Lịch sử ngoại giao
Đề bài:Đánh giá vai trò của sứ giả [nhà ngoại giao] trong lịch sử Việt Nam thời kỳ Độc lập tự chủ. Chọn phân tích một nhà ngoại giao Việt Nam tiêu biểu thời độc lập tự chủ để làm rõ.
Trong lịch sử của dân tộc ta, ngoại giao có phần đóng góp quan trọng trông công cuộc giữ nước. Cùng với đấu tranh quân sự, hoạt động ngoại giao của tổ tiên ta không những làm thất bại các mưu đồ xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc mà còn làm cho kẻ địch dù hùng mạnh đến mấy cũng phải kiêng nể dân tộc ta. Những kinh nghiệm vô cùng phong phú của đấu tranh ngoại giao trong các thời kỳ lịch sử giữ nước và dựng nước là niềm tự hào của của dân tộc ta, thể hiện phong cách của ngoại giao Việt Nam. Đó là nên ngoại giao của một dân tộc anh hùng, đầy tính chiến đấu, đồng thời cũng là nền ngoại giao của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, muốn có quan hệ hữu hảo láng giềng và tỏ rõ tính khoan dung, đại lượng, đức độ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hoạt động ngoại giao của tổ tiên ta đã góp phần xây đắp nền độc lập, tự do của dân tộc, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, uy tín của quốc thể và sự cường thịnh của đất nước.
Ngày xưa, trong bộ máy nhà nước ( triều đình, viện cơ mật, nội các,...) không có các cơ quan chuyên trách ngoại giao. Vì thế, đấu tranh ngoại giao của tổ tiên ta trong thời chiến cũng như thời bình thường giao cho văn quan như Mạc Đĩnh Chi,... có khi võ tướng như Lê Phụ Trần, Vũ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm,... cũng được chọn làm sứ giả để đi sứ phương Bắc.
Trong quá trình đi sứ ấy, tính mạng của các sứ thần như” mành chỉ treo chuông”, đặc biệt là trong giai đoạn cận chiến. Trong lịch sử bang giao của nước ta, có trường hợp chỉ vì một câu đối đáp, mà sứ thần bị giữ laị như Đào Tử Kỳ hay bị giết như Giang Văn Minh. Cho nên, việc đi sứ nguy hiểm là thế, gian nan là thế. Nguyễn Trãi cũng có lần từng ví von chuyến đi sứ như “ miệng hổ lăn mình” hay như Phan Huy Ích, một nhà ngoại giao có tài thời Tây Sơn cũng nói:” Tang bồng hề tuất trì khu viễn?- Ngọc tiết tu tri ứng đối nan”.Tất cả họ đều lên đường vì việc lớn của đất nước với tinh thần “ Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Trong cuốn sách Giao Châu Cảo, Trần Cương Trung có viết:”Sứ thần tới nước ấy không được dẫn đi theo những con đường đã có sắn, mà toàn là đục núi làm đường, quanh co khuất khúc, khi trèo núi, khi lội khe, để cho thấy là đường đi rất xa xôi nguy hiểm.” Có thể nói, sự an toàn tính mạng của các sứ thần trong giai đoạn khác nhau là khác nhau. Đơn cử như trong giai đoạn trước các cuộc kháng chuyến chống quân Mông- Nguyên diễn ra, các sứ thần của ta sang Nguyên đều bị giam lại do quan hệ giữa ta và Nguyên hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, việc Đặng Nhữ Lâm, một sứ bộ Đại Việt, sang sứ nhà Nguyên với mục đích thăm dò tình hình nước ấy vào năm 1299, khi bị phát hiện, nhà Nguyên chỉ cho sứ sang Đại Việt yêu cầu triều đình nhà Trần không để cho sứ sang Nguyên làm những việc như thế.
Tâm thế của các sứ thần thể hiện quan điểm ngoại giao của một nước. Năm 1292, nhà Trần cho hai quan văn là Nguyễn Đại Phạp, Hà Duy Nham đi sứ sang Nguyên. Ngoại giao nước ta đối với nhà Nguyên lúc này là ngoại giao của người chiến thắng, đứng trên thế mạnh để giải quyết mọi mối quan hệ với đối phương. Sứ ta ra ngoài vốn dĩ đường hoàng, cứng cỏi, lịch lãm, nay tư thế lại càng ung dung, chững chạc hơn nữa. Truyền rằng, Nguyễn Đại Phạp sang sứ được người Nguyên rất trân trọng và gọi một cách tôn phục là “ Lão lệnh công”.Điểm này càng thể hiện đường lối ngoại giao của vua tôi nhà Trần là không nhượng bộ, thể hiện rõ ràng lập trường và quan điểm của mình là thế của nước ta là thế một nước nhỏ, nhưng mạnh có thể”Nguyệt cung, tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô”.
Sứ giả còn có vai trò rất quan trọng trong việc thăm dò thực hư, tìm hiểu tình trạng của một quốc gia. Qua đó, có thể nói thành bại được mất của một quốc gia thể hiện thông qua những lần đi sứ như thế. Năm 1280, sứ bộ Lương Tằng của triều đình nhà Nguyên sang nước ta ngoài nhiệm vụ là đòi hỏi, yêu cầu nhà Trần đáp ứng những yêu sách của chúng, còn có thêm một nhiệm vụ khác là dò xét tình hình Đại Việt để báo cáo về triều đình nhà Nguyên. Có lẽ vì thế, đoàn sứ bộ này đã ở Đại Việt tới hai tháng để thấy tận mắt sức mạnh và khí thế của dân tộc ta. Qua những điều mắt thấy tai nghe ấy, bọn sứ Nguyên rất kinh ngạc trước ý chí tự lực tự cường và quyết tâm xây dựng đất nước rất cao của dân tộc Việt nên đâm ra lo ngại, sợ sết. Trong bài thơ của mình, Trần Phu, tên sứ bộ nhà Nguyên lúc bấy giờ có viết” Nhìn gươm giáo, lòng son đau khổ- Nghe trống đồng, tóc bạc trắng đầu - May được trở về, thân được mạnh- Mơ ngày đi ấy vẫn hồn kinh.” Năm 1299, một sứ bộ của ta sang Nguyên do Đặng Nhữ Lâm cầm đầu đã bí mật làm một số việc: vẽ bản đồ các cung điện và vườn thượng uyển, mua các bản đồ và sách cấm của Trung Quốc, sao chép những văn thư Đại Việt có ở Trung Quốc, ghi chép tình hình quân sự và các rừng núi ở biên giới phía Bắc.
Sứ giả của một quốc gia còn có nhiệm vụ truyền bá tư tưởng của nước mình cho nước bạn. Khi còn làm quan dưới thời nhà Trần, Hồ Qúy Ly khi được người Trung Quốc hỏi về phong tục nước nam, ông làm một bài thơ chữ Hán để trả lời” Dục vấn An Nam sự- An nam phong tục thuần- Y quan Đường chế độ- Lễ nhạc Hán quân thần- Ngọc ưng khai tân tửu- Kim dao nghiễn tế lân- Niên niên nhị tam nguyệt- Đào lý nhất ban xuân”.
Sứ giả còn có vai trò tìm hiểu và học hỏi tinh hoa của nước bạn, thu thập các bí mật ngành nghề, hạt giống của nước ngoài để phổ biến cho nhân dân, để phát triển các ngành nghề trong nước. Đơn cuử như chuyện Phùng Khắc Ngoan trong một lần đi sứ sang phương Bắc đã đem các hạt giống đậu, ngô về nước để dạy dân trồng trọt, làm phong phú thêm sản vật nước nhà. Hay chuyện ông tổ nghề thêu Trần Quốc Khải trong lần đi sứ nhà Minh đã học cách thêu, làm lọng để về truyền lại cho dân,...
