Mưa khóc

          Thanh xuân này, với bao người, cũng như việc lồng những phông ảnh cũ vào tấm khung vuông vắn vậy. Khi tìm mua được một chiếc khung ảnh thật ưng ý, những tấm ảnh đẹp gợi về một thời ngập ánh bình minh hiển nhiên được chủ nó cho phép dọn vào cư ngụ trong những lồng khung ấy, mà khi kết hợp, chủ nhân nó ắt tin rằng đó là một sự hòa quyện tuyệt vời. Tựa vậy, những năm tháng son trẻ dẫu tẻ nhạt hay nồng cháy của ai rồi cũng sẽ qua đi, song, có một điều như thể cố hữu trong tiềm thức về hoài niệm đã qua, rằng người ta luôn chọn những mảng xanh đầy nắng của thanh xuân hơn là góc u ám thê lương để đưa lên khung kí ức kia. Mảng xanh ấy có thể là một thời rong chơi cùng châu chấu và bọ ngựa trên bãi cỏ lau hoang dại nhưng đầy thơ mộng, áo trắng phượng đỏ trong ngôi trường làng sặc mùi gỗ mốc, hoặc hơn thảy đó có thể là hình bóng của người xưa dẫu đã xa rồi. Dẫu những cảnh vật thân quen xưa, và cả con người hay cả quãng xuân ấy đã mai mục chỉ còn lại nấm mùn cưa tựa những thanh gỗ bị mối khoét loang lổ, con người ta như vẫn muốn được đắm mình trong những dòng hạnh phúc ấy thêm nhiều lần không xuể nữa khi lớn lên, bởi họ luôn chọn những mảnh ghép đẹp và toàn mĩ nhất mà đắm đuối để nhớ về lúc sau này. Tôi, có lẽ không thuộc về số đông này. Thanh xuân tôi, thứ như được phủ lên lớp màng xám tựa màu những đám mây khi mưa về, với vài người, có lẽ không tươi đẹp là mấy để xứng đáng được lồng vào một khung hình hoàn chỉnh kia. Hoa cỏ ngoài đồng có lẽ làm không biết bao nhiêu người ngất ngây với mùi hương thanh khiết chính nó gắn liền với một thời thanh xuân rực rỡ, nhưng liệu ai dám nói rằng những ngày đen xám của thanh xuân tôi không có luyến hương riêng của nó nếu như không khách khí để nói rằng nó có lẽ còn tuyệt đỉnh hơn cái mùi hoa cỏ đại trà tran lan ngoài đồng kia?

Tôi hay nói rằng bản thân chỉ mới trải đời này tròn 18 năm, nhưng bằng một cách nào đó có thể khẳng định rằng, sự suy ngẫm cùng những nỗi ảo não về đời thống trị trong thẳm sâu trong tâm hồn bé nhỏ tôi là có thật. Cũng không nhớ rõ tự khi nào, chỉ biết là khi tôi còn nhỏ, tôi là một đứa trẻ tinh nghịch như ai. Sáng sáng khi mặt trời lên cao trên đỉnh những cây bông gòn sác sơ lá phía dưới phần đất trũng, tôi hay cùng đám đội binh gồm những anh trai và chị gái họ, đi men theo vào những khu đất um tùm cây cao xen lẫn những ngôi mộ cổ ma mị không biết rõ của ai, bắt tắc kè hoa, hay thỉnh thoảng là những con rắn mối có tấm áo khoác thật bóng bẩy trên lưng. Chế biến chán những con vật này bằng cách hình thức như nướng, luộc, chúng tôi thường đi lang thang dọc các con đường mòn dẫn ra khe suối nhỏ gần vực hái hoa dâm bụt hòng thưởng thức chút mật ngọt, hay thi thoảng là những quả chùm bao vàng óng mọng nước, hoặc cũng có thể là những trái trứng cá xanh đỏ đủ màu, khiến dư vị tuổi thơ như ngay đầu môi mỗi khi nhớ lại. 

