3. Ánh mắt


Trường huyện bọn tôi đang theo học đã xuống cấp trầm trọng vào những năm trở lại đây. Đi dọc hành lang và gặp ba, bốn viên gạch bể, bức tường bám đầy rêu hoặc thậm chí là mảng tường tróc rơi đầy bụi xuống sàn nhà từ lâu đã là điều vô cùng bình thường. Đáng nhẽ trường đã được tu sửa vào hè năm ngoái, nhưng do đổ nhựa đường xong thì hết sạch kinh phí nên phải dời kế hoạch sang hai, ba năm sau.

Bởi vậy, khai giảng năm nào các thầy cô cũng nhắc nhở phải cẩn thận khi đi đứng, những vụ tai nạn nghiêm trọng thì rất hiếm nhưng trường vẫn cứ dặn dò liên tục. Riêng tôi, nếu không tính những lời nhắc riêng từ thầy cô thì tới năm nay tôi đã nghe đủ ba lần. Có lẽ hai năm học tôi chưa gặp vụ tai nạn nào nên tôi sinh chủ quan, cuối cùng thì cũng có ngày tôi nhận ra tại sao nhà trường phải nhắc nhở nhiều tới thế.

Mọi chuyện bắt đầu từ tiết thể dục vào buổi trưa ngày thứ năm.

Lúc đó nắng rơi dày, tuy có bị các tán cây cản lại nhưng vẫn chói chang, nóng nực.

Quá trưa, mặt trời trong mắt tôi dường như lên cao thêm cùng với từng tiếng huýt còi của thầy Sơn - giáo viên thể chất. Tôi vung tay, đưa chân như thể mình đang khởi động nghiêm túc lắm, nhưng toàn thân tôi đã hoàn toàn rã rời sau bốn tiết học trước đó. Nếu cho tôi lựa chọn, tôi thà ngồi trong lớp làm ba bài văn hơn là ra ngoài phơi thân dưới nắng như thế này.

"Các em dồn hàng để chuẩn bị chạy bền, do hôm nay lớp mình học chung với lớp 10A6 nên các em chỉ chạy ở nửa trên của sân. Nam năm vòng, nữ ba vòng. Bắt đầu!"

Tôi nghe tiếng nói của thầy lờ mờ, đầu tôi đau nhức, bước chân cũng thêm nặng nề. Tôi rề rà, mi mắt díu lại như người thiếu ngủ.

Chạy nửa vòng xuống sát khu vực sân dưới, tôi thoáng qua thấy hình bóng của Nguyên Ánh, tóc em được búi gọn, chiếc áo dài thường ngày đã được thay bởi bộ đồng phục thể thao thoáng mát hơn. Đứng với lứa bạn, em cao hơn hẳn, tôi không tránh khỏi dồn sự chú ý vào em. Ánh mắt tôi dán chặt vào em mà chẳng biết em có nhận ra tôi không. Khi nhận ra người phía trên đã bỏ xa, tôi mới vọt chạy lên trước.

Kế hoạch của tôi là chạy nhanh rồi nghỉ nhanh, chạy xong thì sẽ được về lớp học. Càng nghĩ, tôi càng tăng tốc. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu như lúc ấy đầu óc tôi không mê muội, không quên mất lời dặn xương cốt máu mủ của thầy cô về sự tồi tàn của nội thất trường.

Khi đó tôi bỏ xa lớp ở phía sau, một mình chạy đến gần sân khấu ở lượt chạy cuối cùng. Lúc định bứt tốc để nhảy lên, chân tôi vấp phải một viên gạch bị vỡ làm đôi, theo đà, người tôi hướng về phía trước, đầu đập mạnh vào bậc thang của sân khấu trường.

Đầu tôi xây xẩm, cảm giác đau đớn truyền từ gáy lên đến toàn thân, rồi không nhúc nhích được gì nữa. Tôi không ứa được nước mắt, chỉ đành khóc thầm trong lòng. Trước khi ngất đi, tôi lờ mờ thấy một ánh mắt đang nhìn tôi lo lắng, người đó có vẻ trách tôi lắm khi tôi thấy mắt người ta đỏ hoe. Tôi muốn nói với ánh mắt ấy là tôi sẽ ổn, nhưng trước khi kịp làm thế tôi đã lịm đi mất, bên tai còn ồn ào tiếng hét của những người bạn cùng lớp.

"Thầy ơi! Châu nó chảy máu đầu rồi!"

Kết quả sau vụ đó là tôi nghỉ học mất nửa tháng, mẹ tôi còn tưởng tôi suýt chết, bà khóc suốt buổi chiều ngày tôi được chuyển lên bệnh xá. Cha tôi là giáo viên, ông bỏ cả một buổi dạy để cùng mẹ lên gặp tôi, lúc ngồi trong phòng, ông an ủi mẹ tôi đến mệt lả.

Thật ra từ bé tôi đã quen với nơi này rồi. Hồi bé tôi nghịch như quỷ, thấy khúc sông nào cũng muốn lội qua, thấy cành cây nào cũng phải trèo lên cho bằng được, nên số lần cha mẹ phải chuyển tôi lên bệnh xá đếm không xuể, tôi coi nơi đây như là nhà.

