I
Trong vô vàn gặp gỡ bình thường của đời người, định mệnh đôi khi chỉ bắt đầu từ khoảnh khắc đôi mắt vô tình lướt qua nhau trên đường phố đông người.
Trong vô vàn lựa chọn của trái tim, lặng giữ quá khứ trong miền hoài niệm xót xa hay mỉm cười với tháng ngày đang có, đôi khi cũng chỉ vì một người.
Câu chuyện này được đặt tên bởi định mệnh và những điều nhỏ bé giản dị ấy...
Chiều tháng tám ở Sài Gòn.
Gió nóng như nắm tro than phả qua những con phố, cuốn theo cái oi bức nặng nề của ngày dài. Mặt đường rực nắng, từng tia sáng như muốn tan vào trong từng viên gạch xám, chạm vào những hàng cây mỏi mòn đang gắng gượng vươn mình. Đâu đó, tiếng rì rào của gió, của lá và cả cái im lặng của trời đất, mang đến cảm giác kỳ lạ – một sự bình yên, dù là mong manh.
Người ta đi lại chầm chậm hơn, từng bước như đặt nhẹ lên lòng thành phố, cái lòng đã từng quặn thắt qua bao đợt bom đạn. Đường phố chẳng đổi khác là bao, vẫn những hàng cây cũ, vẫn những căn nhà rêu phong, nhưng hình như có cái gì đó lạ lẫm – cái sự lặng lẽ, cái ngập ngừng, như sợ rằng mỗi bước chân vô tình sẽ làm dậy lên những vết đau chưa kịp liền.
Sài Gòn vốn vẫn thế. Thành phố này, qua bao lần nghiêng ngả, vẫn không thôi giữ lấy cái hồn của mình. Cái hối hả đấy mà không phô trương, cái lặng lẽ đấy mà chẳng buồn đau. Như một con người đã trải qua đủ đầy những thương tích, giờ đây đứng lên, chẳng cần nói lời nào, chỉ tự mình tỏa ra cái kiên cường, cái rực rỡ đã thấm vào từng thớ đất, từng mái nhà.
Nắng trên mái đầu chảy dài, tan ra thành những mảnh nắng li ti, như ai đó bất cẩn đánh rơi từng giọt sáng xuống mặt đường. Sắc vàng ươm của nắng len qua kẽ lá, vẽ lên từng đường viền mơ hồ, rồi nhẹ nhàng đậu xuống đôi tay bé xíu của Tuệ.
Chiếc bút máy nằm yên trên tay Tuệ chẳng biết đã nhỏ xuống trang giấy một màu đen từ khi nào. Mực lem nhem, như những giọt mưa nhẹ rơi trong chiều muộn.
Tuệ đặt chiếc bút xuống, bàn tay lướt nhẹ trên tờ giấy như cố níu lại chút hơi thở của câu thơ còn dang dở. Không biết đã bao nhiêu lần Tuệ ngồi đây, với ý định viết một bài thơ. Nhưng mỗi lần vậy, những lời thơ lại như chơi trò trốn tìm, lẩn khuất đâu đó, chỉ để lại khoảng trắng mênh mông của trang giấy.
Nhìn dòng mực chảy dài, Tuệ nghĩ rằng đôi khi cảm xúc cũng có lúc bướng bỉnh, thích trốn mình như vậy.
Tách chè nóng được đặt trên bàn đã nguội từ bao giờ, những hơi ấm cuối cùng tan biến vào không khí. Mẫn Tuệ nhấc tách trà nguội lên, đưa kề môi, cố gắng tìm lại hương thơm ngát từ những lá chè tươi. Nhưng rồi lại đặt xuống. Tuệ không muốn uống nữa, chỉ đứng dậy bước ra khỏi cửa phòng.
Tiếng giấy loạt xoạt sau lưng, tờ giấy trắng bay lên cao, như một cánh chim nhỏ mải mê theo gió, chẳng biết sẽ cuốn đi nơi nào, có thể là một miền xa xôi lắm, đến mức không thể với tới. Hoặc có thể nó đang bay về một miền ký ức nào đó, nơi mà Mẫn Tuệ và Huệ Linh gặp nhau.
*****
Tuệ sinh ra ở Yên Phụ, Hà Nội.
Tên đầy đủ của Tuệ là Mai Mẫn Tuệ. Cái tên này được bố thân thương đặt cho, mang ý nghĩa của sự nhanh nhẹn và thông minh.
Bố mẹ của Tuệ đều là quan chức nhỏ thuộc Nhà nước.
Năm lên mười, Tuệ bắt đầu làm thơ, có đôi tay như được nàng thơ hôn lên đó. Tuệ viết thơ như viết mộng, ngâm thơ như trẻ con, nhưng không phải là không gieo được vào lòng người một mối sầu man mác.
"Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng"
Xao xuyến khi những cơn gió nhẹ mang hương thu ùa về, Tuệ khẽ ngân nga câu thơ của Xuân Diệu.
Tuệ yêu Hà Nội, yêu bằng thứ tình yêu chân chất nồng nàn chẳng kém gì hương hoa sữa nở mỗi độ khi nhấp nghé bước qua.
