| The Post (movie)
Review: The Post (2018)
Warning: Spoil mạnh
The Post tạm dịch Bí mật Lầu Năm Góc
Độ dài: 1 giờ 57 phút
Đạo diễn: Steven Spiellberg
Quốc gia: Hoa Kỳ
Ngôn ngữ: tiếng Anh
Đánh giá trên Rotten Tomatoes (Tomatometer: 88 %, Audience score: 73%)
Tốt, chúng ta có gì ở The Post - nhân vật chính trong bài review lần này? Chưa bao giờ tớ lại cảm thấy bị thu hút và vô cùng hồi hộp về việc sản xuất thông tin của một tờ báo cũng như việc vỡ òa cảm xúc vì một quyết định, một kết quả mang tính chính trị. The Post đã nhận được đề cử Oscar lần thứ 90 ở hai hạng mục Phim hay nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho nữ diễn viên Maryl Streep. Ngoài ra, phim còn nhận được 6 đề cử tại giải thưởng Quả Cầu Vàng lần thứ 35 cũng như nhận được đề cử và thắng giải tại một số giải thưởng danh giá khác trên thế giới.
Nói về The Post như thế nào nhỉ ? Đây là bộ phim chính trị lịch sử đầu tiên mà tớ xem và nó đã chính thức được đưa vào danh sách phim yêu thích của bản thân tớ. Quả thật thì The Post đã vượt ra ngoài tầm mong đợi của tớ trước khi xem phim.
The Post là một bộ phim kể về những nỗ lực và đấu tranh của các nhà báo tại Hoa Kỳ, mà cụ thể hơn đó chính là các nhà báo của thời báo The Washington Post để có thể xuất bản nhằm phơi bày những thông tin thuộc tốp bí mật và vô cùng nhạy cảm của chính phủ Hoa Kỳ trong những năm đất nước này tham gia chiến tranh Việt Nam, đó là những thông tin về sự thật của chiến tranh Việt Nam. Cụ thể, khi ấy chính phủ Hoa Kỳ đã hứa hẹn với công dân của đất nước họ rằng nước Mỹ sẽ nắm chắc phần thắng của cuộc chiến này trong tay, nhưng đó chỉ là những lời nói dối xoa dịu hòng che mắt công dân vì sự thật là chiến tranh Việt Nam đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn và nước Mỹ đang là phía thất thế.
Bộ phim vốn dựa trên một sự kiện có thật và dựa trên một quyển hồi kí của Katherine Graham - người là chủ sở hữu và là nhà xuất bản của tờ The Washington Post. Vốn dĩ trước đó đã có những bộ phim làm về sự kiện này nhưng The Post đã chọn một hướng đi khác so với những bộ phim đó. Sự khác biệt ở đây chính là thay vì tập trung vào những người quen thuộc trong sự kiện như Daniel Ellsberg (người đánh cắp, nắm giữ nguồn thông tin bí mật của chính phủ Hoa Kì và cung cấp nó cho tòa soạn) hay Ben Bradlee (người tham gia và là chủ chốt trong việc xuất bản thông tin của The Washington Post) thì bộ phim lại chọn bà Katharine Graham (người đưa ra quyết định lịch sử quan trọng cho việc xuất bản nguồn tin mật, góp phần phơi bày sự thật ra ánh sáng) vốn không quá thân quen để khai thác.
Đối với bản thân tớ thì nội dung phim khá đủ sự cuốn hút của một bộ phim, nhịp điệu của nó vừa phải, không quá lê thê, không khiến người xem cảm thấy nhàm chán hay kiệt sức mà rời phim hay cảm thấy phí thời gian khi ngồi ì một chỗ xem một bộ phim chính trị lịch sử. The Post đã tái hiện chân thực lại thời kì hoàng kim của ngành báo chí nước Mỹ; tái hiện lại công việc của các nhà báo khi hoạt động trong một lĩnh vực đòi hỏi thông tin mà họ đưa ra phải mới, chính xác, phục vụ nhu cầu thiết yếu của công chúng; cũng như phản ánh phần nào sự nhìn nhận của công dân Mỹ về chiến tranh Việt Nam.
