Lễ tân ngoại giao
Văn hóa chính trị rất cần thiết và có ảnh hưởng to lớn đối với hoạt đông chính trị của mỗi người, của chủ thể cầm quyền cũng như của đông đảo quần chúng trong xã hội.Với trọng trách về các vấn đề lớn như chiến tranh, hòa bình, hay trong các lĩnh vực tư pháp, an ninh, giáo dục,văn hóa vả quan hệ đối ngoại, nhà nước được trang bị những công cụ mà không tổ chức nào có được: biểu tượng quốc gia,hệ thống quốc kỳ;quốc huy;quốc ca, các lễ hội chính trị,hệ thống tiền bạc,công nghệ chính trị quốc gia và đặc biệt là giao tiếp chính trị. Thông qua giao tiếp chính trị được thể hiện cụ thể bằng hành vi, ngôn ngữ và lễ tân ngoại giao, Việt Nam và các chủ thể khác trên trường quốc tế có thể thực hiện đường đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Lễ tân ngoại giao là tổng hợp các quy định và tập quán về phép xử sự quốc tế dựa trên cơ sở tôn trọng tất cả những gì là biểu trưng và đại diện cho quốc gia, được các quốc gia thừa nhận và tôn trọng. Trong quan hệ quốc tế, đường lối chính sách đối ngoại là nhân tố quyết định. Lễ tân ngoại giao là một bộ phận cấu thành của hoạt động ngoại giao, nói một cách khác, hễ có hoạt động ngoại giao là đương nhiên có lễ tân ngoại giao.
Phạm vi hoạt động lễ tân ngoại giao liên quan đến mối quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền, thể hiện qua vai trò của nhà nước.Ngoài ra, phạm vi hoạt động của lễ tân ngoại giao còn liên quan đến quan hệ ngôi thứ giữa các thể chế và nội trong các thể chế,quan hệ giữa người nắm quyền và quan hệ giữa các cá nhân với những người nắm quyền đó.Nghi thức lễ tân nhằm đảm bảo tôn trọng những người đối thoại và các cơ quan họ đại diện.Dưới đây là một số các qui tắc hoạt động của nghi thức lễ tân ngoại giao để hướng dẫn và cho phép mọi người đều cảm thấy yên tâm khi thực hiện vai trò của mình trong các hoạt động chung.
Mời khách
-Giấy mời là hình thức khẳng định những thông tin liên quan đến lý do, nội dung, tính chất , ngày tháng, hay địa điểm gặp gỡ.
-Giấy mời cũng cho phép xác định chính thức ai được mời và ai không được mời.Đó cũng là dấu hiệu để những người được mời nhận ra nhau khi tên của họ được xướng lên và là một dạng giấy chứng nhận phân biệt người này với người khác.
-Nội dung giấy mời là khâu quan trọng trong việc tổ chức một hoạt động.Soạn thảo giấy mời là một trong những công việc đầu tiên thực hiện trong quá trình chuẩn bị hoạt động, phải tóm lược được nội dung của sự kiện.Tránh trường hợp in giấy mời mới soạn thaỏ nội dung.
Dưới đây là hình ảnh minh họa cho giấy mời trong nghi thức lễ tân ngoại giao
Công tác đón tiếp
Đón tiếp các đoàn Đại biểu cấp cao, đoàn Ngoại giao hoặc Đại sứ (đại diện) nước ngoài về thăm địa phương.
Các bước chuẩn bị
Khi được tin có đoàn Cấp cao, đoàn Ngoại giao, Đại sứ (đại diện) nước ngoài về thăm địa phương, ngoại vụ địa phương cần làm tốt các công tác chuẩn bị sau:
- Thông qua Bộ Ngoại giao (hoặc Vụ chủ quản) để nắm rõ về tiểu sử, đặc điểm của khách, yêu cầu mục đích chuyến đi, tình hình đối nội, đối ngoại của nước mà họ đại diện, tình hình quan hệ giữa nước họ với ta, những yêu cầu cần chú ý trong giao tiếp, nguyện vọng của họ khi về địa phương.
- Làm đề án và chương trình đón tiếp, trong đó chú ý làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung trao đổi ý kiến. Lên danh sách khách mời làm việc và dự các bữa tiệc chiêu đãi; phân công nhiệm vụ phụ trách cụ thể cho từng cán bộ.
- Lên kế hoạch cụ thể đón ở đâu (sân bay, sân ga, ở địa giới của tỉnh) và trang trí (có cờ, khẩu hiệu không? nội dung thế nào) bố trí ở đâu, đi đường nào cho an toàn và đẹp mắt, đưa về đâu trước, ở đó có ai, làm gì (tặng hoa hay không? Có tiêu binh không?...)
- Phối hợp với các Ban, ngành tổ chức công tác đón tiếp, phân công cho từng Ban, ngành phụ trách các nội dung khác nhau dựa trên đề án đã được Lãnh đạo duyệt:
Văn phòng Tỉnh uỷ, Uỷ ban hoặc bộ phận ngoại vụ chuẩn bị nội dung chính trị, tư liệu cho lãnh đạo Tỉnh, diễn văn, đề án hội đàm, nội dung khẩu hiệu...để làm việc với khách.
Bộ phận lễ tân chuẩn bị hình thức, mức độ nghi lễ đón tiếp, chuẩn bị cơ sở vật chất: ăn, ở, đi lại, làm việc, tham quan, giải trí.
Công an lo an toàn, trật tự ở mọi nơi đoàn tới và đi qua.
Giao thông chuẩn bị đường xá.
Y tế lo phòng bệnh, cấp cứu.
Tổ chức một cuộc họp với các ngành hữu quan có trách nhiệm đón tiếp và làm việc với khách, phổ biến mục đích yêu cầu đón tiếp. Mọi biện pháp cũng cần có kế hoạch riêng và phân công cụ thể.
Đón khách
- Liên hệ với sân bay, nhà ga hoặc các đồng chí có trách nhiệm trong đoàn khách xác định ngày, giờ khách đến để thông báo cho các cơ quan, các đồng chí có trách nhiệm ở địa phương chuẩn bị đón khách.
- Liên hệ trước với các cơ quan chức năng ở sân bay, ga tàu (Ban giám đốc sân bay, Công an cửa khẩu, Hải quan...) để tranh thủ giúp đỡ giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh, hộ chiếu, hành lý nhanh chóng thuận lợi cho khách.
Đón ở sân bay (nhà ga):
Nếu là Nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng tới thăm thì:
- Sân bay treo cờ hai nước, trang trí cờ, khẩu hiệu chào mừng đoàn.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố, Tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ...đón tại cầu thang máy bay, cửa toa (nếu đi tàu hoả), cửa xe (nếu đi xe hơi), giới thiệu những người ra đón (xếp hàng theo vị trí từ cao xuống thấp) rồi đưa khách lên xe.
- Xe trưởng đoàn cắm cờ hai nước. |
- Xe cảnh sát dẫn đường lúc đón, tiễn và các hoạt động khác.
- Tặng hoa Trưởng đoàn và phu nhân (nếu có).
Đón ở địa giới tỉnh, thành phố:
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Ngoại vụ...
- Xe Trưởng đoàn cắm cờ hai nước, có xe cảnh sát dẫn đường.
- Không có cờ, khẩu hiệu ở địa giới Tỉnh.
Đón ở trụ sở UBND tỉnh, thành phố:
- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Ngoại vụ và đại biểu các ngành.
- Nhà UBND treo cờ hai nước, trang trí cờ, khẩu hiệu chào mừng.
- Tặng hoa.
- Tại nhà khách: treo cờ nước khách và trang trí đèn màu. Còn đối với các đoàn cấp thấp hơn thì đơn giản về mức độ, nên thống nhất trước với cơ quan đưa khách về theo tinh thần quyết định số 186 ngày 2/6/1992 của HĐBT.
Khi khách đến
- Mời những người đi đón (cả ta và bạn) ra đón khách
- Tặng hoa và mời đoàn lên xe ôtô về nhà khách.
- Cử cán bộ lễ tân ở lại sân bay lo thủ tục: hộ chiếu, hành lý.
Ở nhà khách:
- Tại phòng tiếp khách, chủ khách ngồi theo tập quán quốc tế (khách ngồi bên tay phải chủ nhà), chủ giới thiệu người dự, chương trình, nói vài ba câu chào mừng, nâng cốc chào đoàn, không nên nói dài, hoặc đọc diễn văn , sau đó mời khách vào.
- Bố trí nơi nghỉ và sinh hoạt là chủ yếu.
- Các cơ sở nghỉ mát, dưỡng bệnh tiếp nhận, chăm sóc đoàn là chính trên cơ sở quyết định của lãnh đạo địa phương.
Cách sắp xếp chỗ ngồi trên xe ôtô:
Trong cách sắp xếp chỗ ngồi trong ô tô trong Lễ tân ngoại giao được thực hiện theo nguyên tắc sau (Nhìn theo hướng nhìn của người ngồi trong xe):
- Khách chính hoặc người có chức vụ cao nhất, ngồi vào chỗ ngồi danh dự bên phải ghế sau xe (chếch với lái xe). Nếu treo cờ thì cờ của nước khách treo bên phải, cờ nước chủ nhà treo bên trái.
- Vị trí của chủ nhà là ở sau lái xe. Nếu có 3 người cùng ngồi chung ghế sau lái xe thì chỗ giữa đựơc coi là chỗ thứ 3 về tầm quan trọng.
- Bảo vệ, phiên dịch hay cán bộ tháp tùng ngồi đằng trước cạnh lái xe. Nếu cần phiên dịch thì bảo vệ nhường, đi xe trước
- Nếu xe ôtô có ghế phụ (ghế gấp), thì xếp người thứ 3 ngồi ghế phụ. Không nên xếp 3 người cùng ngồi ghế sau.
- Nếu trong đoàn có cả vợ lẫn chồng, chủ và khách sẽ lên xe đầu, xe tiếp theo sẽ là xe của vợ (hoặc chồng).Trường hợp theo yêu cầu của khách cả vợ và chồng cùng ngồi một xe thì vị trí vợ chồng khách sẽ là vị trí thứ nhất và thứ ba.
Những điều cần lưu ý:
- Người lái xe bao giờ cũng phải đỗ xe phía người khách chính ngồi, trước cửa nhà khách, cửa ga...để khách xuống xe là trực diện với chủ nhà đón khách và là người bắt tay chủ nhà trước tiên.
- Người tháp tùng không bao giờ xuống xe trước khách, trừ người phiên dịch hoặc lái xe, bảo vệ phải nhanh chóng xuống xe để mở cửa cho khách.
- Đối với khách quý, thường bố trí người đứng tại chỗ để mở cửa xe và đóng cửa xe cho khách.
- Khách chính có phu nhân đi cùng, có thể xếp phu nhân ngồi bên phải và khi xe đỗ, phu nhân xuống trước chồng và bắt tay chủ nhà trước tiên.
3.Ngôi thứ và xếp chỗ
Bố trí chỗ ngồi thích hợp cho mỗi người theo ngôi thứ và cấp bậc là một trong những việc tế nhị nhất trong công tác lễ tân.Người xưa thường nói sự hiểu biết về ngôi thứ là một khoa học và sắp xếp chỗ ngồi là một nghệ thuật,vì việc thực hiện những công việc này bao giờ cũng có khó khăn.Vấn đề ngôi thứ và chỗ ngồi không những bảo đảm cho một buổi lễ diễn ra có tổ chức,trang trọng, mà còn nói lên cả lý do cũng như mục đích của buổi lễ.Do đó, những quy định lễ tân về ngôi thứ và cách sắp xếp chỗ ngồi tạo thuận lợi cho việc giao tiếp giữa những người tham dự.
Ngôi thứ:
-Sự bình đẳng giữa các nhà nước:Các nhà nước có chủ quyền đều bình đẳng với nhau.Nguyên tắc bình đẳng này bao hàm việc xác định những tiêu chuẩn khách quan để xác lập ngôi thứ các nguyên thủ quốc gia với nhau và giữa các phái đoàn với nhau.
-Nhường chỗ: Chủ một buổi lễ hay một bữa tiệc ngồi vị trí số 1,ngồi bên phải hay trước mặt chủ là vị khách có cấp bậc cao nhất. Nguyên tắc này không bất di bất dịch,có thể được điều chỉnh bằng cách là khi chủ tiếp một nhân vật cấp bậc cao hơn sẽ lịch sự nhường chỗ cho khách.
Ví dụ: Khi một vị thị trưởng tiếp một thủ tướng sẽ ngồi bên phải khách.
-Dân biểu: Khi cấp bậc của họ không được xác định bằng một sắc lệnh,các dân biểu cùng cấp được xếp theo thâm niên được bầu.
