VI
Những năm đầu thập kỉ bảy mươi của thế kỉ hai mươi ấy Hà nội mới khủng khiếp làm sao. Một thành phố không phải hoành tráng với những toà nhà cao tầng, những tượng đài và những đại lộ thênh thang, những chiếc cầu đồ sộ uốn mình qua dòng sông nhưng Hà nội gọn gàng, xinh xắn và lãng đãng với mùi hoa sữa khi đêm về trên đường Nguyễn Du, màu hoa phượng đỏ toé khi hè sang trên đường Cổ ngư.
Ấy vậy bỗng nhiên bị xáo trộn nháo nhào, đổ vỡ tan tành như đống gạch vụn chỉ trong vòng mười hai ngày đêm như bị một bàn tay khổng lồ vô học, tàn nhẫn và cực kì ghen tuông trước sự bình yên của con người. Điều lạ và trớ trêu nhất là sự đổ vỡ ghê gớm đó là kết quả của một nền văn minh được đo bằng sự phát triển của kĩ thuật nhân loại.
Và sự đổ vỡ đó lại diễn ra ghê gớm nhất ở chỗ ngày xưa người ta thường coi là chốn ăn chơi nhất của một Hà thành cổ xưa- phố Khâm thiên õng ẹo cô đầu và lẽo nhẽo, phật phừng tiếng đàn đáy gợi tình. Nơi bệnh viện Bạch mai - xưa là nhà thương Cống Vọng, đang có đầy những kẻ bụng mang dạ chửa nằm chờ giờ sinh ra một con người và những kẻ ốm đau đang chờ sự vuốt ve, an ủi của thầy thuốc. Thế mà, thế mà... Bom đủ loại cỡ thả xuống những nơi ấy để hòng giết chết, loại bỏ hàng nghìn, hàng vạn con ngưòi hiền lành, đang đau đớn trong sự rày vò thể xác bởi đâu ốm, bởi sinh nở...
Cuối cùng thì một ngày mới cũng đến. Ánh nắng yếu ớt đầu tiên hiện ra soi rõ khung cảnh xám xịt như trên mặt bát cơm nguội đã thiu. Phố phường rón rén trở dậy. Những tiếng lao xao từ người đường phố vọng vào:
- Chết nhiều lắm! Giời ạ! Người ở Khâm thiên chết như ngả giạ kia kìa.
- Trông nhà cửa bị đổ xập mới ghê chứ. Bom tấn chứ có phải xoàng đâu cơ chứ!
- Thế kia à? Nhưng nghe đài bảo đâu như mười hai cái máy bay rơi. Cả một xâu phi công bị bắt đang rải qua những ngả đường bị chính bom đạn của chúng nó đánh phá làm tan nát kia kìa.
Bầu trời xám ngoét một màu như da thịt bị thương, sưng tấy, hằn lên những vệt tím bầm đau đớn. Không khí cũng nặng trịch, như nghẹt lại bởi mùi khói bom và tiếng khóc ai oán. Tuệ ngồi trên xe, theo đoàn người trở về nội đô. Và ngay khi xe dừng lại, Tuệ đã chạy ngay đến Khâm Thiên.
Từng cơn gió lạnh buốt thổi qua, mang theo mùi tanh của đất đổ nát, của cái chết. Nhà cửa tan hoang, bãi hoang tàn, một cảnh tượng chẳng thể ngờ tới, tan vỡ ngay trước mắt
Khâm Thiên đây ư? Đây có còn được gọi là một con phố nữa không?!!! Giờ đây, chỉ còn là một khoảng trống trơ trọi, vắng lặng đến rợn người. Từ chỗ Tuệ đứng, có thể nhìn thẳng đến Đê La Thành, trống trơn không còn một mái nhà.
Kinh hoàng, không! Phải nhiều hơn nữa, là kinh khủng, là khủng khiếp, là ghê gớm lắm!
Những bó hương cay xè trong hơi thở, những bó hương châm nát cả bầu trời. Xác người nằm ngổn ngang, báo đậy lên mặt, ruồi đậu khắp những bàn chân xem, rải khắp lề đường. Tiếng khóc nghẹn ngào của những người vợ mất chồng, tiếng mẹ thất thanh gọi tên con, em bé ngẩng đầu ngơ ngác bên xác anh xác chị xác mẹ cha.
