Muốn bảo thân Đảng phải chính danh
Theo GS. Nguyễn Khắc Mai, Cụ Hồ luôn canh cánh: muốn "bảo thân" đảng phải "chính danh". Tránh được "hình danh", "chế danh" chưa đủ, đảng còn phải phấn đấu có được "thiện danh". Hồ Chí Minh từng nói: "Chớ tưởng cứ dán hai chữ cộng sản lên trán mà làm cho người ta sợ" vì người hiểu sâu sắc, "thiện danh" của đảng chính là "đảng yêu nước, đảng của dân tộc".
Hôm 14/5/2010, Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt, Nxb Trí thức và Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh đã tổ chức Tọa đàm khoa học về Minh triết Hồ Chí Minh kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Hồ.
Từ năm câu chuyện nhỏ về Bác Hồ...
Nhà thơ Việt Phương không tổng kết lý luận gì liên quan đến chủ đề "minh triết Hồ Chí Minh", với giọng kể hào hứng cuốn hút, ông đóng góp mấy câu chuyện về Bác lúc sinh thời.
Cuối năm 1962, một nhà văn nổi tiếng người châu Á đã viết một bài về Hồ Chí Minh trong đó có câu: "Chúng ta có thể cùng nhau bàn luận và cũng không dễ thống nhất để tìm xem trên đời này, ai là người vĩ đại nhất, ai là người danh tiếng nhất, ai là người tài giỏi nhất, ai là người uyên bác nhất... Nhưng Hồ Chí Minh dứt khoát là người hoàn toàn nhất, con người giàu chất người nhất trên thế giới này". Có lẽ không điều gì ngoài chính cách sống, cách ứng xử hàng ngày của Bác đã đem đến một ấn tượng sâu sắc đến thế cho bạn bè quốc tế.
Đầu hè năm 1949, có một người trong ban lãnh đạo cao của một nước anh em, lần đầu tiên đến gặp và nói chuyện với Hồ Chí Minh trên rừng Việt Bắc. Người đó là một trí thức quý tộc, trình độ học vấn rất cao, nói và viết được 11 thứ tiếng, vô cùng hào hoa phong nhã. Ông cưỡi ngựa, mặc quần áo dã chiến nhưng sang trọng phẳng phiu, đi đôi ủng bóng loáng, còn có người bảo vệ đi cùng. Ông gặp Hồ Chí Minh trong một căn nhà tre nứa nhỏ bé xinh gọn. Bác đang vừa làm việc vừa chờ người đó, ăn mặc như một người nông dân Việt Nam, áo nâu nhuộm bằng lá.
Hàn huyên với Hồ Chí Minh khoảng nửa giờ, người đó ra về, lại lên ngựa đi. Nhưng đến chỗ ngoặt khuất tầm mắt, người đó xuống ngựa, tháo ủng cởi tất, trao cương ngựa cho người bảo vệ và nói: "Từ đây anh dắt ngựa, tôi đi bộ". Rồi người đó đi chân đất theo con đường rừng Việt Bắc, gặp suối thì lội suối, gặp dốc thì leo dốc. Về sau người đó nói chuyện với anh em Việt Nam rằng: "Được gặp Hồ Chí Minh lần đầu nói chuyện nửa giờ, học được bài học làm người yêu nước, làm người cách mạng, và thấm thía hơn, học được bài học làm người".
Ngày 20/5/1948 trên rừng Việt Bắc, bấy giờ Hồ Chí Minh 58 tuổi đã là Chủ tịch Nước. Lúc đó trên báo chí và trong dân gian đã xuất hiện cách gọi "cha già dân tộc" nhưng bản thân Hồ Chí Minh không bao giờ chấp nhận cách gọi đó. Lúc ấy Bác nhận được tin có cụ Phùng Lục ở Ứng Hòa (trước thuộc Hà Tây) đến tuổi thượng thọ nhưng bảo con cháu làm một lễ kỷ niệm giản dị, số tiền định để tổ chức linh đình, 500 đồng lúc bấy giờ khá lớn, cụ đem ủng hộ vào quỹ kháng chiến. Hồ Chí Minh viết thư gửi cụ trong đó có hai câu "Cháu, Hồ Chí Minh, và Chính phủ, kính chúc cụ tuy cao tuổi nhưng luôn mạnh khỏe đề kêu gọi con cháu ra sức tham gia kháng chiến kiến quốc" và "Cháu xin gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng, Hồ Chí Minh".
Đó là một bức công thư, ngay hôm sau được đăng trên báo Cứu quốc, phát trên đài tiếng nói. Người khi còn là Nguyễn Ái Quốc có nói "trăm điều phải có thần linh pháp quyền" đã viết một văn bản pháp quyền thắm đượm tình người như vậy.
Sau CM tháng Tám, khi đã có nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh thường gửi huy hiệu của mình cho những người có thành tích, làm những việc có ích cho dân. Cuối năm 1946, Bác cũng gửi huy hiệu tặng lễ tốt nghiệp khóa đầu Trường lục quân Trần Quốc Tuấn, đào tạo những cán bộ sĩ quan cấp đại đội, tiểu đoàn cho kháng chiến chống Pháp. Và bác đã chọn gửi chiếc huy hiệu thứ 16 của mình cho học viên Vương Quỳnh Anh, là người đứng bét trong gần 300 người tốt nghiệp năm ấy với điểm 5,3 trên 10.
Năm 1963, Bác tiếp đoàn quân sự tỉnh Bình Trị Thiên, trong đó có Thiếu tương Dương Bá Nuôi, một người chỉ huy có nhiều công tích. Anh là con quan nhà giàu nên vẫn còn mặc cảm về thành phần giai cấp của mình. Biết chuyện, Hồ Chí Minh đặc biệt nói chuyện với Dương Bá Nuôi: "Chú là con quan hả? Con quan mà tham gia kháng chiến sớm, lại là chỉ huy quân đội đánh giặc tốt thì càng tốt lắm chứ sao. Bác cũng là con quan đây này. Chú lúc nhỏ có được gọi là cậu ấm chưa?". Sau cuộc gặp ấy, Dương Bá Nuôi đã hoàn toàn rũ bỏ mặc cảm của mình.
Nhà thơ Trần Việt Phương: Người khi còn là Nguyễn Ái Quốc có nói "trăm điều phải có thần linh pháp quyền" đã viết một văn bản pháp quyền thắm đượm tình người như vậy.
Câu chuyện cuối cùng: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneve, Chính phủ về Hà Nội. Cứ mỗi năm vào ngày 30 tháng Chạp, gần đến giờ Giao thừa, Hồ Chí Minh đều đi thăm các trí thức nhân sĩ, nhưng phần lớn là đi thăm các nhà dân không có Tết. Đầu năm 1955, bác đến thăm nhà một người phu đổi thùng (người khi tối khuya đến từng nhà vệ sinh gia đình ấy thùng bẩn, đổi thùng sạch). Chị phu đổi thùng này góa chồng, có hai con nhỏ, vẫn còn đang bận đi làm khi Hồ Chí Minh đến. Hai đứa trẻ đang ngồi chờ mẹ, không có áo mới, bàn thờ chưa có mâm ngũ quả hay bánh chưng.
Bác bày quà Tết lên bàn thờ rồi ngồi chờ người mẹ về. Gần Giao thừa, chị ấy về với hai cái thùng sạch gánh trên vai. Về gần đến nhà, thấy cửa mở và có người, chị nhận ra là Hồ Chí Minh và òa khóc: "Cháu là thân phu đổi thùng cơ cực, góa bụa nuôi con, không bao giờ cháu dám nghĩ Chủ tịch nước đến thăm nhà mẹ con cháu". Bác nói với chị: "Cháu không phải phu đổi thùng, cháu là công nhân vệ sinh, làm việc rất có ích cho đồng bào, cháu có thể tự hào. Lễ Tết, bác không đi thăm những người như cháu thì đi thăm ai?"
