Chương 2

Cuối cùng cả nhà quây quần cùng nhau thành bốn mâm ở sân trước nhà. Lần đầu trong đời tôi được ngồi ăn một bữa cơm hòa nhập thiên nhiên như thế này. Trước đây nhà ông bà chưa xây lại thì phòng khách rất rộng, cũng được hai, ba mâm nên không cần ngồi ngoài sân bao giờ.

Nhưng như thế này cũng tốt, thoáng mát, không sợ ám mùi thức ăn trong nhà. Không khí cũng trong lành, tâm trạng tốt nên ăn uống cũng vào miệng hẳn.

- Này, cái thằng nhóc Luân nhà chú không đến à? - Chợt bác gái ngồi cạnh tôi hỏi một chú ngồi ở mâm kế bên.

- Kệ nó chị ạ, cái thằng đấy thì gọi cái gì nó. - Chú bên kia nói lại với giọng hậm hực.

- Hai bố con chú lại có việc gì đấy. Bố con có gì bình tĩnh nói chuyện với nhau. Luân nó cũng lớn rồi, cứ ầm ĩ mãi thế không hay.

- Em nói các bác nghe chớ, cái thằng ranh đấy suốt ngày bỏ học đi chơi, cô giáo báo tuần vừa rồi nó chỉ học đúng một buổi. Mà này là học thêm, tiền đóng gạo góp chứ có phải không đâu. Anh trai nó vất vả đi làm ở thành phố gửi tiền về, không dám cưới vợ vì để dành tiền cho thằng em đi học, mọi người đều vất vả vì nó mà nó không biết nghĩ.

- Thôi chú ạ, đừng tạo áp lực cho nó. Không học được thì ở nhà làm việc. Quê mình thiếu gì việc. - Một bác gái khác nói.

- Không chị, em đi làm vất vả đâu phải để nó xuống ruộng như em. Với cả đâu ai biết 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa quê mình bị đô thị hóa, bị thu hồi ruộng đất thì nó làm gì, chỉ biết mỗi cấy lúa thì làm sao mà sống được. Bọn trẻ bây giờ không như mình ngày xưa đâu.

Chung quy thì chú cũng vì thương con mình mà thôi. Đúng là ở làng không còn mấy người trẻ, nói là trẻ nhưng cũng toàn trên 40, có con cái cả rồi. Ở quê không có trường đại học, học hết cấp ba đều cố gắng lên thành phố học.

Đất ở quê chung quy vẫn rẻ hơn nhiều so với khu vực thành phố, nếu có đền bù cả nhà cả ruộng thì lên thành phố cũng chỉ đủ mua nhà và sống thêm chục năm, nếu cứ sống dựa vào tiền đền bù thì chỉ sống trong nơm nớp lo sợ không biết bao giờ thì tiêu hết tiền, mà giá cả đồ ăn và dịch vụ mọi thứ ngày càng leo thang, chỉ có tăng chứ không có giảm. Tiền thì chỉ có thế, chả mấy mà chết đói.

Mẹ tôi ngược đời ghê, người ta muốn lên thành phố mà mẹ thì lại rước tôi về quê. Tôi nhìn về phía mẹ, thấy mẹ tôi liếc tôi một cái rồi lại ung dung ăn uống, xong lại thì thầm to nhỏ gì đó với cái cô bên cạnh.

Bốp!

Có một bàn tay vỗ tôi một cái từ sau lưng. Tôi quay ngoắt lại. Là một cô bé, tầm lớp 6, lớp 7, trông đen nhẻm nghịch ngợm, là hình mẫu điển hình của các bé gái làng quê. Tôi ngơ ngác hỏi:

- Sao thế em?

- Anh ăn xong chưa? - Cô bé ngó vào bát tôi.

Tôi quay lại vội và nốt bát miến của mình, sau đó lau mồm rồi nói với cô bé:

- Xong rồi.

- Anh ăn no chưa? - Có vẻ cô bé nhận ra mình vừa gián đoạn bữa ăn của tôi nên làm ra vẻ ngượng ngùng hối lỗi.

