Mùa lạc
Người ta vẫn có thể lạc nhau, mất nhau ngay cả khi vẫn còn yêu nhau. Nhưng đôi khi rời xa nhau lại là cách tốt nhất để mỗi người có thể sống cuộc đời của mình và hy vọng mai sau sẽ còn gặp lại. Cứ để mùa hè dẫn lối chúng ta qua nhiều ngã rẽ khác biệt, để trái tim trưởng thành và chín chắn hơn, để biết chúng ta cần gì và cần ai.
Cậu hẹn tôi, giữa ngày mưa mùa hè nhạt nhòa. Chúng tôi đứng chung dưới tán ô màu xanh lá. Khoảng cách rất gần nhưng người đang đứng trước mặt tôi tựa như ảo ảnh. Cậu cao hơn tôi cả cái đầu, tôi ngước cổ lên nhìn, chạm vào đôi mắt trong veo ấy, tôi biết cậu có điều gì muốn nói. Tôi chờ đợi cậu nói... Nhưng cậu chỉ dúi vào tay tôi lá thư, trao ô cho tôi rồi cậu bước ra ngoài màn mưa. Chiếc áo sơ mi khô ráo bỗng trở nên ướt nhẹp. Tôi không hiểu, lá thư trên tay là có ý gì? Tôi muốn chạy theo cậu để hỏi nhưng có điều gì ngăn đôi chân tôi lại. Bóng cậu nhạt dần rồi mất hút. Con đường rộng thênh thang chỉ còn lại tôi đứng ngẩn ngơ. Bong bóng mưa rơi vỡ như trái tim tôi cũng sắp sửa vụn vỡ bởi một người sẽ ra đi.
Một tiếng đồng hồ sau, tôi mới về đến nhà. Để ô trên ban công, tôi bóc thư ra đọc ngay:
"Xin lỗi vì tớ đã không đủ dũng cảm cất lời tạm biệt với cậu nên để con chữ nói hộ vậy. Khoảng thời gian vừa qua với tớ mà nói rất hạnh phúc. Cậu là một người bạn đặc biệt trong trái tim tớ. Có cậu kề bên là động lực của tớ, gọi nói chuyện với tớ hằng ngày khiến tớ cười nhiều hơn. Tớ thích cách kể chuyện của cậu, cách cậu cười và nhiều thứ khác nữa. Cậu luôn biết cách khiến đối phương trở nên thoải mái khi ở gần cậu. Tớ muốn nắm tay cậu nhưng tớ không thể mang cậu đi theo. Tớ còn nhiều ước vọng và tớ sẽ làm bằng mọi giá trước khi tuổi trẻ tàn phai.
Đừng buồn tớ nhé, chúc cậu luôn vui vẻ trong những ngày hè còn lại."
Tôi đọc xong lá thư thì trời cũng vừa hửng nắng. Tôi cất ô vào nhà kho rồi lên gác nằm. Cây phượng nhà hàng xóm trổ bông rực thắm, những cánh hoa vươn mình vào cửa sổ phòng tôi. Màu đỏ thắm thiết của phượng lại một lần nữa khiến lòng tôi xốn xang.
Một tuần sau đó, tôi đeo ba lô lên và đi. Tôi cũng không biết vì sao mình lại quyết định như vậy, có lẽ vì lúc đó tôi quá buồn bã và chênh vênh khi một người đang ở cạnh mình rồi bỗng dưng không còn được nhìn thấy nữa. Tôi không thể khóc, không thể cứ trốn biệt trong phòng rồi nước mắt ngắn dài như những cô gái yếu đuối khác. Thật ngu xuẩn và ấu trĩ.
Tôi dùng những cuộc hành trình của mình để lấp đầy khoảng trống chơi vơi trong tâm hồn. Tôi nghĩ giữa chúng tôi có lẽ không hợp nhau và tôi đi để tìm một người có thể thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia cho nhau những buồn vui, những khát khao, ước vọng. Mỗi nơi tôi đặt chân đến, những tòa nhà cao tầng, những món ăn ngon cũng chẳng khiến tôi vui lên được chút nào. Ban đầu tôi đi để tìm quên rồi tôi nhận ra những gì mình làm bao nhiêu ngày tháng qua chỉ là sự trốn tránh mà thôi.
Tôi đang nhớ đến cậu ấy thật nhiều. Nhưng khi cậu quay lưng, bước chân càng lúc càng xa tôi, thì tôi lại chẳng thể làm gì. Chỉ có thể đứng lặng yên và nhìn, một lời níu lại cũng không đủ dũng khí. Bởi tôi hiểu, đó là sự lựa chọn của cậu, tôi chấp nhận. Quên lãng là điều không dễ dàng. Ký ức đó, tình cảm đó chưa một lần phai nhạt đến cả hơi ấm của bàn tay cậu lúc đan vào tay tôi vẫn còn vương vấn đâu đây. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ thôi cũng làm chúng ồ ạt quay về, khuấy động trái tim. Như cơn mưa hè chiều nay khiến mọi thứ xung quanh trở nên chao đảo và mơ hồ.
...
Tôi gặp cậu vào mùa hè năm ngoái khi thành phố như chiếc chảo dầu khổng lồ đun nóng cả con người lẫn cây cối. Cô bạn thân cùng phòng ký túc xá cho tôi tấm vé xem kịch ở rạp 19/4 mà cô đã xếp hàng đợi cả tiếng đồng hồ mới mua được.
"Sao cậu không đi, không thấy tiếc à?"
"Tớ có hẹn rồi, anh ấy vừa về nước bảo tối nay gặp, bọn tớ sẽ đi ăn cá viên chiên cùng xúc xích rán. Cậu muốn ăn không, tớ sẽ mua về." Bạn thân vừa nói vừa chải mái tóc dài suôn mượt.
Tôi phẩy tay.
"Thôi, không cần. Hai cậu ăn xong rồi đi xem kịch cũng được mà."
"Anh ấy ghét kịch lắm. Tớ đi nhé." Cô bạn tôi vẫy tay, xúng xính trong chiếc đầm màu hồng phấn tiến ra cửa.
Tôi nằm xuống giường, lăn qua lăn lại, tay săm soi tấm vé, nếu không đi thì tiếc, tiếc cho số tiền và tiếc cho tấm lòng của cô bạn tôi. Nghĩ vậy, tôi ngồi dậy khoác thêm chiếc áo ngoài rồi đi thẳng đến rạp chiếu phim. Tôi hiếm khi nào đến rạp để xem phim hay kịch. Nếu muốn xem tôi chỉ cần mua đĩa về rồi nằm nhà vừa xem vừa bóc hạt dẻ. Tôi cũng không có hứng thú với kịch vì kịch chỉ toàn nói là nói, không lãng mạn như phim Hàn cũng chẳng gây cấn như phim hành động của Mỹ. Đây là lần đầu tiên tôi đến rạp, một nơi cũ nát và nhân viên thì lạnh lùng vô kể. Tôi xuống cầu thang ọp ẹp như muốn gãy để bước vào bên trong. Không gian rất mờ và tối. Tôi phải vịn vào tường cho khỏi ngã. Những dãy ghế được xếp từ cao xuống thấp. Tôi ngồi ở hàng ghế thứ chín và ngồi cùng với một người lạ hoắc để xem một vở kịch buồn tẻ đến mức nhiều lần tôi phải đưa tay che miệng ngáp. Vở kịch kể về một nhóm học sinh nổi loạn, phá phách. Trong đó tôi chú ý đến cậu nam sinh nhuộm tóc vàng hoe, đeo khuyên tai ở mũi vì cậu là nhân vật trung tâm của vở diễn.