Nhưng từ ngày lên cấp hai tôi hiền lành hơn hẳn, tôi trở nên ù lì với những trò nghịch ngợm tuổi thơ ấu. Cha khen tôi đã trưởng thành, nhưng hôm nay khi ông đến thăm tôi, ánh mắt ông lại đượm buồn như những ngày cũ.

Phúc Khảo đến với một túi cam canh, nó cười nắc nẻ trên nỗi đau của tôi, kéo theo cả Ly. Hai bọn nó vừa cười vừa bóc cam ăn, ngả ngớn bên cạnh giường bệnh. Thầy Sơn cũng tới, có lẽ thầy muốn cốc đầu tôi nhưng không được, nên thầy véo tai tôi, giọng thầy nhẹ nhõm nhưng cũng không thiếu sự lo âu còn vảng vất.

- Lần sau đừng có làm cái trò đó nữa nghen, muốn thì bảo thầy giảm vòng cho chứ làm vậy hại lắm bây ơi!

Tôi cười hì hì, xua xua tay bảo không sao.

Và điều tôi không ngờ tới nhất là em cũng tới, người bạn mới quen chưa đầy hai tuần của tôi. Nguyên Ánh tới với một đôi mắt ửng đỏ, bỗng nhiên tôi cảm thấy có lỗi quá chừng.

- Chị đã thấy khoẻ hơn chưa?

- Khoẻ re à, mấy cái nhỏ nhặt này chẳng nhằm nhò gì đâu.

Em nghe tôi nói, chau mày rồi cũng thôi.

Tôi đưa mắt ra ngoài cửa sổ của viện, nơi những cánh chim chào mào đang đậu lại trên cành phượng, thỉnh thoảng chúng lại vọng lên những bản ca nghe thật vui nhộn, chẳng hợp chút nào với tình cảnh của tôi lúc bấy giờ.

- Mà lúc đó Ánh chạy ra chỗ mình hả?

Tôi hỏi, một lúc sau dường như vì thấy hơi đột ngột, tôi im bặt.

- Em để ý từ trước rồi, tại cái tính hậu đậu quá trời của chị đó.

Nỗi cảm kích dâng lên trong lòng tôi, tôi sụt sùi, cảm ơn em. Ánh mắt em dìu dịu, tôi trông mãi trong đó bóng hình của đôi mắt tôi nhìn thấy trước khi ngất đi, bỗng cảm thấy tim đập nhộn như bị ai đi ngang qua, chen vào rồi bám chặt lại ở đó.

Tôi không nói gì nữa, chỉ im lặng để cảm nhận gió hè tràn vào lồng ngực, gió hè làm dịu cái đầu đau của tôi hiệu quả hơn bất cứ thứ gì khác.

*
* *

Ánh vẫn tiếp tục tới mặc cho bị tôi ngăn cản, em tới đều đặn mỗi ngày một bữa vào buổi chiều tà rồi ngồi tới tận khi trời được giăng kín bởi ánh hoàng hôn đỏ rực. Tôi đã nhiều lần muốn từ chối sự tận tình quá mức này, nhưng mỗi lần như thế, tôi lại thấy trong giấc mơ ánh mắt rơm rớm của em nhìn tôi tha thiết. Tôi đành xuống nước ra điều kiện, hứa rằng sau khi xuất viện sẽ đền đáp bằng cách dạy học cho em, tôi làm vậy để bản thân bớt áy náy, cả hai cũng không cần thấy khó xử.

Bệnh xá đã quen hình bóng của tôi nên nó không còn bất ngờ, nhưng Ánh thì khác, nhìn em tôi đoán được hồi bé em không nghịch như tôi và cũng chẳng đến đây nhiều bằng tôi. Đợt này bỗng nhiên Ánh đến đều đặn, suốt cả nửa tháng em tất bật từ trường về nhà xong lại lên bệnh xá, không tránh khỏi ánh nhìn ra vào.

- Người hồi chiều là họ hàng của Châu hả?

Chị Vân - y tá phụ trách chăm sóc tôi hỏi khi chị ngồi cạnh tôi lúc đêm muộn. Tôi biết chị đang nói đến Ánh, liền đáp lại ngay:

- Bạn mới quen của em đó.

- Bạn mới quen gì mà quan tâm nhau dữ à?

- Tại ẻm thấy em khờ quá.

Chị Vân nhìn tôi một lượt, chị nói tiếp với giọng điệu mang ý chọc ghẹo:

- Châu mà khờ, Châu chỉ nghịch thôi. Mà đã là người thì đâu có ai hoàn hảo, Châu mà còn ngoan nữa thì không ai theo bằng!

- Chị cứ trêu em!

Tôi và chị Vân ngồi lại thêm một lúc nữa cho tới khi ánh trăng đã trùm kín cả gian phòng thì chị và tôi mới dừng chuyện. Chị bước ra cửa, chào tôi mà vẫn không quên ghẹo:

- Châu ráng khoẻ, đừng để cô bé hồi chiều lo nữa nghen!

Tôi cười cười, chào chị rồi nằm xuống giường, tự ru mình vào giấc ngủ và mong sao ánh mắt của em chẳng còn dai dẳng trong giấc mơ của tôi nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top