Chương 2: Mì Trộn Dầu
Lý Nguyệt Quý nghe thấy động tĩnh thì ló mặt ra khỏi phòng bếp: "Về sớm vậy, Tứ Hỉ với Nhị quả phụ không sao chứ?"
"Bọn họ thì có thể có chuyện gì." Tam Nữu múc một gáo nước lạnh, lại múc tiếp một gáo nước nóng. "Tiểu Mạch, lại đây, rửa mặt rửa tay đi. Bá nương[1], rau hẹ nhà con cũng lớn rồi, con định cùng Nhị bá nương ra đồng cắt rau, nếu không qua mấy ngày nữa gặp rét tháng Ba, rau hẹ bị đông lạnh lại không ăn được."
[1] Bá nương (伯娘): bác gái, vợ của anh trai của cha mình.
"Đi, ngày mai chúng ta đi." Lý Nguyệt Quý rửa tay trong nước ấm. "Màn thầu[2] trong nồi gần chín rồi, cứ nhóm củi lửa lên là xong." Nói xong thì lau tay đi ra ngoài.
[2] Màn thầu (馒头): bánh bao không nhân.
Lý Nguyệt Quý là Đại bá nương của Tam Nữu, không phải người ngoài, Đinh Xuân Hoa cũng không khách sáo với tẩu tử. Tiểu Mạch thấy người đã khuất bóng, liền chạy tới đóng cửa, chui vào nhà bếp: "Cô cô, con giúp người rửa rau."
"Ngồi yên đó đi." Tam Nữu chỉ vào chiếc ghế đẩu đặt trước bếp lò. Tiểu hài tử thích vọc nước, chăm chú nhìn Tam Nữu một cách tha thiết mong chờ. Thấy nàng bất vi sở động[3], thừa dịp nàng không chú ý thì lè lưỡi trêu chọc, lại cầm que cời lửa lên. "Nãi nãi, bây giờ mình làm bánh hẹ sao? Con sẽ nhóm lửa."
[3] Bất vi sở động (不为所动): không vì tác động của bên ngoài mà biến động, thay đổi.
Trên bếp lò nông thôn có ba nồi nấu, nồi trong cùng đang hấp màn thầu, nồi đặt bên ngoài nhỏ hơn một cỡ, thường dùng để xào rau, gần ống khói có một cái nồi lớn hơn nồi xào rau một chút, song lại không có bếp nấu. Bất kể nấu bằng cái nồi lớn nào thì cũng sẽ cho nước vào nồi nhỏ, lúc nấu xong thì nước trong nồi cũng ấm lên, vừa khéo dùng để rửa tay rửa bát.
"Đợi lát nữa rồi nhóm lửa sau." Tam Nữu đáp.
Kiếp trước Tam Nữu là cô nhi, mắc bệnh tim bẩm tinh, bị vứt bỏ trước cửa cô nhi viện. Cũng may vận khí của nàng không phải sao chổi, chỗ cô nhi viện này được một thần hào thiện tâm để ý, không những chi trả học phí mà còn giúp nàng thanh toán tiền thuốc men.
Sau khi Tam Nữu tốt nghiệp đại học, thông qua năng lực bản thân, chưa đầy ba mươi đã trở thành quản lý bộ phận ăn uống của khách sạn năm sao. Mà Tam Nữu đã bỏ qua thời cơ trị liệu tốt nhất khi còn nhỏ, nàng cũng không trông mong mình có thể sống đến bảy tám mươi tuổi. Tiền kiếm được ngoại trừ gửi về cô nhi viện, toàn bộ đều được nàng dùng để đi du lịch vào ngày nghỉ, trải qua một cuộc sống còn thoải mái hơn một bộ phận người khoẻ mạnh cường tráng.
Có lẽ vì nàng thoải mái quá, Thượng Đế cũng chướng mắt, không để nàng bệnh chết, mà lúc du lịch trở về gặp tai nạn xe liên hoàn trên đường. Bị xe tông trúng, Tam Nữu quay về cổ đại, dấn thân vào chốn nhà nông.
Ở kiếp trước, Tam Nữu đã quý trọng sinh mệnh hơn người khác, kiếp này lại có thể chạy, có thể nhảy, có thể khóc, có thể làm loạn, nàng càng trân trọng sinh mệnh hơn. Sợ người khác phát hiện ra mình khác thường, lại gây thêm phiền toái không cần thiết, từ lúc sinh ra, nàng cố gắng sinh hoạt giống như một đứa trẻ bình thường.
