Chương 7, Sài Gòn, tháng 05 năm 2012
Chương 7, Sài Gòn, tháng 05 năm 2012
“Cảm ơn chị Du nhé!”, cô dâu cười vui vẻ, “Bữa nào thì chúng tôi có thể xem hình được nhỉ?”
“Không có gì đâu. Tôi nhất định sẽ cố gắng.” Du lướt ngón tay trên màn hình điện thoại với mục lục về thời gian. “Xem nào, ừm, có lẽ anh chị thông cảm giùm Du nhé! Đang vào mùa chụp hình cưới nên khá bận. Trong vòng một tháng nữa, được chứ ạ? Bên chỗ Du sẽ điện thoại báo trước ngày tới xem hình cho anh chị.”
Cô dâu nháy mắt, “Nhưng nhớ là phải đẹp.”
“Tất nhiên rồi ạ!” Du cười tươi trong lúc đóng máy và thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về sau buổi chụp hình ngoài trời.
Thanh quệt mồ hôi. “Hôm nay, mọi người cũng vất vả cả rồi. Hay chúng ta cùng đi ăn tối chung rồi về.”
“Không! Không!” Du xua tay, “Chị cáo bận hôm nay nhé! Anh xã nhà chị đã hoàn thành xong chuyến công tác vào chiều nay rồi!”
“Ô! Có người bỏ bê bạn bè kìa.” Thanh cười giòn. “Vậy, chẳng còn ai dám bắt cóc chị Du nữa đâu.”
Du nhoẻn miệng cười chào mọi người rồi lên xe máy về trước. Cô muốn tự tay vào bếp để chuẩn bị những món ăn ngon cho anh thay vì lời đề nghị sẽ cùng nhau ra nhà hàng như ngày hai người còn hẹn hò và chưa một lần mơ về mái ấm chung.
Kể từ sau ngày cưới, Viễn đã vội vàng đi công tác cùng đoàn cua công ty sang Thái Lan gần hai tuần. Du cũng nhận nhiều buổi chụp hình cưới ở các tỉnh vùng ven biển kéo dài từ hai đến ba ngày như dưới Vũng Tàu, Phan Thiết, hay lên Đà Lạt. Bữa cơm chung của họ chỉ là những lần điện thoại chúc nhau ngon miệng và kể lể cho nhau nghe những món ăn đang được bày sẵn ở trước mặt. Thậm chí, họ còn chưa có được một ngày trong tuần trăng mật đúng nghĩa nữa. Dù thoáng buồn, nhưng Du rất giỏi trong việc tự an ủi bản thân, rằng Viễn chăm chỉ làm việc là vì cô, vì GiGi, vì gia đình.
Bầu trời bắt đầu nhá nhem tối. Màn mây đỏ ối của buổi chiều hoàng hôn dần tan loãng và mất hẳn ở phía tây thành phố để nhường chỗ cho mây đen.
Bên kia phía cổng trường, Du nóng ruột nhưng vẫn kiên nhẫn đứng chờ bé Giang dưới hàng phượng nở rộ hoa nhuộm thành một thảm đỏ kéo dài trên phố. Du tự nhủ, có lẽ bé Giang phải tăng giờ học thêm vì kì thi cuối học kì chỉ còn ít hôm nữa. Nhưng khi kim đồng hồ điểm hai mươi giờ, cùng lúc, cổng trường được khóa lại sau khoảng sân vắng bóng người và những dãy nhà tối om chìm len lỏi trong những rặng cây lớn, Du nhận ra mình đúng là một con – lừa – thiếu – may – mắn.
Vội vã, Du lên xe trở về nhà. Du chắc mẩm, chuyến bay của Viễn đã có thông báo trễ khoảng hai giờ so với dự kiến nên cô sẽ đủ thời gian để vào bếp chuẩn bị vài món ăn đơn giản. Và Du cũng không chắc, mình có nên nổi giận với bé Giang hay không?
{{{
Thức ăn nhẹ, vỏ bánh kẹo bày la liệt trên bàn và ghế sô pha. Giang thoải mái trong bộ áo quần ở nhà và nhìn chăm chăm tới màn hình tivi được gắn trên tường.
Du không nghĩ mình sẽ đủ kiên nhẫn hơn nữa khi cô đã đứng ở trước cửa phòng khách gần năm phút, uể oải nhìn bộ dàng trông đến vô tội của Giang, nhưng có một điều chắc chắn con bé cũng sẽ chẳng buồn quan tâm đến sự tồn tại của Du dù cho cô có đứng đến cả tiếng đồng hồ sau đó.
Du cố tình để đôi giày vào kệ gỗ ở sau cánh cửa thật mạnh. Nhưng đáp trả cô chỉ là tiếng thở dài và cái trở mình uể oải trên ghế sô pha từ Giang, tiếp đó là âm thanh từ tivi được mở với âm lượng lớn, lớn, và lớn hơn nữa.
Du choáng váng.
Đây không phải ngày đầu tiên họ ở nhà cùng nhau, nhưng đúng là lần đầu tiên cùng chạm trán vào thời gian sớm sửa thế này – dù đã gần hai mươi giờ ba mươi phút.
Lấy điều khiển từ tay Giang, Du cố tiết chế cảm xúc của mình và chắc rằng bản thân đã không hề lớn tiếng, “Dì đã đợi con gần ba giờ đồng hồ ở cổng trường. GiGi?”
“Vâng”, Giang trả lời một cách lười biếng, “Dì về sớm nhỉ?”
Du nhắc lại, “GiGi à?” Và Du muốn khóc.
“Con không phải là GiGi để dì có thể tùy tiện gọi như thế!” Vẫn bằng giọng điều thờ ơ, Giang đáp trả. Cô nhoài người về phía Du chỉ để dành lại chiếc điều khiển tivi, “Và dì đã đợi gần ba giờ đồng hồ thì sao? Đấy đâu phải lỗi của con?”
“Sao cơ?” Cơn nóng giận như muốn bốc hỏa lên đầu mà Du vẫn phải kiềm chế. “Con điện thoại và muốn dì đến đón con sau giờ tan học còn gì? GiGi?”
“Đúng vậy. Nhưng làm ơn, dì đừng có mở miệng ra là GiGi, GiGi à nữa!” Quăng chiếc điều khiển lên bàn, Giang vịn tay vào thành ghế để đứng dậy. Đối diện với Du, nét mặt Giang hồn nhiên như thể việc sai giờ giấc vào các cuộc hẹn đối với cô cũng chẳng có nghĩa lý gì. “Con muốn dì đến đón con sau giờ tan học, phải không? Nhưng lỗi là ở cô giáo bộ môn Toán, cô có việc bận đột xuất nên nghỉ dạy và con phải được về sớm từ lúc ba giờ chiều.”
Dứt lời, Giang ngoảnh mặt đi. Với cái điệu bộ uể oải đến thờ ơ, Giang lê dép loẹt quẹt xuống nền nhà.
Dứt khoát, Du với tay túm lấy cánh tay Giang. “Vậy ít nhất, con cũng phải điện thoại báo dì một tiếng chứ?”
Giang ngoảnh đầu lại. Ánh mắt cô di chuyển đến nơi đụng chạm đầu tiên của hai người. Lạnh. Lạnh. Và từ từ nhìn lên khuôn mặt đỏ ửng của Du. “Nhưng lần này cũng không phải lỗi của con luôn.” Giang tỏ ra áy náy. “Cái di động chết tiệt ấy thật biết hết pin vào đúng thời điểm.”
Sững sờ đến bất động, Du chỉ muốn khóc. Nhưng không thể được, con bé đang cố tình ‘chơi’ Du mà.
“Và giờ thì buông tay ra khỏi người con”, giọng Giang sít lại, “Thưa dì, đừng cố ý để lại gần con như thế nữa. Đây là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng.”
Du buông tay. Giang nhún vai và bỏ đi ngay sau đó.
Du thở dài nhìn ‘bãi rác giữa phòng khách’ mà Giang cố tình bày ra. Vừa lúc, tiếng chuông đồng hồ điểm hai mươi mốt giờ khiến cô quên hết sự bức bối ban nãy. Du còn nhiều việc phải làm: nấu ăn, lau nhà, thu gom quần áo…, và cả việc ‘trả đòn’ tính hỗn xược của GiGi nữa.
Du đi thẳng về phòng bếp. Và lại là mùi mì tôm bay luẩn quẩn trong không khí.
