Mùa hoa bất tử
Mới sáng sớm tôi đã nhận được cuộc gọi từ mẹ. Vẫn là hỏi sao lại chưa về. Ngẫm lại, hoá ra từ Tết đến giờ cũng đã hai tháng rồi. Hai tháng nay tôi chưa về nhà lần nào, mà cũng hiếm khi gọi điện thoại cho mẹ. Chủ yếu là việc học hành bận quá. Kì học mới vừa bắt đầu, cũng là kì học cuối cùng trong quãng đời sinh viên của tôi, bận rộn đủ việc, hết gục đầu trong thư viện rồi lại chạy hớt hải với mấy công việc " sai vặt" ở chỗ thực tập. Sinh viên năm cuối trông ai cũng gầy mòn đi hẳn. Nhưng rồi tôi vẫn cố sắp xếp hai ngày cuối tuần để về nhà với ảo tưởng rằng không khí ở quê sẽ làm mình bớt ngột ngạt hơn chút.
Thực ra tôi chẳng muốn về nhà lắm, đặc biệt là cái mùa mưa phùn se se lạnh này. Đi bộ một đoạn dài từ trạm dừng xe buýt ở đầu làng về nhà, mưa tấp ướt mặt. Mưa phùn mỏng và nhẹ, nhẹ như những cánh hoa nhỏ xíu rụng ào ào mỗi khi có cơn gió thổi qua, nhưng lại thấm và rét, cái rét không tê tái nhưng cứ khiến người ta se se lòng, đặc biệt khi sắp phải trở về chốn cũ, đối mặt với những điều mà bản thân đã cố gắng chạy trốn bao lâu nay.
Tôi biết mẹ cứ liên tục nhắc tôi về nhà là bởi điều gì. Khi mà mùa hoa xoan đã tới, nó như một dấu hiệu riêng của mẹ, như thể ngày ngày mẹ chỉ chờ trên lúc trên cành lá xanh ngắt kia bỗng xuất hiện những nụ hoa nhỏ xíu, có trắng tinh, có tím ngắt, là mẹ sẽ gọi ngay tôi về. 6 năm qua, không một mùa hoa nào là mẹ quên. Tôi không hiểu vì sao mẹ làm vậy. Bà bảo rằng hồi trước tôi thích hoa xoan lắm, nên chỉ muốn tôi vừa về thăm nhà, vừa được thấy mùa hoa tới. Nhưng có thể mẹ không biết, hoặc là đang cố tình lờ đi cảm xúc của tôi.
Ngày trước, tôi từng rất thích hoa xoan, nhất là cây xoan ở vườn nhà bên cạnh, nơi mà chỉ cần chui qua lỗ hổng giữa hàng rào dứa gai rậm rì đầu nhà là có thể qua. Cây xoan ấy không biết trồng từ bao giờ, chỉ biết nó to như cây cổ thụ, cành cây thì uốn lượn tạo thành những hình thù đẹp mắt. Tôi thường trèo lên những cành rắn chắc ấy mà tượng tưởng đó là nhà của mình. Cành cây to lắm, nằm trên đó dù thả tay ra cũng chẳng sợ ngã.
Vì trong xóm hồi ấy hiếm có đứa trẻ nào nên từ nhỏ đến lớn tôi toàn chơi một mình. Nhưng là trẻ con mà nên chẳng bao giờ biết buồn chán dù lúc nào cũng chỉ thơ thẩn, hết trèo cây hái hoa vặt quả lại tự bày trò đồ hàng mà trong đó tôi vừa làm người bán vừa làm khách.
Nhưng tôi vẫn luôn mong những mùa hoa xoan đến nhất. Vì lúc ấy sẽ có nhiều trò chơi hơn. Trong khi mọi người có vẻ chẳng ai thích hoa xoan cả. Mẹ tôi bảo mùa hoa xoan này đến gà vịt lại nhiều bệnh lắm, cứ chết la liệt. Dẫu vậy, đứa trẻ như tôi vẫn cứ hồn nhiên mà tận hưởng mùa hoa của riêng mình.
Khi cây xoan chỉ vừa ra mấy cành nhỏ và toàn nụ ở tít trên đỉnh ngọn, tôi phải vất vả lắm mới hái được chúng. Sau đó sẽ buộc thành những bó to đem tặng mọi người. Hoa xoan đẹp nhưng mùi hắc lắm, lại lắm muỗi nữa, nên chẳng ai đem nó trưng ở nhà. Mọi người cầm lấy bó hoa từ đứa con gái nhỏ nghịch ngợm, cười xoa đầu nó mà khen nó giỏi. Mặc dù biết chỉ cần đến chiều thôi đống hoa ấy sẽ nằm héo rũ bên vệ đường nhưng tôi vẫn vui lắm.
Rồi đến tầm giữa mùa hoa, trên cành lá đã chen chúc những hoa là hoa, đan kịt vào nhau đến mức nhìn từ xa cây xoan sừng sững như một bó hoa khổng lồ với hai màu tím và trắng. Lúc này trèo lên cây sẽ giống như đang ở thế giới ngàn hoa trong truyện cổ tích. Tôi có thể ở trên đó cả ngày, đợt có ai đó đi qua sẽ thò đầu từ những tán hoa ra để chào họ. Có vài lần tôi chốn tiệt trên cây, cành lá dày quá, bố mẹ chẳng nhìn thấy nên đi kiếm cả buổi, về mắng cho một trận, còn doạ đánh. Nhưng tôi chẳng chừa.
Hoa xoan từ nụ nhỏ xíu nở thành hoa, rồi từ hoa khi tàn lại theo gió mà rụng xuống trắng xoá cả mặt đất. Một đứa trẻ hồi ấy chẳng biết cái gì là lãng mạn, là thơ mộng, chỉ biết cảnh ấy đẹp vô cùng. Những cánh hoa nhỏ xíu uốn lượn trong không trung một lúc lâu rồi mới nhẹ nhàng đáp xuống đất, trông như những bông tuyết. Tôi gom rất nhiều cánh hoa ở dưới đất lại dù chẳng biết đề làm gì, vì nó đẹp thôi, trong khi mẹ liên tục cằn nhằn vì cánh hoa bay đầy sân, quét không xuể.
Nhưng mùa hoa xoan trôi qua nhanh quá, chẳng mấy chốc hoa đã rụng hết, cánh hoa héo quắt dưới gốc lại trở thành mùn tươi tốt cho đất, cùng với xác của mấy con gà đã chết vì bệnh. Tôi lại tiếc nuối vì phải chờ tận một năm nữa mới đến mùa hoa tiếp theo. Ước gì hoa xoan nở quanh năm như những cây hoa hồng hay dừa cạn trong vườn nhỉ.
Mùa hoa qua đi, tôi trở về với những trò chơi thường ngày, nhưng chán hẳn đi. Lúc này lại ước trong xóm có thêm một đứa trẻ nào đó, nhất là ngôi nhà có cây xoan to đùng kia. Căn nhà ấy bỏ hoang lâu lắm rồi, lâu đến mức tôi còn chẳng nhớ.
Mẹ bảo hồi trước căn nhà ấy là của một cặp vợ chồng. Họ cũng thân thiết với bố mẹ tôi lắm. Nhà đấy còn có một đứa con trai mà theo mẹ nhớ thì hơn tôi tầm sáu, bảy tuổi. Chẳng hiểu sao mấy năm sau người vợ lại bỏ nhà đi. Người đàn ông một mình nuôi con, kiên trì đợi vợ hai năm, cuối cùng cũng bỏ lên thành phố, từ đó tới giờ không thấy quay lại nữa.
Tôi không nhớ gì là đúng, vì hồi họ đi tôi vừa mới bốn tuổi.
Những năm sau đó, quả thực chẳng có bóng dáng ai bước qua cánh cổng vào căn nhà ấy nữa.
Cho tới một năm nọ, khi tôi mười năm tuổi, một điều bất ngờ đã xảy ra.
