Chương 2: Chuyển gió
Chương 2: Chuyển gió
Nó nghỉ học gần một tuần, cuối cùng cũng phải tới lớp. Khoác cặp sách trên vai, nó đi xuống nhà. Cô Trang vừa nhìn thấy nó liền gọi:
- Yến! Lại ăn sáng đi con. Ăn xong rồi cùng Cường tới lớp.
Nó chưa kịp trả lời, bà Ngọc – mẹ chồng cô Trang đã lên tiếng trước:
- Thằng Cường có ăn sáng bao giờ đâu. Sao không thấy con nhắc nó?
- Có phải con không nhắc nó đâu. Kêu nó dậy sớm ăn sáng mà mẹ coi, giờ này còn nằm lì, con gọi mấy lần mà nó đã dậy đâu.
- Đêm nào nó cũng phải an ủi bạn thân thì chả không dậy sớm được. Nhà chả có chuyện gì mà cũng phải nghỉ học đến mấy ngày liền.
- Mẹ! – Cô Trang bước ra cửa phòng kéo tay nó đi vào ngắt lời mẹ chồng, nhìn nó với ánh mắt ái ngại.
Nó đặt tay mình lên tay cô Trang, nhìn cô như nói nó không sao rồi nói mà nhìn vào phía phòng ăn để người bên trong nghe rõ:
- Trước giờ con không ăn sáng. Cháu đi luôn đây ạ. Cháu chào bà, con chào cô.
Nó khẽ mỉm cười, cúi đầu chào cô Trang để cô yên tâm. Bước nhanh ra cửa, nó tự an ủi bản thân mọi chuyện rồi sẽ tốt. Bà Ngọc trước nay vẫn ác khẩu với mẹ con nó, nó đã quen rồi và cũng chẳng để bụng. Mà nói cho cùng có ai muốn tự dưng con mình phải đèo bòng theo một đứa trẻ không cha không mẹ cơ chứ. Bà Ngọc cũng là thương con thương cháu mới vậy. Cảm giác đợi xe buýt thật là chẳng thích thú chút nào, đáng lẽ nó phải tìm hiểu trước xe sẽ đến đây vào lúc nào rồi chỉ tới trước vài phút mới đúng. Mười lăm phút ngồi ở đây thì có thể dịch thêm cả một trang tiếng anh nữa rồi. Nhìn từ xa bóng chiếc xe buýt tới, nó thở phào cuối cùng cũng tới. Nó đứng lên, kéo chiếc cặp lên đeo lại, sẵn sàng leo lên chiếc xe xa lạ kia. Nhưng một chiếc xe máy mà nó đã quá đỗi quen thuộc vượt đầu chiếc xe buýt phi nhanh tới chỗ nó, một tay đưa chiếc mũ bảo hiểm:
- Lên xe đi! Ở đâu ra bạn bè mà xấu tính thế hả? Đi trước mà không gọi nhau.
- Đi trước đi. Tớ ngồi xe buýt an toàn hơn. – Nó hất hất tay để Cường đi trước.
Bíp bíp. Chiếc xe buýt tới nơi, kêu réo ầm ĩ bảo Cường đi, nhưng cậu bạn này của nó gan lì chẳng thèm để ý. Anh phụ xe mất kiên nhẫn, ngoái cổ ra quát:
- Oắt con! Đi thì đi không thì đứng ra chỗ khác. Đây là chỗ dừng xe của nhà mày à?
Cường cũng đâu phải đứa chịu nghe lời, cậu ta dựng chân chống xe quay lại tiếp chiến không hề chút ngại ngần:
- Tao thích đứng đây đấy. Mày muốn gì nào? – Cậu ta vừa nói vừa hất hất hàm về phía đối phương mà khiêu khích.
Anh phụ xe có vẻ cũng rất hiếu chiến bước một chân xuống đường, nó hoàn toàn đủ thông minh để đoán được sẽ có chuyện gì xảy ra tiếp theo. Cường có thể đánh nhau ở đâu nhưng không thể đánh nhau trước mặt nó được. Bà Ngọc sẽ lại có dịp làm khó cô Trang. Nó kéo tay cậu bạn thân ép lên xe, không quên đưa ra một gương mặt vô cùng đáng thương nhìn anh phụ xe mà xin lỗi:
- Bọn em xin lỗi ạ! Bọn em đi luôn ạ! Xin lỗi anh!
