Chương 06
9.
"A Tuấn, tách rộng chân của nó ra, bắp thịt cứng quá." Một người đàn ông trung niên để râu bạc phơ, mặc quần áo vải, hai tay luồn vào ống tay áo, chau mày nhìn cậu trai trước mặt.
Cậu bé được gọi là A Tuấn nghe thấy lời dặn thì đáp lời vâng một tiếng rồi lập tức ngồi xuống mặt đất, đối diện với cậu bé đang dựa vào tường tập xoạc chân, hai chân ấn xuống kéo đùi cậu bé ra, cậu bé đau đến mức trán đổ mồ hôi, suýt thì hét toáng lên.
May mà cậu bé ấn đùi nhanh trí, liếc thấy sư phụ vừa vặn quay lưng về phía này liền vội vàng bịt miệng đối phương.
"Sư đệ, nếu còn kêu thì chắc chắn sư phụ sẽ phạt đấy." Cậu bé nói nhỏ bằng giọng gió, lẫn trong tiếng hô của các sư huynh đang tập võ nên không ai khác nghe thấy: "Lát nữa tập cái này xong thì theo tôi ra sân tập đá mấy lượt, có lẽ sư phụ sẽ tha cho nghỉ. Cố nhịn chút nhé."
Cậu bé được gọi là sư đệ dốc sức cắn môi, gắng chịu đau, gật gật đầu.
Chừng một nén nhang sau đó, sư phụ mới gọi hai cậu bé lại, bố trí cho hai người màn tập tiếp theo, kết quả vừa khéo đúng như lời A Tuấn nói.
"Hai đứa bay ra sân tập đá theo các sư huynh, nếu chân đá không cao tới vai thì tối nay đừng mong ăn cơm nữa." Sư phụ nghiêm mặt cảnh cáo.
"Vâng thưa sư phụ." A Tuấn ngoan ngoãn trả lời sư phụ, dìu sư đệ run rẩy đi ra sân.
Trên sân tập ngập tràn mùi mồ hôi, đa phần con trai sinh ra đã lắm mồ hôi, đổ mồ hôi nhiều. Sư đệ cũng vậy, vừa rồi tập xoạc chân thôi đã đau đến mức mồ hôi túa ra như mưa. A Tuấn lặng lẽ liếc nhìn đối phương, tò mò trỗi dậy, nhìn dáng dấp sư đệ nhỏ con hơn mình rất nhiều, nhưng nghe sư phụ nói hai người hình như cùng tuổi.
A Tuấn cân nhắc chốc lát rồi hỏi: "A Dân, tôi nghe sư phụ nói cậu cùng tuổi với tôi hả?"
Cậu bé được gọi là A Dân đưa mắt nhìn sư huynh, chần chừ giây lát mới hỏi: "Sư huynh mấy tuổi rồi?"
A Tuấn nói: "Cả tuổi mụ là 7 tuổi, sinh vào tháng Ba."
A Dân gật đầu: "Em cũng 7 tuổi, có điều em sinh vào tháng Tám."
"Thích quá, vậy là chúng ta thật sự cùng tuổi!" A Tuấn vui mừng nói: "Nhưng cậu không định đổi tên sao?"
Đổi tên là truyền thống của gánh hát. Đào kép mới vào nghề đều phải bỏ tên cũ, dù sao đi chăng nữa, cho dù xưa kia có phú quý hay nghèo túng cũng không còn liên quan tới hiện tại.
"Không đổi, sư phụ nói tên em có thể giữ lại."
A Tuấn không nhìn thấy vẻ lạnh nhạt chợt lóe lên trong mắt sư đệ, chỉ đang nghĩ trước đây cũng có sư đệ không chịu đổi tên nhưng sư phụ vẫn cương quyết đổi, lần này sư phụ làm sao lạ lùng vậy nhỉ?
Vốn dĩ A Tuấn còn muốn nói tiếp nhưng khóe mắt liếc thấy sư phụ đứng trước mặt kiểm tra động tác bèn lập tức nghiêm chỉnh trở lại, ngậm miệng thật chặt.
"Mấy thằng nhóc này tập cho tử tế vào."
"Chân nhấc lên cao! Đừng cau có mặt mày."
Sư phụ cầm gậy tre, nhíu mày, mắt như chim ưng nhìn chằm chằm đám đệ tử xếp hàng tập luyện trên sân, hai người cũng sắp đi đến trước mặt ông rồi.
"Tập cho hẳn hoi! Người ta tiêu tiền để xem kịch, chúng bay có tập tử tế hay không, mấy trăm cặp mắt dưới sân khấu nhìn là biết ngay! A Tuấn không được buông lỏng tay, đi nhanh lên! Mọi người đều biết gánh hát chúng ta có tiếng trong thành cỡ nào, đừng có tự mình phá tan danh tiếng nhà mình, đợi chúng bay lần lượt được lên sân khấu mới biết cố gắng hiện tại không phải công toi!"
Sư phụ luôn miệng dông dài, hai đứa trẻ nghe rồi không dám lơi lỏng, mặt mày trắng bệch cũng phải cố mà chịu. Buổi tập tối không nặng lắm, chỉ là xoạc chân, tập vài kỹ năng cơ bản, cậy tuổi nhỏ nên tập mấy cái này đỡ hơn nhiều.
Về đến phòng, ai nấy mệt lử người, khắp phòng toàn mùi mồ hôi. A Dân tắm rửa xong vừa lau tóc vừa đi vào, nhíu mày không lên tiếng.
"Mọi người biết không? Lúc trước tôi nghe sư huynh đã xuất sư có kể lại, Hoàng Nhân Tuấn là con của má Đỗ!" Đám trẻ trong phòng lặng lẽ xúm vào một chỗ nói chuyện với nhau.
Đám người còn xuất sư được chia ra hai gian phòng ngủ, A Dân mới đến còn chưa quen biết ai, cũng không tham gia góp vui, chỉ nghe thấy tên của A Tuấn, tay cứng đờ vắt khăn lên vai, giả vờ cất quần áo, dỏng tai lên nghe.
Có đứa trẻ ngạc nhiên thốt lên: "Má Đỗ? Má Đỗ của Phong Vận đằng trước đó hả?"
Đứa trẻ nói ban nãy lên tiếng khẳng định: "Đúng! Nghe bảo nó là con riêng của má Đỗ với ông chủ gánh hát chúng ta, sau khi sinh ra ông chủ không muốn nhận nó, thế là ném nó vào đây."
Lại có người nói chen vào: "Vậy mà má Đỗ cũng chịu?"
Đứa trẻ kia tặc lưỡi: "Vì sao không chịu? Đều là kẻ thấp hèn như nhau, dù sao ở đây cũng tốt hơn làm tay sai trong kỹ viện chứ?"
Đám người nghe xong đăm chiêu gật đầu.
Sau đó lại bắt đầu nhao nhao lên, giọng điệu có kinh ngạc, có khinh thường.
"Chẳng trách nó có phòng riêng, được đối xử khác hẳn."
"Lúc trước tôi còn tưởng có nội tình gì, thì ra chỉ là con riêng của một kỹ nữ."
"Sư phụ thiên vị nó, coi nó như bảo bối vậy..."
A Dân nhớ lại người đang được bàn tán xôn xao hôm nay cùng mình tập luyện cả ngày, chỉ thấy không thể nghe tiếp được nữa, vội vàng đi ra ngoài như tránh ôn dịch, người trong phòng trò chuyện rôm rả quá mức tập trung nên không chú ý đến.
Bầu trời bên ngoài đã đen kịt, trên hành lang có mấy ngọn đèn dầu chiếu sáng cũng bị tắt, chỉ có đèn trong phòng còn sáng. A Dân rầu rĩ ngồi trên bậc thềm ở đầu hành lang, nghĩ thầm đợi trong phòng tắt đèn, đám nhiều chuyện kia đều đi ngủ rồi mới vào.
"A Dân? Sao còn chưa ngủ?" Âm thanh quen thuộc vang lên sau lưng. A Dân biết đó là ai, quay người ừ một tiếng.
"Sao thế?" A Tuấn đặt chậu tắm sang một bên, đặt mông ngồi xuống bên cạnh.
"Em ngồi một lát thôi." Hắn phiền muộn nói.
Nhân vật chính bị đám người kia đem ra bàn tán chỉ suy nghĩ chốc lát rồi gật đầu: "Vậy tôi ngồi đây cùng cậu."
A Dân đang chống tay trên đầu gối đỡ đầu, nghe vậy liếc mắt nhìn trộm người bên cạnh.
Sư huynh ngồi banh chân, hai tay chống phía sau, dáng vẻ tùy ý.
"Không quen với chỗ ở sao?" Sư huynh cất tiếng.
"..." A Dân lập tức nhìn sang chỗ khác.
"Không quen với chỗ ở cũng là chuyện thường, dù sao thì cậu mới vào, đông người, chưa kịp thích nghi."
Không phải không quen mà là không thích người trong phòng.
"Nếu thực sự không ổn thì có thể đến ngủ cùng tôi..."
A Dân không nhịn được nữa bèn nghiêng đầu nhìn thẳng sang.
"Sao vậy?" A Tuấn thấy đối phương nhìn mình chằm chằm bèn sờ sờ mặt mình, tưởng trên mặt mình dính cái gì.
A Dân im lặng giây lát mới hỏi: "Anh ngủ một mình à?"
Không biết ư? A Tuấn bị hỏi như thế thì thấy khó hiểu, thừa nhận: "Đúng thế."
A Dân cúi đầu, lông mi rung rung, chầm chậm hỏi: "Em có thể ngủ cùng anh?"
A Tuấn bỗng dưng sực tỉnh.
Ngày hôm sau, A Tuấn đi xin với sư phụ, mặc dù phòng mình nhỏ nhưng vẫn đủ cho hai người. Sư phụ liếc nhìn hai đứa trẻ, cho phép mà không nói gì.
"Vậy sau này cậu ngủ chỗ Hoàng Nhân Tuấn hả?" Cậu trai cầm đầu đưa chuyện ngày hôm qua nhìn thấy A Dân thu dọn hành lý thì hỏi.
A Dân không trả lời, chỉ xách đồ đi ra ngoài, khi đi ngang qua còn lườm đối phương. Mặc dù mới chỉ 7 tuổi nhưng nét mặt có thể khiêu khích đến bất ngờ.
Cậu trai kia thấy mình vô duyên vô cớ phải chịu công kích, cắn răng: "Lườm cái gì?"
A Dân không trả lời, cứ thế nghênh ngang rời đi.
...
Mấy năm sau.
"Sư huynh, đau chân." Một thiếu niên nằm trên giường, ôm chăn: "Em phải bôi thuốc!"
Một thiếu niên khác lấy rượu thuốc trong tủ ra, đưa qua: "Ai bảo em thích thể hiện, cứ phải đấu thương với A Lâm mới chịu, cầm lấy, tự bôi."
A Lâm chính là cậu trai mồm miệng bép xép năm xưa. Hoàng Nhân Tuấn thì không biết chuyện chứ trong lòng La Tại Dân rõ như gương sáng. Lần này đối phương gây hấn với hắn, rõ ràng là hắn chiếm lợi thế nhưng tên kia nham hiểm quá, mũi thương vốn phải đâm xuống dưới chân mà lại lệch lên trên, nếu không phải hắn nhanh nhẹn tránh được thì...
"Sư huynh bôi giúp em được không?" La Tại Dân chớp chớp đôi mắt, lại đẩy lọ thuốc về phía sư huynh.
Hoàng Nhân Tuấn thở dài, chỉ đành chấp nhận: "Đúng là anh mắc nợ em mà..."
Chớp mắt một cái hai người đã bước sang tuổi 13, cùng nhau tập luyện nhiều năm, cùng nhau sống chung nhiều năm.
"Tối nay mẹ anh lại đến đưa canh, chân em thế này thì uống nhiều một chút." Hoàng Nhân Tuấn cúi đầu xoa xoa rượu thuốc cho nóng lên rồi bóp cho đối phương.
La Tại Dân ngồi trên giường, cụp mắt nhìn chằm chằm Hoàng Nhân Tuấn, ừ một tiếng rồi lại hỏi: "Dì Đỗ hầm canh gì vậy?"
Đối phương đang nắm chân hắn vất vả giúp hắn xoa bóp: "Mẹ không nói, dù sao thì ngon là được."