Tuệ cũng yêu nhất mùa thu cũng bởi nhiều lý do. Tuệ mê lắm cái sắc màu của lá cây trong tiết trời se lạnh, hanh hao. Như thể có phép màu, lộc vừng, bàng, rồi cơm nguội đều lần lượt thay từ màu áo xanh mởn sang những sắc đỏ, sắc vàng, sắc cam trông đến là thích mắt. Chúng nghịch ngợm lắm, chẳng muốn yên vị mãi trên cành nên cứ lả tả rụng rơi, đợi chờ chân ai biết qua lại phát ra những tiếng răng rắc nhỏ nhẹ vui tai.
Tuệ còn yêu, còn mến và còn thương nhiều thứ nữa, kể ra thì chẳng thế nào mà hết được, nói chung là, Tuệ yêu tất thảy những gì nhỏ bé – những người, những vật, những cảnh – đã gom góp và tạo thành một Hà Nội to to.
Và vào một ngày thu lá vàng, Tuệ lại tìm thấy được thêm một lý do nữa để yêu thêm mảnh đất này.
Hà Nội đầu thập niên bảy mươi vẫn phảng phất bóng dáng nước Pháp, như một cô gái tân thời khoác lên mình chiếc áo lãng mạn xa xôi. Người Pháp đã đến, rồi lại rời đi, nhưng vẻ đẹp ngọt ngào họ gửi lại vẫn còn nguyên đó, dịu dàng thấm vào từng góc phố, từng căn nhà cổ kính. Nhờ vậy để người con Hà Nội dẫu có thêm chút phóng khoáng, vẫn giữ được cái duyên, cái dáng vẻ truyền thống từ bao đời.
Trẻ con thời ấy thèm đi tàu điện lạ lùng. Đứa nào được đi một chuyến tàu điện về, kể mấy ngày không cạn chuyện.
Tuệ đứng đợi tàu điện bên cạnh đường cái. Chẳng bao lâu tàu điện đã tới. Từ đằng xa, nghe tiếng quẹt quẹt trên lằn dây điện. Bánh tàu nghiến ken két, lượn nghiêng vào bến, rít u u váng lên. Đôi khi tàu điện lại kéo thêm chiếc toa đằng sau. Cái tàu cái toa cùng sơn màu vàng thẫm, nối đuôi nhau chạy như thể bò con đuôi bò mẹ đòi bú.
Ngồi trên ghế, Tuệ rút bút chì từ túi ra, mở cuốn sổ tay nhỏ, ánh mắt chăm chú nhìn ra cửa sổ. Tìm kiếm hồn thơ giữa những khung cảnh ngoài kia, nơi những con phố Hà Nội hiện lên sống động qua từng nhịp lắc của tàu điện.
Tuệ bắt đầu viết, từng nét bút như thả trôi những cảm xúc vào trang giấy.
"Gió về lạ lẫm
Bỗng xôn xao con tim giữa làn lá
Bỗng xôn xao, tiếng gọi vang lên rực rỡ
Có phải đó mùa thu Hà Nội?
Ngày thu sang, lá lót cho thu nằm
Gió hỡi! lang thang dạo kiếm hoa sữa"
Bỗng Tuệ nhìn lên, Tuệ nhận ra có đôi mắt sáng đẹp của một cô gái đang chăm chú nhìn mình, nhưng vội lảng đi nơi khác khi Tuệ chăm chú nhìn giả lại. Tuệ bối rối vô vùng. Tuệ trách mình lỗ mãng, không giữ gìn bộ điệu, và từ bao lâu đến giờ, Tuệ chắc cô gái đã cười Tuệ nhiều lắm. Tuệ cắn môi cho thêm duyên và ngượng nghịu nhìn xuống bộ quần áo trắng nhầu nhã của mình.
Tuệ chắc chắn là lúc mình đang viết thơ thì người thiếu nữ đó đã lần lượt chụp ảnh hết vào mắt rồi. Thấy người kia không cười cũng không nhìn mình, Tuệ cho rằng người đó đang cười thầm và quan sát một cô gái lố bịch đang cố gắng tìm hồn thơ trong từng dòng chữ.
Cảm giác ngượng ngùng len lỏi trong lòng, Tuệ giở quyển sách ra xem để cầm trí, nhất là để quên người con gái đẹp và kiêu ngạo đi.
Người Hà Nội không hào sảng như người Sài Gòn đâu!
Người con của nơi này nội tâm với đôi mắt u buồn chứa đầy tâm sự. Ai ở đâu cũng có thể thanh cao, nhưng nét thanh cao nhã nhặn của Hà Nội toát ra từ tận trong xương máu.
Và cũng may từ đấy về ga chỉ có một đoạn, Tuệ vội đi xuống đi miết vào ga. Lúc Tuệ trả vé xong, chực quay lại nhìn cô gái ban nãy qua làn cửa sổ không kính, thì Tuệ ngạc nhiên khi thấy thiếu nữ đó cũng trả vé vào ga như Tuệ.
Tuệ chỉ có đủ thì giờ cướp vội lấy cái tên xinh đẹp in nổi trên tấm thiệp trắng gài giữa chiếc vali: Khương Huệ Linh.
Giữa lúc Tuệ định đi tắt xuống một con đường gần đấy, thì một tiếng gọi làm Tuệ giật mình quay lại.
"Tuệ! Tuệ! Đi đâu thế!"
Người vận chiếc sơ mi cổ ve, dừng xích lô nhảy xuống, tiến lại bắt tay Tuệ. Tuệ nhận ra là Trí, người bạn đã có lần học cùng ở cấp hai.
Mọi lần gặp Trí. Tuệ thẳng thắn bắt tay bạn, nhưng bây giờ trước mặt thiếu nữ, Tuệ thấy cử chỉ của mình ngượng nghịu, thiếu tính cánh tự nhiên. Tuệ đưa mắt nhìn Huệ Linh, vì Tuệ chắc thiếu nữ cũng đang nhìn mình. Nhưng Tuệ lầm. Người con gái cao kỳ, quý phái ấy lơ đãng nhìn ra phía trước mặt.
"Đi dạo mát, còn cậu?"
"Tớ đi đón em gái"
"Ai?"
"Đây, Huệ Linh, vừa mới từ Nam ra"
Chưa để cho Trí và Tuệ hàn huyên, Huệ Linh nhỏ nhẹ nắm vạt áo Trí, thủ thỉ:
"Mình về thôi chị"
Trí sực nhớ đến em, bắt vội tay Tuệ và hẹn đến chiều sẽ đợi Tuệ ở nhà. Chiếc xích lô lại miết đi, và Tuệ một lần nữa xuýt nghiêng đầu chào người con gái không hề thèm ngó tới mặt mình. Trở lại con đường ban nãy, Tuệ vừa dằn mạnh gót giày, vừa lẩm bẩm:
"Kiêu ngạo thế!"
Tuy nhiên, Tuệ vẫn phải chịu Huệ Linh là đẹp, nhất là khi em ngồi trên xích lô, để làn gió thu mơn man lùa qua mái tóc. Cặp mắt tròn nhưng luôn luôn lơ đãng, đôi má hồng luôn luôn chỉ chực để phụng phịu, Huệ Linh có cái đẹp bướng bỉnh của một người con gái bao giờ cũng ưa nhìn lên cao.
Tuệ thơ thẩn bứt một bông cỏ may gặp ở đường, trong lúc đăm chiêu nghĩ về người con gái ban nãy. Tuệ thấy khó chịu vì nét mặt lạnh ngăn ngắt của Huệ Linh, và không hiểu sao, Tuệ chỉ muốn có dịp lại gần em, rồi cũng không thèm để ý như thế, cho bõ giận! Nhưng không đầy một phút, Tuệ lại trở lại mâu thuẫn ngay với chính mình.
Chả có lần, Tuệ ao ước được gặp một thiếu nữ lạnh lùng, bí mật, kiêu ngạo như Huệ Linh vừa qua đấy ư?
Vẻ mặt lạnh lùng, cặp mắt xa xôi, Tuệ thấy chúng xấc xược, bất phục tùng, nhưng cùng một lúc gieo ác cảm gieo luôn được cả thiện cảm. Cố tìm để thấy một chút thùy mị về Huệ Linh, Tuệ thất vọng chỉ gặp toàn những vẻ lạnh lùng như đó.
Về đến nhà, công việc đầu tiên của Tuệ là nằm phịch xuống giường vắt tay lên trán, tư lự. Cảm thấy lần đầu lòng tự ái của mình bị đánh mạnh. Tuệ muốn quên Huệ Linh, nhưng mái tóc bay trong gió của em là cái hình ảnh diễm lệ, linh động ấn mạnh vào đáy óc Tuệ để không bao giờ ra ngoài nữa. Tuệ vớ lấy chiếc gối ném mạnh xuống chân giường, vì những ý nghĩ không đâu ấy, mặc dầu Tuệ cố xua đuổi, vẫn thao thức, quay lộn trong đầu.
Nhất định Tuệ không sang chơi nhà Trí nữa.
Đến chiều, Tuệ bị bức thư của Trí đánh thức. Giở thư ra, Tuệ chăm chú đọc từng chữ. Chẳng hiểu sao Tuệ lại tưởng tượng lúc Trí ngồi viết thư cho mình, thì Huệ Linh tay vịn thành ghế, đung đưa chân bên cạnh Trí tò mò đọc từng chữ một. Thế là em biết tên bạn của chị là Mẫn Tuệ, cũng như Tuệ biết tên em là Huệ Linh.
Cứ thế rồi mặc quần áo, rồi chờ đến giờ sang nhà Trí cũng được.
Những điều ngờ vực về Huệ Linh lúc sáng, Tuệ cho là quá nông nổi. Tuệ tìm hết cách để làm thùy mị, cao giá Huệ Linh lên trong trí tưởng tượng riêng của mình và cuối cùng, Tuệ nhận rằng sự kiêu hãnh của Huệ Linh là có lý, khôn khéo để giữ kín cái tình cảm tốt đẹp, thâm thúy trong lòng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top