PHẦN MỞ ĐẦU ĐÀI BẮC NHÂN DUYÊN
Năm 2008, tôi có dịp tham dự một hội thảo khoa học tại Đài Bắc.
Nhân dịp đó, tôi liên lạc với một người bạn thân, giáo sư Raymond
Yeh, để đến thăm ông này. Giáo sư Yeh là cựu Trưởng khoa Khoa
học Máy tính tại trường Đại học Texas và Đại học Maryland. Ông là
một nhà khoa học, là tác giả của rất nhiều tài liệu nghiên cứu và của
mười cuốn sách giáo trình được dạy trong các trường đại học tại
Hoa Kỳ. Ông đã đào tạo nhiều thế hệ khoa học gia và giáo sư nổi
tiếng ngày nay. Mặc dù đã về hưu và sống tại Đài Bắc nhưng ông
vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực khoa học và có tầm ảnh hưởng
lớn trên thế giới. Giáo sư Yeh vui mừng mời tôi ghé qua tư gia ăn
tối. Điều bất ngờ là trong bữa ăn đó cũng có sự hiện diện của phi
hành gia Edgar Mitchell [1] và một người bạn của ông tên là Thomas
K, cũng đến thăm giáo sư Yeh.
Giáo sư Yeh mở đầu giới thiệu với mọi người:
- Phi hành gia Edgar Mitchell là một nhà khoa học lỗi lạc với nhiều
công trình nghiên cứu nổi tiếng về không gian tại Đại học Harvard
và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông là một trong sáu
người đã đặt chân lên mặt trăng bằng phi thuyền Apollo 14 vào
ngày 31 tháng 1 năm 1971. Trên hành trình trở về trái đất, nhìn
qua cửa sổ của phi thuyền, ông thấy trái đất thật nhỏ bé so với vũ
trụ bao la và bất ngờ trải nghiệm một cảm giác bình an lạ lùng
không thể diễn tả.
Khi trở về, ông tìm đủ mọi cách để tìm hiểu về cái cảm giác đó. Là
nhà khoa học, Edgar Mitchell cố gắng nghiên cứu để giải thích sự bình an lạ lùng này qua các lý thuyết khoa học nhưng không
thành công. Ông quy tụ một số khoa học gia nổi tiếng, thành lập
một viện nghiên cứu về mối liên hệ giữa khoa học và trải
nghiệm nội tâm (Institute of Noetic Science); nhưng qua nhiều
năm, những nhà khoa học lỗi lạc nhất này cũng chưa thể đi đến
một kết luận nào cả. Do đó, lần này tôi mời ông ấy đến gặp Hòa
thượng Thánh Nghiêm, mong rằng ngài có thể giúp ông ấy giải
đáp thắc mắc về trải nghiệm này.
Trong bữa ăn tối hôm đó, chúng tôi đàm đạo thân mật về các lý
thuyết khoa học vừa được phát minh vào lúc đó. Tôi nhận thấy phi
hành gia Mitchell là người có đầu óc cởi mở, với sự hiểu biết rộng
và sâu sắc hơn những nhà khoa học khác mà tôi đã gặp.
Ông Mitchell nói:
- Các phát minh khoa học mới nhất hiện nay đang thúc đẩy nhân
loại phải thay đổi cách suy nghĩ và quan niệm của họ, ngay cả
với những gì mà trước đây chúng ta vẫn cho là đúng. Càng
ngày càng có thêm nhiều khám phá mới, dữ kiện mới, có thể
hoàn toàn thay đổi nền tảng khoa học mà chúng ta đã xây dựng
từ mấy trăm năm nay. Thí dụ như, trong nhiều thế kỷ, chúng ta
đã tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mọi hành tinh, kể
cả mặt trời, mặt trăng đều quay quanh trái đất. Dĩ nhiên hiện
nay chúng ta biết rằng điều này hoàn toàn sai. Mặt trời chỉ là
trung tâm của một Thái Dương hệ, quả đất của chúng ta và các
hành tinh liên hệ đều quay quanh
mặt trời. Tuy nhiên, vũ trụ thì vô cùng rộng lớn và có rất nhiều
Thái Dương hệ khác mà chúng ta chưa biết đến. Theo ước tính
của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thì có khoảng
hơn một tỷ Thái Dương hệ trong vũ trụ bao la mà Thái Dương hệ
của chúng ta chỉ là một phần nhỏ trong đó.
Ông Mitchell bất chợt trầm ngâm, giọng xúc động:
- Chỉ khi con người đi ra ngoài không gian mới thật sự thấy được
chúng ta quá nhỏ bé giữa vũ trụ bao la ngoài sức tưởng tượng
này. Hiện nay, chúng ta biết rằng sự sống đã có mặt trên trái đất
này từ hàng triệu năm nay, nhưng biết đâu sự sống cũng có thể
hiện hữu ở các hành tinh khác hay các Thái Dương hệ khác nữa.
Chúng ta cho rằng loài người là thông minh nhất khi so sánh với các loài vật, nhưng biết đâu có những sinh vật thuộc hành tinh
khác còn thông minh hơn mà chúng ta chưa hề biết đến.
Cách đây không lâu, chúng ta cho rằng vật thể nhỏ nhất trên thế
giới là phân tử (Molecule) , nhưng sau đó chúng ta tìm ra nguyên
tử (Atom) và nghĩ rằng nguyên tử là vật thể nhỏ nhất. Hiện nay,
chúng ta biết rằng nguyên tử không phải là nhỏ nhất mà còn có
những hạt lượng tử nhỏ hơn nhiều (Quark) . Nếu chúng ta tiếp
tục nghiên cứu thì có lẽ sẽ còn có những thứ nhỏ hơn nữa. Do
đó, kiến thức của chúng ta luôn luôn thay đổi theo các khám phá
mới của khoa học. Nếu chúng ta có thể chứng minh được rằng
hạt vi lượng (Neutrino) di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng thì
quan niệm về thuyết Tương đối của Einstein phải thay đổi và quỹ
đạo của mọi hành tinh trong vũ trụ sẽ khác hẳn những gì chúng
ta đo được ngày nay.
Ông ngừng lại và nhấn mạnh từng chữ:
- Vấn đề là chúng ta sẽ phản ứng như thế nào với những dữ kiện
mới được khám phá? Liệu chúng ta có chấp nhận rằng những gì
chúng ta tin tưởng từ bấy lâu nay chỉ là những lý thuyết không
còn giá trị nữa không? Hay chúng ta vẫn bám chặt lấy quan niệm
cũ vì đã coi chúng như là chân lý tuyệt đối?
Giáo sư Yeh đồng tình tiếp lời:
- Khoa học thực nghiệm chỉ là tập hợp những kiến thức thu tập
được từ nhiều cuộc thí nghiệm, với những dữ liệu được đo
lường, quan sát và kiểm chứng. Là khoa học gia, chúng ta luôn
luôn tìm kiếm, học hỏi và nghiên cứu dựa trên lý luận, đặt ra
những giả thuyết, rồi chứng minh rằng chúng đúng hay sai. Tất
cả những gì chúng ta xây dựng đều hoàn toàn dựa vào các
công cụ đo lường; nhưng với sự tiến bộ của khoa học, khi các
công cụ này ngày một tinh vi hơn, chính xác hơn, chúng ta sẽ
tìm thêm được những dữ liệu mới để bổ sung cho những dữ liệu
trước và tiếp tục xây dựng nền khoa học hiện nay. Nói cho đúng
thì khoa học thực nghiệm là một tiến trình luôn luôn thay đổi để
bổ sung cho những gì bất toàn trước đây.
Ông Mitchell mỉm cười:
- Nhưng sẽ có một lúc nào đó chúng ta tìm ra những dữ liệu hoàn
toàn khác với những dữ liệu trước đó. Chúng ta sẽ đặt ra những
giả thuyết mới để thay đổi các quan niệm hiện tại và chúng ta sẽ
có một cuộc cách mạng khoa học lật đổ tất cả những gì chúng ta
xây dựng trước đây.
Bất chợt, ông Mitchell quay qua hỏi tôi:
- Anh cũng là một nhà khoa học, vậy anh nghĩ như thế nào?
Tôi suy nghĩ, rồi trả lời:
- Một cuộc cách mạng khoa học như thế có lẽ cần nhiều thứ hơn
là việc đưa ra một lý thuyết mới để đánh đổ những lý thuyết
trước. Theo tôi nghĩ, trước hết, chúng ta phải nghiệm lại các
quan niệm trước để tìm hiểu tại sao chúng không còn đúng
nữa. Như giáo sư Yeh đã nói, nếu chúng ta phát minh ra
những công cụ tinh vi hơn, chính xác hơn, thì chúng ta hiểu
rằng công cụ trước đây không hoàn hảo. Nếu chúng ta có thể
chứng minh rằng những dữ liệu mới này hợp lý hơn, chính xác
hơn, giá trị hơn, thì chúng ta có thể đưa ra bằng chứng để
biện minh cho lý thuyết mới này và thay thế lý thuyết trước đã
không còn giá trị nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ có lẽ sẽ phải mất
nhiều thời gian để thay đổi tư duy của mọi người.
Chúng tôi tiếp tục thảo luận về các phát minh khoa học, nhưng
phần lớn là cuộc đối thoại giữa phi hành gia Mitchell và giáo sư Yeh.
Tôi và ông Thomas chỉ ngồi nghe, đôi khi thêm vào vài câu xã giao.
Tôi thấy ông Thomas chăm chú vào cuộc đối thoại, thỉnh thoảng lại
mỉm cười nhưng không nói gì. Có lẽ vì ông là một doanh nhân chứ
không phải là khoa học gia như chúng tôi nên ông kiệm lời hơn.
Sau bữa ăn, ông Mitchell hỏi tôi:
- Ngày mai chúng tôi sẽ đến gặp Hòa thượng Thánh Nghiêm, anh
có muốn đi cùng với chúng tôi không?
Dĩ nhiên tôi không thể từ chối một cơ hội hiếm có như vậy.
Buổi gặp gỡ được sắp đặt trước này diễn ra tại giảng đường Đại
học Đài Bắc cho một số sinh viên và giáo sư tham dự. Giáo sư Yeh
là người chủ trì buổi nói chuyện.
Giáo sư Yeh bắt đầu cuộc gặp mặt:
- Mitchell, ông hãy kể về trải nghiệm lạ lùng khi bay trên không gian
vũ trụ cho Hòa thượng Thánh Nghiêm nghe và hỏi ngài về những
thắc mắc của ông đi.
Phi hành gia Mitchell lên tiếng:
- Thưa Hòa thượng, sau khi hoàn tất sứ mệnh trên mặt trăng,
chúng tôi bắt đầu bay trở về trái đất. Khi bay trong không gian,
phi thuyền của chúng tôi phải liên tiếp xoay tròn theo trục di
chuyển 360 độ để giảm sức nóng phát ra từ ánh sáng mặt trời.
Do đó, cứ mỗi hai phút thì tôi lại nhìn thấy trái đất, mặt trăng và
mặt trời qua cửa kính của phi thuyền. Tôi cũng phải nói thêm là
bên ngoài không gian, vì không có bầu khí quyển nên chúng tôi
nhìn thấy các hành tinh rất rõ. Khi ở trên trái đất, chúng ta nhìn
lên bầu trời và thấy các vì sao lấp lánh vì ảnh hưởng của bầu
khí quyển; nhưng trong không gian, tất cả đều sáng rõ như một
mạng lưới khổng lồ với hàng ngàn hàng vạn vì sao trông như
những hạt kim cương tỏa sáng. Đó là một hình ảnh tuyệt vời đối
với các phi hành gia chúng tôi lúc đó. Ngày nay, mọi người đều
có thể nhìn thấy hình ảnh này qua kính viễn vọng Hubble, hay
qua các hình ảnh mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ chụp
được và đưa lên mạng. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy vũ trụ
đẹp vô cùng, không lời nào có thể diễn tả được.
