Mười bốn ngày
Đó là một buổi sáng mùa hè. Ngoài trời oi và nóng như Hỏa Diệm Sơn vậy.
"Tháng Năm thật là nóng quá đi."
Tôi bị đánh thức bởi ánh nắng chói chang đầu hạ và cái nóng hầm hập từ chiếc chăn bông nặng trịch.
"Chậc chậc, đi kéo cái rèm lại cái, nắng quá."-Tôi mắt nhắm mắt mở, cố gượng dậy để đi kéo rèm vào.
Tuy nhiên, cảnh tượng bên dưới đã làm tôi sững sờ.
Công an đang lập barie để ngăn cách khu phố tôi ở với bên ngoài. Cùng lúc đó, điện thoại tôi nhận được thông báo phong tỏa từ Bộ Y Tế.
"Trời đất quỷ thần ơi! Cái quái gì thế này?"-Nói rồi tôi chạy xuống phòng khách tìm bố.
"Bố ơi! Bố ơi! Khu nhà mình bị phong tỏa rồi!"
Nhưng chẳng có người bố nào ở đây cả, vì bố tôi đã đi công tác từ tuần trước rồi.
"Khỉ thật! Mình quên mất là mình đang ở cái nhà này một mình."
Tôi vội dùng chìa khóa để mở cửa nhà, sau đó lao ra ngoài xem như mọi người trong khu phố như thế nào.
"Chắc mọi người sẽ phản ứng như mọi chỗ khác thôi. Mình nghĩ là mình có thể nhờ vả gì đó từ họ..."
Nhưng tôi lại càng cảm thấy sợ hãi và sững sờ hơn trước hiện thực...
Chẳng còn một ai trong khu phố cả, ngoại trừ tôi!
Tôi tiến lại gần và hỏi một anh công an đang ngồi nghỉ ở ghế đá gần đó:
"Anh công an ơi!"
"Hở? Gì thế em?"-Anh công an ngẩng mặt lên.
"Tại sao khu nhà em lại bị phong tỏa thế ạ? Mà những người sống xung quanh đây đi đâu hết rồi?"
Anh công an nói:
"Em chưa đọc tin từ Ủy ban phòng chống dịch à? Khu vực này có F0 đó, lây hết cho mọi người xung quanh rồi. Ủa mà em trai vẫn chưa được xét nghiệm à?"
"Vâng ạ. Mấy tuần nay em ở trong nhà suốt, có đi ra ngoài đâu ạ?"
"Chết thật. Em đi ra đây, anh bảo nhân viên y tế xét nghiệm cho. Thật là, tại sao em lại không xuống xét nghiệm cơ chứ?"
Ngay lập tức, anh công an kia kéo tôi ra chiếc xe cứu thương ngay sau barie. Anh công an nói chuyện với các nhân viên y tế một lúc rồi trở về ghế đá gần đó. Sau đó hai nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ kín mít xét nghiệm cho tôi. Nửa tiếng sau đã có kết quả.
Thật may mắn là tôi âm tính.
Các nhân viên y tế bảo tôi hãy ở yên trong nhà, tuyệt đối không được ra ngoài cho đến khi khu vực này được dỡ lệnh phong tỏa. Tôi trở về nhà với sự yên tâm về mặt lương thực, thực phẩm và điện nước. Nhưng tôi chuẩn bị phải đối mặt với sự cô đơn, bởi gần như tất cả mọi người, trừ tôi, đã được đưa đi cách ly tập trung rồi. Giờ chỉ còn mình tôi nơi này thôi.
Mọi thứ thật là buồn bã. Bên ngoài, cây cối đang quằn quại trước sức nóng từ mặt trời, những giọt nước trên mặt đất bốc hơi nhanh hơn lật bánh tráng. Càng gần trưa, mặt trời càng lên cao hơn, sức nóng ngày càng nặng nề hơn.
[Căn nhà hai tầng này tạm thời là của tôi]
Thật may mắn khi tôi đã yên vị trong phòng riêng,có máy tính, TV, có điều hòa mát lạnh phục vụ. Nhưng thật buồn khi tôi sẽ phải đối mặt với cô đơn. Những nhân viên y tế và công an ngoài kia còn có công việc của họ; vả lại, họ sẽ không tiếp xúc với tôi đâu.
