Không tầm thường
Điện thoại rung lên đúng lúc tôi vừa bước chân vào lớp, báo hiệu một tin nhắn quen thuộc.
"Linh, cậu thực sự không thể nghĩ lại sao? Mình không muốn mất cậu."
Tôi khẽ nhíu mày, chẳng cần đọc thêm cũng biết tin nhắn ấy từ ai. Huy vẫn vậy, dai dẳng và trẻ con như lần đầu tôi gặp cậu ta. Có lẽ, với cậu, chuyện giữa chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Nhưng với tôi, nó đã khép lại từ lâu.
Tôi tắt thông báo tin nhắn, nhét điện thoại vào túi, cố xua đi sự phiền muộn. Bây giờ tôi cần tập trung vào những việc quan trọng hơn.
Cuối buổi học, cô chủ nhiệm bất ngờ gọi tôi lại.
"Cô tin em làm được."
Đó là câu cô giáo chủ nhiệm nói với tôi khi giao phó nhiệm vụ dẫn dắt đội văn nghệ của lớp. Cô mỉm cười đầy tin tưởng, nhưng ánh mắt cô lại mang theo một sự áy náy rất rõ ràng.
"Vâng ạ, em sẽ cố gắng hết sức." Tôi gật đầu, dù trong lòng chẳng mấy tự tin.
Lớp 11A4 chúng tôi chưa bao giờ nổi bật ở mảng văn nghệ. Là lớp khối A, cả tập thể gần như chỉ chú tâm vào toán, lý, hóa. Giải nhất văn nghệ đối với chúng tôi là một điều gì đó xa xỉ. Đa số các bạn trong lớp đều xem việc tham gia văn nghệ như một nghĩa vụ hơn là niềm vui.
Tôi không trách cô. Cô đã phải lo quá nhiều thứ, từ việc chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi đến lịch học phụ đạo dày đặc của cả lớp. Văn nghệ chỉ là một phần nhỏ, nhưng tôi biết cô muốn lớp mình tham gia không phải để chiến thắng, mà là để tập thể có kỷ niệm gì đó trước khi kết thúc năm học.
"Ai thích thì đi đi nhé, tao không đi đâu. Đằng nào cũng không có giải!".
Đó là câu đầu tiên tôi nghe được khi đứng trước lớp để kêu gọi đội hình. Những lời bàn tán rì rầm, những tiếng thở dài vang lên khắp nơi. Tôi cố giữ nụ cười trên môi, hít một hơi thật sâu rồi lên tiếng:
"Bọn mình không đi thi để thắng, mà là để có gì đó đáng nhớ. Một tiết mục thôi, không cần cầu kỳ đâu. Ai đăng ký thì giơ tay nhé!"
Im lặng. Tôi nhìn xuống cả lớp, từng ánh mắt đều lảng tránh. Phải mất vài phút, sau khi tôi kiên nhẫn động viên, nhóm người đầu tiên mới chịu giơ tay. Cuối cùng, sau khi nài nỉ và khéo léo "ép buộc", tôi cũng gom đủ một đội cả nam cả nữ, bao gồm cả tôi.
Buổi tập đầu tiên khiến tôi hiểu ra rằng, nhiệm vụ này không hề đơn giản.
"Thời gian này không được. Tao còn phải học thêm!"
"Bài nhảy này khó thế. Hay đổi bài khác đi mày?"
"Nhóm mình chia đều vị trí đi, sao nó lại đứng ở giữa?"
Tôi không nhớ mình đã nói bao nhiêu lần câu "Bình tĩnh nào, để tao sắp xếp lại." Những tranh cãi cứ thế nổ ra liên tục. Là người dẫn dắt, tôi phải đứng ra hòa giải, điều chỉnh và động viên mọi người tiếp tục. Nhưng càng làm, tôi càng cảm thấy áp lực nặng nề.
Lớp tôi không có truyền thống văn nghệ. Đa số các bạn đều thiếu tự tin hoặc không muốn tham gia, chỉ làm vì trách nhiệm. Tôi phải biên đạo, xếp lịch tập sao cho phù hợp với thời gian của từng người, và quan trọng hơn, tôi phải khiến cả đội chịu hợp tác với nhau.
Những ngày này, tôi gần như không còn thời gian để nghĩ đến bất cứ thứ gì khác ngoài đội văn nghệ và bài vở trên lớp. Lịch trình bận rộn kéo dài từ sáng sớm đến tận khuya khiến đầu óc tôi lúc nào cũng như một cuộn dây rối bời.
Buổi sáng, tôi vẫn theo mẹ đến trường từ sớm. Những buổi trưa ngồi ăn cơm hộp một mình giờ đây trở thành khoảng thời gian quý giá để tôi hít thở và tạm quên đi mọi áp lực. Đến chiều, các buổi học phụ đạo dường như chỉ là màn chạy đua với đồng hồ để kịp ghi chép bài giảng.
Còn mỗi buổi tối hai tư sáu, dù mệt đến đâu, tôi vẫn phải đi học lớp IELTS.
Tôi thường đến trung tâm sớm, sớm đến mức phòng học vẫn chưa mở đèn. Tôi chọn một chỗ ngồi quen thuộc ở hàng hai, lấy bài tập ra làm trong im lặng.
Khi thầy bước vào, tôi ngẩng lên nhìn một chút rồi lại cúi xuống, tiếp tục với bài tập dở dang. Thầy không bao giờ chào tôi, và tôi cũng không chào thầy. Không phải vì chúng tôi cố tình lạnh nhạt, mà vì cả hai đều bận rộn với những suy nghĩ riêng.
Thầy sẽ đặt cặp lên bàn, lấy laptop ra và mở những tài liệu gì đó. Tôi không rõ thầy làm gì, nhưng đoán rằng dạy thêm chỉ là công việc phụ của thầy thôi. Thầy không tỏ ra quá nghiêm túc, nhưng cũng không lơ đễnh. Vẻ ngoài của thầy – từ áo polo đen đơn giản đến cặp kính – vẫn tạo cảm giác xa cách, như thể giữa chúng tôi có một bức tường vô hình.
Khoảng thời gian này, tôi không có thêm ấn tượng nào về thầy. Thầy dạy tốt, kiên nhẫn và dễ gần, nhưng không có gì đặc biệt để tôi nhớ đến ngoài lớp học.
Lớp học IELTS vẫn diễn ra đều đặn. Diệp Chi tiếp tục là tâm điểm chú ý, với cách nói chuyện tự nhiên và phong thái tự tin mỗi khi đứng lên trả lời câu hỏi của thầy. Cô ấy nói nhiều, trêu ghẹo thầy không chút ngại ngùng, và thầy chỉ cười, đôi lúc có chút lúng túng nhưng không hề tỏ ra khó chịu.
Tôi thường lặng lẽ quan sát những cuộc trao đổi đó, không phải vì tò mò, mà vì nó giống như một khoảng dừng giữa những giờ học căng thẳng. Tôi ngồi ở hàng ghế thứ hai, vừa đủ gần để nghe rõ, vừa đủ xa để không bị chú ý.
Thực ra, tôi không biết mình thích gì nữa. Có lẽ tôi chỉ đang cố gắng giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát – từ đội văn nghệ, bài tập trên lớp đến những cảm xúc lộn xộn trong lòng.
Những ngày tiếp theo, mọi thứ vẫn diễn ra như vậy. Tôi đến lớp IELTS sớm, làm bài tập trong im lặng. Thầy đến, ngồi làm việc của thầy. Diệp Chi nói chuyện, pha trò, và cả lớp cười.
Còn tôi, tôi chỉ ngồi đó, là một phần nhỏ bé trong bức tranh ấy. Tôi nghĩ về những việc phải làm ngày mai, về đội hình bài nhảy vẫn chưa xếp xong, về bài kiểm tra trên lớp sắp tới.
Tôi không nghĩ về thầy, không nghĩ về Diệp Chi, cũng không nghĩ về chính mình.
Những cảm xúc phức tạp mà người ta hay nói đến, có lẽ sẽ không bao giờ thuộc về tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top