Chương 1: Tháng 9, trời Hà Nội...
Song: Những ngày vỡ đôi - Đinh Uyên
Tháng 9, trời Hà Nội vào thu.
Hè xem ra còn vương vấn chẳng muốn rời khiến thu chưa kịp dễ chịu đã bị người ta ca thán. Vừa nắng, vừa gió, bụi bặm lại lắm vi khuẩn nên trẻ con người già thi nhau ốm. Đi ra đường vẫn toàn nhân tố bí ẩn: áo chống nắng, kính đen chùm kín mít, cứ như một thước phim nói về cuộc họp mặt của các siêu anh hùng. Người dơi, người nhện,... kiểu kiểu thế.
Tháng 9, còn có ngày tựu trường.
Bây giờ thì trẻ con đi học cả hè, xuyên hết năm nên mùa tựu trường cũng không gì đặc sắc. Trời thì vẫn xanh, trường thì vẫn đông, học sinh vẫn nhìn thấy nhau mỗi ngày, lên lớp nói chuyện tán dóc, bò ra bàn ngủ khò khò. Tháng 9 tựu trường, có chút gì đó xa vời.
Còn với người lớn, tháng 9 vẫn chỉ là tháng 9.
Vẫn đi làm mỗi ngày, tất bật, vẫn cặm cụi, vẫn tối về đến nhà thấy còn một đống việc không tên. Lại thêm cái thời tiết khiến tâm trạng khó chịu, con cái nghịch ngợm một chút không khéo còn ăn đòn oan. Các bà mẹ vẫn mỗi ngày mang những chuyện như thế đến công sở.
Tháng 9, là tháng 9.
Ấy thế mà, cho dù có là tháng 9 hay tháng nào đi chăng nữa thì cái tòa soạn nhỏ bé này vẫn lắm chuyện khôi hài. Điển hình là cô gái trong phòng biên tập tin tức vừa ăn nguyên một tập tài liệu bay thẳng đến trước mặt đi cùng bài ca bất hủ:
-Cô muốn chết hả An? Cô làm ăn thế này là cô đốt cả cái tòa soạn này cô biết không?
Thụy An, cô gái vừa lãnh tập tài liệu đó vẫn rất bình tĩnh, ngước đôi mắt nhìn ông trưởng phòng.
-Cô cố tình hay cố ý xếp bài phỏng vấn nghệ sĩ vào phần tin sức khỏe thế? Cô muốn tin bài ngày mai thế nào: Nghệ sĩ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thế hả? Hay là cô bị thủng màng nhĩ? Người ta không cười vào mặt cô đâu, người ta cười cái tòa soạn, cái phòng biên tập này đây này!
Trưởng phòng biên tập số 1 năm nay đã 48 tuổi, rõ ràng là đàn ông mà vô cùng đanh đá lại đỏm dáng. Tóc còn mấy sợi nhưng rất chăm vuốt keo, quần áo chưa từng có một nếp nhàu. Đặc biệt hơn là chưa có vợ. Xung quanh người thì bảo ông ta kén chọn, người lại xì xầm ông ta bê đê. Nhưng có một lý do chỉ là không nói ra chứ trong bụng ai cũng hiểu rất rõ ấy là ông ta quá khó tính, chua ngoa, chẳng ma nào chịu nổi. Riêng việc chửi mắng nhân viên trong phòng có bài có bản, lên bổng xuống trầm đã khiến người ta không thể phủ nhận điều đó rồi.
-Cô – Ông ta tiếp tục, chỉ thẳng vào Thụy An – Chiều mai mà không có bài phỏng vấn nghệ sĩ khác bù vào bài cô xếp nhầm hôm nay thì cô kiếm năm mét dây thừng rồi hãy đến gặp tôi.
-Để làm gì ạ? – Thụy An ngán ngẩm hỏi lại.
-Để thắt cổ chứ làm gì nữa!! Cô nghĩ cô là Tiểu Long Nữ à mà mua dây thừng về để nằm. Bài phỏng vấn chậm một ngày thôi là vứt sọt rác, vào sọt rác cô biết không hả?
