Review
Tên: Một tòa thành đang đợi anh
Tác giả: Cửu Nguyệt Hi
Thể loại: Hiện đại, gương vỡ lại lành, ngược trước sủng sau, tình duyên đô thị, tinh anh trong ngành, sách xuất bản, HE.
Độ dài: 67 chương
Nhân vật: Hứa Thấm, Tống Diệm.
"Bởi vì một người mà vứt bỏ một tòa thành
Bởi vì một tòa thành lại mất đi một người"
(Bởi vì một người-Trương Lỗi)
Có một câu nói rất nổi tiếng trong giới ngôn tình thế này "Khoảng cách lớn nhất trên thế gian này chính là em đứng trước anh, mà anh lại không biết rằng em yêu anh". Nhưng nếu đọc Một tòa thành đang đợi anh của Cửu Nguyệt Hi, có lẽ bạn sẽ thay đổi suy nghĩ. Bởi vì khoảng cách lớn nhất trên thế gian này giữa anh và em, chính là em lái xe BMW, còn anh ở trên chiếc xe cứu hỏa; là khi em ở tầng lớp cao cấp nhất của xã hội, còn anh ở tầng đáy; là khi em giàu, anh nghèo; là 5 chữ nặng tựa ngàn cân: "Không Môn Đăng Hộ Đối".
Câu chuyện bắt đầu khi Tống Diệm và Hứa Thấm tình cờ gặp lại nhau sau 10 năm xa cách. Họ từng là cặp đôi yêu nhau thắm thiết hồi trung học, ở lứa tuổi 18 đẹp nhất họ đã chia sẻ với nhau những kỉ niệm đáng nhớ, trao cho nhau tấm chân tình cùng những lời thề hẹn son sắt; nhưng đáng tiếc mối tình đó đã sớm chết yểu khi mẹ của Hứa Thấm bắt cô lựa chọn giữa một bên là trai nghèo Tống Diệm, một bên là gia đình giàu có, nơi có thể trao cho cô mái ấm, tình thân và một tương lai bảo đảm. Hứa Thấm chọn gia đình, vứt bỏ Tống Diệm, đi Mỹ du học .
10 năm sau gặp lại, Hứa Thấm lúc này đã trở thành bác sĩ trong Bệnh viện Quân Y số 3, bệnh viện nổi tiếng nhất thành phố, sống một mình trong ngôi nhà xa hoa tại tòa cao ốc đắt tiền nhất, đi làm bằng xe BMW thời thượng. Mà Tống Diệm nay là Đội trưởng của Trạm cứu hỏa Thập Lý, chốt lại vẫn chỉ là một anh lính cứu hỏa quèn, ngày ngày đối mặt với nguy hiểm, bán tính mạng để kiếm mấy đồng lương bèo bọt. Họ đã trưởng thành, đã thay đổi, từ khẩu vị, thói quen, sở thích, đến lối sống....nhưng vẫn có những thứ không thay đổi. Ví như khoảng cách giàu nghèo và địa vị xã hội giữa họ, ví như sự phản đối quyết liệt từ gia đình nhà gái, ví như sự e dè từ chính bản thân Hứa Thấm, và lại ví như tình cảm của họ. Hứa Thấm vẫn chỉ yêu một mình Tống Diệm, mà chấp niệm của anh, cũng chỉ dành cho mỗi mình cô mà thôi.
Nhưng yêu thì đã sao?!
Hứa Thấm, có lẽ nhân vật nữ này dễ được xếp vào một trong những nhân vật nữ đáng ghét nhất giới Ngôn tình. Bởi vì trong một rừng những bông hoa kiên trinh, mạnh mẽ, bao dung, nhiệt huyết, dũng cảm thì cô lại là một cánh hoa nhút nhát, ích kỉ, ham hư vinh, thiếu kiên quyết. Cô yêu, nhưng lại không dám chống lại sự phản đối của gia đình, luyến tiếc cuộc sống no đủ vô lo. Đến lúc cô quyết định không yêu nữa, thì cô lại chẳng nói được làm được, vẫn quay lại quấy rầy và làm khổ nam chính. Biết bao người nói Tống Diệm không xứng với cô, nhưng cô biết, độc giả biết, chính cô mới là người chẳng hề xứng với anh.