Lúc ấy đã chớm đông, trời se lạnh. Tôi mò sang vườn căn nhà hoang kia vì ở đấy có một cây hồng đỏ đang chín. Hồng chín để đấy cũng phí nên mẹ bảo tôi vặt về ăn. Gói mấy quả hồng mọng nước trong áo, tôi vừa đi ra tới cổng căn nhà hoang thì nhìn thấy một người đàn ông trẻ tuổi, chỉ khoảng ngoài hai mươi. Anh đang ngó nghiêng xung quanh, trong khi loay hoay với đống đồ đạc lỉnh kỉnh, trông như người mới chuyển đến đây.
Từ ánh mắt tò mò, cuối cùng anh cũng mở miệng mỏi: " Nhà em ở cạnh đây hả?". Tôi gật đầu, trong đầu thử đoán xem đây là ai. Chắc hẳn là từ thành phố trở về vì phong thái, giọng nói và cách ăn mặc trông khác hẳn.
" Thế em có biết nhà ông Tư không? Hình như là đây phải không?" Anh hỏi tiếp.
Ông Tư ư? Nghe quen quá. Tôi bất giác giật mình. Đúng rồi, là ông Tư ở căn nhà này, người đàn ông trước đó đã cùng đứa con bỏ lên thành phố.
" Đúng rồi ạ!" Tôi gật đầu lia lịa " Nhưng mà anh là ai thế ạ?"
Tôi nghe thấy anh thở hắt một hơi, có vẻ nặng nề, còn ánh mắt thì không ngừng lướt qua cảnh vật xung quanh như đang hồi tưởng điều gì đó.
" Cảnh vật thay đổi nhiều quá. Mà cũng hơn chục năm rồi, cũng chẳng nhớ rõ hồi trước nữa."
Tôi hơi ngờ ngợ, cho đến khi anh bảo anh tên Quang, là con ông Tư, mới ngạc nhiên cực độ.
Đợi anh ấy đi vào trong rồi, tôi mới hớt hải chạy về nhà kể cho mẹ nghe. Trưa hôm ấy, nhà tôi bảo anh sang ăn bữa cơm. Bố mẹ tôi có vẻ mừng lắm, họ hỏi anh đủ chuyện trên đời, nào là có nhớ cô chú là ai không, hồi trước mày còn nhỏ xíu cô chú bế mày suốt, rồi là bố anh đâu rồi, anh đang sống ở đâu, sao tự dưng lại về đây.
Mặt anh buồn buồn bảo là bố mất rồi, mất từ hai năm trước, bị bệnh. Một mình anh đơn độc tự kiếm sống ở đất thủ đô, cũng gọi là có chút vốn, giờ muốn quay lại nhà cũ trồng trọt chăn nuôi mà sống yên ổn vậy.
Nghe sao mà kì quá. Người mong được lên thành phố thì một đống, anh lại ngược đời như vậy.
" Em nghe mọi người bảo ở thành phố sướng hơn, vui hơn mà, sao anh tự nhiên lại về đây chứ?" Tôi hỏi.
" Ừ, thành phố cũng dễ kiếm được cô vợ hơn, rồi sinh con đẻ cái, điều kiện học hành cũng tốt hơn. Chứ chôn chân ở cái vùng này có cả đời cũng chẳng khá lên được." Mẹ tôi thêm vào.
Anh cười nhạt nhẽo lắm: " Người ta thèm muốn cái gì thì mới thấy nó đẹp đẽ vậy thôi chứ đời bạc lắm ạ.", ngẫm nghĩ một hồi lại thêm, " Mà chắc cũng do cháu thất tình buồn quá nên muốn thay đổi cuộc sống một chút đi."
Mẹ tôi cười lớn: " Con ông Tư giống bố đẹp trai thế kia cô nào to gan lại dám bỏ. Mà còn trẻ, sợ gì, không cô này thì có cô khác chứ."
Anh cũng cười.
Chiều hôm ấy cả nhà tôi sang giúp đỡ anh một chút. Nhà bỏ hoang tới chục năm rồi, xuống cấp hẳn, nhưng may mà vẫn ở tốt. Cơ mà đồ đạc giường chiếu, tủ, kệ bên trong thì mối mọt hết rồi.
Bố tôi đề nghị: " Hay thế này. Chú cũng biết tí nghề mộc. Mày mua gỗ đi đem sang chú đóng miễn phí cho. Chứ mấy cái này dùng sao được nữa."
Anh cảm ơn rối rít, bảo nhà tôi tốt với anh quá.
Chỉ khoảng hai tuần sau, bố tôi đã hoàn thành xong một cái giường, một cái tủ và một bộ bàn ghế nho nhỏ. Căn nhà sau khi dọn dẹp, sơn sửa lại cũng đẹp hẳn ra, trông chẳng còn dấu hiệu nào của ngôi nhà đã bị bỏ hoang cả chục năm trời.
Có chỗ ở rồi, anh tính đến chuyện sửa sang lại mảnh vườn để trồng trọt. Trông anh có vẻ hào hứng lắm, ngồi tìm tòi cả ngày lẫn đêm. Bữa nọ anh mang mấy tờ giấy phác thảo sơ sơ xem nên trồng cây gì, nuôi con gì sang nhà tôi, hớn hở như trẻ con được cho kẹo: " Cô chú nhìn hộ con cái " bản kế hoạch" này coi có được không, có cần sửa cái gì không với ạ."
Hồi ở thành phố anh theo học trung cấp, sau này ra làm cho mấy công ty nhà đất nên sắp xếp đâu ra đấy hẳn.
Bố tôi xuýt xoa: " Thế này cũng tốn kha khá đấy, nào là tiền xây chuồng, vây rào, rồi tiền mua giống với phân bón nữa."
" Thiếu gì thì thiếu chứ tiền con đầy, chú không phải lo ạ" Anh đùa.
Rồi có bữa, anh nhờ tôi dẫn lên hiệu sách ở trên huyện để mua vài quyển sách về nông nghiệp, tiện thể dẫn tôi đi chơi huyện coi như trả công luôn. Tôi háo hức đến mức dậy từ sáng sớm chuẩn bị. Tôi sẽ mượn váy của mẹ mặc. Vì lâu lắm mới có dịp được lên huyện chơi mà.
Nhìn thấy tôi trong cái váy dài màu vàng nhạt, lại còn cột tóc bằng dây nơ nữa, trông anh ngạc nhiên lắm.
" Trông em khác hẳn thường ngày luôn ấy, nhìn giống con gái thành phố."
Tự nhiên tôi có cảm giác vui vui trong lòng, như thể lần đầu tiên được khen vậy.
" Thật á! Nhưng mà em chưa nhìn thấy con gái thành phố bao giờ. Nghe nói họ trắng lắm hả?"
" Ừ, trắng lắm, còn xinh nữa, đặc biệt cực cá tính và đáng yêu."
Thế là cả đường đi anh lại luyên huyên kể chuyện thành phố. Nào là trên đấy nhiều nhà cao tầng trông thích lắm, đường xá lúc nào cũng náo nhiệt, chỗ ăn chỗ chơi thì nhiều vô kể. Ngay cạnh chỗ anh ở còn có một cái rạp chiếu bóng to đùng, xem thích cả mắt. Tôi khoe ở trên huyện này cũng có một cái, nhưng chưa từng được vào bao giờ.
Đường lên huyện xa tít. Dù ngồi trên con xe máy cổ đi mượn nhưng cũng phải gần trưa mới tới nơi. Chúng tôi ở trong hiệu sách cả giờ đồng hồ. Anh đến quầy sách về nông nghiệp, chọn chọn lựa lựa, quyển nào cũng phải mở ra xem thử, cuối cùng ôm một chồng nặng phải tới chục quyển.
" Em có thích quyển nào không, anh mua cho một quyển." Tự nhiên anh hỏi. Thế là tôi lấy ngay quyển " Hai vạn dặm dưới đáy biển" tại vì đoạn giới thiệu nó hay.
Lúc ra khỏi hiệu sách cũng đã quá trưa, chúng tôi vào chợ gần đó kiếm cái gì để ăn. Chợ huyện đúng là đẹp hơi ở làng nhiều, cũng nhiều thứ nữa, ngắm cả ngày cũng chẳng hết.
" Tết người ta còn mở hội ở đây cơ, vui lắm." Tôi hào hứng khoe.
" Thế hả? Thế Tết năm nay dẫn anh lên đây chơi hội với nhé."
Tôi gật đầu lia lịa.
Chiều đến, người đông đúc hơn hẳn. Chúng tôi đi lang thang trên những con đường bê tông dài bất tận, băng qua những toà nhà cao tầng, bệnh viện, chùa chiền... Lúc ngang qua ngôi trường cấp 3 ở huyện, anh bỗng dừng xe lại hỏi: " Em đang học lớp 9 hả?"
Tôi gật đầu: " Em học ở trường làng." Nói là trường nhưng cũng chỉ là cái nhà văn hoá kê thêm vài bộ bàn ghế với cái bảng. Giáo viên chỉ có ba, bốn người.
" Vậy lên cấp ba thì học ở đâu? Trường làng chỉ dạy hết lớp 9 thôi mà."
" Vâng. Nhưng lên tận huyện học thì xa lắm, phải ở lại chứ đi đi về về sao nổi. Mà em không dám ở đây một mình đâu, sợ lắm."
Nói vậy nhưng tôi cũng muốn học tiếp lắm. Học lên cao rồi được lên thành phố, sống một cuộc sống mơ ước chứ không phải như mấy chị trong làng, mới mười mấy đã lấy chồng, con cái nheo nhóc, trông tiều tuỵ hẳn ra.
Anh tựa lên yên xe im lặng một hồi, ánh mắt xuyên qua cánh cổng sắt hướng vào trong sân trường, rơi lên những vạt áo trắng tinh của học sinh vừa tan học. Rồi thình lình quay sang cốc đầu tôi một cái rõ đau.
" Còn nhỏ phải biết cố gắng một tí chứ. Em cứ cố mà học đi, sau này mới biết thế giới rộng lắm."
Tôi chun mũi. Nếu vậy sao anh còn quay về quê này chứ, cố để được lên thành phố rồi giờ lại quay về, chẳng phải phí phạm?
Ngày mùa đông ngắn, chẳng mấy chốc đã tối, chúng tôi lại rời phố huyện náo nhiệt mà ra về.
Anh đã quyết tâm làm lụng cẩn thân thì đúng là kinh khủng thật, từ sáng đến tối chỉ thấy cặm cụi ngoài vườn. Ngoài buổi sáng đi học, cả ngày tôi đều loanh quanh ở bên đấy. Anh làm việc nhanh cực kì, một hai ngày đang dọn dẹp sạch sẽ xong cả khu vườn, nhổ sạch cỏ, phát quanh bụi rậm, xới tung đất lên rồi bón phân cho màu mỡ. Dự tính nửa mảnh vườn này sẽ để trồng cây ăn quả, nào là cam, táo, đu đủ..., nửa còn lại trồng rau, nhưng phải rào lại vì còn nuôi gà. Với lại có cái ao nước cạnh nhà nữa, tiện thể thả cá với nuôi thêm vịt cho chúng nó xuống tắm.
Nghe thích thật.
Có bữa nọ anh than cây xoan trong vườn to quá, thân trông vậy thôi chứ rễ nó trong lòng đất lan rõ rộng, giờ mà trồng cây xung quanh thì sợ bị hút hết dinh dưỡng, không sống nổi mất.
Không hiểu sao tôi thấy bất an: " Anh đừng chặt nó mà. Từ nhỏ đến lớn em chỉ có mỗi cái cây này làm bạn thôi ấy."
Anh quay sang nhìn tôi cười: " Tất nhiên rồi. Mọi người cũng bảo chặt đi cho xong nhưng mà không nỡ. Cái cây này chứa nhiều kỉ niệm lắm. Hồi mẹ mới đẻ anh, bố trồng nó, bảo sau này lớn lên lấy vợ còn có gỗ mà đóng đồ đạc."
" Thế giờ anh có định lấy vợ không?"
" Ơ có chứ cô nương! Nhưng mà là sau này."
" Sau này là mấy năm nữa?" Tôi hỏi.
" Thì khoảng một, hai năm nữa, ruộng vườn ổn định, được thu rồi thì mới có tiền cưới vợ chứ."
" Anh có bạn gái ở thành phố rồi hả?"
Không hiểu sao tự nhiên tôi lại hỏi câu đấy. Chỉ là phỏng đoán, chỉ là tự cảm thấy hình như anh đang giấu một điều gì đó.