-Tuổi tác và thâm niên: Hai tiêu chí tương tự như nhau để xác lập ngôi thứ.Về tuổi: người nhiểu tuổi xếp trên người ít tuổi.Vấn đề thâm niên: giữa hai người có cương vị như nhau,người có cương vị lâu hơn được ưu tiên. Nếu thời gian thâm niên như nhau, người nhiều tuổi hơn được xếp trên. Người tiền nhiệm xếp sau người đương nhiệm, người giữ cương vị danh dự xếp sau người giữ chức vụ thực tế.
-Lịch sự với phụ nữ:Một trong những cử chỉ đẹp nhất được biết đến là nam giới nhường chỗ cho nữ giới.Tuy nhiên, trong khung cảnh một hoạt động chính thức,một quan chức cấp cao sẽ nhường chỗ cho một người phụ nữ cùng cấp bậc.
-Các nhân vật tôn giáo:Theo quy tắc chung,trong những buổi lễ thường,các chức sắc tôn giáo xếp sau các quan chức dân sự, nhưng nguyên tắc này cần được điều chỉnh tùy theo chức tước, tuổi tác,địa điểm và hoàn cảnh.
-Những người có huân chương và các nhân vật có uy tín trong các lĩnh vực nghệ thuật;khoa học;văn học;kinh doanh;hay trong các lĩnh vực nhân đạo: Được ưu tiên.
-Thứ tự chữ cái: cách thường dùng để ác định ngôi thứ.Cách này được áp dụng nhằm thực hiện triệt để sự bình đẳng giữa đại biểu, phái đoàn hay quốc gia.
-Ngôn ngữ lựa chọn sẽ là ngôn ngữ nơi diễn ra sự kiện hoặc ngôn ngữ chính thức của tổ chức hay một ngôn ngữ khác do các bên thỏa thuận,.
Cách xếp chỗ:
-Sự có mặt của khách nước ngoài: Xếp xen kẽ khách trong nước với khách nước ngoài.
- Chú ý đến những điểm tương đồng: Xếp ngồi cùng bàn với những khách mời trong nước và nước ngoài thực hiện những nhiệm vụ tương đồng nhau.
-Sơ đồ bàn:
Bàn chữ nhật: Có nhiều thực khách ngồi hai bên,chủ tọa bàn ăn hoặc ngồi ở giữa hoặc ngồi ở đầu bàn.
Bàn tròn: Phù hợp với xu hướng hiện nay là khuyến khích giao tiếp hơn là biểu tượng ngôi thứ.
Bàn vuông: Áp dụng với số lượng khách mời là số chẵn.
- Xếp hàng lên lễ đài:Xếp trước các nhân vật có thứ tự họ sẽ ngồi, đi đầu và đi sau cùng là hai vị khách mời sẽ ngồi ở hai đầu bàn.Như vậy,sẽ tránh cho khách danh dự không phải tìm chỗ ngồi của mình dưới những con mắt dò xét của hàng trăm người. Trong trường hợp long trọng, chủ và khách danh dự cùng với phu nhân vào sau cùng.
4.Tiệc và chiêu đãi
-Mời khách dự tiệc là đỉnh điểm của xã giao, thể hiện sự tôn trọng của chủ đối với khách,đồng thời là biểu hiện tốt nhất của mối quan hệ thân thiện, hòa hợp giữa các bên.
-Bằng sự hiện diện của mình, mỗi thực khách bày tỏ sự quan tâm đối với lý do cuả sự kiện,chứng tỏ sự quý mến,tôn trọng của mình đối với chủ tiệc.Mặt khác, khi thết đãi công khai đông người,đó cũng là một cử chỉ quyền lực, một biểu hiện uy quyền của chủ tiệc.Nhận lời mời tham gia bữa tiệc chính là thừa nhận quyền lực đó.
-Trong các cuộc thương lượng căng thẳng, việc tạm nghỉ để đáp ứng nhu cầu ăn uống thường là rất có lợi cho việc tiếp tục theo đuổi một sự thỏa hiệp khó khăn.Một bữa ăn luôn tạo thuận lợi cho đối thoại và một cuộc chiêu đãi luôn là biểu hiện của tình bằng hữu thân thiện.Vì vậy, người ta luôn quan tâm, chu đáo tới việc tổ chức buổi tiệc.Vì vậy, chiêu đãi là công cụ và thường xuyên là phương tiện duy nhất được sử dụng để làm đẹp lòng khách,hạn chế sự căng thẳng.
-Danh sách khách mời, trang trí phòng tiệc,bàn tiệc, thực đơn,sơ đồ bàn tiệc,sự phục vụ,.. đều là các phương tiện hữu ích đối với thông điệp cần chuyển tới khách.Tất cả những công việc này đòi hỏi sự chuẩn bị và giám sát hết sức cẩn thận.
Thực đơn:
-Chọn món ăn:Việc chọn thực đơn nhất thiết không được coi nhẹ.Yếu tố định hướng cho việc chọn thực đơn là lý do, nội dung tổ chức bữa tiệc.Việc lựa chọn tực đơn phản ánh giá trị,sở thích của chủ nhà nhưng đồng thời còn phải tôn trọng giá trị,sở thích của khách.
-Món ăn dễ sử dụng: Một bữa tiệc mang tính chất nghi lễ không phải là dịp thử thách phong cách ăn uống của khách bằng việc bắt họ phải sử dụng những đồ dùng ít sử dụng,hoặc buộc họ phải cắt một món ăn đòi hỏi phải có sự khéo léo đặc biệt.
-Những điều cấm kỵ tôn giáo:Luật lệ tôn giáo mà khách danh dự hoặc đoàn đại biểu nước ngoài tôn trọng là vấn đề chủ tiệc phải quan tâm.Bởi lẽ, thật không phải khi đặt khách vào tình thế khó xử: chấp nhận món ăn được tiếp theo phép lịch sự hoặc từ chối vì luật lệ tôn giáo thì mất lịch sự.,Người Do Thái cấm thịt lợn và động vật có vỏ cứng.Người theo đạo Hồi kiêng thịt lợn và không uống rượu.Người Hindu không ăn thịt bò.
-Món ăn dân tộc:Thông thường, không nên phục vụ khách nước ngoài những món ăn dân tộc của nước họ bởi vì những món ăn đó không bao giờ được nấu ngon như ở nước họ.Tuy nhiên, đôi khi để bày tỏ sự chú ý đặc biệt gợi nhớ quê hương của khách,có thể đưa vào thực đơn bữa tiệc một món ăn phản ánh nền văn hóa dân tộc của khách.
