trên đường để làm chướng ngại, buộc đoàn xe phải giảm tốc độ. Nhưng Khu trưởng Trần Văn Trà tiếc một học viên thông minh, dũng cảm nên giao cho Quốc nhiệm vụ khác. Sau trận đánh, Quốc làm liên lạc thành cho Khu 8. Với một thanh niên ham hoạt động, công tác liên lạc thành không hấp dẫn, thế là Tư Quốc xung phong sang Pháp, thi hành bản án dành cho kẻ phản quốc.

Đến lượt anh Sáu Hoàng đắn đo. Có nên phóng cậu thanh niên này sang Pháp mà đường về mong manh như sợi tơ trời. Cần phải hỏi rõ đương sự và gia đình. Nhưng cả Quốc và gia đình ông giáo Mong đều đồng ý cho con làm nghĩa vụ công dân. 

Chính anh Ba Sự lo chạy giấy tờ xuất cảnh cho em. Lúc đó, Tây dễ dãi việc xuất cảnh để khuyến khích học sinh, sinh viên Nam Bộ sang Pháp học, để bớt số thanh niên xếp bút nghiên ra khu kháng chiến.

Võ Gia Phục Quốc sang Paris tá túc với bà con Việt kiều yêu nước, mua súng sáu (súng lục) rồi tìm nơi vắng vẻ như Bois de Boulogne (vườn dành cho khách nhàn du ở ngoại ô Paris) tập bắn. Anh mua bản đồ thành phố Paris, tìm lộ trình để tới nơi vợ chồng Nguyễn Phong Tân cư ngụ. Rất may cho anh là Nguyễn Phong Tân có nuôi một người cháu trai ăn học, anh này lại là bạn học cũ của Quốc. Anh tới lân la làm quen cho biết đườg ra lối vào mỗi khi hai vợ chồng Tân đi vắng. 

Khi nắm chắc quy luật sinh hoạt của Nguyễn Phong Tân, Tư Quốc quyết định giờ G ngày N sẽ ra tay. Diễn biến xảy ra đúng như anh dự định. Khi anh bước vô phòng ngủ của vợ chồng Nguyễn Phong Tân thì hai vợ chồng đang nằm trên giường. Sự xuất hiện đột ngột của anh làm hai vợ chồng Tân giật mình. Quốc tự giới thiệu vắn tắt rồi đọc bản án cho Nguyễn Phong Tân nghe. Lúc Quốc đọc xong và rút súng ra sắp bắn thì vợ Nguyễn Phong Tân ném chiếc gối trúng ngay mũi súng, đạn bay chếch xuống làm Tân bị thương ngay đùi. Tân hoàn hồn, nhào tới chụp súng, nhưng Quốc khỏe hơn, vật ngã Tân và nổ súng thi hành bản án. 

Anh vội vàng thoát thân nhưng chân bị thương không đi nhanh được. Nghe súng nổ, nhà kế bên điện thoại tới Sở cảnh sát báo động ngay. Vừa ra sân nhà thì xe cảnh sát đã lao tới bao vây. Quốc nạp mình ngay, khi nạp súng, anh nói: "Faites atrention, le fusil est armé (Cẩn thận súng có đạn).

Báo chí Paris thật nhạy bén. Sáng hôm sau, ngày 16.4.1950, báo Le Mon de đã chạy tít lớn : Les Việt Minh sont à Paris (Việt Minh đã tới Paris). Cả thủ đô Pháp chấn động về cái tin giật gân này. Uy thế của kháng chiến mà Việt Minh là tiêu biểu loang rộng khắp nơi. 

Lập tức, các hội đoàn Việt kiều yêu nước vận động giúp đỡ Võ Gia Phục Quốc đang bị giam trong Khám đường La Santé được mọi sự dễ dàng. Bấy giờ bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là Hội trưởng Việt kiều ở Pháp đã mướn luật sư tiến bộ, có cảm tình với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, biện hộ cho chiến sĩ trẻ tuổi gan dạ dám sang tận thủ đô Paris trừng trị kẻ phản quốc. Nhờ các nhà báo tiến bộ vạch trần tính chất bẩn thỉu cuộc chiến tranh xâm lược trái mùa gọi là "sale guerre d’ Indochine" mà tòa án Pháp xử nhẹ đối với Quốc, chỉ kêu án 10 năm. 

Nhờ hạnh kiểm tốt mà Quốc được nhiều lần giảm án. Khi anh được trả tự do thì chính cộng đồng người Việt ở Pháp giới thiệu công việc cho anh làm. Cuộc sống của anh trên đất Pháp ổn định. 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Võ Gia Phục Quốc về thăm gia đình. Khi anh tới chào Thiếu tướng Tô Ký là người đồng hương Hóc Môn thì vị tướng già kêu lên: "Trời đất, người chết trở về !" rồi ôm hôn thắm thiết. Ý nghĩ của anh Ba Tô Ký cũng là ý nghĩ của nhiều người khi biết sứ mạng sang Pháp của anh Võ Gia Phục Quốc. Có đi mà không có về. Nhiều người theo xưa đã thầm tế sống anh thanh niên dũng cảm khi anh bước xuống tàu ở bến Nhà Rồng.

ANH THỢ HỚT TÓC VÕ HỒNG TÂM LÀM NÁO ĐỘNG SÀI GÒN

Anh Võ Hồng Tâm, quê Đà Nẵng vào Sài Gòn học và sinh sống bằng nghề hớt tóc. Anh đã dùng dao "con chó" diệt tên Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Lào trong khách sạn đường Charner (Nguyễn Huệ). Tên Hans Imfelt không chỉ là Ủy viên Cộng hòa mà còn là tướng tình báo cực kỳ nguy hiểm cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Anh Võ Hồng Tâm nay nghỉ hưu ở Thủ Thiêm, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. 

Cả thành phố Sài Gòn đều chấn động khi báo chí đồng loạt loan tin Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Lào, ông Hans Imfelt bị Việt Minh đâm chết trong khách sạn Des Nations, đường Charner (Nguyễn Huệ), giữa Sài Gòn. Người hạ sát là Võ Hồng Tâm, thợ cắt tóc, mới 18 tuổi. Tình tiết vụ án này khá ly kỳ như sau: 

Võ Hồng Tâm tên thật là Võ Văn Hưng, quê Đà Nẵng vô Sài Gòn học trường Nguyễn Văn Khuê, gần chợ Cầu Ông Lãnh. Anh Tâm ở trọ nhà số 402, đường Lefebvre (Nguyễn Công Trứ). Đây là tiệm hớt tóc và sau khi thành nghề, được giới thiệu làm cho tiệm lớn ở số 20 đường Ohier (Tôn Thất Thiệp) mang bảng hiệu Hương Sơn. Ngày ta cướp chính quyền 25.8.1945. Tâm gia nhập Thanh niên Tiền Phong, sau làm tình báo Quân khu 7. Tâm được đào tạo quân sự rồi đưa về thành vào tháng 11.1945, ở đơn vị Tự vệ nội thành. Chỉ huy Tâm là các anh Hà Ngọc Tiếu (về sau là trung tướng công an) và anh Tư Hà (kỹ sư Nguyễn Văn Tư, bí danh Trịnh Văn Hà, về sau là Tổng đại diện tù nhân Khám Lớn Sài Gòn).

Ngày kia, Tâm hớt tóc, cạo râu cho một người Pháp to con, cao khoảng 1,90 mét. Biết Tâm nói được tiếng Pháp, khách vui vẻ trò chuyện. Tâm thành thật khoe học năm thứ hai trung học, nhà nghèo phải đi làm giúp gia đình từ miền Trung nghèo khổ. Khách tỏ vẻ hài lòng về nghề hớt tóc cạo râu của Tâm. Lần thứ hai, khách mặc quân phục, đeo cả lon-ba vạch vàng, hai vạch trắng. Tâm biết ông ta là đại tá không quân. Bẵng một thời gian mấy tháng không thấy khách "sộp" tới, một hôm có anh bồi khách sạn tới hỏi Võ Hồng Tâm tiệm Hương Sơn, trao giấy nhắn "Tới phòng 28 khách sạn Des Nations hớt cạo cho tôi". Ký tên Hans Imfelt. 

Tâm mang cặp da đồ nghề tới. Dưới nhà đã có người đón đưa lên lầu. Ở phòng này, đại tá Imfelt đang có khách, Tâm được đưa lên phòng số 313 ở lầu ba. Mười phút trôi qua, đại tá Imfelt lên, ông cởi áo cho Tâm cắt tóc. Và bắt đầu hỏi chuyện riêng tư: 

- Sao anh học nghề này? 

Tiệm hớt tóc Hương Sơn là cơ sở của ta trong nội thành. Tâm không chỉ là thợ cạo mà là dân tình báo bố trí ngay trong lòng địch. Nhiệm vụ của Tâm là điều tra khách "sộp" của mình. Anh đã có sẵn bài bản: 

- Cái nghề này dễ học và dễ kiếm tiền. Gia đình tôi ở miền Trung bị Việt Minh giết sạch nên tôi phải trôi dạt vô đây kiếm sống. Tôi không thể ở quê nhà. Việt Minh có thể sẽ giết tôi để trừ hậu hoạn... Bản thân tôi cũng thù Việt Minh.

Đại tá Imfelt im lặng một lúc rồi thì thầm: 

- Ước chi anh là con gái. 

Tâm ngạc nhiên hỏi lại:

- Ông nói sao? 

Imfelt nghiêm nghị: 

- Tôi biết anh đang muốn trả thù cho cha mẹ anh, anh em, chị em anh. Tôi có lời khuyên nên dựa vào người Pháp. Chỉ có người Pháp mới giúp anh được. 

Trong chuyến hớt tóc cạo râu đó, Tâm được đại tá tín nhiệm thêm và cho biết về sau sẽ cho người tới mời anh về đây, thoải mái hơn ở tiệm Hương Sơn. 

Liền sau đó, Tâm báo cáo với chỉ huy của mình là ông Chín Dụng, thường cải trang phu đạp xích lô: 

- Đại tá Hans Imfelt không chỉ là ủy viên Cộng hòa ở Lào mà còn là trùm tình báo nữa. Ông ta gốc Thụy Sĩ, dân Pháp nhưng lại là nhân viên của tình báo Mỹ CIA. Trong lúc vui miệng, ông ta khoe đã vạch kế hoạch cuộc hành quân đại qui mô, tấn công vào đầu não kháng chiến ở chiến khu Cao-Bắc-Lạng với cái tên Opération Lea đầu năm 1947. 

Ông Chín Dụng mừng rỡ: 

- Vậy là mình may lắm. Vớ được con cá gộc cả trăm ký.

Tâm gật gù: 

- Bác nói đúng. Thằng đại tá dù nầy cao thước chín, nặng cũng cả trăm ký. Bây giờ bác tính sao? Diệt nó bằng cách nào cho gọn? 

- Thì dễ thôi. Mầy là thợ cạo mà. Đè đầu cắt cổ là gọn bâng. 

- Không được đâu! Nó khỏe như voi. Cháu không đủ sức chơi tay đôi với nó. Xem coi có thuốc độc nào dễ kiếm? 

Chín Dụng suy nghĩ: 

- Mình xin bác sĩ Hưởng xem Bác sĩ thiếu gì thuốc mê. 

Chừng kiếm được thuốc mê rồi, đích thân Tâm thí nghiệm, thấy khó áp dụng. Anh quay sang xin súng: Trung tướng Nguyễn Bình cấp cho đơn vị khẩu 6,35 ly, loại súng bắn ghen nhỏ xíu, có thể giấu trong lòng bàn tay. Tâm lại thử, bắn ba viên không nổ, chỉ nổ viên thứ tư. Để chắc ăn, Tâm mượn khẩu 7,65 ly của đội Ký Con ở đường Arras (Cống Quỳnh). Súng của đội viên Nga B, chủ tiệm uốn tóc Mỹ Hoàng. 

Tâm ăn mặc tươm tất, nhét súng trong bụng, tới khách sạn tìm con dao nhỏ hiệu Con Chó, loại dao mấy bà già trầu thường dùng, vừa gọn, vừa bén lại vừa rẻ, chỉ có 7 cắc. Anh mài cho thêm bén, thử cạo lông chân, lưỡi dao tới đâu, lông chân rụng tới đó. Tâm rất tin tưởng sẽ hoàn thành công tác với vũ khí thô sơ mà bén nhọn vô cùng.

Ngày N đã đến. Đó là ngày 1.7.1947. Imfelt đã hẹn ngày ấy vào 5 giờ chiều. Để tỏ lòng quyết tâm, tổ làm lễ ăn mừng thắng lợi. Tâm dõng dạc tuyên bố trước tổ ba người Chín Dụng và Thống: "Nó chết tôi chết. Mạng đổi mạng. Điều giúp tôi chết an tâm là phá được kế hoạch đánh phá đầu não kháng chiến do nó soạn thảo". 

Đúng 16 giờ 45 phút, Tâm xách cặp đồ nghề và cầm trên tay hai trái xá lị (lê) và con dao nhỏ tới khách sạn Des Nations. Ban bảo vệ quá quen mặt, cười bảo: "Đại tá có trong phòng. Lên đi!". 

Tâm gõ cửa, Imfelt mở cửa. Hắn ở trần, mặc quần đùi. Hắn tiếp tục đọc báo. Tâm đặt hai trái xá lị và con dao lên bàn, nói: 

- Trời nóng, mời đại tá ăn xá lị cho mát. 

Anh bật dao Con Chó, bước lại gần hỏi: 

- Báo có tin gì mới không? 

Và nhân lúc "con mồi" dán mắt vào tờ báo, Tâm đâm ngay vô bụng. Đúng chấn thủy. Imfelt vụt đứng dậy, chụp con dao. Nó khỏe quá, dù bị thương, vẫn đủ sức chống cự. Nhưng Tâm đã đâm được nhiều nhát vào bụng hắn. Khi hắn ngã gục xuống, Tâm nhanh trí ném dao Con Chó xuống đường, lấy con dao inox Imfelt thường dùng rọc giấy để trên bàn đâm vào lưng mình, tự gây thương tích. Làm như hai bên gây gổ rồi đấm đá nhau, Imfelt dùng dao dọc giấy tấn công trước và Tâm đành tự vệ. Đó là kịch bản nảy ra trong óc Tâm như ánh chớp khi biết mình may mắn không phải mạng đổi mạng. 

Do Imfelt hét lên khi bị đâm, bọn bảo vệ chạy lên, sau đó là lính. Tâm ngoan ngoãn đưa hai bàn tay vào còng, xuống lầu lên xe về bót Catinat ở kế bên.

Tin đội viên Võ Hồng Tâm sa lưới khi diệt đại tá tình báo CIA lợi hại Hans Imfelt, đương kim ủy viên Cộng hòa Pháp tại Lào lao tới Chiến khu 7 trung tướng Nguyễn Bình ra lệnh bằng mọi cách phải cứu đội viên trẻ Võ Hồng Tâm. Lập tức báo Vệ Quốc của Khu 7 loan tin "Võ Hồng Tâm, đội viên Ban công tác thành đã trừng trị tên đại tá Hans Imfelt, ủy viên Cộng hòa Pháp tại Lào nhưng thực chất là trùm tình báo lợi hại". Báo Vệ Quốc được đưa vô nội thành ngay để tác động bọn thực dân trong quyết đinh hình phạt dành cho Võ Hồng Tâm.

Trong khi đó địch còng cả hai tay chân Tâm sau khi đánh đập lấy cung tới 9 giờ đêm. Tâm đã bố trí trước lời khai : "Tôi là thợ hớt tóc; được đại tá Imfelt chọn từ lâu. Lần nào về Sài Gòn, ông ta cũng cho bồi tới tiệm Hương Sơn gọi tôi về phòng hớt cạo cho ông ta. Chiều đó, hai bên tranh cãi về chuyện gì đó, ông ta nổi nóng chụp con dao inox đâm tôi. Tôi giật dao đâm lại. Chỉ tính tự vệ thôi, không ngờ trúng chỗ nhược thành ngộ sát”.

Một ngày sau, pháp y cho biết dao inox không thể gây thương tích chết người. Phải là con dao nhọn và bén. Nhưng tìm khắp nơi, không thấy con dao đó. 

Để trả thù cho đại tá Imfelt, ngay đêm ấy, Tây chọn một tử tù đưa ra Phú Lâm bắn tại cầu An Lạc. Rồi loan tin đã xử tử tên Việt Minh ám sát đại tá Imfelt.

Nhờ đọc báo Vệ Quốc, địch mới biết kẻ diệt đại tá Imfelt là Võ Hồng Tâm. Từ khi bị bắt, bị tra tấn, Tâm vẫn trước sau khai tên Võ Văn Hưng. Chúng lại tra tấn và lần này, chúng cho anh xem tờ báo Vệ Quốc. Thế là anh đành phải nhận mình là Võ Hồng Tâm, đội viên Ban công tác thành. Cả Mai Hữu Xuân lẫn Trần Bá Thành đều đổi thái độ. Chúng kính nể thật sự anh em cảm tử nội thành. Mai Hữu Xuân còn đãi Tâm tô hủ tíu, bánh bao và cà phê sữa, thuốc lá thơm. 

Hồ sơ lập xong, chúng giải anh ra tòa. Bà con mướn năm luật sư cãi cho Tâm. Tất cả đều xoáy vô một điểm, trong khai sinh, Tâm sinh năm 1928 nhưng cha mẹ khai sụt tuổi là 1931, như vậy ra tòa, anh chỉ mới 16 tuổi. 

