Phần 4. Quê nội


Quê nội tôi ở Tuy Hòa, một cánh đồng lúa mênh mông duyên hải miền Trung.

Ba tôi ở Sài gòn khá lâu nên không còn giữ nguyên giọng Tuy hòa, cái giọng vẫn hay bị gọi một cách thành kiến là "tiếng nẫu".

Tôi sống bên ngoại nên cũng toàn nghe giọng nam. Nhưng lạ ghê, mỗi lần về quê thăm bà nội, tôi vẫn nghe và hiểu rõ những gì bà nội nói, dù bà nội kêu cây chổi là "cái chẩu", kêu người ta bằng nẩu, tôi vẫn nghe hiểu rõ ràng khi nội nói "Bây lấy cái chẩu quét sân để tấu nẩu qua nẩu chơi." Và luôn chạy ra đón khi nghe tiếng gọi thân quen của bác "Quớ bây đâu?".

Bà nội tôi hồi ấy ở nhà có một mình, con cái ở xa hết, gần nhất là bác hai và bác sáu.

Bác hai tôi ngày xưa là cán bộ, bác nghỉ hưu nhưng lúc nào cũng bận rộn nghiên cứu, viết sách, nói chuyện đông tây kim cổ, mọi việc nhà bác gái lo hết. Một tay bác nhưng nhà cửa luôn tươm tất sạch đẹp, và đặc biệt là rất nhiều hoa, vì bác trai rất yêu hoa. Ngày nhỏ mỗi lần về bọn tôi luôn vặt sạch hoa trên hàng râm bụt nhà bác, những bông râm bụt đỏ thắm rất mau tàn nhưng thu hút chúng tôi một cách đặc biệt mỗi khi sang nhà bác.

Bác hai gái là một người rất đặc biệt, mỗi lần về, vào thăm là bác rất vui, nụ cười tỏa từ khóe môi đến ánh mắt. Bác hỏi han tíu tít, nói cười tíu tít với một nguồn năng lượng gần như vô tận, trong khi đôi tay bác không hề ngưng nghỉ. Giọng bác khó nghe hơn giọng bà nội, hơi chua, giọng rất đặc biệt của xã bên cạnh. Ở vùng tôi nghe giọng là phân biệt được là người thôn xã nào. Đương nhiên tôi cũng hiểu hết những gì bác hai gái nói. Bác hai rất hay chuyện và quý cháu, mỗi lần sang thăm bác là ở đó cả buổi vẫn chưa hết chuyện. Tình cảm của bác nồng nàn, tràn trề, như dòng thác ngôn từ từ người bác luôn tuôn ra không dứt, nếu tôi ngồi từ sáng tới tối bác cũng sẽ kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện từ sáng tới tối. Bác là bác dâu nhưng đối với con cháu bác không khác gì bác ruột, bác yêu quý mọi người lắm, và mọi người cũng rất quý bác.

Chắc bác quý tôi lắm, vì ở nhà bác còn treo cái hình của tôi hồi 3 tuổi, với đôi mắt tròn xoe như cái đèn pha ô tô. Lần nào tới thăm bác cũng thấy tấm ảnh đó trên tường, tới lúc tôi đã lớn gần gấp 9-10 lần số tuổi đó thì cái hình ấy vẫn còn.

Buổi tối ở nhà bà nội ngày xưa thật vui khi cả nhà ngồi quanh ngọn đèn dầu gói bánh chuẩn bị mai đám giỗ ông nội. Bánh ít lá gai, bánh tét, đòn nào đòn nấy to tướng. Gói bánh xong, bà sẽ nấu một nồi to để luộc bánh, và thức canh suốt đêm trong khi bọn trẻ con và ba mẹ lăn ra ngủ khì do mệt mỏi đường xa.

Năm nào có chị tôi về thì có tiết mục văn nghệ, chị sẽ hát cho mọi người nghe. Chị lớn hơn tôi một tuổi, ốm yếu thấp bé hơn nhưng rất lanh. Chị có trí nhớ tuyệt vời, lúc đó tôi hay vòi chị kể chuyện Ngàn lẻ một đêm cho nghe. Quyển ấy tôi đọc qua rồi nhưng nghe chị kể lại vẫn hay tuyệt, vì chị còn thêm cả mắm muối chỗ này, chỗ kia. Chị luôn bày ra đủ trò để chơi, nhưng tính chị hay giận, thành ra chơi với chị luôn phải nhường. Chị hát hay lắm, nên thường được biểu diễn hết bài này tới bài khác. Mấy anh em tụ tập nhau lại đi đâu cũng ồn ào, bày đủ trò nghịch ngợm, khi thì kéo nhau xuống ruộng bắt cua, khi ném đá tổ chim, tới đâu cũng rần rần, nhưng trong làng ấy toàn bà con, mà chúng tôi vai lớn, có khi các ông già râu tóc bạc phơ mà chúng tôi phải gọi họ bằng anh, nên bọn trẻ ở đó rất nể.

Ngôi nhà trở nên buồn vắng hẳn từ sau khi bà nội mất năm tôi học lớp 9, vì bận học, tôi cũng không được về để tang bà. Bà mất ngay mùng 1 Tết, đó là cái Tết đầu tiên ba ở nhà ăn Tết với mấy mẹ con tôi, sau bao nhiêu năm Tết nào mẹ con tôi cũng ở nhà buồn hiu khi vắng ba. Kể từ đó, mỗi khi Tết đến, ba lại về quê để cúng bà.

Có năm tôi đi theo ba, Tết ở quê trời rất lạnh. Đêm giao thừa ở nhà quê buồn chưa từng thấy khi không còn tiếng pháo, chỉ có ánh đèn le lói trên bàn thờ cúng tổ tiên, chung quanh không gian đen đặc lại. Sáng hôm sau, ba chở tôi đi chơi thăm thú khắp lượt, rồi hứng chí hai cha con đi tham quan Đập Đồng Cam, thế nhưng chuyến du hành đó thất bại thảm hại khi xe bị hư và không sao tìm được một nơi nào sửa xe chiều mùng hai Tết. Tôi không sao quên được buổi chiều vùng núi lạnh vắng đìu hiu và buồn thê thiết ấy.

Nhưng tôi đã không còn về quê nữa kể từ khi bác hai mất sau đó hơn chục năm. Bác hai gái mất đi, sau đó là bác trai, ngôi nhà ấm áp rộn vang tiếng cười ngày nào giờ lạnh lẽo, hiu hắt. Khi tôi trở về, khu vườn xưa tan tác, mảnh sân rộng giờ trở nên bé tí, buồn hắt hiu trong chiều. Căn bếp ấm áp đầy kỷ niệm ngày xưa không còn, cây khế tuổi thơ của tôi cũng không còn, cả cái bụi tre kẽo kẹt luôn làm tôi sợ thót tim mỗi lúc đêm hôm phải đi vệ sinh cũng chẳng còn như xưa. Cái giếng vui tươi ngày nào làm tôi hoảng hốt vì nước lạnh như băng. Cả cái cổng sau nhiều kỷ niệm giờ cũng chẳng còn nữa. Thấy ký ức tuổi thơ của mình như rạn vỡ...

Biết rằng đã vài chục năm trôi qua, miền thôn quê cũng phải có nhiều thay đổi để hiện đại và tốt đẹp hơn, nhưng vẫn cảm thấy mất mát không thể bù đắp được, nhớ làm sao những kỷ niệm, những con người đã đi vào quá khứ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: