Chương 6: Để nhớ để quên.

Song: Thế là thôi - Hoàng Phương Trà My.

Mấy ngày sau đó, Thụy An bị triệu tập đến cơ quan để nhận cảnh cáo. Lý do nghe chừng rất củ chuối: vì cô đã để xảy ra sự việc gây mất an ninh trong sảnh chính, ảnh hưởng đến buổi biểu diễn quan trọng. Chính là cái lúc anh và Hoàng My cãi nhau khiến tất cả mọi người đều quay lại. Dù thật tình cô cũng có chút liên quan, là nguyên nhân gián tiếp gây ra vụ lùm xùm này, nhưng để phải nhận cảnh cáo thì cũng hơi cay mũi. Rất may là bài viết cô nộp lên hôm đó được đánh giá tốt, bản thân cũng chưa từng gây ra sự việc gì nghiêm trọng trước đây nên chỉ bị nhận cảnh cáo mức một, chưa phải viết kiểm điểm. Cầm tờ giấy cảnh cáo về phòng, cô quẳng lên bàn, ngồi phịch xuống.

-Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập, tự do, hạnh phúc. Quyết định về việc cảnh cáo....

Trần Khang chạy tới cầm tờ giấy đứng đọc ông ổng giữa phòng. Mới đến đó thì đã bị Thụy An giật lại. Cô lườm anh chàng đồng nghiệp lanh chanh một phát cháy mặt rồi mở ngăn kéo ra, ném thẳng tờ giấy vào.

-Cha... chỉ là giấy cảnh cáo thôi, làm gì căng?

Cảm thấy lửa bốc lên chưa đủ lớn, cậu Khang lại tiếp tục đổ thêm dầu. Tận khi Thụy An lườm đến sắp rơi luôn cả con mắt ra ngoài, cậu ta mới sởn gai ốc, bỏ về bàn.

Mai Anh và Gia Linh nãy giờ cũng hiếu kì lắm nhưng không dám hỏi, lại thấy mặt cô em út như Quan Vân Trường thì càng không dám lên tiếng. Mãi sau, Mai Anh mới vu vơ mở lời:

-Có mỗi chuyện đứng xem cãi nhau mà cũng phải nhận giấy cảnh cáo, kể mấy ông cũng hơi nặng tay, nhỉ?

Không thấy động tĩnh gì, Mai Anh sợ không dám nói tiếp, quay sang cầu cứu Gia Linh.

-Chuyện hôm ấy... chắc không liên quan gì đến em chứ?

Nghe xong câu hỏi của Gia Linh, Thụy An càng chẳng biết trả lời thế nào. Bảo không phải thì không đúng mà phải thì, ôi thôi nhục. Bản thân cô không có đủ năng lực hay bút lực để giải thích chuyện này. Mà chắc chắn nếu phòng tin này đã biết thì giờ cả tòa soạn ai cũng biết. Có khi không chỉ tòa soạn này mà tòa soạn nào cũng đang rầm rộ. Chàng nghệ sĩ mới về nước, vì cô phóng viên luôn đi theo mình mà xích mích với nàng nhân tình bao năm trên sân khấu. Đã thế còn ở giữa sảnh Nhà hát Lớn, trước mặt bao nhiêu khách mời, khán thính giả. Một chủ đề quá hay, quá nóng bỏng, quá giật gân đi. Càng nghĩ, Thụy An càng thấy cả một bầu trời toàn mây đen đang kéo tới và sẽ còn lâu mới tan biến. Bực mình, cô đưa tay vò đầu điên loạn.

Đúng lúc ấy, điện thoại bàn của phòng kêu réo rắt. Thụy An ngẩng đầu lên, nhấc máy.