Tuệ đi như mù lòa và mỗi bước chân đi qua đều bị chặn bởi từng hàng dài áo quan. Xe nối xe sừng sững chở quan tài đều được đóng vội bằng mặt bàn, cánh cửa, đôi tay người sống run rẩy cầm phấn ghi tên người chết lên nắp quan xộc xệch. Sách vở dép giày vùi dưới hố sâu, tấm màn trắng bị xé ra để chia nhau đội đầu
- Con tôi đâu? Con tôi đâu rồi? Trả lại con cho tôi! Trả lại con cho tôi!!!
- Mẹ! Mẹ ơi!!
Những lời bi thương cứ vang lên, khiến Tuệ khựng lại rồi lại cố bước tiếp. Đôi chân nặng trĩu, nhưng trái tim đau đớn thôi thúc Tuệ đi mãi, đi tìm kiếm giữa biển người hỗn loạn, tuyệt vọng gọi tên Huệ Linh, gọi tên Trí. Thỉnh thoảng, Tuệ lại dừng lại, cúi nhìn những cái tên trên những chiếc áo quan, hy vọng mong manh rằng không phải tên của hai người ấy
Và Tuệ dừng lại, trước mắt là hai cỗ quan tài nằm im lìm bên nhau. Một bên là Khương Mẫn Trí và bên kia... là Khương Huệ Linh.
Đôi chân Tuệ rã rời, không còn sức để đứng vững. Tuệ khuỵu xuống, đầu gối chạm đất, đôi bàn tay run run bám lấy thành áo quan của Trí và Huệ Linh. Nỗi đau trào dâng, chặn lại cả hơi thở.
Đã chẳng còn vòng tay ấm áp nào kéo Huệ Linh lại mà để mặc em với tiếng đàn tắt ngủm tự khi nào.
Em đã nằm yên mãi! Thời gian trôi quá nặng nề. Thời gian trôi dài thê thiết! Em vẫn nằm im. Nằm không nhúc nhích! Hai mắt vẫn mở to, nhìn xuyên vào bóng tối, nhìn suốt cả màn đêm. Lại lắng nghẹ dòng máu trong người em, đang luân lưu, đang rười rượi chảy vòng quanh, cùng khắp. Có vết thương nào còn ẩn tiềm trong đó hay không? Mà thân thể em chẳng cảm nghe đau?? Sao trái tim em dường như đã không còn xót xa, nhức buốt???
Cuộc đời vốn quen thuộc với tất cả mọi người. Bởi nó tồn tại từ hàng nghìn năm nay trên trái đất này. Nó y hệt như một tấm lưới khổng lồ úp chụp vào trái đất nơi cư trú duy nhất của con người. Nhưng đối với mỗi số phận cuộc đời lại chứa đựng những bất ngờ hoặc là lý thú, hoặc là sự hãi hùng. Điều nay chẳng khác gì tấm lưới của định mệnh luôn luôn mờ ảo và hàm chứa những điều bí mật đối với mỗi số phận...
Hà Nội nay sao lạ lẫm quá! Người thi sĩ ấy cứ bước, cứ lần tìm, mà chẳng thể nhận ra một lối đi quen.
Thì ra người thi sĩ ấy đang đắm mình trong miền nhớ, ước rằng đó là khung cửa không chìa khóa, để được vui cùng ngày xưa, được chạm vào gương mặt sống trong giấc mơ, được nhìn lại người mình yêu và được yêu...
Tuệ chẳng còn gì ngoài những dư vị của kỷ niệm. Làm sao Tuệ có thể ở lại đây, khi nơi nào cũng nhắc về kỷ niệm. Đối diện với khung cảnh ngày xưa còn xót xa hơn việc rời xa nó mãi mãi. Biết làm điều gì cho thôi thao thức, thôi nhói lòng khi bắt gặp bóng dáng quen thuộc, khung cảnh quen thuộc?
Từ nay nhật ký của Tuệ sang trang ghi thêm nỗi nhớ!
Để Tuệ kể cho Huệ Linh nghe
Về Hà Nội cuối đông sáng ba mốt. Màn sương mờ của một sáng giăng khắp phố phương, mờ ảo tựa mây khói, những hạt mưa long lanh nhỏ giọt nối đuôi nhau rơi xuống, quất trên gò má Tuệ mà lạnh buốt tâm can.
