Hạnh phúc là gì?
Posted on Facebook on August 11, 2020.
Mình muốn cảm ơn mình trước đây. Cảm ơn mình trước đây vì đã cẩn thận giữ lại tất cả các bài thi, bài kiểm tra của mình từ lớp 6 đến hết lớp 12. Nhờ có sự lưu giữ này mà mình hiện tại mới được đọc lại, thậm chí học lại những bài văn, những kiến thức mà mình đã "học trước quên sau" để bồi dưỡng cho chính bản thân mình hiện tại.
Mình quyết định trong quãng thời gian rảnh rỗi này sẽ lưu lại những bài thi, bài kiểm tra này dưới dạng e-copy. Để nếu không may có không giữ được những tờ giấy với nét mực đã nhòe qua cả gần một thập kỷ này thì mình của mai sau còn có thể cảm ơn mình của hiện tại với lý do giống như mình hiện tại vừa cảm ơn mình trước đây.
Nay đọc lại những bài văn ngày ấy mình khá bất ngờ. Bất ngờ vì... nhiều thứ. Nhưng đa phần là vì khả năng tiếng mẹ đẻ của mình lúc bấy giờ. Một người bạn của mình gần đây có nói những thứ mình viết hơi thiếu cảm xúc, nhiều lúc nghe dịch từ tiếng nước ngoài ra vậy. Mình không biết có đó là "tác dụng phụ" của việc học ngoại ngữ không. Nhưng mà thôi, dù có dù không, mình cũng tìm ra cách giải quyết rồi. Mình sẽ học lại từ mình của ngày xưa. Dù cho từ suy nghĩ đến giọng văn lúc bấy giờ đều hơi ngây ngô, nhưng mình hồi viết những thứ ấy chính là "a version of myself" mà mình yêu thích.
Bài văn dưới đây mình viết ở một năm nào đó hồi cấp 3.
Nếu giờ có ai hỏi mình "Hạnh phúc là gì?" thì có lẽ mình sẽ sarcastically nói "Hạnh phúc là sáng đi làm không tắc đường, trưa book được shipper giao đồ ăn nhanh và tối về nhà thấy cân nặng không tăng chút nào.", còn mình của hồi đó thì trả lời như thế này:
Đề bài: Hạnh phúc là gì?
Bài làm:
Hạnh phúc – thứ bao người dành cả đời để tìm kiếm. Hạnh phúc – mục đích cả nhân loại vẫn hướng tới bao đời nay. Vâng, có thể nói hạnh phúc là thứ mà không một con người nào trên thế giới này là không muốn có. Song, "hạnh phúc là gì" hay "thế nào là hạnh phúc" – những định nghĩa này đối với cá nhân mỗi người mà nói lại hoàn toàn khác nhau!
Bàn về hạnh phúc, có người cho rằng: "Hạnh phúc là có nhiều tiền.", nhận định này không sai, nhưng chưa đủ. Đúng là có tiền thì ta có thể có mọi thứ của cái vật chất – những thứ ảnh rất nhiều tới cuộc sống con người từ trước tới nay. Tuy nhiên, của cải vật chất lại không phải thứ duy nhất tồn tại trong cuộc sống của chúng ta. Song song với còn có một thứ khác – một giá trị mà dùng bao nhiêu tiền bạn cũng không thể mua được – giá trị tinh thần.
Có tiền, anh có thể mua được ngôi nhà, nhưng chưa chắc đã mua được tổ ấm. Có tiền, anh có thể mua được đồng hồ, nhưng không có nghĩa là mua được thời gian. Có tiền, anh có thể mua được chiếc giường, nhưng chắc gì đã mua được giấc ngủ? Có tiền, anh có thể mua được thuốc thang, nhưng liệu có mua được sức khỏe? Có tiền, anh có thể mua được sách vở, nhưng đâu có nghĩa là mua được tri thức! Không tin? Hãy nhìn ra ngoài kia: biết bao gia đình đang trong tình trạng "không có gì ngoài... điều kiện" – cha mẹ mải mê kiếm tiền bỏ bê con cái dẫn tới việc con cái hư hỏng, mắc vào các tệ nạn xã hội do không có người bảo ban, chỉ đường; con cái chỉ lo kiếm tiền mà để cha mẹ bơ vơ một mình, không người nương tựa, không người chăm sóc,...
Chắc hẳn không ít người đã nghe về số phận hẩm hiu và cái chết bi thương của cụ ông 85 tuổi ở Nhật Bản qua bài báo "Cái chết cô đơn ở Nhật Bản" hay chuyện con trai của ngôi sao võ thuật nổi tiếng thế giới Thành Long bị bắt vì sử dụng ma túy. Hai trường hợp tưởng như không liên quan tới nhau này lại có một điểm chung mà chúng ta đang bàn đến: những người trong hai câu chuyện trên đều có tiền! Hoặc là do con cái chu cấp, hoặc là do bố mẹ chu cấp, họ thực sự không phải lo lắng về vấn đề tiền tài vật chất, nhưng, trên tất cả những thứ đó, thứ mà "nhân vật chính" của cả hai trường hợp trên đều thiếu là sự quan tâm chăm sóc của người thân. Còn nữa biết bao người già ở Nhật Bản phải chịu cảnh sống cô đơn xa con xa cháu, còn nữa biết bao nhiêu cậu ấm cô chiêu chỉ biết tiêu tiền của cha mẹ vào những việc vô bổ,... để đến cuối cùng, thứ mà họ mãi mãi không có được vẫn là hai từ: hạnh phúc. Đó, đó không phải là những dẫn chứng của việc có tiền nhưng không có hạnh phúc hay sao?
