MUA BUON MUA HA CUOI
RAIN OF SUMMER
Mà sao nàng lại không yêu, chê ta nghề biển... hồn treo... hồn treo cột buồm..."
Anh Nam lại thất tha thất thểu, gánh mái chèo trên vai. Đùm lưới buộc túm như trứng ếch treo lủng lẳng ở đầu tay chèo rồi vừa đi vừa hát. Chiếc quần đùi bở như tấm vải mục được thắt nút một bên, vén cao đến hở cả mông. Đầu chụp chiếc mũ kè tua tủa lá phất phơ theo gió. Tấm lưng trần với những giọt mồ hôi lăn dài, đen nhẵn, sóng sánh sự mặn mòi của con người sông nước quanh năm...
Ngày nào cũng vậy, chỉ câu hát đó, anh cứ hát đi hát lại, hát mãi mà không biết chán. Anh hát từ khi bước chân lên bờ cho tới khi về nhà tắm xong mà vẫn chưa dứt ra được. Điều đó đã khiến những người buôn cá dổi quê tôi dù đang ở bất cứ đâu, khi chiếc thúng lưới của anh cập bến. Họ như đánh được hơi và ngay lập tức có mặt. Họ cứ léo phét lên nhặt nhạnh, phân ra từng loại rồi bỏ vào rổ mang đi luôn, không cần biết giá cả thế nào. Anh cũng không biết là hôm nay mình kiếm được nhiều hay ít. Có những lần họ mua cả tháng mới đến tính tiền một thể.
Anh thì vẫn vậy, không bao giờ để ý gì đến chuyện tiền bạc. Họ đưa tiền. Anh cầm, chẳng thèm đếm lại, cứ vơ cả rồi đưa cho mẹ. Bà Lương tỉ mẩn cầm cả nắm tiền cứ thế đếm đi đếm lại. Lòng vui sướng, miệng suýt xoa. "Không ngờ mấy ngày nay hấn lại kiếm được những từng này". Miệng bà nhai trầu mõm mẽm, lâu lâu lại quay sang nhổ toẹt một cái. Dòng nước đỏ ngàu phun xuống nền đất như tiết con ngan, rồi đưa tay quẹt ngang miệng, cười khanh khách...
*
Hôm nay, mặt trời mới chếch khỏi đỉnh đầu. Cái bóng còn ngắn cũn như người lùn đi ngược chiếu trên nên bãi thì anh Nam đã về tới đầu ngõ. Miệng vẫn ngân nga câu hát "Mà sao nàng lại không yêu, chê ta nghề biển hồn treo... hồn treo cột buồm...".
Từ trong nhà nghe tiếng hát của anh, bà Lương lại cuống quýt chạy ra đầu ngõ. Vừa chạy, bà vừa đưa tay ra đỡ đùm lưới treo lủng lẳng, miệng liến thoắng hỏi.
- Răng hôm nay về sớm rứa con? Có kiếm được vài ba lô không?
Anh Nam như không nghe thấy câu hỏi của bà, miệng vẫn ngân nga câu hát vẻ say sưa.
Thấy vậy, bà lại hỏi tiếp.
- Hôm nay mi bị mần răng rứa. Răng mệ hỏi mà mi không nói?
Anh ngã đùm lưới xuống tay bà, rồi chuyển dần cái chèo về phía trước. Đến lúc này miệng mới ngưng câu hát và lên tiếng.
- Chán quá! Nước xuống đỏ ngàu, chả bát cháy chi cả. Chỉ toàn bèo là bèo.
- Răng con? Mi nói cấy chi?
- Thì nước xuống toàn bèo, nát cả mớ lưới chứ có con nóc chi bén mô.
Đặt đùm lưới xuống sân gạch cái ệch. Bà Lương ngồi bệch xuống đất, lưng tựa vào thành vại sành, mặt đần ra như người mất sổ gạo.
Anh Nam vẫn không nói gì, anh đã quá hiểu chuyện gì sẽ xảy ra trong chiều nay. Tính cách của bố mẹ, anh còn lạ gì. Hễ hôm nào mà kiếm được ít đồng thì mọi thứ đều suôn sẻ, mặt mũi lúc nào cũng tươi roi rói, mồm miệng liến thoắng. Còn hôm không được thì... cũng không phải nói nữa. Mặt bà cứ nặng như cả cân chì đúc sẵn, có cạy mồm cũng không hé răng.
Thấy vậy, ông Bắc ngồi trong nhà nói vọng ra.
- Nước nôi chi mà mới sinh được vài bữa là đã trở chứng không biết. Nghề nghiệp kiểu ni thì có mà... không có cháo mà húp.
- Thày nói chi? Đài hấn vừa báo gió, thày không nghe vá? Đài báo gió thì nước xuống là phải.
- Gió má chi mà cứ dăm bữa lại gió, dăm bữa lại gió..
- Cấy đó có mà hỏi ông trời. Chứ Thày nói tôi thì tôi biết răng được.
Bà Lương nãy giờ ngồi đần người nghe hai bố con họ nói chuyện. Lúc này mới đứng phắt dậy, vớ lấy cái rổ vập phành phạch vào thành vại rồi úp đánh phập lên đùm lưới. Tay cầm cái chèo quẳng vào góc sân và quay ngoắt ra phía sau.
Ông Bắc vẫn ngồi thù lù trên cái chõng tre giữa nhà, hai gót chân thu vào sát mông, đầu gối co lại cao quá mang tai. Ôm cái điếu cày, châm đóm rít xòng xọc, xả khói ra rồi kho khụ khụ. Thấy bà bỏ đi. Ông không nói nữa. Buông cái điếu cày khỏi tay, ông nén tiếng thở dài vào bên trong rồi lặng lẽ nhìn ra đầu ngõ.
*
Ngày còn trẻ, ông cũng là một tay sóng nước cừ khôi. Cả làng chài nghe nói đến "Bắc lùn" thì ai nấy đều tấm tắc. "Ai mà sánh được với lão, rái cá mà".
Dạo ông xuất ngũ về làng, ở cái độ tuổi ngoài ba mươi trông ông tráng kiện lắm. Một mình với chiếc thuyền thúng to vật vã đủ các loại nghề. Vừa làm đáy, vừa đánh lưới vặt trong sông, lại lưới bể, rồi pha cả nghề câu vặt nữa... Mà nghề nào ông cũng rất sành sỏi. Cá ở sông nước cũng như cá trong chậu của ông vậy, hôm nào ông thích bắt bao nhiêu thì bắt. Có dạo gió bão triền miên, cả làng nghề treo niêu, riêng ông thì vẫn cứ đều đều. Gió to sóng lớn, ông không ra khỏi lạch được thì đánh lưới sông. Hôm nào nước chảy quá, ông lại chuyển sang nghề câu vặt. Vừa giỏi nghề, lại vừa nhanh nhẹn nên ông trở thành tâm điểm của gái làng chài. Các cô cứ thậm thụt với nhau: "ở cái làng này ai vớ được "Bắc lùn" thì có mà sung sướng cả đời, chả phải lo nghĩ chi nữa. Lấy được lão Bắc cũng coi như cả đời gác chân đếm của, ngồi mát ăn bát vàng không sợ chết đói...".
Đúng là phần thắng luôn thuộc về kẻ mạnh, cuối cùng ngôi sao sáng nhất của làng vạn chài đã thuộc quyền sỡ hữu của cô "trùm cá dổi". Bà Lương ngày ấy là một cô gái đanh đá, buôn bán lọc lõi nhất làng. Khi cặp đôi làm đám cưới, cả làng ai nấy đều mừng ra mặt. Chỉ riêng mấy cô trong nhóm đối tượng tranh chấp thì có vẻ hậm hực vì thua cuộc. Nhưng cuối cùng, cô nào cô nấy cũng thở phào rồi tự an ủi mình: "ối trời! việc chi mà phải quan trọng. ở làng này thiếu chi người tài giỏi, có phải chỉ mình lão Bắc là "đỉnh" mô mà phải tiếc". Nói thì nói vậy, nhưng trong thâm tâm cô nào cũng đứt từng khúc ruột.
Cưới vợ xong, ông Bắc đã son lại càng son hơn. Nghề nghiệp ông lúc nào cũng đạt đỉnh cao nhất làng. Lại có thêm bà Lương, nên mọi thứ lúc nào cũng đỉnh lại càng thêm đỉnh. Mấy năm liền ông bà đều được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận "Gia đình làm kinh tế giỏi".
Chỉ tội một điều, trong niềm hạnh phúc no đủ đó, mãi mà vẫn thiếu một thứ. Cái thứ hết sức quan trọng với mỗi cặp vợ chồng. Sống với nhau gần năm năm trời mà ông bà vẫn không có lấy một mụn con. Trong khi bạn bè, làng ôsm thì cứ xòn xòn. Trẻ đầy nhà, ríu ra ríu rít.
