2. Phúc Khảo


Ánh bảo tôi khờ, nhưng tôi biết không phải vậy, ít nhất là trong chuyện học hành.

Năm lớp mười một tôi xếp nhì lớp, chỉ đứng dưới một người. Lúc đó với tôi thế là đủ cừ, đủ giỏi, nhưng vì tính ganh đua có lẽ được truyền từ bác cả, năm nay tôi muốn giành lấy hạng nhất. Mà theo một cách "vô tình", người đang giữ hạng nhất lớp tôi lại là thằng "Phúc Khảo".

Từ năm lớp sáu, Phúc đã giữ vững vị trí thứ nhất, được chọn vào tuyển để đưa đi thi, nhưng do nó xui xẻo thế nào mà bài thi hay bị chấm sai, lớp đặt cho nó biệt danh là "Phúc Khảo". Tôi và Phúc Khảo có một mối thù sâu đậm từ tận những năm tôi còn chưa vào tiểu học mà đến bây giờ mỗi khi nhắc lại, tôi vẫn cảm nhận được vị đắng nghét trong cổ họng.

Năm ấy tôi mới năm tuổi, được mẹ cho vào lớp của thầy Tấn đầu làng để học chữ. Nhà thầy có sáu cái bàn gỗ, xếp thành hai bên trái phải, mỗi hàng ba cái. Tôi và Phúc Khảo được thầy xếp ngồi chung ở chiếc bàn cạnh cửa sổ hướng ra sân gạch đỏ nung. Muốn vào nhà thì phải để dép ở bậu cửa, vậy là lớp tôi sinh ra cái thú "trộm dép", theo đó, Phúc Khảo là người hưởng ứng phong trào này nhất.

Phúc Khảo ưa trộm dép của tôi hơn những đứa khác, mỗi lần tiếng "Chúng con chào thầy" kết thúc buổi học vang lên, nó đã lấm lét chuồn đi mất. Và cho dù tôi có chạy nhanh đến thế nào chăng nữa, buổi chiều của chúng tôi vẫn sẽ kết thúc bằng cuộc rượt đuổi trên sân nhà thầy Tấn, có khi rượt sang cả vườn hồng xiêm nhà bà Cài. Tôi sẽ lại bị mẹ mắng vì hai bàn chân đen nhẻm, rồi tôi sẽ lại kể mẹ nghe rằng để lấy được đôi dép này về, tôi đã phải cực khổ đến nhường nào.

Những ngày tháng khi chưa đi học của tôi chỉ xoay quanh lời giảng của thầy Tấn, mùi hồng xiêm thơm nức của bà Cài, những lời mắng của mẹ và điệu cười ngạo nghễ của Phúc Khảo khi đã thành công lấy trộm được đôi dép tổ ong của tôi.

Ôi, tôi nhớ biết bao cái thời vô tư khi ấy.

///

Sau ngày khai giảng hôm đó tôi không gặp Ánh lần nào nữa, có lẽ do lịch học hai đứa chênh nhau, cũng có thể do tôi đã vô tình tránh mặt em nhiều bữa. Từ cuối năm lớp mười một tôi hay có thói quen về sớm, vì gần đến cuối cấp, tôi cắt giảm thời gian không cần thiết và tập trung hơn vào việc học hành. Một phần do tôi muốn học đại học ở thành phố, còn chín phần là vì tôi không muốn để thua Phúc Khảo.

Và cũng do tôi có tiết phụ đạo vào buổi chiều, cơm nước nghỉ ngơi rặt thôi đã mất tiếng rưỡi, mà nếu tôi bỏ bữa để tiết kiệm mấy đồng thời gian còm cõi thì thể nào mẹ cũng cho tôi một trận nhừ đòn. Vậy là nếu không về sớm, tôi chỉ có thể chọn cách ở lại trường qua trưa rồi về nhà lúc tối muộn.

- Mày ngẩn ngơ gì đó?

Ly đập vào tay tôi, nó nói nhỏ, dường như thấy hồn tôi đang trôi đi theo từng tiếng gõ thước trên bục giảng.

- Mày, quá giờ hai mươi phút rồi.

