CẢM NHẬN BÀI THƠ MÙA XUÂN NHO NHỎ - Thanh Hải
1.MB
Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn quê ở Thừa- Thiên Huế. Ông là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, được độc giả nâng niu trân trọng.
"Mùa xuân nho nhỏ" là sáng tác cuối cùng của Thanh Hải, được viết vào thời điểm ông đang trên giường bệnh sắp từ giã cõi đời (11/1980).
Bài thơ đã ghi lại những cảm xúc suy nghĩ của tác giả trước mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước và khát vọng cống hiến cho đời của nhà thơ.
2.TB
*LĐ1: Mở đầu bài thơ là những suy nghĩ của Thanh Hải về mùa xuân của thiên nhiên, đất trời:
"Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng"
Ít ai ngờ tiếng chim chiền chiện hót vang trời lại đọng thành giọt long lanh rơi xuống. Âm thanh lại hoá thành vật thể. Câu thơ là một hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác độc đáo: "từ cảm nhận bằng thính giác, chuyển sang thị giác rồi cảm nhận bằng cả xúc giác". Động tác đưa tay hứng chứng tỏ sự nâng niu trân trọng của Thanh Hải với vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên.
Chỉ với sáu câu thơ, bằng ba nét vẽ tác giả đã tạo nên bức tranh xuân rất đẹp rất Huế đồng thời diễn tả cảm xúc say sưa ngây ngất của tác giả khi đất trời vào xuân.
*LĐ2: Hai khổ thơ tiếp theo là cảm xúc suy ngẫm của tác giả về mùa xuân đất nước
Ở bốn câu thơ trong khổ hai, khi nói về mùa xuân đất nước, tác giả nhắc đến hình ảnh người cầm súng, người ra đồng:
"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao".
Người cầm súng người ra đồng là hai lực lượng quan trọng nhất trong lĩnh vực lao động và chiến đấu góp phần làm nên mùa xuân đất nước.
Khi mùa xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc, tượng trưng cho vẻ đẹp và sức sống của đất nước. Người lính ra trận, khoác trên lưng vành lá nguỵ trang như mang theo mùa xuân bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân ra đồng mang mồ hôi công sức làm nên màu xanh cho đồng ruộng. Màu xanh của nương mạ góp phần tô điểm cho mùa xuân đất nước thêm tươi đẹp, đầy sức sống. Có thể nói chính con người đã tạo nên sức sống của mùa xuân thiên nhiên, đất nước. Cả dân tộc bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương, náo nhiệt, hối hả, xôn xao. Nhà thơ đã cảm nhận mùa xuân, đất nước, bằng hai từ láy gợi cảm "hối hả" , "xôn xao". "Hối hả" là vội vã khẩn trương, liên tục không dừng lại; "xôn xao" là khiến ta suy nghĩ tới những âm thanh liên tục vọng về hoà lẫn với nhau xao động. Đây chính là tâm trạng tác giả như reo vui náo nức trước tinh thần lao động khẩn trương của con người. Mùa xuân đất nước được làm nên từ cái "hối hả" ấy. Sức sống của đất nước, của dân tộc, cũng được tạo nên từ sự "hối hả", náo nức của người cầm súng, người ra đồng. Như vậy hình ảnh mùa xuân đã được mở rộng dần. Đầu tiên, nó chỉ gói gọn trên đôi vai tấm lưng của người ra trận, đã được mở rộng thành một cánh đồng bao la.
Khổ thơ thứ ba đã nói lên những suy tư của nhà thơ về đất nước. Chặng đường lịch sử của đất nước đã trải qua 4000 năm với biết bao thử thách vất vả và gian lao. Câu thơ tiếp theo đã sử dụng phép so sánh:
"Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước".
Đất nước được so sánh như vì sao, một hình ảnh đẹp đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng lấp lánh, là hiện thân của sự vĩnh hằng. Phép so sánh khiến đất nước Việt Nam vừa vĩ đại, vừa trường tồn bất diệt. Bên cạnh đó phép nhân hoá khiến đất nước giống như một bà mẹ hiền tần tảo sẵn sàng vượt qua gian lao thăng trầm cứ vững bước đi lên không một thế lức nào cản được. Từ đó câu thơ thể hiện niềm tự hào, ý chí quyết tâm và niềm tin sắt đá vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam hùng mạnh.