Tâm ra tòa hai lần, lãnh án chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo. Bọn thầy chú kiếm chuyện đánh đập, hành hạ anh, nhưng anh xử sự khi cương, khi nhu, tranh thủ tình cảm mọi người. Về sau, bọn Tây ngoài đảo đặt cho anh một tên nghe lạ tai: Colonel (Đại tá). Phải chăng theo luật giang hồ, khi diệt đối thủ cấp nào thì ta được phong ngang cấp đó? Nhưng ít ai dám hình dung một anh học trò trói gà không chặt lại hạ được một đại tá hộ pháp cao gần hai mét và nặng khoảng một tạ. Đúng là anh lùn David vật ngã anh khổng lồ Goliath.

THUYỀN TRƯỞNG TƯ HÓA XỨNG DANH SÓI BIỂN

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hóa, người công giáo Tân Đinh, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, đậu thủ khoa, được đồng nghiệp Pháp suy tôn "loup de mer” (Sói biển). 

Ông xứng đáng với danh xưng đó, từ Cà Mau qua Xiêm như "đi chợ” chở súng đạn máy móc về Nam Bộ đánh Tây suốt chín năm kháng chiến. 

Sự cố Sông Lô 7. 1949 đã khiến nghiệp của ông “khựng” lại suốt nhiều năm, nhưng ông Tư vẫn một lòng theo nghề nghiệp và theo cách mạng cho tới tận ngày nay - năm 2003. 

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hóa thường được bạn bè ngành hàng hải gọi là Tư Hóa. Tư Hóa sinh năm 1915 tại Tân Định - Sài Gòn, gia đình đạo Thiên chúa. Ông tốt nghiệp hàng hải, Tây gọi là Capitaine de Grand Cabotage năm 1939 lúc 24 tuổi. Thuyền trưởng trong chế độ Pháp là vua trên tàu, nhất là tàu viễn dương thì cuộc sống thật là đế vương. Nhưng Tư Hóa bỏ hết tất cả để theo kháng chiến. Trong những năm đầu đánh Tây, ngành hàng hải là một bà con xa lạ, tuy đầy nhiệt tình nhưng chưa có đất dụng võ, cho đến khi ngành hàng hải Nam Bộ được thành lập. Nhiệm vụ của cơ quan này là mua vũ khí trên đất Xiêm (Thái Lan) đưa về nước đánh Tây. Ban đầu đi đường biển, về sau khi ta giúp nước bạn có lực lượng vũ trang mới mở đường bộ. Từ đó, vai trò của các thuyền trưởng được đào tạo căn bản như anh Tư Hóa mới nổi bật lên. Cuộc đời của anh gắn với chiếc tàu Sông Lô từng làm chấn động dư luận Đông Dương. Xin giới thiệu về số phận con tàu bất hạnh này cùng với số phận cũng bất hạnh của thuyền trưởng của nó.

Phó phòng hàng hải kiêm trưởng ban ở Thái Lan, Năm Đông, hoạt động rất tích cực trong giới Việt kiều ở Bangkok, số vũ khí mua được ngày càng nhiều, việc mua sắm tàu thuyền ngày càng tăng gia. Nhiều chuyến thuyền 10 tấn hoặc 15 tấn từ Xiêm về Rạch Giá, Cà Mau chở súng đạn cho Khu 9 êm xuôi. 

Đồng chí Thanh Sơn lúc đó vừa là "ông nội" (thanh tra chính trị miền Tây) vừa là "ông ngoại" (phụ trách chiến trường nước bạn) chỉ thị cho Năm Đông mua tàu lớn để gia tăng tốc độ tiếp tế vũ khí cho cả Nam Bộ. Do óc làm ăn lớn đó mà tàu Sông Lô ra đời. Năm Đông nhờ một Việt kiều tên Nguyễn Văn Bang quê Khu 4 từng hoạt động cách mạng ở Lào trước khi qua Thái. Đồng chí Bang giới thiệu một Hoa kiều tên Nai Sai (Nai tiếng Thái có nghĩa là ông) chủ chiếc tàu Samut Songram trọng tải 80 tấn với hai máy. Tư Hóa và Trần Hiếu Liêm (Liêm lùn) đến xem tàu về mặt kỹ thuật và thấy được. Ta mua tàu, tân trang và đổi lên là Sông Lô. Để giữ bí mật, vẫn để Nai San đứng tên làm chủ và mướn thủy thủ Thái. Đây là sự non kém về cảnh giác của ta khi dùng thủy thủ Thái trên tàu Sông Lô vì bí mật thất thoát từ đó. Thêm một sự cố không hay là có người thì thầm về việc mua tàu trả tiền hoa hồng cho các tay dẫn mối. Vì những lời ra tiếng vào này mà giới hàng hải Thái Lan biết chuyện "Yuồng mua tàu Xiêm đưa về nước" (Yuồng là người Việt). Chiếc Sông Lô được giao cho Tư Hóa. 

Bốn chục năm sau, anh Tư Hóa tâm tình với tác giả: "Lúc đó mình dại quá. Tàu Sông Lô đã bị bể rồi, nếu đã lỡ mua thì nên chở hàng trong nước Thái một thời gian rồi bán, mua chiếc khác. Anh em mình chủ quan quá! Lính kín Sài Gòn qua Bangkok theo dõi các hoạt động của Việt Minh rất nhiều mà mình đi đứng, ăn nói không chút giữ gìn. Thêm một lý do để chuyến đi bị lộ nữa là cái đài VTĐ giao cho anh Kim, mỗi ngày cứ đúng 12 giờ là phát tín hiệu với Trung ương.

Tháng 7.1949, tàu Sông Lô chạy chuyến đầu tiên chở hàng cho Khu 9 và hàng cho Trung ương. Ngoài thủy thủ đoàn có Capitaine Trọng quá giang đi Trung ương. Ban chỉ huy có thuyền trưởng Nguyễn Văn Hóa, thuyền phó Phan Thanh Nhã, Đặng Văn Qua, chính trị viên, máy trưởng Tư Ghế (Võ Thống Nhất).

Tới Klong Yai, thị trấn biên giới ta trả tiền và cám ơn số thủy thủ Thái, chiếc Sông Lô tiếp tục hướng về Cà Mau. Tới Dây Chão, ta đưa lên bờ hàng của Nam Bộ rồi trực chỉ ra Bắc. Một hôm, tới Tourane vào 17 giờ, bỗng máy bay Pháp ào qua rồi quần lại chụp ảnh. Trên tàu có trung liên FM, anh em định bắn nhưng Hóa không cho. Đêm đó, tàu tới Hải Nam. Trên đường băng qua vịnh Bắc Bộ, tàu bị các chiến hạm Pháp bao vây. Không chạy thoát được, ban chỉ huy quyết định đốt tàu. Hóa cho đổ các thùng phuy xăng, ra lệnh cho Tư Ghế: "Quẹt lửa đốt đi. Lửa cháy tới ai, người ấy nhảy xuống biển". Tư Ghế quẹt diêm hai sao (loại hộp quẹt sản xuất tại miền Bắc). Tức thì một tiếng "Brùm" kinh hồn, lửa bốc cháy một lúc cả con tàu, mạnh ai nấy nhảy. Đây cũng là một non kém của Tư Hóa. Anh chưa biết khi bật lửa đốt tàu thì cả tàu đã tẩm xăng cùng cháy một lúc, chứ không cháy nơi bật lửa trước rồi mới lan các nơi khác. Tư Ghế phỏng nặng và mất tích. Các tàu chiến Pháp bao chung quanh chứng kiến giờ phút cuối cùng con mồi của chúng. Chiếc Sông Lô chạy như cục lửa trên biển trước khi chìm. Anh em trên tàu có 13 người bị cháy, trong đó có hai anh Quá và Thức nặng nhất. Các anh được tàu Pháp vớt đưa về Hải Phòng, số bị phỏng được đưa vô bệnh viện, số lành mạnh đưa về Sài Gòn điều tra. Tổng số anh em trên tàu là 22 người, Tư Ghế mất tích còn 21 người. 8 người phỏng nặng nằm ở bệnh viện Hải Phòng, còn 13 người được đưa về Sài Gòn. 

