[Min] Mưa xuân
Tôi lặng nhìn từng chùm pháo hoa đỏ hồng nở rộ rực rỡ trên nền trời đen thẳm, lòng lại trôi đến một miền ký ức xa vời vợi. Tôi vẫn còn nhớ thời điểm giao thừa của một năm nào đó, đã từng có người cõng tôi trên bờ vai hao gầy để tôi có thể xem pháo hoa rõ hơn giữa dòng người tấp nập. Nhưng tiếc là, tất cả đã không còn nữa.
Khẽ thở dài, thời khắc giao thừa lại đến rồi.
...
Từ thuở tôi còn bé thơ, do ba mẹ quá bận rộn với công việc nên tôi được gửi ở nhà ngoại trong suốt một khoảng thời gian dài. Chỉ có mỗi dịp Tết đến xuân về thì ba mẹ mới có thể thu xếp công việc về đoàn tụ với gia đình. Trong nhận thức non nớt của tôi lúc bấy giờ, Tết là quãng thời gian hạnh phúc biết chừng nào, là những chuỗi ngày được sum vầy với ba mẹ cùng bà ngoại, cô dì chú bác.
Nhà ngoại tôi toạ lạc ở một căn hẻm nhỏ nơi Sài Gòn phồn hoa đô thị. Mỗi lần Tết đến thì con hẻm nhỏ vốn rất hoang sơ lại tràn ngập muôn sắc vàng thắm tươi của muôn hoa và sắc đỏ rực rỡ của các tờ giấy dán câu đối xuân. Vẫn còn nhớ rõ mồn một cảm giác tha thiết mong mùa xuân về để có thể cùng mấy đứa em họ vừa chuyện trò vừa canh nồi bánh chưng thâu đêm hay cùng bà ngoại đi chợ Tết để sắm sửa rồi nhân cơ hội vòi mua vài món gói ô mai ăn vặt hay những buổi trưa nắng ngồi phơi củ kiệu cùng các dì, các cô. Hay thậm chí là ngồi đếm từng bông mai vàng rực của gốc mai trước nhà rồi cá cược với bọn trẻ cùng xóm liệu nó có nở rộ vào đúng mồng Một hay không. Thời ấy, sao mà vui, vui quá!
...
Mồng một Tết, xuân Mậu Tuất 2018.
Như mọi năm, tôi cùng ba mẹ về nhà ngoại để chúc Tết họ hàng. Thấy căn nhà đã được sửa lại từ nhiều năm trước, căn nhà trang hoàng nhưng nó lại mang lại cho tôi cảm giác trống rỗng đến lạ lùng. Căn nhà này trước đây đã chất chứa vô vàn kỷ niệm tuổi thơ của tôi, nhưng đó là căn nhà nhỏ xập xệ ngày xưa chứ không phải là căn nhà sang trọng như bây giờ. Mỗi khi nhìn lại, trong ngực tôi lại có cảm giác tắc nghẹn như có gì đó đè nặng, bí bách đến ngạt thở tựa như tôi đã đánh mất thứ gì đó rất quan trọng.
Tôi thấy nhớ cái Tết ấm cúng của ngày xưa, chứ không phải ngày đầu năm mà ai nấy cũng chăm chăm chiếc Smartphone trên tay mình. Thậm chí chỉ đơn giản là hoài niệm món thịt kho hột vịt được ninh nhừ bằng nước dừa và cải mặn được làm rất giòn của bà ngoại. Bà nấu ăn rất ngon, hầu như những món ăn dịp Tết đều một tay ngoại chuẩn bị, tôi cũng chỉ đứng cạnh bên phụ giúp rồi tranh thủ ngoại không chú ý liền hăm hở bóc một miếng bỏ vào mồm. Khi ấy bà vẫn thường mắng tôi vì cái tội ăn vụng.
Nghĩ đến đây, tôi bất giác bật cười, nhưng vừa cười xong thì bỗng nhiên khóe mắt đã ngấn lệ, nước mắt liền chảy dài. Tôi cố gắng không nhớ đến ngày hôm ấy...
...
Tôi vẫn còn nhớ rõ, mùa xuân Quý Mùi mười lăm năm trước, khi ấy tôi chỉ là một con nhóc hơn chín tuổi. Hôm ấy tầm hai mươi bảy Tết, tôi và mẹ đang bưng bê vài chậu quất và mai vào sân nhà thì có điện thoại. Lúc ấy mẹ đang bận tay nên bảo tôi vào nhà nghe máy. Đầu dây bên kia vang lại giọng khàn khàn của dì tôi:
- Alo? Con My đó hả? Nói với ba mẹ mày, bà ngoại vừa nhập viện, bệnh viện 115. - Nói đến đây, giọng dì nghẹn lại, tôi nghĩ dì đang khóc. Tựa như dùng hết sức lực, dì quát khẽ - Tới liền đi! Bà ngoại mày... sợ là không qua khỏi đâu!
Bên đầu dây kia đã bị ngắt, trong ống nghe không còn bất kỳ âm thanh nào vọng lại. Nhưng tôi cũng chẳng thể nghe được thêm gì. Trong đầu tôi giờ chỉ toàn một mớ suy nghĩ hỗn độn, bà ngoại, bà ngoại bị làm sao? Bà ngoại! Ngoại ơi! Đầu tôi ong lên, da đầu đột nhiên co giật liên tục, như nghĩ tới điều gì, mắt tôi cay xè đi, dần dần bị vao phủ bởi màn nước mắt mờ ảo.
- My! Ai gọi đó con?
Tôi vội chạy vội ra sân, trả lời mẹ:
- Là dì gọi, mẹ ơi, dì nói bà ngoại nhập viện, là bệnh viện 115. Mẹ con mình mau tới bệnh viện! Đi mau mẹ ơi!
Mẹ tôi nghe vậy, hoảng hồn liền đặt vội chậu quất xuống sân. Mẹ gọi cho ba bảo hai mẹ con tôi sẽ đến bệnh viện trước, sau đó vội đèo tôi trên con xe Dream phóng nhanh đến bệnh viện.
Chưa bao giờ tôi thấy quãng đường từ nhà đến bệnh viện lại dài và xa như vậy. Ngồi trên xe mà lòng tôi như bị ai khuấy đảo, cả ruột gan như có ai đó bóp nghẹn, thật khó chịu. Tôi đủ khôn để hiểu được cụm từ "không qua khỏi" là như thế nào. Tôi liên tục tự nhủ bản thân: không sao, không sao cả, không có việc gì phải sợ...
Tôi hít thở sâu, nhưng bàn tay đặt trên eo mẹ vẫn bất giác run rẩy không ngờ, Tôi sợ...Như hiểu được xúc cảm của tôi, mẹ khẽ thì thầm an ủi:
- Không sao đâu con, sẽ ổn cả!
Tôi cũng hi vọng như thế, lại hít thở sâu thêm một hơi nữa rồi khẽ đáp: "Dạ".
May thay, đường phố đã rất vắng, do đã vào dịp cuối năm nên đa số người dân thành thị đều trở về quê để đón Tết đoàn viên cùng gia đình. Nên mẹ tôi cố tăng tốc, con xe Dream cũ kỹ lại phóng nhanh vào màn đêm thăm thẳm mà không gặp quá nhiều cản trở.
...
Khi mẹ con tôi đến được phòng bệnh, đó cũng là lúc bà ngoại vừa tỉnh dậy.
Bà nằm trên giường nhìn tôi chật vật chạy vào phòng bệnh. Bà chỉ khẽ cười:
- Làm gì mà hớt ha hớt hải vậy?
Tôi đột nhiên xúc động, nước mắt cứ thi nhau mà lăn dài trên má. Vội chạy ào đến ôm chặt bà:
- Bà...à...à...!
Tôi bật khóc nức nở, thấm ướt cả cái chăn mỏng trên người bà. Bà không nói gì, chỉ nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc đen nhánh của tôi rồi lẩm bẩm:
- Nín đi, ngoại thương! Ngoan nào... Ngoan nào...
Ngoại càng dỗ dành, không hiểu sao tôi càng khóc to hơn. Lúc đó tôi cũng không hiểu vì sao mình lại khóc tức tưởi như vậy, khi đó hoàn toàn tôi chỉ làm theo cảm tính của một đứa trẻ gần lên mười. Dường như lúc đó tôi đã ý thức được điều gì đó, điều gì đó rất tồi tệ, thế nên tôi mới òa khóc như vậy.
Tôi thiếp đi lúc nào chẳng hay biết. Đêm đó tôi ngủ rất say, rất ngon và mơ thấy rất nhiều chuyện. Tôi mơ thấy lại những khoảnh khắc cùng bà đón giao thừa, mơ thấy cùng bà đi lễ chùa đầu năm, mơ thấy lúc ngoại mua cho tôi một chiếc áo dài Tết,... Đó là một chuỗi kỷ niệm đẹp, là những khoảnh khắc cả đời tôi khó có thể quên lãng. Giá như tôi cứ mơ thế này thì tốt quá, giá như tôi đừng tỉnh đậy để tiếp tục đối mặt với hiện thực tàn nhẫn ngoài kia. Giá như tôi cứ tiếp tục mơ thế này, ôn lại kỷ niệm với bà thế này. Thì tốt quá...
...Ngày hôm sau tỉnh dậy, đã là ban trưa.
Tôi thấy mình đang nằm trong lòng mẹ, còn mẹ thì gục đầu vào vai ba khóc rất nhiều. Chuyện gì vậy? Sao mẹ lại khóc? Như nhớ lại điều gì, tôi quay phắt đầu nhìn về phía giường bệnh. Tôi thấy bà nằm trên giường, nhưng lại có một mảnh vải trắng phủ ở trên. Xung quanh cô dì chú bác đều ôm mặt khóc tức tưởi.
Tôi hiểu được điều gì đang diễn ra. Trước mắt tôi dần nhòe đi bởi nước mắt, tai cũng ù đi như chẳng thể bghe được âm thanh gì nữa. Tôi nghe thấy loáng thoáng giọng mẹ tôi văng vẳng:
- Bà mất rồi.
Bà mất rồi? Bà mất rồi ư? Không! Sao có thể được? Làm sao có thể được. Trong trí nhớ tôi, tuy bà đã ngoài tám mươi nhưng khỏe mạnh vô cùng, chưa bao giờ thấy bà ốm đau bao giờ. Vậy thì tại sao? Tại sao?
Tôi nức nở òa lên, vùng ra khỏi lòng mẹ, đâm đầu liều mạng chạy ra ngoài. Tôi chạy mãi, chạy mãi mà cũng chẳng biết chạy đi đâu. Đến khi thấy cả người lạnh lẽo, tôi mới dần lại và ý thức sự vật xung quanh mình. Tôi đã chạy ra ngoài đường cái và hiện giờ trời đang trút cơn mưa. Từng giọt mưa nặng trĩu dần thấm ướt mái tóc đen nhanh, dần dần thấm cả trang phục tôi khiến cả nguời ướt sũng. Tôi khẽ hít sâu, nhắm mắt nén lệ trực trào. Là mưa xuân! Mưa? Là trời đang khóc thương cho bà sao? Là đang khóc cho cuộc đời của một người phụ nữ cả đời lam lũ vì con cháu? Bà! Bà ơi!
Mưa xuân năm ấy, lạnh lẽo đến tê tái cõi lòng.
...
Đến khi trưởng thành tôi mới biết, bà mất do tai biến, thế nên mới ra đi đột ngột như vậy. Năm ấy bà ra đi, tôi vẫn chưa kịp nói với bà là "con thương ngoại", cũng chưa kịp giúp bà lau dọn bàn thờ ông ngoại. Bà ra đi, làm tim tôi trống rỗng đến bức bối. Mỗi dịp Tết đếm cũng chẳng còn những món ăn bà làm, không có những cành mai bà chọn. Bà ra đi, Tết lại thêm phần nhạt nhẽo...
Tôi nhắm mắt, khẽ quẹt tay lau đi vết lệ nhòa. Chợt cảm thấy mu bàn tay lành lạnh, tôi ngẩng đầu bắt gặp những hạt mưa đang dần trĩu nặng.
Mưa xuân!
Tựa như cảnh tượng mười lăm năm trước lần nữa quay về, tái hiện trước mắt. Tôi để mặt cho nước mắt cứ thay nhau lăn dần trên khuôn mặt rồi để mặc mưa xuân cuốn trôi vết lệ nhòa. Tôi để mặc mình đắm chìm trong cơn mưa xuân và dòng hồi ức mênh mang.
Mưa xuân mỗi năm đều làm cõi lòng tôi đau tê tái.
Con nhớ ngoại!
Ngoại!
Ngoại ơi...!
...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top