-Nhưng em có phải phóng viên đâu, kiếm đâu ra bài được ạ? Sếp làm khó em quá!
-Biết khó ngay từ đầu đừng có làm sai, đơn giản thế mà cô cũng không hiểu à? Nhớ đấy, năm giờ, năm giờ chiều ngày mai không là năm mét dây thừng nghe thủng chưa?
Cho đến tận khi ông ta ra khỏi phòng, đóng cửa đi xa mấy chục mét rồi, các biên tập viên phòng tin tức vẫn nghe vọng lại loáng thoáng "năm giờ chiều, năm mét dây thừng".
Thụy An ôm tập tài liệu, gục mặt xuống bàn. Mới về đây nửa năm nhưng miệng lưỡi cổ quái của lão trưởng phòng thì cô đã lãnh giáo đủ. Cô vẫn nhớ, lần đầu tiên viết nhầm báo cáo, lão ta mặt tỉnh bơ, vẫy tay chỉ ra ban công: "Cô, cô, ra lấy cho tôi cái bình tưới cây vào đây". Lúc đó, hai mắt cô tròn xoe, còn định loe toe chạy ra lấy vào thật, mồm hỏi: "Để làm gì ạ?".
-Để tôi tưới thử lên đầu cô xem cây có mọc không chứ còn làm gì nữa, đồ đầu đất!
Lúc đó cô vừa tức, vừa xấu hổ, cứ nghĩ cảnh cả phòng phá lên cười cho tràng dài. Ai ngờ mọi người hoàn toàn không chút để tâm, giữ nguyên trạng thái việc ai nấy làm, nhà ai nấy sáng. Thụy An khi đó vừa ngạc nhiên, mà cũng tấm tắc phục mọi người lắm. Nhưng giờ thì cô đã hiểu, họ ngày đó chẳng qua là đã đạt được cảnh giới của cô lúc này mà thôi. Chuyện trưởng phòng tin tức mắng nhân viên như hát hay vậy đã thành quá bình thường rồi.
Đoàn Thụy An, 26 tuổi, biên tập viên phòng thông tin ở cái tòa soạn rất chi là bình thường này.
Thế mà trước khi được phong lên cái chức vụ bình thường ấy, cô đã mất hơn ba năm chinh chiến với những công việc không chính thức, cũng chẳng có tên. Tốt nghiệp khoa tiếng Đức của một trường đại học bình thường với cái bằng hoàn toàn không có gì đặc sắc. Hơn một năm đầu, ban ngày cô làm sale cho một hãng nội thất của Đức, tối về dịch bản thảo Đức văn theo yêu cầu. Sau đó vì gặp nhiều khách hàng hãm quá, cô bỏ sale. Tiếp theo là một năm làm nhân viên văn phòng ở công ty bất động sản, công việc bàn giấy gần như là văn thư. Mỗi ngày đều có người đến đập một thùng giấy tờ trước mặt, hết thùng này lại có thùng khác. Cuộc đời chỉ biết đến màu trắng của giấy và cái mùi hắc hắc của mực in, hoàn toàn quên khái niệm "thời tiết bên ngoài". Cô từng nghĩ cuộc đời sẽ vĩnh viễn chôn chặt tại cái văn phòng ấy, mỗi ngày lại có người đi qua đặt một thùng giấy, như là tiếp một nắm đất tình thương củng cố nấm mộ cô thêm hoành tráng và vững bền. Cho đến ngày cái tòa soạn bình thường này tuyển cộng tác viên biên tập tiếng Đức, thế là cô bật mồ bỏ đi. Nhưng xét cho cùng, nếu tính đến mức độ giấy tờ để đắp mộ thì chẳng qua cũng chỉ là đội cái mồ này để nhảy vào cái huyệt khác mà thôi.
Người ngồi ở bàn bên cạnh là chị Gia Linh, hơn cô bốn tuổi, một hình mẫu phụ nữ đương đại điển hình. Người đàn bà có một ông chồng, một đứa con, một cái nhà dang tay ra đợi tối về nấu cơm, lau dọn, giải quyết hóa đơn hàng tháng... Nói chung, rất là điển hình.
Chị với sang, lay nhẹ vai cô:
-Thôi nào em, ngồi dậy đi. Quen rồi thì chấp lão làm gì nữa. Lão độc mồm vậy thôi chứ không có ác ý gì đâu, nếu không đã dọa đuổi việc, cắt lương em chứ lôi dây thừng ra làm gì. Thật đấy!
Thụy An bấu cả mười ngón tay tay lên mặt bàn, có mỗi việc ngẩng đầu lên cũng khiến cô phải lên gân như vậy.
-Nhưng lão bắt em đi lấy tin bài mới cũng là thật đấy – Mặt cô nhăn nhó, khổ não – Lại còn năm giờ chiều mai nữa, em đào đâu ra bây giờ. Có khi đến lúc ấy chưa có bài, lão lấy dây thừng thắt cổ em thật không biết chừng.
Cả phòng tin lúc ấy mới bật cười, cũng giống như sáu tháng trước, cô bị mắng đến cả nửa ngày rồi mọi người mới cười. Của đáng tội, ngày đó cô lại tưởng cả phòng bị lão trưởng mắng đến úng não rồi, phản ứng thần kinh chậm như con rùa.
- Sếp già này càng ngày càng hách dịch. Hay lại tiền mãn kinh không biết.
- Này, Trần Khang, cậu cũng tiền mãn kinh hay sao mà biết rõ thế?
Trần Khang cũng là biên tập viên phòng tin tức, bằng tuổi Thụy An, ngoài ra còn trong lực lượng phòng không không quân nữa
- Đùa chị, chị có mãn thì mãn chứ chuẩn men như em lấy đâu ra kinh với chẳng kệ.
- Xin lỗi, chị đây mới chỉ mãn teen thôi, chưa mãn kinh đâu.
Mỗi lần nói đến những chuyện như thế là cả phòng lại hào hứng hẳn lên. Kiểu như trái cấm không cấm có khi Adam với Eva cũng chẳng biết là trái gì. Tự nhiên chỉ vào, bảo cấm, chẳng hóa ra là một tiết mục quảng cáo vô cùng hấp dẫn hay sao. Tương tự như vậy, chuyện cấm thì lúc nào cũng hấp dẫn.
-Ôi thôi! Em xin! – Thụy An đưa hai tay lên trước mặt vái lấy vái để như tế sao – Có ai nhớ em sắp bị thắt cổ không?
Lúc này mọi người mới ậm à, nhớ ra nhân vật khổ hạnh sẽ được lĩnh năm mét dây thừng vào năm giờ chiều mai.
-Chị bảo – Mai Anh hơn hai tuổi, ngồi đối diện Thụy An – Thật ra lão nói thế thôi, chỉ cần em nhặt được tin bài về cho phòng mình là được, cần gì biết của ai. Giờ em xuống phòng tin giải trí xem, hỏi giờ đến mai có ai đi phỏng vấn nghệ sĩ nào không, em bám càng theo để có bài là được rồi.
Ý kiến đó được cả phòng gật gù, tuyên dương lời hay ý đẹp. Thụy An ban đầu còn chưa tin nổi, hai mắt dựng ngược lên, mãi sau mới lẩm bẩm đáp lại được:
-Thế cũng được hả chị?
-Thế em muốn vậy hay muốn năm mét dây thừng?
Nghe đến năm mét dây thừng, cô mếu máo đứng dậy đẩy ghế đi ra khỏi phòng. Cả phòng lại cười sằng sặc, còn nghe tiếng Khang Trần nói vọng ra:
-Các cụ dạy rồi: méo mó có hơn không!
