1. Nắng rạng


Nắng rơi đầy trên con đường mới trải nhựa.

Mới sớm mà đường xá đã chật bóng xe cộ. Tôi chống chân xuống nền đất, chốc chốc lại vươn mình để xem dòng người đông đúc phía trước đã vắng đi phần nào hay chưa, trái với sự kì vọng của tôi, nó chỉ hỗn loạn thêm chứ chẳng biến mất đi được như mộng ước viển vông ấy.

Đường này vốn không hay tắc, nhưng tháng trước huyện mới cho đổ nhựa, không còn chằng chịt đất đá và vũng bùn sâu nào nữa. Từ ngày ấy, thay vì đi lối dẫn thẳng ra quốc lộ thì con đường này lại được người ta ưa chuộng hơn cả, mặc cho nó chỉ dẫn đến trường huyện và một lối đi ngoằn ngoèo vòng ra đường lớn.

Ngồi cứng trên yên xe, lắng nghe tiếng động cơ và tiếng ồn ào của đám đông buổi sớm, tôi biết mình đã muộn buổi khai giảng của năm học cuối cùng thời cấp ba.

Lúc tôi đến thì buổi diễn văn đã kết thúc, tiếng trống khai mạc ngân dài trên những tán bàng xanh mướt và cả khoảng trời thu rộng thăm thẳm. Vì là trường cấp ba duy nhất của huyện nên dịp lễ nào khách mời cũng chật kín lối đi, tôi vừa cúi đầu lách qua những thân áo dài đứng cạnh cổng trường, vừa nhìn quanh tìm vị trí lớp mình.

Khai giảng năm nào nhà trường cũng thay đổi vị trí của ba khối lớp học, cô tôi nói làm vậy để học sinh quen với khuôn viên trường, nhưng tôi chỉ thấy nó làm bọn tôi dễ đi lạc. Bằng chứng là năm ngoái lớp tôi lạc mất ba đứa vì bọn nó đi sang hàng của anh chị lớp mười hai.

Tôi nhìn quanh tình hình lúc bấy giờ, cũng đã hiểu hoàn cảnh của bọn bạn tôi phần nào. Áo trắng rợp mắt mà bảng lớp thì tít trên những hàng đầu kế sân khấu chính, người người răm rắp chen nhau, không biết lớp nào với lớp nào, hàng nào với hàng nào nữa.

Tôi đành phải đi theo cảm tính của bản thân mình. Vừa bước chân, tôi vừa cầu nguyện trong đầu sẽ có một người cùng lớp nào đó nhận ra tôi mà kéo tôi về với mọi người. Kì kiểm tra sức khoẻ lần hai năm lớp mười một cho ra kết quả tôi cao mét sáu tròn, so với lứa bạn đã là ngất ngưởng, đứng trong đám đông không sợ lạc, nhưng tôi phải tự hỏi lại về điều đó khi chen giữa đám đông chật chội, tôi bị ép đến ngạt thở nhưng vẫn chẳng có ai nhận ra sự lẻ loi của tôi mà giúp tôi thoát ra.

Đến khi tiếng trống khai mạc kết thúc, mọi người xung quanh đồng loạt ngồi xuống, để lại tôi bơ vơ một mình giữa sân trường đầy nắng. Vào chính khoảng khắc ấy, tôi biết kí ức này sẽ đeo bám theo tôi cho tới mãi về sau.

Những ánh mắt hiếu kì, những cái nhìn châm chọc, những lời nói ồm ồm mà tôi chẳng thể nào nghe rõ đều đang hướng về phía tôi. Nếu nói về cảm giác lúc ấy, tôi chỉ muốn ngồi lên chiếc xe của mình mà hoà lại với dòng người đang tắc kịt bên con đường ngoài kia. Khói bụi và mồ hôi tôi cũng mặc kệ, miễn là những ánh mắt đang nhìn tôi chằm chằm ngay bây giờ có thể biến mất đi. Tôi cá là đến khi tôi ra trường, ấn tượng về tôi trong đầu các em khối dưới vẫn chưa hề phai mờ.

Trước khi tôi kịp chạy biến đi vì xấu hổ, có một cánh tay đã chạm vào bả vai tôi. Chưa kịp nói gì, cánh tay ấy cầm lấy tay tôi mà kéo đi trong sự ngỡ ngàng của chính tôi, và có lẽ của tất cả mọi người trong lễ khai giảng ngày hôm ấy.