-In thực đơn:Theo truyền thống, đối với những bữa tiệc quan trọng,thực đơn thường được in và để sẵn cho mỗi khách mời.Nhân vật hoặc đoàn đại biểu danh dự rất cảm kích khi thấy tên và chức vụ của mình được ghi trên giấy hoặc thiếp đặt trước bộ đồ ăn trên bàn.Người ta đặt thực đơn trên khăn ăn vì khăn ăn được đặt trong lòng đĩa,hoặc ở bên trái cạnh đĩa ăn.
-Gọi đúng tên món ăn: Một bữa tiệc bao giờ cũng có ý nghĩa,đó là phương tiện phục vụ mục đích cần đạt được,công cụ giao tiếp giữa chủ với kháchvà giữa khách với nhau.
Ví dụ: Trong bữa tiệc chào mừng đoàn đại biểu vùng Cận Đông,người ta không phục vụ khách ăn món"quả bom lạnh"-bánh gato kem để lạnh được phết lòng trắng trứng và được hấp nóng trước khi ăn vì không phù hợp với đại biểu của những nước còn có chủ nghĩa khủng bố hoặc xung đột vũ trang.
-Hình thức thực đơn: Thực đơn có thể được in một mặt hoặc hai mặt trên giấy cứng hoặc giấy thông dụng,trình bày như giấy mời và có màu giống màu thiếp ghi tên chỗ ngồi trên bàn tiệc.Thực đơn có thể được trang trí bằng một hình ảnh gợi nhớ sự kiện,cơ quan chủ tiệc hoặc địa điểm diễn ra bữa tiệc.
Phục vụ:
-Tại một cuộc chiêu đãi: Người ta bắt đầu phục vụ khách sau các bài phát biểu,nếu có.Đối với việc phục vụ, trong lúc các diễn giả đang phát biểu cần tuyệt đối tránh gây ra tiếng va chạm của ly,tách,...
-Phục vụ rượu, nước suối,nước ngọt: được phục vụ phía bên phải khách.Trong trường hợp phục vụ rượu, nên chỉ rót một nửa ly để hương vị của rượu tỏa ra.Nước suối được phục vụ lạnh,nhưng không có đá trong cốc và không thêm lát chanh.
-Ngôi thứ trong phục vụ:Trong một yến tiệc có nhiều khách,người ta sẽ phục vụ chủ và khách danh dự cùng một lúc,tiếp đến là khách mời ngồi bên phải,rồi bên trái họ và cứ thế tiếp tục cho đến người cuối cùng và từ bàn này đến bàn kia cho đến bàn cuối.
-Thời gian biểu của dạ tiệc chính thức:Chương trình một buổi dạ tiếc chính thức lý tưởng là không vượt quá 3 giờ kể từ lúc khách đến và ra về,có thể chia ra như sau:
Giới thiệu khách và khai vị: 45 phút
Phục vụ ăn: 90 phút
Rượu sau bữa ăn và cà phê: 45 phút
Tổng cộng:180 phút
Một bữa tiệc tối như vậy không kéo dài tới quá 23 giờ đêm nhằm đảm bảo cho khách một đêm ngủ thích hợp.
Bàn tiệc
-Bộ đồ ăn:Bao gồm dao, dĩa,thìa được đặt trên bàn để khách sử dụng.Những dụng cụ này được xếp quanh đĩa thức ăn hoặc ở khoảng trống tiện cho việc sử dụng.Nếu bữa tiệc cần nhiều dụng cụ ăn,thì nên đưa ra dần cùng với việc phục vụ các món ăn, sẽ thuận tiện hơn cho khách.Người ta xếp dĩa bên trái, dao ăn và thìa bên phải. Dao ăn quay lưỡi về phía đĩa ăn.Dĩa và thìa đặt ngửa có nghĩa là đỉnh răng dĩa và lòng thì hướng lên trên.
-Khăn ăn và biển chỉ chỗ ngồi: khăn ăn gấp phẳng,đặt trong lòng đĩa ăn,hoặc phía dưới bộ đồ ăn bên trái.Cách gấp khăn lạ mắt và cầu kỳ cần phải tránh.Khi vào bàn tiệc, khách sẽ nhìn thấy chỗ của mình nhờ biển chỉ chỗ ngồi.Có 3 cách biển chỉ chỗ ngồi: Viết chức vụ, viết chức vụ và tên hoặc chỉ viết tên.
Một vài lời khuyên về phong cách bàn tiệc
-Tư thế ngồi:Tại bàn tiệc,khách ngồi thẳng lưng,chỉ cúi đầu,không gập lưng.Cổ tay dựa vào mép bàn,không dùng cánh tay ôm lấy đĩa ăn.Không gập người để ăn.
-Khăn ăn: Được trải trên đầu gối, dùng khăn ăn để chùi miệng, đặc biệt trước khi uống ngụm rượu,hoặc sau khi ăn một chút gì đó.Trước khi rời bàn,đặt khăn ở gần đĩa nhưng không gấp lại.
-Lời khuyên cuối cùng: Nếu tình cờ có một người khách nước ngoài ngồi cùng bàn tiệc và lại không theo các phong tục địa phương về ăn uống thì có thể hành động như ông ta để tránh làm cho khách xấu hổ.
5.Phát biểu
Phát biểu theo lời mời
-Bài phát biểu vừa ngắn (từ 10 đến 20 phút), vừa mang tính tình huống hơn so với bài diễn văn. Có thể phát biểu theo dàn bài sau:
- Chào mừng chủ tọa, khách mời chính, khách quý, đoàn đại biểu, hiệp hội, hoặc ủy ban là đối tượng đón tiếp. Đối với đoàn đại biểu đông cần phải nêu tên trưởng đoàn.
- Cảm ơn cử tọa đã đến tham dự đông đủ và cảm ơn đã dành cho mình vinh dự được phát biểu.
- Lời vào đề bắt đầu bằng việc nhấn mạnh lại mục đích của cuộc họp. Nếu thấy cần thiết nên ca ngợi sự đóng góp tích cực của một nhân vật vào sự kiện này dù nhân vật đó có hay không có mặt tại hội nghị.
- Nội dung chính: khẳng định cam kết của cá nhân đối với hoạt động hoặc ý tưởng chung của tập thể. Cần phải biết động viên lôi cuốn mọi người cùng hưởng ứng.