La Tại Dân lại hỏi: "Có ngon bằng canh gà hầm thuốc bắc của anh không?"
Nghe được năm chữ canh gà hầm thuốc bắc, Hoàng Nhân Tuấn bất đắc dĩ ngước mắt: "Canh đó cũng là anh học từ mẹ, hơn nữa em ăn ba năm rồi không ngán à?"
La Tại Dân nhấc hai tay lên cao khoanh trước ngực, nhìn thẳng vào đôi mắt màu hổ phách của Hoàng Nhân Tuấn, cười nói: "Em thích mà."
Về canh gà hầm thuốc bắc, mấy năm trước khi La Tại Dân tập luyện quá sức, Hoàng Nhân Tuấn hỏi mẹ xin bài thuốc bồi bổ sức khỏe, dùng tiền tích cóp được vài năm qua đi mua thuốc mua gà. Mới đầu chỉ lén lút ra ngoài tìm một bác gái nấu sẵn, đưa đến tận nơi nhìn hắn uống. Về sau Hoàng Nhân Tuấn sợ bác gái kia động tay động chân nên tự mình mua đồ về tự nấu trong khoảng đất trống phía sau phòng ngủ.
Thế nên nếu bảo La Tại Dân hồi tưởng về những năm trước thì chắc chắn hắn chỉ nhớ mỗi bát canh đó.
Nhưng có thể thật sự nhờ tác dụng của nồi canh nên gần đây sức khỏe của La Tại Dân khá hơn trước nhiều.
"Được rồi, lần sau đừng có so bì vớ vẩn với người khác nữa." Hoàng Nhân Tuấn đứng lên cất lọ thuốc vào tủ: "Đợi kỹ năng hát khúc và biểu diễn của em đều vượt trội, có thể xuất sư, đến khi đó làm gì cũng được."
La Tại Dân ôm cánh tay, nghe sư huynh cằn nhằn, trong mắt tràn đầy nét cười.
Rõ ràng hồi nhỏ đối phương vô cùng hoạt bát, mỗi ngày lôi kéo mình nói toàn chuyện không đâu, mặc dù bây giờ cũng nói, nhưng chủ đề đã chín chắn hơn hẳn.
"Rốt cuộc em có nghe anh nói không đấy?" Hoàng Nhân Tuấn ngoảnh đầu lại thấy La Tại Dân đang cười, có chút giận dữ: "Em nghe cho rõ đây! Lần sau không được so tài nữa, biết chưa?"
La Tại Dân nhìn đối phương, tròng mắt đảo tròn một vòng, cất tiếng hát bằng giọng hát kịch: "Lòng chàng sáng trời trăng chiếu tỏa, tình này ngày sau nhất định báo."
Hoàng Nhân Tuấn vốn đang nghiêm túc, nghe xong câu này không nghiêm mặt nổi nữa, phì cười một tiếng, nói: "Nửa câu sau hát cái quái gì thế, chỉ biết sửa lời vớ vẩn thôi."
Còn không phải nói đùa cho anh vui hay sao.
La Tại Dân nghĩ thầm vậy.
Một lúc sau, Hoàng Nhân Tuấn nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy sắc trời nhá nhem, không cười cợt nữa, đi chọn một chiếc áo choàng lông thỏ, vừa mặc lên người vừa nói: "Anh ra cổng sau xem đây, chắc hẳn mẹ anh đến rồi."
Rượu thuốc trên đùi La Tại Dân cũng đã khô, có thể cử động, hắn bèn nhảy chân đất xuống sàn nhà: "Em mở cửa cho sư huynh."
Hoàng Nhân Tuấn thấy hắn không đeo giày thì chậc lưỡi, La Tại Dân đang định đi mở cửa chợt bị anh túm lại: "Em đi chân đất đây này! Đừng làm bậy, quay về giường nằm cho anh."
La Tại Dân bị kéo cổ áo quay lại ngồi xuống giường, hắn bĩu môi: "Em chỉ nhỏ hơn anh non nửa năm thôi, sao nhìn anh như cha em..."
Hoàng Nhân Tuấn nghe được câu phàn nàn, rủ mắt nhìn hắn bất đắc dĩ cất lời: "Nếu em chê anh quản nhiều quá thì anh mặc kệ em đấy."