Khi mặt trời xuống đỉnh nhường chỗ cho ban trưa gần chiều, thì ánh nắng dù gắt gao đến mấy cũng không ngăn nổi lũ trẻ tụi tôi tiến quân ra bãi đất trống, nơi có đụn cát mọc lên như một hòn đảo nhỏ ở giữa, của một người thợ sửa xe già, hòng bắt chuồn chuồn. Ngày ấy, mỗi khi mưa tạnh trời quang, chuồn chuồn như ùa ra từ khắp nẻo để tề tụ với lũ trẻ tụi tôi tại chỗ bãi trống này, nào là chuồn chuồn ớt đỏ máu lửa, chuồn chuồn kim thân hình mảnh dẻ, chuồn chuồn ngô với cái đầu tròn cứng cắp, đủ các loại bay chập chờn. Hàng giờ trôi qua cũng như không đủ cho lũ trẻ hay sục xạo này. Nhưng những buổi chiều đầy nắng trên những cánh rừng huyền bí hay trên bãi đất trống có hòn đảo làm vương quốc kia mãi rồi cũng có ngày nói lời chào tạm biệt tôi. 

Anh chị họ dần đã lớn, chẳng mấy chốc không còn hứng thú đi rong ruổi với những nhóc tì xưa nữa, hay thật rằng cũng vì nay những nhóc tì tôi cũng không còn nhỏ nữa và việc học có lẽ choán hết thời gian rồi. Tôi được gửi học vào một dòng tu các sơ gần nhà, chẳng được tự do tha thẩn như xưa, thay vào đó là những bài học toán khó nuốt phải học thuộc lòng và trả bài một cách gật gù cho các sơ vào sớm tinh mơ hôm sau trên các băng ghế đá. Hơn thế, tôi là con một trong một qia đình không mấy khá giả, bố mẹ lao động quần quật quanh năm, vậy nên, đứa bé năm tuổi tôi lúc bấy giờ sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi ngả chiều tà và màn tối chuẩn bị buông xuống sau mỗi ngày học mà chẳng có ai đón đưa, thay vào đó là bao năm tháng một mình lủi thủi trên con đường từ dòng về nhà. 

Vào những ngày trời mưa tầm tã, tuy đã nhiều năm trôi qua nhưng đường nét của viễn cảnh xưa vẫn chân thực hiện lên mỗi khi nhớ về. Có một lần tôi được đón về sau giờ học. Buổi chiều hôm ấy của đứa bé năm tuổi khác hẳn mọi ngày khi có bóng người thấp thoáng đón nó sau cánh cổng dòng. Nó là Ánh, lớn hơn tôi tận năm tuổi nhưng trên vai vế nó vẫn chịu phận làm em họ tôi. Thằng em họ có vóc người nhỏ thó, cao hơn tôi cái hẳn một cái đầu, song đôi mắt với hàng mi cong của nó rất đẹp và có phần mang lại cảm giác dễ chịu khi ở cùng. 

Chiều hôm đó âm u, trời như đang kéo mây cho một cuộc mưa tuôn. Đó cũng là lý do nó được cử đến dòng đón tôi về, tạm khiến đường về nhà lủi thủi mọi ngày nay hân hoan lạ thường. Tôi và nó chập choạng được vài bước, cơn mưa bỗng đâu ập xuống dìm cảnh vật xuống tầng ảo não. Trên con đường ấy chỉ vỏn vẹn vài ngôi mộ cổ nằm chơ vơ phủ đầy cỏ dại, tôi và nó chẳng tìm được căn nhà nào để trú tạm, duy chỉ còn cách tạt vào một lán gỗ mục. Lán ấy hay nói đúng hơn là một cái chòi lợp bằng lá khô và như một chiếc giường vậy. Lán này là nơi nghỉ trưa của những tay thợ mộc, đồng thời cũng là nơi chất những phên gỗ thật cao, và vách lán nhờ những thớ gỗ này cũng nhờ đó mà đơn sơ hình thành. 

Chúng tôi ngỗi đó thật lâu chờ đến khi mưa tạnh, im lặng. Cơn mưa đáng lẽ cũng phải như bao cơn mưa khác theo mùa sẽ trở lại gặp tôi theo một cách lu mờ. Nhưng không, kí ức tôi mãi về sau này có thể không ghi lại được những kỉ niệm rực rỡ thuở nhỏ mà bao người sẽ nhớ, thay vào đó, buổi chiều mưa và cảm giác huyền bí của căn chòi gỗ giữa đám mộ kia luôn tìm cách phác họa lại thật sống động trong tâm trí tôi bao năm sau này.