Là một nhà khoa học, tôi biết rằng tất cả những tế bào, những
nguyên tử trong cơ thể tôi, hay cơ thể của những người bạn tôi
trong phi thuyền, và ngay cả những nguyên tử cấu tạo nên phi
thuyền, đều phát xuất từ hành tinh của chúng ta hay chính là
khởi nguồn trong vũ trụ. Mọi hiện tượng vật chất đều phát xuất
từ vũ trụ này. Từ đó, tôi ý thức rằng thân thể của tôi và tất cả mọi
vật trong vũ trụ không có gì sai biệt. Thay vì là một cá thể độc
lập, một thành phần riêng rẽ, tôi ý thức rằng tất cả cùng chung
một nguồn gốc. Ngay khi đó, toàn thân tôi bỗng nhiên rung động
mãnh liệt. Tôi thấy mình chìm đắm trong một cảm giác bình an lạ
lùng không thể diễn tả. Trải nghiệm này tiếp tục diễn ra mỗi khi
tôi không bận rộn. Là phi hành gia, dĩ nhiên chúng tôi rất bận vì
vừa phải điều khiển phi thuyền, vừa phải hoàn thành những thí
nghiệm khoa học trong phi thuyền, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng dừng lại nhìn ra ngoài cửa sổ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ
của vũ trụ và cảm nhận cảm giác bình an lạ lùng này.
Với mỗi vòng quay của phi thuyền, tôi lại nhìn thấy trái đất, mặt
trăng, mặt trời, cùng các vì tinh tú lấp lánh. Tôi thấy vũ trụ
giống như một tấm lưới với hàng triệu vì sao toát ra thứ ánh
sáng rực rỡ, và tôi ý thức rõ ý niệm “vạn vật đồng nhất thể”.
Tôi hiểu rằng nếu đã đồng nhất với tất cả thì vạn vật đều liên
quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời được. Đây là một
quan niệm mới lạ mà từ trước đến nay, các nhà khoa học
chúng tôi không ai nghĩ đến.
Trong trải nghiệm bình yên đặc biệt đó, tôi tự hỏi: “Tôi thực sự là ai?
Tôi từ đâu tới đây? Rồi tôi sẽ đi về đâu? Vũ trụ được hình thành
và có mối liên hệ như thế nào với trái đất cùng những con người
sống ở đó? Có phải chúng tôi, những người đầu tiên du hành ra
ngoài không gian, đã cảm nhận được sự tương quan rõ rệt giữa
con người và vũ trụ, khác hẳn với ý niệm của những người chưa
từng rời trái đất?”.
Từ ý niệm này, tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc phải tìm cách thay
đổi các quan niệm định kiến chật hẹp đã giam cầm bao nhiêu
thế hệ từ trước đến nay bằng một quan niệm mới về sự tương
quan giữa con người và vũ trụ. Có lẽ các định luật khoa học,
các kiến thức được xây dựng từ ngàn xưa sẽ phải thay đổi khi
chúng ta nhìn lại tất cả những gì chúng ta đã làm trên trái đất
này, sau khi chứng kiến sự nhỏ bé của chúng ta so với vũ trụ
bao la. Ngay như nền khoa học hiện đại bắt đầu khoảng bốn
trăm năm trước với Isaac Newton cũng sẽ phải thay đổi khi con
người bước ra khỏi tầm ảnh hưởng của sức hút trái đất.
Khi lan man nghĩ đến đó, tôi chợt nghĩ đến những bậc tiên phong
như Copernicus, Galileo và những nhà khoa học lỗi lạc khác đã
đưa ra ý kiến về sự tương quan giữa trái đất và vũ trụ nhưng
phải chịu đựng sự chống đối, kỳ thị của những quan niệm thiển
cận, hẹp hòi lúc bấy giờ. Người thì bị thiêu sống, người thì bị
giam cầm cho đến chết, nhưng sự thật vẫn là sự thật, không thể
chối cãi. Tất cả khuynh hướng bảo thủ, hẹp hòi trước sau cũng
phải thay đổi khi người ta biết hướng tầm mắt lên cao, xóa bỏ
thành kiến cũ và mở rộng tâm hồn để nhìn ra vũ trụ bao la.
Phi hành gia Mitchell ngừng lại suy nghĩ, rồi tiếp tục:
- Khi trở về trái đất, tôi luôn thắc mắc về cái cảm giác bình an lạ
lùng này. Tôi tìm đọc rất nhiều sách vở khoa học nhưng không
tìm thấy gì có thể giải thích hiện tượng trên. Tôi chuyển qua
nghiên cứu các sách vở tôn giáo của phương Tây nhưng cũng
không tìm được gì. Tôi tìm đến những học giả thông thái nhưng
không ai có thể trả lời được thắc mắc của tôi. Một người bạn
khuyên tôi nên tìm đọc các tài liệu về tôn giáo phương Đông, và
tôi bắt đầu nghiên cứu Phật giáo, nhất là các sách nói về đại
định (Samadhi) . Tôi thấy có sự trùng hợp giữa trải nghiệm mà
tôi đã trải qua trên không gian với trải nghiệm của các hiền triết
phương Đông, khi họ diễn tả về trạng thái thiền định.
Giáo sư Yeh chợt hỏi:
- Phải chăng cảm giác đó là thấy mình hợp nhất với vạn vật?
Phi hành gia Mitchell trả lời:
- Đúng thế, lúc đó tôi không thấy có sự khác biệt giữa mình và vạn
vật nữa. Cái cảm giác hòa hợp, rung động cùng với sự chuyển
động của vũ trụ, là một trải nghiệm kỳ lạ không thể diễn tả được
bằng lời.
Giáo sư Yeh quay sang hỏi Hòa thượng Thánh Nghiêm:
- Bạch Hòa thượng, theo quan niệm của Phật giáo, trải nghiệm
không còn thấy sự phân biệt giữa mình và vạn vật của phi hành
gia Mitchell có phải là một sự chứng ngộ không?
Hòa thượng Thánh Nghiêm mỉm cười nhìn ông Mitchell:
- Trước hết tôi rất mừng cho phi hành gia Mitchell đã có một trải
nghiệm đặc biệt. Trong hàng ngàn, hàng vạn người, không mấy
ai có được trải nghiệm như thế. Trong cuộc sống, khi người ta
trải nghiệm một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, có thể thay đổi
hẳn các trải nghiệm cá nhân từ trước, ta có thể coi đó như là
một sự chứng ngộ. Tuy nhiên, đó cũng có thể chỉ là một cảm
giác nhất thời.
Thí dụ như, cách đây không lâu, một đệ tử của tôi cũng có một trải
nghiệm đặc biệt. Sau một khóa tu thiền kéo dài bảy ngày, anh ta
trở về nhà. Trên đường về, anh ta thấy tất cả cây cối, hoa lá, từ
những con côn trùng nhỏ bé cho đến những chiếc lá cây, ngọn cỏ đều vui mừng chào đón anh. Anh cảm nhận được một niềm
an lạc tuyệt vời như hòa nhập với ngoại cảnh và tin rằng mình đã
chứng ngộ. Anh vội vã trở lại kể cho tôi nghe về trải nghiệm đó.
Tôi nói với anh rằng tuy đó là một khoảnh khắc trải nghiệm tuyệt
vời nhưng cũng có thể biến đi ngay trong chốc lát. Đừng coi cảm
giác đó là một sự chứng ngộ. Nếu không tin, anh hãy thử trở lại
khu vườn đó để xem những cây cỏ, hoa lá, muông thú có chào
đón anh như trước không.
Khi quay trở lại, anh không cảm nhận được trải nghiệm như trước
nên đã hỏi: “Làm thế nào để con có thể lấy lại cái cảm giác tuyệt
vời đó?”. Tôi trả lời: “Không ai có thể sở hữu mãi mãi trải
nghiệm đã qua đó. Nếu muốn nắm giữ nó mãi thì anh thật tham
lam. Có được trải nghiệm này chỉ là một kết quả của quá trình tu
tập mà thôi. Đó không phải là sự chứng ngộ như anh kỳ vọng.
Mục đích của tu tập thiền định là để phát triển trí tuệ và xóa bỏ
bản ngã. Nếu chúng ta đạt đến trạng thái Vô ngã thì thế giới này
còn tồn tại nữa không? Nếu chúng ta đạt đến trạng thái Tâm vô
phân biệt thì làm gì còn có chúng ta hay thế giới này nữa? Đối
với đa số mọi người, thế giới này thật sự hiện hữu, nhưng đối
với những người đã chứng ngộ thì thế giới này chỉ là huyễn ảo,
không có thật, do đó tất cả trải nghiệm dù là trải nghiệm gì đi
chăng nữa, cũng chỉ là huyễn ảo chốc lát mà thôi. Chúng ta
không nên để ý đến nó hay muốn nắm giữ nó mãi làm gì”.
Giáo sư Yeh hỏi thêm:
- Bạch Hòa thượng, như thế thì dù chúng ta có được những trải
nghiệm gì cũng không nên bám víu vào nó hay sao?
Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:
- Cho dù trải nghiệm đó diễn ra thế nào đi nữa, hãy để cho nó đến
và đi một cách tự nhiên. Có thể nó chỉ là điều xuất phát từ tâm
thức, sẽ thay đổi, vì tất cả mọi sự đều sẽ đổi thay. Dù nó hiện
hữu như thật, vẫn hãy coi nó chỉ là những hiện tượng của tâm
thức mà thôi.
Tuy nhiên, đối với những người đã trải nghiệm, rồi hoàn toàn thay
đổi nhận thức của họ và luôn luôn sống với tâm thức đó, thì
chúng ta có thể kết luận rằng người đó đã chứng ngộ. Theo quan niệm của Phật giáo, người này đã có một “nhân” lành từ trước và
đến nay nó bắt đầu trổ “quả”.
Hòa thượng Thánh Nghiêm chia sẻ tiếp:
- Phi hành gia Mitchell là một nhà khoa học, nhưng không thể giải
thích trải nghiệm đó bằng lý luận của khoa học, không thể chứng
minh nó qua các cuộc thí nghiệm, hay tạo ra lý thuyết bằng
phương pháp luận lý. Ông tin rằng đây là một kiến thức mới, mà
khoa học cần khám phá, nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, ông nên
biết rằng cảm giác đó là một trải nghiệm tâm linh nằm trong phạm
trù của tôn giáo mà khoa học không thể giải thích. Triết học hay
luận lý học cũng không thể giải thích được, vì nó là một trải
nghiệm tinh thần xảy ra cho một người duy nhất - là ông mà thôi.
Trải nghiệm ấy đã làm thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của ông.
Từ đó, ông cảm thấy nó trở thành một phần của ông, không thể
tách rời ra được nữa. Trải nghiệm này vượt khỏi phạm trù của
khoa học bởi vì những người trải nghiệm được việc này không
thể diễn tả, giải thích được, không thể chứng minh được, và cũng
không ai có cùng một trải nghiệm tương tự như thế, nó là một trải
nghiệm có tính chất duyên căn cá nhân. Ai uống nước thì tự mình
biết nóng hay lạnh. Trong trường hợp của ông, chỉ mình ông cảm
nhận được sự an lạc hòa hợp cá nhân vào vũ trụ, nhập với tất cả,
không còn phân biệt giữa mình và vũ trụ nữa. Lúc đó cũng có các
phi hành gia khác ở trong phi thuyền. Tại sao họ không có được
trải nghiệm giống như ông? Tại sao chỉ mình ông có được cảm
nhận đó? Nếu nói theo khoa học thì một khi ông cảm nhận được
điều gì, tất cả những người khác cũng đều phải thấy như thế.
Tóm lại, đây là điều mà khoa học không thể giải thích hay chứng
minh, vì nó nằm ngoài phạm trù của khoa học.
Giáo sư Yeh hỏi tiếp:
- Ông Mitchell, trải nghiệm lạ lùng đó có trở lại với ông nữa không?
Khi trở về trái đất, ông còn có cảm nhận đó nữa không?
Phi hành gia Mitchell trả lời:
- Có chứ, tôi vẫn cảm nhận được và sống trong niềm an lạc vô biên
này. Nó hoàn toàn thay đổi quan niệm của tôi về con người và vũ
trụ, vì thế tôi mới tìm cách giải thích nó theo khoa học, luận lý
học, triết học và tâm linh. Tôi đồng ý với Hòa thượng Thánh Nghiêm về điều ngài dạy; nhưng là người nghiên cứu khoa học,
tôi vẫn muốn tìm cách kết nối khoa học với trải nghiệm nội tại, để
mở ra một chân trời mới cho kiến thức còn thiếu sót của nhân
loại hiện nay.
Giáo sư Yeh tiếp tục đặt câu hỏi:
- Ông nghĩ sao về các lý thuyết khoa học còn thiếu sót hiện nay?
Chẳng hạn như giả thuyết về sự hình thành vũ trụ qua vụ nổ Big
Bang?
Phi hành gia Mitchell trả lời:
- Khoa học thực nghiệm được xây dựng từ những lý luận, rồi được
chứng minh qua các cuộc thí nghiệm với những dữ liệu chính
xác. Giả thuyết về sự hình thành vũ trụ qua vụ nổ Big Bang mặc
dù được đa số chấp nhận nhưng chưa ai có thể chứng minh nó
một cách chính xác. Do đó, nó vẫn chỉ là một giả thuyết. Nó giải
thích được một số hiện tượng, nhưng nó chưa hoàn chỉnh để có
thể được công nhận là sự thật tuyệt đối. Theo tôi thì với đà tiến
triển của khoa học ngày nay, giả thuyết này có thể trở nên lỗi
thời, khi có thêm những bằng chứng hay dữ liệu khác. Tôi không
nghĩ vũ trụ chỉ là kết quả của một vụ nổ, mà là một cái gì đó vận
động, thay đổi không ngừng, do đó rất khó định nghĩa thật rõ
ràng.
Giáo sư Yeh đặt vấn đề:
- Nhưng nếu loại bỏ lý thuyết về vụ nổ Big Bang thì phải chăng thời
gian không bắt đầu từ lúc tạo lập ra vũ trụ mà là một cái gì đó
không có khởi thủy?
Phi hành gia Mitchell giải thích thêm:
- Đối với tôi, thời gian chỉ là một sự đo lường có tính tương đối.
Chính con người đề xướng ra cái gọi là “thời gian” trên trái đất
này chứ tự nhiên không phân chia ra như thế. Con người tạo ra
quan niệm về thời gian, rồi chia nó ra thành nhiều mảnh vụn.
Trái đất quay quanh mặt trời một vòng thì được xem là một năm,
rồi một năm có mười hai tháng, mỗi tháng có một số ngày, rồi
ngày chia ra giờ, giờ chia ra phút, phút chia ra giây v.v… Sự
phân chia này chỉ mang tính giới hạn trên trái đất mà thôi. Nếu
chúng ta đi lên Hỏa Tinh, hay Kim Tinh, chúng ta sẽ phải thay đổi thời gian khác đi. Nếu chúng ta tiếp tục đi vào không gian thì
thời gian trên trái đất sẽ không còn giá trị nữa.
Giáo sư Yeh quay qua hỏi Hòa thượng Thánh Nghiêm:
- Bạch Hòa thượng, một nhà khoa học không gian và là một phi
hành gia nổi tiếng như ông Mitchell đây cũng không hoàn toàn tin
vào giả thuyết về sự hình thành vạn vật qua vụ nổ Big Bang, mà
cho rằng vũ trụ là một cái gì đó luôn luôn thay đổi. Nếu thế phải
chăng vạn vật không có khởi đầu hay chấm dứt, mà chỉ là một
diễn trình thay đổi không ngừng? Bạch Hòa thượng, liệu quan
niệm này có khác với quan niệm của Phật giáo trong kinh Hoa
Nghiêm (Avatamsaka) không?
Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:
- Cho đến nay, mọi người đều cho rằng vạn vật được hình thành từ
vụ nổ Big Bang. Các nhà khoa học cũng dựa vào giả thuyết này
để đưa ra các lý luận khoa học về không gian, thời gian v.v... Tôi
mừng vì một nhà khoa học lỗi lạc và là phi hành gia nổi tiếng như
ông đây lại nghĩ khác. Ông tin rằng vũ trụ luôn luôn thay đổi và
vận động không ngừng, do đó rất hợp với quan niệm “thành, trụ,
hoại, diệt” vì mọi sự vật, mọi hiện tượng luôn luôn thay đổi, không
có khởi đầu hay chấm dứt. Điều này rất hợp với quan niệm của
Phật giáo.
Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm rằng vũ trụ quan của Phật giáo không
phân chia thời gian và không gian như là hai thực thể khác biệt
mà bao gồm cả thời gian lẫn không gian. Thời gian bao gồm cả
quá khứ, hiện tại và tương lai. Không gian cũng bao trùm cả sáu
hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới). Nhưng thời gian có
thật sự hiện hữu không? Không! Thời gian chỉ được tạo ra khi có
một đối tượng trong không gian chuyển động, và nếu ta đo được
sự chuyển động đó thì thời gian hiện hữu. Nói cách khác, nếu ta
cảm thấy không gian thay đổi thì thời gian hiện hữu. Nếu không
gian không chuyển động thì sẽ không có thời gian. Nhưng nói
như thế thì không gian có hiện hữu không? Cũng không! Nếu ta
không cảm nhận được thời gian thì không gian cũng không hiện
hữu. Tất cả chỉ là một cái gì đó uyên nguyên rỗng lặng.
Nói cách khác, vũ trụ quan của Phật giáo là sự phối hợp giữa
không gian và thời gian. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, tất cả đều liên hệ với nhau, tương tức và
tương nhập chặt chẽ. Tóm lại, mọi sự vật trong vũ trụ đều có
tính tương đối, nghĩa là đều vô thường, vô ngã và duyên sinh.
Thời gian và không gian tuy có tên gọi khác nhau nhưng cùng
chung một bản thể, hay “vạn vật đồng nhất thể”, một là tất cả,
tất cả là một.
Hòa thượng Thánh Nghiêm tiếp tục giải thích:
- Ngày nay, ngành vật lý không gian đã chứng minh điều này bằng
thuyết Tương đối của Albert Einstein. Đặc biệt là quan niệm về
không gian bốn chiều, nêu rõ ý nghĩa: không gian và thời gian
không phải là hai điều tuyệt đối có tự thể riêng biệt, mà chỉ có tính
tương đối thôi.
Phải dùng từ “kỳ gian” (space-time) để gọi chung cho cả hai mới
đúng, vì tính chất của chúng là dung thông, hòa hợp với nhau làm
một, thâu nhiếp và tương nhập với nhau một cách tuyệt diệu.
Với trí óc siêu việt, Einstein đã tìm ra được luật Tương đối, thấy
được vận tốc, thời gian, không gian, khối lượng đều là những
gì tương đối chứ không tuyệt đối. Công thức E = mc
2 của ông
đã chứng minh rằng năng lượng (energy) chính là khối lượng
(mass) của vật đó khi di chuyển nhanh bằng lũy thừa của vận
tốc ánh sáng. Lúc đó, vật chất sẽ biến thành năng lượng và
khi năng lượng chuyển động chậm lại thì nó sẽ biến thành vật
chất.
Hòa thượng Thánh Nghiêm quay qua phi hành gia Mitchell rồi
nói một cách rõ ràng:
- Như ông cũng biết, năng lượng là khối lượng và khối lượng cũng
là năng lượng, hay tinh thần là vật chất và vật chất cũng là tinh
thần. Đó chính là lời Đức Phật đã dạy trong kinh Hoa Nghiêm từ
hơn hai ngàn năm trăm năm trước: “Tâm là vật, vật cũng là tâm –
vạn vật đồng nhất thể, đó chính là nguyên lý 'sự sự vô ngại pháp
giới'”. Muốn tiếp thông với cảnh giới Hoa Nghiêm này, ông phải đi
vào bằng cánh cửa tâm linh chứ những cảm giác phân biệt hay
luận lý dựa trên sự suy ngẫm của “thức” thì không thể được. Chỉ
có cánh cửa tâm linh mới có thể tổng hợp được thời gian và
không gian, đưa ông vào cuộc sống “hằng mà chuyển” thôi.
Lúc nãy, ông nói rằng ông không tin vũ trụ này được hình thành bởi
vụ nổ Big Bang, mà vũ trụ này thay đổi không ngừng. Nhưng ai
có thể cảm nhận được sự thay đổi của vũ trụ như thế? Phải
chăng chính là con người? Những sinh vật khác không thông
minh như con người nên không ý thức rõ về vũ trụ như con
người. Con người có ý niệm rõ ràng về thời gian và không gian.
Khi thời gian hiện hữu, không gian cũng hiện hữu, đó chính là
quan niệm căn bản về sự tạo lập vũ trụ.
Hòa thượng Thánh Nghiêm quay sang nói với giáo sư Yeh:
- Lúc nãy, ông hỏi quan niệm này có trùng hợp với quan niệm của
kinh Hoa Nghiêm không? Đúng thế, chủ trương của kinh Hoa
Nghiêm là “pháp giới duyên khởi”, nghĩa là mọi sự, mọi vật đều
do nhân duyên hòa hợp mà thành, tất cả đều nương vào nhau,
nhân sinh quả, quả lại sinh nhân, lớp lớp trùng trùng, có khi dung
thông, có khi đối chọi, ảnh hưởng lẫn nhau mà sinh ra, không một
cái gì có thể tự tồn, tự lập riêng rẽ. Cái này có là nhờ cái kia, cái
kia có là nhờ cái này. Lớp lớp trùng trùng không cùng tận nên gọi
là “trùng trùng duyên khởi”.
Vì thế, “một cũng là tất cả, tất cả cũng là một”, mọi sự, mọi vật đều
có liên quan mật thiết với nhau, đều tuân theo định luật của vũ
trụ như vô thường, vô ngã. Điểm đặc biệt của kinh Hoa Nghiêm
là nói về cái thể “động” của vũ trụ mà đặc tính của nó là biến
hóa, thay đổi không ngừng.