Vở kịch lên tới đoạn cao trào khi mẹ cậu vì đi tìm cậu mà bị tai nạn giao thông và qua đời. Cậu rất ân hận, quyết tâm làm lại từ đầu. Tôi thích nhất là cảnh cuối cùng khi cậu quỳ gối khóc trước mộ của mẹ. Cậu diễn y như thật. Chính những giọt nước mắt muộn màng của cậu đã khiến tôi rơi lệ. Thế mới nói, tuy đề tài không mới mẻ nhưng diễn viên đóng quá xuất sắc, quá nhập tâm thành thử ra vở kịch chán ngắt đã lấy đi biết bao nước mắt, buồn đau của khán giả.
Vở kịch kết thúc, tôi đã ra sau cánh gà tìm gặp cậu. Tôi muốn hỏi cậu thử xem làm sao cậu lại có thể diễn hay đến thế. May mắn thay một chị trong đoàn kịch tốt bụng sắp xếp cho tôi một buổi gặp gỡ với cậu diễn viên đó.
Cậu ấy tên Minh, trạc tuổi tôi đến từ phố núi mù sương. Khi nghe tôi nói:
"Cậu đóng hay lắm."
Minh tỏ vẻ hào hứng và đập tay lên ngực, cười toe toét.
"Hạnh phúc quá, không ngờ tớ chỉ mới đóng lần đầu mà đã có người hâm mộ rồi. Cảm ơn cậu."
Tôi đỏ mặt cúi đầu và định cáo từ thì Minh đột ngột nói muốn ăn gì đó. Cậu kéo tay tôi đi cùng mặc cho tôi có đồng ý hay không. Chúng tôi đến quán ăn gần rạp. Minh gọi rất nhiều món. Cậu ăn ngấu nghiến như sắp chết đói đến nơi vậy. Tôi rụt rè, đưa tay bốc miếng thịt xé nhỏ.
"Cảm ơn cậu đã tới xem tớ diễn, tớ nghỉ học lâu rồi và hiện đang sinh hoạt tại đoàn kịch. Lần đầu được đứng trên sân khấu, còn nhiều thiếu sót, mong cậu không có ý chê bai."
Minh nói bằng chất giọng quê hương cậu, tôi nghe có chút không quen. Dĩ nhiên là tôi không chê bai cậu, ngược lại tôi thấy cậu diễn khá đạt, nhất là những cảnh nội tâm nhân vật, cậu nhập vai hoàn hảo. Minh sôi nổi, vui tính. Chỉ mới biết nhau ít phút nhưng cậu đã làm tôi bỏ đi lớp vỏ nhút nhát của mình và nhanh chóng hòa nhập với người bạn mới quen.
Minh gọi thêm một đĩa thịt bò và há cảo. Cậu dùng tay xé thịt ra thành từng miếng nhỏ vừa ăn rồi quệt vào nước sốt ăn một cách ngon lành. Tôi uống Cola, ăn phở kèm với ngò gai.
Tôi chỉ vào khuyên tai sáng lấp lánh trên mũi cậu, hỏi.
"Không đau à?"
"Hả? À, cái này sao, tớ không bấm vào, chỉ kẹp hờ khi đóng thôi. Xem này."
Minh gỡ chiếc khuyên tai ở mũi ra rồi giơ lên trước mắt tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Vì Minh vào vai một cậu học trò cá biệt nên cần phải hóa trang sao cho giống: nhuộm tóc, đeo khuyên, xăm hình. Nhắc đến việc xăm hình, tôi mới nhớ. Hình xăm chim ưng trên cánh tay phải của Minh thật ấn tượng. Tôi trầm trồ khen mãi.
"Ý cậu là cái này sao?" - Minh chỉ vào hình xăm trên cánh tay mình. - "Tớ dán vào đó, cậu đừng để mắc lừa. Ban đầu chị hóa trang bảo xăm thật nhưng tớ không chịu đành dùng đến hạ sách này. Chú đạo diễn nhìn tớ không giống như học sinh nổi loạn nên có ý chần chừ. Tớ thuyết phục mãi và bảo rằng sẽ không làm chú ấy thất vọng. Và kết quả cuối cùng thì... cậu cũng biết rồi đó. Sau khi diễn xong chú ấy khen tớ quá trời luôn."