- Anh no rồi, không sao đâu, em cứ nói đi. - Thực ra thì tôi cũng hơi tò mò.

- Anh ra chơi với bọn em được không? Bọn nhóc kia cứ đòi em đi hỏi anh mãi. - Cô bé vô thức vò vò cái tai ửng đỏ của mình.

Tôi không thấy mâm trẻ con, có vẻ bọn trẻ toàn ăn nhanh nhanh trước rồi chạy ra ngoài chơi. Tôi chợt nhận ra 4 cái mâm cơm ở đây có mỗi tôi là trẻ ranh con nít duy nhất.

Tôi thấy ăn xong ngồi đây cũng chả để làm gì liền đồng ý đi theo cô bé. Giữa đường tôi hỏi bé:

- Này, em tên gì?

- Em tên Thư. Anh tên gì ấy?

- Anh tên Kha. - Tôi dừng một lúc lại hỏi. - Em học lớp mấy rồi?

- Em học lớp tám ạ.

Tôi hơi ngạc nhiên, vì con bé trông còi và thấp bé quá. Ở đây nhiều đồ ăn mà cũng đâu có thiếu thốn gì, sao lại còi thế nhỉ?

- Em dẫn anh đi đâu thế?

- Ra chỗ cây hoa sữa ạ. Gần đây có một cái đền hoang á anh, bỏ lâu lắm rồi, chỗ đấy có cái cây hoa sữa to lắm, bọn em toàn tụ tập ở đấy.

Tôi không hỏi gì nữa mà im lặng đi theo em. Đền bỏ hoang à, sao mà nghe rợn thế. Trông tôi thế này thôi chứ tôi nhát ma lắm. Chỉ sợ hỏi thêm nữa em lại kể ra vài cái truyền thuyết kinh dị thì đêm tôi không dám đi vệ sinh mất.

Đi một lúc rồi cũng đến, đám trẻ con đứng chỗ gốc cây hô hào vẫy gọi hai chúng tôi từ xa. Cây hoa sữa này to thật, không biết có tự bao giờ, thân cao tán to, cành lá xum xuê, chắc cũng phải trăm năm rồi.

Tôi vừa tới nơi thì một thằng nhóc hồ hởi chạy ra đón:

- Anh đẹp trai! Em nghe mẹ em nói anh sẽ ở đây luôn phải không anh?

Tôi im một lát không biết đáp lại thế nào. Chả nhẽ tôi lại bảo, không em ơi, anh ở đây ba năm thôi, anh không ở luôn đây đâu. Vậy thì thằng bé sẽ thất vọng chết mất. Tôi ngắc ngứ đổi chủ đề:

- Các em có ai đã bao giờ lên thành phố chưa?

- Có em ạ! Em đến Hải Phòng rồi! Toàn nhà là nhà luôn!

- Em nữa! Em đến Hạ Long rồi, anh trai em sống ở Hạ Long!

Thằng bé ban nãy hỏi tôi thì lại không nói năng gì. Tôi bỗng thấy hơi có lỗi.

- Chúng mày khoe khoang cái gì, chúng mày lên thành phố thì có là gì. Anh Kha ở thành phố mà cũng về quê ở đấy thôi. - Thư chợt gắt lên với đám nhóc.

Tôi nín thinh, không biết nên khóc hay nên cười nữa. Con bé này lanh ghê. Tôi bất đắc dĩ mới phải về mà, tôi đâu có muốn về cơ chứ. Nhưng mà ở đây cũng không tệ như tôi nghĩ. Đường làng đều đã được lát xi-măng sạch sẽ, không có bùn đất, phân bò cũng ít. Làng được cải tạo khá nhiều so với trí nhớ ít ỏi của tôi hồi bé.

- Anh Luân đâu chúng bay? - Thư hỏi.

- Ảnh đi qua nhà ông Vối rồi hay sao ấy.

- Đi tìm ảnh đi. - Bọn nhóc đề nghị

- Anh đi với bọn em nhé. - Thư quay sang hỏi tôi.