"Không được!" La Tại Dân trợn trừng mắt, lập tức từ chối.
Biết ngay mà, dù là 7 tuổi hay là 13 tuổi thì dùng cách này vẫn có tác dụng.
Hoàng Nhân Tuấn thở ra: "Thế thì được rồi, anh đi đây."
Rời khỏi phòng, Hoàng Nhân Tuấn đi về phía cổng sau. 13 tuổi còn chưa hiện rõ vóc dáng đàn ông lại còn được thừa hưởng dung mạo xinh đẹp của mẹ, nếu không phải mái tóc cắt ngắn thì trông không khác nào một cô gái.
Đến cổng sau, quả nhiên má Đỗ đã đứng ở đó.
"Mẹ đến rồi." Hoàng Nhân Tuấn chạy bước nhỏ ngược chiều gió, mỉm cười với má Đỗ, lúc này hoàn toàn không còn vẻ chín chắn như khi đối mặt với sư đệ.
Hiện giờ má Đỗ cũng mới chỉ ba mươi tư, mặc một bộ xường xám tay rộng trên vạt áo thêu chỉ màu, trên vai khoác áo choàng, dáng dấp yểu điệu, chỉ có hộp cơm nhiều tầng đang xách trên tay là hơi lạc quẻ.
Má Đỗ nhìn ra sau Hoàng Nhân Tuấn, chỉnh lại mái tóc rối do chạy ngược gió của Hoàng Nhân Tuấn: "Sư đệ của con đâu? Không đi theo con à?"
"Không, hôm nay chân cậu ấy bị thương, không tiện ra ngoài." Hoàng Nhân Tuấn ngẩng đầu tươi cười.
Má Đỗ đúng là mẹ đẻ của Hoàng Nhân Tuấn, mang thai ngoài ý muốn với ông chủ Hoàng trong một lần gặp gỡ thoáng qua. Bà thương con, muốn nuôi con, nhưng ông chủ của lầu Phong Vận không cho phép. Bà không còn cách nào khác chỉ đành tìm đến cha của đứa trẻ. Nhưng ông Hoàng đã có gia đình đàng hoàng, không thể đưa về nhà. Do đó cuối cùng để lại trong gánh hát, tạo điều kiện cho ăn ngon mặc đẹp. Đợi mai này lớn làm việc trong gánh hát. Nhưng đâu ai ngờ được, Hoàng Nhân Tuấn ở đó lâu ngày dần dà lại thật sự muốn bái sư học hát kịch.
"Canh này con cầm về là được." Má Đỗ đưa hộp cơm cho con trai, nói chuyện nhỏ nhẹ: "Chăm sóc sư đệ cũng được thôi, nhưng con không được bạc đãi bản thân."
Hoàng Nhân Tuấn ngoan ngoãn nói: "Con biết rồi mẹ."
Mỗi tháng hai mẹ con chỉ có thể gặp nhau ba bốn lần, mỗi lần đều tìm một nơi trò chuyện trong chốc lát, sau đó ra về, lần này cũng vậy.
Hai mẹ con đến một quán trà gần đó, trong quán không đông khách, mặc dù má Đỗ chẳng sợ thân phận của mình bị người khác chỉ trỏ xoi mói, nhưng bà sợ con trai bị ảnh hưởng bèn dẫn con vào phòng riêng. Ở đó ăn uống trò chuyện chừng nửa canh giờ rồi về nhà.
"Muốn học hát kịch thì phải học cho hẳn hoi, biết không?" Má Đỗ căn dặn con trai: "Học hành thành tài rồi, thời buổi này không còn là con hát thấp hèn nữa, mà là diễn viên, được người người yêu mến ngưỡng mộ."
"Con biết ạ."
"Được rồi, con mau về đi." Má Đỗ đi trên đôi giày cao gót tiễn con trai tới cổng sau gánh hát, nhìn áo khoác của con trai phất phơ trong gió, tự an ủi mình khép chặt áo choàng rồi xoay người đi về lầu Phong Vận phía cuối đường.
Hoàng Nhân Tuấn xách hộp cơm, kéo lại vạt áo choàng bay lên, hấp tấp đẩy cửa phòng.