*LĐ3: Sau cảm xúc suy ngẫm về mùa xuân thiên nhiên, đất nước, nhà thơ Thanh Hải bày tỏ ước nguyện dâng cho đời một mùa xuân của chính mình:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến".
Ước nguyện đó thật thiết tha nhưng cũng rất khiên tốn. Nhà thơ muốn làm con chim hót để gọi xuân về mang niềm vui cho mọi người. Nhà thơ muốn làm một cành hoa, dâng cho đời hương sắc, tô điểm cho cuộc sống đẹp thêm. Ông còn muốn làm một nốt trầm trong bản hoà ca chung để làm cuộc đời, lòng người thêm xao xuyến. Ba hình ảnh là những hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp, niềm vui của đất nước con người Việt Nam. Trong khổ thơ, nhà thơ sử dụng đại từ "ta" vừa chỉ số ít vừa chỉ số nhiều. "Ta" chỉ nhà thơ nhưng cũng chỉ chung mọi người. Với Thanh Hải, hoá thân vào những vật nhỏ bé là để dâng hiến, phục vụ cho một mục đích cao cả. Điều đáng quý đáng trân trọng là Thanh Hải đã dâng tặng một cách lặng lẽ và khiêm tốn. Dâng hiến cả cuộc đời dù là khi trai tráng đến lúc về già tóc bạc. Đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác của nó, ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc qua mỗi ước nguyện nhỏ bé, chân thành của nhà thơ. Thanh Hải viết bài thơ khi ông đang ở trên giường bệnh sắp từ giã cõi đời. Bởi vậy, hơn ai hết ông là người càng trân trọng giá trị cuộc sống, khao khát được cống hiến cho đời. Khổ thơ cuối nhà thơ viết:
"Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế".
Nam ai, Nam bình là hai làn điệu dân ca xứ Huế nổi tiếng, được nhà thơ nhắc đến tạo nên kết cấu đầu đuôi tương ứng với khổ thơ thứ nhất khi ông nhắc đến những hình ảnh đặc trưng của xứ Huế.
Điều ấy chứng tỏ Thanh Hải tha thiết yêu xứ Huế quê ông. Trước khi từ giã cõi đời, thì xứ Huế với những làn điệu dân ca đã khắc sâu trong tâm trí ông hình ảnh thật đẹp đẽ ngọt ngào.
*LĐ4: Nghệ thuật
Thể thơ năm chữ với giọng điệu thiết tha trong sáng rất phù hợp với việc diễn tả cảm xúc bài thơ. Bài thơ đã được tác giả sử dụng kết hợp nhiều biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, ẩn dụ,... Góp phần tạo nên những hình ảnh đặc sắc, làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người khi đất trời vào xuân. Ngoài ra bài thơ còn sử dụng những hình ảnh rất đặc trưng cho vẻ đẹp xứ Huế quê hương tác giả, đồng thời những câu thơ mang giọng điệu rất Huế đã giúp ta hiểu thêm về tình yêu tha thiết của nhà thơ. Bài thơ còn độc đáo bởi chất nhạc trong ngôn từ. Chính vì vậy nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc bài thơ khiến bài thơ được biết đến rộng rãi hơn với công chúng.
3.KB
Bài thơ mang tựa đề thật khiêm tốn "Mùa xuân nho nhỏ" nhưng ý nghĩa lại sâu sắc lớn lao. Từ cảm xúc đẹp về mùa xuân thiên nhiên đất trời, bài thơ gợi suy nghĩ về một lẽ sống cao đẹp của một tâm hồn trong sáng. Nhà thơ nguyện làm một mùa xuân nho nhỏ cống hiến cho đời. Nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình để góp vào mùa xuân lớn lao của đất nước, của cuộc đời chung. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top