Dù có diễn thế nào, bản chất Tam Nữu vẫn là một người trưởng thành. Lúc nhỏ vì thấy nàng ít khi khóc nháo, Đinh Xuân Hoa từng nghi ngờ nàng là một đứa trẻ bị ngốc. Tam Nữu thật sự không nói nên lời, cũng không thể quá giỏi giang, trở thành người dẫn đầu kiệt xuất. Nhưng cũng không được quá ngoan ngoãn, rốt cuộc là muốn nàng sống sao?
Hôm nay khóc nháo một trận, hôm sau nghỉ ngơi một chặp? Cứ theo chu kỳ này, Tam Nữu chậm rãi lớn lên, được mẫu thân bế ra khỏi nhà. Nàng phát hiện chẳng những nhà mình có nội thất gỗ, có máy cày tay[4], lại còn dùng giấy thô lúc đi nhà xí? Lại biết được đương kim họ Kỳ, Tam Nữu bối rối, nàng rốt cuộc xuyên qua đến nơi quái quỷ gì thế này?
[4] Nguyên văn là khúc viên lê (曲辕犁), được phát minh vào thời Đường.
Năm lên bốn, Tam Nữu thật sự không chịu được việc bản thân không biết được gì, liền khóc lóc om sòm, lăn lộn qua lại đòi đi tư thục. Phụ thân Tam Nữu rất yêu thương con, huống chi Tam Nữu còn di truyền ưu điểm của hai phu thê, trắng trẻo đáng yêu, cái miệng nhỏ nhắn chu ra, khiến phụ thân cũng muốn rơi lệ theo... Không làm được gì khác, hai phu phụ đành gửi nàng vào trường tư thục mà người trong thôn góp vốn xây dựng.
Vào ngày đầu lên lớp, bé con tò mò cũng đã được phu tử giải đáp, vào thời điểm Tây Tấn diệt vong, có một thanh niên họ Kỳ từ trời giáng thế[5], dùng thời gian mười năm ngắn ngủi đã thống nhất Hoa Hạ, đóng đô ở U Châu, Hoàng thành nơi Hoàng đế toạ lạc gọi là kinh thành.
[5] Nguyên văn là "hoành không xuất thế" (横空出世).
Kinh thành?!
Đến nay đã qua gần trăm năm, họ Kỳ đã độc chiếm thiên hạ, truyền qua năm đời, quan lại cai trị thanh liêm, dân chúng an cư lạc nghiệp. Sau khi nghe xong, kết hợp với chuyện dân chúng ở thôn Đỗ gia, thậm chí là huyện Quảng Linh đều nấu cơm với món hấp, món luộc, thỉnh thoảng còn dùng dầu vừng xào rau, nướng thịt, có điều dân chúng tầng lớp thấp thì tay nghề có hạn, gia vị lại quá đơn giản, cho nên đồ ăn làm ra khiến Tam Nữu không có cách nào nuốt trôi.
Sức sản xuất với chất lượng sinh hoạt của dân chúng hoàn toàn cách biệt, Tam Nữu sao mà không rõ, vị họ Kỳ kia nhất định là người xuyên không, vô cùng say mê nghiên cứu, lại không chú ý tới vấn đề ăn uống nghỉ ngơi.
Không phải Tam Nữu không nghĩ tới chuyện vào bếp nấu cơm, cải thiện cuộc sống. Có điều trong nhà còn hai tiểu tỷ tỷ, một người lớn hơn nàng mười tuổi, một người lớn hơn nàng tám tuổi, còn có phụ mẫu vất vả, không đến lượt nàng.
Năm lên năm, nàng rốt cuộc cũng có cơ hội —— nàng lén lút nấu cơm, kết quả cơm còn chưa chín, lúc nhóm củi lại không cẩn thận đốt củi trước cửa lò, nàng nhất thời sốt ruột, dùng chân giẫm lên, lửa bén vào y phục, thế là từ đó về sau, phòng bếp trở thành cấm địa của Tam Nữu.
Có đôi khi Tam Nữu sẽ cố tình gây sự là đồ ăn không ngon, Đinh Xuân Hoa lại nói thêm một câu: "Tiền bạc trong nhà đều dùng mua giấy bút cho con, không ăn hả? Vậy lấy tiền mua bút mực đi mua đồ ăn ngon đi." Mặc dù Tam Nữu biết thực tế nàng không xài bao nhiêu tiền, song trong thôn chỉ có mỗi nàng là nữ tử được đi học, rốt cuộc không quấy phá nữa.