Ba giờ chiều, vào thời khắc đẹp nhất của một chiều thu, Thụy An lại một mình đến quán cafe ở góc phố Quang Trung. Nắng vẫn trải dài, mang theo chút hanh hao se se lạnh. Bên kia tấm kính lớn, từng sợi nắng xuyên qua, nhảy múa. Vài tia nắng vương lại trên cành hoa trong lọ nhỏ, vài tia khác chìm xuống ly cafe đen sóng sánh trên mặt bàn. Số còn lại gom cả vào rồi tan trong mắt người con gái đang ngồi cạnh khung cửa. Hoàng My thêm đường vào ly cafe đen của mình, chậm rãi khuấy.

Cánh cửa mở ra, va vào chiếc chuông đồng kêu lên tinh tinh khe khẽ. My ngẩng lên, nhìn cô gái vừa bước vào. Là người cô đã hẹn, một cuộc hẹn mà đến chính cô cũng chẳng ngờ.

Cô gái ấy ngồi về phía đối diện, từ gương mặt, thần thái đến trang phục chẳng có gì nổi bật. Mái tóc quá bình thường, khuôn mặt không trang điểm, quần áo thì phổ biến. Hoàn toàn, cô ta là kiểu người điển hình nhất trong cuộc sống: kiểu người bình thường. Vậy mà cô gái bình thường này lại có thể khiến một chàng nghệ sĩ lãng tử tài hoa say đắm, điên cuồng đến thế. Có nghĩa là cô ta cũng chẳng bình thường một chút nào?

-Cô gọi đồ uống chứ?

-Trà bạc hà, cảm ơn!

Hoàng My mở lời và Thụy An đáp lại lập tức, không suy nghĩ. Cô nhân viên cầm tờ menu đứng cạnh chưa kịp đưa ra đã phải thu lại. Sau khi cô gái đi vào quầy, cuộc đối thoại mới tiếp tục:

-Cô có vẻ thích bạc hà – Hoàng My tiếp tục là người mở đầu câu chuyện.

-Đó là một thói quen – Thụy An đáp, cũng gần như lập tức.

-Thói quen làm thay đổi cuộc sống. Tôi uống cafe đen cũng là một thói quen.

Nhận thấy Thụy An không có ý định tiếp lời, cô mới nói:

-Nam thường hay uống cafe đen.

Cô nhân viên mang trà bạc hà ra, đặt xuống bàn. Thứ trà chát xít nhưng có một mùi hương thật quyến rũ. Như mọi khi, Thụy An không thêm dù chỉ là một viên đường. Cô cầm lấy dây túi lọc, khẽ giật giật cho trà tan vào nước. Phía bên kia bàn, Hoàng My lại tiếp tục:

-Thật ra tính tôi rất kén chọn. Nhà tôi, à, nói chính xác phải là tập đoàn của nhà tôi, có kinh tế nên từ bé đời sống của tôi đã cao lắm. Lúc nào tôi cũng xem mình là nhất, muốn mọi thứ phải theo ý mình. Như hôm trước ở nhà hát, cô nhớ không? Rõ ràng là có ghế cho cô nhưng vì ghét cô nên mới làm ra vụ lộn xộn ở sảnh.

"Và khiến tôi bị nhận giấy cảnh cáo", Thụy An nghĩ vậy nhưng không nói ra. Có điều, dám tự nhận xét về bản thân như thế, xem ra cô ta cũng không phải loại người không biết điều.

-Tôi đã sống cuộc sống "công chúa", ngang ngược, muốn gì được nấy. Cho đến khi gặp Nam.

Khi nhắc đến tên anh, bất chợt, Hoàng My mỉm cười như đứa trẻ vừa nhận được món quà nhỏ thú vị. Khoảnh khắc ấy, Thụy An chợt nhận ra, tình cảm của cô gái này dành cho anh đã quá sâu sắc, dường như có thể làm bất cứ điều gì, chỉ vì anh.

-Tôi gặp cậu ấy lần đầu cũng vào một ngày tháng 10, ở trường đại học của chúng tôi. Học bổng của cậu ấy là toàn phần, tôi thì chỉ được bán toàn phần thôi mà lại còn trục trặc nên nhập học bị muộn. Mười tám tuổi, vẫn quen được bao bọc, lần đầu tiên tôi bước vào đời, ở một xứ sở xa quê hương đến cả chục nghìn cây số. Bản tính tôi khi đó vẫn rất ngang ngược, thích theo ý mình, mặc kệ lời khuyên của người khác. Thế nên tôi đã vấp bước đầu tiên trong đời, ngay khi vừa đặt chân đến Đức.

Thụy An vẫn không ngẩng mặt lên, tay cầm túi lọc giật giật. Hoàng My thì khuấy đều ly cafe đen trước mặt.

-Người ta bảo ở đâu cũng có người này người nọ. Đúng thật! Tôi đã bị lừa hết cả hành lý và giấy tờ ngay khi nhập trường. Cũng may là vào trường, nhận kí túc rồi nên tôi mới thoát cảnh lang thang đầu đường cuối phố không ai giúp đỡ. Nhưng mà lúc ấy cũng chưa quen ai, với lại tính tôi thì chắc cô cũng biết rồi đấy, thế nên trong khi chờ làm lại giấy tờ và thẻ ngân hàng, tôi chẳng dám, cũng chẳng thể mở mồm nhờ vả ai gì cả. Cô biết không, lần đầu tiên trong đời, tôi biết cảm giác bị đói là thế nào.

...

-Tôi đã đứng nhìn cantine, mọi người ăn uống, vui vẻ mà trong lòng tủi thân muốn bật khóc. Thì ra cuộc đời khắc nghiệt như vậy, xa gia đình càng thêm cơ cực chứ chẳng hạnh phúc như tôi đã tưởng chút nào. Và trong cái lúc tất cả đều quay lưng lại với mình ấy, tôi đã gặp Nam.

...

-Lúc đó, cậu ấy vừa mua bánh mì, từ trong cantine bước ra. Thế nào mà lại va vào tôi đúng lúc bộ dạng tôi thảm thương nhất, quần áo mấy ngày không được thay bẩn thỉu te tua. Đấy, ngay cả quần áo tôi cũng không có mà thay. Lúc ấy quả thực chẳng có gì, chỉ còn mỗi lòng tự trọng, thế là tôi quay ngay đi để không bị xấu hổ. Cứ tưởng cậu ấy sẽ bỏ đi ngay cơ, nhưng mà cậu ấy lại bước đến cạnh tôi, hỏi:

-Haben sie Hunger? (Cậu có đói không?)

Tôi thấy mất thể diện dã man luôn. Sao lại để một thằng con trai nhìn thấy mình trong cái bộ dạng này cơ chứ? Thế là tôi nước mắt lưng tròng, quay lại quát:

-Này... Tôi... À... Das geht Sie nichts an! (Không phải việc của cậu!)

Cậu ấy thấy tôi bất ngờ nói ra vài câu tiếng Việt thì nhìn tôi với ánh mắt rất ngạc nhiên. Thế rồi cậu ấy cười, hai mí mắt sát lại với nhau. Và cậu ấy cầm lấy tay tôi, dúi cái bánh mì vào.

-Cầm lấy đi.

Rồi đi mất.

Nghe đến đó, Thụy An cũng tưởng tượng ra được nụ cười của anh. Cái điệu luôn nhe răng rạng rỡ, hai mắt thì khép lại như một đường chỉ. Chính là nụ cười mà cô đã gặp vào ngày khai giảng đầu tiên.

-Đến khi giấy tờ với thẻ tín dụng của tôi được làm lại, tôi muốn tìm lại cậu ấy để trả ơn lắm mà không được. Cô biết không, sau này tôi mới biết là hôm ấy cậu ta cũng hết sạch tiền, cho tôi bánh mì xong là nhịn đói mấy ngày liền. Vậy mà vẫn làm chẳng cần suy nghĩ, ngốc thật ấy.

Anh ngốc mà, ngốc thì mới một mình đưa cô vào phòng y tế dù biết sẽ phải chịu tội thay cả đám. Anh ngốc lắm, ngốc nên khi thấy cô lo sợ bị khiển trách vì không biết ai té nước ra hành lang đúng lúc cô đang trực nhật mới sẵn sàng cầm cái xô rồi đi gặp giám thị tự nhận viết bản kiểm điểm thay cô. Anh ngốc ơi là ngốc, bao nhiêu điều anh đã làm, ngốc ơi là ngốc.

-Tôi đã nghĩ sẽ không gặp lại được cậu ấy nữa, và chỉ biết thầm cảm ơn số phận đã may mắn cho tôi gặp cậu lúc khó khăn nhất mà thôi. Không ngờ, vào một ngày tuyết lớn tháng 12, tôi lại gặp cậu sau khi tan lớp tiếng Đức. Và cậu ấy một lần nữa giúp tôi, đưa cho tôi và người bạn chiếc ô rồi đầu trần đi vào giữa trời tuyết...

-Khoan đã!

Thụy An chợt ngắt lời khi Hoàng My đang mơ mộng kể. Chiếc thìa leng keng khuấy ly café dừng lại, cô ta giật mình, đưa mắt nhìn về phía đối diện.

-Xin lỗi nếu tôi có hơi bất lịch sự. Nhưng thật sự mục đích của cuộc gặp mặt này là gì? Không phải chỉ để kể cho tôi nghe về thiên tình sử của hai người chứ?

Sau giây lát bất ngờ, Hoàng My lập tức lấy lại vẻ cao ngạo, kiêu kì trả lời:

-Tôi đoán là cô cũng biết mục đích của cuộc hẹn này.

-Nếu tôi biết thì tôi còn phải hỏi cô làm gì? – Thụy An đáp lại, thẳng thắn cũng không kém.

-Thật ra người cần được biết là tôi. Tôi muốn biết quan hệ thật sự giữa cô và cậu ấy.

-Quan hệ thật sự? – Thụy An phì cười – Thế hóa ra quan hệ giữa chúng tôi trước giờ là giả à?

-Cô bắt đầu làm tôi tò mò về cô rồi đấy. – Hoàng My ngạc nhiên cười, vẻ hứng thú – Thật ra cô có ngố tàu như cái vẻ ngoài đâu, đanh đá phết đấy chứ đùa à.

-Cô càng nói tôi càng chẳng hiểu cô đang định nói cái gì cả. - Thụy An khẽ lắc đầu, mỉm cười đầy khiêu khích. Điều đó càng làm cho Hoàng My không thể chờ đợi thêm được nữa. Cô ta lập tức đi vào ý chính:

-Tôi đã kể ra câu chuyện của mình, vậy thì cô cũng nên sòng phẳng một chút, kể cho tôi nghe câu chuyện mà tôi muốn biết.

-Thứ nhất! – Thụy An đứng lên, mở túi ra – Câu chuyện này là cô tự kể ra, tôi không có yêu cầu hay ép buộc. Thứ hai – Cô đặt tiền nước xuống bàn – Tôi chẳng biết cô muốn nghe câu chuyện nào cả, nhưng tôi thì hoàn toàn không hứng thú với câu chuyện của cô. Vậy có lẽ cô nên tìm một người hiếu kì với câu chuyện đó để kể cho họ nghe, sẽ có ích hơn là kể với tôi. Và cuối cùng – Cô mỉm cười – Câu chuyện cũng hay đấy, chắc diễn biến về sau còn hấp dẫn hơn, đảm bảo lên báo sẽ thành một tin nóng hổi về đôi tình nhân trên sân khấu của làng nhạc bác học. Có điều tôi lại không phải người đưa tin những câu chuyện này. Thế nên, chào cô!

Nói đoạn cô khoác túi lên vai rồi quay lưng đi thẳng ra cửa, bỏ mặc Hoàng My vẫn còn ngơ ngác đằng sau. Chỉ đến khi Thụy An sắp mở cánh cửa bước ra, cô mới bật dậy, gọi với theo:

-Cô biết Ngọc Ánh chứ?

Và cái tên chốt hạ đó thật sự đã không làm Hoàng My thất vọng. Thụy An lập tức đứng sững lại, ngay cả cánh tay đang mở cửa hình như cũng run run.