“Con đừng ăn mì tôm nữa. Ba Viễn gần về đến nhà rồi. Chúng ta sẽ cùng nhau ăn tối nhé!” Du vừa nói vừa lấy gạo trong thùng nhựa. Cô làm việc nhanh thoăn thoắt.
Và không có câu trả lời nào đáp trả Du ngoài tiếng húp nước mì tôm sì sụp từ Giang. “Ôi! No bụng quá! Đúng là ăn một mình nó sướng nó thoải mái gì đâu. No quá đi mất thôi!”
Du nhún vai. Du còn khối việc phải làm thay vì ‘chơi chữ’ cùng con bé cứng đầu cứng cổ này. Nghĩ là làm, Du học cách phớt lờ Giang như cái cách con bé thờ ơ không coi lời nói của cô có chút trọng lượng nào.
Nhưng bầu không gian im ắng đến căng thẳng lại không kéo dài quá năm phút. Giang chủ động lại gần kệ bếp, ngó nghiêng túi thực phẩm Du đã mua. Đắn đo ít giây, Giang chủ động đề nghị, “Dì Du? Dì đừng giận con chuyện lúc chiều nữa nha. Con sẽ phụ dì làm bếp, được không?” Lấy mớ rau từ trong túi, Giang đẩy về phía Du. “Dì nhặt rau nhé!” Kéo túi cá đưa lên trước mặt, Giang chun mũi đẩy ra xa một chút, rồi mắt cô bé lại sáng lên. “Ba Viễn rất thích ăn món cá chiên chấm với nước mắm và xoài xanh, mà con thì lại là vua đầu bếp của món này.”
Hồi ức năm xưa như tảng đá vừa giáng xuống đầu Du. Một cách ngớ ngẩn, cô đặt câu hỏi cho chính mình, “Nhà mình có nuôi mèo không nhỉ? Hay xung quanh đây, có nhà hàng xóm nào có mèo không?”
Giang cười hớn hở trong lúc rửa sạch con cá trong chậu nhựa đã được xối đầy nước. “Dì Du vừa nói gì cơ ạ?”
“Không có gì đâu.” Du lúng túng. “Mình làm món cá nấu canh chua, không được sao, GiGi?”
Lần nữa, cô bé hoàn toàn không có phản ứng khó chịu khi Du gọi cái tên thân mật – GiGi. Giang chỉ cười, “Nhưng ba Viễn thích cá chiên, và đây có lẽ là việc duy nhất con có thể phụ dì.”
Du không tìm thấy sự ác ý trong lời nói hay biểu cảm ‘lừa phỉnh’ trên khuôn mặt Giang. Du mỉm cười dù trong lòng có đôi chút bất an đến khó tả khi hồi ức cứ thảng lảng lùa về.
{{{
Qua ánh mắt nhìn chằm chằm về chiếc tivi gắn trên tường trong phòng bếp, cùng bộ dàng thờ ơ, không muốn nhận sự quan tâm hay để người khác tỏ ra quá thân thiện, Viễn hiểu con gái anh vẫn chưa chấp nhận việc cô đã có một người mẹ mới.
Đáp lại nụ cười gượng của Du, anh chỉ biết nhún vai khi nhìn về bé Giang. Để phá tan bầu không khí im lặng, Viễn cười giòn, “Chào con gái! GiGi!”
Bé Giang uể oải đáp, “Vâng! Chào ba! Nhưng ba à, đây là lời chào thứ tư từ lúc ba về nhà rồi đấy!”
“Ô! Thế à?” Anh chỉ biết cười trừ. Anh đã đãng trí đến mức đấy rồi ư? Hay anh không biết bắt đầu câu chuyện cùng cô con gái của mình thế nào?
Biết là ích kỉ, nhưng Viễn vẫn không tránh được cảm giác buồn mà anh đã cố nghĩ đến những tình huống có thể xảy ra trong buổi tối hôm nay khi chuyến bay vẫn còn đang lơ lửng trên màn trời. Và giờ anh cần vui vẻ, cười nhiều hơn nữa với đứa con gái mạnh mẽ nhưng cũng vô cùng mềm mại này, “Con đã làm bài thi rất tốt, đúng không? Kì thi cuối cùng đó?”
“Con nghĩ là, bài thi của con đã đủ điểm để lên lớp chin”, bé Giang cười uể oải, “Con hứa là mình vẫn sẽ lên lớp. Thật mà!”