Tôi không quan trọng lắm việc nhà còn bao nhiêu lương thực, mà chỉ quan trọng vào việc làm dịu tâm hồn trong cái hoàn cảnh này thôi. Tôi thừa biết sự cô đơn sẽ gặm nhấm tâm hồn và phá hủy từ bên trong nhanh hơn cả cái đói. Vì thế tôi sẽ luôn phải tìm cách để làm bản thân cảm thấy vui vẻ và có giao tiếp xã hội, cho dù tôi đang phải sống cô đơn giữa lòng thành phố.
Ngày thứ nhất.
Tôi bắt đầu chuỗi ngày cách ly trong cô đơn bằng việc ngủ đến tối. Khi tôi dậy, đồng hồ đã điểm mười giờ tối. Tôi không thể tin là mình đã ngủ nhiều đến mức đấy. Thức dậy sau một giấc ngủ dài, ngay lập tức tôi xuống dưới bếp để lục lọi vài gói Doritos và nước tăng lực, mang chúng lên phòng và phè phỡn với vài bộ phim đến sáng.
Ngày thứ hai.
Lúc đó là năm giờ sáng.
Sau một đêm phè phỡn chán chê, tôi bắt đầu nghiêm túc lên Facebook để thông báo về sự kiện này. Tôi nhập những dòng chữ mang tâm trạng chán nản lên dòng trạng thái.
"Tôi là một học sinh mười sáu tuổi.
Khu phố nơi tôi sống đang chỉ có mình tôi ở, tất cả những người còn lại đã bị được đưa đến khu cách ly. Nói thật, tôi chẳng biết phải làm gì ngoài việc suốt ngày ngủ và xem phim để tiết kiệm lương thực và giết thời gian.
Đây mới là ngày thứ hai kể từ khi phải bắt đầu cách ly, vì thế câu chuyện này sẽ rất dài đây. Tôi sẽ thông báo tình hình khi rảnh."
Đăng dòng trạng thái lên Facebook xong, tôi xuống bếp lục lọi những gì có thể ăn được rồi lại lên phòng xem phim, trốn tránh cái nóng như lò Bát Quái. Đến tối, tôi lại xuống dưới bếp tìm đồ hộp để ăn. Trước khi ăn, tôi đã tự trấn an bản thân mình rằng:
"Không sao đâu, rồi mọi chuyện sẽ ổn dần và sớm kết thúc thôi. Khu phố này sẽ quay về với nhịp sống thường ngày của nó, mọi người sẽ quay trở lại sinh sống thôi. Đừng nên quá bi quan, Đạt à."
Ăn xong, tôi vất đống can đồ hộp rỗng vào thùng rác rồi lên nhà ngủ. Lúc đó là chín giờ tối.
Ngày thứ ba.
Tôi bị đánh thức vào lúc sáu giờ sáng vì mất điện. Argh, chán thật sự, mới ngày thứ ba mà đã mất điện rồi. Tôi lóc cóc đi xuống dưới bếp, tìm được một đôi găng cao su cũ và một đôi bốt nhựa mới cóng. Đeo găng và đôi bốt xong, tôi hùng dũng xông vào phòng điện tổng bên cạnh bếp để kiểm tra và bật tắt lại các công tắc.
Vấn đề đã được giải quyết xong xuôi và nhanh gọn. Không có ngón tay nào bị điện giật cả.
Tôi lên phòng bật lại điều hòa và máy tính. Nó đã hoạt động trở lại.
"Sống rồi!"
Tôi reo lên như đứa trẻ vừa tìm được niềm vui cho riêng mình. Trước kia, nhà tôi cũng đã bị mất điện vì sập cầu dao nhiều lắm rồi. Nhưng những lần đó đều là do bố tôi chữa lại cả. Có lẽ vì thế mà đến bây giờ, khi đang phải sống trong cảnh cô đơn, tôi lại thấy nó như một việc làm lớn lao vậy...
Ngày thứ tư.
Tôi tỉnh dậy vào lúc tám giờ, sau đó vệ sinh cá nhân và ăn sáng một mình. Đây là lần đầu tiên sau hơn mười năm tôi nhịn ăn sáng. Sau khi ăn xong, tôi bỗng thấy mình khỏe mạnh hơn, không còn cảm giác thiếu sức sống như trước nữa. Từ nay tôi quyết ăn sáng cho đủ bữa, không nhịn như trước nữa. Đương lúc chuẩn bị bật phim lên xem thì một tiếng chuông đã buộc tôi phải xuống.
Tôi mở cửa ra và thấy ba nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân.
"Chào anh, chúng tôi hôm nay đến để kiểm tra sức khỏe định kì trong khi đang cách ly của anh."
