Chương 1 : Bóng hoa trong gió


Tôi từng nghĩ rằng gia đình mình, dù chẳng giàu có, vẫn là nơi để trở về, để tìm chút hơi ấm giữa những ngày đông giá.

Nhưng hóa ra, gia đình ấy chỉ là một giấc mộng đẹp mà tôi từng dối mình tin vào.

Mẹ rời đi khi tôi vừa lên sáu. Bà nói với bố rằng bà cần tự do, rằng cuộc đời này còn quá nhiều điều chờ đợi bà phía trước, và tôi chẳng phải lý do lớn để bà ở lại.

Từ ngày ấy, bố trở thành cả thế giới của tôi. Ông là người ít nói, nhưng ánh mắt lúc nào cũng ấm áp, như thể chỉ cần nhìn vào đó, mọi đau buồn đều tan biến.

Mỗi buổi chiều tan làm sớm, bố thường dẫn tôi đi dạo qua con hẻm nhỏ trước nhà. Hai bên tường, những bông hoa dại len lỏi giữa kẽ đá, nở rực rỡ trong ánh hoàng hôn. Bố cúi xuống ngắt một bông, khẽ cài lên tóc tôi rồi nói:

"Thanh Hà, con có biết không? Hoa dại không chọn nơi mình mọc, nhưng chúng chọn cách chúng nở. Sau này, dù thế nào, con cũng phải sống như thế, thậm chí phải rực rỡ hơn cả những bông hồng ở vườn Versailles."

Tôi đã ôm lời nói ấy như một ánh sáng dẫn đường, như một niềm an ủi để vượt qua mọi khó khăn. Nhưng cuộc đời đâu cho phép hạnh phúc kéo dài mãi.

Năm tôi mười hai tuổi, bố qua đời.

Hôm ấy, trời không có lấy một tia nắng. Mây xám giăng kín, gió lạnh buốt thổi qua những tán cây bên đường. Vừa tan học, tôi nghe chú bảo vệ trường chạy tới gọi, bảo tôi phải nhanh đến bệnh viện vì bố đang nguy kịch.

Đường đến bệnh viện hôm đó dài hơn bao giờ hết. Xe cộ vẫn ngược xuôi, tiếng còi xe vang inh ỏi, nhưng tôi chỉ nghe thấy tiếng tim mình đập loạn nhịp, đôi chân nặng trĩu như chì.

Khi tới nơi, tôi nhìn thấy bóng bố nằm trên chiếc giường bệnh trắng toát, gương mặt ông hốc hác, nhợt nhạt hơn cả ánh sáng đèn trần. Tôi lao tới, nước mắt đã nhòe nhoẹt từ lúc nào.

"Hà Hà... con đến rồi à?"

Bố mỉm cười, giọng khàn đặc nhưng vẫn dịu dàng.

Tôi gật đầu, không thể nói nổi lời nào. Tay ông khẽ giơ lên, chạm vào tay tôi. Bàn tay ấy, từng ấm áp biết bao, giờ lạnh lẽo đến đau lòng.

"Nghe bố nói... Con phải sống thật tốt, phải hiếu thảo với ông bà. Sau này, hãy sống trọn vẹn với những người con yêu thương, đừng để ai coi thường con, được không?"

Tôi nghẹn ngào đáp: "Dạ, thưa bố..."

Đó là lời hứa cuối cùng giữa tôi và ông.
Sáng hôm sau, ông ra đi mãi mãi.

Ngày đưa tiễn bố, trời mưa như trút nước. Người ta tụ tập đông đủ, nhưng những lời xì xào sau lưng còn đau đớn hơn cả tiếng mưa rơi:

"Con bé này đúng là số khổ. Mẹ bỏ đi, giờ bố cũng mất. Sao mà đời bất hạnh đến thế?"

"Ông bà nội già rồi, ai nuôi nổi con bé? Chắc lại thành gánh nặng thôi."

Tôi chỉ im lặng, cúi đầu nhìn mặt đất, gắng nuốt ngược nước mắt vào trong. Bố từng bảo, con gái không được khóc trước mặt người khác.

