Mùi vị lạ trong miệng và cách chữa bằng Đông dược

Mùi vị lạ trong miệng và cách chữa bằng Đông dược

Ông T., 50 tuổi, hay bị đầy bụng sau bữa ăn, đại tiện lúc táo lúc lỏng, trong miệng luôn có vị ngòn ngọt (dù ông không hề ăn đồ ngọt), súc miệng, đánh răng mãi cũng không hết. Sau khi đi khám nhiều nơi không tìm ra nguyên nhân, ông đến một lương y và được biết mình mắc chứng "tỳ vị khí hư", "hư nhiệt nội sinh".

Sau vài ngày uống thuốc của vị lương y, cảm giác ngọt trong miệng ông T. dần dần biến mất. Triệu chứng đầy bụng sau khi ăn cũng giảm hẳn...

Trên lâm sàng, trường hợp như ông T. thực ra không hiếm. "Vị lạ trong miệng" thực chất là loại triệu chứng sớm, báo trước bệnh tật. Theo lý luận của Đông y, lưỡi thông với tạng Tâm. Khi cơ thể khỏe mạnh, tâm khí điều hòa thì trong miệng không có vị lạ, lưỡi có thể phân biệt chính xác các mùi vị. Nhưng khi âm dương mất cân bằng, hoạt động của một số tạng phủ bị rối loạn, tạng tâm có thể bị ảnh hưởng khiến cho tâm khí bị rối loạn, trong miệng xuất hiện mùi vị dị thường.

Miệng ngọt: Tạng Tỳ bị nóng thì miệng có vị ngọt; nghĩa là khi chức năng tiêu hóa của tỳ vị bị "nhiệt tà" gây rối loạn thì miệng thấy ngọt. Điều này tương tự cách lý giải của y học hiện đại: Chức năng tiêu hóa rối loạn có thể dẫn tới sự phân tiết dị thường một số men tiêu hóa; đặc biệt là khi lượng men amylase trong nước bọt tăng lên, miệng sẽ cảm thấy có vị ngọt.

Miệng ngọt do tỳ vị thực nhiệt: Thường do ăn quá nhiều thứ cay nóng, hoặc do nhiệt độc ở bên ngoài xâm phạm, lâu ngày tích tụ lại mà gây bệnh. Ngoài cảm giác ngọt miệng, bệnh nhân thường thấy khô khát, thích uống nước mát, ăn nhiều, mau đói; hoặc lưỡi lở loét, đại tiện táo bón, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô. Để khắc phục, cần thanh tỳ tả hỏa bằng cách dùng một trong 2 bài thuốc sau:

- Tả hoàng tán: Hoắc hương 15 g, chi tử 10 g, thạch cao 10 g, cam thảo 8 g, phòng phong 2 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

- Thanh vị tán: Hoàng liên 10 g, đương quy 10 g, thăng ma 10 g, sinh địa 12 g, đan bì 12 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Ngọt miệng do tỳ vị khí hư: Thường gặp ở người cao tuổi hoặc người mắc bệnh lâu ngày, tỳ vị bị tổn thương, dẫn đến tình trạng cả thực thể và chức năng bị thương tổn (khí âm lưỡng thương), khiến nhiệt tích ở bên trong (hư nhiệt nội sinh) thiêu đốt tân dịch ở tạng tỳ mà gây nên bệnh. Biểu hiện thường gặp: Miệng có cảm giác ngọt mà háo, người mệt mỏi, thở yếu, chán ăn, bụng đầy trướng, đại tiện lúc táo lúc nhão.

Để khắc phục, cần ích khí kiện tỳ và hòa vị dưỡng âm bằng cách dùng 2 bài thuốc sau: Sa sâm 15 g, mạch môn đông 10 g, ngọc trúc 10 g, phục linh 10 g, sinh địa 12 g, hoắc hương 12 g, sa nhân 8 g, trích cam thảo 8 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Miệng đắng: Theo y học hiện đại, vị đắng trong miệng thường liên quan đến những rối loạn trong quá trình chuyển hóa dịch mật. Còn theo Đông y, khi "nhiệt" tích tụ ở gan mật, gây rối loạn chức năng tiêu hóa thủy cốc thì trong miệng xuất hiện vị đắng. Bệnh nhân thường bị đau đầu, choáng váng, chất lưỡi vàng mỏng.