- Phần kết thúc đề cập đến khả năng tiếp theo của sự kiện, mở ra một triển vọng tương lai.
Nâng cốc chúc mừng như thế nào
-Khi nâng cốc chúc mừng nên nói ngắn gọn.
-Chủ lễ sẽ là người nâng cốc đàu tiên sau đó vị khách mời danh dự đáp lễ. Không nên để tự do ai cũng chúc rượu.
-Tránh tiếng va chạm khi cụng ly, chỉ lên chạm khẽ với nhau.
-Nếu cốc rượu hết hay nếu bạn kiêng rượu thì lúc mọi người đề nghị cụng ly hãy cứ đứng lên nâng cốc cùng với mọi người để hòa vào không khí chung.
Trình tự phát biểu.
-Nguyên tắc thứ nhất: Người giữ vị trí ít quan trọng nhất sẽ phát biểu đầu tiên, và người giữ vị trí quan trọng nhất sẽ phát biểu sau cùng.
-Nguyên tắc thứ hai: Vị chủ lễ sẽ là người nói lời đầu tiên, tiếp theo là lời đáp lễ của vị khách mời.
-Nguyên tắc thứ ba: Mỗi cơ quan, tổ chức chỉ có duy nhất một người đại diện đứng lên phát biểu.
-Nguyên tắc cuối cùng: Các bài phát biểu phải có mối liên kết chặt chẽ với nhau và cùng phục vụ cho nội dung chính của buổi lễ.
Chào mừng ai và theo trình tự nào?
-Chỉ nêu chức danh mà không nêu tên.
-Gọi theo nhóm.
-Đối với chủ lễ, khách mời danh dự và nhân vật trung tâm của buổi lễ, cần nêu rõ tên và chức danh của họ.
-Việc giới thiệu chào mừng khách dự được sắp xếp theo trình tự chức danh từ cao xuống thấp.
Hạn chế số diễn giả:
- Chỉ phát biểu khi được mời. Diễn giả phải phù hợp với tính chất, là người trực tiếp liên quan đến sự kiện.
- Nếu có nhiều cơ quan đại diện tham dự thì chỉ mời người có trọng trách cao nhất thay mặt cơ quan phát biểu.
- Không mời người phát biểu chỉ để làm vừa lòng ông ta hay vì ông ta có yêu cầu.
- Nên in ra và phát rộng rãi cho mọi người trước về chương trình của buổi lễ.
Ngôn ngữ trong bài phát biểu của diễn giả
-Tránh dùng quá 2 thứ tiếng trong bài phát biểu.
-Cần xem xét xem diễn giả có đủ trình độ để sử dụng ngôn ngữ đó hay không.
-Tránh việc diễn giả trực tiếp dịch lời của mình ra 2 ngôn ngữ khác.
-Trong trường hợp buổi lễ có bố trí phiên dịch song song qua cabin, diễn giả phát biểu bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
6.Trang phục
-Trong Lễ tân ngoại giao, trang phục là một công cụ giao tiếp đầy sức mạnh và có thể bất lợi nếu chúng ta không chú ý đến hậu quả của việc ăn mặc không thích hợp với những thông điệp mà chúng ta mang theo và không thích hợp với hoàn cảnh của nó.
-Trước tiên, mọi người nhìn thấy rồi mới nghe chúng ta. Trang phục biểu hiện cách xử sự lịch thiệp mà không cần phát ngôn - mà cơ hội phát ngôn không phải dễ và có nói thì không phải ai cũng lắng nghe. Cha ông ta đã tổng kết về ý nghĩa của trang phục rất cô đọng trong một câu ngạn ngữ "Người quen sợ dạ, người lạ sợ áo quần".
-Ăn mặc thích hợp là biết cách xử sự và vì vậy phải tính đến tập quán của từng môi trường, nghề nghiệp và hoàn cảnh cụ thể. Bởi vậy trong những hoạt động chính thức, Ban tổ chức thường có những chỉ dẫn về trang phục in ở góc trái giấy mời cho từng hoạt động cụ thể. Bởi vậy, nếu vì một lý do nào đó, Ban tổ chức không có chỉ dẫn mà ta còn băn khoăn về trang phục thích hợp thì tốt nhất là ta nên hỏi Ban tổ chức hoặc chủ nhà mà không sợ bị coi là không biết ăn mặc thích hợp. Thường thường, trên giấy mời đều có chỉ dẫn về trang phục nếu không ghi thì được coi là thường phục (trường hợp ăn mặc tự do được ghi là casual sử dụng trong những dịp gặp gỡ thân mật bạn bè quen biết trước.).
Các lọai trang phục thông thường trong các họat động giao tiếp lễ tân trên thế giới:
-Bộ thường phục: Đây là trang phục thông dụng nhất đối với hầu hết mọi họat động. Với nam giới, là bộ comple veston hoặc áo vest sẫm màu, màu xanh, ghi sẫm hoặc đen, đi kèm áo sơmi trắng hoặc màu sáng và cà vạt, đôi khi có thể mặc thêm áo gilê. Trong tiếng Anh, trang phục này được gọi là "lounge suit", "business suit" hoặc "business attire"; đôi khi trong tiếng Pháp, người ta gọi đơn giản là "tenue sombre". Ngọai trừ những trường hợp nghi lễ chính thức, trước 18 giờ, ta có thể chọn màu khác, miễn là màu sẫm. Một bộ trang phục sáng màu thực ra chỉ được dùng vào mùa hè và luôn luôn trước 18 giờ, không dùng trong tiệc chiều. Màu trắng dành cho các tiệc có tính chất dân dã. Đối với nữ giới, có thể lựa chọn giữa "váy mặc buổi chiều" hoặc bộ vest nữ cho các họat động trước 18 giờ. Đối với các họat động sau 18 giờ hoặc trong tiệc buổi chiều, có thể mặc một bộ váy và áo sơmi, hoặc áo dài cộc tay hay bộ áo vest nữ.
Comple veston nam Vest nữ
-Bộ trang phục vest đen ngắn: còn gọi là trang phục đi thăm "tenue de visite" hay là áo vest thụng đen "chancery jacket" bao gồm một áo vest đen, một quần có kẻ sọc và một càvạt đen hoặc xám. Trang phục này được mang trong những lễ nghi trang trọng, ví dụ như lễ tưởng niệm các liệt sĩ.