Cường đạt được mục đích bắt nó lên xe cũng không gây thêm chuyện, vặn tay ga phóng vọt đi. Gió bạt từng đợt rất mạnh vào mặt nó, hai con mắt cay xè vì gió lớn. Nó đưa tay véo mạnh một cái mạn sườn thằng bạn thân đang cầm lái, khiến cậu ta réo lên đau đớn, tay trái theo phản xạ bóp phanh, chiếc xe dừng khựng lại:
- Đau. Làm sao đấy. Bạn chưa muốn chết đâu.
- Đi chậm thôi. Gió lạnh lắm. – Nó nói một cách dửng dưng.
- Lạnh quá à? – Cường đưa tay lên sờ má bạn. – Xuống xe đi.
Nó thản nhiên làm theo lời Cường. Cậu ta mở cốp xe đưa cho nó một chiếc bịt tai, một đôi găng tay. Không cần nói cũng biết cậu ta muốn gì. Nó cầm lấy mấy thứ đồ ấm áp ấy, mỉm cười nhẹ nhàng nói mà như năn nỉ:
- Thế này vẫn lạnh đấy. Đi chậm thôi.
Trước khi nổ máy, Cường không quên trêu nó như mọi lần:
- Nếu còn lạnh thì ôm bạn cho đỡ lạnh nhé.
Và đương nhiên kết quả vẫn là một cái véo vào mạn sườn khiến Cường phải gào thét oán thách cô bạn thân. Hai đứa chơi với nhau, đi học cùng nhau từ tiểu học đến nay đã hơn mười năm. Trong mỗi ký ức vui buồn của nó đều có Cường, ngoài mẹ ra Cường là người hiểu và biết nhiều về nó nhất. Có nhiều chuyện mà chính mẹ cũng không biết mà nó phải nhờ Cường che dấu. Cường cũng chưa từng hỏi nó tại sao lại làm bất kể chuyện gì. Hôm qua khi nó nói muốn bán xe đạp, Cường cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên, cầm điện thoại gọi cho mấy chiến hữu tìm chỗ bán được giá cho nó. Cô Trang biết chuyện còn trách Cường: "Yến nó đang buồn, suy nghĩ nông nổi mới làm chuyện linh tinh. Con đã chẳng khuyên bạn được câu nào lại còn hùa vào. Bán làm gì? Lại còn khoe con kiếm được chỗ bán xe được giá nữa. Đi xe buýt, thân con gái bao nhiêu chuyện. Từ giờ lo mà đưa đón con bé đi học." Bà Ngọc nghe được lại thêm một trận lườm nguýt mãi không thôi.
Cường vừa tới trường là mất dạng, chắc chắn là chạy đi đâu hút thuốc với các chiến hữu. Nó buồn chán nhìn ra cửa số mơ hồ không rõ đang muốn tìm kiếm điều gì. Mọi thứ xung quanh dường như không hề thay đổi, vẫn là những ồn ào của những người còn chưa kịp làm bài tập, chay đôn chạy đáo tìm kiếm người nào đã làm rồi. Cuốn vở của những con người chăm chỉ chắc chắn sẽ bị chuyền đi chuyền lại từ đầu lớp đến cuối lớp. Chỉ khi giáo viên xuất hiện thì sự ồn ào ấy mới ngừng lại nhưng những quyển vở vẫn tiếp chuyển động một cách lặng lẽ. Người duy nhất nằm ngoài vòng xoáy ấy là nó. Từ những ngày đầu vào lớp, vở của nó đã nằm ngoài tầm ngắm của tất cả mọi người sau câu tuyên bố hùng hồn của thằng bạn thân: "Vở của cái Yến đừng có đứa nào mượn, vì tao cầm rồi." Câu nói bá đạo ấy khiến cả lớp lầm tưởng rằng nó và Cường là một đôi, mất thằng đàn em của Cường đôi lúc nịnh nọt còn gọi nó là "Chị dâu" như thật.