Minh nhe hai hàm răng trắng bóng, cười.
Tôi nuốt cọng phở, hỏi tiếp.
"Cậu sẽ ở lại bao lâu?"
"Vài tháng, chú đạo diễn có người bạn ở đài truyền hình, hai bên hợp tác gì đó nên đoàn kịch của tớ sẽ ở lại lâu hơn dự định. Tất nhiên nếu xong sớm, đoàn kịch sẽ rời đi, sang các tỉnh khác."
Nghe cậu nói sẽ đi, tự dưng tôi nuốt không trôi, cổ họng như có gì làm cho nghẹn cứng. Ăn xong chúng tôi nán lại thêm ít phút nữa, buôn chuyện phiếm. Minh yêu thích kịch nghệ từ khi còn nhỏ. Cấp một, cậu nằm trong đội kịch thiếu nhi của trường, từng tham gia nhiều vai nhỏ ít người biết đến. Học xong mười hai, cậu cuốn gói xuống núi, tham gia vào đoàn kịch Thiên Lam để thỏa mãn niềm ước mơ diễn xuất mặc cho sự ngăn cản từ bố mẹ và họ hàng thân thích. Cậu sinh hoạt khá lâu nhưng vở diễn Tuổi nổi loạn mà tôi xem tối nay là vai diễn đầu tay của cậu. Khi nghe tôi hỏi vì sao, Minh giải thích.
"Tớ giúp việc cho đoàn kịch gần nửa năm, ai sai gì làm nấy. Những lúc rảnh, tớ lén xem các anh chị diễn xuất và cũng học hỏi được một chút kinh nghiệm. Một lần, một anh trong đoàn đột nhiên ngã bệnh, thiếu diễn viên và tớ là người thay thế. Từ đó chú đạo diễn mới để mắt đến tớ. Ai cũng vậy, chúng ta phải đi lên từ những việc nhỏ nhặt."
"Cậu có khi nào ân hận về quyết định của mình không?"
"Sống với đam mê sao gọi là ân hận được chứ? Nếu có, tớ chỉ buồn khi không về nhà thăm bố mẹ thôi." Giọng Minh chùng xuống.
"Tại sao không, cậu có thể xin phép các cô chú trong đoàn cho mình về thăm nhà vài ngày là được thôi mà." Tôi thắc mắc.
Minh lắc nhẹ đầu.
"Vấn đề không nằm ở chỗ đó, trước khi đi, bố tớ nói nếu mày theo nghề diễn viên thì đừng bao giờ bước chân vào căn nhà này nữa."
Tôi cười, an ủi cậu.
"Trong lúc tức giận, bố cậu mới nói thế. Có cha mẹ nào lại không vui mừng và hãnh diện khi thấy con cái mình thành công đâu chứ."
Chúng tôi trao đổi số điện thoại để liên lạc. Tôi nhớ rất rõ không đầy một tháng chúng tôi trở nên thân thiết, nhắn tin thâu đêm suốt sáng, cuối tuần Minh đến ký túc xá nữ chở tôi vòng vèo thành phố. Tôi ngồi đằng sau, nắm hờ vạt áo cậu. Chiếc xe chạy vun vút qua các ngã tư, qua những ngôi nhà nằm san sát nhau. Tốc độ khá nhanh khiến mái tóc tôi bay phần phật. Đến khi cây phượng trước cổng trường rực cháy trên các tầng cây, chúng tôi trở thành một đôi.
Cô bạn thân tôi hỏi thế có hạnh phúc không. Tôi lưỡng lự, cảm thấy rất khó để trả lời. Tôi vui vì những giờ phút ở bên cậu. Bên cạnh đó một nỗi buồn mong manh ẩn hiện quanh tâm trí tôi. Tôi biết rồi sẽ có ngày cậu rời khỏi thành phố này, cậu vốn không thuộc về nơi đây. Cậu sẽ tới một thành phố khác rồi sẽ quen một cô gái ở nơi ấy giống như đã từng quen tôi. Nghĩ đến đây tôi bỗng thấy khóe mắt mình se cay.
Tôi không thể rời khỏi nơi chốn mình ở. Học xong tôi sẽ về công ty ba làm. Con đường tôi đi đã được kẻ sẵn, dù muốn dù không tôi vẫn phải nghe theo. Nhiều lúc tôi thèm khát được như Minh, có đủ dũng cảm để bỏ nhà đi thực hiện điều mà mình hằng ấp ủ. Minh là con người có những hoạch định rõ ràng, cậu biết mục đích mà cậu theo đuổi còn tôi thì không. Một người không xác định được lý tưởng sống cho riêng mình như tôi thì nghĩ gì đến việc lìa xa tổ ấm gia đình.
"Tớ ngưỡng mộ sự tự do của cậu." Tôi nói khi cả hai chúng tôi đang ngồi xem hoàng hôn bên bờ biển.
"Tự do? Cậu không được tự do à?" Minh hỏi, vẻ mặt kinh ngạc.
"Tớ là con một, từ nhỏ đến lớn tớ luôn nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ ngay cả ngành mà tớ đang học cũng do bố tớ chọn." Tôi thở hắt ra.
"Ước mơ của cậu là gì, cậu phải lên kế hoạch tỉ mỉ từ đó dùng cả lòng quyết tâm để thực hiện đến cùng."
Nắng lấp lánh xuyên qua kẽ lá trong khi nắng chiều dần buông mãi tận chân trời. Tôi nghe giọng mình như vọng về từ cõi nào đó xa xăm.
"Có những chuyện đâu thể nói được là làm được."
"Như tớ đấy thôi, tớ ước mình trở thành diễn viên kịch nổi tiếng và tớ không ngừng cố gắng. Bây giờ, cậu xem, tớ thành công được một nửa rồi đấy."
Thấy tôi cứ ủ rũ hoài, Minh chuyển đề tài. Cậu kể về đoàn kịch nơi cậu sinh hoạt. Đó không chỉ là một đoàn kịch thông thường, kiếm sống bằng nghề diễn xuất mà đó còn là trường học đào tạo những ai có niềm đam mê với kịch. Mỗi người trong đoàn đều muốn trở thành một diễn viên kịch chuyên nghiệp. Hàng năm, chủ đoàn kịch kiêm biên kịch tổ chức lớp chiêu sinh tuyển chọn ra những nhân tố mới có tiềm năng. Minh từng tham gia và được bầu chọn là diễn viên trẻ triển vọng trong tương lai. Những bộ phim ngắn của cậu được đăng trên các trang mạng xã hội. Nhưng vì tôi ít khi lướt ứng dụng xã hội nên tôi không biết đến Minh.
Nhờ vai diễn đầu tay trong Tuổi nổi loạn, cậu được mời tham gia đóng nhạc kịch, quay quảng cáo hay đóng các thể loại phim khác như đồng tính, kịch câm... Thành công trong phim chuyển giới, tôi đâm ra nghi ngờ giới tính của cậu.
"Cậu... là con trai thật chứ?" Tôi mút cây kem vị socola, nhìn cậu bằng ánh mắt dò xét.
"Có ai nói dối về giới tính của mình đâu chứ, tớ là đàn ông thực thụ đấy. Bộ trước giờ cậu nghĩ tớ là...?" Minh chớp chớp mắt.
"Tớ không có ý đó, tại tớ thấy cậu đóng bộ phim ấy quá xuất sắc nên..."
Minh cắt ngang lời tôi bởi nụ hôn thật sâu. Tôi đáp lại nụ hôn đó nồng nhiệt và mãnh liệt như chứa đựng cả những yêu thương, cảm xúc cất không nên lời.
"Giờ thì cậu tin chưa?" Minh ngừng hôn, nhìn sâu vào mắt tôi và hỏi.