Đã vậy, ông Bắc đi ra thì toàn bị mọi người trêu chọc: "Bắc lùn ăn tham rứa, nghề nghiệp nhất làng, của đổ mô cho hết mà không chịu chia chác cho ai cả. Hay là hấn ta định chết một mềnh trên đống của cho sướng? Mà sướng cái quái chi, suốt ngày cứ thui thủi. Hai ổng bả ngắm nhau mãi rồi cũng chán. Mà cũng không biết tại ổng hay tại bả nữa. ổng thì chắc khoản ấy cũng ác chiến lắm chứ. Còn bả thì cứ hây hây, đi đâu mông cũng đánh tanh tách, tanh tách rứa mà răng lại không đẻ được không biết...". Lại có kẻ độc mồm độc miệng chen vào: "Nói làm chi cho ổng xót ruột. Cấy loại ổng bả có cố cũng chỉ rứa thôi. Ông trời có mắt cả đó mà. ổng thì không răng, còn bả... Cấy đồ đanh đá cá cày nứ thì lấy mô ra con. Cấy loại đàn bà vừa ngoa ngoắt vừa đọc lòi đom ra. Đúng là cấy đồ "đãi cứt gà lấy mẳn". Các cụ nói rồi, "Cây khô không lọc thì người đọc cũng không con".
Những lời bàn tán, chọc ghẹo mánh khóe của làng xóm làm ông thấy rất khó chịu. Bề ngoài thì ông vẫn luôn tươi cười, vui vẻ. Nhưng cứ về đến nhà, nhìn thấy vợ là ông lại sôi máu lên. Bà Lương thì suốt ngày mồm miệng không ngớt, hình như không nói là bà không chịu được. "Mồm miệng bả có kịp ra da non mô". Nhịn nhiều thành quen, ông Bắc trở nên ít nói hẳn. Ông luôn im lặng. Tính cách của ông tự nhiên thay đổi khác thường, khiến bà lại càng được đà lấn tới. Nhiều hôm đi lưới về, ông không thèm quan tâm mọi việc. Cậy sức khỏe, ông kéo tướt cái thúng lên rồi ấp vào gốc su mọc. Cả lưới và cá cứ thế đổ toe toét, làm bà hậm hực thu lượm một mình rồi đem đi bán.
Mâu thuẫn trở nên ngày càng gay gắt giữa hai vợ chồng "son". Có những lúc tưởng chừng đã phải xuôi theo dòng nước, "bèo dạt mây trôi". Nhiều lần cán bộ hợp tác phải đứng ra hòa giải.
*
Một cơn gió từ đâu bất ngờ thổi mạnh, rồi đêm trăng đang vằng vặng bỗng nhiên biến mất. Mây đen ùn ùn kéo đến, bầu trời tối sầm lại. Sấm chớp cứ thế thi nhau ầm ầm giận giữ. Những ngọn sóng nối nhau ràn rạt chạy. Nước biển nhuốm mầu hoi mực đen ngòm. Chiếc thúng lưới của ông chòng chành rồi bật nước. Một lỗ to bằng cái trôn bát xuất hiện giữa lòng thuyền. Nước phun vào như cái vòi bơm cười ha hả. Ông Bắc luống cuống vơ vội cái chăn chặn lại, rồi loay hoay bắt nước. Nhưng tất cả đều vô dụng. Gió càng thổi mạnh, sóng càng lớn hơn, cứ thế vỗ ầm ầm làm chiếc thuyền thúng hết nhảy dựng lên rồi lại dáng ềnh ềnh xuống mặt nước. Cơn mưa ào ào xuất hiện, té tát làm mặt mũi ông tối sầm lại. Ông vội vàng vứt cả nghề nhảy tõm xuống sông bơi vào bờ.