***

Cánh cổng gỗ có phần mục nát do mối mọt ấy luôn chạm mặt cô chủ nhỏ nó đầu tiên, và sau một ngày như bao ngày, ngày của đứa bé ấy luôn khép lại bằng việc quay trở lại cái hộp đen kia, nằm bẹp dí trên cái giường gỗ ọp ẹp, bầu bạn với cái TV vốn chẳng có nhiều kênh để xem, chờ đến khi bố mẹ nó về giải thoát thế giới mình nó buồn bã kia. Hết lớp một, rồi thì lên cấp hai, tiếp đến là ba năm cấp ba chật vật, cái viễn cảnh heo hút cuối ngày có phần cô liêu của cô bé năm ấy đến đây cũng chẳng thay đổi nhiều, chỉ khác chỗ nay nhà đã có thêm lầu và gia đình cũng đỡ nhiều hơn trước. Nhưng có lẽ nỗi trống vắng dàn trải từ thuở thơ bé hay nói đúng hơn một lỗ hổng mênh mông vô định trong tâm hồn không rõ nguyên do của cô bé năm xưa cũng không vơi đi là mấy nếu không nói rằng ngày nay nó càng biểu hiện rõ nét khi ý thức cô dần đầy đủ hơn, cũng như sự chơi vơi do căn nhà tuy lớn nhưng chẳng mấy thân thiện này dần đem lại. 

Buổi chiều hôm ấy, cô vẫn một mình dạo bước như bao ngày của thời cấp một trên con đường rộng nhưng thiếu chất sống quen thuộc kia, qua khu nghĩa địa vắng người, qua căn nhà lụp xụp của bà Tư còng, qua tiệm xi măng lát tôn chú Thắng,  nếu chỉ bao điều ấy thôi có lẽ cô đã quen rồi, bỗng mây đen kéo vần vũ kéo đến như muốn nuốt chửng bóng dáng nhỏ ấy, trời bỗng tối lại như bị úp chiếc vung khổng lồ dập tắt ánh nắng của sự sống, thế rồi mưa tuôn mưa trút. Cô vẫn mãi bước đi để rồi chỉ dừng chân trước cổng quen thuộc (nay là cổng sắt rồi), đẩy cửa vào nhà- căn nhà khúc đuôi hẻm cụt, nhìn ra cái thung lũng của nước thải và rác (mà dân tôi quen gọi là cái goọc) có đường tàu bắt ngang. Hiển nhiên, cơn mưa ấy ngày hôm sau có lẽ chỉ còn là chủ đề câu chuyện bàn tán mưa đầu mùa của các bà cụ trong xóm, hay hơn thế cũng chỉ là cớ để các chị buôn hàng than vãn về sự ế ẩm cho hàng mình, song, không ai biết rằng cái miếng vải tà xám cuối cùng đã buông lên trong kí ức và lan vào tâm hồn vốn héo hắt của cô lớp 6 năm ấy một bầu ảnh ảnh vô định, cái bầu xám luôn chực chờ để khi có cơ hội thì sẽ tràn ra và gieo màu úa lên cuộc đời ngây dại buồn khổ của cô. 

Thế giới của cô từ nhỏ cho đến lớn, có lẽ giống như con đường về nhà từ trường của cô vậy, ngổn ngang tới lui dòng người, nhưng sau rồi cũng như sót lại một thân lạc lõng và buồn thảm giữa dòng đời phù liêu kia. Đã từ rất lâu, cô không còn có thể hòa nhập vào thế giới ngập màu nắng ngoài kia nữa, giờ đây chỉ biết rằng luôn tồn tại một tấm màn tối của chiều mưa ẩn sâu mãi sâu trong tâm hồn cô, giam giữ cô mãi trong cái thế giới mà có lẽ không ai giải cứu được. Cứ như vậy, cô lớn lên và tạm khoác lên cuộc sống của một người bình thường khi đón ánh bình minh mỗi sớm, nhưng còn lại chỉ là những giọt nước mắt mỗi khi bầu xám tìm đến hay khi bật tỉnh giữa giấc khuya của những giấc mơ lờ mở không rõ nét về buổi chiều mưa, như đang chống lại cuộc sống hạnh phúc giả tạo cô khoác lên.

****

       Men theo con đường thưa người, nhưng rợp bóng bởi khu rừng rậm rạp luôn tỏ vẻ huyền bí hai bên, tôi theo mẹ tiến về Làng đại học, nơi có ngôi trường đại học Nhân Văn tôi sẽ gắn bó trong bốn năm sau này. Bước sang tuổi mười tám, việc học tập ở giảng đường đại học với tôi cũng chẳng khác mấy là trước, vẫn là những ngày học quên mình ở góc bàn con bên cửa sổ cạnh cây me vườn nhà, hay những buổi chiều sập bóng sớm mải miết ở thư viện; tôi vẫn chỉ biết học và học. Rồi một ngày, bước ngoặt phá đi cái trật tự rập khuôn kia có lẽ cũng đến. 

Tôi xin làm ở một trung tâm tiếng anh gần Làng đại học với tư cách là một người trợ giảng. Có lẽ câu nói tài không đợi tuổi đúng trong trường hợp này, tấm bằng IELTS với điểm số khá cao đã giúp tôi có được vị trí ấy. Song, những tháng ngày tôi tắm mình tận hưởng ánh mắt ngưỡng mộ từ các anh chị đồng nghiệp cho mình còn chưa hết thì có một sự chật vật khôn cùng đã tìm tới tôi một cách không ngờ tới. Giấu tuổi hiện ra với tôi như một thử thách cắc cớ trước học sinh mình, mọi lúc mọi nơi trừ ở trung tâm, tôi hành xử như một kẻ tội phạm truy nã. Nhất khi tôi đi đến trường, ừ thì là trường tôi thật đấy, và tôi đang đi học đấy, nhưng không khi nào tôi không thôi ngó trước dòm sau kẻo đụng mặt học sinh mình. Thế rồi chuyện gì đến cũng đến, một buổi sáng khi đang ngồi làm việc chỗ bàn ghế đá dưới bóng hoàng lan thơm ngát ở trung tâm thì đoạn bỗng có tiếng nói vẻ đắc thắng như hét từ phía sau vọng lại: “Chị học Nhân Văn đúng không?”.

 Chưa kịp nghĩ xem đó là ai, tôi vô thức trả lời: “Sao em biết?”.

“Em đang học thì thấy chị khi bất giác nhìn ra cửa sổ, và thấy chị còn đeo thẻ sinh viên.”

Người đó tên Phước, học viên của trung tâm và đồng thời cũng là sinh viên Nhân Văn, người mà, nếu được quay trở lại thời gian, tôi ước em chưa từng bước qua cuộc đời vốn đã u tối này của tôi. 

Buổi sáng hôm ấy, khi đang lướt qua đám người nhốn nháo vừa mới tan tiết, tôi bỗng đứng chững lại trước một cửa phòng như bị hút bởi loại ma lực vô hình nào đó và bỗng chạm một ánh mắt không quen thuộc nhưng rất đỗi trìu mến đang hướng về tôi, đó là Phước. Số phận như đang ấp ủ hay toan tính gì chăng cho tương lai tôi với con người này ?

 Ngày qua ngày, tôi tiếp xúc nhiều hơn với em, tôi kèm em việc học tiếng anh cả ở trung tâm lẫn ở thư viện trường sau những giờ tan học. Về Phước, em rất khác các bạn nam cùng trang lứa, ánh mắt, giọng nói ngây ngô nhưng ấm áp của em luôn ánh lên sự chất phác khó tả. Để rồi mỗi lần ngồi bên em, cảm giác thân quen tri kỉ luôn tìm đến tôi theo một lối rất tự nhiên.

 Thoạt đầu, khi tôi thổ lộ một cách bình thản về tuổi mười tám của mình, em chỉ nheo mắt cười và nói: “ Thôi. Đừng chọc em nữa, chả lẽ chị bằng tuổi em?”, tôi không mấy hốt hoảng như lúc ban đầu tại chiếc bàn ngát hương ngọc lan, lần rút chiếc thẻ sinh viên năm nhất ra đưa cho em. Vẻ mặt Phước lúc ấy như méo xệch đi vì choáng ngợp, nhưng ngay lập tức, một lần nữa, em khiến lòng tin trong tôi như củng cố hơn, nụ cười chất phác ấy em vẫn trao tôi sau tất cả.