"Dạ vâng ạ."
Họ bắn nhiệt độ nhanh,sau đó hỏi tôi một vài câu hỏi về tình trạng sức khỏe, nhanh chóng viết lại vào một cuốn sổ rồi chào tôi và đi khỏi. Tôi đoán là thể nào họ cũng sẽ quay trở lại vào ngày mai. Sau đó tôi lại lên phòng bật điều hòa và xem phim tiếp.
Tối hôm đó, bố tôi gọi hỏi thăm sức khỏe thằng con của mình.
"Alô?"
"Con có khỏe không? Bố đọc báo rồi, khu nhà mình bị cách ly và chỉ có mình con ở đó phải không?"
"Dạ vâng, con đang phải sống một mình. Hôm nay có nhân viên y tế đến kiểm tra sức khỏe của con nên con nghĩ chắc con sẽ ổn thôi."
"Ừm, thế là tốt rồi. Vậy ở nhà có thiếu gì không? Bố chuyển tiền để con mua đồ từ bên ngoài nhé?"-Bố tôi hỏi với giọng lo lắng.
"Dạ vâng, cơ mà bao giờ bố tính về?"-Tôi hỏi ngược lại bố.
"Bố cũng chẳng biết nữa, có lẽ là tháng sau?"-Bố tôi trả lời một cách không rõ ràng.
"Vâng, con hiểu rồi ạ. Vậy bố cứ an tâm công tác đi nhé, thằng con của bố cứng cỏi lắm, không chết được đâu mà sợ."
"Ừm, được rồi. Thế nhé, chào con trai. Bố sẽ chuyển tiền cho con sau. Cố cách ly tốt nhé, đừng để bị nhiễm bệnh là được rồi."
"Vâng ạ. Con chào bố."-Nói xong tôi cúp máy cái rụp.
Lương thực, thực phẩm dự trữ vẫn còn nhiều. Ngoài ra, tôi cũng không cần tiền lắm, vì đang cách ly mà, mua bán kiểu gì? Cái tôi quan tâm bây giờ nhất là làm thế nào để không chết vì cô đơn thôi.
Một lúc sau, tôi nhận được thông báo chuyển tiền vào tài khoản. Tôi mở lên kiểm tra rồi cười khẩy.
[Hmph...]
Ngày thứ năm.
Tối qua tôi đã bị mất ngủ. Kết quả là tôi dậy vào giữa ba giờ sáng.
Nhà tôi ngoài hai tầng chính ra thì còn một nhà kho ở trên tầng ba, yêu cầu phải bắc thang mới lên được. Vì chẳng biết làm gì nên tôi lấy thang bắc lên chơi. Sau một hồi loay hoay để chỉnh cái thang đứng vững, tôi leo lên tầng ba.
Cái nhà kho này chứa đủ thứ linh tinh, từ dụng cụ lao động cho tới pháo hoa, hay thậm chí cả những thứ độc-dị-nguy hiểm như một thùng phuy đựng đầy chất lỏng, bên ngoài đề "Nitrous VP Racing Fuel". Tôi nhìn ngắm chúng một lúc rồi bỏ qua, tiến về phía cánh cửa gỗ bụi bặm và quyết định mở toang nó.
[Một làn gió thổi vào làm bay lớp bụi mỏng trên sàn...]
Tôi tiến ra ngoài, đứng hóng gió đầu hạ. Gió thiên nhiên có cái dịu, cái mát của riêng nó, không giống như gió điều hòa, mát đến như thế nào là do chất làm lạnh và một đống điện năng, nhiệt năng. Hơn nữa, tôi thấy không khí đêm nay thật dễ thở, không ngột ngạt giống buổi sáng và buổi chiều.
"Sướng thật đấy!"-Tôi dang hai tay ra hứng lấy những làn gió mát mà thiên nhiên ban tặng.
Tôi nghĩ chắc là từ nay về sau, cứ mỗi tối tôi sẽ ra ngoài hóng mát thay vì ngồi "ngâm dấm" trong cái lạnh của điều hòa.
Tôi cứ ngồi như vậy đến khi trời sáng...
Đến sáng, do quá mệt nên tôi đã quyết định ngủ một giấc đến tận sáng hôm sau. Ngày thứ năm của tôi có vẻ kết thúc hơi sớm. Mà tôi cũng chẳng hiểu, tôi từng thức khuya nhiều lắm, vậy mà sao bây giờ tôi lại ngủ như lợn vậy?
Ngày thứ sáu.