Năm giờ chiều, thành phố tan tầm đổ cả ra đường. Thụy An cũng rời tòa soạn, theo dòng người làm chật chội thêm đường phố. Cô tạt qua siêu thị, mua một ít đồ linh tinh rồi lang thang trên phố. Cái không gian đó, chợt khiến lòng cô dấy lên một chút hoài niệm về thời hoa niên. Những tháng ngày phổ thông, cô cũng từng rất hay lang thang trên phố như thế. Thi thoảng trên tay lại có một thứ quà vặt. Kem, trà sữa, bò bía... Cô nhớ về màu áo trắng, mặc quần đồng phục xanh tím than xắn lên đến cổ chân. Ồ, thế mà đã ngót một chục năm rồi. Cô rời mái trường phổ thông cũng đã tám năm. Tám năm, thế giới mơ mộng hoàn toàn tan vỡ, phải đối mặt với cuộc sống xem ra quá đỗi bộn bề này. Đến mức, cô quên cả thói quen lang thang trên phố. Cái thói quen đã từng rất thân thương.
Tám giờ tối, cô về đến nhà, ăn cơm, tắm rửa rồi rúc đầu vào giường ngủ say như chết. Hình như cô đã quá tuổi thích chơi game, chat chit hay lướt web đến sáng. Những việc ấy, thời sinh viên cô đã làm chán rồi. Giờ chỉ muốn ngủ, lúc nào cũng thèm được nghỉ ngơi. Không còn cả ước muốn nhiều tiền để mà đi du lịch tung hoành như trước nữa. Như thế có phải là đã già rồi không?
Hà Nội, một buổi sáng tháng 9. Nắng rất nhẹ.
Thụy An thì lại không cảm nhận được điều đó. Cô suýt ngủ quên buổi phỏng vấn dù đã cố gắng ngủ sớm và đặt báo thức trước hẳn ba tiếng liền. Lý do thì có hẳn một tỷ cái, nhưng may là cô vẫn đến kịp, ngay sát giờ hẹn.
Đồng nghiệp của cô đã đến từ trước. Chị ấy tên Linh, cái gì Linh cô cũng không nhớ rõ lắm. Tuy dáng người hơi nhỏ nhưng khuôn mặt có cái vẻ phúc hậu thân thiện khiến người ta muốn gần. Lời các cụ xưa: trông mặt mà bắt hình dong, trong trường hợp này có vẻ không sai. Vì khi cả ban giải trí còn đang ôm bụng cười sau câu chuyện lão trưởng phòng tin với năm mét dây thừng thì chị đã vui vẻ đồng ý xách cô theo ngày hôm nay.
-Em mà làm phóng viên thì chết thôi, giờ giấc tiết kiệm quá – Chị cười, không thể hiện dù chỉ một chút thái độ càu nhàu hay khó chịu nào. Chẳng rõ là tính chất công việc đã tôi luyện ra như thế, hay bản thân chị vốn đã là một người phụ nữ dịu dàng. Chứ đáng nhẽ nhờ vả mà còn không thành tâm thế này, người ta rất muốn cho một đấm.
Cô chỉ cười trừ, không nói gì thêm. Buổi phỏng vấn trong một quán café ở góc phố Quang Trung. Hai người ngồi bàn cạnh cửa sổ, trong lúc chờ đợi có tán dóc vài câu:
-Chị ơi! – Thụy An hỏi – Em thì chưa đi phỏng vấn bao giờ nhưng mà sao lại hẹn hò ở quán café như này ạ? Vừa ồn ào, vừa bất tiện.
-Ừ, cũng tùy người em ạ, nhưng thường là người ta chọn địa điểm, mình chỉ theo thôi. Lần này cũng là yêu cầu của người ta đây, chỉ chính xác quán này, bàn này luôn.
...???
-Người như nào mà kì quái.
Thụy An lầm bầm trong miệng, thật tình muốn rủa chết cái người này. Sao lại phải sáng sớm, sao lại là quán này cơ chứ.
-Thôi nhé, nhờ người ta mà hôm nay em mới được cứu, chưa biết ơn còn mắng người ta kì quái – Chị gái ấy lại cười – Mà em biết người ta là ai chưa đấy?
-Ơ... là ai ạ?
Chị lại phì cười, lắc đầu như thể đã biết trước câu trả lời sẽ thế này. Quả thật hôm qua nghe nói có người tương trợ, cô mừng rơn, chẳng cần biết là phỏng vấn ai. Rồi tối về cũng lăn luôn ra ngủ ngáy khò khò để sáng nay dậy cho sớm, không thèm đọc thông tin phỏng vấn.
