Thầy Vũ

Nói về trường, về lớp, người ta thường hay cho đó là nơi của hồi ức: "khi ta xa mới da diết nhớ", nhớ về những kỉ niệm buồn – vui của tuổi học trò đầy tinh nghịch. Lắm lúc tôi tự hỏi bản thân mình, một mai khi xa trường, xa lớp, liệu chăng tôi có buồn hay không, tôi sẽ nhớ hay quên, xót xa hay tự hào?

Thời trung học cơ sở chính là lúc tụi con gái bọn tôi bước vào tuổi mới lớn. Ôi! Cái tuổi ô mai đầy ngọt ngào và cay đắng... Tôi không biết rằng mình đã bước vào cái tuổi đầy phức tạp này từ lúc nào. Phải chăng là lớp tám, lớp bảy... Không! Tôi nghĩ là lớp sáu và ngay chính những ngày đầu bỡ ngỡ đã đưa tôi vào lứa tuổi này.

Học ở lớp mới được vài tuần, nhưng với tôi đây là một không gian hoàn toàn xa lạ, cả lớp chỉ vỏn vẹn năm người mà mình biết mặt biết tên – năm người bạn thời tiểu học. Nhưng số lượng như thế là quá ít chăng, năm người giữa ba mươi mấy con người xa lạ. "Không sao đâu, rồi mày cũng quen thôi mà..."- tôi tự trấn an bản thân mình như thế. Những dòng suy nghĩ riêng tư của tôi chợt bị thầy Vũ cắt ngang, thầy gọi tôi lên bảng trả bài cũ. Trời ơi! Nhìn những con số kìa, những dấu ngoặc và cả một câu hỏi tôi không thể hiểu nổi cách làm. Tôi đứng ở đó ngơ ngác một hồi lâu, rồi cố gắng viết nguệc ngạc những gì tôi có thể nghĩ ra lúc bấy giờ. Viết xong tôi lặng lẽ về chỗ ngồi, trái tim tôi thì đang đập loạn xạ cả lên, nước mắt tôi như muốn ứa ra nhưng - tôi vẫn cười. Không biết vì sao tôi lại cười, dường như lòng tự trọng của tôi – của một cô học trò chưa từng bị điểm kém, nó bảo tôi rằng tôi phải cố cười, cố coi mọi việc là bình thường, để không ai chú ý đến tôi, không ai nói gì tôi cả. Và rồi cái gì đến cũng sẽ đến, tôi nhận được con điểm một vào vở – điểm một đầu tiên trong đời - cùng với lời nói như chạm đúng vào nỗi sợ của tôi: về nhà xin chữ kí phụ huynh rồi nộp lại cho thầy. Cả thế giới của tôi như sụp đổ, đối với tôi lúc bấy giờ không gì kinh khủng hơn con điểm một đó. Suốt bốn tiết học tiếp theo, tôi không sao tập trung được, mọi vật cứ nhòe đi trước mắt tôi, nhưng rồi tôi lại gục mặt xuống bàn cố bím chặt môi, tự bảo bản thân không được rơi nước mắt trước mặt người khác – tôi sợ cái cảm giác bị bàn tán, bị cười vào mặt,... Bây giờ nghĩ lại, phải chăng đây chính là lúc tôi bắt đầu lớn lên.

Về đến nhà, tôi quăng chiếc cặp vào góc bàn, rồi bản thân tôi chui vào căn "buồng" – nơi tối nhất trong nhà – tôi khóc. Tất cả nước mắt, tất cả sự kìm nén suốt năm tiết học qua cứ thế mà "bùng nổ". Tôi dường như chẳng thể ngăn cản bản thân khóc được nữa, tôi cứ thế mà nấc lên từng cơn, tôi ho liên tục, nhưng tôi vẫn khóc. Tôi phải đối mặt làm sao với bản thân, phải đối mặt làm sao với thầy và tôi phải đối mặt như thế nào với ba mẹ đây. Với một đứa học sinh lớp sáu như tôi, bao nhiêu đó đã đủ cho tôi dằn vặt suốt mấy tiếng đồng hồ.