Vai trò của sứ thần trong việc đại diện ngoại giao của một nước trong các thời điểm khác nhau là khác nhau. Trong thời bình, sứ thần có nhiệm vụ đi sứ để thiết lập mối quan hệ bang giao, hòa hảo giữa hai nước, hoặc đi thông hiếu, cống, sính, cầu phong, hiếu hỉ.Trong thời tiền chiến và diễn ra chiến tranh,sứ thần có nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ chiến đấu ( tỏ rõ lập trường và thái độ của vua một nước, nêu yêu sách, thăm dò thực hư,...) . Trong thời tiền chiến giữa nhà Trần và nhà Nguyên, Mông Cổ cho sứ sang ta một cách bất thường để thúc ép, dọa dẫm. Ta cho sứ sang Nguyên để tỏ rõ lập trường, bác bỏ mọi yêu sách ngang ngược, vô lý của chúng như :” Vua Trần phải sang chầu, phải kê khai dân số nộp cho Mông Cổ, phải chịu các quân dịch của Mông Cổ, phải để cho Mông Cổ đặt quan lại nước họ để cai trị Đại Việt. Tháng 2 năm 1285, giặc tiến tới gần kinh thành Thăng Long, vua trần cho tướng Đỗ Khắc Chung đi sứ sang trại giặc giả tiếng cầu hòa để tìm hiểu tình hình giặc. Trong suốt quá trình chống quân Mông- Nguyên, vua dân nhà Trần luôn luôn cho sứ sang bên giặc vạch rõ hành động của chúng là phi nghĩa, đòi chúng phải rút quân về nước.Trong thời kỳ hậu chiến, sứ thần có nhiệm vụ nối lại bang giao giữa hai nước, trao trả tù binh, triều cống,... Sau khi chiến thắng quân Mông- Nguyên xâm lược, công việc đối ngoại đầu tiên của nhà Trần là trả bớt tù binh Nguyên về nước.Do đó, nhà Trần đã cử một đoàn sứ bộ sang Nguyên,vừa để báo cho họ biết việc ta trả tù binh vừa thăm dò thái độ và động tĩnh của bên chúng.Sau đó, cứ vài năm, sứ thần hai nước qua lại một lần, báo cho nhau sự kiện trọng đại trong nước,biếu xén nhau quà cáp, thắt chặt mối quan hệ giao hảo. Do tính chất công tác ngoại giao rất khó khăn, phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia dân tộc nên việc cử sứ giả thường chọn những người có đủ đức và tài để đảm đương trọng trách đó.
Một vị sứ thần giỏi cần hội tụ những yếu tố như sau. Thứ nhất, vị sứ thần đó phải có tinh thần tự hào dân tộc cao. Thứ hai, người đó phải trung với vua, hiếu với nước. Thứ ba, người đó phải có dũng khí, không khuất phục trước uy vũ của đối phương, không bị cám dỗ bởi tiền tài và nữ sắc. Thứ tư, vị sứ thần tài ba cần hiểu biết tường tận yêu cầu của đất nước và nhiệm vụ của sứ bộ. Thứ năm, vị sứ giả ấy phải có kiến thức và học thức uyên bác.
Từ những điều kiện ở trên, có thê thấy được Mạc Đĩnh Chi chính là một trong những vị sứ giả tài giỏi của dân tộc Việt thông qua tiểu sử cũng như những giai thoại viết về ông.
Thứ nhất, tinh thần dân tộc của Mạc Đĩnh Chi được thể hiện khi ông đi sứ sang Trung Quốc, trong buổi tiếp kiến đầu tiên người Nguyên đã ra câu đối:”Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố”(Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày mặt trời thiêu cháy vầng trăng). Hàm ý là đại quốc đủ sức đốt cháy nước nhỏ..Mạc Đĩnh Chi đã đối lại:”Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (Trăng là cung, sao là đạn, khi chiều tà mặt trăng bắn rơi mặt trời. Hàm ý là nước nhỏ cũng có thể chống lại nước lớn trong hoàn cảnh thích hợp). Qua điều đó cũng có thể thấy được sự uy dũng của vị sứ thần Đại Việt.