Màu của The Post khá tối, tuy nhiên như thế đã góp phần thể hiện tốt hình ảnh của một nước Mỹ những năm đầu thập niên 70. View của phim tương đối ổn nhưng đối với mình thì nó chưa thực đẹp vì còn chưa phân bố đồng đều và hợp lí sự vật trong một bối cảnh, cộng thêm màu phim âm u khiến view bị "chìm". Có lẽ những hình ảnh của khung cảnh một tòa soạn bận rộn ồn ào hay cảnh in ấn và sản xuất báo của ngày xưa mới thật sự để lại ấn tượng tốt.
The Post mở đầu bằng những phân cảnh lôi cuốn về chiến tranh Việt Nam và tiếp sau đó là những cảnh khi Daniel Ellsberg đánh cắp tài liệu mật. Sau đó nhịp phim sẽ dần ổn định và xoay quanh nữ chính Katharine Graham trong những việc chuẩn bị cho buổi ra mắt thị trường chứng khoán - một động thái giúp ổn định tài chính của tờ The Washington Post. Sẽ không có gì đáng nói nếu như thời báo The New York Times không tung ra một số sự thật về chiến tranh Việt Nam của chính phủ Mĩ, và theo đó mà The Washington Post cũng dần dần mà lao vào vụ việc chính trị quan trọng này.
Chính sự dẫn dắt này đã làm The Post trở nên thu hút hơn hẳn.
Nửa sau của bộ phim ngày càng cao trào hơn khi The Washington Post đã có được tư liệu bí mật từ Daniel Ellsberg do trợ lí biên tập Ben Bagdikian (đồng nghiệp cũ của Daniel Ellsberg) cố gắng mang về. Các nhà báo và biên tập của The Washington Post đã cố gắng sắp xếp lại chúng và dự định đăng chúng vào số báo ngày hôm sau. Tuy nhiên, luật sư của The Washington Post đã khuyên họ không nên xuất bản vì chính phủ Hoa Kỳ sẽ buộc tội hình sự đối với họ hệt như những gì chính phủ đã làm với The New York Times khi họ liên tục đăng báo về cái tài liệu mật mà họ có được.
Độ kịch tính của phim ngày càng tăng cao khi The Washington Post phát hiện ra rằng nguồn tin của họ và nguồn tin của The New York Times cùng đến từ một chỗ là Daniel Ellsberg, và họ sẽ phải đối mặt với một vấn đề khác song song với việc xuất bản chính là sự khinh miệt. Điều đó sẽ khiến The Washington Post - di sản của gia đình Katherine Graham, bị sụp đổ hoàn toàn. Và chuyện gì đến cũng sẽ đến khi cả The New York Times và The Washington Post cùng nhau xuất hiện trước Tòa án Tối cao để nhận phán quyết của vụ việc lần này. Một quyết định khiến The Washington Post trở nên nổi tiếng hơn hay là đạp đổ cả một di sản mà gia đình của Graham để lại ?
Nói thật thì The Post gần như chiếm trọn trái tim của mình rồi. Hãy khoang nhìn về những phương diện khác mà hãy nhìn về chính nội dung của bộ phim - thứ đã bị mình spoil gần như 60 - 70 °/. ở trên, trước cái đã. Một bộ phim dựa trên người thật việc thật, tái hiện lại thời kì đỉnh cao của ngành báo chí nước Mỹ, thể hiện phần nào bộ mặt của chính quyền Mỹ và thể hiện cách nhìn nhận về chiến tranh Việt Nam của công dân Mỹ tiến bộ, mong muốn hòa bình cũng như quá trình tìm lại công lí. Ngoài ra, phim cũng đã khắc họa rõ nét công việc của một nhà báo chân chính, khao khát được đưa đến công chúng sự thật cũng như cho thấy được sức mạnh của báo chí lên chính phủ, lên trên những người thống trị để đòi lại điều chính nghĩa. Đó là những điểm tiêu biểu của The Post.
Về những phương diện khác của bộ phim.