Vậy nhưng, thật ra, Hứa Thấm có nỗi khổ của riêng cô. Vốn sinh ra trong cuộc sống nhung lụa từ bé, hưởng hết mọi đặc quyền và ánh hào quang của những đứa trẻ sinh ra ở vạch đích, Hứa Thấm bỗng chốc chịu cảnh gia đình tan vỡ rồi mất cả mẹ lẫn cha, rơi vào cảnh mồ côi phải sống ở Cô Nhi Viện, cho đến khi Mạnh gia đón cô về, nhận cô làm con gái. Quay trở lại với cuộc sống giàu có và đẳng cấp của những gia đình thượng đẳng, Hứa Thấm vẫn nem nép lo sợ, sợ một ngày nào đó lại bị bỏ rơi, bị đá ra khỏi nhà. Người ta vẫn nói, từ đói nghèo đến giàu sang thì dễ, nhưng từ giàu sang quay trở lại đói nghèo thì khó. Hứa Thấm, bề ngoài lãnh đạm, ít biểu hiện cảm xúc, nhưng thực ra lại vô cùng tự ti, nhút nhát, khát cầu tình cảm đã ép mình quen với việc nghe lời, cố gắng nghe lời. Những đứa con đẻ dù cãi lời cha mẹ, ngang ngược đến đâu cũng không sợ, vì chúng biết chắc cha mẹ yêu chúng vô điều kiện, sẽ không bao giờ thực sự bỏ rơi chúng. Nhưng cô thì khác. Cô không tin, hay là cô rõ, dù bố mẹ nuôi cũng thương cô đấy, có trách nhiệm với cô đấy, nhưng đó là thứ tình cảm gắn liền với điều kiện, trao đi đổi lại. Vậy nên cô không dám nói dù chỉ là một chữ "không" với bố mẹ nuôi của mình, vì cô rất rõ cái giá sẽ phải trả là gì. Và cô không thể trả được cái giá đó.
Thế nên, dù mình không thích Hứa Thấm, mình vẫn dành cho cô ấy sự đồng cảm. Bởi vì cô ấy là một người phụ nữ bình thường. Không phải kiểu phụ nữ chúng ta ngưỡng mộ, mà là kiểu mà chúng ta là, chúng ta sẽ, chúng ta đã, chúng ta có thể như thế. Chính vì sự đồng cảm ấy, mình xót xa, đau lòng khi chứng kiến cô ấy vật vã, khổ sở, yêu không được mà buông cũng chẳng xong. Hàng trăm lần cô tự dặn mình quên Tống Diệm đi, hàng ngàn lần cô lại nhớ anh. Mỗi lần nói tiếng từ bỏ, là mỗi lần như cô đang lấy dao tự róc da xẻ thịt của mình vậy. Nhìn mỗi cột cứu hỏa bên đường, mỗi chiếc xe màu đỏ đi qua, mỗi tiếng còi hú đều khiến cô nhớ anh. Làm việc, tập trung làm việc, không ngừng làm việc đều không thể khiến cô quên đi được anh. Chứng kiến cô ấy đau khổ trong cái lồng mà gia đình cô ấy tạo nên, thấy nỗi dày vò của cô ấy, nhìn cô ấy sống mà như chết, mình chỉ cảm thấy xót thương hơn là giận. Khi đọc xong cuốn sách này, một trong những đoạn để lại ấn tượng nhất nơi mình là hình ảnh Hứa Thấm uống rượu say, gom hết can đảm đến đập cửa nhà Tống Diệm, gào lên với anh, hỏi anh vì sao không đến tìm cô, không bước về phía cô, không thử cố gắng vì cô. Vì sao? Vì sao?! Một người càng trầm lặng, càng tỏ vẻ hững hờ, vô cảm bao nhiêu thì khi bộc phát bật khóc càng khiến người ta xót xa bấy nhiêu. Trái tim mình thật sự đã thắt lại khi đọc đến đó, như cảm nhận được nỗi đau và sự bất lực đến không thể thở nổi, không muốn sống nữa của Hứa Thấm vậy.