Để khắc phục, cần dùng phép "thanh can tả hỏa" bằng bài thuốc "Long đảm tả can thang": Long đảm thảo (sao rượu) 10 g, hoàng cầm (sao rượu) 12 g, chi tử 10 g, mộc thông 10 g, trạch tả 15 g, xa tiền tử 15 g, sinh địa (sao rượu) 15 g, đương quy (sao rượu) 10 g, sài hồ 10 g, cam thảo 5 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Miệng chua: Y học hiện đại cho rằng, cảm giác chua miệng thường hay gặp ở những người viêm dạ dày và viêm loét đường tiêu hóa, liên quan đến sự gia tăng tiết dịch ở dạ dày. Còn theo Đông y, chua miệng có liên quan mật thiết với chứng can tỳ bất hòa" (tạng can bị rối loạn, ảnh hưởng xấu đến chức năng tiêu hóa của tỳ vị). Ngoài cảm giác chua miệng, bệnh nhân thường thấy ngực sườn đau tức, đau đầu hoa mắt, bồn chồn, dễ cáu giận, sau khi ăn bụng đầy trướng, đại tiện táo bón, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng mỏng.

Để khắc phục, cần tả can hòa vị bằng bài thuốc sau: Hoàng liên 10 g, ngô thù du 10 g, phục linh 10 g, bạch truật 10 g, nhân sâm 6 g, cam thảo 3 g, trần bì 15 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Miệng mặn: Theo Đông y, mặn là vị của thận. Nếu làm lụng mệt nhọc quá mức, tuổi cao sức yếu hoặc mắc bệnh lâu, thận sẽ bị suy tổn, chất dịch từ đây vọt lên trên khiến miệng có vị mặn (thường kèm theo lưng gối mỏi đau, đầu choáng tai ù, ngực, lòng bàn chân bàn tay nóng, mồ hôi trộm, di tinh, rêu lưỡi ít).

Để khắc phục, cần tư âm giáng hỏa, bổ ích thận âm bằng bài thuốc sau: Tri mẫu 10 g, hoàng bá 10 g, sơn dược 10 g, đan bì 10 g, phục linh 10 g, thục địa 15 g, ngô thù du 12 g, trạch tả 12 g, phụ tử 12 g, nhục quế 8 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Miệng hôi: Thường liên quan đến 3 tình huống.

- Vị hỏa hun đốt: Miệng nóng hôi, chất lưỡi đỏ hay lở loét, hoặc chân răng sưng thũng, kèm theo khát nước, thích uống lạnh, đại tiện táo, nước tiểu vàng. Để khắc phục, cần thanh tả vị hỏa bằng bài thuốc: Đại hoàng 10 g, hoàng cầm 10 g, hoàng liên 5 g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

- Thức ăn tích trệ: Miệng hôi có mùi như lên men chua, mùi thức ăn thối rữa, hoặc kèm theo mùi thức ăn sống, chán ăn, rêu lưỡi dày nhớt. Để khắc phục, cần tiêu thực hóa tích bằng bài thuốc: Sơn tra 10 g, thần khúc 12 g, lai phục tử 10 g, trần bì 10 g, bán hạ 10 g, phục linh 10 g, liên kiều 10 g. Sắc uống.

- Không chú ý vệ sinh răng miệng: Bị sâu răng hoặc viêm loét khoang miệng. Có thể sử dụng bài thuốc: Hoàng cầm 10 g, hoắc hương 10 g, thạch cao 10 g, sinh địa 10 g, cam thảo 4 g. Sắc lấy nước ngậm nhiều lần trong ngày.

Lương y Huyên Thảo, Sức Khoẻ & Đời Sống

--------------------------------------------------------------------------------

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top