MY #10yearschallenge: PHÍCH NƯỚC
Posted on Facebook on January 18, 2019.
"Ông đi lấy phích nước ra đây để tôi pha nước rửa mặt cho cháu.", đấy là lời bà ngoại tôi bảo ông ngoại tôi không phải 10 và rất nhiều năm về trước...
Hôm nay, đương ngày lạnh nhất nhì của đợt rét này, bình nóng lạnh nhà tôi bị hỏng. Chiếc phích nước ngày thường chỉ dùng để đựng nước nóng để pha trà, nay lại phải làm việc hết tốc lực để giữ nước nóng cho cả gia đình tôi đánh răng, rửa mặt, tắm rửa.
Mùa đông những năm ấy, bất kể tôi dậy sớm hay muộn, trời lạnh nhiều hay lạnh ít, bà đều bảo ông pha nước ấm cho tôi đánh răng, rửa mặt. Và dù có đang làm việc gì, se sợi hay băm bèo, nấu cám hay quét sân, ông đều dừng tay để đi pha nước cho tôi.
Tôi đã từng đi du lịch đến một nơi xa thật xa bằng xe khách, chuyển từ xe nọ đến xe kia thay vì đi máy bay, tàu hỏa. Không phải vì tôi không có tiền đi máy bay, cũng không phải vì tôi ngại đi tàu, chỉ đơn giản vì tôi luôn nghĩ "cái gì dễ dàng có được quá thì mình sẽ không trân trọng". Nhưng có lẽ trong số những "cái gì" của tôi chưa từng có việc ông dậy sớm, ngoài vô số những việc không tên khác thì không quên đun nước để tôi dậy có thể đánh răng rửa mặt bằng nước ấm.
Bây giờ tôi lớn rồi, tôi biết đun nước. Tôi biết đun nước bằng bếp ga, tôi biết tự cắm ấm siêu tốc. Tôi chỉ không biết đun nước bằng bếp củi giống ông bà tôi năm xưa. Tôi không biết ông chẻ củi có vất vả không. Tôi không biết ông nhóm bếp có lâu không. Bạn bè bảo tôi biết nhiều thứ, nhưng thực sự, những điều này tôi không biết, trước đây không biết và bây giờ vẫn chưa biết. Tôi chỉ biết chưa ngày nào ngủ dậy ở nhà ông bà mà tôi phải rửa mặt bằng nước lạnh.
Cái phích ngày ấy... đẹp lắm. Nó làm bằng kim loại. Nó gỉ sét đi vì thời gian nhưng thỉnh thoảng lại được ông tôi mang ra cọ bóng loáng. Nó màu đỏ. Nó có trang trí hoa văn xanh đỏ rất... xưa. Nó thường được đậy bằng chiếc nút gỗ, khi rót nước nóng vào phích rồi đậy vào luôn cái nút sẽ nảy nảy lên vì hơi nước nóng. Nó còn có một cái nắp bằng kim loại đáng ra nên được dùng để đậy trùm lên chiếc nút gỗ nhưng được ông tôi trưng dụng làm vật để "đồ nghề" cạo râu của ông gồm chiếc dao cạo râu cũ và chiếc gương cầm tay vốn là hộp phấn từ ngày xửa ngày xưa đã hết phấn chỉ còn cái gương (ở những gia đình khác, theo tôi biết, chiếc nắp đa năng ấy còn được sử dụng như cốc uống nước, bơ đong gạo...).
Cái phích bây giờ khác phích ngày xưa nhiều lắm. Đa số có vỏ nhựa, ruột kim loại. To nhỏ đủ loại, xanh đỏ đủ màu, hoa văn đủ kiểu. Có loại được làm nhỏ lại cho gọn, có loại được "biến tướng" thành dạng chiếc ấm để phù hợp với việc để trên bàn uống nước. Rồi, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, phích nước truyền thống dần bớt quan trọng trong mỗi gia đình. Thay thế cho nó bây giờ là bình thủy điện, là cây nước nóng lạnh...
Những năm ấy, những năm mà chưa có bình nóng lạnh hay bình thái dương năng ấy, không chỉ rửa mặt, mà kể cả khi tắm, cái phích cũng gắn với những câu chuyện của tôi và ông bà. Mỗi lần bà tắm cho tôi, ông đều dặn bà pha nước cho tắm cho tôi xong là phải để phích nước gọn vào một góc nhà tắm hoặc để ra ngoài kẻo tôi bị bỏng. Hay có hôm tôi "dở chứng" muốn tự tắm thì ông phải cẩn thận pha nước đủ ấm cho tôi rồi xách phích nước ra ngoài, chứ tuyệt nhiên không cho tôi đụng vào cái phích. Ông bảo không được sờ vào kẻo bỏng. Kể cả những năm sau tôi lớn lớn hơn một chút, mỗi lần sai thấy tôi xách phích nước, ông lại nhắc tôi: "Cẩn thận."
Bây giờ tôi lớn rồi, tôi được đụng vào phích rồi, tôi biết dùng phích rồi. Tôi có thể tự đun nước đánh răng nước rửa mặt nước tắm cho tôi và mọi người rồi. Tôi cũng có thể đun nước cho ông nữa. Tôi còn mới biết pha trà nữa. Ông thích uống trà buổi sáng. Tôi có thể đun nước rồi pha trà cho ông. Nhưng tôi không cần làm như vậy nữa rồi...
Vì công nghệ phát triển, cuộc sống tiện nghi, các đồ gia dụng trong gia đình đã làm hết những việc năm ấy của chiếc phích rồi, và vì ông... đã không còn để uống nước tôi từ chiếc phích của tôi nữa rồi...
BPN.
Hà Nội, ngày hỏng bình nóng lạnh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top