"Cuối cùng cũng về rồi." Giọng nói quen thuộc vang lên sau lưng.
Hoàng Nhân Tuấn khẽ hít thở sâu rồi mới xoay người lại, La Tại Dân vẫn nằm trên giường như lúc anh đi. Một tay anh xách hộp cơm đưa cho hắn, một tay cởi dây áo choàng: "Lần này đi nhanh, sợ em đợi sốt ruột nên chạy về. Ban nãy anh đi vắng em ở nhà làm gì?"
"Thì đọc lời kịch thôi." La Tại Dân giơ mấy tờ giấy trong tay lên, đặt xuống tủ đầu giường: "Em chăm chỉ học tập như thế, không phải ngày nào cũng tập hay sao?"
"Em thôi đi." Hoàng Nhân Tuấn cười.
"Đúng rồi, hôm nay dì Đỗ lại kể chuyện gì mới cho anh nghe vậy?" La Tại Dân đang mở nắp hộp cơm, chợt nhớ ra, hai mắt sáng trưng nhìn đối phương.
Vì ở trong gánh hát phải tập luyện hàng ngày nên mọi tin tức truyền đến đều muộn hơn. Bình thường trong này còn đang thổn thức miền nam có chiến tranh thì ngoài kia đã bàn tán chiến dịch nào đó ở miền nam thất bại rồi. Thế nên đối với bọn hắn, mọi câu chuyện má Đỗ kể luôn mới mẻ.
Hoàng Nhân Tuấn ngẫm nghĩ rồi kể: "Nghe nói gia đình thành bên đang tìm con trai."
"Tìm con trai?" La Tại Dân tò mò chớp chớp đôi mắt.
Hoàng Nhân Tuấn gật đầu: "Ừ, tìm con trai. Nói là..."
"Nói là con cái nhà đó chết sạch rồi." Má Đỗ sụt sùi: "Con cả ra chiến trường mất mạng, con thứ mắc phong hàn từ nhỏ cũng đã qua đời. Gần đây ngay cả con út cũng chết mà chẳng rõ vì sao, hiện tại nghĩ đến cũng chỉ đành nhận lại cậu con riêng mà lúc trước không cần thôi."
Khi đó Hoàng Nhân Tuấn nghe vậy mới tò mò hỏi một câu theo thói quen: "Thế tìm được chưa ạ?"
Bà phì cười một tiếng: "Tìm được người tình rồi, nhưng còn cậu con trai, nhà đó có hỏi thế nào người phụ nữ cũng không chịu nói."
Hoàng Nhân Tuấn ngạc nhiên hỏi: "Cũng chết rồi sao?"
"Cái đó thì không biết." Má Đỗ nhíu mày: "Nhưng mẹ đoán là chưa chết. Nếu chết rồi thì nói thẳng là được, cần gì phải giấu giấu giếm giếm?"
Cũng đúng.
Hoàng Nhân Tuấn đăm chiêu gật đầu.
La Tại Dân nghe thế thì trong lòng căng thẳng, hắn hỏi: "Dì có nói là nhà nào không?"
"Thì là nhà đó." Hoàng Nhân Tuấn đáp rất thờ ơ: "Thành bên cũng chỉ có mỗi nhà đó."
...
"Cùng họ với em."
...
"Nhà họ La."
La Tại Dân nghe được ba chữ ấy liền mím môi, nhất thời cảm thấy đồ trong hộp cơm nhạt nhẽo vô vị.
10.
Người trong gánh hát biết có một người là La Tại Dân cũng biết chuyện nhà họ La, nhưng không một ai liên tưởng ra điều gì từ họ của hắn. Đợi mãi cho đến một năm sau, rốt cuộc người nhà họ La cũng cạy được miệng người đàn bà trong câu chuyện, biết cậu con trai duy nhất còn sót lại đã bị đưa vào gánh hát, cực kỳ sợ hãi, vội vàng sai người tìm đến tận nơi. Bấy giờ mọi người mới vẽ ra trong đầu một đường liên kết, thể hiện hai chuyện này có thể nối liền với nhau.
Sao chuyện này cứ như trong thoại bản vậy.
Hoàng Nhân Tuấn nhìn người trước mặt mặc quân phục thẳng thớm, giao bức thư vào tay sư đệ đứng ngay bên cạnh mình. Anh mới chợt tỉnh thoát ra khỏi nỗi kinh ngạc.
Người cùng ăn cùng ở, cùng tập võ luyện hát với mình 7 năm, hóa ra lại là người nhà họ La thành bên.
La Tại Dân dửng dưng nhận phong thư, không hề liếc mắt, nói: "Tôi không về."
Đám người vây xem đều ồ lên vì quyết định của hắn.
Tuy nhiên, vị sĩ quan trước mặt lại nói theo lời dặn của người nhà họ La: "Ông La bảo cậu nhất định phải về."
"Tôi không đi." La Tại Dân cất cao giọng hơn.
Sĩ quan nhíu mày vì La Tại Dân kích thích, tiếp tục chuyển lời: "Ông chủ nói, nếu cậu từ chối hai lần thì nhất định phải đọc thư, tin chắc cậu sẽ không khước từ."
La Tại Dân im lặng nhìn bức thư trong tay, phong bì màu trắng, trên đó viết bốn chữ giả dối: Thân gửi con trai.
La Tại Dân ghét nhà họ La tột độ.
Bắt đầu từ cái ngày người mẹ luôn coi hắn như báu vật, ăn mặc xinh đẹp gọn gàng, dắt hắn vào đến sân nhà họ La.
Hắn vẫn nhớ trong nhà rất rộng, rất đẹp. Tòa nhà được xây kiểu tây, lối đi từ cổng chính vào đến trước cửa nhà được trồng kín cỏ xanh mềm mại, hai bên trồng hoa đang nở rực rỡ muôn màu. Ban đầu hắn cho rằng chủ của một căn nhà đẹp nhất định cũng là người tốt, nhưng khi hai mẹ con đi đến cửa, người đàn ông trong nhà đi ra, còn có ba đứa trẻ bám theo sau.
Câu nói đầu tiên của người đàn ông chính là...
"Tiện nhân, đến đây làm gì?"
Khi đó La Tại Dân nghe câu này xong lập tức nhíu mày, hắn cảm nhận được câu này là chửi mẹ hắn.
"Đừng như vậy mà, dù sao Tại Dân cũng là máu mủ của ông, chảy trong người dòng máu của ông."
Hắn nghe thấy mẹ nhắc đến tên mình, nói người đàn ông này và hắn là cha con.
"Nhà tôi chỉ có ba người con trai, mau xách thứ ti tiện này đi đi."
La Tại Dân cắn môi, lẳng lặng đứng bên cạnh, mẹ hắn hèn mọn quỳ dưới đất, người đàn ông kia mất kiên nhẫn ra mặt, mấy đứa trẻ đằng sau hất mặt vênh váo hống hách, còn luôn miệng nói thứ ti tiện.
"Mẹ, chúng ta đi thôi, được không?" Tiếng ồn ào buộc La Tại Dân tiến lên túm lấy tay mẹ, nhỏ giọng hỏi.
Người mẹ xưa nay luôn cười hiền từ vậy mà lần này thái độ khác thường như nhìn thấy vị cứu tinh, thẳng tay kéo hắn quỳ xuống: "Tại Dân, con mau gọi một tiếng cha đi."
La Tại Dân bị kéo đầu gối đập xuống đất đau nhói.
"Gọi đi nhanh lên, con gọi đi!" Người mẹ thân thuộc càng ngày càng nóng nảy.
La Tại Dân mím môi, hắn không muốn gọi người đàn ông cứ mở miệng là chửi ti tiện kia bằng cha chút nào.
"Bảo vệ, bảo vệ! Mau vào đây, ném hai người này ra ngoài cho tôi." Người đàn ông ấy nhíu mày gọi người tới, bỏ vào nhà mà chẳng một lần ngoảnh đầu nhìn lại. Mẹ hắn vẫn đang khóc lóc ầm ĩ muốn ở lại, nhưng bảo vệ đi vào, hai mẹ con bị kéo ra ném ngoài cánh cổng sắt.
Mẹ hắn vứt bỏ hết mọi rụt rè ra vẻ vốn có, như một người đàn bà chanh chua, quỳ gối trước cổng, ra sức đập cổng, tay đỏ cả lên, miệng vẫn không ngừng.
La Tại Dân vuốt phẳng vạt áo vừa rồi bị làm nhăn, nhìn mẹ thường ngày thích chưng diện như thế mà nay đầu bù tóc rối, chửi bới loạn lên, nét mặt cũng hốt hoảng. Bị người đi đường nhìn được, hắn thấy bất an, chỉ đành kéo vạt áo mẹ, thấp giọng hỏi: "Mẹ ơi đừng khóc, chúng ta về được không?"
Mẹ hắn bị kéo một cái, như chợt nhớ ra sự tồn tại của hắn, ánh mắt độc ác như róc xương róc thịt, lẩm bẩm: "Rõ ràng mày là con trai mà sao lại là thứ tốn tiền tốn của thế không biết?"
La Tại Dân nghe mà sửng sốt, chớp chớp mắt, dần thả lỏng vạt áo mẹ ra.
Dường như hắn không biết người đàn bà này.
Kể từ ngày đó trở đi, hết thảy đều thay đổi.
Mẹ hắn lôi xềnh xệch hắn về nhà, đánh chửi một trận. La Tại Dân vốn tưởng sang hôm sau sẽ thôi, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của cơn ác mộng. Ban ngày bà không có nhà còn đỡ, buổi tối vừa về đến nhà là không phút giây nào yên tĩnh, hễ không suôn sẻ liền đánh hắn, còn liên tục nhắc đến nhà họ La, túm tóc hắn ép hắn nhìn vào bức ảnh kia gọi cha.
Về sau bà thường dẫn đàn ông về nhà, hoàn toàn không thèm đếm xỉa đến sự sống chết của hắn, gặp mặt cũng chỉ chửi mắng, dù sao trước đó bà kiếm sống nhờ làm tình nhân của người ta. Lần này nhà họ La không cần bà, bà lại dắt theo một thằng con, vướng víu hạn chế mọi bề.
Có lần được người đưa vào rạp hát, thấy gánh hát đang tập trong sân, bà liền có suy tính riêng.
Đã là thứ tốn tiền tốn của thì bán vào gánh hát là được.
Sĩ quan đứng trước mặt hắn có chút sốt ruột: "Mở ra xem đi. Xem rồi, biết đâu cậu sẽ tự mình đi. Nếu còn khước từ, chúng tôi chỉ đành trói cậu lại đưa đi."
La Tại Dân cố nhịn ghê tởm mắc ói để mở bức thư ra.
Chỉ thấy trên đó bất ngờ viết ba chữ to đùng:
Hoàng Nhân Tuấn.
La Tại Dân run rẩy trong lòng.
Thật ra gánh hát cũng là một xã hội thu nhỏ, hắn từng thấy có người nói xấu sau lưng, cũng từng gặp người trong đây bắt nạt nhau, hoặc để tranh giành vị trí mà đấu chọi một sống một còn. Nhưng La Tại Dân chưa từng trải nghiệm những điều đó.
Từ sau khi hắn dọn đến ở cùng Hoàng Nhân Tuấn, vị sư huynh chỉ sinh trước hắn nửa năm vẫn luôn che chở hắn dưới đôi cánh mỏng manh của mình, cho dù có chuyện gì xảy ra, chỉ cần một tiếng sư huynh, Hoàng Nhân Tuấn sẽ chủ động bảo vệ hắn, còn sư phụ thấy Hoàng Nhân Tuấn là con riêng của ông chủ thì cũng mắt nhắm mắt mở cho qua.
Thế nên hắn nhìn thấy cái tên trên thư, khó nén nổi muốn vò nát tờ giấy.
Thấy hồi lâu La Tại Dân không trả lời, Hoàng Nhân Tuấn đứng bên cạnh trộm liếc mắt nhìn hắn, vừa vặn thấy được trang thư, nhíu mày: "Vì sao..." Trên đó lại có tên của anh?
Nhưng còn chưa kịp nói hết câu đã bị La Tại Dân vội vàng ngắt lời. Chỉ nghe thấy La Tại Dân nói một câu.
"Được."
Hết chương 06.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top