... đến đạo lý tình nghĩa trong minh triết Hồ Chí Minh
Qua một vài mẩu chuyện rất bình dị có thể thấy toát lên ở Bác cái đạo lý từ ngàn xưa của người Việt như GS. Hoàng Ngọc Hiến nhận định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy cái đạo lý sâu xa ấy không chỉ trong những ứng xử hàng ngày với những người xung quanh mà còn trong chủ nghĩa Mác-Lênin. Bác viết: "Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được".
Như vậy là đặt sang một bên một hệ thống hoành tráng những nguyên lý, khái niệm kinh điển đã xác định nên nội dung của chủ nghĩa Mác-Lênin, Bác không ngần ngại lấy đạo lý tình nghĩa của dân tộc mình làm ruột cho một học thuyết phương Tây: "Một khi bị 'rỗng ruột' tình nghĩa, thì không cứ gì chủ nghĩa Mác-Lênin, mà mọi ý thức hệ tín ngưỡng và triết học, mọi học thuyết khoa học xã hội, nhân văn, dù hệ thống lý luận có kiên cố nguy nga đến đâu đi nữa, thì cũng chỉ là những cái 'vỏ' màu mè, hão huyền, những bong bóng có thể vỡ tan bất cứ lúc nào".
Rất rõ ràng và dứt khoát, Hồ Chí Minh đặt ra thước đo cho việc "hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin" là "sống với nhau có tình có nghĩa". Thước đo ấy vô cùng nghiêm khắc: lý luận thì vô cùng, thiên lý vạn lý, nhưng "sống không có tình có nghĩa" là bằng chứng không thể chối cãi cho sự bội bạc và đốn mạt. Đây là minh triết mà Hồ Chí Minh "sống" chứ không chỉ "đọc" hoặc "nghiên cứu".
GS. Hoàng Ngọc Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Minh triết Việt: "Khôn ngoan" phải hướng thiện, còn "hẳn hoi" phải thể hiện trong cả việc lớn lẫn việc nhỏ.
Và nếu nhà thơ Việt Phương dẫn từ "hoàn toàn" để nói về con người Hồ Chí Minh, thì GS. Hoàng Ngọc Hiến dùng từ "hẳn hoi" khi xác định "minh triết là sống khôn ngoan và hẳn hoi". "Khôn ngoan" phải hướng thiện, còn "hẳn hoi" phải thể hiện trong cả việc lớn lẫn việc nhỏ.
Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrate là một điển hỉnh về sự "hẳn hoi" trong việc nhỏ cũng như trong việc lớn. Bị vu oan là "làm hư hỏng thanh niên", Socrate bị bức tử. Sắp sửa uống thuốc độc, ông sực nhớ đã mua chịu một con gà và đã trăn trối lời cuối cùng là nhờ một người bạn mang tiền trả giúp.
Khi biết tin ông bị bức tử, bạn bè ông lập mưu giúp ông chạy trốn, nhưng nhà hiền triết từ chối vì ông không muốn chống lại pháp luật. Với tín niệm công dân là tôn trọng pháp luật bằng mọi giá, ông đã đặt tư cách công dân cao hơn cả tính mạng. Trong chuyện nhỏ như trả tiền mua chịu gà hay chuyện lớn như hy sinh mạng sống vì niềm tin, Socrate đều là người hẳn hoi.
Hồ Chí Minh cũng vậy. Việc có thể coi là nhỏ: Họa sĩ Dương Bích Liên được cấp trên điều động đến sống với Bác để vẽ chân dung người. Một vị lãnh đạo không hài lòng khi xem các bức ký họa đã quyết định trả họa sĩ về cơ quan chủ quản. Biết việc Dương Bích Liên phải đột ngột ra đi, Bác cho người đuổi theo đưa họa sĩ về ăn cùng nhau một bữa cơm rồi mới chia tay.
Việc có thể coi là lớn: Sau Hiệp định Geneve, Bác đi thăm Ấn Độ và trả lời phỏng vấn. Phóng viên nước ngoài hỏi về Ngô Đình Diệm, Bác trả lời đại ý: Tôi đến đây không phải để nói xấu ông Ngô Đình Diệm, ông ấy yêu nước theo cách của mình... Đó là sự hẳn hoi vượt lên cả sự khôn ngoan.
Còn một khía cạnh nữa trong minh triết Hồ Chí Minh mà GS. Hoàng Ngọc Hiến còn băn khoăn và muốn đào sâu nghiên cứu thêm. Ông kể một tác giả người Mỹ đã nhận định về Hồ Chí Minh rằng dù Bác không để lại một học thuyết nào trên giấy tờ, nhưng Hồ Chí Minh chắc chắn là một nhà chính trị và ngoại giao giỏi, để lại không chỉ cho nhân dân nước mình và cả các nước khác một khuôn mẫu về việc xây dựng liên minh và thỏa hiệp.
Chủ động liên minh (chứ không tự nhiên tập hợp được liên minh) và chủ động thỏa hiệp (chứ không phải thỏa hiệp bị động) có thể coi là điểm sáng của minh triết Hồ Chí Minh trong thiên la địa võng của tính đấu đá, kèn cựa, đố kị mang tính tiểu nông, đáng học và đáng nghiên cứu.
Minh triết Hồ Chí Minh là minh triết thực hành
GS. Hoàng Chi Bảo cũng nhận định đặc điểm quan trọng của Hồ Chí Minh là không chủ trương trước tác lập ngôn, nên phải chăng có thể gọi minh triết Hồ Chí Minh là một thứ "triết học vô ngôn". Chỉ biết là muốn hiểu Bác sâu sắc, phải vượt ra ngoài những tác phẩm của Bác, để đánh giá qua hoạt động thực tiễn và cách ứng xử của Bác.
GS. TS. Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương: Chỉ biết là muốn hiểu Bác sâu sắc, phải vượt ra ngoài những tác phẩm của Bác, để đánh giá qua hoạt động thực tiễn và cách ứng xử của Bác.
Phẩm chất con người Hồ Chí Minh có thể được đúc rút ngắn gọn "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" nhưng cuộc đời Bác, cũng như sức tỏa sáng của minh triết Hồ Chí Minh, cũng có thể được nhìn nhận thông qua năm thực hành lớn: thực hành lý luận, thực hành dân chủ, thực hành đoàn kết, thực hành dân vận và thực hành đạo đức.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh mệnh đề: thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành. Ở Bác, lý luận và thực tiễn thống nhất, ứng dụng lý luận và thực tiễn và tổng kết thực tiễn để biến thành lý luận.
Dân chủ có lẽ là một điểm sáng lấp lánh trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, trong cả câu chữ và ứng xử. Bác nói: "Nước ta là một nước dân chủ, chế độ ta là một chế độ dân chủ, đã dân chủ thì ai ai cũng có quyền tự do thảo luận để tìm tòi chân lý. Khi chân lý đã tìm thấy rồi, thì quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý". Đối với quần chúng, nhất là với trí thức, Hồ Chí Minh không áp đặt mà mở ra không gian cho tư duy tư tưởng và phát huy chủ kiến.
Khi chuyển đồng chí Lê Liêm từ giáo dục sang làm văn hóa, Bác căn dặn: "Chú có tính cương trực là tốt, nhưng nhiều khi nóng nảy làm người ta tự ái thì chú phải sửa, nhất là sang làm việc với anh em văn nghệ sĩ mà chú cứ nóng nảy thô bạo thì họ còn đâu cảm hứng sáng tác nữa". Khi đồng chí Lê Giảng được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân, Bác cũng dặn: "Chú làm nghề này [nghề tư pháp] mà chú không thiết diện vô tư được thì bác đành phải thiết diện vô tư với chú". Những câu nói không nặng nề khái niệm nhưng chứa đựng tất cả tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh.
Có dân chủ thực sự mới có đoàn kết thực sự, vì phải tôn trọng nhân cách mới quy tụ được sức mạnh. Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đoàn kết trong đảng "như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
Trong quan điểm của Bác, công tác dân vận "không được bỏ sót một người nào, không phí phạm một tài năng nào dù là nhỏ nhất". Dân vận không chỉ là làm công tác tư tưởng của đảng với người ngoài đảng, không chỉ là việc của các cán bộ chuyên trách mà là việc của toàn đảng, toàn dân.