Thứ hai,Thời vua Trần Minh Tông, Mạc Đĩnh Chi càng được tin dùng hậu đãi. Ông là người liêm khiết, vua biết muốn thử ông, sai người đem 10 vạn quan tiền để trước cửa nhà ông. Sáng hôm sau Đĩnh Chi đem túi tiền lên triều, tâu nhà vua, Vua nói:Không ai nhận tiền ấy, thì cho khanh lấy mà chi dùng. Mạc Đĩnh Chi cùng với các vị Trần Thời Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Độ Thiên Lư, Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn,... được sử quan Ngô Thì Sĩ nhận định trong Việt sử tiêu án: ‘Các ông này làm quan có phong độ, ngạnh trực dám nói thẳng, có phong độ đại thần và nhân tài thịnh nhất hơn triều các vua khác’. Trong Việt Sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ cũng chép lại một giai đoạn khi Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Nguyên, khi được Tể tướng triều Nguyên mở tiệc chiêu đãi sứ bộ Việt, ông thấy trong phủ Tể tướng có bức tranh thêu chim sẻ vàng đậu trên cành trúc rất đẹp. Đĩnh Chi kéo con chim sẻ xuống xé nát ra, người Nguyên hỏi cớ sao? Ông nói:”Cổ nhân có vẽ mai và tước, chưa thấy vẽ trúc và tước (sẻ). Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, bức trướng thêu này là đưa tiểu nhân đặt lên trên quân tử, nên tôi vì Thánh triều mà trừ mối tệ ấy đi”. Điều đó càng thể hiện được sự gan dạ, bộc trực, tâm thế của người con xứ Việt.
Thứ ba, Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới ba triều vua Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Anh Tông. Đặc biệt, dưới triều vua Trần Hiến Tông, ông lần lượt làm các chức quan như Nhập nội hành khiển, Lang trung hữu ty, chuyển sang làm Lang trung tả ty trải đến chức Tả bộc xạ nên ông tường tận nhiệm vụ của đất nước. Vì lẽ đó, vào thời vua Trần Anh Tông, Mạc Đĩnh Chi được cử đi sứ nhà Nguyên mừng vua Nguyên Vũ Tông lên ngôi vua. Trong thời gian làm chánh sứ sang phương Bắc, cùng với tài trí hơn người, ông đã tỏ rõ bản lĩnh của mình khiến vua quan nhà Nguyên khâm phục, phong ông làm Lưỡng quốc trạng nguyên.
Cuối cùng, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc mở học đường, tập hợp văn sĩ bốn phương, chu cấp cho ăn mặc, đào tạo nhiều nhân tài, trong đó có Mạc Đĩnh Chi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu v.v... gồm 20 người, đều được dùng cho đời.”Năm 1304 đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi Cống sĩ lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ)Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng.
Qua bài phân tích vai trò của sứ giả cũng như phân tích những đặc điểm tiêu biểu của một sứ giả thông qua nhân vật Mạc Đĩnh Chi đã một lần nữa khẳng định vai trò của ngoại giao trong đường lối đối ngoại của các triều đại phong kiến Việt Nam trong thời độc lập tự chủ.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu giấy
Sách giáo trình : tập bài đọc Lịch sử ngoại giao Việt Nam, tập 1
Việt sử tiêu án, Soạn giả Ngô Thì Sĩ, Dịch giả: Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Nhà xuất bản: Văn Sử 1991, Chương Anh Tông Hoàng Đế
Đại Việt sử ký toàn thư, Soạn giả Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên..., Dịch giả Viện sử học Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1993
Tài liệu điện tử
Trần Hồng Đức, Lưỡng quốc trạng nguyên đầu tiên của Đại Việt (17/09/2010), báo nhân dân, http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/6209802-.html, truy cập 24/01/2019
Trần Hưng, Các sứ thần nước Việt thời xưa không chỉ giỏi ngoại giao,https://trithucvn.net/van-hoa/su-than-viet-thoi-xua-khong-chi-gioi-ngoai-giao.html, truy cập ngày 21/1/2019
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top