Bụng tôi réo lên như tiếng còi báo hiệu. Tiếng kim đồng hồ vẫn lách cách làm tôi thêm sốt ruột. Ly quay ra nhìn, rồi cất giọng thản nhiên.

- Thì nay tao với mày ở lại trường.

Tôi và Ly là bạn thân từ nhỏ. Cấp một Ly học cách tôi một lớp, đến cấp hai và ba thì trời run rủi hai đứa học chung, còn được xếp cho ngồi cạnh nhau, vậy là tôi với Ly thân càng thêm thân.

Nhà Ly ở xóm sáu, tôi ở xóm mười, học xa nên bọn tôi hay chở nhau đi đi về về, nhưng sau một tai nạn cuối năm ngoái thì mẹ của hai chúng tôi cấm tiệt hai đứa đi chung một xe. Có lẽ đó cũng là một lí do cho việc tôi đi muộn trong ngày khai giảng.

- Các em về nhà làm bài ở sách bài tập nhé. Cả lớp nghỉ đi.

Như chỉ chờ như có vậy, cả lớp ùa ra như ong vỡ tổ. Phúc Khảo vẫn giống như ngày trước, chưa chào cô, nó đã chạy ra khỏi cửa, phóng đi mất tăm.

Buổi chiều có hai tiết toán phụ đạo, giờ tôi về cũng không kịp nữa. Tôi thở hắt ra, quăng viết chì vào hộp bút, giắt balo lên vai rồi bước ra khỏi cửa lớp.

- Đi, mày!

Tôi và Ly chọn chiếc ghế đá dưới gốc bàng ở góc sân là địa bàn hoạt động mỗi trưa bọn tôi không về nhà. Lá bàng to nên che nắng tốt, lắm lúc tôi còn ngủ quên nơi những giọt nắng li ti thấm đẫm lên mái đầu, để rồi tỉnh dậy với vầng trán đẫm nước.

Hai hộp mì được Ly mua sẵn, tôi vừa ăn vừa ngước mắt lên tầng hai dãy nhà A, nơi các lớp vẫn còn sáng đèn.

- Muộn vậy rồi ai còn học trên đó vậy?

Tôi chỉ tay, hỏi.

- Khối mười đó, thứ bảy nào cũng thế mà. Mày để ý tí coi, trống đánh được một tiếng đã tót về.

- Học tới mấy giờ?

- Mười lăm phút nữa là tan, mày chờ ai trên đó?

Bây giờ tôi mới chợt nhận ra tôi chưa hỏi lớp của Ánh, tôi đoán em học lớp mười, vì những năm trở lại đây tôi chưa thấy em bao giờ.

Tôi nuốt xuống, ngóng chờ một điều gì mà đến chính tôi cũng chẳng rõ nổi.

Đến khi hai chúng tôi đã nằm ngả ra băng ghế, sân trường mới bắt đầu rộn ràng. Áo dài đỏm dáng, sơ mi trắng đóng thùng nhanh chóng tràn xuống khắp các dãy hành lang lớp học rồi tản ra, chia năm, chia bốn. Tôi nhìn theo mà thầm cảm thán, mới vào trường ai cũng tuân thủ luật ghê gớm, đâu như bọn cuối cấp chúng tôi, váy áo xộc xệch rồi tròng thêm áo khoác ngoài là đã đủ để qua mắt bác bảo vệ.

Mất một lúc lâu tôi mới tìm ra Ánh, em mặc áo dài trắng giống hệt ngày hôm ấy, nhưng mái tóc đen dài đã được buộc gọn lên. Liếc mắt qua bên phải là mấy cậu chàng tầm tuổi, mặt non choẹt đi theo sau, cậu chàng tóc hai mái được hai cậu bạn đẩy về phía trước, nhưng cậu ngại, vội chạy đi.

Chưa vào học được bao lâu mà cậu đã thích người ta rồi? Tôi thầm thắc mắc. Nhưng nghĩ lại về lần đầu khi tôi thấy gương mặt của em, tôi không lấy làm lạ.