-Bộ trang phục smoking hay "càvạt đen": là bộ trang phục được sử dụng nhiều nhất nhằm làm tăng tầm vóc của họat động tối. Người ta không bao giờ mặc nó vào buổi chiều trước 17 giờ và cũng không mặc vào tiệc chiều. Áo vest, màu đen hoặc màu xanh sẫm có ve áo bằng lụa cùng màu, đơn hoặc đan chéo. Nếu là ve đơn sẽ kèm thêm một áo gilê đen. Cổ thắt nơ đen hoặc xanh sẫm, tuyệt đối không mang nơ trắng hoặc màu sặc sỡ khác. " Smoking" là từ tiếng Pháp, từ tương ứng trong tiếng Anh là "black tie" hoặc "Tuxedo".
-Lễ phục: Trang phục này có hai lọai: bộ mặc ban ngày, trước 18 giờ và bộ mặc buổi tối, sau 18 giờ.
Trước 18 giờ: trang phục nghi lễ: Bộ trang phục mặc ban ngày được gọi là trang phục nghi lễ, áo khoác hoặc áo vest buổi sáng, tiếng Anh gọi là "cut away" hoặc "morning coat". Áo vest, màu xám hoặc đen, thân sau để dài trùm hông, quần kẻ sọc xám hoặc trắng. Nữ giới mặc váy ngắn, kèm găng tay, mũ và một áo khoác ngoài nếu trời lạnh hoặc vào mùa lạnh.
Sau 18 giờ: Trang phục "cà vạt trắng": Được mặc vào buổi tối, bộ quần áo có các tên gọi: "cà vạt trắng" "trang phục dạ hội", "trang phục vũ hội", và cũng là "trang phục nghi lễ" đối với một lễ nghi tiến hành sau 18 giờ. Áo cũng được cắt giống như trang phục buổi sáng: phía sau áo cũng được để dài nhưng không trùm hông. Áo và quần nhất thiết phải có màu đen, cà vạt và gilê màu trắng. Với nữ giới, trang phục là váy dài, bổ sung thêm găng tay ngắn nếu tay áo dài hoặc găng tay dài trùm lên tới tận khủyu tay nếu như tay áo ngắn. Đây là trang phục dự các nghi lễ buổi tối, các bữa ăn tối quan trọng và đi dạ hội.
7.Quốc kỳ và quốc thiều
Quốc kỳ, quốc thiều là những biểu trưng thiêng liêng của một quốc gia, vì những biểu trưng đó gợi cho mọi người lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Một thái độ, một lời nói tỏ sự thiếu tôn trọng quốc kỳ, quốc thiều đều bị coi là xúc phạm đến danh dự Quốc gia, đến uy tín của Nhà nước.
Vì lẽ đó, nhiều nước đã có quy định nhắc nhở mọi người phải thể hiện sự tôn trọng quốc kỳ của Tổ quốc mình.
Quốc kỳ:
-Theo tập quán quốc tế, quốc kỳ được treo trong những trường hợp sau đây:
- Đón một đoàn từ cấp Bộ trưởng Ngoại giao trở lên.
- Các cuộc Hội nghị, Hội thảo, Hội chợ và các cuộc thi quốc tế.
-Trong các trường hợp trên đây, quốc kỳ hai nước được treo với nguyên tắc: Quốc kỳ nước khách được treo bên phải quốc kỳ nước chủ nhà (nhìn từ bên trong nhìn ra).
-Treo ở sân bay, nhà ga quốc tế, bến cảng quốc tế, Quảng trường nơi đón tiễn, cơ quan, trong các cuộc chiêu đãi, hội đàm, ký kết, mít tinh...
Quốc thiều:
-Theo thông lệ quốc tế, Quốc thiều được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Đón tiễn các đoàn Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ.
- Đón: Cử Quốc thiều nước bạn trước rồi đến Quốc thiều nước chủ nhà.
- Tiễn: Cử Quốc thiều nước chủ nhà trước rồi đến Quốc thiều nước bạn.
- Trong các cuộc chiêu đãi, mit tinh và các cuộc lễ tiết có liên quan đến hai nước, các cuộc hội nghị, hội thảo, thi đấu quốc tế...cũng cử quốc thiều theo nguyên tắc.
- Khai mạc: Cử Quốc thiều nước khách trước, nước chủ nhà sau.
- Bế mạc: Cử Quốc thiều nước chủ nhà trước, nước khách sau.
Theo quy định của Việt Nam, Quốc thiều chỉ cử khi đón các đoàn nguyên thủ quốc gia sang thăm chính thức Việt Nam ở điểm đón chính thức đầu tiên, có lãnh đạo cao nhất đón. Đoàn về thăm địa phương, không cử Quốc thiều khi đón, tiễn.
Địa phương chỉ cử Quốc thiều khi đăng ký tổ chức các cuộc Hội nghị, Hội thảo, thi đấu quốc tế...
Những điều cần chú ý khi sử dụng Quốc kỳ:
-Tránh treo nhầm Quốc kỳ.
Tránh treo ngược Quốc kỳ.
Ví dụ:Khi treo Quốc kỳ Việt Nam nên chú ý treo đầu ngôi sao lên trên, nếu không sẽ treo ngược Quốc kỳ (đầu ngôi sao năm cánh lộn xuống dưới).
8.1. Quà tặng và lưu niệm:
Nguyên tắc tặng quà
-Điều 28 của Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài quy định quà tặng như sau "Có tặng phẩm cho trưởng đoàn, phu nhân (hoặc phu quân) các đoàn thăm chính thức, thăm làm việc, thăm cá nhân. Trong trường hợp đặc biệt, có tặng phẩm tặng đoàn viên chính thức và quan chức tuỳ tùng. Tặng phẩm là sản phẩm do ta sản xuất và thể hiện bản sắc dân tộc".
Ý nghĩa của việc tặng quà:
- Tặng qùa là một thông lệ trong tất cả các nền văn minh và ở mọi thời đại. Quà tặng là thông điệp cuối cùng mà khách sẽ mang về đất nước họ, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công trong mọi hoạt động.
- Thành công của việc tặng quà là phải có sự lựa chọn quà tặng phù hợp với từng đoàn khách, phải xác định được cách thức trao quà, thời điểm thuận lợi trao quà để người khách khi nhận quà tỏ thái độ trân trọng và hài lòng, không bỏ quên quà trong góc tủ hay vứt đi trên đường về.