Tiết học đầu tiên là của cô giáo chủ nhiệm. Tiết học của cô giáo chủ nhiệm luôn có một không khí nghiêm túc đến lạ thường so với các tiết khác. Sơ đồ lớp trên bàn sẽ là sơ đồ chính thức, còn các tiết học khác, sơ đồ lớp là sơ đồ dự bị để tạo cơ hội cho các cặp đôi của lớp được gần nhau hơn, những đứa muốn học được lên bàn đầu ngồi, những đứa thích ngủ được xuống cuối lớp. Hầu như mọi chỗ ngồi đều thay đổi, chỉ duy có bàn của nó và Cường là vẫn luôn ở vị trí đó. Cô chủ nhiệm vào lớp trước mỗi bài học luôn là những bài ca về kỷ luật, điểm sổ ghi đầu. Nhưng hôm nay khi cô không nhắc đến mấy chuyện đó, bài học bắt đầu một cách nhanh chóng. Nó chán nản khi nghe cô thao thao những lý thuyết vì đầy trong sách giáo khoa, lại ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ. Có một bóng người nhìn khá quen đi từ phía cổng trường về khu giáo viên, nếu nó đoán không nhầm thì là ông chú ở Newland đã tới đám tang mẹ nó hôm trước. Bất giác nó suy nghĩ viển vông không hiểu ông ta tới đây là gì. Tâm tư vẫn treo ngoài lớp học thì cậu bạn huých huých tay. Hồn nó trở về nhận ra không khí xung quanh có chút bất ổn, cô chủ nhiệm đứng ngay cạnh bàn nhìn nó:
- Cô biết tâm trạng em không tốt. Nhưng đã mất công tới lớp cố gắng chú tâm vào bài học.
- Dạ. Em xin lỗi cô. Em không cố ý. – Nó cúi đầu không dám nhìn cô.
Cô chủ nhiệm gật gật đầu tỏ ý thông cảm, đồng tình rồi quay mình đi lên bục giảng, nhưng đi đến nửa đường lại khẽ quay người nhìn nó:
- Giờ ra chơi em lên phòng giáo viên gặp cô nhé!
Nó khẽ "Vâng" rồi quay ra liếc xéo thằng bạn tốt. Kéo tờ giấy nháp lại, nó viết nhanh "Sao không nhắc sớm?". Cường vừa nhìn vừa cưới, kéo tờ giấy lại vẽ mặt cười chế nhạo kèm theo hai chữ lớn "Vui mà". Nó tức giận đưa tay véo mạnh vào mạn sườn Cường một cái thật mạnh. Cường được thể nhảy dựng lên kêu: "A! Mẹ ơi!" Cả lớp được trận giật mình, cô giáo cũng không ngoại lệ quay xuống hỏi:
- Cường! Làm sao thế? Học không lo học.
- Em muốn đi vệ sinh ạ! – Cường nhăn nhó như vô tội trả lời.
Nó vừa nghe thấy cúi mặt xuống bàn cười nhỏ, một tay kéo kéo vạt áo của Cường. Cả lớp thì không tế nhị được như thế đều hô hô ha ha cười lớn một trận. Cô chủ nhiệm dù rất tức giận nhưng vẫn chẳng có cách nào:
- Đi đi.
Mấy ngày nay, tâm trạng nó không tốt nhờ có trò đùa kia của Cường mà nó lại cười được, tâm tư cũng nhẹ đi phần nào. Hai tiết học qua đi nhanh chóng, giờ ra chơi luôn là lúc ồn ào ầm ĩ nhất. Nhờ lại lời nhắc của cô chủ nhiệm, nó đi nhanh ra khỏi lớp về phía phòng giáo viên. Vừa đi tới cửa nó đã nhìn thấy ông chú khi này ngồi cạnh cô chủ nhiệm đang nhìn nó mỉm cười. Nó cũng khẽ cúi đầu chào lại, rồi lên tiếng với cô chủ nhiệm:
- Cô gọi em tới ạ!
Cô chủ nhiệm gật đầu với nó rồi đứng lên đưa tay mời ông chú kia đi sang phòng khách bên cạnh, đưa mắt ra ý bảo nó đi theo. Hai người lớn ngồi xuống trước rồi kéo ghế cho nó ngồi. Cô chủ nhiệm không lên tiếng giới thiệu, ông chú kia đã nói trước:
- Cháu có biết chú không?
- Hôm đám tang mẹ cháu hình như chú có tới. Cháu chỉ biết chú ở Công ty. Hôm đó chưa nói được cảm ơn chú, hôm nay mới nói được. Cảm ơn chú đã quan tâm.
Ông chú kia nhìn nó cười cười, chắc chắn là đang nói nó mặt non choẹt còn tỏ ra là người lớn. Nó cũng mặc kệ chẳng bận tâm. Cô chủ nhiệm thấy vẻ mặt chán nản, dửng dưng của nó lên tiếng đỡ lời:
- Đây trợ lý của Chủ tịch Newland vì chuyện không vui của mẹ em nên đến trường liên lạc. Hiện tại em không có người giám hộ nên...
- Em hiểu rồi ạ! Chú trợ lý có gì cứ nói đi ạ. Cháu chỉ được nghỉ có hai mươi phút trước khi có tiết mới thôi ạ.