Du không biết là mình nên cười hay khóc trước thái độ của Giang. Cô vẫn luôn nghĩ, con bé chỉ tỏ ra xa cách với một mình cô thôi, nhưng thật không ngờ sau cả tuần dài đằng đẵng người ba đi công tác về, tất cả những gì đang diễn ra chỉ là những câu đáp – vấn ngượng ngập.
“Chúng ta ăn tối thôi!” Du tham gia cuộc trò chuyện mà cô đã nghỉ, nếu mình không lên tiếng, có lẽ sự tồn tại của Du chỉ là không khí và không khí trong gia đình này.
Ngay lập tức, Giang nhảy khỏi ghế, “Để con phụ dì dọn đồ ăn nhé!”
Và con bé lại cười với cô.
Một nụ cười tươi.
Đây còn là lần đầu tiên nữa.
Du choáng váng. Cả cơ thể cô ì ạch di chuyển về ghể ngồi theo sự lôi kéo của GiGi. “Ba đi công tác cả tuần. Dì cũng đi làm về rồi còn vô bếp nấu ăn. Hẳn là hai người đã rất vất vả rồi. Giờ sẽ đến lượt con ạ. Ba mẹ không cần đụng tay vô đâu ạ.
Giang nhẩy chân sáo về phía quầy bếp.
Du ngỡ ngàng nhìn theo bóng dáng bé Giang. Đây là màn kịch đang diễn ra hay chỉ là ảo giác do Du tưởng tượng sau một ngày chụp hình cưới ngoài trời vô cùng vất vả.
Nhưng Viễn thì không, anh cười với theo con bé. “GiGi của ba lớn thật rồi! Lớn thật rồi!”
Chần chừ nhìn con cá lớn đen nhẻm trong chiếc chảo hay nồi canh trông vô cùng ngon mắt, Giang đắn đo trong nhiều giây sau đó rồi cũng quyết định thực hiện theo ý định ban đầu. Giang nghĩ, ‘Xin lỗi nhé, dì Du. Dù sao thì, sự thật giữa mối quan hệ của chúng ta vẫn là mụ ghẻ - con chồng mà thôi!’
Đồ ăn đã được bé Giang bày ra trên bàn, cả Viễn và Du không thôi nhìn chằm chằm vào đĩa cá đen nhẻm.
“Món cá này là sao nhỉ?” Du lẩm bẩm thắc mắc.
Nhưng bé Giang vội vã cho cô câu trả lời hệt như một lời cáo buộc có chủ đích. “Ôi Chúa! Món cá này có tên là gì vậy dì Du? Có phải dì đã chiên hay sốt cá với nước tương đen không ạ?”
Du nóng mặt. Chuyện khủng khiếp gì đó sắp xảy ra. Con bé đã cố tình làm hỏng món cá để rồi ngay cả nó cũng chối đây đẩy cho người khác.
Giang liếm môi và bắt đầu nhấc đôi đũa của mình lên. Con bé nhìn Viễn, “Con nói với dì Du, cá là món khoái khẩu của ba đấy. Chẳng phải, dì Du đã rất tâm lí ư?”
Viễn cười với đứa con gái. Đột nhiên, anh nghĩ mối quan hệ mẹ ghẻ - con chồng đã không như anh tưởng tượng, hay ít nhất tới thời điểm này và trong hoàn cảnh gia đình anh thì nó trở lên tốt đẹp hơn. “Cảm ơn con gái”, anh nói và quay sang phía Du, “Cảm ơn em nữa. Cảm ơn vì một bữa ăn ngon. Anh sẽ ăn thật nhiều. Và hai mẹ con cũng thế nhé!”
Trong khoảnh khắc, cả Du và Giang đều giương mắt nhìn nhau. ‘Hai mẹ con’ cơ đấy.
Giang cắn môi như thể kìm bản thân nở nụ cười mỉa mai.
Còn Du không chắc là mình vẫn đang thở.
Cô cười gượng thay cho câu trả lời với anh. Nhưng khi nhìn sang bé Giang, ánh mắt tinh ranh của con bé lại khiến cô cảm thấy khiếp đảm.
Giang nhanh nhảu dùng đôi đũa của mình chặn lấy đôi đũa của Viễn khi anh vừa đặt tới đĩa cá. Anh nhìn con bé với hai dấu hỏi lớn trong tròng mắt. Nhưng con bé lại cười với anh – những nụ cười tươi, rạng rỡ mà kể từ ngày mẹ Giang qua đời, nụ cười ấy, ánh mắt sáng ngời ấy đã bị phế bỏ. “Để con giúp ba. Con muốn lựa miếng cá ngon nhất dành cho ba. Chứ mọi lần, ba toàn gắp cho con những miếng cá ngon và ít xương không à!”
Không từ ngữ nào có thể biểu đạt được niềm vui trong anh. Nhưng Du thì không, có đã nghĩ đến một chiếc hố sâu đang đợi mình chỉ trong vài giây đồng hồ tới. Và ánh mắt cô nhìn chăm chăm từng cử động của Giang. “GiGi?”
Giang ngẩng đầu lên, và cười với cô. “Dì Du vừa gọi con đấy ạ?”
Mặt Du tái đi. Cô không quen đứa trẻ ở trước mặt. Tất cả những gì Du biết chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên ở khuôn mặt mà thôi. “Không. Dì không gọi con.” Nhưng miệng Du vẫn mấp máy, ‘GiGi? GiGi?’
Miếng cá lớn nằm gọn trên bát cơm của Viễn. Bé Giang tiếp tục ‘ban phát’ những nụ cười ngọt ngào như kẹo dành cho anh. “Con chúc ba ngon miệng. Và cả dì Du cũng thế!”
Anh gật đầu với con bé. Anh nghĩ đến những tháng ngày hạnh phúc sắp tới. Và anh đã không còn là người đàn ông trong hoàn cảnh ‘gà trống nuôi con’ nữa theo đúng nghĩa đen thật rồi.
Nhưng những thước phim trong tương lai ấy đột nhiên bị gián đoạn. Anh ho và sặc toàn bộ thức ăn trong miệng ra ngoài. Tất cả những gì Du kịp nhìn thấy chỉ là miếng cá sống và còn sót máu ở xung quanh.
Ở đâu đó, có lẽ là gần đây, một cái giáng thật đau không định vị lửng lơ trong không khí táp vào cơ thể Du. Đau nhói.
“Từ từ thôi ba!” Du nghe loáng thoáng tiếng nói của bé Giang dù con bé đang ở ngay kế bên. “Có canh rau đây ạ.”
Và trong một giây, cả bát canh rơi vỡ loảng xoảng xuống sàn nhà. Anh ho và sặc toàn bộ số canh vừa húp.
Chuyện gì đó đang diễn ra? Du vơ lấy bát canh của mình đang ở ngay bên trái bát cơm và đưa lên miệng. Giờ đến lượt cô ho sặc lên bởi vị mặn chát mà Du chắc rằng lọ muối trong bếp đã được ‘ai đó’ dùng đến hạt nhỏ li ti cuối cùng.
Và những giọt long lanh nước nhanh chóng xuất hiện đầy trong vành mi mắt. Du trực trào sắp khóc.
Và hình như là ở đây, chính tại trong căn phòng bếp nhỏ này, một cái giáng thật đau nữa lại vừa chọn Du làm điểm hạ cánh an toàn. Buốt nhói.
Du không nhìn thấy gì nữa ngoài khuôn mặt lạnh nhạt, ánh mắt chủ ý hay nụ cười mỉa mai của bé Giang. Lần tấn công thứ hai trong ngày từ con bé, Du bị thương chí mạng bởi những mũi tên tưởng chừng như yêu mềm như lại dứt khoát, rất nhanh, và chuẩn đích. Du muốn khóc, “GiGi?”
Lấy hai ly nước lọc cho cả Viễn và Du, Giang tỏ ra áy náy. Nhưng cái tính ngang ngạnh và háo thắng ở tuổi dậy thì chỉ khiến con bé khấp khởi trong lòng hơn mà cố kìm nén để không biểu lộ niềm hân hoan ra mặt. Con bé vui vì đã hạ gục được người mà nó cho là ‘mụ ghẻ’, vì đã phá nát bữa cơm quay quần bên nhau gọi là ‘gia đình sum họp’, vì đã phần nào lật đổ được hình tượng ‘người phụ nữ trong mái ấm đảm việc nước, giỏi việc nhà’ mà Du đang gắng sức gây dựng.