Đầu tiên, The Post có sự góp mặt của hai ngôi sao Hollywood hạng A là Meryl Streep và Tom Hanks. Mặc dù cả hai người đều thể hiện vô cùng tròn trịa nhân vật của mình, tuy nhiên, đối với bản thân tớ thì tớ lại thích và bị thu hút bởi diễn xuất của Meryl Streep hơn vì vai diễn Katherine Graham thật sự rất chân thực và gây xúc cảm. Từ một người phụ nữ nhút nhát, bị chi phối bởi các cố vấn và các biên tập viên, kể cả Ben Bradlee, Katharine đã dần trở nên dứt khoát hơn và trở thành tiên phong trong việc phơi bày sự thật. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều quyết định, sự thuyết phục và áp lực từ nhiều phía, nhiều lúc tưởng chừng như đã muốn gục ngã nhưng bà Graham vẫn kiên định với chọn lựa và quyết định của bản thân mình. Và Meryl Streep đã thực sự diễn đạt được điều đó rất chân thực như thể bà chính là bà Graham thật sự vậy.
Đây là một trong những phân cảnh tớ vô cùng thích trong The Post. Lúc này, Katharine Graham đang phải đối mặt với hai lựa chọn, đó là xuất bản tài liệu mật, hay không. Katharine đã nghẹn ngào khi thực sự bị hai phía dồn vào. Và cuối cùng, như đã chắc chắn, bà đã nhanh chóng thốt lên và hối thúc rằng, hãy xuất bản, đi nào, hãy làm thôi.
Tiếp theo, bộ phim đã tái hiện chân thực về cách làm báo của ngày xưa mà cụ thể ở đây là vào đầu những năm 70 của thế kỉ trước ở Mỹ. Qua đó đã cho người xem một cái nhìn rõ hơn về cách thức sản xuất thông tin cũng như việc một tờ báo được xuất bản đươc diễn ra như thế nào.
Thêm nữa, trang phục của những người làm trong ngành báo chí trong The Post rất thanh lịch và nhã nhặn nhưng vẫn đem đến một sự thượng lưu khác hẳn, khiến mọi người trong tòa soạn trở nên lịch thiệp hơn và có nét khá là đẳng cấp. Mình rất thích trang phục của quý bà Katharine Graham, vừa đẹp mắt lại vừa trang nhã và hài hòa.
Về những phân đoạn nổi bật trong The Post. Đối với tớ thì phân đoạn nổi bật và ý nghĩa nhất trong bộ phim này chính là khi Katharine Graham cùng chính quyền bước ra khỏi tòa án. Khi đó, chính quyền bị bủa vây và giành được sự quan tâm rất nhiều bởi đám đông ồn ào, đa số là của các cánh báo chí và của truyền thông đại chúng. Họ cố gắng bình tĩnh xoa dịu dư luận bằng những lời trấn an tỏ vẻ. Trong khi đó, bà Graham lại nhận được những ánh mắt chú ý và sự mong chờ kết quả của một đám đông nhỏ hơn, đa phần là những người phụ nữ - những người là người thân của những binh lính Mỹ đang chiến đấu vô nghĩa tại chiến trường Việt Nam cách đó nửa vòng Trái Đất, trong sự yên lặng. Và Katharine Graham trả lời kết quả của tòa án cũng bằng một sự im lặng và điềm nhiên, rồi cứ thế mà lẳng lặng từ tốn rời khỏi đám đông. Một phân đoạn chứa đựng hai khung cảnh hoàn toàn đối lập với nhau, cho thấy một sự đối lập vẫn luôn luôn tồn tại rõ ràng giữa cái chính nghĩa với điều phi nghĩa.
Bộ phim tuy được đánh giá khá cao, song, so với mặt bằng chung với các phim cùng thời điểm thì nó lại gần như hơi bị "chìm". Bởi vì so với các bộ phim vào khoảng thời gian đó như: Get out, Shape of water, Three billboards outside ebbing missouri, Call me by your name, Lady Bird . . . thì The Post chỉ được đánh giá cao và thu hút bởi diễn xuất của Meryl Streep và Tom Hanks, còn nội dung thì mặt dù có đủ sức hấp dẫn nhưng lại không quá nổi bật, có phần khô khan khi trước đó đã có những bộ phim làm về sự kiện này nên khiến phim khá là mờ nhạt.
Tuy nhiên, như tớ đã đề cập ở trên, The Post không đi vào lối mòn, dù "bình cũ" nhưng "rượu mới", và cả diễn xuất của Meryl Streep hay là của Tom Hanks đã khiến phim trở thành một bộ phim đáng xem, ít ra cũng sẽ không làm phí thời gian của bạn khi xem nó.
Điểm: 7.5/10.
~ Cảnh Hi - Wilfred J ~
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top