Tôi nhìn đồng hồ, đã sắp tới lúc mẹ tôi đi làm về, tôi vội lau nước mắt, rửa mặt, nhưng tôi chợt nhận ra tôi không thể dấu được bí mật này nữa – mắt tôi đang sưng đỏ lên, nhìn vào có thể nhận ra ngay là người mới khóc. Mẹ tôi về, thấy tôi bà liền hỏi tôi là có chuyện gì. Tôi ấp úng một hồi rồi quyết định đưa cuốn vở cho mẹ tôi xem. Mẹ tôi nhìn con điểm một, trong ánh mắt bà có chút buồn. Như một thứ bản năng, tôi cố gắng bình tĩnh, rồi liền tự thanh minh cho mình:
- Mẹ ơi, thầy Toán cho đề khó lắm, con không làm được, nên mới bị điểm một thế này. Thầy bảo tụi con là học sinh lớp chọn nên phải giải được những bài nâng cao...
Mẹ tôi nghe tôi kể lại những bài học trên lớp, trong lời kể của tôi có phần thật có phần do tôi tự thêm vào. Nhưng rồi mẹ lại tin tôi, mẹ bảo tôi nếu học không nổi mẹ sẽ xin cho tôi chuyển lớp. Nhưng không tôi từ chối, một lần nữa vì lòng tự trọng của bản thân – một đứa học sinh mà vì bị điểm kém mà chuyển lớp thì người ta sẽ nghĩ gì về tôi chứ. Tôi cản mẹ, nhưng mẹ lại kiên quyết gọi cho thầy Vũ, cuối cùng thầy lại đến tận nhà tôi để nói chuyện. Tôi chẳng biết làm gì, dù sao cũng không thể xem vào cuộc nói chuyện của người lớn, tôi chỉ còn cách trồn trên lầu mà nghe lén thôi. Thầy nói:
- Em dò bài con bé không phải vì em ghét bỏ gì cháu nó, thật ra để toán cũng không khó, nhưng cái chủ yếu là em chỉ muốn con bé nhận ra trong học tập, điểm số không phải là thứ quan trọng, thứ quan trọng là lượng kiến thức mình tiếp thu được đến đâu. Thêm nữa em cũng muốn con bé không tự mãn về bản thân mình và biết được rằng con người rồi cũng sẽ có lúc vấp ngã, nhưng sau đó là đứng lên bước tiếp hay ngồi tại chỗ là sự quyết định của con bé.

Nói rồi, thầy kêu tôi xuống dưới nhà thầy có điều muốn nói. Thầy hỏi tôi sau khi nghe thầy giải thích tôi muốn lựa chọn như thế nào. Lúc này cảm xúc của tôi lại không thể nào kìm chế được nữa, tôi khóc vừa khóc vừa nói. Tôi chọn ở lại lớp thầy dạy và tôi cũng hứa rằng sẽ không bao giờ tự mãn về bản thân nữa, tôi sẽ học – học để lấy kiến thức, chứ không phải chỉ là những con số trên tờ giấy...

Từ đó, thầy và trò chúng tôi cứ thế vui vẻ học tập cùng nhau. Nhưng rồi thầy lại đi Mỹ vào cuối năm tôi học lớp sáu. Khoảng thời gian ấy là khoảng thởi gian vô cùng khó khăn không chỉ với riêng tôi mà còn là cả lớp. Bởi lẽ thầy không chỉ quan tâm một mình tôi, thầy quan tâm tất cả học sinh của thầy. Giờ đây tôi đã là học sinh lớp chín, chững chạt hơn và hiểu chuyện hơn nhiều, nghĩ lại những giọt nước mắt của mình lúc xưa tôi thấy mình thật trẻ con, thật ngây thơ nhưng chúng mới là đáng trân trọng. Chỉ còn vài tháng nữa thôi là tôi phải xa trường, xa lớp rồi. Trong lòng tôi lại vang lên câu hỏi: "mai này bươn chải trên đường đời đầy gian khổ, liệu tôi có còn nhớ về người thầy năm xưa nữa hay không?"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: