[09] Trang nhật ký thứ chín
Khi đứng trước tương lai của mình, mọi người thấy thế nào?
Đối với một đứa con gái vừa tròn mười lăm như tôi, lại tràn đầy hư vô mờ mịt.
Giờ lớn rồi, cái gì cũng phải tự biết lo liệu, phải biết tự giác, biết ý thức được những thứ gì nên làm và không nên làm. Thậm chí còn phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng, mặc dù đôi khi tư tưởng còn có cái gì đó non dại lắm.
Bao nhiêu năm trời đi học, ôm sách vở ngày đêm, vùi mình vào mớ kiến thức đau đầu, giờ phải biến nó thành một thứ vũ khí, thành bộ áo giáp, bước vào chiến trường tàn khốc.
Tôi không có lựa chọn.
Khi nhìn vào bảng khảo sát đăng kí nguyện vọng, trong đầu tôi trống rỗng, chẳng nghe được đám bạn xung quanh thảo luận cái gì.
Tôi chỉ đơn giản nghĩ: Đó là ngôi trường tiếp theo mà tôi sẽ ngồi ở đó tới 3 năm.
Nhưng rồi lại rối rắm: Thế sau này lại thi đại học, cũng thế này ư?
Có lẽ khi đó tôi chín chắn hơn bây giờ, trưởng thành hơn, biết rõ điều mình cần theo đuổi.
Giáo viên chủ nhiệm của tôi nói rằng: Hà Nội, tỉ lệ đỗ vào THPT công lập chỉ khoảng 60% mà thôi.
Tức là, tôi buộc phải gồng mình nhét bản thân vào con số 60% đó.
Giờ sao đây?
Làm thế nào bây giờ?
1 tuần trước khi thi, tôi buông bỏ hết sách vở, không học hành, không giải đề nữa, chỉ thư giãn và chơi bời. Ngoài mặt, tôi rất ung dung, thậm chí mọi người còn nói tôi chủ quan. Nhưng thực ra tôi còn lo lắng hơn cả bố mẹ tôi nữa.
Hôm đi nhận phòng và hoàn thành bước thủ tục cuối cùng để bước vào kì thi, lần đầu tiên tôi được đặt chân vào ngôi trường nguyện vọng 1 - quyết định khiến tôi phải đắn đo rất lâu, thậm chí phải tranh luận với bố mẹ, sau bao lời tư vấn, khuyên nhủ của giáo viên. Một thứ cảm giác khác lạ mà hưng phấn ùa vào trong lòng tôi, khiến tôi bất giác phải nở nụ cười giữa bao khuôn mặt căng thẳng của các thí sinh khác. Mẹ tôi xin nghỉ làm 2 ngày để đưa đón tôi, mặc chiếc áo chống nắng tối màu, khẩu trang kín mít, luôn miệng dặn dò tôi đủ thứ. Bình thường tôi thấy điều đó rất phiền, nhưng lúc đó tôi lại vô cùng chăm chú lắng nghe, thậm chí bất an cầm chặt tay mẹ tôi, làm nũng đòi mẹ hôn má một cái - như một lời chúc may mắn. Tôi biết rõ, kết quả kì thi này không chỉ quyết định cuộc đời tôi mà còn là danh dự của cả gia đình tôi nữa.
Ngôi trường tôi đăng kí nguyện vọng 1 là một trường tốt - lịch sử lâu dài, danh tiếng tốt nhất khu vực, còn trường nguyện vọng 2 - một ngôi trường gần nhà, tôi chỉ cần đạp xe 2, 3 phút là đến.
Chính vì lẽ đó, mà tỉ chọi của ngôi trường nguyện vọng 1 khá cao, 1:1, chỉ tiêu là 600 học sinh, nhưng đến gần 1,200 nguyện vọng đăng kí. Khi xem công bố nguyện vọng + chỉ tiêu trên báo, tôi đã từng lo lắng, liệu có nên rút xuống một ngôi trường thấp hơn? Nhưng lòng quyết tâm khiến tôi giữ vững quyết định ban đầu.
Ngày đầu tiên thi Văn và Anh, đề không khó, và tôi đã làm được. Hai buổi thi, là hai lần tôi cười rạng rỡ , là một trong những thí sinh bước ra đầu tiên trong tiếng cổ vũ nhiệt liệt của các anh chị Đoàn viên. Mẹ tôi đứng dưới nắng đợi tôi, vẫy tay vui mừng ôm tôi vào lòng.
Ngày thứ hai thi môn cuối cùng - Toán. Tôi cũng hơi lo, nếu 2 môn đầu đề dễ, thì Toán có vẻ sẽ khó, tính phân loại học sinh cao, nhưng đêm hôm ấy, nếu mẹ tôi thao thức đến hừng đông thì tôi ngủ ngon lành, dậy đúng giờ, quần áo thơm tho, xách balo và đi.
Lúc nhận đề thi Toán, tôi vô cùng bất ngờ, nhất là đề hàm số. Cả học kì II với thời gian nghỉ vì dịch bệnh, thầy giáo tôi vẫn cố gắng dạy hệ thức Vi-ét cho cả lớp, rồi đề thi cuối cùng lại rơi vào kiến thức học kì I - phương trình đường thẳng. Tôi cảm thấy có phần may mắn vì trời sinh tố chất tâm lí tốt, vẫn rất bình tĩnh làm bài.
Tuy nhiên, tôi dần cuống quýt, vì áp lực hay nguyên nhân gì đó, một câu đơn giản để áp dụng bất đẳng thức Cô-si kinh điển tôi lại không nghĩ ra, lại mày mò làm theo phương thức nâng cao đến mức phải chứng minh bất đẳng thức Bu-nhi-a Cốp-xki.
Tôi không ra được đáp án.
Tôi bỏ đó, quay sang làm bài khác, cuối bài, tôi nhìn lại, rồi làm được câu vừa bỏ.
Sau khi soát lại bài hơn 5 lần, tôi phát hiện mình đã uống gần hết chai nước, đành phải xin đi vệ sinh, thầy giám thị hành lang tay cầm chiếc quạt nhựa tròn nhìn tôi cười hỏi làm bài thế nào, tôi - với bàn tay còn hơi run - trả lời rằng tôi làm bài ổn thỏa, nhưng trong lòng vẫn còn đầy lo lắng.
Kết thúc buổi thi, tôi đưa mắt nhìn cả phòng, một vài bạn đôi mắt đã sưng đỏ. Tôi có chút hồi hộp. Nếu hai buổi thi hôm trước giám thị làm thủ tục nộp bài rất nhanh, thì lần này, hai giáo viên giám thị lại làm thủ tục rất lâu, đến mức tôi mất hết cả kiên nhẫn.
Mấy hôm sau mẹ tôi kể lại, khi đứng đợi ở ngoài, mẹ nhìn thấy nhiều bạn khóc vì không làm được bài, nên vô cùng sốt ruột, mà tôi ra muộn nên mẹ càng sốt ruột hơn. Mẹ tôi đôi mắt rưng rưng, cầm lấy tay tôi, thấy tay tôi lạnh toát, mặt mũi vô cùng căng thẳng. Khi đó mẹ tôi đã chuẩn bị biết bao lời an ủi, nhưng điều khiến mẹ an tâm chính là lời nói thầm của tôi: "Mẹ ạ, con làm được bài rồi!", đến khi ngồi trên xe để về nhà, tay tôi vẫn còn run run vì sung sướng, thậm chí tôi còn đùa: "Không hiểu sao năm nay bác Sở bẻ lái gắt quá, cả học kì II ngồi học Vi-ét như chết đi sống lại mà rơi vào học kì I thế này!"
2 tuần ở nhà đợi điểm thi, tôi chỉ có ăn với ngủ, hoặc là lướt SNS, đến mức cả người mốc meo và phát điên vì nhàm chán. Khi có thông báo về thời gian chính thức mở cổng thông tin tra cứu điểm thi, tôi lo đến mức vội cuống lên, gọi điện thoại cho bố tôi, hỏi đông hỏi tây về phiếu báo dự thi của mình, rồi tôi ôm máy tính cả buổi chiều trong hân hoan.
Tôi đã bao lần tưởng tượng đến viễn cảnh bản thân mình sẽ phản ứng như thế nào khi biết điểm thi, hoặc là nhảy cẫng lên chạy khắp nhà, hoặc òa khóc nức nở. Nhưng thực tế, tôi lại bình tĩnh đến lạ thường, nhắn tin, gửi ảnh chụp màn hình cho bố mẹ và ông bà đang ở quê.
Ngày hôm sau, niềm vui còn lớn hơn nữa.
Tôi đỗ Á khoa, cách Thủ khoa 0.25 điểm mà thôi.
Hơi tiếc, nhưng nhiều hơn nữa là vui mừng. Tôi không ngờ rằng điểm của mình lại cao đến thế.
46.5 điểm.
Tương lai rộng mở, đây chính là thành tựu đầu đời của tôi.
Chưa bao giờ tôi hạnh phúc đến thế.
---
01.08.2020
-LNC
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top