Để Tuệ kể cho Huệ Linh nghe
Về Hà Nội chiều cuối đông. Nô nức người nắm tay nhau qua lại miệng cười vui vẻ, Tuệ lại một mình ôm trọn nỗi buồn đơn độc, rảo bước với chiếc mũ len chụp kín đầu.
Để Tuệ kể cho Huệ Linh nghe
Về buổi tối ba mốt. Hiện diện trên mỗi khuôn mặt bừng sáng lên những niềm vui và sự háo hức hóng chờ khoảnh khắc giao thừa sắp tới. Giữa nơi người qua lại, ánh mắt Tuệ như tìm một hình hài ai đó thân quen, rồi khựng lại nhìn chính bản thân mình.
Hà Nội rót đầy vào Tuệ sự trống rỗng vô hồn. Khi giờ Tuệ lại lang thang như một kẻ lạc vào chốn mê cung.
Này Huệ Linh ơi, để Tuệ kể em nghe
Rằng Hà Nội năm nay giao thừa trống trải và lạnh lẽo lắm!
Tuệ vì em họa đôi con chữ, em khép người thả những cái vuốt ve. Giờ đây cảnh còn người khuất dạng, đắng cay lắm ai ơi!
Bốn mùa luân chuyển. Hà Nội đã mất Huệ Linh rồi, mất thêm cả linh hồn Tuệ.
Đây là nỗi đau Tuệ không bao giờ tưởng tượng nổi. Em ra đi rồi... Một cách ra đi tuyệt vọng và chẳng để lại cho Tuệ lấy một lời vĩnh biệt. Tuệ như người mơ giữa thực và hư. Tại sao phải là cái chết? Sao không phải là chia lìa, xa cách như bao người?
Giá như chỉ là xa cách thôi, để rồi còn có thể giữ lại chút hy vọng cho những lần gặp lại trong tương lai, còn có thể đứng giữa đường mà mỉm cười chào nhau, thăm hỏi dăm câu bâng quơ, rồi lặng lẽ đi tiếp mỗi người một ngả.
Biết đâu, rồi vài mươi năm nữa, nếu tình cờ gặp lại trên con phố cũ, vẫn có thể nhìn nhau mà cười mà nói: Ừ thì đó, ngày xưa...!!!
Chưa bao giờ nhớ Huệ Linh đến vậy – Khi cơn gió mát lành đổ về lại từng con ngõ nhỏ. Bỗng như trở về cuộc sống thật hôm qua. Tuệ nghe rất rõ tiếng Huệ Linh cười, nghe rất rõ tiếng Huệ Linh nói. Tưởng chừng xoè tay ra là nắm được tay Huệ Linh rồi, cái bàn tay xinh xắn, cái bàn tay yêu thế...
Một phím lên cung, hai phím gảy, Tuệ đã nhớ thương em hết thẩy. Nhớ gì thế em?
Em ngày đó như bông hoa Huệ. Tuệ vẫn hay ví von như thế trong bản thơ tình không tựa Tuệ vẫn hay viết cho em. Tuệ thích hoa huệ, không phải vì nó thơm nồng và cũng chẳng phải vì nó mang một nét đẹp kiêu sa, huyền ẩn nào đó. Hoa huệ giống em, giống cả ở tên em, rạng rỡ dưới nắng mai cùng một vẻ thoang thoảng đủ làm người ta dễ chịu mà thôi.
Tuệ nhắm mắt mường tượng. Em đang đến, mùa thu vàng lại đang đến. Rất gần. Một làn gió nhẹ thổi qua, những cành me rung khe khẽ. Tuệ vội vã mở choàng đôi mắt. Kiếm tìm. Và con đường chỉ có lá me bay. Thu ngắn như tuổi xuân của đời người, rực rỡ và chóng tàn, chỉ có những dư âm của nó là mãi bay xa.
Và một dáng thu sang, bước chân vô định đưa Tuệ về góc phố. Đâu đây vẫn đọng lại tiếng nói em trong trẻo, đôi mắt buồn như muốn đựng cả bầu trời vào trong và nụ cười thơm mùi cúc dại. Tuệ thèm được ôm em quá đỗi, thèm được nhìn đôi mắt em trong veo, thèm hôn lên đôi má đào chúm chím và thèm nghe tiếng nói em nhẹ tựa heo may. Tuệ nhớ em! Nhiều lắm có biết không?
Có người hỏi Tuệ sao vào tít tận trong Nam, Tuệ cười rồi đáp, vì trong Nam không có mùa thu!
Ngồi trên chiếc xe lửa đưa Tuệ đi xa khỏi đất Thủ đô, Tuệ khóc, Tuệ nào có muốn rời. Nhưng nếu như ở lại, từng con phố, từng cái tên biển hiệu và từng đợt thu lá rụng đều sẽ gợi nhắc về Huệ Linh, vì em là mùa thu trong Tuệ kia mà!
Và thế là Mẫn Tuệ đi, bỏ lại nồng nàn hoa sữa, bỏ lại ánh vàng ngọt và thảm cỏ xen lẫn sắc đỏ, vàng, cam trải dài trên những cung đường Hà Nội. Tuệ bỏ lại Hồ Gươm có hàng liễu rủ, bỏ lại gánh hoa chở cả trời thu, bỏ lại quầy bán cốm xanh thơm nức và cả tiếng tàu điện leng keng. Nơi đó có gặp gỡ, cũng có ly biệt. Nơi đó tình yêu tìm thấy nhau, đi qua nhau. Tuệ đã dùng hết nước mắt của cả đời mình ở đó.
Tuệ giữ tình yêu này trong vần thơ, vẽ nên kỷ niệm của riêng hai về một thời thanh xuân ngây dại là còn mãi, không bao giờ phai tàn.
Cũng bởi chữ thương trong Tuệ dài lắm, vượt qua cả tình yêu mà trái tim mong manh nắm giữ. Thương chẳng cần danh phận, chẳng ngại khoảng cách hay những rào cản tổn thương. Thương là những dịu dàng nhớ nhung và ước mong bình yên gửi tới người, dẫu cho tất cả còn lại chỉ là mảnh vỡ của kỷ niệm.
Vẫn biết rằng mọi nẻo đường, mọi cuộc gặp gỡ xưa nay đều được sắp đặt bởi chữ duyên. Tình qua đi, người cũng chỉ có thể lưu giữ hương mùa cũ đã từng có nhau. Nhưng đâu phải người qua là hết.
Tình một phần, nghĩa mười phần. Tình mười phần, nghĩa một đời. Cái một đời ấy chính là niềm thương bấy lâu Tuệ vẫn lặng thầm gửi trao về người.
Vì Lời hứa hẹn Tuệ từng nói với em, rằng sẽ không bao giờ rời xa.
Mai này, ngày lưu luyến trong Tuệ ngừng viết về Huệ Linh
Sau này, một ai sẽ nâng niu ký ức trong Tuệ
Rồi đến một mai, Tuệ sẽ không còn đủ sức mà mơ về Huệ Linh nữa.
Chục năm trở lại, Khâm Thiên bây giờ. Đã là thế kỷ mới – hai nghìn linh mấy. Phố vẫn là con phố xưa, vẫn nắng vẫn mưa, nhưng lại thêm cả bụi thời gian trĩu nặng. Tuệ khật khừ bước từng bước, không nhanh không chậm, như tìm kiếm trong cơn mơ mộng vụn vỡ.
Khi đến đài tưởng niệm, Tuệ dừng chân. Bàn tay có chiếc nhẫn nằm gọn ở ngón áp út của Tuệ chậm rãi chạm vào bia đá lạnh lẽo, nơi ghi lại những cái tên đã hóa thành hư không trong vụ thả bom. Mỗi ký tự như nhói buốt vào lòng.
Hà Nội đẹp như một bài thơ nhưng Hà Nội cũng đi ra từ đau thương chiến tranh. Người con Hà Nội này cũng bị bỏng mất mảng tâm hồn mang tên Khâm Thiên.
"Đài tưởng niệm bốn mùa hương khói chẳng hề im,
Tên em khắc đó, mờ trong sương mỏng.
Em ơi! Bây giờ em mười mấy?
Vẫn mười tám đó phải không em?
Chỉ tôi là già rồi, em nhỉ?
Nhớ em nhiều phố cũ gọi tên em"
_____The End_____
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top