-Trần Trương Ngọc Ánh! Có ấn tượng với cái tên này đúng không?

-Thật sự cô muốn cái gì?

Thụy An quay lại, nhìn thẳng vào Hoàng My, lạnh lẽo hỏi.

-Không muốn gì cả, chỉ muốn cô biết là cô ta và Nam đã chia tay hai tháng sau khi nhập trường. Họ cùng nhận học bổng toàn phần của cùng một kì thi ở cùng một ngôi trường, không lẽ nào cô lại không biết cô ta, phải không?

Nghe đến đó, chợt trong lòng Thụy An có một thanh âm như tiếng đổ vỡ vang lên. Không phải là tiếng vỡ của một mảnh gì đó vẹn nguyên rơi xuống tan nát mà là tạp âm lạo xạo của những miếng vụn, đã tan tành giờ lại thêm một lần bị người ta lấy chổi quét sạch. Phải bình tĩnh lắm, cô mới hít được một hơi để nói lưu loát câu:

- Tôi không quan tâm đến chuyện của hai người đó. Với họ thì có thể là quá khứ, còn với tôi, họ chẳng là gì cả.

Rồi bước ra luôn không ngoảnh nhìn lại. Qua tấm kính, Hoàng My nhìn thấy bóng dáng người con gái ấy đang vội vã hòa vào dòng người hối hả. Bất chợt lòng cô lại không nén được, trút mạnh ra một tiếng thở dài. Bầu trời mùa thu vào thời khắc đẹp nhất chợt vần vũ những mây. Lá vàng thả mình theo gió, xào xạc lê thân xác già cỗi trên mặt đường.

Giấc mơ đêm đó, Thụy An bắt gặp mình đang đứng giữa sân trường cấp ba, nhìn đám nam sinh chơi bóng rổ trong giờ nghĩ giữa tiết. Cậu bé đang nện quả bóng màu cam dắt về phía rổ có đôi mắt một mí, nụ cười tỏa nắng rạng rỡ cả khoảng sân. Thế rồi cậu lên rổ ghi điểm, cả đám cùng hú lên, vỗ tay. Và cậu trai đó bước lại, đưa cả hai tay bắt lấy má cô kéo dúi vào ngực mình. Cằm của cậu cọ cọ lên đỉnh đầu cô, đôi tay đầy bụi giữ lấy má cô nhẹ nhàng nâng niu như một báu vật. Mùi hương từ lồng ngực cậu rất thật. Là cảm giác khi mơ thật đến vô lý hay vì mùi hương đặc biệt duy nhất đó, cô chưa từng quên?

Sáng hôm sau cô dậy rất sớm, bắt xe lên Bờ Hồ tập thể dục buổi sáng. Trước đây, khi còn ở cùng bố mẹ, mỗi sáng cô có thể từ nhà chạy dọc phố Hàng Ngang – Hàng Đào là đến hồ. Không quá gần, nhưng vẫn hợp lý với việc tập thể dục. Giờ dọn ra ở riêng, chưa một lần cô tập thể dục buổi sáng chứ đừng nói là lên hồ. Có thể một phần do quá bận, dù dậy sớm cũng không đủ để đi tập thể dục nhàn nhã. Nhưng phần nhiều vẫn là do khoảng cách từ nơi cô ở bây giờ đến hồ, nếu muốn tập thể dục thì chắc chỉ cần đi từ nhà ra hồ rồi về cũng đã đủ rồi, khỏi cần tập.

Sáng sớm, trời còn bảng lảng. Thụy An đeo tai nghe rồi bắt đầu chạy vòng quanh hồ. Có lẽ vì đã lâu chưa vận động liên tục nên chỉ được một đoạn là cô đã thấy mệt. Lúc này, đứng đối diện với tượng đài Lý Thái Tổ, cô thấy một cụ ông đang chuẩn bị sang đường. Xe cộ buổi sớm vẫn chưa thật đông nhưng nhìn cái dáng run run của ông lại khiến cô chẳng thể nào chạy tiếp được. Không nghĩ thêm, cô giật tai nghe ra, chạy đến nói với ông cụ:

-Cụ ơi, cụ sang đường ạ? Để cháu giúp cụ nhé.

Ông cụ hơi bất ngờ, đưa đôi mắt đầy vết chân chim nhìn cô, cười hiền:

-Cảm ơn cô, cô cũng sang bên kia đường à?

-À... vâng ạ. – Trả lời khéo – Cụ đi đâu sáng sớm thế ạ?

-Ôi, già thế này thì còn đi đâu được hở cô. Sáng rủ nhau đi tập thể dục cho khỏe thôi. Kia kìa, bà nhà tôi bên kia kìa. Bà ấy đi sau, tôi đang định sang bên kia đỡ bà sang bên này đấy.

Cô ngạc nhiên, nhìn theo hướng tay chỉ của ông cụ. Ớ phía bên kia đường, trước tượng đài, có một bà lão móm mém đang đứng trước vạch kẻ cho người đi bộ. Đôi mắt bà có vẻ đã không còn tinh anh, toàn thân run rẩy, xem chừng cũng chẳng khỏe hơn cụ ông là mấy. Thế nhưng bà vẫn đợi ông, "bà nhà" đợi ông tới đỡ đi, những bước già nua sau cùng của cuộc đời.

Thụy An lễ phép nói với ông cụ đứng đợi một chút rồi chạy sang bên kia đường, đỡ bà cụ qua lại bên này. Hai người họ gặp nhau, run rẩy nắm lấy tay nhau rồi cảm ơn cô. Trước khi đi khuất, cô vẫn còn nghe thấy họ nói với nhau:

-Con nhà ai khéo đẻ, vừa xinh vừa ngoan ông nhỉ!

Thế rồi ông lại đỡ bà, chậm rãi tiến về phía trước. Không hiểu sao nhìn họ run rẩy là vậy nhưng Thụy An lại có cảm giác rất chắc chắn, an toàn. Có thể là vì cô nhìn thấy bà cụ nắm tay ông cụ, cười móm mém. Hoặc là khi ông cụ xòe ra chiếc quạt giấy, phe phẩy đằng sau quạt cho bà. Những người tập thể dục vẫn đi qua, có hội phụ nữ còn bật đài tập aerobic buổi sáng. Những thanh niên mạnh khỏe chạy đến mấy vòng hồ hay ông bà lão tập Thái cực. Trong buổi sáng mùa thu Hà Nội tinh khôi, Hồ Gươm như một bức tranh sống động. Và Thụy An chợt nhận ra, bao năm qua, bản thân đã để lỡ mất thứ gì.

Còn đang ngẩn ngơ thơ thẩn, chợt có một người chạy lao vào cô. Chai nước người đó cầm trên tay bung nắp, vẩy cô ướt áo. Người đó vội vàng xin lỗi. Ừ thì cũng không có gì, Thụy An cười trừ. Cô đứng dậy, hai tay cầm lấy vết ướt trên áo kéo ra xa người, vừa đi vừa thẫn thờ suy nghĩ.

Lạnh quá!

Đó là cảm giác vào một sớm mai ngái ngủ, bị nước lạnh dội vào người. Cô vẫn nhớ mỗi lần cô ngồi ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế đá lớn ở đường Lê Thái Tổ, có chai nước khoáng mát lạnh đang đổ mồ hôi áp thẳng vào má làm cô giật nảy mình. Chai nước đó của một người không quản ngược đường, sáng mùa hè nào cũng sang tận nhà bắt cô đi tập thể dục. Người đó mặc kệ cô còn đang lăn lộn trên giường hay cố thủ trong nhà vệ sinh bao lâu đi chăng nữa vẫn đứng đợi để bắt cô đi. Người đó cũng phải vừa đi thật chậm, vừa thỉnh thoảng ngoái lại đằng sau nhìn cô đang áp mặt vào lưng mình mà ngủ cố. Người ta sợ cô ngủ gật ngã xuống đường:

-Kiểu này có khi phải thiết kế cái dây, chằng vào xe cho đỡ rơi.

Mỗi lần nghe thấy những lời châm chọc ấy, cô lại nhảy dựng lên, đuổi theo anh. Đều như vắt tranh, sáng nào cũng một người một xe đuổi nhau quanh hai vòng hồ. Những mùa hè đó thời tiết nóng nực, khắc nghiệt nhưng chưa một lần cô bị cảm vặt hay sốt linh tinh.

Thế mà giờ đây, đã mấy năm rồi, cô không còn chạy quanh hồ như lời của ai đó, "cố lên cho con nó khỏe". Chiếc ghế đá cô vẫn ngồi, vào một ngày đông xuân lạnh lẽo đã vỡ tan làm năm, sáu mảnh. Chiếc ghế đó giờ cũng như người, chỉ còn trong kỉ niệm.

Chợt, đoạn kí ức về cái đêm trước cửa nhà hát lại hiện lên trong đầu cô. Cái ôm thật chặt của anh và cái tát nảy lửa của cô. Từ hôm đó đến nay, anh và cô chưa một lần liên lạc lại. Có lẽ anh giận cô vì những lời cô đã chỉ thẳng vào mặt anh mà nói. Cũng phải thôi, vì anh làm sao biết được đó là những điều từ trong tâm can mà tám năm qua cô luôn muốn gào lên, dủ chỉ một lần thôi, có thể quăng hết những mảnh vỡ cắm sâu trong lòng vào cái người đã nhẫn tâm đập nát nó ra chẳng còn nguyên vẹn. Thậm chí những lời cay đắng hơn, tàn nhẫn hơn, cô cũng đều đã từng nghĩ ra cả rồi. Nhưng khi mọi chuyện diễn ra quá chóng vánh và bất ngờ thì cuối cùng cô lại không hiểu nổi cảm xúc của chính mình. Hối hận thì không nhưng có nhẹ nhõm như cô vẫn nghĩ hay không? Đó là một đoạn hồi ức đã chết. Là tuổi thanh xuân không thể cứu vãn của cô. Dù có đau đớn, xót xa, nghiệt ngã thì cũng là đã từng. Thậm chí cô giờ đây với anh là quan hệ cộng tác, cũng chẳng đến nỗi không thể nhìn mặt nhau.

Nhưng thật nực cười cho cô, bản thân khi chưa gặp lại anh thì căm phẫn, hận thù. Giờ đây mới nói được có mấy câu đã tự trách mình tàn nhẫn, lại còn bao biện cho đối phương loạn cả lên mà quên rằng tám năm qua mình đã sống một cuộc sống không thể dùng ngôn từ nào miêu tả. Đúng là nực cười.

Sờ vào túi quần, chiếc chìa khóa anh đưa cho cô cái đêm ở Nhà Hát Lớn vẫn lạnh ngắt. Cô luôn mang theo bên mình, chỉ chờ một cuộc gọi của anh để có thể lập tức trả lại. Đã có lúc, cô nghĩ mọi chuyện chỉ là một giấc mơ. Cô đã ngủ quên từ tám năm trước và chưa từng tỉnh lại. Thế nhưng chiếc chìa khóa ấy lại hiện diện ở đây, lạnh ngắt, thấm vào lòng bàn tay khiến cô không thể tiếp tục mơ hồ. Và cũng chính nó là một lời cáo buộc rằng bản thân cô trước giờ chưa từng quên. Dù là những chuyện năm đó hay đêm nọ trước cửa Nhà Hát Lớn đều chưa quên một chút nào hết. Chỉ có điều, sau bao nhiêu năm vật vờ ngu ngốc, lần này cô lại muốn đánh liều, thử cược với chính mình thêm một lần. Để xem sau khi nghe những lời đau lòng ấy, anh có còn muốn gặp lại cô không. Nếu còn muốn thì liệu anh sẽ đối diện với cô như thế nào?

Giờ thì cô nhận ra, mình đã thua rồi.