Hòa thượng Thánh Nghiêm nhìn mọi người một lượt và nhấn
mạnh:
- Sự thay đổi này cũng là đặc tính của cuộc sống vô thường của
chúng ta mà không mấy ai để ý đến. Chúng ta sinh ra, lớn lên,
rồi già và chết. Trong mỗi giây, mỗi phút, cơ thể chúng ta đều
thay đổi với hàng vạn tế bào chết đi và hàng vạn tế bào được
sinh ra. Sự thay đổi được đo lường qua thời gian và chia làm
ba thời: “Quá khứ, hiện tại và vị lai”. Thật ra, sự phân chia này
chỉ là tương đối mà thôi vì trong một thời vẫn có thể nói đến các
thời kia. Ba thời có thể riêng rẽ hay xen lẫn với nhau, thay đổi
hay dung thông với nhau. Thí dụ như khi suy tư, chúng ta có
thể ý thức được nhiều việc trong quá khứ, hiện tại, hay vị lai.
Mọi sự, mọi vật trong vũ trụ đều tác động với nhau theo nhân duyên
và tạo thành những sự, những vật. Sự tác động và biến chuyển
này diễn tiến và thay đổi không ngừng trong vòng sinh hóa. Chính
nhờ có sự phân chia thời gian này mà chúng ta có thể hiểu rõ
được luật Vô thường, Vô ngã, Duyên sinh và Nhân quả. Kinh Hoa
Nghiêm giải thích cho chúng ta biết rõ vũ trụ được tạo ra do vô tận
duyên khởi, hình tướng tuy khác nhưng tất cả đều chung một bản
thể, bình đẳng và dung thông. Bản thể đây chính là tâm chân như.
Từ chân như phát sinh ra vạn hữu. Vạn hữu là giả huyễn mà
chúng ta lại cho là thật.
Nhờ biết cách quan sát thật tướng qua công phu thiền định sâu xa
mà chúng ta hiểu được và thấy rõ mọi sự, mọi vật như nó là. Khi
chúng ta thực hành nhìn sâu vào mọi sự, chúng ta vượt qua cái
tướng bên ngoài để thấy rõ cái thể bên trong. Khi chúng ta biết
hướng tâm lên cao, vượt khỏi thế giới hiện tượng sai biệt để đạt
tới cảnh giới vô sai biệt này thì chúng ta mới hiểu rõ được thật
tướng của sự vật.
Giáo sư Yeh hỏi phi hành gia Mitchell:
- Hòa thượng đã trình bày về sự thành lập vũ trụ qua lăng kính của
Phật giáo. Là một nhà khoa học về không gian, ông nghĩ sao về
quan niệm này?
Phi hành gia Mitchell trả lời:
- Có nhiều quan niệm khác nhau về sự tạo lập vũ trụ. Ngay cả
những nhà khoa học thông thái nhất cũng không đồng ý với
nhau, người nói thế này, người nói thế khác. Người đặt ra lý
thuyết này, người đưa ra quan niệm khác. Tất cả đều là những
giả thuyết, chưa ai chứng minh được một cách rõ ràng với các
dữ liệu chính xác. Tuy nhiên, nếu nói tất cả là "Không" thì đa số
mọi người sẽ hiểu lầm là không có gì, và nếu nói vũ trụ không có
thật thì không ai tin được. Càng tìm hiểu về những điều này, các
nhà khoa học, ngay như chính tôi đây, cũng bối rối. Hãy cho rằng
vũ trụ là một cái gì đó thật sự hiện hữu đã, nhưng khoa học sẽ
giải thích như thế nào? Ai tạo ra nó? Nó đến từ đâu? Nó bắt đầu
như thế nào? Khoa học thực nghiệm đòi hỏi phải có sự chứng
minh, giải thích, đưa ra những lý thuyết, rồi tìm ra những dữ liệu
để biện minh cho lý thuyết đó đúng hay sai.
Thế kỷ hai mươi là thế kỷ của nhiều phát minh, và con người đã
khám phá ra rất nhiều thứ mà trước đó người ta chỉ tưởng tượng
ra, nay đã thành sự thật. Hiện nay có rất nhiều lý thuyết mới và
quan niệm mới, nhiều hơn tất cả những lý thuyết từ trước đến
nay. Phải nói rằng nhân loại đã đi rất xa, đã đặt chân lên mặt
trăng, đã tiến vào vũ trụ, nhưng còn biết bao nhiêu thứ khác
chúng ta chưa biết đến. Việc giải thích về vũ trụ vẫn là điều mà
những nhà khoa học như chúng tôi chưa hiểu rõ.
Tuy nhiên, quan niệm về sự tương thông và dung nhiếp chứ không
phân chia này là một quan niệm rất hợp với lý thuyết vật lý lượng
tử. Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã nghiên cứu việc sử dụng
những công cụ khoa học của ngành vật lý lượng tử để tìm ra sự
tương quan giữa khoa học và tâm linh. Dĩ nhiên, chúng tôi chưa
đi đến một kết luận nào rõ ràng nhưng đã có rất nhiều bằng
chứng cho thấy vật lý lượng tử sẽ đưa nền khoa học thực nghiệm
tiến xa hơn trước.
Giáo sư Yeh thắc mắc:
- Nếu thế thì thuyết Big Bang sẽ không còn giá trị nữa sao?
Phi hành gia Michell chia sẻ:
- Không những tôi mà các nhà khoa học khác cũng nghĩ như thế.
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy giả thuyết này không hoàn
toàn như mọi người vẫn nghĩ. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học
tìm ra những dữ liệu mới, trái ngược với các dữ liệu về vụ nổ Big
Bang này. Dĩ nhiên phải cần nhiều cuộc thí nghiệm nữa trước khi
chúng ta có thể kết luận rõ ràng.