Tư Hóa ngay từ đầu khai: thuyền trưởng chết với con tàu, còn mình là "passager" (người quá giang). Tại Hải Phòng, anh vẫn giữ lời khai đó. Bất ngờ có sĩ quan Phòng Nhì Pháp là Faravel từ Sài Gòn ra điều tra vụ tàu Sông Lô. Faravel từng là thuyền trưởng, bạn của Tư Hóa trước kia. Hai người gặp nhau tại Hongkong và quen nhau. Tư Hóa đi tàu hàng hải còn Faravel thì chỉ huy chiến hạm. Gặp Tư Hóa tại Hải Phòng, Faravel hỏi: “Mày ở đây à?". Tư Hóa bị phỏng ở lưng và tay, thấy Faravel đã nhận ra mình đành thú nhận là thuyền trưởng Sông Lô. Nhờ biết Faravel nên Tư Hóa đỡ bị đòn khi Phòng Nhì điều tra. Chừng bệnh tình bớt nguy, 8 anh em được đưa vô Sài Gòn để Phòng Nhì làm hồ sơ chung cho 21 người trong nội vụ Sông Lô. Báo chí Sài Gòn làm rùm beng vụ chiến hạm Pháp vây và bắn chìm tàu Sông Lô trọng tải 80 tấn trên vịnh Bắc Việt. Đây là một vấn đề thời sự nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1949.

Nửa năm sau, đầu năm 1950, để quảng cáo cho Bảo Đại, Tây thả thủy thủ đoàn tàu Sông Lô. Trừ một mình đại úy Trọng bệnh nặng cần điều trị tại nhà, 20 anh em Sông Lô đều chạy vô khu tiếp tục kháng chiến. 

Thuyền trưởng Tư Hóa kể cho tôi nghe số phận của anh gắn chặt với chiếc Sông Lô. Anh chép miệng tâm sự: 

- Chiếc Sông Lô đã nằm yên dưới đáy biển còn thuyền trưởng của nó thì vẫn còn chịu nhiều sóng gió. Anh biết không, khi tôi được Tây phóng thích, lập tức tôi nhảy vô khu để gánh bao nhiêu bực bội. Người ta nhìn chúng tôi với cặp mắt nghi ngờ, bây giờ mình gọi là cảnh giác. Tôi phải làm không biết bao nhiêu tờ kiểm điểm, trong đó phải trả lời những câu hỏi này: Tại sao đốt tàu? Tại sao địch thả?

Tôi bảo anh em để một mình tôi chịu hết, bởi tôi là thuyền trưởng. Tôi viết nhiều lần và lần nào cũng vậy, tôi nhân danh thuyền trưởng xin chịu hết trách nhiệm. Lẽ ra thì tôi phải thanh minh cho mình, vì có nhiều nguyên nhân để chiếc Sông Lô bị lộ. Xin tóm lược riêng cho nhà báo muốn tìm hiểu sự thật các điểm dưới đây: 

- Việc mua tàu Samut Songram đã lộ ngay từ đầu vì vụ xầm xì về các món tiền hoa hồng. 

- Việc dùng thủy thủ Thái Lan trên tàu Sông Lô cho tới trạm Klong Vai. 

- Việc dùng VTĐ liên lạc với trung ương đúng 12 giờ mỗi ngày. 

- Việc dùng tàu lớn trong khi chúng ta còn trong giai đoạn đánh du kích. Những chiếc tàu nhỏ như Độc Lập của Bông Văn Dĩa rất thuận lợi cho việc vô ra các xẻo, khi máy bay lên, tàu nhỏ dễ nghi trang cất giấu. Đây là khuyết điểm căn bản mà các đồng chí lãnh đạo phải dũng cảm nhận thay vì đổ lỗi cho cấp dưới. 

- Việc không tin thuyền trưởng chưa phải đảng viên. Hàng đêm chi bộ trên tàu đều họp, nhưng trớ trêu thay thuyền trưởng là đầu não của con tàu lại không được dự. 

Những khuyết điểm này đến địch cũng biết. Faravel đã cười ngạo nghễ nói với tôi : "Vous êtes tous comme des enfants. Nous savons d'avance tous vos déplacements" (Các anh như con nít. Chúng tôi biết trước sự di chuyển của các anh). Chúng còn biết cặn kẽ ngày tàu Sông Lô rời Dây Chão để ra Bắc. Sông Lô rời Dây Chão ngày 13 tháng 8 năm 1949.

Ông Tư Hóa ở lầu 1 chung cư trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận. Với tuổi 73 (năm 1988) ông hãy còn tráng kiện, người cao ráo, phong cách chững chạc của một con sói biển. Ông nhấc bổng chiếc xe đạp của tôi bước một mạch lên phòng ông, cười nói: "Đem lên đây chắc ăn. Mình tha hồ nói chuyện". Với cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông Tư vẫn còn làm hoa tiêu cho các tàu từ thành phố Hồ Chí Minh xuống miền Tây hay qua Nam Vang. Tôi nhìn tủ sách thuyền trưởng của anh. Sách đủ thứ tiếng. Ông Tư cười nói: 

- Tôi biết sáu sinh ngữ. Đó là do nghề nghiệp bắt buộc. 

Tôi nhìn bức tượng Đức Mẹ Maria, ông Tư tự giới thiệu:

- Gia đình tôi là đạo dòng, quê ở Tân Định - Im lặng khá lâu, ông nói tiếp: - Như tôi đã nói lần trước, các thuyền trưởng chúng tôi đi kháng chiến gặp nhiều trở ngại. Trước nhất là cái nghề của chúng tôi hết sức xa lạ với những người lãnh đạo. Những hiểu biết của mình trở thành xa xỉ, chưa cần thiết trong những ngày đầu kháng chiến, như vốn sinh ngữ cũng như nghề hàng hải. Tôi lại là người theo đạo Chúa. Với thành phần lý lịch như vậy lại gặp chuyện không may tàu chìm, bị bắt rồi được thả, lại nhảy vô khu. Tập kết ra Bắc, giới thuyền trưởng chúng tôi đóng góp hết mình cho việc mở cảng Hải Phòng. Còn nhớ lúc đầu Bác Hồ hỏi ông Nguyễn Văn Trân (chớ lầm với ông Bảy Trân nguyên Chủ tịch Chợ Lớn): "Các chú có làm nổi không? Không nổi thì ta nhờ chuyên viên bạn giúp". Chúng tôi tin tưởng đủ sức, không phải nhờ người ngoài. Thế là trên 19 hải lý từ Hải Phòng vô Hà Nội, các thuyền trưởng Nam Bộ tập kết đã làm hoa tiêu cho các tàu viễn dương Âu, Á đem hàng chiến lược giúp đỡ Việt Nam chặn bước xâm lăng của đế quốc Mỹ. 

Sự đóng góp âm thầm nhưng vô cùng quan trọng của đội ngũ "đạp đầu sóng dữ" miền Nam cần được sử xanh ghi vào những trang trịnh trọng.

THUYỀN TRUỞNG BẢY NGẠNH HAI LẦN RA CÔN ĐẢO RUỚC 900 TÙ CHÍNH TRỊ

Niềm vui lớn nhất trong đời thuyền trưởng Huỳnh Kim Ngạnh - quê Cao Lãnh (Đồng Tháp) là hai chuyến ra Côn Đảo trong vòng một tháng rước 900 tù chính trị về đất liền tham gia kháng chiến. Đây là cuộc chạy đua nước rút với Hải quân Pháp, vì chuyến tàu Phú Quốc đầu tiên về tới Đại Ngãi (Sóc Trăng) vào ngày 23. 9. 1945 - ngày Tây đánh chiếm Sài Gòn. 

Chuyến ra đảo lần hai liền hôm đó trải qua những ngày đêm căng thẳng khó tả. Xin giới thiệu thuyền trưởng Bảy Ngạnh với chiếc tàu Phú Quốc của anh. 

Trong tập thể thuyền trưởng đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên dưới đôi ba chục người, tại sao lại chọn anh Bảy Ngạnh? Không phải vì tài nghệ anh ăn trùm các đồng nghiệp mà chọn anh là vì kỷ niệm sâu sắc đời hàng hải của anh. Chuyến đi biển mà anh kể lại đây tuy đã 50 năm hơn rồi nhưng vẫn còn nóng bỏng một thời: chuyến ra Côn Đảo rước anh em chính trị phạm về đất liền tháng 9.1945.

Huỳnh Kim Ngạnh sinh năm 1910 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Anh Bảy rất hãnh diện về quê hương Cao Lãnh của anh. Địa danh này đã đi vào ca dao nổi tiếng: "Gà nào ngon bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân". Nếu là dân ghiền thuốc rê thì bạn có thể sửa câu đầu thành. "Thuốc nào ngon bằng thuốc Cao Lãnh". Nhưng với đa số dân Cao Lãnh thì người ta thích đá gà hơn. Gà Cao Lãnh chết tại trường gà chứ không hề chạy rót. Dân Cao Lãnh cũng vậy: làm cách mạng thà chết trong tù hơn là đầu thú trong những năm thoái trào. Vì vậy mà Cao Lãnh từ năm 1930 đã là cái nôi cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chọn ấp Miễu Trời Sanh trong làng Hòa An làm nơi cư ngụ trong bước đường bôn ba hoạt động cách mạng.

Anh Bảy Ngạnh tốt nghiệp trường máy "École des Mécaniciens" (Nay là Trường Kỹ thuật Cao Thắng) khóa Patron des Chaloupes đào tạo các thuyền trưởng tàu chạy trên sông. Không hài lòng với kiếp cá sông, anh tình nguyện đi marine (lính hải quân) ba năm để đủ điều kiện học khóa "cabotage" đào tạo thuyền trưởng tàu biển. Ra trường, anh được tùng sự tại Sở Hàng hải tên là "Service de la Flotille et du Matériel" trực thuộc Thống đốc Nam Kỳ. Trụ sở đóng ở mé sông Sài Gòn. 

Đảo chính Pháp, Nhật sung công chiếc Phú Quốc. Thất nghiệp, Bảy Ngạnh tới ghi tên tham gia Cộng hòa Vệ binh cũng gọi là Đệ nhất sư đoàn. Nhưng chưa kịp đánh đấm, anh lại được tin Lâm ủy Hành chính Nam Bộ ra lệnh cho Liên đoàn Thủy thủ chuẩn bị tàu De Lanessan đi ra Côn Đảo rước anh em chính trị phạm. Liên đoàn Thủy thủ là nơi tập hợp tất cả thuyền trưởng và thủy thủ sau ngày ta cướp chính quyền, ngày 25.8.1945. Linh hồn của Liên đoàn này là thuyền trưởng Tư Hóa. Tư Hóa tốt nghiệp khóa 1931, là khóa thứ hai, nổi tiếng nhờ đậu thủ khoa và có đức độ gương mẫu.

Được tin này, tất cả anh em hăng hái phục hồi chiếc tàu De Lanessan. Đây là tàu nghiên cứu về biển của Viện Hải học (Instutut Océanographique) ở Nha Trang. Khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9.3.1945, chúng sung công chiếc tàu này. Chạy được mấy tháng thì tàu hư, chúng đem bỏ tại một bến gần sở Ba Son, trước Một Hình (tượng đài tên hải tặc Rigault de Genouilly (ra cướp Nam Kỳ giữa thế kỷ 19). Trong số anh em thợ máy ráp lại o bế chiếc tàu có anh xếp máy Hoành là tay được Tư Hóa tín nhiệm hơn hết. Ông Chu Văn Hoành là thân phụ của nhà trí thức lớn Chu Phạm Ngọc Sơn. Máy móc đã sửa xong, anh em đốt lửa "lancer” cho chiếc tàu De Lanessan chạy thử. Tàu chạy ngon nhưng có một việc bất ngờ đã xảy ra làm anh em cụt hứng. Bọn Nhật thấy tàu chạy được kéo ào xuống, đuổi thợ lên. Thế là công cốc. Buồn không tả xiết, lúc đó là đầu tháng 9.1945. Có mới nới cũ, bọn Nhật có chiếc De Lanessan, bỏ chiếc Phú Quốc mà chúng vừa chạy vừa phá đã hỏng máy. Bảy Ngạnh cùng anh em trong Liên đoàn thủy thủ lại ào ra sửa. Ráo riết một tuần, tàu chạy ngon lành. Hay tin này Trần Văn Giàu ký lệnh cho Bảy Ngạnh đưa tàu Phú Quốc chở hàng tiếp tế ra Côn Đảo gồm gạo, nước mắm và thuốc men, đồng thời rước chính trị phạm ngoài đó về tham gia chính quyền cách mạng.

Bảy Ngạnh nhớ rõ ngày lịch sử đó : ngày 12.9.1945. Trong nắng thu, lá cờ hồng thập tự được kéo lên đỉnh cột cờ. Chọn cờ chữ thập đỏ để bọn Nhật không chặn bắt lại. Từ Sài Gòn trước khi ra biển. Trên tàu có 12 thủy thủ. Xếp máy là Ba Vui (Hồ Văn Vui) là dân Sa Đéc. Tàu ra đi từ sáng sớm. Không may ra giữa biển thì gặp sóng to gió lớn, tàu lắc lư như say rượu. Tất cả bàn ghế đồ đạc lăn cù lăn chiên. Nguy hiểm nhất là các thùng phuy xăng, chúng tự do lăn cho tới đụng chướng ngại thì tự dừng lại. Không ai dám mạo hiểm đón đường chúng. Đại diện chính quyền cách mạng đi trên tàu là Tường Dân Bảo và một chị phụ nữ. Cả hai nằm liệt trong ca bin, mỗi người thủ hai cái sô, một để đi tiêu và một để mửa. Anh Bảo là Việt Nam Quốc Dân đảng ra đảo năm 1930 , đến năm 1935 bị cắt cổ về tội phản Đảng Quốc dân cũng như anh Trần Huy Liệu. Còn Nguyễn Phương Thảo (tức Nguyễn Bình) thì bị đâm hư một mắt cũng về tội chuyển hướng bỏ Quốc Dân đảng hướng về phía cộng sản. Nhờ thuyền trưởng và thủy thủ đoàn dày dạn sóng gió, tàu Phú Quốc chạy giác nương theo sóng mà lần hồi tới đảo vào 9 giờ đêm. Tàu dừng lại Cỏ Ống chớ không vô bến vì lý do kỹ thuật. Trên đảo có đài vô tuyến, ác thay đài nghe được mà phát không được, không điếc mà câm. Thấy tàu lạ, anh em trên đảo sợ là tàu Tây, nổi trống mõ inh ỏi. Ta cho ca-nô của đảo ra tàu chào mừng phái đoàn Sài Gòn và cho biết trên đảo chuẩn bị làm mít ninh trọng thể. Nhưng sứ giả của phái đoàn còn xật xừ say sóng nằm liệt nên phải hoãn mít tinh đến chiều. Thuyền trưởng Bảy Ngạnh tất nhiên được mời ngồi hàng ghế danh dự. Vui mừng làm sao khi anh gặp lại bạn đồng hương Cao Lãnh là đồng chí Phạm Hữu Lầu. Cả hai nhào tới ôm nhau. Người quen thân thứ hai của anh là thuyền trưởng Hùng đã lái canô ra tàu hồi sáng.

Bảy Ngạnh tưởng sẽ đưa anh em chính trị phạm về đất liền ngay, nhưng không phải vậy. Anh và thủy thủ đoàn phải nằm lại đảo một tuần vì lý do chờ lọc danh sách những người được ưu tiên đi chuyến đầu. Chính trị phạm về trước, thường phạm sẽ làm danh sách sau. Trong khi chờ đợi có tin hai ba chục ghe cửa từ Vàm Láng, Bình Đại... bị bão trôi giạt tới các hòn trong quần đảo Côn Lôn. Đích thân anh Phạm Hùng theo tàu Phú Quốc tới các hòn này kéo các ghe cửa về đảo lớn. Nhiều ghe bị bão đánh gãy cột buồm, gãy bánh lái. Xưởng trên đảo gọi là Bản chế phải làm việc ngày đêm để sửa chữa cho các ghe này để có thể đưa anh em tù về đất liền cùng một ngày với tàu Phú Quốc. Trong những ngày này, Bảy Ngạnh để ý một người chỉ huy đội bảo vệ trên đảo. Các anh em tập đi một hai một, quay phải quay trái. Hỏi mới biết đó là anh Phan Trọng Tuệ.

Anh cũng biết một nhân vật khác nữa, đó là Còm-mi Trà (Lê Văn Trà), người được giao nhiệm vụ trông coi đảo sau khi anh em chính tri phạm về đất liền. Còm-mi Trà là bạn học của Năm Sang, anh ruột của Bảy Ngạnh.

Bản danh sách đã làm xong. Trên đường về có hai nhân vật được anh Bảy Ngạnh chú ý, người thứ nhất là ông Tôn Đức Thắng. Chính cụ Tôn o bế chiếc ca-nô trên đảo và lái nó về đất liền. Anh Bảy Ngạnh có nhiệm vụ bảo vệ chiếc ca-nô của Bác Tôn. Anh cho ca-nô chạy trước và dùng vô tuyến điều chỉnh hướng đi, trên tàu Phú Quốc có la bàn. Nhân vật thứ hai là nhà sư Thiện Chiếu. Nhà sư quá suy yếu, anh em phải khiêng xuống tàu. Về kỹ thuật, khi đi tàu có chở hàng nên mớm nước vừa phải, bận về không có hàng hóa, phải nhờ anh em thường phạm khiêng đá xuống tàu. Trong công việc này có một anh trốn dưới hầm tàu để được về cùng chuyến với anh em chính trị. Nhiệm vụ thuyền trưởng bắt buộc anh Bảy mời kẻ trốn đi lậu lên bờ. Chuyện chỉ có vậy mà anh áy náy khá lâu.