Sau tang lễ của bố, tôi được đưa về nhà ông bà nội.
Người làng vẫn nói rằng ông bà nội là ruột thịt, là nơi duy nhất tôi có thể dựa vào. Nhưng khi bước vào ngôi nhà ấy, tôi nhận ra ngay, không khí ở đây chẳng khác gì một tấm màn lạnh lẽo, xa cách.

Ngôi nhà cổ nằm giữa khu phố cũ, mái ngói đỏ loang lổ và những bức tường vôi đã nhuốm màu thời gian. Nhưng đó không phải là thứ khiến tôi nghẹt thở. Mà là ánh mắt của mọi người trong nhà, như thể tôi là một vết nhơ vô hình, một kẻ lạc loài bước chân vào không gian vốn đã quá chật chội.

Bà nội là người hay càu nhàu nhất. Mỗi sáng, khi tôi lặng lẽ bê chậu nước ra sân rửa mặt, bà đã đứng nơi hiên nhà, tay cầm cây chổi, mắt liếc qua tôi với cái bĩu môi:

"Con gái thì có ích gì. Đời thằng Thành (bố tôi) đúng là khổ. Vợ thì bỏ, con thì chẳng làm nên trò trống gì, chỉ tổ gánh nợ!"

Ông nội không nói nhiều, nhưng mỗi lần nhìn tôi, ông thường thở dài. Những tiếng thở dài ấy, nghe như lời trách móc ngầm, rằng nếu không có tôi, cuộc đời họ sẽ dễ dàng hơn.

Công việc nhà dồn lên vai tôi. Lau nhà, giặt quần áo, rửa bát... Những việc nhỏ nhặt, nhưng với một đứa trẻ mười hai tuổi, đó là cả một gánh nặng. Mỗi khi tôi làm không vừa ý, bà nội sẽ thở dài, trách:

"Con gái như mày, chỉ giỏi khiến người khác phiền lòng. Không giống chút nào với thằng Thành ngày trước."

Bác gái, người đàn bà mang dáng vẻ mệt mỏi vì gánh nặng gia đình, thường chẳng buồn nhìn tôi. Nhưng mỗi khi con trai bà (anh họ của tôi) làm sai, bà sẽ quay sang trút giận lên tôi.

"Cái Hà, việc này cũng không làm xong! Đúng là vô dụng,
ăn hại nhà này!"

Có lần, vì lỡ làm bể một cái bát, bà nắm tay tôi kéo ra sân, bắt đứng đó suốt buổi trưa. Mặt trời thiêu đốt da thịt tôi, nhưng ánh mắt của bà thậm chí còn gay gắt hơn.

Ông bà nội không đánh tôi, nhưng sự lạnh lùng của họ là thứ khiến tôi thấy đau nhất. Có lần, vì không làm kịp mâm cơm chiều, bà nội bảo tôi:

"Nhà này không nuôi không công. Không làm được thì đừng hòng ăn."

Tôi đành ngồi thu mình trong góc bếp, bụng đói cồn cào.
Những đêm dài trôi qua, tôi lặng lẽ khóc trong căn phòng nhỏ tối tăm ở góc nhà. Nhưng càng khóc, tôi càng tự nhủ rằng mình không được gục ngã. Tôi còn nhớ rõ lời bố:

"Thanh Hà, con phải sống thật tốt. Dù khó khăn thế nào, con cũng không được phép từ bỏ."

Trường học cũng chẳng phải nơi dễ chịu.

Bạn bè trong lớp luôn thì thầm những câu chuyện về tôi, những lời nói mà dù có giả vờ không nghe, tôi vẫn cảm nhận được sự ác ý trong đó.

"Mày biết không, mẹ nó bỏ đi, bố thì chết. Giờ phải ở với ông bà già nua, chắc sống khổ lắm!"

Có lần, chúng đổ đầy nước lên ghế của tôi, rồi cười phá lên khi tôi ngồi xuống. Tiếng cười vang khắp lớp, át đi cả tiếng lòng tôi đang vỡ vụn.

Tôi không phản kháng. Tôi cũng không khóc. Những điều ấy, với tôi, chỉ làm mọi chuyện tệ hơn. Tôi chọn cách im lặng, tập trung vào học hành, để chứng minh rằng mình không phải là "đồ bỏ đi" như mọi người nghĩ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #nguoc