- Tặng quà không hẳn chỉ là vấn đề tuân theo những qui ước của phép lịch sự. Một hình ảnh có giá trị bằng cả ngàn lời nói, một đồ vật có giá trị không kém một bài diễn văn. Quà tặng và đồ lưu niệm là thông điệp cuối cùng mà khách mời sẽ mang về. Khi đã rời chủ nhà, chúng gợi lên kỷ niệm về một cuộc gặp gỡ mà dĩ nhiên họ mong muốn có kết quả. Tặng quà là một thông lệ trong tất cả các nền văn minh và ở mọi thời đại. Câu ngạn ngữ nói rằng "quà tặng duy trì tình bạn" đúng cả với đời sống công lẫn đời tư.
Cách thức tặng quà:
- Thường tặng quà vào đầu hơn là vào cuối chuyến thăm và tặng vào cuối buổi tiếp.
- Thông thường có hai cách tặng quà: tặng trực tiếp và tặng qua đường lễ tân:
- Tặng trực tiếp: áp dụng đối với trưởng đoàn và các thành viên của đoàn (trong trường hợp thành phần đoàn ít, dưới 10 người, có quan hệ mật thiết). Tặng cho toàn đoàn ngay tại buổi tiếp.
-Tặng qua đường lễ tân: đối với các đoàn khác. Trong trường hợp này, chỉ tặng cho Trưởng đoàn tại buổi tiếp còn quà của các thành viên khác sẽ được chuyển đến lễ tân khách sạn nơi đoàn ở hoặc chuyển cho 1 đại diện thành viên của đoàn sau buổi tiếp nhờ gửi đến các cá nhân liên quan.
- Cách thức tặng quà kín đáo nhất là gửi quà đến phòng khách sạn hoặc tại nơi ở của khách, trước khi khách tới. Khi đến, khách cũng gửi quà đến cho chủ nhà theo cách thức như vậy. Trong buổi tiếp kiến đầu tiên, cả khách và chủ cảm ơn lẫn nhau một cách nhẹ nhàng hơn là phải tham gia vào một buổi lễ trao quà tận tay hình thức trước một công chúng dù hẹp hay rộng. Tặng quà vào đầu hơn là cuối chuyến thăm vì cử chỉ đó là cho việc tặng có ý nghĩa. Thực tế nếu việc tặng quà diễn ra vào cuối chuyến thăm, khi đã có những sự cố, và buổi lễ không được thuận buồm xuôi gió thì quà tặng khó có ý nghĩa. Quà tặng sẽ làm cho người ta suy nghĩ rằng người tặng muốn làm quên đi những phiên toái hoặc là để xin lỗi đối với những sai lầm trước đó.
-Có nhiều lý do để thực hiện cách trao quà trực tiếp, ngoài lý do đây là cách được cả chủ và khách ưa thích. Người ta thường đặt tặng phẩm ở gần nơi dự định sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ hoặc trong một phòng tiếp liền với phòng sẽ tổ chức bữa tiệc, bữa trưa hoặc bữa tối. Đối với những cộng sự thân cận, tặng phẩm và đồ lưu niệm sẽ được mang đến khách sạn hoặc phòng làm việc của họ. Cũng có thể chọn cách trao tặng phẩm tận tay. Được nhận quà tặng từ một nhân vật nổi tiếng trên thế giới, dù đó là quà tặng khiêm tốn nhất, có ý nghĩa vô giá đối với người nhận. Cũng có trường hợp quà tặng phải được trao ở nơi công cộng, hoặc để bổ sung cho một chương trình quá ít nội dung hoặc cũng có thể do việc tặng quà là nội dung chính của sự kiện như: nhân dịp một người về hưu, để cảm ơn công lao, thành tích của người tình nguyện, hoặc để thay cho việc tặng huân chương... Trong trường hợp này, bao giờ cũng phải báo trước cho những người có liên quan, thông tin cho họ tối đa, đến mức cho họ biết món quà gì dành cho họ.
-Tâm lý chung là khách đến thăm nơi nào cũng muốn có một món quà kỷ niệm đặc trưng về nơi đó. Vì vậy, quà tặng nên là những thứ nhẹ nhàng, giàu giá trị kỷ niệm. Tìm được những đồ vật giàu giá trị lưu niệm mà không nơi nào làm ra được để tặng thì càng quý.
-Có nhiều nơi, giá trị quà tặng không cao, nhưng quà được bao gói rất lịch sự, sang trọng làm tăng gấp bội tính hấp dẫn đối với người nhận quà. Hiện này ở Việt Nam, các nơi bán hàng cũng có cách bao gói quà khá đẹp và hấp dẫn, chẳng kém gì nước ngoài.
-Quà trao tay thì không cần có danh thiếp người tặng. Nếu gửi qua người khác thì nên có phong bì đề tên người nhận, bên trong phong bì có danh thiếp người gửi. Nếu quà trao tận tay thì nên mở bọc quà ngay trước mặt người tặng và nói một câu xã giao đại loại: "Món quà quý và đẹp quá! Tôi rất thích. Xin cảm ơn nhiều". Trong trường hợp này, người nhận quà nên có quà trao lại. Vì vậy, cần có thông tin trước về thời điểm và cách thức tặng quà.
-Kinh nghiệm là tại các cuộc đón tiếp khách nhà nước ở nước ta, không mấy khi lãnh đạo ta trực tiếp trao quà cho khách trước ống kính phóng viên. Quà thường được trao qua lễ tân của hai bên hoặc đặt ngay trong phòng khách sạn trước khi khách đến.
Phân biệt quà tặng và quà lưu niệm:
-Đồ lưu niệm làm gợi nhớ người hay cơ quan tặng và những sự kiện có liên quan. Vì vậy, chúng luôn mang những đấu hiệu rõ ràng: bút viết, dây đeo chìa khóa, cặp sách hoặc cái chặn giấy, mang biểu tượng của một cơ quan; sách về thành phố, băng đĩa của dàn nhạc địa phương,... Để tỏ lòng cảm ơn, đồ lưu niệm được trao rộng rãi cho những người tham gia vào việc chuẩn bị cho chuyến thăm của khách hoặc cho toàn bộ thành viên của một phái đoàn. Thường thường đó là những sản phẩm được sản xuất hàng lọat hay với giá vừa phải. Ngược lại, quà tặng mang tính độc nhất. Quà tặng được dành riêng cho một cá nhân đặc biệt cần được trọng thị một cách tương đối độc đáo, bằng việc tác động vào tình cảm riêng của họ. Cũng có khi quà tặng cũng được trao cho các thành viên chủ yếu cần tranh thủ nhưng phải lưu ý sao cho mỗi người nhận được một quà tặng có giá trị tương đương nhưng không được giống hệt nhau.