Cũng trong năm ấy, Đỗ Đại Ni lập gia thất, đến cuối tháng Ba, đầu tháng Tư năm ngoái, trong nhà bận rộn cấy mạ, một mình Đỗ Nhị Nha vừa nấu rượu vừa làm cơm, thấy tiểu muội rất muốn hỗ trợ mà lại bị nàng cảnh cáo nên chỉ dám đừng ở ngoài cửa, trông rất đáng thương. Nhị Nha đành dạy nàng nhóm lửa, tiếp đó lại chỉ dạy nàng nấu cơm.
Tam Nữu từ từ "ra vẻ khôn ngoan", nghiên cứu cách dùng mỡ lợn để xào rau dưa, từ đó, nhà bếp Đỗ gia chẳng những mở rộng chào đón nàng mà có đôi khi, nàng còn e ngại mẫu thân nấu cơm không ngon, Đinh Xuân Hoa cũng không chọc vào trán nói nàng kén chọn, tính tiểu thư mệnh nha hoàn nữa.
Bánh hẹ là "phương thức mới" do Tam Nữu đề xuất, Đinh Xuân Hoa cũng không biết cách làm.
Cuối tháng Mười Một năm ngoái, Tam Nữu dùng rơm rạ làm tổ cho rau hẹ nhà mình, hơn nữa mùa đông lại không có tuyết rơi, đến đầu xuân, rau hẹ nhà người ta đều lật úp lật ngửa, rau hẹ nhà nàng lại có thể hái ăn, không cần nói cũng biết là thu hút được sự chú ý của bao nhiêu người.
Tuy nhiên, người trong thôn thấy Tam Nữu làm tổ cho rau hẹ, lại không hỗ trợ mà còn cười cợt nàng, hiện thời muốn tìm Tam Nữu để xin một ít rau hệ cải thiện bữa ăn, lại khó mà mở miệng thành lời. Có điều, luôn có những người da mặt dày đến không biết xấu hổ, tỷ như là Nhị quả phụ ở đầu phía đông của thôn.
Tam Nữu rửa sạch rau hẹ, vẫy ráo nước rồi đưa cho mẫu thân: "Người cắt càng nhỏ càng tốt." Nàng lấy ra ba quả trứng gà từ trong bình. "Tiểu Mạch, con nhóm lửa đi."
"Rau hẹ xào trứng[6] sao?!" Tiểu Mạch đứng lên, vui vẻ cười nói. "Con thích ăn nhất đấy, nãi nãi nói Tam cô cô làm rau xào là ngon nhất, đặc biệt nhất thôn."
[6] Rau hẹ xào trứng (韭菜炒鸡蛋).
"Không phải rồi." Tam Nữu cười tủm tỉm nói tiếp. Nụ cười trên gương mặt của Tiểu Mạch liền cứng đờ, nó biết Tam cô cô nói một không nói hai, nhưng vẫn không nhịn được mà thuyết phục nàng. "Con bảo đảm đó, bánh hẹ gì đó sao ngon bằng rau hẹ xào trứng, nếu làm hỏng thì lại còn lãng phí ba quả trứng gà."
"À, nếu con nghĩ vậy thì..." Tam Nữu nói. "Vậy con có thể ăn màn thầu, chúng ta sẽ ăn món bánh hẹ khó nuốt." Đỗ Tiểu Mạch chớp mắt mấy cái, suy nghĩ một lát. "Con, con không có ý đó."
"Nếu con không nhóm lửa thì cũng không có ăn đâu." Tam Nữu đáp lại. Trẻ con vốn sống ở nông thôn nhanh nhẹn lấy củi đang cháy từ dưới nồi lớn ra, đút dưới đấy nồi xào rau, riêng về chuyện này, Tam Nữu không thể không thừa nhận nàng rất hâm mộ.
Đến lúc mỡ lợn trong nồi tan chảy, phát ra tiếng tanh tách, Tam Nữu đổ phần trứng gà đã đánh tan vào nồi, chiên cho đến khi trứng gà đặc quánh lại rồi để riêng một bên, thừa dịp dầu còn nóng, nàng cho rau hẹ thái nhỏ vào nồi: "Tiểu Mạch, đừng làm cháy đó." Tam Nữu đảo đều hai lần, lại cho phần trứng gà vào, thêm muối và bột tiêu do chính mình điều chế, dùng xẻng cơm đảo đều, thế là phần nhân bánh hẹ đã hoàn tất.