Nhưng theo tôi nghĩ, khoa học mỗi ngày một phát triển, người ta sẽ
tìm được nhiều dữ liệu mới để chứng minh rằng một số lý thuyết
trước đây không còn đúng nữa. Thí dụ như ngày trước Einstein
cho rằng tốc độ của ánh sáng là tuyệt đối, không gì có thể đi
nhanh hơn tốc độ của ánh sáng. Quan niệm của vật lý lượng tử
về tính “vô định xứ” (quantum non-locality) chứng minh rằng có
những tín hiệu có thể đi nhanh hơn vận tốc của ánh sáng. Trong
thí nghiệm về cảm giác nhận thức siêu việt (Extrasensory
Perception - ESP), khi một tư tưởng nảy ra, người khác có thể
nhận biết được ngay lập tức. Tôi đã thực hiện thí nghiệm này trên
mặt trăng và người ở trái đất nhận ngay được những tín hiệu này không những một lần mà hàng chục lần. Nếu chúng ta đo lường
thời gian và khoảng cách thì những tín hiệu này di chuyển nhanh
hơn vận tốc của ánh sáng rất nhiều. Theo quan niệm của vật lý
lượng tử về tính “vô định xứ” thì những tín hiệu của cảm giác,
hay đơn giản hơn là tư tưởng phát xuất từ bộ óc con người, có
thể di chuyển nhanh không giới hạn.
Giáo sư Yeh góp thêm lời:
- Một yếu tố của quan niệm về tính “vô định xứ” là lý thuyết về sự
tương quan giữa hai thực thể với nhau. Nếu một thực thể rung
động hay cảm nhận được điều gì thì thực thể kia cũng nhận thấy
ngay lập tức. Điều này tuy vẫn chỉ là một giả thuyết khoa học
nhưng cũng có thể dùng để giải thích về sự cảm thông giữa hai
người hay quan niệm về Nhân quả.
Phi hành gia Mitchell gật đầu:
- Đúng thế, quan niệm về Nhân quả của Phật giáo rất thích hợp với
các lý thuyết khoa học ngày nay. Vật lý đã chứng minh rằng nếu
ta ném một vật lên không trung, vật đó sẽ phải rơi xuống vì sức
hút của trái đất. Tương tự, một hành động xảy ra cũng sẽ đem lại
một kết quả. Bất cứ động lực nào phát ra cũng có một phản lực
ngược lại. Ngày nay, tất cả các nhà khoa học đều chấp nhận
quan niệm này.
Giáo sư Yeh tiếp tục đặt câu hỏi cho Hòa thượng Thánh
Nghiêm:
- Bạch Hòa thượng, phi hành gia Mitchell vừa giải thích về mối
tương quan giữa hai thực thể. Vậy điều này có thể giải thích về
nghiệp lực trong thuyết Nhân quả của Phật giáo như thế nào?
Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:
- Theo Phạn ngữ, Karma có nghĩa là hành động. Bất cứ một hành
động nào như cử chỉ ( thân ), lời nói ( khẩu ) hay ý nghĩ ( ý ) cũng
đều tạo ra một phản lực hay nghiệp . Tuy nhiên, phải nói thêm
rằng những hành động này phải dựa trên ý thức ( consciousness
). Do đó, giữa nghiệp ( karma ) và thức có mối tương quan chặt
chẽ với nhau, tương tự như giả thuyết khoa học về sự tương
quan lượng tử mà phi hành gia Mitchell vừa trình bày
Thức thuộc về phạm trù tinh thần. Phật giáo có rất nhiều cách giải
thích về thức. Theo phái Duy Thức ( Vijnanamatra ) thì thức có
thể chia thành nhiều phần chi tiết nhưng ta có thể tạm chia thức
ra làm sáu phần là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý , tương ứng với
sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và óc . Ngoài ra còn thức thứ
bảy hay căn thức ( Mạt na thức ) và thức thứ tám là tàng thức ( A
lại da thức ).
Nghiệp lực được tạo ra do thức thứ sáu ( ý thức ) vì nó tạo ra sự
phân biệt, do đó còn gọi là phân biệt thức. Chính thức thứ sáu
này phân biệt phải trái, tốt xấu, đúng sai v.v… Năm thức trước (
nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân ) không phân biệt, chỉ là nhận thức các
cảm giác, nên không tạo nghiệp.
Khi các cảm giác này diễn ra, thức thứ sáu sinh ra các ý niệm phân
biệt và hợp tác với thức thứ bảy hay căn thức ( Mạt na thức ) để
tạo thành nghiệp nhân. Khi một nghiệp nhân xảy ra, nó có thể
đem lại một hậu quả ngay trong lúc này hay có thể xảy ra ở một
lúc khác. Một nhân có thể tạo ra quả ngay trong đời này hoặc có
thể chờ đến đời sau. Tuy nhiên, đã gây nhân gì thì gặt quả đó.
Trồng đậu thì được ăn đậu, trồng dưa thì được ăn dưa. Không
thể có việc trồng đậu mà lại ra quả dưa được. Nghiệp nhân gây
ra trong kiếp này đôi khi được lưu trữ trong thức thứ tám hay
tàng thức và tác động ở kiếp sau.
Nói cách khác, từ kiếp sống này qua kiếp sống khác, cái duy nhất
được duy trì là nhân, hay chủng tử, được lưu trữ trong tàng thức.
Chính thức thứ tám này chứa đựng tất cả chủng tử của nghiệp
lực và chúng tiếp tục đi theo mỗi cá nhân như bóng với hình, từ
kiếp này qua kiếp khác.
Theo quan niệm của Phật giáo thì sự sống con người được hình
thành bằng ba thực thể: sinh lực, hơi ấm và tàng thức. Sinh lực
giúp người ta sống, hơi ấm là sự chuyển động của sinh lực tạo ra
năng lượng, và tàng thức ảnh hưởng đến đời sống của mọi
người theo luật Nhân quả. Khi sinh lực cạn dần, người ta sẽ già
và chết. Khi chết,
hơi ấm mất đi và cái cuối cùng ra đi là tàng thức. Nó sẽ dẫn dắt
người ta đi vào đời sống ở kiếp khác.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top