Phần 3. Màu Nắng Tết

Vừa hết mùa mưa, nắng đã rực lên vàng, chói chang, óng ánh, màu nắng này làm nhớ những mẹt mứt me nhà bạn mỗi mùa tết xa xôi thời ấu thơ. Hình ảnh này quen tới nỗi, mỗi sáng ghé qua rủ bạn đi học chung, nhìn lên nhà bạn thấy cái sàng phơi me là biết rằng sắp Tết.

Bạn mình có người mẹ thật khéo tay, hết phơi mứt me thì làm tới mứt bí mứt dừa, rồi thêm củ cải dưa góp. Hình như mỗi năm mình lại thấy mẹ bạn làm thêmmột món mứt mới, dường như thứ trái cây nào qua tay bác cũng ngọt lịm ngon lành, mỗi thứ mứt là một hương vị khác biệt. Những trái mứt me nhà bạn không đâu có được, nó chua một vị rất vừa phải, và ngọt ngào nghe dịu nhẹ chứ không để lại một hồi âm gắt gỏng trong cổ họng như những thứ mứt ngoài chợ. Bởi thế, rất nhiều người đặt bác làm mứt, và mùa nắng nào cũng thấy bác và các chị em gái trong nhà bạn luôn tay, gọt me, xăm tắc, phơi phóng, nâng niu những mẹt mứt thơm lừng. Ấn tượng nhất là đôi tay bác, đôi tay có nhiều vết chai, vết cắt, vết thâm do ngâm nhiều trong tro, trong giấm, thoăn thoắt cầm từng trái me, khéo léo tách vỏ mà không làm đứt cuống, rồi bỏ vào ngâm. Cũng đôi tay đó nhanh nhẹn đảo thật đều chảo mứt to trên lửa, để mứt không cháy khét mà đường ngấm thật đều, nên hương vị mứt vẫn vẹn nguyên không mất, không lẫn lộn vào nhau. Cũng là bàn tay đó khi thì chăm chút tỉa tót cà rốt, củ cải thành những bông hoa năm cánh thật đẹp và đều, phơi phóng rồi sắp vào hũ từng lớp màu xen kẽ đẹp như một bức tranh.

Mình thường để ý những đôi bàn tay từ đó. Tết đến từ đôi bàn tay mẹ. Tay quét dọn nhà cửa gọn gàng, tay làm bánh mứt sửa soạn, tay nặng trĩu đi chợ, tay khéo léo nấu nướng, nâng niu, cân nhắc, nếm tời nếm lui. Sau khi mọi việc đâu đó đã chỉn chu, tay nhẹ nhàng nâng niu từng cánh hoa dâng cúng trên bàn thờ.

Mình thường ngẩn ngơ ngắm những lần tới nhà bạn, Tết nhà mình không rộn ràng thế, má mình là cô giáo, luôn tất bật với cái quán nhỏ tại nhà, tết chỉ là những ngày phụ má buôn bán, ngồi mỏi mê bên cái thau thịt và cái bếp than, nướng tới khi hết thịt thì... dường như mùa tết qua hồi nào chẳng rõ. Thuở má còn rảnh rỗi, có lần má cũng nấu bánh, cũng rim dừa, chỉ vậy thôi, vì tiêu chuẩn cơ quan còn có một hộp mứt tết với mấy cái kẹo bi nhân đậu phộng ăn cứng như sỏi và mấy cục thèo lèo có thể đem chọi nhau. vậy mà ngồi nhâm nhi viên kẹo vào miệng cho nó tan ra từ từ, từ từ hết cái vị ngọt thanh thanh của nó, thấy cũng ngon làm sao.

Tết nhà nghèo thuở ấy cho dù nhà thiếu thốn tới đâu, nhưng bên nhà mợ thì cũng cố gắng có nồi thịt kho hột vịt dưa giá với tô canh khổ qua cúng ông bà và món bì cuốn chay bằng bánh tráng cuốn củ sắn mà mấy chị em rất nghiện. Lần nào ngồi phụ mợ cắt bì cuốn chưng lên đĩa cúng, phần đầu thừa đuôi thẹo, mợ cũng cho mỗi đứa một miếng thưởng thức. Vậy thôi mà Tết vẫn cứ vui, ăn xong bữa ăn đầu năm ngon lành, mấy chị em xúm xít áo mới rủ nhau đi lòng vòng chúc tết nhà các dì các cậu nhà chung quanh đó (mà chỉ có đến tết mới chịu ghé chơi) rồi được lì xì xài tết. Cũng chỉ là rủ nhau đến thăm nhà thầy cô cũ rồi rủ nhau đi chợ hoa Tao đàn, chơi mấy trò chơi ném banh, bắn súng, lớn thì rủ nhau đi xem phim.

Về quê thấy ngày Tết ở quê không khí nhộp nhịp hơn, khi từ sáng đám nhóc đã được giao cho quét ngõ, chỉ quét thôi đã hết buổi sáng bởi lá tre rụng đầy. Chú thím đèo nhau đi chợ mua về ăm ắp thức ăn rồi xào nấu cả ngày. Chiều đến cả nhà ngồi quây quần bên nhau gói bánh ít, bánh tét. Đám con nít chỉ biết phụ bà với các bác gói bánh, rồi hát cho bà nội nghe, sau đó chỉ thỉnh thoảng chui vào bếp ngó qua nồi bánh sôi sùng sục chứ thật ra nấu thế nào không biết bởi lúc đó đã bận ngủ. Ở quê nội, mùa tết trời rất lạnh nên trùm chăn ngủ rất say. Thế nên, đêm giao thừa nằm trùm chăn xem ti vi ngủ quên lúc nào không biết, giữa khuya, giao thừa đến, chú kêu dậy lúc mắt nhắm mắt mở nhìn hai đứa em bắn hai cây pháo bông cầm tay, xa xa vẳng lại tiếng pháo nhà ai đốt lén, giữa làng xóm bao la lạnh vắng như tờ, thoang thoảng mùi hương trên bàn thờ lan tỏa, tưởng như ông bà đang về, lặng lẽ quan sát đàn cháu nhỏ mỗi ngày mỗi lớn, vừa xúc động mà nghe có một nỗi gì đó rất buồn đang hiện hữu. Lúc đó mới thấy nhớ má và các em trong những đêm giao thừa vui vẻ, giản dị khi cả nhà cùng nhau xem pháo hoa rồi chúc tết để được ba má lì xì, cả nhà bên nhau đầm ấm. Dường như có đi xa rồi thì mới hiểu hết ý nghĩa của một gia đình, hiều hết ý nghĩa của từ Tết, không chỉ là khi ta thay một cuốn lịch mới đầu năm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: