1. TẠM BIỆT SÀI GÒN
Ngày 1 tháng 7 năm 2013,
Ánh sáng trôi sượt qua, để lại những vệt lóa trên tấm kính. Ngồi trên taxi xuôi về sân bay Tân Sơn Nhất, tôi nhìn Sài Gòn cuốn lại phía sau. Sài Gòn về đêm - những cảnh tượng thân quen cuối cùng trước khi tôi lên đường cho một hành trình mới.
Một kỳ học hè ở Mỹ - một điều mà với tôi, đã từng thật xa xỉ.
*
Sinh ra trong một gia đình điều kiện bình thường, tôi sớm hiểu rằng nếu muốn đến những chân trời mới thì bản thân phải tự lực cánh sinh và đừng chờ đợi nhiều ở cha mẹ, những người đã cố gắng không ít chỉ để lo cho tôi đủ cơm ăn áo mặc và được đến trường. Phải nói ngay rằng tôi không dám xếp những trang viết của mình vào diện "du ký", bản thân tôi cũng không phải là "phượt thủ", dù tôi đang kể về một chuyến đi. Bởi tôi cũng nhát gan, cũng thiếu bản lĩnh, kém tháo vát, chẳng được can trường, thông minh, hay nói chuyện với người nước ngoài lưu loát gì cho cam.
Nhận thức được cái sự "bình thường" của mình, tôi biết mình phải cố gắng không ngừng từng ngày một, trong suốt hai năm qua, từ khi vào đại học. Việc đi đâu đó với tôi không hề đơn giản, phải chắt chiu từng cơ hội, chuẩn bị từng chút một để có ngày trải nghiệm thế giới bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bắt đầu từ những chuyến đi ngắn ở các nước gần, tôi cứ kiên nhẫn gom góp dần những thành tích cá nhân để lần sau được đi xa hơn lần trước một chút, một cách xứng đáng.
Học hỏi từ không ít thất bại, hè này tôi ứng tuyển và được chọn tham gia chương trình trao đổi văn hóa do chính phủ Mỹ tài trợ toàn bộ chi phí. Chúng tôi sẽ đến đại học Montana (bang Montana) để học trong bốn tuần, sau đó đi xuống phía Nam, dừng ở thành phố New Orleans bên dòng sông Mississippi và ngược về Washington DC bờ Đông nước Mỹ. Chuyến đi tạo cơ hội cho các bạn thanh niên Đông Nam Á học tập và sinh hoạt cùng nhau, cùng tìm hiểu về nước Mỹ, xoay quanh chủ đề chính là môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Hành trình của tôi chỉ kéo dài năm tuần, sẽ thật ủy mị nếu nói tôi đang nhớ nhung Sài Gòn đến điên cuồng. Nhưng, tôi đoán, đó là tâm trạng chung của tất cả những ai chuẩn bị rời xa những điều quen thuộc này để đến với những mới mẻ khác. Dù là xa hay gần, ngắn hạn hay dài hạn, ít nhiều gì người ra đi cũng sẽ có một chút chông chênh trong lòng. Tôi nhạy cảm, thành ra nỗi chông chênh ấy lại càng chơi vơi hơn. Tôi đang nhớ, dẫu chưa hề rời xa. Nhớ rất nhiều, nhưng chẳng biết là nhớ cụ thể những điều gì.
*
Taxi dừng lại ở ga quốc tế. Tôi mở tung cửa, khoác ba lô nặng trịch lên vai, trước mắt là nhộn nhịp người người, ai cũng lỉnh kỉnh hành lý, kẻ đứng người ngồi, nhưng đều chung một điểm: đang chờ đợi, chờ tiễn người đi và chờ đón người về.
Đây không phải lần đầu tiên tôi đến sân bay cho một chuyến đi, nhưng là lần đầu tiên cả ba và mẹ đến tiễn tôi. Điểu này khiến tôi nửa hạnh phúc, nửa lại lo lắng. Cảm giác chuyến đi này dường như trọng đại hơn những lần khác. Ba mẹ tôi bước khỏi xe, loay hoay phía cốp với cái vali to uỵch. Đi năm tuần, mẹ cố gắng nhồi nhét cho tôi càng nhiều càng tốt: từ thuốc thang, quần áo, dầu gội đầu cho đến đồ cắt móng tay, mì gói... Mẹ đã "lặn lội" sang tận bà hàng xóm, mượn về cái cân sức khỏe để cân chỉnh và sửa soạn hành lý cho tôi trong suốt ba ngày.
Tôi gọi cho X-men (đây là biệt danh cậu ta tự chọn cho mình), một trong những người bạn đồng hành của tôi. Cùng với các bạn từ Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar, Việt Nam sẽ có bốn sinh viên góp mặt, hai sinh viên từ phía Bắc và hai sinh viên từ phía Nam. Bắc - Nam chúng tôi chia làm hai nhóm, đều bay từ Việt Nam đến Mỹ, nhưng theo những hành trình bay khác nhau xuất phát từ Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Chúng tôi có trò chuyện, tìm hiểu về nhau trước chuyến đi. X-men, Gió và Ý - những người bạn đồng hành của tôi - đều tham gia năng nổ các hoạt động Đoàn - Hội ở trường đại học. X-men học ngành Biên - Phiên dịch, Gió học về Khoa học môi trường và Ý học Sinh học. Nhờ đặc thù ngành, X-men đã tham gia rất nhiều chuyến giao lưu - nghiên cứu của các phái đoàn Mỹ tại Cần Thơ. Gió lại là cô bạn rất năng động, tham gia bao nhiêu là hoạt động nhảy múa văn nghệ. Mới tháng trước Gió đã tham gia giao lưu văn hóa ở Hàn Quốc. Ý là sinh viên thuần nghiên cứu khoa học, với kết quả học tập đứng thứ nhì khoa, đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ Anh văn ở trường. Tôi lại có chút khác biệt với họ, tôi không tham gia các hoạt động phong trào. Nhưng, cách đây hai năm, bắt đầu từ một cuộc thi, tôi bén duyên với các hoạt động môi trường và thực hiện khá nhiều dự án cá nhân ở lĩnh vực này. Nhờ hoạt động năng nổ và một vài thành tích nhỏ, trước chuyến đi này tôi đã có nhiều dịp tham gia các hội thảo về môi trường dành cho giới trẻ ở các nước. So ra với ba người bạn đồng hành, tôi có phần tự tin về kỹ năng "đi nước ngoài" của mình.
*
Chín giờ tối. Không có gì quá vội. Tôi và X-men bay lúc 12 giờ khuya. Ba tiếng là quá dư dả để hoàn thành mọi thủ tục, thủng thẳng leo lên máy bay và vẫn còn rất nhiều thời gian cho công việc chụp ảnh selfie, check-in facebook kèm vài lời lẽ chia ly trước khi lên đường. Ấn tượng của tôi về X-men từ lần gặp trước là cậu bắn... tiếng Việt như bắp nổ trong lò rang, liền thoắng và lốp đốp vào tai. Tôi nhiều khi chẳng hiểu X-men nói gì, phải liên tục: "Hả?", "Hả?", "Hả?", "Cái gì?". Cậu ta nói tiếng Anh cũng khó nghe chẳng kém, nhưng tôi cho rằng X-men nói tiếng Anh vẫn còn dễ nghe hơn tiếng Việt.
Sau một lúc dông dài trên điện thoại, tôi mới nhận ra "a ha" cậu ta đứng ngay bên cạnh. Tôi hối X-men nhanh vào trong làm thủ tục cho sớm sủa. Thật ra tôi sợ đứng lại lâu, mẹ tôi lại nghĩ ra thêm một mớ chuyện để dặn dò. Nhưng, mẫu thân đã kịp "xuất chiêu" cuối cùng, kéo tay X-men lại và căn dặn với vẻ mặt trọng đại:
- Con nhớ chăm sóc Mai Anh dùm cô nhe con...
Tôi mém té khi nghe mẹ nói. Câu này nghe quen quá, hình như khi chị tôi đi lấy chồng, mẹ cũng dặn anh rể như vậy.
*
Chúng tôi làm thủ tục rồi lần lượt vượt qua các cửa kiểm soát an ninh. Lặng lẽ bỏ đồ xuống, nhấc đồ lên, xếp vào hàng, sang cửa tiếp theo. Khi đã nhanh chóng vượt qua hết các cửa, tôi giật mình nhớ lại lần đầu tiên tôi đi nước ngoài, tôi đã bỡ ngỡ thế nào, phải lẽo đẽo theo người phía trước, chăm chú làm theo mỗi hành động cử chỉ của người ta. Vậy mà giờ, chẳng còn chút lạ lẫm nào. Dịch chuyển không phải là một kiến thức mà là một kỹ năng. Càng đi nhiều, bạn càng đỡ bộp chộp (đỡ thôi không có nghĩa là không bộp chộp - bạn sẽ hiểu khi đọc thêm các phần sau).
X-men và tôi ngồi chờ chuyến bay. Cả hai đều im lặng theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình. Sân bay vẫn luôn là một nơi kỳ lạ. Một nơi có cả ra đi - ở lại, chia tay - gặp gỡ, niềm vui - nỗi buồn, hy vọng và cả lo âu. Một nơi mà thường khi đặt chân đến, người ta có thật nhiều ước mơ, khao khát cháy lên trong lòng. Bay lên cao, ra ngoài thế giới rộng lớn kia, và mở ra những điều mới mẻ...
Máy bay cất cánh. Tôi ngồi dính chặt vào ghế nệm, nghe trong bụng nôn nao như đi thang máy. Ở một khoảng vô định nào đó, giữa những đám mây, tôi mơ màng với rất nhiều hy vọng, chờ đợi và cả một nỗi sợ hãi mơ hồ.
Hành trình của tôi chính thức bắt đầu. Năm tuần, ba mươi lăm ngày, cho rất nhiều điều mới lạ.
Tạm biệt Sài Gòn!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top