Từ năm 1949, Bác đã chỉ trích một khuyết điểm mà đến nay vẫn còn rất phổ biến: "Lẽ ra phải cử người giỏi, người tốt, được dân tín nhiệm phụ trách dân vận, thì thói thường cứ ai kém chuyên môn, làm hỏng việc thì đùn đẩy sang phụ trách đoàn thể". Theo bác, cơ chế của công tác vận động quần chúng là "không được ngồi lỳ bàn giấy, không được chỉ tay năm ngón mà phải óc nghĩ, mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, chân đi tay làm".
Nhưng xuyên suốt và thấm nhuần trong các thực hành đó chính là thực hành đạo đức cách mạng. Bác lấy đức làm gốc, tài trí là quan trọng.
Năm thực hành đó cho thấy Hồ Chí Minh không chỉ có tư tưởng minh triết và đã thực sự thực hành minh triết, thực sự "sống" và theo đuổi minh triết.
Hồ Chí Minh là một nhà minh triết đích thực
Theo GS. Nguyễn Khắc Mai, thế giới quan niệm về minh triết là sự biểu hiện của trí tuệ và đức hạnh của con người, là đặc trưng của những ai biết sống hài hòa với chính mình và với đồng loại, hài hòa giữa thân xác và tâm hồn, biết nuôi dưỡng những phẩm chất tinh thần, biết gằn liền lời nói với việc làm. Hồ Chí Minh thực sự "lọt được khuôn", "đạt được chuẩn", đặc biệt ở sự hài hòa, vừa có trí, vừa có đức.
Nhìn ra thế giới rồi lại nhìn về tổ tiên để tìm thước đo, minh triết Hồ Chí Minh cũng "không vênh" mà "khớp" với cái chuẩn của bậc tiền nhân văn hiến Ngô Thì Nhậm: "Minh triết bảo thân, vô cứ vu lê, vô khốn vu thạch" - minh triết để giữ gìn thân mệnh, không vấp phải đá, không quàng phải gai.
GS. Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Minh triết Việt: Hồ Chí Minh đã giữ được thân mệnh của mình vượt qua mọi khó khăn trở ngại một cách tuyệt vời.
Hồ Chí Minh đã giữ được thân mệnh của mình vượt qua mọi khó khăn trở ngại một cách tuyệt vời, giữ được cái tinh anh của một người yêu nước, một nhà văn hóa, một lãnh tụ chính trị và tinh thần, một nhà dân chủ, một người khai sáng giai đoạn mới của lịch sử dân tộc...
Vấn đề "bảo thân" ấy càng có ý nghĩa hơn khi suy nghĩ đến điều mà chính Bác canh cánh suốt đời: xây dựng đảng. Thời đại mới đang có quá nhiều "đá", nhiều "gai", nhiều thách thức hiểm nguy, liệu đảng có "giữ gìn thân mệnh" được hay không?
Muốn "bảo thân" đảng phải "chính danh". Tránh được "hình danh", "chế danh" chưa đủ, đảng còn phải phấn đấu có được "thiện danh". Hồ Chí Minh từng nói: "Chớ tưởng cứ dán hai chữ cộng sản lên trán mà làm cho người ta sợ" - một lời nhắc nhở đơn giản mà sâu sắc. "Thiện danh" của đảng chính là "đảng yêu nước, đảng của dân tộc".
Hồ Chí Minh đã làm được, đã giữ gìn thân mệnh khỏi vấp đá quàng gai, Bác chính là tấm gương lớn cho đảng trong thách thức "bảo thân", "thiện danh" hôm nay. Nhưng vấn đề đặt ra có lẽ còn trăn trở như chính câu hỏi mà GS. Nguyễn Khắc Mai cũng chưa tìm được giải đáp: "Hồ Chí Minh nói hay thế, nhưng sao vào cuộc sống khó thế?"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top