Luân à, nghe quen nhỉ. À đúng rồi, là nhân vật chính bị bố chỉ trích ban nãy đây mà. Tôi cũng khá tò mò, không biết kẻ ăn chơi sa đọa đấy trông như thế nào.

- Ừ. - Tôi gật đầu với con bé.

Đi một lúc thì đến một cái vườn cây ăn quả. Ở đây có nhiều cây ổi lắm, có cả cây nhãn, cây xoài và cây chôm chôm. Bọn nhóc vẫn còn đi tiếp, xuyên qua vườn, trái cây chín rơi đầy đất, mùi ổi chín nồng bao phủ đầy khoang mũi. Tôi hơi rùng mình, chưa bao giờ tôi được ngửi mùi hương trái cây thơm nồng đến vậy. Mùi như bao phủ và quấn lấy tôi, mùi chạy từ mũi chạy đến khắp làn da khiến tôi cảm giác như được ôm trọn trong hương ổi.

Vườn cây khá rộng, nhưng cũng chẳng mấy mà đã đi qua. Hóa ra sau vườn là một căn nhà cấp bốn trông có vẻ cũ nhưng khá to. Thằng bé ban nãy hỏi tôi chạy nhanh nhất vào bên trong sân nhà, nó gọi to:

- Anh Luân ơi! Ông Vối ơi!

- Ơi! Bên này! - Tiếng một người đàn ông tầm tuổi xế chiều vang lên, chắc nịch khỏe khoắn.

Đám nhóc nhao nhao chạy qua cái cửa ở phía bên kia sân.

- Này bụi lắm! Đứng xa ra! - Ông Vối quát lên.

- DẠAAAAA!!! - Cả đám nhóc đồng thanh.

Tôi theo sau chân chúng tới gần cổng sắt đã han gỉ, ngó vào trong xem thì thấy xung quanh đều mù mịt bụi gỗ. Tôi hít phải một ít liền bị ho sặc sụa.

Cậu trai đang cưa gỗ dường như nghe thấy âm thanh lạ, ngẩng đầu lên nhìn. Ánh mắt cả hai chạm nhau trong giây lát cậu ta lại cúi xuống làm tiếp công việc của mình như không có gì xảy ra. Cậu ta đeo khẩu trang vải dầy cộp, kín mít, tóc cắt húi cua, cả người đen nhẻm mặc cái áo ba lỗ màu trắng làm màu da của cậu ta dường như trông càng thêm đen.

- Yếu thì đừng có lại đây.

Tôi ngớ ra. Hả? Hắn vừa nói hả? Nói ai cơ? Tôi á?

- Tôi chả thèm. - Tôi bĩu môi quay trở ngồi ở trên bậc thềm trước nhà.

Cái tên này đúng là tồi thật đấy. Cậy cái gì mà hống hách thế, tưởng cơ bắp là ngon à, trông nửa cái mặt đẹp thế thôi chứ bỏ khẩu trang ra thì chưa biết thằng nào đẹp trai hơn đâu.

- Anh Luân! Anh đang làm cái gì đấy? - Cái Thư hỏi

- Cái bàn. Tí mấy đứa đi chuyển đồ giúp anh nhé.

Có một đứa nhóc mon men đến cạnh tôi ngồi. Nhóc con trông bé tẹo, chắc vẫn đang học tiểu học. Thằng nhóc cứ len lén ngước nhìn tôi, một lúc sau tôi hỏi nó:

- Em tên gì?

Thằng nhóc hơi giật mình sau đó trả lời:

- Em tên Phúc ạ.

- Em học lớp mấy rồi?

- Lớp bốn ạ.

Thằng bé ngoan ghê, cơ mà nhóc vẫn cứ nhìn lén tôi. Tôi lại hỏi:

- Trên mặt anh dính gì à?

- Không ạ. - Thằng bé cúi xuống như thể biết mình đã bị phát hiện, sau nó lại ngẩng đầu lên, nói. - Trông anh khác với mọi người quá.

Tôi như sét đánh ngang tai, xịt kéo cứng ngắc.

- Anh trắng quá, đẹp nữa, anh còn thơm nữa.