Anh nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên lắm. Hẳn là muốn nói: " Ơ, sao nó lại biết nhỉ."
Và thế, ngày hôm ấy, tôi đã hiểu ra mọi chuyện. Rằng lí do tại sao anh tự nhiên lại bỏ thành phố về đây.
Hồi ở Hà Nội, anh có yêu một chị, yêu sâu đậm lắm, đến nỗi không dứt ra nổi. Rồi tự nhiên chị kia đòi chia tay, bảo là chán thành phố rồi, muốn về quê lấy chồng rồi làm nông, trồng rau nuôi gà, sống an an ổn ổn vậy thôi. Tất nhiên là anh không đồng ý, chỉ bảo chị nếu muốn thì đi cùng mình, có ngôi nhà ở quê, giờ về đấy rồi cưới nhau, sống với nhau. Nhưng chị kia vẫn có vẻ không thích, bảo là làm lại từ đầu thì mất nhiều vốn lắm, lại còn vất vả nữa.
Thế là mấy hôm sau anh nộp đơn nghỉ việc cho sếp luôn, một mình khăn gói về quê dựng nghiệp, trước khi đi có nhắn lại với chị kia là chờ một hai năm mình làm được ổn ổn rồi thì sẽ lên đón về rồi hai đứa cưới nhau.
Tôi nghe anh kể xong phải thốt lên: " Anh hi sinh cho chị ấy quá trời vậy."
Anh chỉ cười cười, bảo là yêu quá mà, biết làm sao được.
Vây rào, dựng chuồng xong, anh mua gà vịt về thả, thì Tết cũng gần đến.
Mẹ tôi bảo sao không đợi ra Giêng Hai hẵng thả gà vịt, chứ qua Tết đến cái mùa hoa xoan nở, mưa phùn rầm rì ấy gia cầm bệnh tật chết nhiều lắm. Người ta sợ cái mùa ấy đến nỗi nhà ai có gà vịt còn phải bán hết đi cơ mà.
Anh chỉ bảo: " Con phải bắt tay vào làm ngay luôn chứ đợi đến lúc đấy thì muộn quá, nuôi bao giờ mới lớn được."
Tết đến, bố mẹ tôi gọi anh sang ăn Tết cùng, càng đông càng vui mà. Anh cũng biết ý, lôi tôi đi chợ, sắm một đống đồ về cho nhà. Và thế, tôi lại được lên huyện chơi. Chợ Tết vui cực kì. Chúng tôi lên đường từ tận sáng sớm cốt để kịp chọn những cành đào đẹp nhất, hay những bông hoa cẩm chướng còn tươi nhất.
Anh lại bảo anh nhớ hồi ở thành phố, Tết năm nào anh cũng cùng người yêu đi sắm Tết, vui cực. Tôi tự dưng thấy nghẹn nghẹn ở cổ, không biết vì thấy tội anh hay là làm sao.
" Thế giờ anh có vui không?"
Đang đi mà đột nhiên đứng lại, nghĩ ngợi một hồi, anh cốc đầu tôi: " Vui chứ! Cơ mà nếu không có nhà em ở bên cạnh thì chắc anh cô đơn buồn chết mất."
Nhưng dẫu vậy, cả một mùa Tết qua đi, tôi bỗng nhận ra trong anh đang lớn dần một nỗi tiếc nuối nào đó. Bất kể làm việc gì, từ gói bánh trưng, sắp mâm ngũ quả hay cùng nhau thả một cái đèn trời vào đêm giao thừa, anh đều nhớ tới thành phố, nhớ tới người yêu.
Tôi bắt đầu thấy chán ghét những ai mà luôn cố tìm tới mảnh đất nào đó, con người nào đó chỉ để quên đi một con người, một mảnh đất khác. Mặc dù đến tận sau này, tôi cũng vô tình trở thành một con người như thế.
Mùa hoa xoan năm nay đến lặng lẽ, âm thầm đến mức tôi không nhận ra. Mùa hoa bắt đầu bằng những cơn mưa phùn nhè nhẹ và vẻ mặt buồn buồn của anh khi phát hiện lũ gà đang chết dần trong vườn. Ban đầu chỉ là một hai con, nhưng dần dà đã tăng lên, từ con này lây sang con khác, đàn gà vơi đi trông thấy. Anh thất vọng lắm, vì toàn bộ chỗ vốn còn sót lại đổ hết vào đấy rồi.
Và rồi tôi chợt nhận ra, mùa hoa xoan năm nay không còn đẹp trước nữa. Nhưng đó chỉ là mở đầu cho chuỗi nối tiếp những mùa hoa sau này.
Dạo ấy tôi ít sang nhà anh hơn hẳn, vì tôi phải cố gắng học để thi vào ngôi trường cấp Ba trên huyện. Tôi nghĩ kĩ rồi, phải cố học lấy, sau này thoát khỏi cái đất nghèo này, được lên thành phố, được ngắm nhìn những thứ đẹp đẽ qua những lời anh kể.
Một chiều nọ, gió nhè nhẹ và mưa phùn thấm vào áo tê lạnh. Tôi đứng dưới gốc xoan trong vườn nhà anh. Cánh hoa rơi và mưa phùn quyện vào nhau, đổ ào ạt xuống. Những cánh hoa trắng, tím xoay điên cuồng trong không trung, cuối cùng đậu xuống một gương mặt nhợt nhạt ngay dưới gối cây, bên cạnh là la liệt xác gà vịt chết.
Chiều hôm ấy, tôi đã nhìn thấy xác anh ở gốc cây xoan trong vườn.
Gương mặt kia kể từ chiều hôm ấy cho tới lúc người ta mang anh đi thiêu, vẫn luôn an an ổn ổn như thế.
Tôi nghe bố mẹ bảo anh uống thuốc sâu tự tử - cái chết cay đắng nhất khi phải cảm nhận thứ chất lỏng chết người kia len lỏi vào trong cơ thể, thiêu đốt, tàn phá từng cơ quan nội tạng một. Người ta đoán do dịch bệnh, gà vịt chết nhiều quá, làm ăn không được nên anh tự tử. Nhưng tôi không tin.
Đám tang của anh bạn bè từ thành phố về đông lắm, người ra người vào tấp nập. Tôi có gắng tìm kiếm một cô gái dáng người cao, mảnh khảnh, tóc dài theo lời kể, nhưng không thấy. Cho tới khi hỏi một người bạn của anh, mới hiểu ra.
Giá như có ai đó ngay từ đầu nói với tôi rằng trước hôm anh chết, đã có một cuộc gọi từ thành phố về, thì tôi đã hiểu ra lí do anh tự kết thúc đời mình như vậy. Mà biết đâu tôi có thể ngăn cản chuyện ấy. Nhưng không một ai nói, anh cũng không nói. Đáng ra anh phải gọi tôi sang, tâm sự với tôi rằng người yêu anh đi lấy chồng rồi, cô ấy thất hứa rồi. Và rồi tôi sẽ hái một chùm hoa xoan đưa cho anh mà bảo rằng: " Không sao hết. Cuộc đời còn rất dài và còn rất nhiều người để anh yêu thương"
Vì anh không nói nên suốt sáu năm qua, mùa hoa xoan đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí của tôi. Tôi cố gắng chạy trốn nó, tôi thi đỗ trường huyện, rồi lại lên thành phố học đại học, tôi gặp nhiều người, đi nhiều nơi... cố vây bản thân quanh bộn bề công việc, cố đem mọi thứ nhét chật cuộc sống của mình chỉ để không có một giây phút nào cảm thấy trống rỗng và vô vọng như buổi chiều hôm đấy nữa.
Anh chính là người đã giết chết những mùa hoa xoan trong tôi, thản nhiên dẫm đạp lên kí ức về những mùa hoa đẹp nhất. Tôi đã ước rằng, giá như anh đừng về đây, giá như anh đừng xuất hiện ở cổng ngôi nhà hoang ấy vào một ngày đông lạnh lẽo thì có lẽ sau này tôi đã có thể cảm thấy hào hứng mỗi đợt trời bắt đầu mưa phùn, có thể reo lên như một đứa trẻ: " Mùa hoa xoan lại tới rồi."
Hoàn
Nhi, 17/04/2020.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top