-Có giá trị lớn hơn so với quà lưu niệm, quà tặng cũng có thể được sản xuất với số lượng nhiều, chẳng hạn một cuốn sách nghệ thuật với số lượng xuất bản hạn chế, nhưng không phải là những sản phẩm hàng lọat.
-Đồ lưu niệm thường được trao để tôn vinh một nghệ sĩ, một sản phẩm địa phương hoặc một nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vì thế, chúng hoàn toàn khác so với quà tặng. Thể hiện lòng tự hào về địa phương mình bằng cách lựa chọn một sản phẩm địa phương có thể làm hài lòng những người đại lý hoặc đồng nghiệp của người tặng, nhưng ngược lại có nguy cơ làm xa rời mục đích của việc tặng quà: tạo sự gắn bó với khách hoặc chủ bằng một quà tặng làm họ cảm kích, biện pháp tốt nhất là bảo đảm làm họ hài lòng bằng những gì chúng ta biết có thể hấp dẫn họ hơn nữa và làm vừa lòng họ nhất.
-Đối với một cơ quan nhà nước, dù rằng giải pháp lý tưởng đối với quà tặng là kết hợp cả việc làm tôn vinh đặc thù địa phương và thỏa mãn sở thích của khách, nhưng tốt hơn hết là ưu tiên sở thích của khách. Về mặt này, thực tế là nên áp dụng một cách tốt nhất thông lệ trong đời tư: tặng những thứ gì đang được mong đợi, những gì phù hợp với tính cách của người mà chúng ta muốn gây tình cảm.
8 điều trên là một trong những quy tắc nghiệp vụ cơ bản cần nắm vững cho lễ tân ngoại giao.Việc hiểu rõ và vận dụng lễ tân ngoại giao đã tạo điều kiện cho các quan hệ hợp tác quốc tế diễn ra thuận lợi.Cụ thể là,vào ngày 19/12/2017, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith đến sân bay quốc tế Nội Bài, Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 19-21/12/2017, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.Việt Nam đã chuẩn bị tốt công tác lễ tân ngoại giao cụ thể là nguyên tắc tiếp đón nguyên thủ quốc gia ngay từ khi chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith đặt chân xuống sân bay quốc tế Nội Bài.Điều đó đã tạo nên bầu không khí sôi nổi tích cực, thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều năm qua giữa Việt Nam vả Lào.
Ngoài ra, quan hệ quốc tế là quá trình đấu tranh,thương lượng giữa các chủ thể quan hệ quốc tế để đạt được lợi ích quốc gia cao nhất.Trong quá trình ấy, thường xuyên xuất hiện mâu thuẫn,xung đột nếu không được giải quyết kịp thời làm gia tăng căng thẳng leo thang giữa hai chủ thể thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh.Nhưng nhờ áp dụng,vận dụng khéo léo công tác ngoại giao, quan hệ xung đột,mâu thuẫn giữa những chủ thể của quan hệ quốc tế đã được xoa dịu để đạt được những mục đích được đề ra.Điển hình,sau chiến tranh Iraq năm 2003, quan hệ Mỹ-Đức có dấu hiệu rạn nứt.Mối quan hệ giữa hai cường quốc ấy đã 'nồng ấm" trở lại sau sự đón tiếp vô cùng trọng thị mà ông Obama dành cho bà Merkel trong chuyến thăm Mỹ bắt đầu từ 6-6. Không chỉ mời riêng một bữa ăn tối ấm cúng như những người bạn tri kỷ, tối 6-6 ông Obama còn mở quốc yến chiêu đãi trọng thể bà Merkel kèm 19 loạt đại bác chào mừng ngày 7-6.Có thể thấy, việc áp dụng tốt công tác ngoại giao đặc biệt là về nguyên tắc tiệc và chiêu đãi đã làm"nồng ấm trở lại" quan hệ Mỹ-Đức.
Việc thực hiện công tác lễ tân ngoại giao ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hợp tác quốc tế giữa các chủ thể, thể hiện quan điểm,chính sách,chủ trương của nhà nước cũng như là quá trình đạt được lợi ích quốc gia trog quan hệ quốc tế.Vì thế, các nhà lễ tân ngoại giao cần tránh những sai sót trong công tác lễ tân ngoại giao, nắm vững và áp dụng công tác lễ tân ngoại giao đúng đắn,khéo léo,và linh hoạt,... để thực hiện tốt đường lối đối ngoại
Tài liệu tham khảo
1.Tài liệu sách
-Louis Dussault, Lễ tân công cụ giao tiếp.
-Tập bài đọc chính trị học đại cương,bài 8 trang 133
2.Tài liệu điện tử
http://dofabrvt.gov.vn/vn/WEB/330.khai_niem_v%E1%BB%81_le_tan_ngoai_giao.html, khái niệm về lễ tân ngoại giao
https://sngv.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=298&tc=1513
https://sngv.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=298&tc=1577
https://sngv.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=298&tc=1520
https://sngv.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=298&tc=1513
https://sngv.thuathienhue.gov.vn/?gd=1&cn=298&tc=1521
https://baomoi.com/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-lao-den-ha-noi-bat-dau-chuyen-tham-viet-nam/c/24339950.epi
http://anninhthudo.vn/the-gioi/my-duc-nong-am/402033.antd
3.Tài liệu hình ảnh
http://songcong.gov.vn/index/HOMEPAGE/39/700/700/aticle/15206
http://m.en.freshnewsasia.com/index.php/en/7237-2018-02-03-02-30-09.html
http://vestnguyen.com/veston-nam.html
http://www.hoangdanhfabric.bizz.vn/products/36250/m%E1%BA%ABu-comple---veston-c%C3%B4ng-s%E1%BB%9F-n%E1%BB%AF.html
http://ngoaivu.dongnai.gov.vn/Pages/print.aspx?NewsId=1842
https://wwhttps://baomoi.com/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-lao-den-ha-noi-bat-dau-chuyen-tham-viet-nam/c/24339950.epiw.moss.co.uk/moss-esquire-regular-fit-white-dinner-jacket-965322615
ww.zimbio.com/photos/Michelle+Obama/Obama+Hosts+German+Chancellor+Angela+Merkel/F81wfXZ0rsR
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top