 “Em không nề hà chuyện bằng tuổi, vì cơ bản em đã coi chị đúng là một người chị của em rồi. Nên dù chị có bắt em xưng bằng mày tao, em không làm được đâu.” Phước nói bằng giọng trìu mến nhưng kiên định.

Mãi trong những câu chuyện sau này giữa chúng tôi, sự ảnh hưởng của số tuổi thật của tôi vẫn phảng phất trong ấy, nhưng theo một chiều hướng tích cực. Sau mỗi tiết học vào mỗi buổi chiều, không biết tự khi nào, tôi và em hay ngồi ở vườn Thượng Uyển - nơi có những dòng suối nhân tạo chảy tí tách, uốn lượn chảy thật chậm như hòa vào cảnh vật hững hờ, nơi được che phủ bởi những tán lá rậm rạp đan xen thành hình mái vòm xuyên khắp, và cũng là nơi đón nhận những tia nắng hắt hiu cuối ngày khi mặt trời lấp bóng xuyên qua các tán Sử Quân Tử, tâm sự về đủ thứ chuyện đời. Vỏn vẹn mười tám năm trên đời, tôi có lẽ chưa trải lắm chuyện đời để cùng em suy ngẫm, nhưng số năm ngăn ngủi ấy bằng cách nào đó đã trao tôi những dư vị vang vọng mãi về sau này. 

Những buổi chiều ban đầu trong khu vườn cùng nhau, Phước hay nói về sự khác biệt giữa tôi với các người con gái đồng trang lứa; với em, tôi khác biệt đến đặc biệt. Em luôn không hiểu tại sao các người nữ ngoài kia thích ăn diện và tô son đến thế, trong khi chị lại luôn để mặt mộc, hay rằng là ở khoa chất lượng cao này, gia đình ai cũng khá giả vậy chị đi làm với mục đích gì. Và hơn thế nữa, điều bật tôi ra khỏi những người con gái ngoài kia đó là sự trầm tư và dám dấn thân để đảm nhận một vai trò giảng dạy khá lớn khi tuổi đời còn quá trẻ, cái độ tuổi mà chính em cũng chưa nghĩ mình đủ khí chất để lăn xả ngoài đời và học cách trầm mặc thường bắt gặp nơi những gương mặt già nua trải đời đầy sương gió. 

 Tôi trong em được đặt cao hơn cả vị trí một người chị. Với em, mỗi lần được đi dạo thơ thẩn, gật gù theo những câu chuyện khó hiểu xâu xa về cuộc đời chính tôi luôn đem lại cho em cảm giác khó tả. Không biết chính xác tự khi nào, giữa hai chị em tồn tại một sự gắn kết hết sức đặc biệt, hơn hết nó không đơn thuần là thứ tình yêu tuổi trẻ hời hợt qua vài lần nắm tay hay đi đến rạp chiếu phim nhộn nhịp như bao người, nhưng ngược lại nó cũng không đơn thuần là sự kính trọng mà một người em đối với chị lớn theo lẽ thường. Và tôi cũng vậy, cảm giác khi ở bên em hàng giờ đồng hồ chìm đắm vào những miên man, tôi có lẽ chưa chưa từng có được khi cạnh người bạn khác giới nào. Dần dà, những buổi chiều tà ánh đỏ hẳn một phần trời hai đứa rong ruổi qua khắp cung đường Làng đại học, qua nhưng tàn cây có hoa vàng rụng lá, qua những mặt hồ bèo phủ khắp, như thành thói quen. Cảm giác thật lạ kỳ khi được cùng người bạn đồng hành này tha thẩn hay đơn giản chỉ ngồi lê la trên các mỏm đất hướng ra hồ (nơi mà dân vùng này quen gọi là hồ Đá) chuốc đầy bầu phổi hương đất đặc trưng sau mỗi cơn mưa, nhắm nhìn đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, ngắm nhìn tấm màn chiều ánh đỏ pha sắc cam như muốn ôm trọn cả vùng yên bình phía dưới vào lòng như để giữ trọn từng mảng màu của cảnh vật thân thương ấy. Tôi và em như mảnh ghép thanh xuân thất lạc nay đã tìm được nhau. Và tôi, dẫu biết rằng mối quan hệ này không còn theo đúng ý nghĩa học tập như ban đầu nữa, nhưng đồng thời cũng không thể tách bản thân mình để ngừng hướng về em.

Đã từ lâu tôi tin sẽ không có ai đến cứu rỗi, đưa tôi thoát khỏi thế giới buồn thảm kia, tôi sống như đã chết với hai vai diễn của ngày và đêm. Và dĩ nhiên, cái thế giới ấy sẽ không bao giờ được thổ lộ với ai, mà chôn tận nơi đáy lòng của kẻ đã chết này. Nhưng có lẽ cái lời thề ấy đã không còn được nguyên vẹn khi em đến bên đời tôi. Tết tây năm đó, em đi học trên này, xa nhà, tôi bèn là tết của em. Em và tôi, trước đêm đi chơi đã không ngừng thao thức và đếm từng phút trôi qua mong trời mau sáng. Buổi hôm ấy, ông trời như có dịp hào phóng, vẽ nên một buổi chiều đỏ rực với những tảng mây hồng pha sắc cam phủ khắp Làng đại học, và không biết tự khi nào, tay em đan vào tay đôi. Chúng tôi cùng nhau rong ruổi hết bao con đường, nơi hai bên nào là rừng rậm rập đan xen nhau tạo hình chiếc nôi, nào là bãi cỏ dại ngát hương như khiến người ta mê mẩn, những đàn bò thản nhiên đang gặm cỏ. Không có những lời yêu đương mùi mẫn như của giới trẻ hiện đại, tất cả là những lời thô mộc, tấm lòng mộc, dù vậy, tôi vẫn tin rằng đó sẽ không hề là một điều ảo tưởng khi khẳng định rằng tôi đối với em, lúc ấy là cả thế giới. Giữa hai người như bị hút lại với nhau bởi một sức mạnh vô hình nào đó, người này thâu trọn tâm trí của người kia và sẽ không biết bao lâu là đủ khi đi thơ thẩn cùng nhau cùng những câu chuyện đời. 

Buổi tối hôm ấy, sau tròn 3 tiếng thả mình vào thiên nhiên, dưới bóng cây me tây già rướm màu cam lẫn ánh đỏ của cột đèn đường góc sân ấy, thế giới xám ấy quá đỗi u buồn khiến tù nhân tôi đã đổ ào ra hết chúng với em, với niềm tin rằng em chính là người mở cánh giải thoát .Em đã ôm tôi lâu rất lâu, như một chiếc ô đang dang tay run rẩy bảo vệ con chim đã úa tàn khỏi cơn mưa, tôi như vỡ òa vì ngọn lửa sống lần đầu tiên nhen nhóm trong sâu thẳm tâm hồn này.

 Tết tây đã qua mở đường cho tết Ta không lâu sau đó. Đã đến lúc, chúng tôi phải tạm xa nhau. Mỗi khi tết đến xuân về, thì sinh viên trong Làng ai nấy đều lũ lượt ba lô túi xách mong bắt kịp chuyến xe về nhà. Phước cũng vậy. Tuy chỉ là 20 ngày tết ngắn ngủi, nhưng có lẽ dự cảm không lành từ bầu xám thường trực đã cho tôi cảm giác bất an về một sự chia xa mãi mãi không rõ lí do. Linh tính mách bảo rằng thời gian tôi được tạm thả từ thế giới kia đã hết rồi, và Phước sắp tuột khỏi xa tôi, mặc dù chẳng có chuyện gì xảy ra giữa hai người dạo ấy. Đêm trước khi em đi, em nói em không yên tâm khi để tôi một mình chiến đấu với bầu xám quái ác không biết lúc nào sẽ lại tìm đến tôi kia, và em muốn gặp tôi. Thứ chúng tôi dành cho nhau có lẽ hơn cả 2 chữ “tình yêu” đại trà, mà có lẽ cao hơn đó là tình thương mến cho nhau. Vẫn dưới ánh đèn góc sân ấy, em đã ôm tôi thật lâu và thật lâu bằng tất cả tình thương mến xuất phát từ con tim chân thành em dành cho tôi- người chỉ biết kể cho em những câu chuyện buồn. 