Nắng xiên qua dãy hành lang, chạm vào tóc em thật gần. Có lẽ em đang đi tới dãy để xe. Tôi suy nghĩ một hồi rồi quyết định đứng dậy, nói lại với Ly:

- Tao ra ngoài xíu, mày trông hộ tao cái cặp.

- Mày định đi đâu? Sắp vào giờ rồi kìa.

Đáp lại câu hỏi của Ly là tiếng cười của tôi, chạy đi được một đoạn xa, tôi mới hét vọng lại.

- Chịu khó đi rồi tao mua bánh tráng cho!

Có lẽ đã quen với thói tùy hứng của tôi, Ly không nói gì, chỉ lắc đầu ngán ngẩm.

Nắng trưa làm tầm nhìn của tôi nhoè nhoẹt, nhưng không ngăn được bước chân tôi chạy vội. Tôi lách qua đám đông ở nhà xe trường, rồi khi sắp đến gần em, tôi đi chầm chậm như đang lén lút làm điều gì đó.

Bóng lưng em lúc bấy giờ gợi tôi nhớ về buổi khai giảng đã qua được gần tuần. Vai Ánh hẹp, tạo cảm giác nhỏ nhắn hơn lứa bạn, nhưng em lại có chiều cao vượt trội hơn cả. Tôi đi lướt qua, tìm về chiếc xe đạp của mình.

Và khi tôi đang rón rén dắt xe ra, tôi nghe được tiếng gọi từ đằng sau lưng.

- Chị Châu?

- Ánh?

Tôi cứ ngỡ Ánh đã ở ngoài cổng trường, giờ em đứng sau tôi, tôi không tránh khỏi chập choạng, suýt mất đà. Nhưng em đã nhanh chóng nắm lấy cổ tay tôi mà hỏi dồn:

- Chị ở đây làm gì thế? Chị phải học chiều mà, phải không?

- Mình...

Tôi tránh khỏi ánh mắt dò xét của em. Em hiểu tôi hơn tôi nghĩ, em biết lịch học của tôi và cả hành động thụt thò của tôi lúc bấy giờ. Tôi hết cách, đành thú nhận bằng một câu mở lời.

- Hôm nay mình đưa Ánh về nhé?

Tôi nuốt nước bọt, nhìn vẻ mặt của em. Nếu em từ chối, chắc tôi sẽ không ở lại trường nữa mà bỏ về nhà ngay tức khắc. Có lẽ khi ấy tôi đã đặt cược cả một mối quan hệ mới toanh vào câu hỏi này.

Ánh nhìn tôi bằng hai con mắt ngạc nhiên, khoé môi em hơi cong lên, rồi cuối cùng, em gật đầu.

Lồng ngực tôi như vừa trút bỏ được một tảng đá nặng trịch, tôi thở phào, bước dọc theo con đường đầy sỏi từ dãy nhà xe tới cổng trường. Khi ngồi lên yên xe, tôi bật cười khi nghe thấy tiếng gọi của Ánh.

- Chị nhớ bắt kịp nhé, em chạy nhanh lắm đó!

Nắng men qua tán cây rộng, lăn tăn trên những vạt áo trắng chạy tà tà bên con đường mới. Nắng nhuộm vàng cổng trường đương rộn rã, sưởi cho lông con mèo hoang đang rúc mình ở sạp đồ ăn vặt đầy những cô cậu học trò ham vui. Nắng dịu dàng với đất trời, nắng là bạn của lũ học trò chúng tôi. Tôi chạy xe ở sau Ánh, có vài lúc hai chúng tôi chạy song song, nhưng đa phần tôi cố ý để thụt lại. Khi tôi ở cạnh, Ánh quay sang hỏi.

- Chị không sợ sẽ muộn giờ học chiều à?

- Đi nhanh không ấy mà, mình cũng không muốn Ánh về một mình.

- Mà Ánh không học chiều sao?

- Từ tuần sau bọn em mới bắt đầu học, nếu được thì sau giờ chị lên giảng bài giúp em nha?

Tôi không biết em đang nói thật hay đùa, nhưng khi chưa được bắt đầu thì công việc giảng dạy ấy đã bị trì hoãn, trong đó bảy phần là vì sự bất cẩn của tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top