- Đừng gọi chú như thế, xa lạ quá. Chú tên Minh. – Giới thiệu xong, ông chú dừng lại một giây lấy lại tình thần. - Chắc cháu không thoải mái khi phải nhắc tới chuyện buồn của mẹ. Tuy nhiên chuyện này là chuyện quan trọng tới tương lai của cháu nên không thể trì hoãn. Cháu vẫn còn nhỏ, lúc này phải có người giám hộ cho cháu mới được, không thể cứ ở nhà bạn mãi.
- Cháu không hiểu ý của chú. – Nó mất kiên nhẫn ngắt lới.
- Thật ra. Gia đình chủ tịch muốn nhận nuôi cháu, tạo điều kiện để cháu có thể học hành tốt hơn. Tập đoàn Newland có một trường học dành cho con em của các nhân viên công ty, cháu có thể tới đó học.
Nó có chút bất ngờ với gợi ý của chú Minh đó vừa nói. Ở đâu ra có chuyện tốt đẹp như vậy cơ chứ. Bất giác nó có chút nghi ngờ, cái chết của mẹ nó có gì uẩn khúc chăng. Nó ngồi đơ nhìn hai người lớn trước mặt, không nói không rằng. Chú Minh nhận ra sự nghi hoặc trên nét mặt nó, lại lên tiếng trấn an:
- Cháu đừng suy nghĩ quá nhiều. Phu nhân của Chủ tịch là người nhân hậu khi nghe báo cáo về những nạn nhân của vụ tai nạn, thấy cháu có hoàn cảnh đặc biệt lại biết cháu học hành rất khá nên mới muốn tạo điều kiện.
- Hóa ra là vậy. – Nó cười nhạt, nhìn chú trợ lý kia rồi lại tự thấy mình thật đáng cười. – Hóa ra phu nhân của Chủ tịch là thương xót cho số phận đáng thương của cháu nên muốn làm chút việc thiện.
- Yến! – Lần này là cô chủ nhiệm lên tiếng ngắt lời nó. – Em nói thế là không hiểu chuyện rồi. Mọi người là quan tâm em, em đừng nói thế mà làm mất lòng tốt của họ.
Nó liền im lặng không nói thêm tiếng nào, lại trơ mắt ra nhìn chú Minh kia. Trong lòng nó lúc này chỉ có duy nhất một cảm giác vô cùng khó chịu, một đứa trẻ không cha không mẹ được cả xã hội quan tâm, có lẽ nó nên cảm ơn nhưng không sao nói được. Vừa đúng lúc không khí đang vô cùng căng thẳng thì tiếng trống vang lên giúp nó có cơ hội đi trước:
- Vào giờ học rồi. Nếu cô và chú không có chuyện gì khác thì em về lớp ạ.
- Yến! – Cô chủ nhiệm đứng lên nắm tay nó vỗ về. – Mẹ em khi còn sống mong muốn lớn nhất là gì? Chẳng phải là mong em có cơ hội để phát huy khả năng của bản thân, học hành thật tốt. Học tập ở môi trường tốt, sống trong một hoàn cảnh tốt là để em có điều kiện phát triển tốt, là bước đà để em đi sau này. Cũng là vì để mẹ em có thể an tâm ở nơi suối vàng.
Một giọt nước mắt bất giác rơi xuống tay nó. Từ hôm đó nó không rơi nước mắt, những câu nói của cô chủ nhiệm làm nó nhờ đến lời mẹ trước khi nhắm mắt. Dù thế nào cũng không được khóc như vậy. Nó giật tay ra khỏi tay cô chủ nhiệm, cúi đầu lau khô đôi măt còn sót vài giọt nước ẩm ướt:
- Em hiểu ý của cô. Dù thế nào em cũng không làm mẹ phải thất vọng.
Chú trợ lý kia cũng đứng lại bên nó, tay đưa ra một mẩu giấy nhét vào tay nó:
- Chú sẽ không ép cháu. Nếu cháu không đồng ý với lời đề nghị kia thì phía Chủ tịch cũng có nhã ý tính toán hỗ trợ cháu toàn bộ chi phí sinh hoạt, học tập của cháu đến khi cháu học xong đại học, kể cả là cháu muốn đi du học nước ngoài cũng được. Cứ suy nghĩ vài ngày rồi liên lạc với chú. Chú tin cháu là cô gái thông minh, nên hãy lựa chọn cho mình một con đường thật đúng đắn.
Nói rồi, chú ta còn bước đi trước cả nó, không cho nó có cơ hội nói thêm lời nào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top