Buổi sáng, tôi đi xuống bếp như thường lệ để tìm đồ ăn sáng. Nhưng những gì xuất hiện trước mắt sau cửa tủ lạnh đã làm tôi phải hét lên:
"Chết tiệt! Hết sạch đồ ăn rồi!"
Đúng vậy, đó là cái giá phải trả cho việc lãng phí đồ ăn. Nếu bình thường nhà hết đồ ăn thì tôi sẽ đi mua thêm, nhưng giờ đây tôi đang bị cách ly, nên chắc chắc việc tự đi mua đồ là bất khả thi. Tôi vò đầu bứt tai tìm cách.
Sau một lúc đấu tranh tư tưởng, tôi đã đưa ra quyết định: Chuyển tiền cho lũ bạn rồi nhờ chúng mua hộ. Dẫu biết cách này có thể bị nuốt tiền như chơi, nhưng tôi vẫn phải "phê duyệt" và "triển khai" nó.
Tôi bắt đầu tìm nhóm lớp ở Messenger, sau đó trình bày đầy đủ hoàn cảnh rồi cuối cùng mới tới mục đích.
Ba tiếng cho việc trình bày của tôi và bàn luận của lũ bạn...
Nằm ngoài dự kiến của tôi, thay vì nhao lên để đi mua đồ rồi ăn bớt tiền, gần như cả lớp chẳng ai muốn giúp tôi cả. Tôi bắt đầu cảm thấy cuộc sống đang bị bế tắc. Nhưng một tia hy vọng cuối đã lóe lên...
Người đồng ý đi mua đồ giúp tôi chính là Trinh, một đứa con gái không có gì nổi bật ở lớp ngoài việc thích đánh tôi. Thoạt đầu, tôi cũng ghét Trinh lắm. Nhưng khi biết mình chỉ còn một lựa chọn duy nhất, tôi buộc phải vứt cái ghét sang một bên và để Trinh thành "nữ thần cứu thế" của mình.
Tôi chat riêng với Trinh và biết được nguyên nhân.
"Nè"
"Sao thế Đạt?"
"Tại sao cậu lại đồng ý đi mua đồ giúp tớ?"
"Không có gì cả, tớ chỉ nghĩ là bạn bè cần phải giúp đỡ nhau khi khó khăn thôi. Hơn nữa, tớ..."
Khi thấy dòng chữ "Hơn nữa, tớ...", tim tôi bỗng đập thình thịch. Cái gì vậy? Không không, tôi cần phải bình tĩnh lại, bây giờ cái quan trọng nhất là nguồn lương thực, ba cái tự thủ dâm tinh thần ấy chẳng làm bụng tôi no hơn đâu.
Cuối cùng, sau một hồi hỏi han, tôi đã đưa cho Trinh một bản danh sách những thứ cần mua cũng như chuyển một ít tiền vào tài khoản ngân hàng của cậu ấy. Sau khi đã nhận được tiền và bản danh sách, Trinh hứa sẽ đem đủ cho tôi vào sáng mai.
Ah, cuối cùng vấn đề lương thực đã được giải quyết xong bằng phương pháp ngoại giao. Tôi lại mở máy tính lên chơi game.
Ngày thứ bảy.
Chín rưỡi sáng, sau khi khai báo với các nhân viên y tế xong, tôi túc tắc ra lấy hai túi đồ đã được để sẵn trên một cái bàn gỗ và đem chúng về nhà. Mở một túi đồ ra, tôi thấy một tờ giấy nhỏ thấm đẫm mực bút lông dầu:
"UwU"
Tôi nhìn tờ giấy hồi lâu rồi cố định thần lại.
"Bình tĩnh nào Đạt, mày không được suy nghĩ như vậy. Trinh chỉ là bạn thôi. Đúng vậy, Trinh chỉ là bạn thôi..."
Ngày thứ tám, thứ chín, rồi thứ mười.
Tôi vẫn sống theo lịch trình của một người đang bị cách ly, sáng khai báo tại gia và nhận đồ từ bên ngoài, chiều tối thì ngồi trong nhà để tránh cái nóng đầu hạ. Đến đêm, khi trời đã dịu xuống, tôi lại leo lên cái thang đã được bắc sẵn từ ngày thứ năm để lên tầng thượng hóng gió.
Kể từ sau ngày thứ bảy, Trinh bắt đầu nhắn tin với tôi nhiều hơn. Chủ yếu cậu ấy hỏi về tiền nong, danh sách những thứ cần mua. Có lẽ những đoạn chat đã làm tôi không cảm thấy hoài nghi nếu nó không có các từ như: "UwU","OwO" hay những dòng chat như muốn thổ lộ gì đó nhưng bị cắt ngang.