Tống Diệm ngược lại, là một trong ít ỏi những nam chính ngôn tình mà mình muốn dành cho một chữ Thương. Không phải ngưỡng mộ, chẳng phải yêu thích, mà là thương. Thương anh muốn dành cho người con gái mình yêu những gì tốt đẹp nhất, đấu tranh rồi liều mạng vì nó, nhưng lại bị hãm hại, thương cho mười năm phấn đấu của anh, thương cho anh bị khinh thường, bị chính người con gái của anh hiểu lầm.
...
Hứa Thấm ngỡ rằng giờ đây, lòng cô đã đau lắm rồi. Nhưng khoảnh khắc kế tiếp, cô không sao gọi tên được cảm xúc trong lòng mình lúc này là gì nữa. Tống Diệm dừng chân ở ngưỡng cửa, chạm tay lên tay nắm cửa hồi lâu rồi nói: “Tôi cũng sai. Tôi cũng muốn trao cho cô những gì cô ao ước lắm chứ! Nhưng có rất nhiều thứ nằm ngoài khả năng của tôi. Tôi cũng có lỗi trong chuyện này."
...
Đau đớn biết bao nhiêu khi người đàn ông kiêu ngạo, tự tôn như anh phải thốt ra những lời nói đó. Và rồi cũng chính người con trai ấy, vì quá yêu quá thương, mà đã chấp nhận buông bỏ tự kiêu để một lần nữa quay lại với Hứa Thấm, hèn mọn đón nhận thứ tình yêu không có bảo đảm, không hứa hẹn tương lai của cô. "Đôi mắt vì em mà đổ mưa, nhưng trái tim lại vì em mà che dù, đây chính là tình yêu" (tríchTagore). Sau tất cả, dù Tống Diệm đã từng trách cô, hận cô, nhưng cuối cùng, anh vẫn là lựa chọn thương cô, yêu cô... Nhưng lần này, anh cũng có tự tin của mình. Anh không còn là chàng thanh niên 18 tuổi chỉ biết ngang tàng, bất lực nhìn cô ra đi, anh tự tin mình có thể khiến cô không thể rời khỏi mình nữa, tự tin sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn cho cô...
Càng thương anh hơn khi sau tất cả những thứ mà anh phải chịu, sau tất cả những cái sai của người khác dành cho anh, anh vẫn sống đúng. Con đường anh đi, nghĩa khí của anh, tự trọng của anh, nhân sinh quan của anh, dù có hận, có tiếc nuối, có không cam lòng, vẫn tuyệt không thay đổi. Mình thích vô cùng mỗi khi anh răn dạy cô em gái Địch Miểu, nhất là khi hai người đứng trước cơ hội trả thù những kẻ đã cướp đi tiền đồ sáng lạng và suýt hại chết anh. Mỗi câu nói của anh luôn cực kì thấm.
...
Thời gian không thể quay lại, nhưng tổn thương thì vẫn còn đấy.” Địch Miểu không sao bình tĩnh được. “Anh, sao anh có thể dễ dàng tha thứ cho họ như vậy?”
Tống Diệm cười rất nhạt. “Địch Miểu, em sai rồi, anh không tha thứ cho họ. Thậm chí, anh hoàn toàn không muốn nghe họ nói lời xin lỗi. Vì dù có xin lỗi, anh cũng sẽ không tha thứ.”
Địch Miểu sửng sốt. “Nhưng anh cũng không oán hận, càng không có lòng dạ để trả thù.” Tống Diệm bình thản nhìn em gái: “Không phải anh bảo em đi cứu ai, mà anh chỉ muốn em làm chuyện nên làm. Không cần cảm ơn, cũng không cần đền đáp hay xin lỗi. Về phần anh, hiện giờ, anh sống rất tốt, tương lai sẽ còn tốt hơn. Những việc quá khứ đã là quá khứ rồi, không cần thiết phải canh cánh trong lòng nữa."