Vỏ bánh là men bột còn thừa sau khi làm màn thầu, Đinh Xuân Hoa đã cán ra hơn mười cái bánh tròn to bằng lòng bàn tay người lớn, cho nhân vào, gấp hai bên lại thành hình bán nguyệt, Tam Nữu đổ dầu vào nồi, Tiểu Mạch lại nhóm lửa, bắt đầu chiên bánh hẹ.
Rau hẹ có thể ăn sống, trứng gà đã chín, vỏ bánh được Đinh Xuân Hoa cán thật mỏng, chiên vàng đều hai mặt, chiếc bánh hẹ đầu tiên ở Kỳ quốc ra đời.
Tiểu Mạch thấy cô cô đi ra, nhịn không được nuốt nước bọt nói: "Thơm quá."
"Thơm lắm." Tam Nữu rất hài lòng với tay nghề của mình. Mặc dù nguyên liệu đơn giản, không có nước cốt gà, bột ngọt, nhưng trứng gà cũng là trứng địa phương, dầu là mỡ lợn do nhà mình làm, rau hẹ thì ngay cả phân chuồng cũng không dùng, đây là vụ rau hẹ được thu hoạch đầu tiên sau mùa xuân, vỏ bánh là do nàng cùng mẫu thân cùng nhau nhồi bột. Hoàn toàn được làm từ thủ công, không gây ô nhiễm, Tam Nữu bẻ bánh hẹ làm đôi, một nửa đưa mẫu thân, một nửa đưa Tiểu Mạch. "Con ăn thử đi."
"Cô cô ăn đi." Phụ thân Tiểu Mạch làm việc ở cửa hàng lương thực của cữu cữu Tam Nữu, hai nhà lại là thân thích năm đời, Đinh Xuân Hoa và Tam Nữu rất thương đứa nhỏ mồ côi mẫu thân này.
Tiểu Mạch thèm chảy nước miếng, song vẫn cố gắng nhịn xuống, bất kể Tam Nữu có bảo nó ăn thế nào thì tiểu hài tử vẫn cắn chặt răng, mãi đến khi chiếc bánh thứ hai ra lò thì mới đưa tay tiếp lấy.
Tam Nữu lắc đầu bật cười.
Rau hẹ ăn nhiều nóng ruột, Tam Nữu không dám để nó ăn quá nhiều. Thấy tiểu hài tử chưa no thì múc thêm một bát bánh canh[7], cho nó ăn uống no say rồi mới tiễn nó về nhà.
[7] Bánh canh (疙瘩汤).
Tam Nữu và mẫu thân tiễn Tiểu Mạch ra cửa, thấy phụ thân cùng Nhị tỷ xách túi lớn túi nhỏ trở về trong đêm: "Sao mà trễ vậy, Nhị tỷ phu không tiễn mọi người về à?"
"Con nói vớ vẩn gì đó?" Đỗ Phát Tài trừng mắt, nhìn tiểu khuê nữ miệng mồm không biết chừng mực. "Nó tiễn chúng ta đến cửa thôn rồi, nó vẫn chưa thành thân với Nhị tỷ con, đêm hôm khuya khoắt đến nhà mình thì còn ra thể thống gì. Mọi người nấu cơm chưa?"
Tam Nữu nói: "Con nấu xong rồi, con với mẫu thân cứ nghĩ hôm nay hai người không về nhà."
Hôm nay là hai mươi tháng Giêng, còn chín ngày nửa là đến ngày thành thân của Đỗ Nhị Nha, đời này Đỗ Phát Tài chỉ có ba khuê nữ, Đại nữ nhi gả cho chủ tửu lâu, giờ đến Nhị nữ nhi, Nhị Nha chọn trúng một người tướng mạo bình thường, cao lắm thì cũng chỉ được 1m7, tên là Triệu Tồn Lương.
Đinh Xuân Hoa không mấy vừa lòng, Nhị Nha lựa lời nói: "Xuất giá, tòng phu, miếng cơm manh áo[8], Đại tỷ gả cho tửu lâu, con gả cho chủ tiệm vải, nhà trượng phu dư giả, ngày sau có thể chiếu cố mọi người."
[8] Nguyên văn là "Giá hán giá hán, xuyên y cật phạn" (嫁汉嫁汉穿衣吃饭), trích "Tế Công toàn truyện" (济公全传), chương 130.
Tam Nữu nghe vậy thì liền mất hứng: "Còn muội thì chết rồi à?!"