Ngoài ý kiến trên, bàn về hạnh phúc, còn có một ý kiến nữa được rất nhiều người đồng ý, một ý kiến tưởng như rất đúng nhưng lại chưa thực sự hoàn thiện: "Hạnh phúc là sự thanh thản của tinh thần.". Vâng, tôi có thể khẳng định lại: ý kiến trên đúng, nhưng chưa đủ! Tại sao ư? Chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 21, đã qua lâu rồi cái thời có thể tin vào "một túp lều tranh, hai trái tim vàng". Ở cuộc sống hiện tại, để có được hạnh phúc thực thụ, sự thanh thản hay nói rộng ra là những giá trị tinh thần là vô cùng quan trọng – điều này không sai, song, đây chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ.
Để có hạnh phúc, theo tôi, ta phải có cả hai thứ trên, cụ thể hơn, là sự giao thoa, hòa hợp của chúng – cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Rõ ràng anh không thể chỉ "ăn khí uống sương" để tồn tại chứ chưa nói đến việc để tinh thần thoải mái, thanh thản. Và rõ ràng anh khó có thể "thanh thản" được với một cái bụng đói. Hãy thử nghĩ xem, biết bao gia đình, ừ thì yêu thương nhau đấy, nhưng mà vì hoàn cảnh gia đình, vì miếng cơm manh áo mà người này phải ra đi tìm việc, người kia phải ở nhà nheo nhóc nuôi con. Liệu đó có còn là hạnh phúc?
Chắc hẳn các bạn còn nhớ hình ảnh chú bé Hồng trong tác phẩm "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng. Những bất hạnh của tuổi thơ cậu đúng là do những hủ tục phong kiến gây nên, song, một phần cũng do chính vấn đề nhức nhối mà chúng ta đang bàn tới – vấn đề tiền bạc, kinh tế. Nếu như mẹ Hồng có tiền, nếu như gia đình cậu không "nợ nần cùng túng quá" thì mẹ cậu đâu phải bỏ con đi tha phương cầu thực khiến cậu mất đi một phần hạnh phúc tuổi thơ. Đây chẳng phải minh chứng cho việc tiền tài vật chất cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc của con người hay sao? Đấy là chưa kể đến việc, chỉ khi có điều kiện kinh tế, một số nhu cầu về tinh thần của con người mới được giải quyết!
Không chỉ có hai ý kiến trên, còn có một ý kiến nữa bàn về hạnh phúc cũng khá đúng đắn nhưng vẫn chưa đầy đủ, ấy là: "Hạnh phúc là cống hiến hết mình!". Đọc đến đây, ta bất giác nhớ đến khát vọng cống hiến của Thanh Hải trong "Mùa xuân nho nhỏ":
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Nhớ đến bài thơ, ta lại không thể không nhớ đến hoàn cảnh sáng tác của nó: Thanh Hải viết bài thơ này năm 1980 khi đang nằm trên giường bệnh trước khi mất không lâu. Quả thật, khát vọng cống hiến đến tận cùng của thi nhân làm ta không khỏi xúc động, bồi hồi, xao xuyến! Song, khi bước ra khỏi vùng xúc cảm ấy, ta lại đặt một câu hỏi: những người chỉ biết cống hiến và cống hiến và không nhận lại bất-cứ-thứ-gì về mình như vậy, họ lấy đâu ra sức mà tiếp tục cống hiến nữa? Rõ ràng là nếu như anh chỉ có cho cho và cho mà không nhận lại thứ gì, không tích trữ thứ gì thì lấy đâu ra thứ mà cho tiếp, mà cống hiến tiếp? Sự cống hiến ấy sẽ kéo dài sao? Và như vậy cũng gọi là hạnh phúc trọn vẹn sao?
Như Tố Hữu đã từng viết:
"Nếu là con chim, chiếc là
Thì con chim phải hót, chiếc là phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"
đúng là ông đã nhấn mạnh đến việc "trả" và "cho" nhưng cũng không hề bỏ qua vấn đề "vay" và "nhận". Rõ ràng là phải có vay có trả, có trả có vay, có cho có nhận, có nhận có cho – có như vậy mới là trọn vẹn, có như vậy mới là hạnh phúc.
Nói tóm lại, theo tôi, hạnh phúc là sự hài hòa, cân bằng, là sự kết hợp giữa cho và nhận, giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa vật chất và tinh thần. Chỉ có khi hài hòa giữa vật chất và tinh thần, cuộc sống của con người mới ổn định được. Chỉ có khi hài hòa giữa cho và nhận, giữa cống hiến và hưởng thụ, xã hội mới công bằng, con người mới phát huy hết khả năng của mình được. Và chỉ khi hài hòa những thứ bên trên, ta mới có thể hái được trái ngọt mang tên hạnh phúc!
Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, niềm hạnh phúc hài hòa và cân bằng luôn là điều tôi hướng tới. Tôi sẽ cố gắng học tập rèn luyện để có thể cống hiến hết mình và hưởng thụ những gì xứng đáng cũng như để với tay tới ngôi sao hạnh phúc mang cả giá trị vật chất lẫn tinh thần!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top