Bận về trời yên biển lặng. Tàu về tới Đại Ngãi. Tại đây, có xe đến đón để đưa tất cả về Sóc Trăng làm lễ đón tiếp chính trị phạm tại trường Taberd. Ngày ấy, thuyền trưởng Bảy Ngạnh không thể quên được. Trong lúc làm lễ có tin Tây đánh chiếm Sài Gòn. Như vậy là ngày 23 tháng 9. Chưa kịp nghỉ ngơi thăm vợ con, anh Bảy lại được lệnh ra đảo lần thứ hai rước tù chuyến nữa. Phải chạy đua nước rút với Tây. Đại diện chính quyền cách mạng là anh Văn Cừ, chủ hiệu mộc ở Cần Thơ lấy tên là Ameublement Văn Cừ. Anh Văn Cừ hoạt động cách mạng bị địch bắt đưa lên căng Tà Lài, sau đó chuyển qua Bà Rá. Ngày Nhật đảo chính, anh Văn Cừ cùng với vác bạn tù đốt trại về quê hoạt động. 

Chuyến đi này thủy thủ đoàn có phần hồi hộp vì Tây đã khai hấn. Có thể chúng cho tàu ra đảo chụp tù chính trị còn kẹt lại. Chuyến thứ hai may mắn không gặp bão. Nhưng lại gặp rắc rối: thường phạm đòi trở về đất liền đánh Tây. Nhưng chuyện lên danh sách lại là việc của kẻ khác, còn Bảy Ngạnh chỉ lo đưa tàu và người đi tới nơi về tới chốn. Ra đảo lần thứ hai này, anh Bảy còn biết thêm một nhân vật tên Sơn Vương, người tù ở đảo nhiều năm nhất.

Chuyến này tàu Phú Quốc về thẳng Cần Thơ. Hai chuyến đi Côn Đảo đã hoàn thành tốt đẹp. Nhưng còn số phận của chiếc Phú Quốc? Tây đã chiếm miền Tây . Hải quân của chúng ngày đêm tuần tiễu sông rạch Hậu Giang. Làm sao giữ con tàu mà chính quyền cách mạng đã giao cho thuyền trưởng Bảy Ngạnh. Tàu Phú Quốc đang ở trên sông Cần Thơ. Muốn chạy xuống Chắc Băng ẩn trong rừng U Minh phải theo Ô Môn. Cầu Ô Môn thấp, chòi lái chiếc Phú Quốc cao nên không qua lọt. Phải phá cầu. Chạy về tới Cái Tàu, nhắm không trốn thoát, phải hy sinh chiếc tàu. Bảy Ngạnh cho thủy thủ bơm nước vô nhưng lâu quá, ra lệnh đục tàu. Nước tràn vào ngập tàu, chiếc Phú Quốc chìm nhưng còn ló mũi như tiếc nuối thời oanh liệt hai lần vượt biển rước những đứa con cưng của Tổ quốc.

HUYỀN TRUỞNG SÁU HOÀI ĐƯA KHẨU 105 LY VÔ KHU

Thuyền trưởng mà được giao công tác đưa khẩu đại bác 105 ly - chiến lợi phẩm trận Tầm Vu lần thứ 4 do Khu trưởng Trương Văn Giàu đánh chiếm vô khu ! Đó là một kỷ niệm nhớ đời. 

Ngoài ra, anh còn được giao nhiều công tác "tréo ngoe”. Dù vậy, với quyết tâm việc gì anh cũng hoàn thành tốt đẹp, như phá cầu quay Phụng Hiệp, như đặt thủy lôi, đắp cản... Anh tự cho mình là cán bộ đa năng (dagénan -thuốc trị bá bệnh). 

Thuyền trưởng Sáu Hoài còn được gọi là Hoài Râu để không lộn với các ông Hoài khác như Hoài U (cũng mang tên Trần Văn Hoài), chỉ huy Đại đội 21 đã hy sinh trong kháng chiến chín năm.

Sáu Hoài là dân Thới An, quận Ô Môn, Cần Thơ. Sinh năm 1934, đậu số 1 khóa Grand Canotage và bắt đầu cuộc đời dọc ngang trên biển. Kỷ niệm đáng ghi nhớ trong những năm đi tàu là mấy lần đánh Tây. Trận đánh Tây đầu tiên là lúc đi trên Tàu SS Canton. Thằng xếp máy tên Imbs là Pháp lai Đức, tính tình xấc láo coi rẻ dân An Nam. Sáu Hoài đánh một trận cho chừa. Imbs đánh không lại đi thưa. Huyện bênh huyện, phủ bênh phủ, Tây bênh Tây nên Sáu Hoài bị đổi qua tàu khác. Sáu Hoài qua tàu Sông Giang cũng bị thằng Imbs thưa gửi khiến anh lại phải đổi qua tàu Pasquier. Gặp chiến tranh Pháp - Đức, có người rủ Hoài cướp tàu chạy theo phe De Gaulle. Hoài từ chối vì không thích làm chính trị. Anh đưa tàu về Sài Gòn được chủ là Orsini thưởng 500 đồng. Đến khi Nhật đảo chính Pháp, Hoài cũng được mời giúp Nhật nhưng Hoài cáo bệnh về quê nghỉ ngơi. Đến khi ta cướp chính quyền, Hoài gia nhập dân quân xã gác cầu. Thế rồi vận hội mới đến với anh. Thanh tra chính trị miền Tây Thanh Sơn Nguyễn Văn Tây đưa một đoàn 5 kỹ sư về Ô Môn có nhiệm vụ "miner” (đặt thủy lôi) sông Bassac (sông Hậu) chặn bước tiến của tàu Tây thọc sâu vô miền Tây Nam Bộ. Năm kỹ sư này là Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Tấn Nghiêm, Huỳnh Văn Điểm và Hoàng Ngọc Cừ. Đoàn có canô kéo ba thủy lôi của Nhật theo. Thanh Sơn nghe nói có thuyền trưởng Sáu Hoài về làng Thới An mời tham gia đặt mìn sông Cái ngay vàm Ô Môn. Lúc đó, Tây có chiếc tàu A71 (bên hông lại vẽ số 73 để mập mờ đánh lận con đen, làm cho dân trong vùng lầm tưởng Pháp có hai tàu thay vì một). Tàu này hay lên bắn phá hai bên bờ sông bằng đại bác 75 ly.

Thật là chuyện trớ trêu: làm thuyền trưởng mà được giao đặt thủy lôi. Dù vậy, Sáu Hoài cũng lặn lội, nghiên cứu đặt cho được ba trái thủy lôi trên sông Cái.

Kế đó, Sóc Trăng đắp cản Bãi Xào. Đó cũng là không phải nghề nhưng thuyền trưởng Sáu Hoài nhận công tác khi được giao. Rồi tới chuyện phá cầu chặn bước tiến bộ binh Pháp. Sáu Hoài được giao phá cầu quay Phụng Hiệp. Đây là "mission impossible" (sứ mạng khó khăn) vì địch có tiểu đội bảo vệ cầu , cứ 15 phút là rọi đèn và hét to "Ai đó? Đưa tay lên !". Nguy hiểm nhưng Sáu Hoài cũng hoàn thành. Đặt thủy lôi, đắp cản, phá cầu, Sáu Hoài làm được nên được Thanh Sơn tín nhiệm giao chức Trưởng ban công binh phá hoại. Toàn ban có 7 người, Phó ban là Trần Tam Phước. Anh em lập thủy xưởng tại Dây Chão, gần mũi Cà Mau . Đây là căn cứ lớn từng chứa các tàu lớn của ta như Độc Lập, Darathip, Sông Lô. Nhưng tới đây Sáu Hoài vẫn chưa được giao điều khiển một chiếc tàu nào. Thế rồi lại có một nhiệm vụ quan trọng khác. Trong trận Tầm Vu, ta chiếm một đại bác 105 ly của địch. Phải cấp tốc đưa "ông ầm" này vô căn cứ ngay kẻo Tây quay lại truy hồi. Nhiệm vụ này được giao cho Sáu Hoài. Ban công binh phá hoại của anh lập tức tới nơi, mượn ghe lườn 300 giạ, lót ván đầy đủ sức chịu 4,5 tấn chèo tới chợ Ba Mít (xã Long Tuyền) ngay trong đêm đó. Đó là ngày lịch sử 19.4.1948, chỉ huy trận này là Trương Văn Giàu, Tham mưu trưởng Võ Quang Anh. Sáng hôm sau, máy bay lên tìm khẩu đại bác nhưng trong đêm ta đã có sáng kiến mua chiếu che kín chiến lợi phẩm độc đáo này. Trước khi đưa cà nong lên ghe, nó được một cặp trâu kéo, một con đứt ruột vì cà nong đã nặng lại thụt lầy. Công việc đưa cà nong lên ghe là vô vàn khó khăn. Phải mất hai ngày hai đêm chèo chống mới đưa được đại bác tới nơi an toàn.