Tôi gật đầu như một cái máy. Cho đến khi về tận nhà, nụ hôn vương mùi dâu ban nãy vẫn còn đọng trên đầu lưỡi. Thì ra vị của nụ hôn đầu lại ngọt và mềm đến thế.
Tôi vốn rất ghét mùa hè vì nắng nóng, bức bối và khó chịu. Mùa hè, tôi mong chờ những cơn mưa. Thử tưởng tượng xem, một buổi chiều ngồi bên cửa sổ ngắm từng giọt mưa bay bay thì sẽ thế nào. Nhưng từ khi gặp Minh, tôi yêu mùa hè. Cảm giác bức bối, khó chịu với những tia nắng đã không còn nữa. Tôi bỗng nhận ra nắng cũng đẹp và mưa cũng trong như nụ cười ai đó dần chiếm lĩnh toàn bộ trái tim tôi.
Điều kỳ diệu ấy đến vào buổi trưa hè nóng như lửa dù tôi đã mở tất cả cửa sổ. Trong phòng chỉ còn mình tôi. Bạn thân đi từ sáng sớm. Minh tạt ngang, đeo ba lô nặng trịch và mang đến chiếc hộp đựng đầy gió. Cậu mở nắp hộp, một làn gió mát lành tỏa ra khắp phòng. Bầu trời xanh ngắt một màu. Minh nói chỉ có mùa hè, bầu trời mới xanh như vậy. Chúng tôi ngồi một lát, kể vài câu chuyện trong tương lai. Cậu bảo tôi cuộc đời của mình phải do chính mình làm chủ. Người khác chỉ có thể đưa ra ý kiến cho ta tham khảo chứ họ không thể thay ta quyết định số phận của chính ta. Rồi cậu về.
Chủ nhật, Minh gọi điện rủ tôi đến nhà cậu chơi. Nói là nhà cậu cũng không hẳn đúng vì đó là ngôi nhà chung của cả mọi người trong đoàn kịch. Vì hôm ấy đoàn kịch quay ở đài phát thanh, Minh bảo không được khỏe nên ở nhà.
"Cậu nói dối ư?"
Minh gãi đầu.
"Hì hì, tớ muốn có không gian riêng tư cùng cậu."
Minh hỏi tôi muốn ăn gì không để cậu vào bếp làm. Trong lúc đợi cậu trổ tài bếp núc, tôi đi loanh quanh ngôi nhà. Góc riêng của cậu toàn là những cuốn kịch bản dày cộm và thời gian biểu sáng lẫn tối. Cậu ấy bận rộn vậy mà vẫn dành thời gian mình. Tôi nói thầm và sợi thương trong tôi lớn dần hơn. Cậu bảo tôi vào bếp xem thử món cậu nấu. Tôi ngạc nhiên khi thấy trên bàn chỉ có hai tô mì gói.
"Chỉ có vậy mà cậu nấu cả buổi đấy ư?" Tôi tròn mắt, không có ý chê mì cậu nấu.
Minh cười híp mắt.
"Hì, tớ không biết cậu thích ăn gì với lại trong tủ lạnh cũng chẳng còn gì."
Mì gói tôi ăn không biết bao nhiêu lần nhưng lần này tôi lại thấy chúng ngon lạ kỳ. Chỉ cần là người mình yêu thương nấu cho thì dù là cơm canh đạm bạc tôi vẫn cứ ngỡ là sơn hào hải vị. Tôi xì xụp húp đến giọt nước cuối cùng. Ăn mì xong, Minh học kịch bản. Tôi lấy một quyển sách ra đọc. Mỗi đứa làm một công việc riêng nhưng đó là những tháng ngày êm đềm nhất mà tôi sẽ nhớ mãi.
Chúng tôi dạo bước trên phố. Minh đột ngột quay sang tôi và nói.
"Tớ đang nghĩ đến mối quan hệ của chúng ta."
"Mối quan hệ của chúng ta?" - Tôi lặp lại. - "Chẳng phải rất tốt sao?"