          Hai mươi ngày không phải là quãng thời gian quá dài, nhưng đủ cho tôi biết thế nào là nhớ thương một người. Chuỗi ngày của tôi trôi qua như thiếu một phần nhựa sống, tôi căm ghét khi phải đi qua những cung đường mà hình ảnh em gắn liền, tất cả mọi thứ của cuộc sống tôi như trở nên điên cuồng khi vô cớ ghì chặt lấy hình ảnh em. Tôi nhớ em da diết, đó là vì tôi đã quen có em ở bên rồi, nhưng tôi vẫn ngẩng đầu đón ánh nắng xuân và gặng những nụ cười héo hon trái ngược sự phơi phớt sắc mai đang phô mình ngoài kia. Vô hình có một quãng lặng giữa chúng tôi, tôi phát điên không một dây phút nào rời điện thoại, bất kể đó là ngày hay đêm, hòng nhận được một tin nhắn từ em, cái việc như thói quen không thể thiếu khi xưa. Chờ mãi để nghe được lại nghe  âm báo tin nhắn thân quen, nhưng sau tất cả chắp vào nỗi ưu tư kia có lẽ chỉ là tin nhắn của một nhóm chát hay của một tổng đài. 

Những ngày đầu trôi qua với tôi như đã là bao thế kỉ, sinh khí cho một cuộc sống vừa nảy mầm như đã vơi cạn, tôi tự an ủi mình rằng có lẽ em cần thời gian cho gia đình nhỏ sau bao ngày xa cách và tôi cũng không nên ích kỉ. Nhưng rồi giây phút giao thừa tuyệt diệu và ngày đầu xuân ý nghĩa đã đến với không một tin nhắn nào từ em, lí do tôi tự đặt ra có lẽ cũng không còn thuyết phục chính bản thân nữa rồi. Hành động tôi, cử chỉ tôi vẫn luôn mong ngóng một tin gì đó từ em, để rồi em lại là Phước của tôi như xưa, của những ban chiều gió thổi hiu hiu trên cánh đường lau sậy, của những buổi dạo bước bên nhau không biết đâu là điểm kết, nhưng sâu thẳm tôi như đã đầu hàng trước số phận để rồi bị bóp chết trong chờ đợi vô vọng của môt người xa. Nỗi sầu vô vọng kia như muốn bóp nghẹt sự sống tôi, ngút ngàn chạm tới giớn hạn đỉnh và vì cũng chẳng còn điểm kết để vượt, nó đành bỏ lại người chủ nó một thần xác không hồn, con tim tê liệt chẳng còn cảm được cái đau là gì nữa. Một cách ngờ, Phước bước đến bên đời tôi và cũng theo cách ấy em ra đi để lại một lỗ hổng lớn mà có lẽ không ai có thể khỏa lấp được trong đời người chị em từng coi là tất cả. Phước, người đã tạo nên thanh xuân ngắn ngủi tôi, đã chính thức biến mất như chưa bước đến cuộc đời lắm bất hạnh tôi, mang theo hàng ngàn câu hỏi mà câu trả lời mãi bị chôn vùi nơi em. 

      Người ta thường nói vào ngày con người ta buồn nhất trời sẽ đổ mưa. Ngày em ra đi, tôi đã khóc. Khu vườn xưa nay chỉ còn là một điểm tối bao trùm khi về chiều, và trong những cơn mưa luôn có một bóng dáng của người con gái như đang ngóng đợi ai ngồi khóc. Người buồn người khóc vì mưa, hay phải chăng mưa tuôn mưa khóc hòng xóa sạch những hình ảnh người xưa vỗn đã hằn vào từng giọt mưa. Em ra đi, chỉ còn lại tôi và mưa. Những năm tháng thuở nhỏ cùng mưa tưởng đã qua đi, nay lại cùng thanh xuân ấy một lần nữa chìm vào viễn cảnh hiu quạnh ngày nào. Nay chỉ còn mưa quẩn quanh cùng tôi, mưa đã thực sự khóc, khóc nhằm gột rửa đi bao u sầu nó vô tình phết lên cuộc đời bạn đồng hành nó, hay hơn hết mưa khóc cho một số phận điêu tàn của một cô gái. Thanh xuân tôi cùng em đã nhòa vào tiếng mưa khóc như thế đấy, nhưng tôi đã không hối tiếc khi nhớ về kỉ niệm buồn này bên em, vì nếu như thanh xuân lúc nào cũng ngập nắng thì đâu ai còn cảm được chất của mưa?




Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top