Tôi sướng phổng cả mũi, ôi chao tưởng gì, cái này tôi nhận được.

- Cảm ơn em. - Tôi cười.

- Phúc! - Chợt có tiếng gọi. - Cái thằng này không sợ bị bắt cóc à? Ra đây với anh.

Thì ra là cái tên Luân tồi tệ. Hắn giơ tay ra với Phúc, Phúc lưỡng lự, thằng bé đi được hai bước thì quay lại nhìn tôi, rồi lại nhìn tên Luân.

- Anh ấy không phải bắt cóc đâu.

Phúc là đứa nhỏ trông có vẻ mềm mại nhất cái đám nhóc tì này. Nhóc con trông hơi mũm mĩm một xíu, cũng trắng trẻo nhất đám, trông rất đáng yêu. Lại còn dễ dụ thế này thì cũng dễ bị bắt cóc thật đấy, thậm chí còn là cái dạng vừa bị bắt cóc vừa hăng say đếm tiền cho người ta.

Tôi nghĩ thế thì không nhịn được cười.

- Cười cái gì? - Luân hỏi

Tôi móc trong túi quần ra một cái kẹo sữa đặt trong lòng bàn tay đưa ra trước mặt Phúc:

- Cho em này, lại đây với anh.

Nhóc con thấy kẹo thì mặt tươi như hoa hí hửng chạy chạy lại chỗ tôi. Luân chạy nhanh hai bước tóm thằng bé bế lên. Cậu ta nói với nhóc con bằng giọng điệu bất lực:

- Đã bảo là ai cho kẹo cũng không được lấy cơ mà, dặn em bao lần nữa em mới nhớ hả?

- Anh Luân của nhóc nói đúng đấy. Đừng có nhận kẹo của người khác, anh cũng chưa nói là anh không bắt cóc nha. - Tôi đứng dậy nói.

Nhóc con nghe tôi nói vậy thì ngớ ra một lúc rồi bỗng dưng òa khóc. Thằng bé khóc khiến tôi không kịp trở tay, luống cuống không biết làm gì. Bỗng thấy mình có lỗi quá, tôi chỉ định đùa chút thôi.

- Có chuyện gì đấy, có chuyện gì đấy? - Đám nhóc đang sắp đồ ở trong sân sau nghe thấy tiếng khóc thì lật đật chạy đến.

- Phúc làm sao mà khóc? - Một đứa trong đám lên tiếng hỏi.

Tôi có chút chột dạ.

- Không có gì đâu. - Luân nói với đám nhóc, rồi vỗ vỗ lưng nhóc Phúc dỗ dành. - Phúc ngoan, đừng khóc, anh đưa em về nhà nhé.

- Đúng đó, về nhà thôi, muộn rồi. - Đám nhóc nhao nhao đồng tình.

Tôi im lặng một góc chả dám lên tiếng, cũng chả dám đi theo. Nhìn mọi người đi cả tôi chợt thấy tủi thân. Cảm giác một kẻ người ngoài như tôi không thuộc về nơi này, nơi này cũng không chào đón tôi, tôi y như một kẻ khờ cô độc.

Tôi quay lại bậc thềm ngồi, bọn nhóc đi rồi tôi không biết đường về, chỉ biết hậm hực ngồi co lại một góc trên thềm. Mọi thứ xung quanh như rơi vào tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió và tiếng lá cây xào xạc, đôi lúc có cái lá khô bị thổi bay đến chỗ khác, không gian im ắng bao phủ lấy tôi. Ở một nơi xa lạ, mọi cảnh vật vô tri bỗng trở nên hờ hững, mặt trời dường như cũng muốn trốn đi, ánh nắng xế chiều đến nhanh như thúc giục người về. Sự lo âu thấp thỏm ập đến.

Giá như lúc nãy tôi mặt dày chạy theo mọi người thì chắc giờ đã về đến nhà rồi. Tôi úp mặt vào đầu gối, siết chặt hai vòng tay lại ôm lấy thân mình. Sao tôi lại về quê cơ chứ, nơi này đâu phải nơi dành cho tôi, tôi muốn về nhà.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top