Tim tôi cứ thế quen dần với những nhịp thình thịch lên đến 90 bpm.
Ngày thứ mười hai.
Tôi dậy sớm, đi vệ sinh cá nhân rồi lên trên tầng thượng tập thể dục. Chỉ còn hai ngày nữa là được gỡ cách ly rồi, phải vui vẻ lên.
Tôi xuống dưới bếp tìm vài chai Coca rồi đưa trực tiếp cho từng anh công an và nhân viên y tế như một cách để cảm ơn họ. Sau khi đưa xong, tôi ở lại trò chuyện với họ một lúc.
"Nè, anh công nhận là chú em giỏi thật đấy. Nguyên cái xóm này chỉ còn một mình chú em, vậy mà chú em cũng sống được."
"Dạ, cũng không có gì đâu anh. Chủ yếu là mình làm thế nào đừng để bị cô đơn là được."-Tôi gãi đầu ngượng nghịu.
Chính lúc ấy, anh công an đã cho tôi biết một điều quan trọng.
"À, đúng rồi, cái con bé mà hay gửi đồ cho chú em ấy, hôm trước nó có nhờ anh chuyển lời này tới chú."
"Lạ nhỉ? Trinh muốn nói lời gì với em vậy?"
"Hình như nó nói là nó thích chú em hay sao ấy."
Tim tôi như bị bóp nghẹt.
"Thật thế ạ?"
"Ừa, chắc vậy. Mà cảm ơn chú em vì chai Coca nhé."
"Dạ vâng ạ. Thôi em đi về nhà đây."-Nói rồi tôi quay thẳng về nhà, đi lên phòng và chơi game một chút.
Trinh thích tôi sao? Nhưng tôi vẫn chưa thể tin được lúc này.
Ngày thứ mười ba.
Tôi đã dành ra cả ngày để suy luận một cách có logic về lời tỏ tình của Trinh. Không ăn, không ngủ.
Ngày thứ mười bốn.
Tôi dậy sớm với tâm trạng phấn khích. Nửa đêm nay là khu vực tôi ở sẽ được gỡ lệnh phong tỏa rồi. Vì thế, để ăn mừng chiến thắng cô đơn, tôi đã quyết định lên nhà kho để tìm pháo sáng ăn mừng.
Tìm được đống pháo sáng thì cũng đã gần tối. Tôi đi xuống dưới bếp để nấu cho mình một bữa ra trò. Đây cũng là lần đầu tiên tự nấu một bữa tối đúng nghĩa, bởi trước đó toàn là bố tôi nấu cả.
Bây giờ là không giờ sáng.
Giờ gỡ cách ly đã điểm. Tôi mang pháo sáng ra trước barie rồi châm.
"Xì...."-Cả hai quả pháo đều phụt lên những tia lửa. Đó là những tia lửa của hi vọng, của niềm hạnh phúc khi được gỡ cách ly.
Tôi đã lọt vào tầm ngắm của các máy quay truyền hình. Phát hiện ra điều này, tôi liền múa quạt để tạo thêm không khí cho buổi đêm này. Các phóng viên nhìn tôi múa vừa cười vừa khâm phục. Họ buồn cười vì tôi múa quạt, khâm phục vì tôi đã sống được mười bốn ngày trong sự cô đơn.
Tôi thấy mình trở nên trưởng thành hơn sau vụ này.
"Woohoo!"
Đương lúc tôi đang hét lên trong sung sướng thì Trinh đến. Tôi nhận ra cậu ấy đang lại gần tôi. Trinh không nói gì cả, chỉ im lặng rồi ôm tôi. Người tôi bỗng mềm như cọng bún vậy.
"Tớ thích cậu."-Trinh thì thầm vào tai tôi.
Người ta thường hay nói: "Tình yêu đến rất bất ngờ, không quan trọng lúc nào, khi nào.". Tôi cũng thấy vậy. Ai mà ngờ được khi vừa thoát khỏi sự cô đơn lại có một cô gái đến và nói thích mình?
Nước mắt tôi chảy ra trong sự sung sướng vì tự do và sự mãn nguyện vì đã tìm thấy tình yêu đời mình. Sắc đỏ của pháo làm sáng rực cả bầu trời.
"Tớ..."
Tôi phải nói gì bây giờ? Hạnh phúc quá...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top