Câu chuyện của Tống Diệm chính là minh chứng cho câu nói "Người tốt cuối cùng sẽ chiến thắng". Anh cho mình niềm tin, dù có chút ngây thơ, và cả dũng khí để làm người tốt, hoặc ít nhất, là không trở thành người xấu. Vậy nên, dù ngoài kia có biết bao nam chính ngôn tình cao phú soái, nhưng lòng mình vẫn chỉ muốn dành chữ "Thương" này cho Tống Diệm mà thôi.
Có lẽ, tình yêu giữa Hứa Thấm và Tống Diệm khiến nhiều người nghĩ, yêu mà khổ sở như thế, trả giá như thế, chi bằng đừng yêu. Giống như Tống Diệm từng nghĩ, nếu anh của 28 tuổi bây giờ gặp cô, anh sẽ không yêu cô. Nhưng anh lại đã gặp cô năm 18 tuổi, đã xót thương cô, đã bao bọc bảo vệ cô, đã cẩn thận đặt cô vào trong tim, và đó là con đường một chiều, chỉ có lối vào, không có lối ra. Cũng như Hứa Thấm, nếu chưa từng nếm trải nhiệt tình của anh, cưng chiều của anh, ấm áp của anh, có lẽ cô sẽ không nhớ thương anh đến thế. Chỉ ở bên anh, cô mới có thể nở nụ cười hồn nhiên, mới dám nũng nịu, đòi hỏi, mới sống động, mới là chính mình. Chỉ Tống Diệm hiểu cô, cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Và cũng chỉ có anh, dù biết hết những điều đó nhưng vẫn yêu cô không đổi. "Thích em không phải do ưu điểm hay điều kiện của em, mà vì trong lòng có em nên mới thích toàn bộ những gì thuộc về em". Vậy nên, bao nhiêu năm gặp lại, giữa hai người vẫn là ba chữ: không cam tâm. Không cam tâm từ bỏ. Cô tiến, anh lùi. Nhưng khi cô lùi, anh lại tiến.
Đọc Một tòa thành đang đợi anh để hiểu rằng, vì sao người ta lại thích đọc truyện ngược đến thế, vì sao nó lại khiến người ta ám ảnh và nhớ mãi không quên đến thế. Bởi vì nó khơi gợi cảm xúc mãnh liệt trong ta. Giống như khi chúng ta ăn một chiếc kẹo ngọt, dù có ngon đến mấy, chúng ta cũng có thể quên, nhưng khi cho chúng ta ăn một thứ thật đắng, thật cay, thật chát, mình tin rằng nó sẽ để lại một kí ức đậm sâu trong ta, nhắc ta nhớ mãi... Thật ra, Một tòa thành đang đợi anh vẫn còn là mô típ truyện ngược mà mình cảm thấy dễ đọc và dễ chấp nhận nhất. Vì đó là do nam nữ chính ngược nhau, do cuộc sống ngược họ, chứ không phải do sự xuất hiện của những người thứ ba.
Nói đến người thứ ba, có lẽ phải nhắc đến nhân vật nam phụ, Mạnh Yến Thần, anh trai nuôi của Hứa Thấm. Người đàn ông hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn để làm nam chính trong một câu chuyện tình yêu sâu sắc. Muốn nhan sắc có nhan sắc, muốn nhân phẩm có nhân phẩm, muốn địa vị có địa vị, muốn tiền tài có tiền tài, muốn thâm tình có thâm tình. Khắc kỉ, sạch sẽ và cấm dục. Một nam chính hoàn hảo cho những độc giả ham hư vinh. Nhưng tiếc rằng, vào năm đó, khi anh chọn đẩy Hứa Thấm ra xa để bảo vệ cô, thì cũng đã cắt đứt mọi cơ hội để anh có được cô. Hoặc nói cách khác, phũ phàng hơn, anh chỉ là một thằng hèn dưới cái lốt con ngoan hiếu thảo. Một kẻ không biết đấu tranh cho hạnh phúc của mình và người phụ nữ mình yêu thì không xứng đáng có được hạnh phúc. Anh giống như Hứa Thấm, nhưng Hứa Thấm may mắn vì có Tống Diệm kiên quyết bước về phía cô, còn anh ta thì chỉ biết lặng lẽ đứng đó, lặng lẽ nhìn hạnh phúc vuột ra khỏi tầm tay mình.
Đọc truyện, mình đặc biệt yêu thích ba nhân vật: cô em gái Địch Miểu và cậu mợ của Tống Diệm. Dù ít đất diễn, nhưng họ thể hiện một lối sống nhân hậu và giàu lòng vị tha biết bao. Đều không phải là cha mẹ ruột, nhưng cách đối xử của cậu mợ dành cho Tống Diệm khác hẳn cách mà bố mẹ nuôi Hứa Thấm-những kẻ quyền quý học thức địa vị hơn người đối xử với Hứa Thấm. Họ tôn trọng, yêu thương và luôn nghĩ đến cảm nhận của Tống Diệm. Dù không thật sự yêu thích Hứa Thấm, nhưng vì Tống Diệm, họ sẵn sàng đối xử tốt với cô, mở lòng đón nhận cô. Sự tử tế của họ với mình mới chính là một trong những điểm sáng ấm áp nhất truyện này.
Truyện của Cửu Nguyệt Hi, như thường lệ, cũng không chỉ là về tình yêu đôi lứa. Xen kẽ với chuyện tình ngược tâm quằn quại của nam nữ chính là quá trình Hứa Thấm học cách để làm một bác sĩ không chỉ có đạo đức nghề nghiệp mà còn có tâm, có tình người, biết trân trọng mạng sống; cũng như là những cảnh cứu người, chữa cháy đầy nguy hiểm và căng thẳng đến thót tim của Tống Diệm. Một câu chuyện đề cao đạo đức nghề nghiệp, tình đồng đội, tình người, đậm chất nhân văn trong cuộc sống.
Một trong những điểm mà mình đánh giá cao ở Cửu Nguyệt Hi so với các tác giả ngôn tình khác nữa là văn phong của bà. Bút pháp có lực, vô cùng có chiều sâu. Lời văn vừa súc tích, vừa đẹp và giàu sức gợi cảm, tựa như đang vẽ lên một đoạn phim, với từng cảnh từng cảnh phim chậm rãi hiện lên trước mắt độc giả. Có khi rõ ràng tác giả đang tả cái cây, cái lá, thời tiết, cảnh đường phố,...nhưng lại cho chúng ta cảm nhận được tâm tình, cảm xúc của nhân vật lúc đó. Vậy nên đọc truyện mà cứ như nuốt từng câu văn, có những đoạn phải đọc đi đọc lại vì sợ mình đã bỏ lỡ điều gì đó, không hiểu hết dụng ý của tác giả.
Có một câu nói rất hay dành cho lính cứu hỏa vẫn được lan truyền "Anh đi bảo vệ thế giới, em tới bảo vệ anh". Cơ mà đối với cuốn truyện này, có lẽ sẽ phải sửa lại một chút "Anh đi bảo vệ thế giới, vậy hãy tới bảo vệ cứu vớt em luôn." Cuộc đời Hứa Thấm, năm 18 tuổi gặp được Tống Diệm, nhờ thế đã có được trải nghiệm thanh xuân tươi đẹp nhất. Mà nay, 28 tuổi gặp lại anh, trải qua bao đắn đo, đứng trước bao khó khăn, cuối cùng cũng có thể kiên định gả cho anh, ngày ngày an yên đợi anh đến "cưng chiều cưng đến chết".
"Một tòa thành không đợi anh", bắt đầu bằng thực tế cuộc sống, nhưng cuối cùng, vẫn là hạnh phúc viên mãn nhất. Có lẽ nó không thể là câu trả lời chính xác cho câu hỏi vẫn hay canh cánh trong lòng nhiều người "Lựa chọn tình yêu hay hiện thực". Chỉ là mộng tưởng tốt đẹp của tác giả, hay là đáp ứng hi vọng về một happy ending cho nhân vật của độc giả?! Với mình, không quá quan trọng. Là người theo đuổi chủ nghĩa hiện thực lãng mạn, mình nguyện tin vào tình yêu, vào sức mạnh của nó, cũng như vào kết thúc có hậu cho những người tốt. Kì tích là có thật, và nó sẽ đến với những trái tim can trường dũng cảm và xứng đáng có nó.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top