Đặt mìn, đắp cản, phá cầu, kéo pháo là bốn món ăn chơi mở màn cho món chính là lái tàu, đúng ngành nghề của mình. Thanh Sơn giao cho Sáu Hoài ra Huế trục vớt thuyền tàu chìm ráp được ba chiếc để dùng trong việc đi Xiêm chở vũ khí về nước. Ba chiếc này giao cho Tư Hóa một chiếc, anh thợ máy Dương Hiển Luy một chiếc và Sáu Hoài một chiếc. Tư Hóa đưa thuyền tới Xiêm, Luy đi dọc đường bị Tây bắt, còn Hoài tới Côn Đảo bị gió mùa đông bắc làm gãy cột buồm hai người ôm, gãy bánh lái, 18 người trên thuyền phải xuống hai canô cứu sinh. Rất may, tất cả tấp vô Cái Cùng, tái hợp anh em Ban công binh phá hoại

THUYỀN TRUỞNG MUỜI THÔI VỚI TÀU DARATHIP

Mười Thôi không được đào tạo thuyền trưởng nhưng hoạt động kháng chiến của anh phần lớn gắn liền với biển, mà chiến công lớn nhất là vụ cướp tàu Darathip. Sự cố này nhiều tình tiết éo le. Xin cố gắng kể lại những chi tiết lớn sau đây:

Thấy Khu 9 qua Xiêm mua súng đạn đánh Tây xôm quá, Khu trưởng Trần Văn Trà giao cho Mười Thôi nhiệm vụ qua Xiêm sắm vũ khí. Tại sao ông Trà chọn Mười Thôi? Mười Thôi là cán bộ quân sự tỉnh Bến Tre, là trưởng ban tình báo tỉnh, nhưng trước đó đã từng vượt biển từ Quảng Ngãi về Khu 8. Thuyền chìm ngoài khơi Cù Lao Bảy Xạ (Tây gọi là Poulo Ceyn de Mer) Mười Thôi lưng đeo bao bạc 60.000 đồng lặn hụp với sóng gió lội vô tới bờ trao đủ cho Khu. Nhờ thành tích này mà anh được chọn đi Xiêm. Muốn qua Xiêm, phải tìm đồng chí Thanh Sơn, Thanh tra chính trị miền Tây. Thanh Sơn từ Quảng Ngãi về Nam vào tháng 7. 1947. Thôi xuống Cà Mau chờ ba tháng, không gặp Thanh Sơn, vừa trở về thì Thanh Sơn cũng vừa tới . Bấy giờ Thanh Sơn được Trung ương phân công là Ủy viên quân sự Nam Bộ. Thanh Sơn lập Ban Ngoại vụ và Phòng Hàng hải với Võ Đăng Kỳ làm trưởng phòng. Mười Thôi tiếp xúc với Phòng Hàng hải và chuyến đi đầu tiên của anh lên đường vào tháng 12.1947 trên chiếc thuyền buồm 6 tấn có gắn máy. Cùng đi với anh có Cao Phát Thành, quê Trà Vinh. Chuyến đi đó anh nhớ mãi, xuất quân từ cửa Ông Trang vào sáng 30 Tết, có Võ Đăng Kỳ xuống tiễn.

Tết đó, anh em vui xuân trên sóng nước. Vừa ra khơi thì máy chết, phải chạy buồm ba ngày ba đêm. Đặc điểm của chuyến đi này là có bốn sinh viên Nam Bộ quá giang để sang Ấn dự Đại hội Thanh niên Thế giới tại Calcutta, đó là anh Huỳnh Kim Trương, Nguyễn Duy Cương, Nguyễn Văn Sinh và Lê Tâm. Bộ chỉ huy chuyến đi gồm có Võ Đăng Ban (em Võ Đăng Kỳ) thuyền trưởng. Mười Thôi chính ủy, Cao Phát Thành hướng dẫn vì đã qua Xiêm hai lần. Qua tới Xiêm, không bao lâu thì được điện thúc về gấp. Lại gặp lúc tàu hư phải sửa nên phải tranh thủ mướn tàu chở vũ khí về nước. Trong lúc này có đồng chí Ba Nhâm đảm trách. Ba Nhâm hướng dẫn Võ Đăng Kỳ mướn chiếc Darathip. Không thể nói thật là mướn tàu chở vũ khí về Việt Nam, ta nói dối là chở cao su ngoài đảo Kokut. Chủ tàu là người Hoa nên tin. Còn thủy thủ thì biết ta nói dối vì đảo Kokut làm gì có cao su. Ý định cướp tàu là sáng kiến của Ba Nhâm vì anh vốn là dân dao búa, tuy đã là đảng viên rồi nhưng cái nết đánh chết không chừa.

Ba Nhâm nói: "Nếu thủy thủ chịu đưa mình về Cà Mau thì tốt, bằng không thì mình cướp tàu. Vậy đó!". Mười Thôi kêu lên: "Sao được anh Ba?". Ba Nhâm lặp lại giọng độc đoán: "Sao lại không được? Chịu thì tốt, không chịu bắn bỏ!". Mười Thôi bác: "Bắn là lộ". Ba Nhâm cắt ngang: "Đây là nghị quyết chi bộ". Mười Thôi đành chịu.

Nơi ta đóng là một bờ biển, cách xóm nhỏ một con rạch. Xóm này có khoảng 20 mái nhà. Có một quán nước, chủ quán là Kim Hon, người Hoa. Nơi đây, quận trưởng hay dẫn lính đi tuần. Việc cướp tàu kể như khó thực hiện. Em gái Kim Hon là cô giáo, có cảm tình với anh em ta, đặc biệt là với Mười Thôi. Mặc dù anh em giả làm ngư dân, cũng cởi trần phơi lưới, nhưng không qua được óc nhận xét của cô giáo. Một hôm, cô tâm tình: "Các ông làm gì tôi biết hết!". Mười Thôi giật mình, nhưng tin tưởng cô giáo là người tốt, biết để bụng chớ không tiết lộ với ai. Ba Nhâm vẫn giữ ý định cướp tàu nếu thủy thủ không chịu đưa tàu về Cà Mau. Thủy thủ đoàn gồm có Má Chín đại diện chủ tàu, một thuyền trưởng già, một máy trưởng, một thợ điện, một thợ máy và bảy thủy thủ, tổng cộng 12 người. Quân số bên ta cũng tương đương. Theo tàu còn có hai Hoa kiều tư sản muốn về Bạc Liêu thăm bà con đồng thời mua lúa gạo bán cho Singapore. Cũng cần giới thiệu các nhân vật trên chiếc Darathip: Mười Thôi, Võ Đăng Ban, Nguyễn Văn Bang (Bang già), Thọ Kiên, Dương VTĐ, Sáu Nắng, Tư Ghế, Nuôi, Ba Đáng, Lô. Điều trớ trêu là người chủ trương cướp tàu thì vào giờ chót lại không có mặt trên tàu.

Rời May-luột, tàu ra đảo Kokut kéo theo ghe chứa đầy vũ khí của ta. Theo kế hoạch thì anh em dưới ghe cứ báo cáo ghe vô nước với Võ Đăng Ban và Mười Thôi ở trên tàu. Tới Kokut, Mười Thôi nói với Má Chín: "Ghe vô nước, cho chúng tôi đưa hàng lên tàu!". Trong khi đưa vũ khí lên tàu, Mười Thôi bố trí anh em chiếm toàn bộ phía trước. Thọ Kiên kiếm chỗ gửi ghe. Vừa xong thì gặp bão, dông gió làm trốc neo tàu. Tình thế thật là nguy hiểm vì tàu có thể trôi vô bãi đụng đá bể nát. Nhiều thủy thủ hốt hoảng khóc. Rất may là gặp bãi cát, Việt kiều trên đảo vội tiếp tay thả neo ràng, kê vai vô đít tàu đưa ra an toàn. Tàu đậu xa bãi khoảng 5 km để ngừa thủy thủ lội vô bờ khi ta cướp tàu nếu không thuyết phục được họ. Theo kế hoạch của Ban và Mười Thôi, Bang già lãnh phần thuyết phục Má Chín và thuyền trưởng (Bang già rành tiếng Xiêm). Sau khi nói rõ yêu cầu Bang già hứa thưởng trọng hậu. Má Chín lắc đầu nguầy nguậy:

- Các anh làm ăn lật lọng quá!

Mười Thôi nhấn mạnh: 

- Bây giờ nói thiệt. Không phải là hàng lậu mà là vũ khí. Chúng tôi mua súng đạn về nước đánh Pháp. Chúng tôi sẽ thưởng các anh 40.000 Bath. Hẹn tới 10 giờ các anh phải nổ máy.

Vừa tuyên bố tối hậu thư, Mười Thôi bố trí đội hình: 

- Ta chiếm phía trước, mỗi bên có sáu anh em võ trang. Thôi thủ súng ngắn đứng giữa chỉ huy. 