Tôi cứ nghĩ cánh tay đó là của một đứa bạn nhìn thấy tôi lạc lớp nên thương tình mà dẫn về, nhưng đến tận khi bị kéo đi quá hàng phượng, tôi mới nhận ra đây là một người hoàn toàn xa lạ. Tôi thoáng sợ, ngơ ngác gọi theo.

- Bạn gì ơi?

Tiếng gọi của tôi có lẽ chưa đủ lớn, hoặc người kia đang cố tình phớt lờ tôi, vì người ta vẫn cứ đi tiếp. Áo dài trắng, tóc đen mượt được xoã ngang lưng, dáng người dong dỏng cao là những thứ duy nhất tôi nói lên được từ bóng lưng này. Tôi cũng chẳng hiểu sao lúc đó tôi cứ mặc kệ để họ dẫn tôi đi, nhưng ít ra còn đỡ hơn khi bị cả ngàn ánh mắt hướng về ở ngay giữa sân trường rộng lớn.

Tôi được kéo đi đến hàng cuối của một dãy lớp nào đó, người kia đặt một chiếc ghế nhựa xuống nền đất, cất lời nói đầu tiên.

- Chị ngồi đi, ghế em vừa mới lấy thôi.

Giọng rất trong. Lúc này tôi mới có thời gian để nhìn rõ người đó. Tôi đã nghĩ người đủ sức kéo tôi đi xềnh xệch như thế hẳn là một người rất đáng sợ, nhưng khi nhìn vào mắt của người đối diện, nó hoàn toàn khác xa tưởng tượng của tôi.

Mắt to tròn, hai má hồng hồng như còn vương bột phấn, đôi môi căng mọng khiến tôi không chắc người ấy có điểm son hay không. Nắng rất biết cách làm tô đậm vẻ đẹp của người ấy, vì khi nắng mơn man mái đầu người đối diện, tôi thấy mình ngỡ ngàng đi đôi chút. Dựa vào cách xưng hô, tôi đoán người đó kém tôi một, hai tuổi.

- Mình xin lỗi... Nhưng em là ai vậy?

Tôi còn chưa hoàn hồn, ngượng ngùng hỏi.

Em ngồi xuống chiếc ghế bên trái, đập nhẹ tay vào chiếc ghế còn trống bên cạnh như muốn bảo tôi hãy ngồi xuống. Tôi thoáng do dự, nhưng rồi cũng làm theo.

- Xin lỗi vì đã kéo chị như vậy nhé.

Em nói, tôi để ý giọng em hơi run run.

- Từ lúc chị mới vào cổng trường em đã để ý thấy chị rồi, nhưng vì vẫn còn tiếng trống nên em không rời khỏi vị trí được.

Rồi em nhìn sang cổ tay tôi, mỉm cười nhẹ. Lúc ấy nắng đã nổi gắt, nhưng tôi thấy trời như dịu đi.

- Em tên là Ánh, Nguyên Ánh.

- Mình là Châu.

- Em biết mà.

- Gì cơ?

Tôi nghiêng đầu nhìn em, ánh mắt bất ngờ xen lẫn sự tò mò.

- Áo của chị có ghi này.

Em chỉ vào gấu áo của tôi, nơi có dòng chữ "Kim Mẫn Châu" được thêu tay cẩn thận.

Từ khi tôi còn bé xíu mẹ đã thêu tên tôi lên áo. Bà bảo làm vậy cho khỏi mất, mà tay bà cũng lên nghề. Vậy nên đầu năm mỗi lần nhà trường phát đồng phục, tôi đều mang về đưa mẹ rồi ngồi xem từng đường chỉ như một phép màu đính lên áo tôi mà trong đó mẹ là một nhà ảo thuật đại tài. Lớn lên thì tôi không còn làm như vậy nữa vì thấy điều ấy rất trẻ con, nhưng mỗi lúc đi giặt mẹ đều lấy về rồi âm thầm thêu cho tôi, bà thêu thật nhỏ, để tôi không bị bạn bè trêu chọc là đồ con nít.

Tôi cười xoà, lấy tay miết dòng chữ cho thật thẳng thớm.

- Mà sao em lại giúp mình? Em có vẻ tốt bụng nhỉ?

Tôi quay qua, trong đầu dậy lên cả ngàn câu hỏi. Nguyên Ánh nhìn tôi, em mỉm cười, một nụ cười mà mãi cho tới sau này tôi mới hiểu hết được những suy nghĩ của em trong ấy.

- Em thấy chị khờ quá.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top