"Muội?" Nhị Nha nhìn nàng từ trên xuống dưới. "Muội bản lĩnh hơn tiểu tử, ai dám lấy muội." Lại dừng một chút. "Không khéo sau này phụ mẫu còn phải nuôi muội."
"Thật khinh người." Tam Nữu ngoài miệng nói thế, song trong lòng lại lo lắng. Đời trước không cha không mẹ, không ai hối cưới, đời này có phụ mẫu, không vì chuyện gì khác, nàng chỉ muốn phụ mẫu không bị hàng xóm đàm tiếu, nhất định phải gả cho một nam nhân đàng hoàng.
Vấn đề chính là ở đây.
Đời trước Tam Nữu không kết hôn, ngoại trừ vấn đề thân thế, còn vì nàng rất độc lập, cá tính, nam tính còn hơn đàn ông. Hiện giờ trở về thời đại tam tòng tứ đức, mặc dù Kỳ quốc có Hoàng đế khai quốc là người xuyên không, đã mở mang dân phong, song tư tưởng dân chúng vốn thâm căn cố đế, không phải vì hắn nói thay đổi liền thay đổi.
Vì để tính toán cho tương lai của mình, sau khi Nhị Nha định thân, Tam Nữu lại lần nữa bày trò thêu thùa mà nàng chán ghét nhất, lúc rảnh rỗi thì nghiên cứu món ăn với những nguyên liệu và gia vị có hạn. Lên được phòng khách, xuống được phòng bếp, dáng vẻ không xấu đến doạ người, nàng thầm nghĩ, tương lai nhất định có thể thuận lợi lập gia thất.
"Không về nhà thì còn đi đâu." Đỗ Phát Tài tiếp lời.
Đỗ Tam Nữu đáp: "Thì đến nhà Đại tỷ. Nếu tỷ phu dám khó chịu với người, đến sáng mai tỷ phu qua đưa quà cưới cho Nhị tỷ, con sẽ không nấu cơm cho huynh ấy ăn."
Tháng Chín năm ngoái, Đỗ Đại Ni sinh được một khuê nữ, bà bà lại rất mong đợi trưởng tôn, mặc dù ngoài mặt không hề bất mãn, song trong lòng chắc chắn không vui. Lúc Đại Ni ở cữ, Đinh Xuân Hoa bỏ hết mọi việc trong nhà, hễ rảnh rỗi là lên huyện lí thăm khuê nữ, chỉ sợ nàng mắc bệnh hậu sản.
"Hứ, coi như muội lợi hại." Nhị Nha ngoài miệng nói thế, gương mặt lại cười tươi như hoa. "Lúc tỷ với phụ thân trở về có ghé tửu lâu của Đại tỷ phu, huynh ấy có nhắc rằng hai mươi tư sẽ đến nhà mình."
"Sao tỷ không bảo, khi nào huynh ấy đến thì muội sẽ làm mì sợi cho huynh ấy?" Tam Nữu hỏi.
Đỗ Phát Tài xoa đầu khuê nữ: "Đừng nghịch ngợm, lần nào tỷ phu của con đến mà lại không mang cho con một đống quà vặt chứ. Nghe nói nó còn bảo Đại Ni làm cho con một bộ y phục, thế còn chưa đủ sao?"
Ngày rằm năm ngoái, Đỗ Đại Ni, Tam Nữu cùng mẫu thân cùng đi với nhau. Sau khi vào thành, Tam Nữu tách khỏi mẫu thân, Đinh Xuân Hoa đi cùng khuê nữ, Đỗ Tam Nữu ra chợ mua cá. Sau đó, nàng đến nhà cữu cữu ở cùng huyện, mượn nhà bếp của cữu cữu làm một nồi cá diếc hầm đậu hũ[9] rồi mang một bát lớn đến nhà chồng Đại Ni, còn chưa tới cửa đã ồn ào: "Đại tỷ, muội không có tiền mua này mua nọ cho tỷ với ngoại sanh nữ, chỉ có thể làm một bát canh cá thế này, mong tỷ đừng chê."
[9] Cá diếc hầm đậu hũ (鲫鱼炖豆腐).
Đại Ni sao có thể ăn hết, chỉ ăn một chén nhỏ đã no, còn thừa lại đều đưa cho trượng phu Đoàn Thủ Nghĩa cũng phải ăn uống kiêng cữ theo nàng. Đoàn gia có một tửu lâu, Đoàn Thủ Nghĩa cũng không trông đợi là thê muội nấu canh cá ngon. Thế mà, vừa mới nhấp một ngụm canh, hắn không khỏi trợn mắt: "Tiểu muội, muội, cái này là muội nấu sao?"