"Ừ, tốt nhưng cậu có biết tớ sẽ phải ra đi." Minh dừng lại. Hoa rơi phủ đầu cậu.
"Tớ biết, tớ còn biết điều mà cậu khao khát." Tôi nói, lòng hoang mang.
Minh ngắt một chiếc lá ở hàng cây bên đường, giọng xa xôi.
"Tớ nghĩ mình cần phải nói trước để tới lúc khi tớ đi, cậu sẽ không thấy hụt hẫng quá nhiều."
Tôi im lặng, đầu hơi cúi. Minh cũng chẳng nói gì. Chúng tôi ngồi bệt dưới vỉa hè, trên đầu là vòm trời cao vời vợi. Quả đúng như Minh nói, bầu trời khi vào hè xanh trong, có thể nhìn xuyên qua các tầng mây. Điện thoại Minh đổ chuông, cậu bảo có việc quan trọng rồi vẫy một chiếc taxi về trước. Tôi lang thang đến bến buýt. Trong khi chờ xe đến, tôi nghe bài hát của 3107. Tôi biết nghe nhạc trong lúc này càng khiến tâm trạng chông chênh hơn thôi nhưng tôi không biết làm gì để nỗi u sầu này vơi đi.
Xe đến, tôi cất điện thoại vào túi và bước lên. Mãi suy tư, tôi để lỡ hai bến buýt. Khi xe dừng ở bến thứ ba, tôi bước xuống đi bộ ngược trở lại. Có lẽ giữa tôi và Minh chỉ như những người khách trên chuyến buýt cuối ngày, vô tình gặp nhau rồi phải lòng nhau. Khách qua đường vội vã thì làm gì có một cái kết trọn vẹn.
...
Ngày Minh đi, trời mưa lất phất nhưng sao tôi vẫn thấy giọt nắng lung linh đậu trên vai cậu. Lá thư cũng ướt nhòe. Nhìn cậu dần xa mà tim tôi như thắt lại. Tình yêu có đôi khi là sự chia tay. Dù đau cũng phải cố gắng kiềm chế để mạnh mẽ vượt qua. Bạn thân gọi điện an ủi. Có những mối tình, có những con người chỉ có thể xem nhau là kỷ niệm trong tim, là năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất, thơ mộng nhất mỗi khi nhớ về.
Nếu chúng tôi thật sự có duyên với nhau, chúng tôi sẽ gặp lại ở bất cứ nơi đâu dù khoảng cách có xa đi chăng nữa.
Một ngày mưa rào mùa hè, tôi đứng trú mưa dưới mái hiên nhà ai đó ở một thành phố xa lạ. Bỗng chạnh lòng khi trông thấy một đôi tình nhân dìu nhau bước qua màn mưa. Tôi tự hỏi, người người trong nhân thế khi yêu có thật sự hạnh phúc không cớ sao tôi với Minh cứ mãi cách trở?
Tôi biết ơn Minh vô cùng. Chính cậu đã truyền ngọn lửa niềm tin sang tôi, ý chí và cả lòng can đảm. Chuyến đi này quả thực không hề vô nghĩa một chút nào. Đi không những để hiểu thêm những điều mình chưa biết, để cho lòng nhẹ vơi mà còn để trải nghiệm ngay cả trong những lúc sóng gió. Giờ này chắc Minh đang vi vu ở một thành phố náo nhiệt, cống hiến hết mình vì nghệ thuật. Tôi mong cậu luôn thành công.
Từ mùa hè đó, chúng tôi gặp nhau rồi lạc mất nhau khi trong lòng hai đứa vẫn còn yêu. Thật ra rời xa cũng là một cách tốt, để ngày mai chúng tôi sẽ lại tương ngộ. Hy vọng dù mỏng manh, thôi thì hãy cứ để mùa hè dẫn chúng tôi qua nhiều lối rẽ khác biệt, để trái tim trưởng thành và chín chắn hơn, để biết chúng tôi cần gì và cần ai trong cuộc đời mai sau...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top