“Con xin phép về phòng trước. Bữa tối thật sự là rất chán!” Giang hơi cúi đầu rồi quay lưng đi.
Viễn nói nhanh, “Nhưng con còn chưa ăn tối. Đói bụng như thế thì làm sao ôn thi được?”
Du không muốn nói giúp chồng cô câu nào để cùng níu kéo bé Giang ở lại. Trong tâm trí cô chỉ là những câu hỏi lòng vòng, “Anh có đang nghĩ chuyện này không phải là do cô? Anh có hối hận vì đã cầu hôn khi nghĩ sô sẽ là một người vợ tốt, một người mẹ hiền?”
Bé Giang dừng bước ở nơi giao nhau giữa thư viện và nhà bếp, “Con đã quen với việc: mì tôm trở thành món ăn chính của bữa tối vào các ngày trong tuần rồi ạ.” Ngoảnh đầu lại, Giang nhìn chăm chăm về phía Du như thể người đi săn đang săm soi con mồi của mình vừa bị trúng mũi tên ở vị trí nào và có bị thương nặng lắm không. “Không tin, ba cứ hỏi dì Du xem. Con ăn mì trứng cả tuần để lấp đầy bụng đấy!”
Du có oan ức không?
Có lẽ là không!
Ngày đầu tiên làm vợ, cô làm tăng ca vì bé Giang báo bận học thêm nên về trễ và sẽ ăn tối ở căn tin trong trường.
Ngày thứ hai, ba, bốn, cô có buổi chụp hình cưới ở tình Bình Thuận và Đà Lạt. Mỗi buổi tối của ngày hôm ấy, Du đều điện thoại về nhà nhưng bé Giang chỉ cần nghe thấy giọng cô là cúp máy. Du đành nhắn tin dặn dò, con bé cũng chẳng buồn hồi âm.
Ngày thứ năm trở về thành phố, Du chuẩn bị bữa cơm tối và chờ Giang đi học về. Nhưng tất cả những gì Du nhận được chỉ là sự khó chịu ra mặt từ con bé, “Chúng ta cùng ăn cơm tối ư? Ôi không đâu! Theo như những gì con được biết, bữa cơm tối chỉ dành cho những người trong gia đình thôi!”
Ngày thứ 6, bảy, Du chôn chân mình theo công việc dưới tỉnh Vũng Tàu cùng hai cặp cô dâu chú rể. Du đã suy nghĩ rất nhiều về lời ám chỉ của con bé. Du tự hỏi và cũng phải là người tự trả lời, “Gia đình là gì? Những người cùng chung một mái nhà cũng đâu được coi là gia đình, đúng không?”
Bước sang tuần thứ hai, mối quan hệ của Du và bé Giang còn tồi tệ hơn thế. Con bé tránh mặt Du, Du càng tìm cách để xuất hiện, chạm trán nhau và chủ động mở đầu câu chuyện. Nhưng những gì Du thu hoạch được chỉ là, con bé càng tỏ ra hỗn xược, rời khỏi nhà sớm, và trở về khi đã tối khuya.
Sau gần hai tuần, ở một cương vị mới với một vai trò mới – người mẹ, không lẽ, Du đã bắt đầu nếm được mùi vị của ‘món ăn thất bại’ ư?
Và vào giây phút này, sau những căng thẳng và áp lực bởi công việc từ chuyến công tác mang lại, hẳn Viễn đang buồn lắm? Anh có trách cứ và buộc tội Du về việc cô đã không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ?
Ánh mắt Du hoang mang. Cô lẩn tránh ánh nhìn của anh. Cô có nên giải thích mọi chuyện để anh hiểu?
Nhưng không cần Du chủ động, Viễn đưa tay kéo người cô về phía anh. Giọng anh trầm ấm, “Du ơi! Anh thương Du! Hẳn là Du đã áp lực và mệt mỏi lắm!”
Kìm tiếng nấc nơi cổ họng, Du gạt nước mắt và gục đầu vào khoảng ngực ấm nóng nơi anh. Cô đâu còn mong mỏi điều gì hơn những điều anh vừa nói. “Chỉ cần anh thương Du và hiểu Du là được rồi. Du sẽ cố gắng để mọi chuyện không xảy ra như bữa cơm gia đình đầu tiên này nữa.”
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top