"Có muốn biết muội nấu như thế nào không?" Tam Nữu không đợi hắn lên tiếng hỏi, liền nói. "Huynh cứ đối xử tốt với Đại tỷ đi, một ngày nào đó tâm trạng muội tốt thì sẽ nói cho huynh nghe."
"...Không ngờ muội cố tình." Đoàn Thủ Nghĩa dở khóc dở cười. "Có điều muội đoán sai rồi, huynh không muốn biết.
Tam Nữu mỉm cười, không nói thêm gì.
Tết Âm lịch năm nay, Đoàn Thủ Nghĩa đưa thê tử và khuê nữ đến nhà chúc tết, Tam Nữu đích thân xuống bếp. Bấy giờ rét đậm, trong hoàn cảnh rau củ không được trồng trong nhà kính, quả ớt cùng một vài gia vị khác còn chưa du nhập vào Hoa Hạ, Tam Nữu lại có thể làm món cá om dưa[10], cá chua ngọt[11], cá sốt tương đậu[12] và cá kho tàu[13], hương vị mỗi món mỗi khác, Đỗ Đại Ni vừa ăn vừa cười, Đoàn Thủ Nghĩa vừa ăn vừa muốn khóc: "Tiểu Nữu, món cá chua ngọt này ăn ngon thật đấy."
[10] Cá om dưa (酸菜鱼).
[11] Cá chua ngọt (糖醋鱼).
[12] Cá sốt tương đậu (豆瓣鱼).
[13] Cá kho tàu (红烧鱼).
Tam Nữu cười tủm tỉm nhìn hắn: "Nếu ngon thì huynh cứ ăn nhiều một chút, chứ về nhà là không có ăn nữa đâu." Nàng nói xong thì buông đũa. "Mẫu thân, con no rồi." Rồi nàng đứng dậy ra ngoài tìm bằng hữu đi chơi. Mặc kệ Đoàn Thủ Nghĩa nhìn theo bóng lưng của nàng, thở dài một hơi.
Nhị Nha nghĩ tới cảnh tượng tỷ phu chịu khuất phục mà nịnh nọt Tiểu Nữu nhà mình thì bật cười, nhỏ giọng hỏi: "Sắp tới muội định làm món gì cho huynh ấy ăn?"
"Mì trộn dầu[14]." Tam Nữu siết tay thành nắm đấm. "Để huynh ấy thèm chết, ăn thành một đại thúc mập mạp, béo như heo, xem có tiểu yêu tinh nào dám yêu huynh ấy hay không."
[14] Mì trộn dầu (油泼面).
"Muội cũng nghĩ nhiều quá rồi." Đầu Nhị Nha chạy đầy vạch đen. "Tỷ phu với Đại tỷ tình cảm tốt lắm, cho dù Đại tỷ có sinh cả ba khuê nữ, tỷ phu cũng không ghét bỏ Đại tỷ đâu."
Tam Nữu liếc nàng một cái: "Không ngờ tỷ còn ngây thơ hơn cả Đại tỷ. Đoàn Thủ Nghĩa không dám, nhưng mẫu thân huynh ấy thì sao." Nhị Nha cứng họng, Tam Nữu tiếp tục. "Chỉ cần huynh ấy muốn có thực đơn của muội, đời này nhất định không dám rời Đại tỷ."
"Làm sao muội nắm chắc như vậy?" Nhị Nha không phải là xem thường muội muội, song mặc dù Tiểu Nữu tính toán đâu ra đấy, nàng ấy cũng chỉ mới mười tuổi mà thôi. "Đến khi cửa hàng của Đoàn gia ngày càng lớn, huynh ấy sẽ chịu nghe lời muội sao?"
"Đoàn gia làm ăn càng lớn thì người hâm mộ, ghen ghét nhà họ sẽ ngày càng nhiều." Tam Nữu nói. "Muội biết đồ ăn của tửu lâu nhà họ nấu thế nào, nếu như huynh ấy có lòng khác, Nhị tỷ, kẻ thù của kẻ thù chính là bằng hữu, tỷ hiểu chưa?"
Lời tác giả:
Nhị Nha: ...Đáng sợ.
Truyện được edit và đăng duy nhất ở Wattpad Ve Sa Lai và vesalai.wordpress.com. Vui lòng đọc ở trang chính chủ để ủng hộ Editor.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top