-Em mà cứ thế này thì chị còn phải cứu em nhiều lắm. Gần ba chục tuổi đầu rồi, bớt hậu đậu chút đi em gái ơi!
Chị Linh khẽ gõ vào trán Thụy An làm cô bật cười sằng sặc. Đang đà quên mất đến đây là để làm việc thì cửa mở ra, hai người bước vào.
Đằng trước là một cô gái mặc váy trắng, dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt thanh thoát. Chàng trai đi sau đóng cửa lại, đôi mắt một mí nổi bật trên khuôn mặt. Cả hai gần như lập tức tìm được người đã hẹn họ sáng nay.
Sáng tháng 9, trời trong xanh. Bỗng đâu như nổ một tiếng sấm lớn.
Hai người họ tiến đến, ngồi đối diện hai chị em. Cô gái nở nụ cười trên đôi môi mỏng mảnh, lên tiếng trước. Cô ấy chào hai người, hỏi thăm, nói vài lời làm quen ngọt nhạt. Đó là một nghệ sĩ dương cầm, tốt nghiệp trường đại học rất nổi tiếng ở Đức. Có điều, cô lại không phải nhân vật chính trong buổi phỏng vấn này. Cô chỉ là một người bạn học cùng trường với chàng trai có đôi mắt một mí. À, phải là đã từng, họ đã ra trường ba năm rồi.
Với đôi mắt một mí đặc trưng, chàng trai mỉm cười khiến nó khép vào thành một sợi chỉ cong hình bán nguyệt. Thấy Thụy An chưa gọi đồ, cậu mời cô gọi trước. Giọng của cậu ta rất nhẹ, nụ cười cũng nhẹ, giống như nắng tháng 9 trên sân trường.
Thụy An không nhận lấy tờ menu mà cậu ta đưa cho, trực tiếp gọi trà bạc hà, thái độ hoàn toàn dửng dưng. Chị Linh thấy vậy thì hơi nhột trong lòng, khẽ đá vào chân cô một cái. Không ngờ, anh chàng nổi tiếng kia đến một cái cau mày cũng không nỡ, đôi mắt vẫn cười thành hai đường chỉ, đáp nhẹ nhàng:
-Vậy thì tôi cũng uống trà bạc hà.
Hoàng My, cô gái váy trắng có chút khó hiểu:
-Cậu không uống cafe đen?
-Hôm nay tớ muốn uống trà bạc hà.
Nắng lúc này đã rực rỡ hơn, bó hoa nhỏ trên bàn khẽ run rẩy khi gặp gió. Chàng trai lặng lẽ thêm đường vào trà, mười đầu ngón tay hằn lên từng vết chai sần đã biến dạng.
Anh ta là một tay guitar đang nổi tiếng. Không phải chiếc guitar điện nặng nề với những giai điệu mãnh liệt, cuồng nhiệt. Một cây đàn cổ điển, lúc sẽ nhẹ nhàng, khi lại bùng cháy, có phần bí ẩn, giống với cảm nhận của mọi người về anh ta. Tốt nghiệp học viện âm nhạc của Đức với thành tích hiếm người đạt tới, anh là một trong số ít người châu Á thành công cả khi hoạt động cùng band nhạc lẫn sự nghiệp solo. Người ta vẫn gọi anh là SungHa Jung thứ hai.
Anh trở về Hà Nội sau đúng tám năm. Tám năm rời xa đất trời cái nơi anh sinh ra và lớn lên. Chừng ấy năm không quay trở lại, vậy mà anh nói, anh rất yêu nơi này. Yêu từng con phố đã lang thang, yêu ngôi trường phổ thông anh từng học, yêu cả cái quán này, tuổi trẻ anh đã từng đợi ở đây rất nhiều, rất lâu.
Thụy An trước sau hoàn toàn không để ý đến cuộc phỏng vấn, chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn từng dòng người trôi qua sau lớp kính quán hàng. Cô cũng từng có tuổi trẻ, từng rất thích lang thang, từng yêu ngôi trường phổ thông danh giá, cổ kính ngay gần Bờ Hồ. Cô cũng yêu cái quán này, tuổi trẻ của cô cũng đã từng đến đây nhiều lắm.
Nhưng đều là đã từng.
Cô biết, tất cả, kể cả tuổi trẻ, giờ chỉ còn là hoài niệm. Cho dù cô có nhớ thương, có hy vọng, có thế nào đi chăng nữa cũng không thể quay trở lại. Cô từng nghĩ, giá như thời gian là một vòng đu quay, đi rồi vẫn có thể về lại nơi bắt đầu. Nhưng nếu thế thì chẳng phải nó đã quá tầm thường, rằng cuộc sống sẽ chẳng còn gì phải hối tiếc nữa?
Phải! Tuổi trẻ là vậy, phải có đôi chút hối tiếc. Phải có những lỗi lầm không thể sửa chữa. Kỉ niệm đẹp vì nó chỉ ghé qua chứ không dừng chân hay quay lại. Nó là vòng đu quay chỉ màu nhiệm một lần với tấm vé duy nhất công bằng phát cho tất cả, mỗi người một lượt.
Cuộc phỏng vấn đã kết thúc rồi, trà trên bàn cũng đã nguội. Thế nhưng chẳng ai biết, ly trà bạc hà của Thụy An không được thêm đường. Thứ trà trong cốc đẹp đẽ kia, chẳng có gì ngoài vị chát xít. Ấy thế mà nó vẫn tỏa cái mùi hương khiến người ta xuýt xoa, mong muốn được thử dù chỉ một lần. Cũng như cô, có một câu chuyện đẹp tưởng như ai cũng muốn bước vào, thế nhưng đi qua rồi mới biết, nó chẳng qua chỉ đọng lại cay đắng, xót xa. Những thứ không phải của mình, hình như là luôn rất đẹp.
Khi mọi người chuẩn bị ra về thì trời bỗng kéo mây, đổ mưa rất lớn. Chậu hoa ngoài cửa sổ oằn mình nghiêng ngả vì cơn giông vớt vát cuối hè. Chị Linh rất cẩn thận, cất áo mưa trong cốp xe. Nhưng không thể bỏ lại hai nhân vật chính, chị đành mang bài về tòa sọan trước còn Thụy An thì ở lại cùng đến khi họ lên được taxi thì sẽ về. Sau khi gọi xe cho họ, cô mượn cớ đợi xe đến để bỏ ra ngoài, đứng dưới hiên. Thụy An không muốn ở lại trong đó. Ở đó, cô là người lạ. Chỉ có không gian biết cô, còn cô, cô chẳng quen ai. Cô không muốn lòng cứ mãi hoài niệm. Nhìn vào trong, ánh đèn vàng mỏng thật ấm áp, khác hẳn với không gian xám xịt đang vây lấy cô lúc này. Hoàng My đang cầm điện thoại trên tay, người còn lại chẳng biết đã đi đâu mất. Còn đang vẩn vơ nghiêng ngó thì bất chợt, một chiếc áo mưa tiện dụng chạm vào bàn tay cô.
-Em cầm lấy đi.
Như một phản xạ, Thụy An rụt tay lại. Tấm áo mưa màu xanh rơi bộp xuống vũng nước đọng dưới chân. Trời vẫn mưa như trút, nước chảy trên mặt người đó thành từng dòng xuống cằm, nhỏ giọt. Chiếc áo sơ mi caro ướt đẫm. Thụy An rùng mình không đáp, quay đầu bỏ chạy vào màn mưa.
-Để anh đưa em về.
Anh ta với theo, nắm lấy cánh tay cô kéo lại nhưng cô không chút cảm tình giật mạnh ra. Bằng cái giọng nghèn nghẹn, cô nhìn thẳng vào anh, nói rành rọt từng chữ:
-Nam ạ! Chúng mình không còn như ngày xưa nữa đâu.
Rồi lạnhlùng bỏ vào trong màn bụi nước. Tháng 9, trời Hà Nội đổ mưa. Có một người cứ đứngmãi bên hiên quán quen dưới cơn mưa. Có một người quay lưng bước đi, đôi mắt bịmưa nhấn chìm trong nước.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top