Ông vừa bơi được mấy sải tay thì xuất hiện một cái thúng câu neo ngay trước mặt. Ông vội bám tay vào cạp. Chiếc thuyền thúng cũng tròng trành giữa cơn giông, nhưng được cái neo nọc chắc chắn. Trên thuyền, mui được che bạt kín mít. Ông Bắc lật đật leo lên, miệng ú a ú ớ. Bò vội vàng về sau lái rồi lấy tay tốc bạt chui vào trong mui để tránh mưa. Trong mui thuyền, một ngọn đèn bão được bịt kín, ánh sáng leo lét hắt ra chỉ đủ nhìn thấy lờ mờ mọi thứ. Một ông già râu tóc bạc phơ nằm yên trong giấc ngủ. Ông Bắc ngạc nhiên vì thấy chiếc thuyền thúng lạ với một ông già không quen biết lại neo đậu nơi đây, ngay lúc này. Nhưng vì quá rét, ông cũng làm liều, vội vàng chui vào để tránh mưa. Khi ông vừa chui vào trong, tự nhiên ông già ngồi bật dậy rồi chẳng hỏi han gì cứ thế nói oang oang như phán: "Cứ ngồi đó cho tạnh mưa đã, hết mưa ra mà kéo lưới. Có mấy con cóc sắt đang bám ở dưới. Nhớ mang về cất kỹ, không được để lộ cho ai biết. Không thì tai vạ đấy". Nói xong, ông già đột nhiên biến mất. Ông Bắc thần hồn nát thần tính, sợ vãi cả ra quần. Tay chân cứ quờ khoạng tứ tung, rồi nắm phải con dao đang dắt dưới nan chõng, máu tuôn ra như cắt tiết gà. Một luồng điện chạy dọc theo xương sống, ông dợn người tỉnh giấc.
Thì ra ông vừa qua cơn ác mộng. Nhìn xuống bàn tay, máu đang chảy ròng ròng. Ông vội vàng lấy cái áo quấn vết thương lại rồi chui ra khỏi mui. Một trận mưa rào giữa đêm mùa hạ bất chợi kéo đến. Chiếc thuyền thúng gồng mình chống lại những con sóng đen ngòm, ràn rạt táp vào mạn ầm ầm.
Một lúc sau, mưa ngớt. Ông vội vàng kéo lưới để về. Cả vàng lưới hôm nay chẳng thấy con cá nào bén mảng. Ông kéo mãi thì thấy có bốn con cóc sắt vừa bằng mu bàn tay đu nhau chúm vào mề lưới. Nhớ lại cơn mơ, ông Bắc vội vàng mang về nhà rồi gói gém cẩn thận kê vào bốn chân tủ.
*
Bà Lương tự nhiên vác cái bụng thề lề làm cả làng ai nấy đều trố mắt. Bà sinh ra một đứa con trai kháu khỉnh. Trong nhà có tiếng trẻ con, ông bà trở nên vui vẻ lắm. Thằng con trai của ông bà lớn nhanh như thổi. Chỉ tội càng lớn càng trở nên ngờ ngệch. Cái xác thì to đuềnh to đoàng nhưng tính nết lại không lớn được chút nào. Mọi người thường trêu đùa là "cái đồ gà cồ, gà công nghiệp, đồ man mát yêu thương". Càng lớn, anh ta càng khờ khạo, làm việc gì cũng chẳng nên hồn. Ông bà cũng chăm chút lắm, quý tử mà. Nhà đã hiếm hoi lại còn độc đinh nên ông bà vẫn coi như cục vàng vậy.
Nhưng rồi mãi mà thấy nó vẫn không có gì tiến bộ, ngoại trừ cái thể xác thì cứ phồng lên từng phút. Chăm chút mãi, dần dần cũng đâm ra chán. Anh Nam lớn lên nhưng vẫn không chịu học hành gì. Ông bà rồi làng xóm nói mãi cũng kệ. Cứ suốt ngày lang thang ngoài bãi sông. Mở mắt là ra sông đẵm đến tối mịt bà Lương gọi mãi mới chịu về ăn cơm.
Không còn cách nào khác, ông đành cho anh học cái nghề sông nước của ông. Cũng thật lạ, tính cách thì ngờ nghệch thế, làm gì cũng không nên hồn. ấy vậy mà cái nghề sông nước lại có vẻ hợp với anh lắm. Chỉ trong thời gian ngắn mà nghề nghiệp anh thông thạo có kém gì bố mình. Ông bà cũng cảm thấy yên tâm phần nào. Ông thở dài: "Thôi thì cũng coi như an phận cho hấn, số đã rứa thì biết làm răng cho phải...". Bà Lương không nói gì, nhưng với tính cách của bà. Con ở nhà làm nghề ra tiền là bà thích. Bà cứ thấy tiền là sáng mắt lên, không cần biết tương lai của con thế nào. Trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh thì mặt mũi bà cứ phơn phớn, mồm miệng toe toét. Còn khi hết tiền thì nhìn là biết ngay. Cái mặt nhẵn nhịn, tròn lăn lại biến dạng thành cái bánh đa nướng méo dệch.
Nghề nghiệp đang lúc kiếm ăn được thì ông Bắc đột nhiên đổ bệnh. Ông mắc phải chứng đau cột sống. Vậy là ông đành "gách kiếm" nhường cái nghề sông nước lại cho cục vàng của mình.
Thấy chồng ngồi một chỗ, bà Lương lại ngứa ngáy, cứ nhìn ông như nhìn cái gai trong mắt. Mỗi lúc nghề nghiệp kiếm được chút ít, bà lại thêm sốt ruột. Không chịu cho chồng ngồi yên, bà tìm cách chạy vạy mãi. Cuối cùng cũng kiếm được cho ông cái chân phó chủ nhiệm hợp tác xã. Ông Bắc chỉ học hết lớp bốn, vậy mà làm chân Phó chủ nhiệm hợp tác xã nghề cá cứ ngon ơ.
Vận may lại tiếp tục mở ra với ông bà. Ông Trịnh chủ nhiệm hợp tác bị kỷ luật và nghỉ việc vì lý do quan hệ lăng nhăng gì đó. Ông Bắc ngay lập tức được bổ sung vào cái ghế chủ nhiệm hợp tác mà không cần chờ đợi thời gian.
Được hơn một năm, Hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả thì đột nhiên cơ chế nhà nước thay đổi. Thế là phải giải thể. Tưởng đâu mọi việc đã xong, được yên vị nghỉ ngơi. Bỗng từ đâu ông Bắc nhận được giấy triệu tập của huyện, rồi tỉnh.
Ngồi trước một mớ đơn từ tố cáo của nhân dân, và của cả các ông, các bà trong ban lãnh đạo hợp tác (cũ). Họ tố cáo, kiện tụng nhau về tham ô, tham nhũng, bòn rút của dân.
Mọi việc lại bắt đầu rối mù lên, nào là chuyện ăn chia, thu chi của hợp tác. Nào là chuyện đất cát gì gì đó... Rồi lại chuyện ông chỉ mới học hết lớp bốn mà được làm chủ nhiệm hợp tác. Một mớ bòng bong bắt đầu cuốn lấy ông. Không có gì để biện minh cho mình, thế là ông Bắc thẳng đường tiến vào nhà đá ngồi ăn cơm nắm.
Chồng ngồi tù, Bà Lương ở nhà cứ hơn ha hớn hở, suốt ngày chẳng làm việc gì, chỉ hết ngồi chỗ nọ lại xọ sang chỗ kia. Tiền của trong nhà bao năm làm lụng đều lần lượt biến thành những món ăn phổng của bà hết. Đến lúc căn nhà cấp bốn rộng thênh thang chỉ còn lại cái vỏ tường vôi với chiếc chõng tre xộc xệch. Bà lại bắt đầu chuyển sang cay nghiến "cục cưng" của mình. Suốt ngày anh Nam ăn ngủ trên sóng nước. Chỉ ghé về nhà tắm táp qua loa rồi lại vác chèo đi. Kiếm được đồng nào thì bà thu lượm hết. Đến nỗi gần hai mươi tuổi đầu mà anh vẫn chưa biết mặc gì cho nên hồn.
Giữa trưa, ông trời đang như cái lò nung vôi tỏa nhiệt bỗng nhiên biến sắc. Cái mầu xanh ngắt chạy trốn đi đâu mất, một cơn giông từ đâu ập đến, mây đen ngùn ngụt, rồi trận mưa rào mùa hạ xối xả. Anh Nam phơi tấm lưng trần đen nhẵn chạy hùng hục dưới làn mưa, băng qua bãi cát và lao sầm vào ngõ. Cái cọc tre va vào trán đánh cốp mà anh cũng chẳng thấy đau. Đặt chân lên thềm, anh thấy cửa nhà chốt chặt. "Không biết giữa trưa mà mệ đi mô nữa, răng cửa lại đóng rứa không biết". Nghĩ vậy! Anh định chạy ra ngõ gọi bà, bỗng nghe trong nhà có tiếng gì đó là lạ. Tiếng thở phì phò, rồi tiếng rên the thé. Thi thoảng lại pha vào những tiếng cười khúc khích... Anh bước nhẹ đến sát cửa, thì ra cửa cài phía trong. Hé mắt qua khe, cái gì đó tròn lẵn, trăng trắng như cái rá úp cứ phập phà phập phồng, nhồi lên nhồi xuống. Rồi hai cây sào te chạng ra trắng muốt, hai cây còn lại dựng đứng ghép với hai quả bưởi sát vào nhau có khe, cứ nhồi sát, nhồi sát, ép vào rồi lại nới ra. Nhịp nhàng, nhịp nhàng... rồi nhanh dần cùng tiếng thở gấp gáp. Cảnh đẹp mà từ bé tới giờ anh Nam mới được nhìn. Thấy hay, anh cứ dán cả hai con mắt vào khe cửa, chổng mông lên để nhìn.
Bàn tay khô như cành củi vỗ vào mông cái đét. Anh giật người nhảy cẫng lên, rồi hét toáng.
- Ô thày... thày về rồi... thày về rồi...
Tiếng hét bất ngờ của anh làm mọi thứ bên trong tự nhiên đảo lộn. Tiếng lục đục, lục đục rồi... rầm... nhè nhẹ.
Gần sáu năm ngồi bóc lịch, ăn cơm nắm. Ông Bắc xô cửa bước vào nhà. Cánh cửa mắc kẹt phía trong. Anh Nam gọi nháo. Tiếng bước chân sàn sạt, rồi cửa bật ra. Bà Lương quần ống thấp ống cao, áo cúc trên cài lộn cúc dưới, đầu tóc rối bù, hai má đỏ hây hây đứng ngay sau cửa. Người rũ rượi như cây liễu sau trận mưa rào. Anh Nam tưởng mẹ ốm vội vàng đưa bà vào trong.
Buổi chiều, bà Lương hí hoáy dưới bếp. Trên nhà, ông Bắc ngồi trơ trơ trên chõng tre, nơi đặt chiếc tủ ly ngày xưa giờ trống hoang trống hoếch. Bốn con cóc sắt ông kê chân tủ cũng không thấy đâu nữa. Thì ra cái tủ bà đã đem bán khi ông đang ở tù. Bốn con cóc bà đã bán sắt vụn trước ngày ông có giấy triệu tập của huyện mà ông không hề hay biết.
Từ lúc ở tù về, ông Bắc trở nên trầm lặng. Suốt ngày cứ thui thủi trong nhà như người mất trí. Thân thể cứ ngày một gầy rục đi, bao nhiêu cơ thịt ông bán đi đâu hết. Dần dần tròi lại bộ xương trơ khấc được phủ bởi lớp da nhăn nheo đen sạm. Thấy ông không nói gì, bà lại càng được thể cay nghiến, hết con rồi đến chồng, mãi thành quen. Ngôi nhà suốt ngày chỉ nghe tiếng bà cứ choang choác. Thi thoảng mới thấy tiếng hát véo von của anh Nam. Đó là lúc anh ở ngoài sông về xối nước ào ào.
*
Tiếng loạc xoạc phía sau nhà cùng tiếng gọi liền thoắng của bà Lương như gấp gáp.
- Nam! Nam... nhanh lên, mưa đến nơi rồi.
Anh Nam ném cái gầu cao su đang đầy nước trên tay chạy thộc ra.
- Mi đạy cấy vại đó lại cho mệ. Lấy cấy chạu thau cho mệ mau lên. Trời ví đất, đang nắng chang chang lại mưa. Nhanh lên con, nhanh lên không mấy vại mắm nước mưa vào lại thối hết.
- Thì đài báo gió mà, mệ không nghe à?
- Gió má chi mà khổ rứa không biết. Nghề nghiệp đã không được, trời đất kiểu ni có mà bốc đất mà ăn.
- Mệ lo chi rứa, mưa mùa hạ lúc là tạnh thôi mà. Chi cũng cuống lên.
- Tạnh! Tạnh... chờ đến khi tạnh có mà đem ra sông đổ hết...
Hai mẹ con chạy vào tới bờ hiên thì cơn mưa ào xuống. Bà Lương buông tiếng thở dài nhìn ra sân. Những hạt mưa nặng trịch giáng xuống nền đất té tát, rồi những cái bong bóng nổi lên nối đuôi nhau trôi theo dòng chảy, dẫn ra đầu ngõ và khuất trong mắt của bà. Trong nhà, ông Bắc vẫn ngồi trầm lặng, thu chân trên chiếc chõng tre nhìn ra đầu ngõ. Anh Nam lại hồn nhiên cất cao giọng hát "Mà sao nàng lại không yêu, chê ta nghề biển... hồn treo... hồn treo cột buồm".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top