Thua trong cuộc đánh cược với chính mình. Sự im lặng của anh những ngày qua, cuối cùng thì cô cũng đã hiểu. Một câu trả lời đầy ý nhị nhưng cũng quá rõ ràng.

Vậy mà anh còn nói, nếu không có cô thì anh sẽ không về được nhà.

Giờ thì anh về cũng được, không về cũng được, hoặc, anh muốn về đâu cũng được. Chiếc chìa khóa này, có lẽ cũng đã đến lúc phải trả lại anh rồi.

Nghĩ vậy, cô mở điện thoại, quyết định chủ động liên lạc lại cho anh.

Cuộc gọi thứ nhất, chuông vẫn đổ hết mấy chục giây, không ai trả lời.

Cuộc gọi thứ hai, chuông chỉ khoảng hơn hai mươi giây, rồi ngắt máy.

Cuộc gọi thứ ba, không liên lạc được.

Cô nhìn màn hình rồi siết chặt chiếc điện thoại trong tay, trong lòng dâng lên một cảm giác mơ hồ khó hiểu. Chẳng lẽ anh thật sự không muốn gặp cô đến thế? Không lý nào, anh mà cô từng biết chưa bao giờ ngắt máy không nghe điện thoại của cô. Có lẽ mối quan hệ giữa hai người giờ đã khác xưa nhưng cách hành xử của anh, lịch thiệp và bao dung, cô tin là dù thế nào cũng sẽ không bao giờ thay đổi.

Nghĩ vậy, cô bèn mở Zalo nhắn cho anh một tin: "Tôi muốn trả chìa khóa". Tin nhắn gửi nhưng không hiện trạng thái đã nhận. Lần hoạt động cuối của anh gần một ngày trước. Ở bên trên, những tin nhắn cô trao đổi công việc và anh trêu chọc bất chấp như một đứa trẻ vẫn cứ đối xứng nhau qua hai phía màn hình. Thì ra anh đã kiên nhẫn với cô như vậy, bỏ qua hết những thái độ lạnh nhạt và sự phớt lờ mà cô luôn cố tình đặt giữa mối quan hệ của hai người. Người như vậy lại có thể vì một lần quay mặt, nói đi là đi luôn được sao? Cô không tin là như thế, tám năm rồi vẫn không thể tin. Dù chính cô vừa lý trí chấp nhận câu trả lời trong im lặng của anh, thế nhưng có một linh cảm mãnh liệt hơn lại mách bảo, chắc chắn anh gặp phải chuyện gì rồi.

Vừa nghĩ đến đó cô đã như bị điện giật, đầu óc chẳng nghĩ thêm được gì mà lập tức như một mũi tên lao ra đường vẫy chiếc taxi để đi tìm anh. Sau khi về nước, anh cũng dọn đến một căn hộ riêng chứ không còn ở cùng bố mẹ. Anh ở nhà anh, chắc chẳng còn chỗ nào khác được đâu. Không phải nhà người khác, không phải cùng cô gái khác đâu, cô tin là như thế.

Có điều cô không biết địa chỉ nhà anh, cho đến khi bác tài hỏi cô mới nhận ra điều ấy. Cô cuống cuồng không biết phải trả lời sao nữa, đành bảo bác cứ đi hết vòng hồ đi rồi cháu nghĩ ra. Bác tài nhìn cô đầy vẻ kì lạ, nhưng cũng chậm rãi cho xe chạy lòng vòng quanh hồ trong khi cô đang cắn tay. Trán cô vã đầy mồ hôi, suy nghĩ, thế rồi chợt cô nhớ ra chị Thùy Linh, người phóng viên đầu tiên dắt cô đi phỏng vấn. Chắc chắn chị biết cách liên lạc với anh, chắc chắn tìm được địa chỉ. Cuối cùng đành tự an ủi mình một cách vô vọng, cô bấm máy gọi cho chị. Chiếc xe lúc này đang đi trên phố Hàng Trống, ngang qua Nhà thờ lớn điểm chuông bảy giờ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top