Máy trưởng, một người lực lưỡng nhào tới ôm Mười Thôi: 

- Mấy anh định cướp tàu hả? 

Mười Thôi chĩa súng:

- Cướp tàu hay không là chủ tàu lo. Anh là công nhân. 

Đẩy lui máy trưởng, Mười Thôi hỏi thuyền trưởng: 

- Đi hay không cho tôi biết? 

- Đi đâu? 

- Đi theo tôi. Hạ lệnh nổ máy đi. 

Thuyền trưởng khóc: 

- Thương giùm tôi! Ba vợ mười mấy đứa con. Đi tàu cả đời chưa hề gặp vụ này! 

Trong khi chờ đợi thuyền trưởng và máy trưởng suy nghĩ, Mười Thôi phân công: 

- Ban thay thuyền trưởng, Sáu Ngọc thay máy trưởng.

Sáu Ngọc mày mò máy tàu hồi lâu, không điều khiển được vì anh chuyên lái ca-nô, nay gặp phải tàu lớn, không biết đâu mà rờ. Mười Thôi nhờ hai Hoa kiều thuyết phục thợ máy không được, họ thuyết phục thợ điện. Anh này người Indonésia có cảm tình với Việt Nam. Anh này nhỏ to với máy trưởng. Máy trưởng cho biết máy không nổ vì chân vịt bị quấn. Mười Thôi ra lệnh:

- Nhảy xuống chặt dây đỏi đi.(dây buộc thuyền). 

Nghe máy trưởng nói, Nuôi, anh thanh niên Quảng Ngãi cởi áo xách dao nhảy xuống biển. Ai nấy đều lo sợ cho anh. Nhưng vài phút sau, anh leo lên tàu và đưa ra một khúc đỏi. Chặt đỏi rồi, máy nổ nhưng tàu không ra khỏi đảo. Xem lại thì hai tay Nắng với Ghế chỉ lái canô chưa biết điều khiển tàu. Mãi đến 11 giờ trưa mới đi được.

Ba giờ chiều hôm sau lại bị bão. Tàu lắc 45 độ. Đài VTĐ ngã lăn hỏng máy không dùng được. Phải chạy rối sóng. Anh em trên tàu đều nôn mửa. Buồn cười là thuyền trưởng Ban là người mửa trước tiên. Mười Thôi lo lắng điểm quân. Chỉ có năm người không nôn mửa. Là tay quân sự, anh biết đây là lúc thuận lợi cho thủy thủ ra tay cướp tàu lại. Kế Nắng cũng mửa. Mười Thôi bảo nhỏ Nuôi: 

- Thủ kỹ cây tôm-xong không cho bất cứ tay nào tới gần.

Trên tàu lúc đó ngoài Mười Thôi ra chỉ có hai người không mửa, đó là Nuôi và Ghế. 

Đúng như anh nghĩ, máy trưởng lấy cớ đổ nước tới gần Nuôi định cướp súng nhưng Nuôi đã được cảnh giác nên ghìm súng nhìn máy trưởng lom lom. Cứ cắn răng chịu bão đêm. Đó là một đêm dễ sợ nhất vì thủy thủ Thái có thể ra tay bất cứ lúc nào. Sáng hôm sau, thuyền trưởng già nói:

Đi đâu thì cho tôi biết, chớ chạy vầy đâu được. 

Nhìn mặt biển, Mười Thôi mới biết vì sao tay này xuống nước. Lão ta chuyên chạy sát bờ, nhìn núi mà đoán tọa độ. Còn bây giờ trời nước mênh mông, dù có thả cũng không biết đường về. Đêm thứ hai , Ban gọi Thôi lên phòng hoa tiêu, chỉ ánh sáng từ xa hỏi: 

- Tàu hàng hay tàu binh? 

Theo cách đốt đèn, Mười Thôi biết tàu trước mặt là tàu quân sự. Anh ra lệnh tăng tốc độ. Nhưng Nắng lắc đầu: 

- Không được! Tàu mình tốc độ chậm. Không thể vượt qua đầu nó. Nên chạy vòng sau đít nó. Nếu tăng tốc độ, lửa sẽ bừng lên, địch dễ thấy. 

Mười Thôi gật: 

- Anh nói đúng. Nếu có sự cố mình sẽ ăn thua đủ. 

Thuyền trưởng và máy chính thấy tàu nhà binh sợ xanh mặt. Nhưng Mười Thôi trấn an họ: 

- Có gì mà sợ. Tụi tôi chấp. Súng ống cả tàu mà sợ nó sao? 

Nhưng tàu nhà binh chạy qua không chú ý tới chiếc Darathip. Thế rồi bỗng nhiên, tàu chạy chệch hướng. Mười Thôi chạy lên phòng hoa tiêu thì thấy Ban ngủ gục vì quá mệt. Anh xem hải đồ, chỉnh lại. Tới đây, thợ máy giở trò hù dọa: 

- Coi chừng hết dầu. 

Nhưng Ban bảo đảm với Thôi là còn 180 phuy dầu.

Đến ngày thứ ba, lúc 13 giờ tàu tới một hòn đảo. Anh em mừng rỡ tưởng Hòn Khoai nhưng không phải. 16 giờ tới Hòn Chuối, Mười Thôi quyết định vô cửa Ông Trang. Không báo trước nên Mười Thôi ra lệnh kéo cờ đỏ sao vàng cho anh em du kích trên bờ biết đây là tàu của mình. Nhưng trời tối treo cờ cũng như không. Tàu lại mắc cạn. Làm sao? Sợ sáng máy bay lên, Mười Thôi và Sáu Ngọc thả canô vô bờ, đụng xóm Gò Công (dân Gò Công tới đây lập nghiệp nên gọi là xóm Gò Công) té ra đây là Bảy Háp chớ không phải Ông Trang. Hai anh đi tìm xã trưởng nhờ cho dân quân giúp chuyển súng đạn lên bờ, sợ máy bay bắn sáng hôm sau. Tới trạm gác, chờ tới nửa đêm không thấy xã trưởng. Hai dân quân lên tàu thấy súng nhiều quá, vui vẻ đưa hai anh qua cửa Ông Trang tìm cách đưa tàu vô, nhưng Ông Trang cũng cạn nước, lại trở về Bảy Háp.

Bốn người đang đi thì bỗng có tiếng hỏi: 

- Ai? 

Đó là trạm gác đốt đèn leo lét. Hai dân quân vội vàng rút lui. Mười Thôi trình giấy có chữ ký của Phan Trọng Tuệ, chính ủy Khu 9. Anh yên chí lớn với chữ ký của anh Bảy Tuệ với cái mộc đỏ thật to, nhưng trưởng trạm gác lạnh lùng nói: 

- Giấy tờ cũng khó tin. 

Im lặng một lúc, ông ta hô to: 

- Xung phong! 

Lập tức bốn dân quân nhào tới, hai người bắt một người trói lại, Mười Thôi kêu lên: 

- Tại sao bắt trói? 

- Anh đưa súng ra. 

- Đây súng tôi đây, lấy súng tôi đi chớ đừng trói. Tôi nói trước là ngày mai, máy bay lên bắn chìm tàu súng đạn thì các anh đứt đầu đó. Tốt hơn là các anh cho tôi gặp chỉ huy của các anh. 

Tới đây, một người cao lớn xăm xăm bước vô, mấy anh dân quân đồng thanh kêu: 

- Anh Hai! 

Chính anh này là xã đội trưởng, chưa nghe báo cáo gì hết, xã đội trưởng nói:

- Không nói chuyện gì hết. Giải về trụ sở. 

Hai anh được đưa xuống xuồng. Mười Thôi ngồi mũi, vài phút sau thì xuồng ghe từ trong tuôn ra. Trên tam bản đi đầu có một người bộ vó quen quen, Mười Thôi chưa nhận ra thì người đó kêu to lên: 

- Ê mình sao? 

Thì ra đó là quân sự Điệp, chủ tịch xã Tân An. Nghe tin có tàu địch, anh dẫn đại đội ra đánh. Bấy giờ giám đốc thủy xưởng Nam Bộ là Thanh Ba chế được Bazoka nên khí thế rất hăng. Chừng đó xã đội trưởng mới biết Mười Thôi là ai. Ông tình nguyện dẫn Mười Thôi về Dây Chão gặp Thanh Sơn. Trên đường đi, anh Hai xã đội trưởng xuống nước: 

- Anh thương tôi. Đừng báo cáo với anh Sáu, chắc tôi đứt đầu ! 

Ngay trong đêm đó, chiếc Darathip được trục vô cửa Bảy Háp và giấu kỹ trong rạch. 

Anh Mười Thôi kết thúc câu chuyện đời xưa bằng một nụ cười thật tươi: 

- Trong chín năm chống Pháp, tôi làm được nhiều việc nhưng vụ cướp tàu Darathip là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời tôi.

Hết

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: